Trang

17 tháng 9, 2015

Thắc mắc về khoản thu, phụ huynh bị nêu tên trước toàn trường


Không đồng ý với các khoản thu đầu năm của nhà trường, một phụ huynh ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) thắc mắc và đã bị hiệu trưởng bêu tên trước toàn trường trong buổi chào cờ.
Anh Đào Đức Vinh ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) có con gái đang học lớp 9B trường THCS thị trấn Vạn Hà. Theo phản ánh của anh, sáng 13/9 nhà trường tổ chức hội nghị phụ huynh để thông báo kế hoạch dạy học và tình hình thu chi, đóng góp tài chính trong năm học mới.
IMG-9608-JPG-5222-1442481574.jpg
Trường THCS thị trấn Vạn Hà. Ảnh: Lê Hoàng.
Trong buổi họp, khi nghe giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản thu, anh Vinh đứng dậy thắc mắc về một số khoản chưa hợp lý. Cụ thể, khoản thu xã hội hóa giáo dục nhà trường thông báo thu 300.000 đồng mỗi em; Tiền công lắp đặt máy chiếu mỗi lớp 3.000.000 đồng và khoản thu quỹ hội cha mẹ học sinh là 60.000 đồng một em là quá cao. Thắc mắc của anh Vinh được ghi vào biên bản cuộc họp.
Sau đó thay vì giải thích cho phụ huynh thông suốt thì ngay buổi chào cờ đầu tuần sáng 14/9, anh Vinh bị hiệu trưởng Trường THCS Vạn Hà nêu tên trước toàn trường khiến các bậc phụ huynh rất bức xúc.
“Lãnh đạo trường nêu đích danh và nói những điều không hay về tôi khiến gia đình và con gái tôi bị ảnh hưởng. Cháu xấu hổ, sợ hãi mỗi khi đến trường”, anh Vinh nói.
Ngày 17/9, trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vạn Hà thừa nhận đã nêu tên anh Vinh trong buổi chào cờ toàn trường. Tuy nhiên, ông Vượng lý giải “chỉ có ý cung cấp thông tin về cuộc họp chứ không có ý xúc phạm hay lăng mạ phụ huynh Vinh”.
“Trong cuộc họp lớp, anh Vinh có thái độ cư xử không đúng mực, phát biểu thái quá nên tôi nêu tên với mục đích cung cấp thông tin cho giáo viên và học sinh biết chứ không có ý gì khác”, ông Vượng nói.
IMG-9595-JPG-1248-1442481574.jpg
Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vạn Hà Lê Văn Vượng thừa nhận đã nêu tên phụ huynh Vinh trước toàn trường. Ảnh: Lê Hoàng.
Theo ông Vượng, Trường THCS thị trấn Vạn Hà có 524 học sinh, buổi họp phụ huynh đầu năm có 487 người đi họp và duy nhất anh Vinh có ý kiến trái chiều. “Các khoản thu của nhà trường đều được thống nhất giữa phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương”, ông Vinh cho hay.
Theo kế hoạch của Trường THCS thị trấn Vạn Hà, đầu năm học 2015-2016 mỗi học sinh phải đóng góp các khoản thu cụ thể như sau: Các khoản thu theo quy định gồm, học phí 270.000 đồng, quỹ Hội chữ thập đỏ 15.000 đồng, quỹ đoàn đội 25.000 đồng, bảo hiểm y tế 470.000 đồng, tiền gửi xe 135.000 đồng, học thêm 10.000 đồng/buổi x 128 buổi bằng 1.280.000 đồng.
Ngoài ra còn có các khoản xã hội hóa giáo dục như, xây dựng cơ sở vật chất 300.000 đồng, quỹ hội cha mẹ học sinh và vệ sinh học sinh 60.000 đồng, thu phục vụ học tập (nước uống học sinh) 50.000 đồng, ghế nhựa 10.000 đồng; sổ liên lạc, vở luyện viết 15.000 đồng; lắp máy chiếu 3.000.000 đồng mỗi lớp, quỹ lớp 200.000 đồng. Tổng số tiền mỗi học sinh đóng góp đầu năm học cho cả các khoản bắt buộc và tự nguyện là gần 3 triệu đồng.
Lê Hoàng

Tướng Trần Độ nói gì?

( Sưu tầm )

16 tháng 9, 2015

Mỹ cảnh báo Trung Quốc xây đảo trái phép ở Biển Đông


(Quan hệ quốc tế) - Chuyên gia Mỹ vừa tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng, Trung Quốc đang tiếp tục việc gia cố và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Hoa Kỳ tiếp tục “quan ngại” về hành động của Trung Quốc
Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington - Mỹ vừa thông báo, Trung Quốc tiếp tục nhiều công việc xây dựng các chủ thể quân sự tại vùng đảo tranh chấp ở Biển Đông, trái với tuyên bố trước đó của chính họ rằng đã đình chỉ hoạt động tương tự.
Thông báo của CSIS cho biết, bằng chứng về việc này là hình ảnh mới nhất về quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, do vệ tinh vũ trụ của các công ty Mỹ chụp trong những ngày gần đây.
"Chính phủ Trung Quốc công bố rằng về cơ bản đã hoàn thành công việc bồi đắp xây dựng, nhưng rõ ràng không phải vậy" - ông Michael Green, Phó Giám đốc thứ nhất của CSIS, trước đây đã từng phụ trách vấn đề Đông Nam Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra nhận định.
Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Bắc Kinh "đã ngừng các công việc trong vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông", và còn khẳng định “nếu ai đó muốn tin chắc về điều này thì có thể ngồi lên máy bay và nhìn xuống".
Tuy nhiên, các chuyên gia của CSIS thông báo rằng, các hình ảnh do vệ tinh thương mại chụp theo đơn đặt hàng của họ vào ngày 08 tháng 9 hiển thị rằng, Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên bãi đá Subi, nằm ở điểm cực bắc của quần đảo Trường Sa.
My canh bao Trung Quoc xay dao trai phep o Bien Dong
Căn cứ quân sự và trạm radar của Trung Quốc ở phía nam Đá Subi
Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của các chuyên viên Mỹ, bãi đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988, đã được san bằng và gia cố cát đá có chiều dài khoảng 2,2 km và chiều rộng 70 mét, trở nên giống hình hài một hòn đảo khá lớn.
Xét theo hiện trạng và tốc độ bồi đắp của Trung Quốc, có thể trong tương lai kích thước dải đất được bồi đắp còn tăng thêm và Bắc Kinh sẽ cho lát đá hoặc trải nhựa đường. Ngoài ra, những công việc tương tự vẫn tiếp nối cả trên một số đảo khác của quần đảo Trường Sa.
Trong bản báo cáo của mình gần đây đã được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ với nhan đề "Chiến lược an ninh biển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế đã đề cập rất sâu đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
CSIS đã giành trọn vẹn một chương nói về tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông, liên quan đến Brunei, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Philippines, Nhật Bản và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “trung tâm khuấy đảo” của Bắc Kinh.
Trong đó có đoạn viết: "Hoa Kỳ kêu gọi tất cả nước hữu quan có tham vọng lãnh thổ với vùng biển đảo tranh chấp nên duy trì lập trường của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế" và kiềm chế tránh mọi hành động đơn phương, trong đó có việc sử dụng lực lượng quân sự,
My canh bao Trung Quoc xay dao trai phep o Bien Dong
Trung Quốc bồi đắp rạn san hô Mischief (Mischief Reef) tức đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa
Mỹ sẽ làm gì trước hành động của Trung Quốc?
Trước đây, Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần tuyên bố lo ngại trước hành động của Trung Quốc tại vùng biển đảo tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Washington đã nhiều lần điều máy bay, tàu chiến đến tuần tra trên vùng biển này nhằm “bảo đảm an ninh hàng hải”.
Bình luận về thông tin từ ảnh chụp vệ tinh, đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Bill Urban tuyên bố: "Chúng tôi nhớ rõ tuyên bố tháng 8 của Trung Quốc về chuyện ngừng công việc bồi đắp xây dựng. Tuy nhiên, chúng tôi không tin là họ thực sự ngừng và sẽ chú ý theo dõi tình hình".
Vị đại diện Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Bắc Kinh cần ngừng ngay các hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng các đảo, đá trên biển Đông, "phương pháp duy nhất để giảm căng thẳng trong khu vực là chấm dứt những hành động đơn phương gây mất ổn định" - ông Urban khuyến cáo.

Cả họ làm lãnh đạo huyện: Con kính thưa bố...


- Đọc câu chuyện cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện ở Mỹ Đức (Hà Nội), độc giả VietNamNet gần như đồng thanh "ở địa phương tôi cũng thế"!
Độc giả Nguyễn Văn Học nhận định việc này phổ biến không riêng gì ở Hà Nội mà ở khắp nơi, nhất là các cơ quan nhà nước: "Chủ yếu là con em trong nhà lãnh đạo, cứ thanh tra thử các cơ quan công quyền thì rõ".
"Không chỉ ở các cơ quan quản lý nhà nước, các tổng công ty cũng thế thôi!", là phản hồi của độc giả Nguyen Thanh Binh. Độc giả Anh Phúc ví von tình trạng này là "đồng chí con kính thưa đồng chí bố trong cùng một cơ quan".
Độc giả Anh Tien thấy công tác cán bộ đang "báo động", còn độc giả Anh Quang chỉ ra thực tế đang hiện hữu khắp nơi này khiến những người học hành giỏi giang về "chỉ biết đứng nhìn vào cơ quan chính quyền mà khóc" vì ở đó không trọng dụng người có năng lực. "Họ cần người họ hàng, thân thích để 'dễ bảo' hơn", độc giả này viết. 
Hậu quả của việc này, như độc giả  Duy Ki Ban chỉ ra là "quê cứ nghèo mãi", và "bao giờ VN có dân chủ và công bằng như các khẩu hiệu", theo độc giả Trần Cung. Đối với độc giả DTuan thì đây là nguyên nhân khiến "việc đấu tranh, phê bình, chống quan liêu, tham nhũng của Đảng và nhà nước chẳng đạt được nhiều kết quả".
Độc giả Chung Nhận cho rằng "đây là chứng minh cho việc đúng quy trình lạm quyền mà Đảng không kiểm soát được, những người có trách nhiệm cứ cố níu giữ cơ chế để hưởng lợi". "Nhưng nhân dân được gì, đảng viên được gì. Đại hội Đảng lần thứ 12 có bàn khắc phục việc này không?", độc giả đặt câu hỏi.
Chia sẻ băn khoăn này, độc giả Trần Văn Hoàng phản hồi: "Không biết trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc có đề cập đến chuyện này không? Nếu không loại bỏ được 'chế độ hậu duệ" này thì đừng hy vọng sự công bằng, dân chủ...".
Có năng lực thì không sợ
Tuy nhiên, cũng có người đặt vấn đề từ góc nhìn khác. Độc giả Hùng Dũng viết: "Có năng lực trình độ và công tâm thì không sợ, việc ấy trên thế giới các nước tiên tiến cũng làm, như ở Mỹ, Nhật... Bố làm thủ tướng, tổng thống, con sau này cũng làm tổng thống, thủ tướng".
"Nhưng ở họ công khai, minh bạch nên không vấn đề gì", độc giả trao đổi thêm.
Độc giả Trần Ngũ có ý kiến tương đồng khi đề nghị "thôi thì họ mạc cũng được nhưng nên thanh kiểm tra nghiêm túc xem các vị này có thực sự đủ tiêu chẩn không?"
Độc giả Hoang Van Tien thậm chí chỉ ra "luật chơi": Nếu họ làm tốt công việc thì không sao. Nếu làm sai thì cả họ rủ nhau đi tù.
Do đó, giải pháp vẫn nằm ở việc thực hiện các quy định của pháp luật. Độc giả Hung phân tích: "Đây là lỗ hổng rất lớn trong luật Công chức, Viên chức. Không chỉ ở huyện này mà còn rất nhiều nơi mang tính 'gia đình trị', lý do rất đơn giản là luật không cấm".
"Cần có quy định rõ ràng, trong một đơn vị, người đứng đầu không được có người ít nhất là ba đời thân thích làm cùng, kể cả bên nội và bên ngoại", độc giả viết. 
Độc giả Dũng Phan hưởng ứng, chỉ ra "từ thời nhà Nguyễn, luật đã không cho phép quan đứng đầu địa phương là người của địa phương". "Ta có cần học lại ông cha không?", độc giả này nêu quan điểm.
Chung Hoàng (tổng hợp)

Sự thật việc “ tôn vinh” một thầy bói ở Đắk Lắk


Thầy bói được vinh danh, nhận tượng vàng trên VTV vì góp 35 triệu đồng cho chương trình

Đăng Bởi  - 
ton vinh mot thay boi o Dak Lak

Làm nghề thầy bói suốt 10 năm qua, từng 2 lần bị Công an xử phạt hành chính vì hành nghề mê tín dị đoan, không công trạng gì với xã hội, vậy mà bất ngờ ngày 16.8.2015, Phan Bá Huynh (SN 1981, trú xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk được chương trình Vinh quang Việt Nam vinh danh trên kênh truyền hình quốc gia (VTV1) khiến nhiều người “ngã ngửa”, bất bình.

Phản cảm
Những ngày qua, dư luận tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk xôn xao bàn tán chuyện về một người đàn ông làm nghề thầy bói tại địa phương, được Chương trình Vinh quang Việt Nam 2015 vinh danh trên sóng truyền hình quốc gia. Điều này khiến nhiều người không khỏi bất bình, khó hiểu, thậm chí hoài nghi về sự nghiêm túc của một chương trình vốn mang nhiều ý nghĩa.
Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã về tận nơi Huỳnh cư trú. Anh Nguyễn Minh Q. (SN 1975, ở cùng xã với Huỳnh), khẳng định: “Tôi biết gia đình Huỳnh ở đây từ nhiều năm. Ông ấy thực chất làm nghề xem bói, ngoài ra không làm gì khác; không nghe gì về đóng góp của ông ta với cộng đồng. Hôm đó, vô tình vợ tôi bật tivi xem, bất ngờ nghe MC xướng tên Phan Bá Huỳnh và thấy ông ta bước lên bục sân khấu nhận tượng vàng Thánh Gióng và Bằng chứng nhận, vợ chồng tôi vô cùng ngạc nhiên. Chẳng hiểu Huỳnh có thành tích gì”.
Có người kể, khi họ hỏi trực tiếp sao Huỳnh được vinh danh hoành tráng quá, ông ta úp mở nói rằng, do có những đóng góp cho xã hội nhưng địa phương không biết. Nhiều người nói thẳng rằng: việc để một người làm nghề mê tín dị đoan, chẳng có đóng góp gì cho xã hội xuất hiện trong một chương trình lớn, ý nghĩa như thế, thật quá phản cảm.
Đại diện Ban Tuyên giáo huyện Krông Năng cũng tỏ ra vô cùng bất ngờ, trước việc Huỳnh được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2015. Theo vị này, việc vinh danh một người xem bói, chẳng có thành tích gì, thật không thể chấp nhận được. Trước khi Huỳnh được vinh danh, không có ai đến địa phương để tìm hiểu.
Ban tổ chức nói gì ?
Tại nhà riêng, “thầy bói” Phan Bá Huỳnh (đã có vợ, 2 con) không ngại ngần cho chúng tôi xem phần thưởng được nhận, gồm một bức tượng Đức Thánh Gióng bằng đồng, mạ vàng, cao 35cm, nặng 5-6kg cùng một Bằng chứng nhận, có chữ ký của BTC. Sau một hồi huyên thuyên về khả năng chữa bệnh, xem bói thuộc hàng “tài năng”, “có tiếng”, Huỳnh xác nhận rằng, ông nhận tượng vàng Đức Thánh Gióng là vật lưu niệm chứ không phải được tôn vinh, do trước đó đã đóng góp cho BTC chương trình số tiền 35 triệu đồng.
Xem lại Chương trình Vinh quang Việt Nam 2015 phát trực tiếp trên VTV1 ngày 16.8.2015, chúng tôi thấy phần tuyên dương “điển hình tiên tiến”, cùng với nhiều cá nhân, tổ chức khác, người dẫn chương trình đọc “xin kính mời ông Phan Bá Huỳnh ở Krông Năng, Đắk Lắk”. Mỗi gương điển hình tiên tiến sẽ được tặng một “tượng vàng Thánh Gióng”. Khi ông Phan Bá Huỳnh cùng nhiều cá nhân khác được nhận chứng nhận sở hữu tượng vàng xong, người dẫn chương trình tiếp tục nói: “Một lần nữa xin được chúc mừng các tập thể, cá nhân đã được tôn vinh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam”.
Trong suốt chương trình, các MC không hề có bất kỳ một lời giải thích nào để quan khách và khán giả truyền hình có thể hiểu: một số người được trao tượng vàng Thánh Gióng không phải là những điển hình tiên tiến mà chỉ đơn thuần là họ đã đồng hành, đóng góp với chương trình.
Một thành viên trong BTC Chương trình Vinh quang Việt Nam 2015 (xin không nêu tên) cho biết: các tổ chức, cá nhân, công dân Việt Nam trên mọi vùng miền của đất nước không vi phạm pháp luật đều có quyền tham gia tài trợ và được nhận vật phẩm. Các tập thể, cá nhân ủng hộ, tài trợ bằng vật chất hay tinh thần, dù ít hay nhiều đều được BTC mời lên sân khấu tặng vật phẩm biểu tượng văn hóa, lưu niệm. Trường hợp Phan Bá Huỳnh đã tài trợ cho chương trình và được nhận pho tượng Thánh Gióng của Chương trình Vinh quang Việt Nam.
Còn trên trang web của Công ty Hữu nghị Á Châu - 1 trong 4 đơn vị đồng tổ chức Chương trình Vinh quang Việt Nam (địa chỉ www.afc.com.vn) có đoạn viết: “Cùng với các hoạt động văn hóa của sự kiện Vinh quang Việt Nam 2015, BTC thực hiện đúc 70 Quốc huy Việt Nam chất liệu đồng mạ vàng biểu tượng quốc gia, biểu tượng thiêng liêng, cao quý đầy tự hào của mỗi người dân Việt Nam và 70 bức tượng Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương biểu tượng của sức mạnh, niềm tin, ý chí tự chủ, kiên cường, lòng yêu nước, yêu hòa bình có giá trị lưu truyền muôn đời sau”. Như vậy, việc “thầy bói” Phan Bá Huỳnh được nhận tượng Thánh Gióng nên được hiểu là như thế nào?
H. Anh- Bảo Yến/Công an TP.HCM

Ngôn từ hiếu chiến, xấc xược, xuyên tạc trắng trợn của báo Trung Quốc


(GDVN) - Nhưng từ những lời lẽ hung hăng nhất của truyền thông Trung Quốc đã cho thấy điểm yếu nhất của họ, đó là sự thiếu tự tin bởi vì không có chính nghĩa.
Từ ngày ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc càng trở nên hung hăng hơn trong việc theo đuổi yêu sách vô lý, phi pháp của họ ở Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/9 đăng bài xã luận với giọng điệu cực kỳ hiếu chiến và xấc xược, xuyên tạc trắng trợn sự thật trên Biển Đông khi nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng (bất hợp pháp) căn cứ quân sự ở đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là do bị Việt Nam và Philippines "ép"?! Nước này chưa đánh đuổi Việt Nam và Philippines khỏi Trường Sa đã là kiềm chế lắm rồi?!
Dẫn lại bản tin của phóng viên đài BBC đã thực mục sở thị công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Gạc Ma mà BBC tin rằng một căn cứ quân sự mới của Trung Quốc sẽ được dựng lên (trái phép) ở đây, đồng thời tờ báo cũng đưa phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ chỉ "cải tạo điều kiện sống và làm việc cho nhân viên trên đảo", với những ngụy biện ngôn từ mà chúng tôi đã phân tích TẠI ĐÂY  .
Không ngần ngại, Thời báo Hoàn Cầu đã xổ toẹt ngay vào phát ngôn lập lờ vừa nêu của Hoa Xuân Oánh khi thừa nhận rằng đúng là Trung Quốc đang rất cần căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa để đối phó với cục diện phức tạp. Tại sao lại lựa chọn Gạc Ma, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng cần phải để xem cánh phóng viên, nhiếp ảnh phương Tây đổ xô ra đó để nghiên cứu.
Thời báo Hoàn Cầu lý luận rằng, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 quy định các bên liên quan không được chiếm thêm đảo/đá/rặng san hô mới, không được phép có hành động xây dựng trên các đảo, đá, rặng san hô không người ở và các cấu trúc tự nhiên khác ở Biển Đông rồi nói rằng Trung Quốc "gương mẫu chấp hành"?! Ngược lại, tờ báo này vu cáo Việt Nam và Philippines liên tục vi phạm DOC như "chiếm đảo, di dân, xây dựng các kết cấu vĩnh cửu như đường băng sân bay. 2 nước này liên tục bức bách Trung Quốc"?!
Tuy nhiên đó chỉ là chiêu trò ngụy biện, vừa ăn cướp vừa la làng của tờ báo Trung Quốc này. Chính báo chí, truyền thông cũng như các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc đăng tải hàng loạt ảnh, tư liệu và công khai thừa nhận các hoạt động xây dựng phi pháp, thay đổi hiện trạng của Trung Quốc trên 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa (Bắc Kinh thôn tính của Việt Nam và chiếm đóng trái phép từ 1988, 1995 đến nay).
Nhà giàn "cho ngư dân tránh bão" trước đây và một pháo đài quân sự kiên cố ngày nay do Trung Quốc dựng lên bất hợp pháp ở đá Vành Khăn.
Điển hình như đá Vành Khăn mà Bắc Kinh đánh chiếm bất hợp pháp năm 1995, ban đầu họ tuyên bố xây dựng nơi trú bão cho "ngư dân" Trung Quốc, sau đó tới việc điều "nhân viên Ngư chính" ra đồn trú tại đây, và cho đến giờ đã hiện nguyên hình là một căn cứ quân sự kiên cố nhất của Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa  .
Trên 6 bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Subi, Ga Ven và Tư Nghĩa, Trung Quốc đều xây dựng nhà nổi công sự kiên cố, cắt quân đồn trú và từ sau thời điểm có DOC tới nay vẫn không ngừng các hoạt động xây dựng, củng cố, lắp đặt các trang thiết bị quân sự nhằm cắm chân lâu dài, độc chiếm Biển Đông. Chưa kể đến những thủ đoạn, hoạt động thay đổi thực trạng ở Trường Sa không kém phần nguy hiểm khác như các lệnh cấm đánh bắt cá, xua tàu cá xuống Trường Sa.
Có thể thấy DOC đã hoàn toàn vô tác dụng dưới bàn tay Trung Quốc, và ngay cả DOC - bộ Quy chế ứng xử của các bên trên Biển Đông mà cả ASEAN đang nỗ lực theo đuổi, cộng đồng quốc tế kêu gọi cũng chỉ vì Trung Quốc tìm mọi cách trì hoãn, né tránh mà không thể đi đến đâu. Mặt khác, về bản chất quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với đầy đủ bằng chứng pháp lý - lịch sử có hiệu lực còn Trung Quốc đã nhảy vào thôn tính một số bãi đá và không ngừng tham vọng bành trướng mở rộng lãnh thổ.
Phản ứng kiềm chế của Việt Nam và Philippines trước những hành động phi pháp của Trung Quốc lại bị tờ Thời báo Hoàn Cầu xuyên tạc thành 2 nước "sợ phản ứng vì đã xây dựng quá nhiều ở Trường Sa, dù bất mãn với Trung Quốc xây đảo ở Gạc Ma cũng không dám can thiệp quy mô lớn". Washington cho đến nay vẫn chưa công khai phản ứng việc Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp ở Gạc Ma, nhưng điều đó không có nghĩa vấn đề Gạc Ma sẽ lắng xuống và Bắc Kinh "cần phải chuẩn bị phương án cho điều này".
Những phân tích của các học giả và truyền thông quốc tế xung quanh sự kiện Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trái phép, đảo hóa đá Gạc Ma thì Thời báo Hoàn Cầu cho rằng cộng đồng quốc tế đang "đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền của Trung Quốc".
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên công sự kiên cố ở đá Chữ Thập, Trường Sa.
Hành động đảo hóa, xây dựng căn cứ quân sự ở Gạc Ma được ngụy biện rằng là một "hành vi kiềm chế" trong phạm vi đường lưỡi bò. Thời báo Hoàn Cầu lên giọng xấc xược: "Việt Nam, Philippines phải biết rằng sau khi họ bố trí nhiều như thế ở Trường Sa thì việc Trung Quốc không có hành động gì căn bản là điều không thể. Tốt nhất là Việt Nam và Philippines chớ để chủ nghĩa dân tộc trong nước kích động vì điều này không có tác dụng gì với Trung Quốc mà chỉ càng làm cho chính quyền 2 nước cưỡi trên lưng hổ"?!
Xấc xược hơn, Thời báo Hoàn Cầu nói rằng trong phạm vi đường lưỡi bò Trung Quốc xây căn cứ ở Gạc Ma là đã đã kiềm chế tối đa chứ chưa "đánh bật Việt Nam và Philippines khỏi Trường Sa" như kêu gọi trên mạng internet là may lắm rồi?!
Xung quanh việc Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey sang thăm Việt Nam và những bình luận về quan hệ Việt - Mỹ, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng đó chỉ là nước cờ để Washington cân bằng quan hệ với Trung Quốc?!
Kết thúc bài xã luận sặc mùi hiếu chiến, Thời báo Hoàn Cầu nói rằng "Trung Quốc chưa muốn kết thúc vấn đề Biển Đông với Việt Nam và Philippines trong thời điểm hiện nay", nếu 2 nước mà "dồn" Trung Quốc thì cuối cùng chính Trung Quốc sẽ "dồn" lại và 2 nước mới phải vào chân tường?!
Có lẽ cái "dồn" mà Thời báo Hoàn Cầu nói ở đây là một lời hăm dọa nhằm ngăn cản Việt Nam khởi kiện và ép Philippines từ bỏ vụ kiện đường lưỡi bò. Nhưng từ những lời lẽ hung hăng nhất của truyền thông Trung Quốc đã cho thấy điểm yếu nhất của họ, đó là sự thiếu tự tin bởi vì không có chính nghĩa, không có căn cứ cơ sở nào cho tham vọng bành trướng Biển Đông, cuối cùng chỉ biết dựa vào sức mạnh cơ bắp cũng như miệng lưỡi hòng thực hiện tham vọng đó.
Hồng Thủy

Tưởng rẻ nhưng lại là quá đắt


(LĐ) - Số 213 ĐÀO TUẤN 

Lại là đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Lại là Tổng thầu Trung Quốc. Lại là chậm tiến độ. Lại là những lời hứa sẽ cố gắng. Và lại là sự bất lực khi thừa biết chốt cứ chốt, hứa cứ hứa và chậm vẫn cứ chậm.

    Cuộc họp về Dự án Cát Linh - Hà Đông có quá nhiều lời nói thẳng, quá nhiều gay gắt, quá nhiều bất bình, và bất lực chỉ vì nguyên nhân cũ rích là sự chậm trễ.
    Thẳng, đến mức TGĐ Ban QLDA Đường sắt Lê Kim Thành nói toạc móng heo: “Vướng mắc nhất là Tổng thầu Trung Quốc đồng ý rồi lật lại, kể cả là đồng ý bằng văn bản. Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện”.
    Nhưng nói thẳng cũng chẳng ai thẳng hơn Bộ trưởng Thăng khi ông có lần… nói thẳng rằng, không muốn dự án này “là nơi thí điểm cho những người không đủ năng lực và thiếu lương tâm”.
    Nhưng càng “nói thẳng”, càng “gay gắt”, dự án lại càng chậm tiến độ, nói như ông Lê Kim Thành - cứ như thể “họ đang giấu giếm điều gì đó”, như thể họ thách thức. Chậm, dù “hạn chót” 31.12 để hoàn thành 12 nhà ga đang đến rất gần, nhưng đến giữa tháng 9 này, Tổng thầu Trung Quốc còn đang “kỳ kèo”, còn chưa thèm ký hợp đồng với thầu phụ. 
    Chậm, ở chỗ dù khối lượng thi công đã bàn giao nhưng Tổng thầu không thanh toán cho thầu phụ khiến dư nợ vọt lên đến hơn 300 tỉ đồng.
    Chậm, dù khoản vay bổ sung 250 triệu USD đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng đến giờ, Tổng thầu vẫn “chưa có ý kiến phản hồi”.
    Tất cả sự chậm trễ đều có địa chỉ là “Tổng thầu Trung Quốc”. Và sự chậm trễ này cũng đang cho thấy tất cả những “hạn chót” mà Bộ GTVT đưa ra đều bị “ném sọt rác”.
    Hôm qua, Bộ GTVT tiếp tục đưa ra một “hạn chót” mới với một “tối hậu thư” cũ: “Kiến nghị thay giám đốc điều hành dự án”.
    Thật buồn với một dự án, vay chứ không phải xin - đang để “đối tác” tự tung tự tác trong sự bất lực của cơ quan quản lý và sự phẫn nộ của nhân dân.
    Đến bao giờ dự án đội vốn khủng khiếp và chậm như rùa bò này mới hoàn thành là câu hỏi mà ngay chính Bộ trưởng Bộ GTVT cũng không thể trả lời.
    Nhưng dẫu sao, chúng ta cũng được một bài học đích đáng về chất lượng nhà thầu Trung Quốc. Một bài học lớn về việc vay vốn ODA, tưởng rẻ, nhưng lại là quá đắt, quá phiền phức, quá thiếu hiệu quả.
    Chỉ có điều, Cát Linh - Hà Đông có trở thành một bài học hay không thì lại là chuyện rất khác, khi ODA vẫn được coi là bầu sữa, là “thứ cho không” trong tư tưởng của không ít người!

    14 tháng 9, 2015

    Phim 'Liên minh huyền thoại' ra mắt dàn diễn viên tài năng

    Zing.vn
    Nhà sản xuất bộ phim điện ảnh “Liên minh huyền thoại” tin tưởng rằng dàn diễn viên đa dạng phong cách và tài năng sẽ không phụ lòng mong đợi của khán giả.
    Bộ phim được lấy cảm hứng từ game Liên minh huyền thoại hứa hẹn sẽ làm thỏa mãn các khán giả yêu thích thể loại phim hài, phiêu lưu, hành động.
    Từ khi chuẩn bị cho đến lúc bấm máy, các thông tin hình ảnh về bộ phim được nhà sản xuất giấu kín. Tới giờ, khi đã thu hình xong thì các thông tin, hình ảnh đầu tiên của bộ phim mới được nhà sản xuất hé lộ.
    Trong phim, Huỳnh Anh trong vai anh chàng bảo vệ Hải Đăng, có võ công cao cường. Mong muốn lớn nhất của Hải Đăng là có tiền chữa bệnh cho mẹ và thoát nghèo. Khi gia nhập hội Liên minh huyền thoại, với phong thái chững chạc, Hải Đăng đã trở thành thủ lĩnh của nhóm.
    Huỳnh Anh trong vai Hải Đăng.
    Huỳnh Anh trong vai Hải Đăng.
    Hòa Hiệp lần đầu tiên tham gia phim điện ảnh, hóa thân thành Phạm Cường nắm giữ vai trò hoạt náo, hài hước, trung tâm của mọi sự chú ý. Phạm Cường đam mê khảo cổ, tính tình hoạt bát, mê gái, thích nổ nhưng nổ hay, võ công có nhưng sử dụng thì tùy hứng.
    Hòa Hiệp trong vai Phạm Cường.
    Hòa Hiệp trong vai Phạm Cường.
    Lilly Luta đã nhập vai thiếu nữ Mi Lan rất ngọt. Mi Lan là cô gái xinh đẹp, dịu dàng nhưng lại ẩn chứa một nội lực mạnh mẽ. Vì tình yêu của mình, cô đã chấp nhận hiểm nguy, thậm chí là cả tính mạng của mình.
    Lilly Luta trong vai Mi Lan.
    Lilly Luta trong vai Mi Lan.
    Sau khi đạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại lễ trao giải Viet Film Fest 2015cho vai diễn Linh trong Dịu Dàng, Thanh Tú đã tiếp tục hóa thân vào Tuệ Na của Liên minh huyền thoại. Tuệ Na có cá tính mạnh, hướng ngoại, sống chân thành, thẳng thắn.
    Thanh Tú trong vai Tuệ Na.
    Thanh Tú trong vai Tuệ Na.
    Gương mặt mới trong bộ 5 của Liên minh huyền thoại là diễn viên hành động Nam Long, được nhà sản xuất chú ý với kỹ năng và phong cách võ thuật mạnh mẽ, ấn tượng. Nam Long đảm nhận vai Long, một chàng trai bản lĩnh, giỏi võ, hiếu chiến. Điều đặc biệt ở nhân vật này là vui hay buồn thì ánh mắt vẫn thể hiện sự lạnh lùng khó đoán.
    Nam Long trong vai Long.
    Nam Long trong vai Long.
    Bên cạnh đó, phim còn quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu như NSƯT Mạnh Dung, Võ Hiệp, Kiều Trinh, Tấn Bo, Thanh Hiền và các diễn viên có năng lực như Bá Cường, Quách Hữu Lộc, Cao Thùy Linh...
    Bộ phim được nhà sản xuất đầu tư kỹ lưỡng từ bối cảnh, tạo hình, công nghệ… với kỳ vọng làm thỏa lòng người xem. Bộ phim sẽ gửi đến khán giả đầy đủ các yếu tố hài hước, phiêu lưu, võ thuật, lãng mạn và quan trọng nhất là hướng tới tính nhân văn cao.
    Bộ phim do Phú Hải Movies sản xuất, bộ đôi đạo diễn tài năng là Đinh Thái Thụy và Phạm Văn Hải - doanh nhân mê điện ảnh.
    Liên minh huyền thoại được Lotte Cinema dự kiến công chiếu toàn quốc vào tháng cuối năm nay.