Trang

23 tháng 4, 2014

Trịnh Công Sơn với Hồng Nhung & Khánh Ly

Đăng Bởi  - 
Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung & Khánh Ly
Năm 1975, tiếng hát Khánh Ly vượt sông Bến Hải vang lên trong một ngôi nhà nhỏ bên bờ Hồ Tây, tít ở Hà Nội, một cô bé 5 tuổi cứ mê mẩn với tiếng hát ấy. Và năm 1994, 19 năm sau...
Hồng Nhung: Đến bây giờ em vẫn không thể tả được cảm giác của mình bằng lời, em chỉ biết tiếng hát Khánh Ly mặn mà lắm. Đến giờ, Khánh Ly vẫn là ca sĩ Việt Nam em yêu thích nhất, về mặt thanh nhạc, Khánh Ly hát tưởng như chẳng có kỹ thuật gì mà lại rất kỹ thuật, âm thanh đều rất mở mà... như không.
Còn nhạc Trịnh Công Sơn? Tôi hỏi Hồng Nhung.
- Hồng Nhung: Trước đây, chưa bao giờ em hát nhạc Trịnh Công Sơn mặc dù thích từ lúc 5 tuổi. Em không hát chẳng qua vì cứ nghĩ không thể hát được.

Nhưng cũng có một lần nào đó hát thử chứ ?
 

- Lần đầu tiên, cách đây hơn một năm tại nhà nhạc sĩ Thanh Tùng, em hát bài “Lặng lẽ nơi này” nhưng em hát sai lời và sai cả nốt. Ông Sơn (Hồng Nhung quen gọi Trịnh Công Sơn bằng “ông”) lúc đó say rồi, tiến về phía em, em sợ quá vì mình đã hát trật, nhưng ông Sơn đưa hai cánh tay gầy guộc ra xắn tay áo cho em, rồi ông cúi xuống xắn ống quần dài lụng thụng của em, rồi hát “Lặng lẽ nơi này” để em hát theo cho khỏi sai lời, sai nhạc. 
 
Tối đó, có lẽ vì em không ngủ được, em giở tập nhạc Trịnh Công Sơn ra và tập hát bài “Em hãy ngủ đi”. Lúc đó em cứ tưởng và cứ hồn nhiên tin rằng, bài ấy chính ông Sơn sáng tác dành riêng cho em. Tất cả những người thích nhạc Trịnh Công Sơn đều cảm thấy có một bài hát nào đó dành riêng cho mình mà.
Ca sĩ Hồng Nhung 
Hồng Nhung cười khoe chiếc răng khểnh mà có lần Trịnh Công Sơn nói với tôi rằng bắt đầu để ý đền Hồng Nhung không phải vì tiếng hát mà từ chiếc răng... khểnh.
Dứt tiếng cười Hồng Nhung khẽ hát:

“Rừng đã cháy và rừng đã héo, Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi
Ngủ đi em, đôi môi lửa cháy...”


Nếu bất chợt vu vơ thì lời hát nào của Trịnh Công Sơn thường đến với Nhung?
 
- “Em đi về nơi ấy, nơi đâu nơi đâu”.

Còn khi xuất hiện “Bống bồng ơi!” mà rõ ràng ông Sơn viết dành cho Nhung?
 

- “Nắng vàng, em đi đâu mà vội, mà vội”.
 

Toàn là những cuộc bỏ ra đi... Tôi bình luận.
 

Hồng Nhung: Không, em không cảm giác có sự bỏ đi, không cảm giác gì hết mà khi hát lên những câu ấy, chỉ thấy... thương thôi.
 

Hình như ông Sơn không dám tin cái tình yêu, tình thương hiện hữu, nên đã cố xô đẩy nó vào cõi kỷ niệm để ngồi nuối tiếc. Hồng Nhung có lúc nào có ý muốn tìm sự hòa cảm với ông Sơn không?
 

- Hòa cảm, chán lắm! Giống hệt nhau, chán lắm! Có thể tâm hồn ông Sơn vĩ đại, còn tâm hồn em bé tí nhưng tâm hồn ông Sơn là của ông Sơn, còn tâm hồn em là của riêng em. Ông Sơn sáng tác còn em thể hiện. Có lẽ ông Sơn thích em vì em hát nhạc ông Sơn theo cách riêng của em. Nhiều người chê rằng, em hát nhạc Trịnh Công Sơn “cứng” quá. Em nói: Tiếng hát phát ra từ em như thế... nó là như thế!
 
Có thể đó là vấn đề của thế hệ. Thế hệ của em sau thế hệ Khánh Ly hơn 20 năm rồi, nỗi buồn cũng khác, cách cảm cũng khác. Em được thế hệ này tạo ra, tự nhiên em phải hát nhạc Trịnh Công Sơn theo cách cảm của thế hệ mình.
Nhạc sĩ Hồng Đăng nói rằng, Hồng Nhung sinh năm Canh Tuất, tính cách ứng ở cung “cường” nên sống sôi động mạnh mẽ và phải chăng chính là vậy...
- (khẽ cười): Xin lỗi anh, anh cho em vừa nói chuyện vừa trang điểm vì em chuẩn bị đi tập hát “Hạ trắng” theo  phong cách nhạc Jazz đấy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung
Bỗng cửa sổ dập mạnh, Nhung khẽ giật mình thảng thốt. Tôi nhìn Nhung thể xác mảnh mai, vậy mà, sao tiếng hát từ đâu lại dữ dội, mạnh mẽ đến thế? Theo tôi, chính nội lực tràn trề của một tuổi trẻ đã nâng từng nốt nhạc Trịnh Công Sơn bớt xiêu đi một chút, đã phả từng giọt sáng tinh khiết, trẻ trung lên từng dòng nhạc, lên từng dòng đời của người nhạc sĩ đa tình, đa cảm, đa sầu này. Chợt từ đôi môi nửa son, nửa không son của Hồng Nhung buột ra tiếng hát. Vâng, vẫn cái điệp khúc ấy: “Nắng vàng, em đi đâu mà vội, mà vội, nắng vàng ơi!”

Hồng Nhung (không rời gương và thỏi son): 
 Ông Sơn giỏi kinh khủng, em là thế đấy, lúc nào cũng vội...
Vậy cái đích của vội là gì ?Tôi hỏi.
- Hồng Nhung (nhìn vào mình trong gương): Chẳng là gì hết, chẳng có gì hết! Có đích rồi thì cứ thong thả mà đến, việc gì vội? Anh có tin không, em luôn cảm thấy cô đơn (mím đôi môi cho son đều trên môi). Có lẽ vì vậy em thương ông Sơn kinh khủng.

Theo nghĩa muốn chở che ư?
 
Nhung lại vu vơ hát: "Nắng vàng em đi đâu mà vội..." (bỏ gương xuống, xếp hộp phấn son lại). Thật ra em chỉ là một ca sĩ hát nhạc Trịnh Công sơn mà thôi, và khi hát nhạc của ông Sơn em luôn có cảm giác thương, thương lắm. Thương ai ư? Tất nhiên, trước hết em thương... mình.
***
Tôi cầm điện thoại lên ấn số của Trịnh công Sơn, từ đầu dây bên kia ở phố Duy Tân, giọng Huế của ông Sơn vang lên, tôi nói: "Ông Sơn ơi, tôi đang ngồi ở nhà Hồng Nhung tại Văn Thánh đây, lúc nãy gió dập cửa sổ làm cô nàng giật mình đấy”. 

Trịnh Công Sơn (cười): Vì Bống sợ có anh nào đến bắt gặp ông đang ở đấy đấy.
 

A lô! Ông Sơn ơi, hỏi ông một câu qua điện thoại nhé: “Với Hồng Nhung, ông có nghĩ rằng, ông đã tìm được một ca sĩ hát nhạc của ông thay thế Khánh Ly không ?”
 

- Trịnh Công Sơn: Ông hãy hỏi Hồng Nhung câu hỏi này.
 

Hồng Nhung (mạnh mẽ xen ngang): Em không đồng ý thay thế ai hết. Khánh Ly lúc nào cũng ở vị trí ấy, còn em, hát nhạc Trịnh Công Sơn, như bao nhiêu ca sĩ khác hát nhạc Trịnh Công Sơn, và có vị trí riêng của mình.
 
Khánh Ly (phải) và Hồng Nhung, hai phong cách hát nhạc Trịnh Công Sơn
Sau đó tôi được Hồng Nhung mời làm xe ôm đưa Hồng Nhung đến phòng trà ca nhạc Phương Đông trên đường Hai Bà Trưng để cô nàng răng khểnh tập hát. 
Và tôi đã nghe Hồng Nhung hát “Hạ trắng” theo phong cách jazz.
Tôi tin chắc nếu có phép màu nào mà ca sĩ Khánh Ly có mặt ở đây, Khánh Ly sẽ cười... ngất, còn tôi cũng tin chắc rằng khi thấy Khánh ly cười ông Sơn thể nào cũng nói: Khánh Ly ơi sao em cứ bắt anh lúc nào cũng là anh vậy? Hồng Nhung muốn anh khác... anh, thôi kệ.
Lưu Trọng Văn (Motthegioi)
Ảnh: Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét