Trang

28 tháng 9, 2013

NGƯỜI VN CŨNG ƠN ĐẢNG ĐÓ THÔI...

Người Nhật nổi tiếng thế giới về lòng biết ơn

Tôi còn nhớ hình ảnh các cô gái Nhật giơ cao tấm biển “To our friend around the world, thank you for your support" và chạy quanh sân vận động sau khi vô địch World Cup bóng đá nữ để cảm ơn thế giới giúp đỡ họ trong những năm thiên tai.

Ông  Ito Junichi, CEO của World Link Japan từng nhận xét thế này về người Việt: “Một điều có thể thấy là người Việt Nam thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp. Nhiều người trẻ chỉ thích làm trong những văn phòng tiện lợi, nhà có điều hòa.”
Về người Nhật, ông cho rằng: “Ở Tokyo, trường đại học nổi tiếng nhất là Đại học Tokyo. Nhưng các sinh viên ở trường này nếu có đến làm cho công ty tàu hỏa của thành phố thì việc đầu tiên họ phải làm là dọn dẹp nhà vệ sinh, cắt vé. Họ phải học lao động bằng chân tay. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. Theo tôi, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội”.
Ý của ông, người trẻ trong xã hội Việt Nam không biết trân trọng đóng góp cho xã hội của những người lao động chân tay.
Tôi còn nhớ người sáng lập Toyota cũng từng nói "Bí quyết của tôi là Hardwork (làm việc hết mình), Lòng biết ơn và Tinh thần phục vụ". Hardwork và tinh thần phục vụ thì ai cũng biết là nó có ích cho người làm doanh nghiệp, nhất là có ích cho khách hàng. Còn tại sao lại là lòng biết ơn khi mà nhiều người vẫn giàu nhờ bản chất trở mặt, bản chất chạy theo lợi nhuận mà quên đi rất nhiều thứ, thì có lẽ không phải ai cũng hiểu.
Trong cuộc vận động đăng cai Olympic vừa rồi, nước Nhật đã thắng. Họ thắng vì đã làm an tâm IOC về việc có thể kiểm soát được tình hình nhà máy điện Fukushima, vì họ có đủ tiềm năng tài chính tổ chức Olympic, vì họ có nền thể thao sạch (chưa từng một lần có vận động viên bị phát hiện dính Doping). Bên cạnh đó họ muốn Olympic sẽ mang lại niềm tin, giấc mơ cho những đứa trẻ vượt qua thảm họa sóng thần khủng khiếp hai năm trước…
Nhưng với tôi, điều ý nghĩa nhất cho dù không phải quan trọng nhất với IOC là họ muốn tổ chức một sự kiện đặc biệt để tri ân thế giới, tri ân những nước đã giúp đỡ họ trong lúc khó khăn. Tôi còn nhớ hình ảnh các cô gái Nhật giơ cao tấm biển “To our friend around the world, thank you for your support” (Xin cảm ơn tất cả sự ủng hộ của các bạn khắp nơi trên thế giới dành cho chúng tôi) và chạy quanh sân vận động sau khi vô địch World Cup bóng đá nữ để cảm ơn thế giới đã giúp đỡ họ trong những năm thiên tai. Trong lúc vinh quang, họ không quên hai tiếng cảm ơn.
Điều cốt lõi mà Larry Senn nhắc đến trong cuốn sách best seller “Up the Mood Elevator” không phải là sự vui vẻ hay sự thông thái... mà là yếu tố tinh thần giúp con người sống tốt nhất, hạnh phúc nhất và lòng biết ơn (grateful). Theo từ điển Oxford, lòng biết ơn (hay sự trân trọng) là cảm giác chịu ơn ai đó khi người ta đối xử tốt với mình hoặc làm những gì mình nhờ vả.
Còn nhớ năm ngoái, một năm sau thảm họa động đất, 500 em nhỏ từ vùng đất bị sóng thần tàn phá đã cùng nhau hát bài “Arigato” để tri ân thế giới, một hình ảnh giàu tính giáo dục và nhân văn.
Tôi chợt nghĩ một chút về lịch sử, về nền hòa bình mà những Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… đã ngã xuống với mong ước có được nó.Thế giới không quên Newton, Einstein, Gauss... nhưng có thể nhiều bạn ở Việt Nam chỉ nhớ Tạ Quang Bửu khi tình cờ vào đọc sách thư viện, Lê Văn Thiêm đã từng đoạt một giải thưởng nào đó hay Tôn Thất Tùng chắc chắn là một người nổi tiếng…
Người Nhật không đi giảng đạo đức suông cho người khác, tôi nghĩ cái cốt lõi của họ là kết hợp đạo đức với lợi ích vật chất trong một tầm nhìn dài hạn và biết ơn người khác không chỉ là vấn đề đạo đức mà chính là một tầm nhìn dài hạn.
Vysa (Osaka, Nhật Bản)
VnExpress

SỰ THẬT MẤT LÒNG

"Một nhân viên nước ngoài làm việc bằng 10 thạc sĩ Việt"

Nhiều thạc sĩ Việt chỉ giỏi về lý thuyết, chứ còn kinh nghiệm thì chỉ bằng học sinh lớp 10 ở Mỹ mà thôi. Công ty mướn vào thì họ làm việc cũng chẳng đến đâu. Về hiệu quả công việc thì thấp tệ.

Tôi từ Mỹ về làm cho một doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Bình Dương. Tôi đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc. Hiện nay tôi đang là trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp FDI ở TP HCM. Ngoại trừ những tập đoàn trên 500 người thì cần trình độ thạc sĩ người nước ngoài... còn lại thì nên mướn nhân viên với trình độ cao đẳng là được rồi.
Bởi vì khi đã mướn nhân viên từ nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam làm việc thì đâu cần thạc sĩ, tiến sĩ làm gì. Hơn nữa, tôi thấy thạc sĩ Việt Nam hầu như chỉ giỏi về lý thuyết, chứ còn kinh nghiệm thì chỉ bằng học sinh lớp 10 ở Mỹ mà thôi.
Chúng tôi chỉ cần vài thao tác nhỏ là có thể biết được hiệu quả làm việc của các thạc sĩ. Nếu tôi không muốn nói quá rằng là: một nhân viên nước ngoài có thể làm việc bằng 10 thạc sĩ Việt Nam. Công ty tôi đã từng mướn vài người có trình độ thạc sĩ vào làm nhưng họ làm cũng chẳng đến đâu. Còn người nước ngoài làm việc rất tốt và trung thành.
Tôi cũng nói thật với các bạn rằng: doanh nghiệp FDI bây giờ rất là "ngán" khi mướn người Việt Nam làm trong hàng ngũ lãnh đạo. Bởi vì họ làm việc không bền và trung thành như người nước ngoài. Lúc nào họ cũng nói là vì lương, trọng nhân tài, nhưng thực ra tôi thấy đó là chỉ lời nói ngụy biện, mưu đồ. Một số vào công ty nước ngoài chỉ là làm "bàn đạp" để nhảy chỗ khác thôi.
Oanh To Dao (VnExpress)


27 tháng 9, 2013

"Xin bà con chờ đợi". ĐỢI, ĐỢI VÀ CHỜ ĐỢI

Tổng bí thư: ‘Nhiều việc không có tiền không trôi'

“Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều, khiến người dân như bị ngứa ghẻ”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội).

“Trước đây tham nhũng là những con sâu đơn lẻ nhưng giờ là những con sâu đầy quyền lực liên kết trong lợi ích nhóm, thành những con bạch tuộc bám sâu vòi vào các cơ quan quyền lực nhà nước, khiến chúng tôi không còn dám đấu tranh”, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) bức xúc phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 27/9.
Hàng loạt dẫn chứng gần đây được ông Thịnh đưa ra như: vụ ăn bớt vaccinenhân bản xét nghiệm, nhân bản nhà tình nghĩa… Tuy nhiên, điều khiến cử tri cao tuổi này phiền lòng là hàng chục nghìn cuộc thanh tra kiểm tra chỉ đưa lại kết quả chủ yếu là “nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm”. Vụ nào được đưa ra xử thì hầu hết là án treo.
ctri1-4088-1380278984.jpg
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh: "Tham nhũng đã trở thành những con bạch tuộc bám sâu vòi vào các cơ quan quyền lực nhà nước". Ảnh: Nguyễn Hưng.
“Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải đặt câu hỏi, phải chăng tham nhũng đã len lỏi vào tận cơ quan chống tham nhũng?”, ông Thịnh nói. Theo ông, “con bạch tuộc tham nhũng còn đe dọa cả đại biểu Quốc hội”.
Chia sẻ với bức xúc của cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tham nhũng đã thực sự là quốc nạn, là giặc nội xâm. 
“Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ”, Tổng bí thư nói. Cũng theo ông, trong công tác phòng chống tham nhũng, sau khi điều tra, khởi tố thì phải giám định. Đây là khâu dễ nảy sinh sự “méo mó”, thậm chí “làm giá, bôi trơn” để đổi tội, gỡ tội.
tbt-1706-1380278984.jpg
Chia sẻ với cử tri quận Ba Đình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn người dân giữ niềm tin bởi chống tham nhũng là cuộc chiến cam go. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Để đối phó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần triển khai nhiều biện pháp với thái độ xử nghiêm. Không đồng tình với nhận định rằng, các vụ chống tham nhũng chủ yếu là án treo, Tổng bí thư khẳng định, nhiều vụ đang được tập trung xử lý nghiêm. "Xin bà con chờ đợi", Tổng bí thư chia sẻ.
Cũng trong buổi tiếp xúc chiều 27/9, nhiều cử tri góp ý về việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp Quốc hội vừa qua theo hướng áp dụng hai mức tín nhiệm thay vì ba mức. “Kỳ họp vừa rồi lấy phiếu xong rồi mới trả lời chất vấn. Kỳ này đề nghị đổi lại. Chất lượng trả lời chất vấn sẽ là điểm chốt để đai biểu chấm điểm", cử tri Nguyễn Văn Dũng góp ý.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dư luận chung đánh giá đợt lấy phiếu vừa qua có có tác dụng tốt, chí ít là răn đe, cảnh báo song không phải để thay người này, bỏ người kia. 
“Quốc hội sẽ bàn thêm làm thế nào cho hiệu quả hơn từ các gợi ý về diện lấy phiếu, thời điểm lấy phiếu… Cả bên Đảng cũng phải rút kinh nghiệm. Nếu không cẩn thận thì bên cơ quan Quốc hội phiếu cao nhưng Chính phủ xung trận thì phiếu thấp, như vậy là khuyến khích người không làm, giữ thế”, Tổng bí thư nói.
Nguyễn Hưng
VnExpress

26 tháng 9, 2013

THÍCH CHÂN QUANG: HÒA THƯỢNG, TUYÊN GIÁO HAY LÀ VIỆT GIAN?




 Tôi không phải là tín đồ Phật giáo, đúng hơn tôi không theo tôn giáo, đạo giáo, giáo phái, đảng phái. Đạo của tôi là: Tôn kính Tổ quốc, Dân tộc, Tổ tiên, Công lý và tin vào khoa học kỹ thuật.
 Gần đây dư luận xôn xao về hiện tượng hòa thượng THÍCH CHÂN QUANG nên tôi tìm đọc và nghe thử coi ông ta nói gì? Ông ta là ai?
 Phải công nhận ông ta là người có kiến thức khá uyên bác, sâu và rộng trong nhiều lĩnh vực. Lập luận của ông ta khá sắc sảo, dẫn chứng khôn ngoan, thủ thuật tinh vi...chứng tỏ ông ta là người được đào tạo, huấn luyện rất công phu, bài bản để làm nghề truyền giáo, tuyên giáo. Giọng nói của ông ta truyền cảm, dễ nghe, dễ bị ru ngủ. Ông ta được rất nhiều tăng ni, phật tử tôn sùng, ngưỡng mộ và tin theo.

 Vậy Thích Chân Quang là ai?
 Tôi chỉ đề cập đến 2 (hai) vấn đề sau:

1- Nếu là hòa thượng chân tu sao ông ta không chuyên tâm truyền giảng giáo lý nhà Phật? Sao ông ta lại nói rất nhiều về chính trị, quân sự, quan hệ Trung- Việt, chính sách nhà nước Việt Nam? Về sự kiện Biển Đông?
 Công nhận ông ta nói nhiều điều cũng hay, rất đúng với mục đích tuyên truyền quan điểm, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam.
 Tuy nhiên khi nghe ông ta nói: “Trung quốc và Việt Nam là anh em...” thì tôi không thể chấp nhận được nữa. Ông ta đưa ra nhiều dẫn chứng trong truyền thuyết, lịch sử để chứng minh “Trung quốc là anh”, “Việt Nam là em”. Vậy tôi phải dẫn chứng bằng sự thật lịch sử để chứng minh là ông ta sai:
- Các bạn hãy đọc lại “Hịch tướng sĩ” của Thánh Trần Hưng Đạo:


- “Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau...

 Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm...
 Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm...
Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?”.

- Các bạn hãy đọc “ Bình Ngô Đại Cáo” của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi:


“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phươg.


Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế

Gây thù kết oán trải mấy mươi năm

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.

Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.”
...

 Thế nào? Trung quốc và Việt Nam là anh em hay là Quốc thù? Trong vấn đề này, các bạn tin Đức Thánh Trần và anh hùng Nguyễn Trãi hay là tin Thích Chân Quang?
  Các bạn trả lời câu hỏi này thì các bạn tự chứng minh được các bạn là người yêu nước, lầm lỗi hay là Việt gian?

2. Thích Chân Quang dám loạn ngôn phê Thánh Lý Thường Kiệt là “hỗn”, khi Đức Ngài mang quân hạ thành Ung Châu để ngăn chặn dã tâm xâm lược Đại Việt của Tống triều, là chiến công oanh liệt trong lịch sử ngàn năm chống giặc Trung quốc xâm lược của dân tộc Việt Nam- Đây là sai lầm lớn của Thích Chân Quang.
 Các bạn hãy đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Đức Thánh Lý:

- “  Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang sâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.”

 Tôi chỉ viết bấy nhiêu thôi, các vấn đề khác hồi sau phân giải. Vậy các bạn hãy kết luận: Thích Chân Quang là hòa thượng, cán bộ Ban Tuyên giáo hay là Việt gian?
 Ai cũng có lúc phạm sai lầm, nếu biết sai mà sửa mới là chân tu. Kinh Phật đã dạy: “ Quay đầu là bờ. Buông đao thành Phật”.

Phạm Hải



THUẾ CỦA DÂN ĐÂU PHẢI TIỀN CHÙA

Chi tiêu 'vung tay quá trán'

Dù Chính phủ luôn nhấn mạnh phải 'thắt lưng buộc bụng' từ đầu năm trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhưng báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy 8 tháng qua chi thường xuyên 'nuôi' bộ máy hành chính, chi lễ hội, mua sắm tài sản công… vẫn không ngừng tăng vọt.

Người dân chen nhau nộp thuế tại một Chi cục Thuế ở Hà Nội
Cán bộ biên chế nhà nước quá nhiều nhưng làm việc chưa hiệu quả (Trong ảnh: Người dân chen nhau nộp thuế tại một Chi cục Thuế ở Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ Tài chính ngán ngẩm
Theo chủ trương tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu đưa ra từ đầu năm khi ngân sách rơi vào khó khăn, trong chi thường xuyên các đơn vị phải rà soát để cắt giảm các khoản chi không cần thiết như: mua sắm trang thiết bị làm việc, ô tô; hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành… Phấn đấu thực hiện tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã bố trí cho những nhiệm vụ chi này. Tuy nhiên, qua tổng kết 8 tháng, tình trạng chi tiêu “vung tay quá trán” vẫn diễn ra khiến cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng phải ngán ngẩm. 
Đất nước đang kiệt quệ mà vẫn nghĩ chi tiêu như bình thường thì quả thật là tình trạng đáng báo động
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Số liệu công bố cho thấy, chi thường xuyên (chiếm tới 70% tổng chi ngân sách) 8 tháng lên tới 424.430 tỉ đồng, chiếm khoảng 65% so với dự toán đầu năm là 658.900 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: “Chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng, tăng quá nhanh. Tôi đã rà soát thời điểm hết quý 3, thì 3 năm trở lại đây năm nào cũng vượt dự toán khoảng 10%, từ mức 59 lên 69%”. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, với một quốc gia còn đang phải đi vay nợ để đầu tư, chi tiêu thì đây là nghịch lý đáng buồn, đặc biệt đặt trong bối cảnh chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng nhằm tăng nguồn thu GDP đang ngày càng giảm.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận trong chi thường xuyên còn nhiều bất cập, hạn chế, quản lý chi tiêu ngân sách cho hội họp, tiếp khách, công tác nước ngoài chưa được siết chặt lại. Nhất là các khoản chi cho hội nghị khoa học, hội thảo vượt định mức. Thậm chí, ông cũng nêu tại một số viện khoa học, lãnh đạo phải nói dối nhau, họp một cuộc nhưng ký duyệt thành 2, 3 cuộc nhằm đủ tiêu chuẩn để lấy tiền xe, tiền chi phí khác. Khi kiểm toán vào kiểm tra sổ sách cũng còn nể nang, vì “nói ra cũng dở, mà không nói ra cũng dở”. Dẫn con số 30% số công chức không làm việc hiệu quả, ông Dũng nói: “Chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy gần như không giảm được, nhưng ngân sách vẫn cứ phải chi, khiến tình hình càng khó khăn hơn”. 
“Hơn 10.000 xã lại đẻ ra hơn 10.000 cán bộ”
Trao đổi với PV Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng) bày tỏ mối quan ngại thực sự, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang giảm thu quá lớn. “Những người quản lý chi tiêu ngân sách vẫn chưa thấu hiểu được khó khăn của đất nước trong khi chính họ là người nắm giữ những quyết định. Ngân sách đang kiệt quệ mà vẫn chi tiêu như bình thường thì quả thật là tình trạng đáng báo động”, bà Lan đánh giá. 
Điều đáng phê phán hơn, theo bà Lan, dù chủ trương tiết kiệm được đưa ra từ đầu năm, nhưng lại không được thực hiện nghiêm túc triệt để. “Mấy năm nay năm nào cũng kêu gọi cắt giảm 10% chi thường xuyên, nhưng càng tuyên bố cắt lại càng tăng lên, chi tiêu vung tay quá lãng phí”, bà Lan nói. Cũng theo chuyên gia này, trong khi sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, công chức không làm việc hiệu quả chưa thể cắt giảm, thì số công chức mới lại có dấu hiệu tăng lên. “Những bộ máy không trực tiếp quản lý như hiệp hội thành lập quá nhiều, biên chế càng tăng lên. Hội Nông dân vừa rồi đại hội quyết định tăng cường cứ một xã có một cán bộ chuyên trách ăn lương nhà nước. Cả nước có hơn 10.000 xã lại đẻ ra hơn 10.000 cán bộ, vậy làm sao giảm được chi ngân sách”, bà Lan lo ngại.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bức xúc khi nhiều trụ sở vẫn đang dùng được lại bị đập đi xây lại, cơ quan được xây mới thì hoành tráng, xa hoa to quá mức cần thiết. Nhiều viện nghiên cứu được đẻ ra nhưng không biết làm gì, trong khi những lĩnh vực thiết thực cần đầu tư như nghiên cứu cây, con, giống mới cho nông dân; chi cho quy hoạch phát triển đô thị, giao thông lại không thấy. “Nhiều nước họ nhiều tiền cũng không đầu tư trung tâm vũ trụ hàng trăm triệu USD như mình. Họ để dành tiền chi cho quy hoạch đô thị, giao thông vì họ biết rằng chỉ cần quy hoạch sai sau sửa lại cũng mất cả tỉ USD chứ không ít”, ông Hải cho biết.
Khoán chi, gắn trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Hải, điều quan trọng là phải gắn trách nhiệm người ra quyết định chi tiêu. Chuyên gia Phạm Chi Lan đồng tình: “Theo tôi trong lúc nước sôi lửa bỏng này thì phải khoán chi cho từng bộ, ngành đơn vị. Cùng với đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cho ông tự chủ tự chịu trách nhiệm, như vậy chắc chắn kỷ luật chi tiêu sẽ được siết chặt”.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết từ nay đến cuối năm các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên, số tiền này sẽ được cân đối trở lại nguồn thu ngân sách. Qua năm 2014 do tình hình ngân sách dự báo còn khó hơn năm nay nên ngoài 10% chi thường xuyên đã cắt giảm như mọi năm, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội cắt thêm 10% nữa, trừ phần chi cho cải cách tiền lương. “Có thể đề xuất Quốc hội ngay kỳ họp tới, năm sau khoán chi hành chính, với số tiền cụ thể đó anh phải hoàn thành nhiệm vụ vì tình hình khó khăn quá rồi thì thu được đến đâu chi đến đó, khó phải co lại. Chi thường xuyên giao cho người đứng đầu cấp bộ, cấp tỉnh kèm theo quy chế, tiêu chuẩn định mức”, ông Dũng nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngay cả với chương trình mục tiêu quốc gia, năm tới cũng đề xuất cắt giảm 50%, chỉ tập trung làm các chương trình trọng yếu như nông thôn mới, giảm nghèo, và các chương trình đã cam kết với nhà tài trợ quốc tế.

Mua sắm ô tô, tài sản hơn 1.000 tỉ đồng
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, qua kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị. Qua đó, từ chối chưa thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỉ đồng. Thanh tra các bộ, ngành triển khai 1.353 cuộc trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 1.290 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm. Trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng, thanh tra cũng kiến nghị xử lý vi phạm khoảng 234 tỉ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 89 tỉ đồng, kiến nghị xử lý 90 tập thể, 136 cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, các đơn vị, bộ ngành vẫn mua sắm mới ô tô, tài sản khác trị giá hơn 1.000 tỉ đồng. Cụ thể các bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 168 ô tô với nguyên giá 219,3 tỉ đồng;  mua mới các loại tài sản khác 982 tỉ đồng. 
Anh Vũ - Hương Giang

25 tháng 9, 2013

Các chủ đề chính ở kỳ họp LHQ

Cập nhật: 15:35 GMT - thứ tư, 25 tháng 9, 2013

Đại hội đồng LHQ lần thứ 68
Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 vừa nhóm họp tại New York, Hoa Kỳ
Với rất nhiều Tổng thống và Thủ tướng lên phát biểu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể khiến người ta có cảm giác như một buổi trình diễn tạp kỹ ngoại giao.
Ít nhất 131 nhà lãnh đạo đang hội tụ tại Turtle Bay ở New York, trụ sở chính của LHQ.
Tất cả sẽ có cơ hội phát biểu, từ nguyên thủ một số quốc gia giàu nhất và lớn nhất thế giới như Mỹ và Ấn Độ, tới các nước bé nhỏ nhủ Cape Verde và Bhutan. Chiều dài đoàn xe hộ tống thường chính là thước đo sức mạnh của mỗi nước.
Hầu hết cả năm mọi hoạt động - và cả việc không có hành động gì - của LHQ đều tập trung vào Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Trong thời gian diễn ra Đại hội đồng LHQ thì tất cả 193 thành viên đều có tiếng nói.
Nói là như vậy nhưng chính sách ngoại giao quan trọng lại thường xảy ra không phải tại chính phòng họp Đại hội đồng LHQ mà là ở những cuộc họp tay đôi bên lề mà như các nhà ngoại giao vẫn gọi là song phương - hoặc tại các cuộc họp nhỏ.
Năm nay, hội trường chính không hoành tráng lắm. Hội trường Đại hội đồng LHQ, khán thính phòng khổng lồ với bục phát biểu bằng đá cẩm thạch và khung cảnh quen thuộc đằng sau đang được sửa sang.
Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon
Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng LHQ lần thứ 68
Đây là lần họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ, vẫn được gọi tắt là UNGA.
Hồi tháng trước đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao từ nhóm G20 tại St Petersburg tới một khách sạn ở Geneva, Thụy Sĩ, từ Whitehall ở London tới Paris.
Tuần này những hoạt động đó sẽ tiếp tục diễn ra tại tòa nhà vốn được thiết kế làm nơi hội tụ giới ngoại giao quốc tế và ở cả trong các khách sạn và các phái đoàn của các nước ở gần khu vực này.
Nó có thể sẽ là một trong những lần tụ họp có ý nghĩa và nhiều sự kiện nhất trong vài thập niên qua, trong bối cảnh có thể có những khai thông quan trọng về Iran và Syria.

Iran

Một số nhân vật vẫn thường xuất hiện nay thiếu vắng, và phải kể tới cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Những phát biểu gay gắt của ông nhắm vào Hoa Kỳ và Israel thường khiến nhiều thành viên các đoàn đồng loạt bỏ ra ngoài.
Nhưng người kế nhiệm ông, tân Tổng thống Hassan Rouhani, sẽ được chú ý nhiều.
Ông tới với một thông điệp khác hẳn: kêu gọi "tham gia một cách thận trọng" với phương Tây và mong muốn đưa ra "hình ảnh thực sự về Iran", những từ ngữ mang tính chỉ trích đối với người tiền nhiệm của ông.
Tổng thống Rouhani của Iran tại LHQ
Tổng thống Rouhani của Iran có phát biểu tại Đại hội đồng LHQ với những lời lẽ hòa giải hơn
Rõ ràng ông Rouhani sẽ là nhân vật được chú ý hàng đầu và lời lẽ hòa giải trước khi tới dự UNGA của ông đã khiến tăng thêm đồn đoán rằng ông sẽ tiếp xúc với Tổng thống Mỹ ông Barack Obama.
Đã từng có những lần suýt chạm trán trước đây. Năm 1990 người ta nói tới chuyện ông Mohammad Khatami, một tân Tổng thống Iran với quan điểm cải cách, gặp gỡ Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton.
Nhưng khi hai ông suýt chạm trán nhau thì ông Khatami được nói là đã tránh bằng cách đi vào nhà vệ sinh. Rõ ràng là ông lo ngại những người theo đường lối cứng rắn tại Iran sẽ nhìn nhận ra sao về việc gặp gỡ với lãnh đạo của một nước của "Quỷ satan lớn".
Thậm chí nếu hai vị Tổng thống không gặp nhau trực diện thì Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, có thể sẽ gặp Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif, tại các cuộc hội đàm vào thứ Năm, có sự tham dự của Anh, Đức, Nga và Trung Quốc.
Như thế thôi cũng là một cột mốc lịch sử. Ông Zarif hoàn tất bằng Tiến sĩ tại Hoa Kỳ và tách mình ra khỏi những lời lẽ hùng hồn phủ nhận nạn diệt chủng Do Thái của ông Ahmadinejad. Ông có vẻ là một người mà phương Tây có thể cùng làm việc.

Syria

Vào khi Đại hội đồng LHQ tụ họp, thành viên của Hội đồng Bảo an vẫn đang thảo luận một nghị quyết gìn giữ thỏa thuận bàn giao vũ khí hóa học được thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Nga tại Geneva hồi đầu tháng này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Mỹ và Nga là tác giả thỏa thuận với Syria về bàn giao vũ khí hóa học
Tác giả của thỏa thuận này, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đều đang có mặt tại New York và phĩa Mỹ ám chỉ rằng họ muốn thúc đẩy để Hội đồng Bảo an vốn bế tắc bấy lâu nay thông qua một nghị quyết có tính ràng buộc đối với Syria.
Những khác biệt vẫn còn xung quanh lời lẽ của nghị quyết này, và cuộc gặp của họ vào thứ Ba sẽ là có tính quyết định trong việc giải quyết các khác biệt đó. Các nhà ngoại giao tại LHQ nhận chỉ thị từ thủ đô của mình và đây là tuần lễ trong năm khi các sếp của họ có mặt tại chỗ.

Sudan

Một câu hỏi là liệu Tổng thống Sudan, ông Omar Hassan al-Bashir có thực hiện lời hứa của ông sẽ tới New York hay không.
Ông đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về các cáo trạng tội diệt chủng trong cuộc xung đột kéo dài một thập nhiên tại Darfur và có nhiều khả năng sẽ bị bắt giữ nếu ông đặt chân lên đất Mỹ.
Nhưng Hoa Kỳ buộc phải cấp visa cho bất cứ quan chức thế giới nào muốn dự các sự kiện của LHQ. Một yếu tố phức tạp khác là Hoa Kỳ không tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ấn Độ - Pakistan

Mọi liên lạc giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Rouhani chắc chắn sẽ là hàng tin chính nhưng một cuộc gặp có thể diễn ra tại một khách sạn ở Manhattan giữa Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh, và tân Thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif, cũng đang được nhiều người tại Nam Á theo dõi chờ đợi.
Các cuộc hội đàm hòa bình giữa hai nước đã bị đình trệ trong hai năm qua và các cuộc đối thoại có thể sẽ giảm bớt căng thằng dọc Làn ranh giới kiểm soát chia cắt vùng Kashmir giữa hai quốc gia này.
Tuần trước, ông Sharif cho biết ông cam kết "tham gia trao đổi một cách xây dựng.
Theo BBC

Kinh tế VN "vỡ ổn định vĩ mô 5 năm qua"



Ông Vũ Khoan nói những hạn chế bất cập không được nhìn thẳng.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói Chính phủ Việt Nam đã né tránh nói về nguyên nhân chủ quan là sai lầm trong điều hành khiến kinh tế gặp khó khăn.
Bình luận của ông được đưa ra tại Hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương Đảng ngày 23/9/2013 tại Hà Nội, nơi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự.
Một trong những câu hỏi được ông Phúc đưa ra tại đây là tại sao nền kinh tế Việt Nam lại ra khỏi khủng hoảng kinh tế chậm hơn các nước trong khu vực?
“Tôi không tin khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn, khi mà những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài... đều là những điểm sáng của nền kinh tế chúng ta.
"Sao lại cứ đổ tội cho tình hình khách quan? Nguyên nhân chủ yếu là đã để vỡ ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến nay”, ông Khoan được BấmThời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời.
Báo này cho biết ông Khoan cũng nói về "những hạn chế bất cập trong điều hành không được nhìn thẳng, khi Chính phủ luôn giải thích rằng nền kinh tế khó khăn, là bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, chứ ít khi đi vào nguyên nhân chủ quan là có sai lầm trong điều hành".
"Những con số mà tôi tuy cóc ngồi đáy giếng nhưng vẫn thấy nó khó tin, như con số nợ xấu, nay thế này, mai đã thế khác. Nên nhìn vào thực trạng xã hội mà đánh giá thì hơn,” ông Vũ Khoan nói.
'Giai đoạn nhạy cảm'
Trong khi đó Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, được dẫn lời nói “Việt Nam đang trong bối cảnh sơ kết nhiệm kỳ, với những chuyển động chính trị, nên phải nói đây là thời kỳ rất nhạy cảm”.
Tiến sỹ Võ Trí Thành nói với BBC vào ngày 25/09 rằng Việt Nam hiện đang tham gia đàm phám một loạt các hiệp định thương mại (TPP, FTA với EU...) nên rất nhiều việc phải làm.
"Việt Nam đang trong giai đoạn sửa đổi về hiến pháp và thay đổi, cải cách quan trọng trong lúc nguồn lực còn hạn chế mà mục tiêu đề ra nhiều nên câu chuyện có những cái phức tạp"
Vào hôm thứ Tư, 25/09, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục bốn ngày đàm phán tại Washington về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hãng BấmKyodo News vào hôm 14/09 đưa tin Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những bước cơ bản nhằm xóa bỏ rào cản để đi tới đạt thỏa thuận tại phiên đàm phán cấp bộ trưởng hai nước ở Brunei vào cuối tháng Tám.
"Tại Brunei, Washington đồng ý mở cửa cho thị trường hàng may mặc cho Việt Nam trong khi Hà Nội đề xuất bỏ những ưu đãi cho các công ty nhà nước", hãng tin của Nhật cho biết.
"Về tổng thế, hiệp định TPP phù hợp với chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam để làm sao so hiệu quả hơn, minh bạch hơn, tạo môi trường cạnh tranh cho bình đẳng hơn", Tiến sỹ Võ Trí Thành nói với BBC.
Trong nỗ lực bảo hộ ngành dệt may nội địa, Hoa Kỳ trước đó quả quyết rằng tất cả các sản phẩm may mặc đều phải dùng vải và sợi từ các nước thành viên TPP, tức là từ chối miễn thuế cho các sản phẩm dùng vải sợi nhập từ các nước không tham gia TPP như Trung Quốc.
Tuy nhiên hãng tin này cho biết Washington đồng ý tăng nhiều số lượng hàng dệt may Việt Nam được miễn thuế theo khuôn khổ "đặc cách", về cơ bản là mở cửa thêm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Để đổi lại Việt Nam cam kết thực hiện cải nhằm đối xử công bằng giữa khối doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân có vốn nước ngoài sau giai đoạn "5 năm chuyển tiếp".
Theo BBC

Kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch”

Có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”...

Kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch”
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 vừa được khai mạc sáng nay (26/9) tại Huế.

Một mình “nghẽn mạch”, vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” là nhận xét của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa được khai mạc sáng nay (26/9) tại Huế.

Luôn là diễn giả đầu tiên tại khá nhiều kỳ diễn đàn kinh tế gần đây do Ủy ban Kinh tế tổ chức, Viện trưởng Thiên cũng liên tục đưa ra những nhận xét không mấy lạc quan về nền kinh tế.

Chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”

Tháng 4 năm nay, ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, ông Thiên cho rằng không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay, ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Nay, nhìn lại 5 năm, ông Thiên nhận xét, từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh, song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó, hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại.

“Đây là điểm cần được nhấn mạnh”, ông Thiên nói.

Đặt dấu chấm hỏi sau nhận định Việt Nam rơi vào bẫy “tắc nghẽn” tăng trưởng, ông Thiên cho rằng quỹ đạo cũ của nền kinh tế vẫn nguyên, dư địa chính sách ít, gia tăng thành tích ngắn hạn nghĩa là tiếp tục gia tăng rủi ro và nguy cơ.

Có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”, đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình, Viện trưởng Thiên nhấn mạnh.

Nhìn lại vấn đề từng được tranh luận rất “căng” tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân đầu năm nay là tái cơ cấu nền kinh tế, ông Thiên nhận xét rằng vẫn “chưa có hành động chiến lược”.

Cụ thể, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn ở tình trạng đề án tái cơ cấu trên giấy.

Cho rằng nói kế hoạch 5 năm đã vỡ cũng không sai, ông Thiên đề nghị Quốc hội cần thảo luận cho rõ là nên hướng tới mục tiêu nào trong hai năm còn lại, dốc sức để đạt chỉ tiêu kế hoạch đã trở nên rất khó khả thi, hay là chuẩn bị cơ sở cho cuộc bứt phá sau 2015?

Bên cạnh một số giải pháp trước mắt và trung hạn, giải pháp chiến lược được Viện trưởng Thiên đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đó là quan điểm bình đẳng các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế “chủ đạo” tại Hiến pháp. Bên cạnh đó là quan điểm đất đai đai nên chuyển sang đa sở hữu.

2014 chưa thể thoát trì trệ

Cũng với cái nhìn toàn cảnh tại bản tham luận, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những khó khăn của 2013 vẫn tiếp tục kéo dài và năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ.

Từ đúc kết của nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, ông Lịch cho rằng, những khó khăn của kinh tế từ đầu năm 2013 là hệ quả cuối cùng của giai đoạn từ  năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô.

"Mà nguyên nhân sâu xa là vẫn là từ nội tại của nền kinh tế, từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Sự nhận thức không đúng mức “căn bệnh” của nền kinh tế, việc thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng...", ông Lịch nhìn nhận.

2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay là nhận định đã được tô đậm tại tham luận.

Một trong những hệ quả của 6 năm bất ổn kinh tế vĩ mô mà bước vào 2013 nền kinh tế đang phải đối mặt chính là từ năm 2008 đến nay, hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tình chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, mà tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặc, lúc nới lỏng nhất là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn.

Dẫn đầu 4 thách thức ngắn hạn mà nền kinh tế đang phải đối diện được nêu tại tham luận là nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm. Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài.

Thách thức thứ ba là khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại. Và thứ tư là những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện kéo theo việc xử lý nợ xấu của  ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, là thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015.

Vấn đề này, theo ông Lịch cần phải được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay.

24 tháng 9, 2013

DÂN NGHÈO NGHÈO HƠN

Người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á

Số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu hiện là 195 người, với tổng tài sản 20 tỷ usd.


Người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á
Ông Phạm Nhật Vượng, người đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes Mỹ bình chọn - Ảnh: Forbes.Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (HOSE) của Phạm Nhật Vượng:- Tổng tài sản:          58. 538.158.537.000 VND- Tổng nợ:                 43. 487.121.510.000 VND- Vốn chủ sở hữu:   14. 637.821.147.000 VND. Phạm Hải bổ xung)
Thanh Hải.
Hãng tư vấn Wealth-X ở Singapore và ngân hàng UBS Thụy Sỹ vừa công bố báo cáo cho biết, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong vòng một năm qua.

Cụ thể, theo báo cáo, 6 nước Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều có lượng người siêu giàu gia tăng trong một năm qua. Wealth-X và UBS cho biết, tiêu chuẩn để xếp hạng người siêu giàu là các cá nhân đó sở hữu khối tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên.

Đứng đầu là Thái Lan, với số người siêu giàu tăng 15,2%, từ 635 người năm 2012 lên 720 người trong 2013. Tổng giá trị tài sản của người siêu giàu Thái Lan cũng tăng từ 95 tỷ USD năm 2012 lên 110 tỷ USD năm nay. Việt Nam được xếp thứ hai với mức tăng 14,7%, tiếp theo là Indonesia với mức tăng 10,2%.

Số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu hiện là 195 người, với tổng tài sản 20 tỷ USD. Trước đó một năm, Việt Nam chỉ có 170 triệu phú USD, với tổng giá trị tài sản 19 tỷ USD. Trong khi đó, Indonesia hiện có 865 người siêu giàu nắm 130 tỷ USD, so với con số 785 người và tài sản 120 tỷ USD năm 2012.

Theo tờ WSJ, số người siêu giàu tăng ở Đông Nam Á là nhờ sức tiêu thụ nội địa tăng và sự gia tăng về số lượng của tầng lớp trung lưu. Việt Nam và Myanmar là những thị trường tiên phong đầy hứa hẹn cho dịch vụ ngân hàng tư nhân, với sự tăng trưởng ổn định của tầng lớp dân cư tiêu dùng và nhóm người giàu...


Thủ tướng cho phép lấy 1.500 ha đất lúa làm dự án

Tại một số địa phương, diện tích đất lúa lại có biểu hiện giảm khá nhanh..

Thủ tướng cho phép lấy 1.500 ha đất lúa làm dự án
Theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.

In
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận cho 5 địa phương chuyển mục sử dụng đất để thực hiện một số dự án, công trình.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng hơn 535 ha đất trồng lúa để thực hiện 227 dự án, công trình; tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 417,15 ha đất trồng lúa để thực hiện 115 dự án, công trình; tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 1.934.795 m2 đất trồng lúa để thực hiện 84 dự án, công trình.

Thủ tướng cũng đồng ý cho tỉnh Tuyên Quang quyết định chuyển mục đích sử dụng 16,01 ha đất trồng lúa và 2,03 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 10 dự án, công trình và tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng 96,33 ha đất trồng lúa để thực hiện 26 dự án, công trình.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND 5 tỉnh nói trên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương nói trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020, cả nước phải đảm bảo giữ được 3,81 triệu ha đất lúa. Đáng lưu ý, trong một báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội mới đây cho thấy, dù một số chỉ tiêu về chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đạt, song tại một số địa phương, diện tích đất lúa lại có biểu hiện giảm khá nhanh như Hải Dương giảm 1,4 nghìn ha/năm, Vĩnh Phúc giảm 1,2 nghìn ha/năm, Hưng Yên giảm 1.000 ha/năm.

Ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long còn có tốc độ giảm nhanh hơn như: Tp.HCM 2,7 nghìn ha/năm, Tây Ninh 3,1 nghìn ha/năm, Cà Mau 6,2 nghìn ha/năm, Bạc Liêu 5,4 nghìn ha/năm, Sóc Trăng 4,1 nghìn ha/năm...

Trong khi đó, theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho hay thời gian trước đây, trong vòng 1 năm  chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000 ha, bây giờ mức độ chuyển thấp hơn hẳn, khoảng 20.000 ha đất lúa bởi dù sao vẫn phải vì mục đích công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng hạn chế ở mức thấp nhất có thể và giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.