Trang

23 tháng 4, 2014

Mục đích của Tổng thống Obama thăm Đông Á?

Chuyến thăm Đông Á của Tổng thống Obama: Tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu xoay trục

Đăng Bởi  - 
Chuyến thăm Đông Á của Tổng thống Obama: Tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu xoay trục
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Philippines trong một  tuần lễ (từ ngày 23 đến 29.4). Giới phân tích cho rằng mục tiêu của chuyến đi lần này của ông Obama là nhằm khôi phục và nhấn mạnh chiến lược xoay trục ở châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Chuyến đi lần này của ông Obama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Hồi năm 2011, ông Obama và sau đó là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng tuyên bố Mỹ sẽ đưa Đông Á thành mối ưu tiên hàng đầu. 
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các nước trong khu vực đã xấu đi trong thời gian gần đây: Nhật Bản, Hàn Quốc đang tỏ ra quan ngại trước vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên. Trung Quốc liên tục leo thang các hành động trên biển dẫn tới sự rạn nứt trong quan hệ giữa Trung – Nhật do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Đài tiếng nói nước Nga đã có cuộc phỏng vấn ông Michael O'Hanlon, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings về chương trình nghị sự của chuyến thăm lần này.
Có thể đạt được điều gì từ chuyến thăm Đông Á của Tổng thống Obama? Và có những yếu tố nào để cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Á?
Michael O'Hanlon: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng đối với ông ấy (Obama) là nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn tiếp tục cam kết với các đồng minh. Như các bạn đã biết, đây là một thời điểm khó khăn trong bối cảnh những gì đang xảy ra ở Ukraine và nhiều người đang tự hỏi rằng khủng hoảng ở Ukraine sẽ có tác động gì đến khu vực châu Á, và nhiều người đang có các câu hỏi khác nhau. 
Nhưng phần nhiều câu hỏi là về việc Mỹ sẽ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự nếu nó xảy ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông như thế nào. Với phản ứng yếu ớt của Mỹ trong vụ việc Ukraine, nhiều người cho rằng Mỹ không quyết tâm xử lý những phiêu lưu tiềm năng của Trung Quốc. Đó là những câu hỏi mà ông Obama phải trả lời.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ông Obama sẽ có những câu trả lời thẳng thắn và nó sẽ khiến các nước trong khu vực yên tâm hơn khi không cần phải khiêu khích hay đe dọa một ai khác. Do đó, tôi nghĩ rằng chuyến đi sẽ diễn ra tốt đẹp. Chủ yếu là ông Obama chỉ cần thực hiện một chuyến đi như vậy. Nó đã bị hoãn lại từ mùa thu năm ngoái do sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa và ông Obama nay cần phải tiếp thêm sinh lực cho cái gọi là tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương bởi Mỹ đã mất xung lực trong thời gian gần đây.
Ông có nghĩ rằng mục đích chính trong chuyến thăm của Tổng thống Obama là chính trị, địa chính trị, tài chính, kinh tế?
Michael O'Hanlon: Tôi cho rằng mục đích chính là chiến lược và ngoại giao, nhưng vẫn có một hy vọng là Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhiều quốc gia trong vùng thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. 
Tuy nhiên TPP giờ chỉ vẫn là một cuộc đàm phán, và không rõ liệu Thượng viện Mỹ có phê chuẩn nó hay không ngay cả khi chúng ta đã đàm phán xong. Tất nhiên, nếu như TPP thành công, nó sẽ mang đến lợi ích kinh tế nhưng tôi nghĩ rằng viễn cảnh đó xa xôi quá. 
Do vậy, trong ngắn hạn, tôi nghĩ rằng việc cần làm là hạ nhiệt các căng thẳng giữa Nhật Bản – Hàn Quốc, Nhật Bản – Trung Quốc, Trung Quốc – Philippines. Việc Mỹ đóng vai trò quan trọng trong hòa giải căng thẳng giữa các quốc gia sẽ là điểm nhấn quan trọng trong cam kết với các đồng minh, và đó là một sự cân bằng quan trọng cho ông Obama trong chuyến đi này.
Những điểm yếu hiện nay trong quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Á là gì? Và chúng sẽ được cải thiện vào lúc nào?
Michael O'Hanlon: Đây là một câu hỏi hay và nó có thể là một câu hỏi hơi tách biệt với những gì mà ông Obama có thể thực hiện trong chuyến đi này. Nếu nhìn vào một số mối quan hệ cơ bản, tôi nghĩ rằng chúng khá tốt. Chúng ta hãy lấy ví dụ liên minh Mỹ - Nhật. Đó là một liên minh mạnh mẽ, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có một số khó khăn khi phải đặt nhẹ nó trong mối quan hệ với các nước láng giềng. 
Nhiều người cho rằng ông Abe dường như không hề hối lỗi cho những sai lầm trong quá khứ của Nhật Bản. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể phải tìm một cách nhẹ nhàng nào đó nhằm đề nghị đồng minh Nhật Bản cũng như Trung Quốc và Hàn Quốc những việc họ có thể làm để cải thiện mối quan hệ. 
Có rất nhiều việc mà ông Abe phải làm. Tôi không đổ lỗi cho ông ta vì cuộc khủng hoảng hay suy thoái trong các mối quan hệ nhưng ông ấy có thể làm cho nó tốt hơn và một số việc ông ta có thể đã làm sai mà chúng ta có thể nhẹ nhàng chỉ ra cho ông ấy.
Theo quan điểm của ông, những trở ngại đối với Mỹ trong việc giải quyết xung đột tại khu vực Đông Á là gì?
Michael O'Hanlon: Tôi nghĩ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thay đổi mọi thứ ở một số mức độ và rõ ràng là sức mạnh, các nguồn lực, khả năng quân sự, sự tự tin ngoại giao của Trung Quốc đã làm cho mọi thứ khác đi rất nhiều. Tôi không muốn đổ lỗi tất cả cho Trung Quốc. 
Đây là một hiệu ứng tự nhiên khi một quốc gia trở nên mạnh mẽ, nhưng vấn đề là trước đây Trung Quốc chưa từng nói về hay đưa ra phản đối về các vùng tranh chấp ở biển Hoa đông hay Biển Đông thì nay Trung Quốc liên tục đưa ra các yêu sách và thách thức các thỏa thuận trước đây nhằm điều chỉnh lại một số phân phối về lãnh thổ và tài nguyên trong khu vực. Tôi cho rằng điều đó có nghĩa chúng tôi đang ở trong một giai đoạn thử thách.
Hoài Anh (Theo VOR)
Ảnh bìa: Ông Obama sẽ tái cam kết mục tiêu xoay trục và đặt trọng tâm vào châu Á – Thái Bình Dương trong chuyến công du lần này. Ảnh: Reuters

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét