Trang

22 tháng 10, 2013

Với học viện Khổng Tử


Hà Văn Thùy
Người bạn hỏi: “Thiên hạ đang nhao nhác về Học viện Khổng Tử, ông thấy thế nào, có đáng ngại không?”
Tôi nói: “Đến bây giờ, khi đã có Nhà văn hóa Pháp, Viện Gớt, Hội đồng Anh… mà xứ này chưa có Học viện Khổng Tử mới là không bình thường. Còn chuyện ngại, theo tôi vừa không, vừa có!”

Lý do không ngại
Nếu là cơ quan lập ra để trao đổi văn hóa nhằm hiểu biết lẫn nhau đúng như tôn chỉ của nó, “dụng khẩu bất dụng thủ” (dùng lời, không dùng nắm đấm) thì là điều tốt. Việt Nam và Trung Quốc vốn “đồng chủng đồng văn”. Từ nghìn năm trước, Khổng Tử được người Việt coi là thánh, là vạn thế sư biểu, trên nước ta, khắp Bắc Trung Nam chỗ nào chả có miếu Văn thánh… Vậy việc lập Viện Khổng Tử là tiếp nối truyền thống xưa, đâu có gì lạ?

Có điều trước kia, do chưa hiểu cội nguồn lịch sử văn hóa Trung Quốc cũng như Việt Nam nên người Việt thường lép vế trước ông thầy Tàu. Nhưng nay thì khác. Nếu có một tao đàn để trao đổi học thuật nghiêm túc, chúng ta không thiếu chuyện để nói.
Xin ghi lại cuộc luận đàm văn hóa giữa Trạng Quỳnh và sứ Tàu thời hiện đại.
“Sứ: Tiền chủ hậu khách, xin Trạng nói trước!
Quỳnh: Tôi mạn phép thưa với quan Sứ là có lẽ Cụ Khổng không biết gốc gác nước Lỗ của Cụ từ đâu?
Sứ: Sao ngài nói vậy. Là bậc thánh nhân trước tác kinh sử lẽ nào Cụ lại không rành…
Quỳnh: Tôi tin Cụ không biết bởi lẽ, nếu biết, Cụ đã không gọi người phía Nam là man di! Theo thiển kiến của kẻ ngu này thì, trước thời Chu, nước Lỗ chỉ là một trong 800 tiểu quốc hạt tiêu hạt cải, phần lớn là của người Việt. Một nhúm người Dương Việt đặt tên nước của mình là Rõ, có nghĩa sáng rõ, rực rỡ. Nhưng khi người Hoa Hạ làm chủ, không phát âm được vần R nên phải nói trại thành  rồi thành Lỗ. Nếu biết cội nguồn như vậy, chắc Cụ đã không…
Sứ: Dà, à…
Quỳnh: Ngay cả việc giảng kinh Thi, Cụ Khổng cũng trật lấc…
Sứ: Sao ngài dám…
Quỳnh: Xin thưa, quan Sứ xem đây, câu cuối bài Quan thư, cụ ghi “Quân tử hảo cầu.” Đấy là quân tử Tàu chứ đâu phải quân tử Việt?! Nguyên văn tiếng Việt của nó là “Quân tử hiếu kều!”  Quân tử Việt, tự nhiên, đa tình, thấy giữa bãi vắng, một thục nữ yểu điệu, thì chàng ta “hiếu kều” tức là khoái động thủ, muốn nắm tay ve vuốt, đâu có chịu đứng như phỗng mà cầu mong?! Sau này, khi san định, Cụ Khổng, một phần vì không đủ chữ, một phần vì tư tưởng thanh giáo, chuyển thành “hảo cầu,” thật vô duyên… Mà như kẻ ngu này hiểu thì không chỉ Cụ Khổng mà hàng tỷ người Trung Hoa đâu đã hiểu hết được thứ tiếng mà dân quý quốc vẫn nói!
Sứ: Dà, dà! Ngài không được xúc phạm đại quốc!
Quỳnh: Thưa không, tôi chỉ nói sự thật, còn nếu tôi sai, xin quan Sử chỉ bảo! Thế xin hỏi quan Sứ: Từ Mông Cổ từ đâu ra, có nghĩa là gì?
Sứ: Thế mà cũng hỏi, đó là từ tổ tiên chúng tôi đặt ra để gọi người Mông Cổ!
Quỳnh: Ngài nói đúng, nhưng chỉ đúng ở ngọn. Người Việt, chủ nhân đầu tiên của Trung Quốc, gọi những người sống trên đồng cỏ phía bắc Hoàng Hà là người Đồng Cỏ. Sau này do người Hoa Hạ không nói được vần Đ nên đọc trại Đồng thành Mồng rồi thành Mông, còn Cỏ thành Cổ! Đồng Cỏ có  có ý nghĩa, còn Mông Cổ thì vô nghĩa, cũng vô nghĩa như tên nước Lỗ của cụ Khổng vậy!
Sứ: Thật vậy sao, nghe cũng có lý, tiếc là ngộ hổng piếc!
Quỳnh:  Xin hỏi quan sứ, ông vua cuối của nhà Hạ và nhà Thương tên gì?
Quan sứ trố mắt nhìn Trạng nghi ngại, sợ bị mắc lỡm. Nhưng thấy vẻ mặt Trạng thực thà, bèn nói.
Sứ:  Ngài không định bỡn tôi chứ? Đó là Kiệt và Trụ, ai mà không hay!
Quỳnh: Vâng, xin hỏi quan Sứ câu nữa, vậy ý nghĩa hai cái tên đó là gì?
Sứ suy nghĩ lúc lâu rồi nói: Người Trung Quốc thường đặt tên theo ý nghĩa, nhưng đôi khi cũng không. Tôi nghĩ, tên hai vị này không có gì đặc biệt.
Quỳnh: Vậy là quan Sứ không biết rồi, vì là con cháu người Việt nên thời đó người Hoa Hạ nói tiếng Việt. Thấy vua nhà Hạ hoang dâm nên khi chết, gọi ông ta là Cặc, còn ông vua cuối nhà Thương là Đụ. Người về sau do không nói được những từ như vậy nên gọi trại thành Kiệt, Trụ!  Thế quan Sứ có biết, Lưu Bang thực ra nhà nghèo, ít học nên không có tên mà vì là thứ ba trong nhà nên được gọi là Lưu Ba. Sau này khi làm vua mới nối thêm vần NG nữa thành Lưu Bang không? Còn trên đời chẳng làm gì có cái tên kỳ quặc Câu Tiễn. Đó là tên ông vua người Việt là Cu Tí rồi sau gọi theo Đường âm thành cái tên Câu Tiễn!  Nhân đây, cũng xin hỏi quan Sứ: Từ Trung Nguyên từ đâu ra vậy?
Sứ: Đó là nơi phát tích của người Hoa Hạ chúng tôi, là đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, từ đó mà có tên Trung Quốc…
Quỳnh: Ngài nói không sai. Nhưng xin hỏi cái tên gốc của Trung Nguyên là gì, do ai đặt?
Sứ: Ngài hỏi gì kỳ. Nó là thế, còn gốc với ngọn gì, đất Trung Quốc phải do người Trung Quốc đặt tên chớ còn ai vào đây nữa!
Quỳnh: Xin thưa, vậy Ngài không biết rằng trong sách Trung Quốc dân tộc sử của tiên sinh Chu Cốc Thành nói rằng, người Việt vào Trung Quốc trước người Hán sao? Sau khi khai phá đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Việt đặt tên con sông lớn ở đấy là sông Nguồn còn đồng bằng thì được gọi là Trong Nguồn. Khi chiếm vùng đất này, ban đầu người Hoa Hạ vẫn gọi theo người Việt, nhưng sau đó, vào thời Đường, chuyển âm Trong thành TrungNguồn thànhNguyên! Xin được hỏi quan sứ điều nữa: vì sao ngôn ngữ Trung Hoa hiện nay đơn âm?
Sứ: (mừng ra mặt, có vẻ hý hửng) nói dõng dạc: Điều này thì tôi biết chắc như đinh đóng cột. Đó là bậc kỳ lão của chúng tôi, tiên sinh Dương Chấn Ninh, không chỉ là nhà Nobel vật lý mà còn là nhà kinh Dịch kiệt xuất từng phát biểu: Như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Trung Quốc lúc đầu đa âm nhưng Kinh Dịch làm cho ngôn ngữ Trung Hoa trở thành đơn âm!
Quỳnh: Xin lỗi ngài, vị giáo sư lỗi lạc của Ngài cũng trật lấc. Không phải Kinh Dịch làm cho ngôn ngữ Trung Hoa trở thành đơn âm mà ngược lại, Kinh Dịch được ghi bằng ký hiệu nhị phân là vạch đứt vạch liền có trước. Sau đó, khi chữ vuông ra đời, Văn Vương, Khổng Tử mới dùng chữ để giải mã Dịch bằng cách thêm vào Hào từ, Thoán từ, Thập dực giúp nhiều người hiểu được kinh Dịch… Nhân đây cũng xin được thưa với quan Sứ, là dù đọc nát nhị thập tứ sử thì cho tới nay, tôi đố ngài biết được nguồn gốc người Trung Quốc ở đâu, tiếng Trung Quốc từ đâu ra và chữ Trung Quốc do ai sáng tạo?
Sứ: (mặt xịu xuống buồn xo rồi cất giọng thành thực): Phải nói điều này kể cũng xấu hổ, nhưng không thể nói khác, là không chỉ ngộ mà toàn thề tồng pào của ngộ cũng hông piếc, xin Trạng chỉ giáo!
Quỳnh: Xin lỗi quan Sứ, bây giờ tôi phải về, ra chợ mua mớ rau muống nấu cơm, kẻo mụ vợ tôi tối ngày ngồi coi phim Tàu bỏ tôi nhịn đói! Hẹn tái ngộ, tôi sẽ cho Sứ biết, còn nhiều hơn những điều như thế!”
Trên đây chỉ là câu chuyện hư cấu, nhưng thực tế, chúng ta có nhiều điều để nói với người Trung Hoa mà khi nghe ra, những người còn luơng tri sẽ hướng về đất Việt như cội nguồn và nhận ra, họ và chúng ta cùng một dòng máu.
Có câu chuyện đáng tiếc thế này. Tôi mới đọc trên mạng bài viết của một học giả sắc tộc Môn ở Miến Điện. Biết rằng ngôn ngữ Môn là hệ ngôn ngữ lớn ở Đông Á và người Môn là tộc lớn nhưng rồi bị mất đất, mất luôn tổ quốc nên ông đau đáu kiếm tìm đất tổ của mình. Một số nhà khoa học nói rằng, nơi phát tích của người Môn là Bắc Bộ Việt Nam nhưng ông không tin vì Annam nhỏ bé và bị nô lệ đâu xứng đáng là quê hương của dân tộc ông! Ông tin vào một số học giả phương Tây khác cho rằng, nam Trường Giang là nơi phát tích của người Môn. Vì vậy, trong dịp sang Trung Quốc, ông đã tới nam Trường Giang với lòng thành kính của kẻ hành hương tìm về cố xứ. Cảm động về mối chân tình của ông nhưng thương ông “mồ cha không khóc lại khóc đống mối” tôi định viết cho ông lá thư nói rằng:

“Bằng nguồn ADN lấy từ chính máu huyết đồng bào của ông và đồng bào tôi, khoa học xác minh rằng, bảy vạn năm trước, tổ tiên của ông và của tôi là người Việt cổ chủng Indonesian, được sinh ra tại thềm Biển Đông của Việt Nam, lúc đó là đồng bằng Hainanland. Khoảng năm vạn năm trước, có những nhóm Việt cổ đi về hướng tây, tới đất Mianmar thành người Môn bản địa. Nhóm đi xa hơn, tới Ấn Độ thành người Dravidian. Sau đó, do khí hậu phía bắc ấm lên, người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa. Rồi người Dravidian bị người Arian xâm lăng, người Môn bị người Miến chiếm đất, trở thành người thiểu số. Người Lạc Việt Indonesian đa số, giữ vai trò lãnh đạo phương Đông về xã hội và ngôn ngữ. Do chưa hiểu điều này và do nhận thấy người Môn và người Khmer giữ được ngôn ngữ gốc nên học giả phương Tây gọi là hệ ngôn ngữ Môn-Khmer nhưng thực ra đó là ngôn ngữ Việt cổ. Tổ tiên người Môn không hề sống ở nam Dương Tử rồi bị đẩy sang đất Miến như ông đã tưởng lầm. Khoa học cho thấy, quê hương người Môn là Bắc bộ, hay nói đúng hơn là thềm Biển Đông của Việt Nam.” Nhưng thật tiếc, vị học giả đã qua đời ba năm trước!
Nếu sự thật được phổ biến, chắc nhiều người Trung Hoa sẽ hiểu đâu là nguồn cội của mình.
Chính vì thế, Học viện Khổng tử không có gì đáng ngại.

Lý do để ngại
Có không ít lý do để ngại. Đó là việc nhà cầm quyền Bắc Kinh theo thói quen cố hữu làm những chuyện không đàng hoàng, vì đó là bản nghệ của họ. Lý do quan trọng hơn là vì “đã có Đảng và nhà nước lo”, người ta gạt nhân dân đầy trí tuệ ra ngoài, đặt vào đó những kẻ bằng cấp cùng mình nhưng cũng cùng mình dốt nát, ăn không nên đọi, nói không nên lời, suốt ngày khom lưng cúc cung nhận những thánh chỉ từ người Tàu để làm những điều tổn dân hại nước! Điều này thực tế đã diễn ra. Mấy năm trước, một tiến sĩ người Việt ở Úc viết cuốn Khoa học soi sáng lịch sử, được NXB Lao Động in nhưng vì động chút xíu tới lông chân “ông bạn 16 chữ vàng”, nó bị đem nghiền bột. Còn tôi, kỳ công viết được cuốn Khám phá lại lịch sử Trung Hoa, trình bày những tri thức mới nhất về cội nguồn sinh học, về lịch sử, văn hóa Trung Hoa đem tới ba nhà xuất bản mà không đắt vì “nhạy cảm nên cơ quan QLXB nói nên để lại”! Khi người dân vừa bị trói tay vừa bị bít miệng thì thua trên sân nhà là cái chắc. Lo là phải!
H.V.T.
Theo Bauxit VN

Hải Dương: Dân lại lập 'chiến lũy' bao vây nhà máy

(Khi "tiền" là kẻ sát nhân)

Khoảng 17h30 ngày 14/10, khi Nhà máy sản xuất tấm lợp Thiên Lộc (phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương) đang chạy thử dây chuyền sản xuất tấm lớp Fibro ximăng thì hàng trăm người dân kéo đến phản đối và yêu cầu dừng sản xuất.
Đồng thời, do bức xúc trước lời “đe dọa” của một cán bộ địa chính phường đã nghỉ hưu, người dân đã huy động 3 xe tải chở đất đá đổ chặn ngay cổng, không cho xe chở nguyên vật liệu và công nhân ra vào nhà máy này.
Công ty TNHH Thiên Lộc, Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương, bệnh ung thư
Người dân bức xúc thuê xe chở đất đá, dựng lều bạt chặn ngay cổng nhà máy để phản đối - Ảnh Minh Khang 
Ngày 21/10, theo ghi nhận của PV VTC News tại hiện trường, có khoảng 20 khối đất đá, một căn lều, giường nằm vẫn đang án ngữ ngay cổng nhà máy. Hiện tại nhà máy này đang dừng sản xuất.
Theo đơn kiến nghị của người dân nơi đây, năm 1992, Công ty xây dựng số 18 khi đi khỏi Phả Lại đã để lại một bộ phận và thành phần xí nghiệp sản xuất tấm lớp Fibro xi măng mang tên tấm lợp Đông Anh.
Quá trình sản xuất hơn 15 năm, họ để bụi amiăng bay lên hòa với không khí, nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân sống xung quanh khu vực và cả người bán hàng tại chợ ngay cạnh nhà máy hít phải không khí, sử dụng nước ngầm đã mắc phải nhiều căn bệnh nan y như: ung thư, tiểu đường, viêm đường hô hấp...
Công ty TNHH Thiên Lộc, Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương, bệnh ung thư
Cháu bé này mới 2 tuổi (nhà phía sau nhà máy) đang mang trong người căn bệnh nan y - Ảnh Minh Khang 
Do sức ép của dư luận, Xí nghiệp tấm lợp Đông Anh đã phải dừng sản xuất, nhưng sau đó lại chuyển nhượng toàn bộ nhà máy cho Công ty TNHH Thiên Lộc. Sau khi tiếp quản, Công ty Thiên Lộc tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc cũ, xây dựng thêm nhà xưởng để sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với nhà máy và chính quyền địa phương không đồng tình cho việc sản xuất tấm lợp này tại địa phương. Do lo ngại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hướng đến sức khỏe của người dân, nhà máy được đề nghị chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Lộc vẫn được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh, cho sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Công ty TNHH Thiên Lộc, Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương, bệnh ung thư
Danh sách những người chết vì căn bệnh ung thư sống gần nhà máy - Ảnh Minh Khang 
Theo thống kê sơ bộ của người dân, tính đến thời điểm hiện tại đã có 20 người chết và 6 người đang mắc căn bệnh ung thư. Hầu hết những người này đều sống sát cạnh tường bao nhà máy.
Trong buổi làm việc với phóng viên, đại diện Nhà máy là ông Phạm Hữu Bình, cán bộ Phòng hành chính tổng hợp cho biết, sau khi hoàn thiện dây chuyền, nhà máy cho chạy thử đợt 1 từ ngày 16-23/9 nhưng không xin phép các cơ quan quan chức năng.
Công ty TNHH Thiên Lộc, Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương, bệnh ung thư
Nhà máy đã phải dừng sản xuất vì vấp phải sự phản đối của người dân - Ảnh Minh Khang 
Đến ngày 14/10, sau khi được phường cho phép, Nhà máy tiếp tục chạy thử thì bị người dân phản đối và đổ đất đá, dựng lều trước cổng để phản đối.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các đoàn thể đã vận động nhân dân chuyển đất đá ra khỏi cổng nhà máy. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay nhà máy này chưa đối thoại với dân và đến ngày 22/10 sẽ họp dân, nếu dân đồng thuận mới chuyển đất đá đi.
Khi nhóm phóng viên đến liên hệ với lãnh đạo phường sở tại tìm hiểu thông tin liên quan đến vụ việc thì chỉ gặp được ông Phương Văn Môn - Phó chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, ông Môn cho biết không rõ sự thể ra sao do hôm xảy ra vụ việc ông này đi học.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến quý độc giả.
Minh Khang

VN và TQ: Một mô hình, hai tầm nhìn

 (Hy vọng các đảng viên cộng sản VN đọc bài này để học hỏi, rút kinh nghiệm. BTTD)
Một chuyên gia người Việt trò chuyện với BBC về quá trình phát triển của Việt Nam trong ba thập niên qua.
Ông Vũ Minh Khương, tiến sỹ đại học Harvard và hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, cũng giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đạt được những thành tựu như Trung Quốc dù hai mô hình kinh tế khá giống nhau, giải thích mối liên hệ giữa xã hội dân chủ và nền kinh tế, đồng thời chỉ ra đâu là hướng đi cho Việt Nam trong tương lai giữa bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.

Chậm tiến vì chiến thắng


Tiến sỹ Vũ Minh Khương:
 Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu cuộc cải cách khi mà tình thế phát triển kinh tế theo đường lối xã hội chủ nghĩa không thành công. Cho nên tính tiếp nhận một cuộc cải cách mới là rất cao trong dân chúng.BBC: Vài thập kỷ sau 'Khai phóng', Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và đang leo lên vị trí ngày càng cao trên chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia đã trải qua một quá trình tương tự dưới tên gọi 'Đổi Mới'. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của Việt Nam so với Trung Quốc trong ba thập kỷ qua?
Thế nhưng đặc điểm cải cách của hai nước có những khác biệt nhất định.
Ở Trung Quốc họ có một tầm nhìn xa, muốn có một chương trình hiện đại hóa toàn diện để Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại vào trước năm 2050.
Việt Nam thì cải cách trên tình thế bí bách, bị Liên Xô cắt viện trợ và buộc phải tìm con đường đổi mới, cho nên cải cách mang tính chất thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại.
Hơn nữa, Trung Quốc thì trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa và xây dựng xã hội chủ nghĩa trước đó thì chưa để lại một thành quả gì mang tính thuyết phục trong việc nâng cao tính chính danh của đảng mình, cho nên họ buộc phải tạo nên một thành quả kinh tế kỳ vĩ.
Việt Nam thì có những chiến thắng huy hoàng trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nên có thể ỷ lại thắng lợi của những cuộc chiến tranh này để duy trì sự chính danh của minh, cho nên nhiều khi trong cải cách không triệt để, mà chỉ cốt đủ ăn đủ sống. Điều này tạo ra những khiếm khuyết rất căn bản cho cải cách sâu rộng ở Việt Nam.
Vì các đặc điểm đó, cho nên lãnh đạo Việt Nam chưa đủ tầm để xác định một chiến lược kỳ vĩ, chẳng hạn như đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của mình vào năm 2045 mà thường nặng về những xoay sở để đủ tồn tại, bởi lẽ cái chính danh của quá khứ cũng tạm đủ cho họ tồn tại trong một số thập kỷ tới.

Lợi thế của lạc hậu

"Năng lực học hỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam rất hạn chế; từ việc thu hút nhân tài, đối sánh mình với thế giới ra sao, đến việc thử nghiệm những chính sách dũng cảm, liên tục đổi mới và cải tiến, lắng nghe nhân dân."
BBC: Người Nhật phải mất hơn 40 năm mới có được vị trí hiện tại trên chuỗi giá trị toàn cầu. Nam Hàn mất 30 năm, trong khi Trung Quốc chỉ tốn hơn 20 năm. Theo ông yếu tố nào dẫn đến điều này, và nó có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Đặc điểm của các nước đi sau đó là phát triển kinh tế rất thuận lợi. Đây gọi là lợi thế của sự lạc hậu.
Khi mình khai thác lợi thế lạc hậu này bằng cách hội nhập nhanh chóng với thế giới, tiếp nhận công nghệ và kỹ thuật của thế giới để chuyển hóa vào nước mình, cộng với đầu tư nước ngoài thì có thể rút ngắn được khoảng cách phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên vẫn rất phải coi trọng tiếp nhận kỹ thuật và tri thức công nghệ, chứ không chỉ đơn thuần là tiếp nhận vốn đầu tư.
Trung Quốc họ hơn mình ở cái đó. Họ rất chú trọng vấn đề nhập khẩu kỹ thuật .Nếu tính về tỷ lệ nhập khẩu kỹ thuật trên GDP thì Trung Quốc đã vượt Mỹ trong thập kỷ vừa rồi.
Còn Việt Nam hầu như không có số liệu, không coi trọng vấn đề này và chỉ loay hoay thu hút đầu tư nước ngoài ở bất kể dạng gì, thiếu một tầm chiến lược xa.
Cho nên ở Việt Nam, có những thành quả trong phát triển kinh tế rất đáng trân trọng, nhưng để có một tầm trỗi dậy của một dân tộc thì chưa có.

Dân chủ và kinh tế


Cùng một mô hình, nhưng sự khác nhau về tầm nhìn đã giúp Trung Quốc vượt trội so với Việt Nam?
BBC: Trở lại với câu chuyện thành công của Trung Quốc, khi Triệu Tử Dương tiến hành cải cách kinh tế, ông tin rằng cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách về chính trị. Ông có đồng tình với góc nhìn của Triệu Tử Dương hay không? Và theo ông, một nền dân chủ tác động tới nền kinh tế như thế nào?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ Triệu Tử Dương có những ý rất đúng. Nhưng tôi vẫn khâm phục Đặng Tiểu Bình bởi tầm nhìn của ông. Bởi vì ưu tiên chiến lược là phải biến Trung Quốc thành một cường quốc, các ý tưởng cụ thể thì có thể tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên cải cách kinh tế phải luôn đi đôi với cải cách xã hội và cải cách chính trị thì mới đảm bảo cho kinh tế phát triển lâu dài, còn những bước đi cụ thể của từng nước thì cái đó là do từng nước quyết định.
Nhưng tôi nghĩ dân chủ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển. Nước Nhật từ thời cải cách Minh Trị đã nhận ra vấn đề đó. Người dân phải có tiếng nói quyết định trong tất cả những vấn đề trọng đại của đất nước. Có như vậy họ mới gắn bó với công cuộc phát triển, có như vậy đất nước mới thu hút được nhân tài, có như vậy đất nước mới trỗi dậy được.
Thiếu dân chủ giống như một đền thờ thiếu ánh sáng, sẽ có nhiều chuột bọ lúc nhúc trong đó, không thể nào có một sức hút lớn cho một dân tộc, mà nhất là dân tộc có truyền thống văn hiến lâu dài như Việt Nam ta.
"Khi nhiều thế hệ phải hy sinh mà không được đền đáp. Đó là điều chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ."
BBC: Nhân nói về dân chủ, ông đã sống và làm vệc ở đây nhiều năm. Singapore là một nền kinh tế thành công, quốc gia với GDP bình quân trên đầu người vào hàng cao nhất thế giới. Nhưng mặt khác, Singapore cũng bị chỉ trích là không có tự do báo chí, không có tự do biểu tình. Một số ý kiến gọi Singapore là "nền dân chủ kiểu phương Đông". Ông có bình luận gì về khái niệm "nền dân chủ kiểu phương Đông" này, và ông có cho rằng đây là mô hình mà Việt Nam muốn áp dụng trong tương lai không?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Tôi đã sống ở Singapore hơn sáu năm. Từng ngày tôi đều cố gắng ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm và học hỏi.
Singapore không phải là hoàn hảo, nhưng có rất nhiều điều cho Việt Nam học tập.
Cái dân chủ tự do ở trong xã hội châu Á này thì phải hiểu rằng là tạo cho con người cái tự do phát huy cao nất năng lực của mình. Cái dân chủ nghĩa là nếu người ta mong muốn làm việc gì đó cho đất nước của mình thì họ hoàn toàn có quyền lập hội, lập tổ chức, thậm chí trở thành đảng đối lập hoặc tham gia vào chính đảng cầm quyền.
Cái hay trong xã hội dân chủ ở đây, là đảng cầm quyền - Đảng Hành động Nhân dân (PAP), rất lo bị mất ghế trong Quốc hội, cho nên luôn luôn tìm kiếm tài năng để thu nhập vào đảng của mình. Nếu để đảng đối lập giành được người đó thì họ phải có người giỏi hơn để có thể thắng cử được. Cho nên trọng dụng nhân tài, chiến lược phát triển và tranh thủ lòng dân là ý thức rất cao trong từng quan chức chính phủ ở Singapore, cho từng cán bộ đảng PAP ở đây.
Yếu tố dân chủ mà theo định nghĩa đó, thì tôi thấy rất mạnh mẽ ở Singapore này. Và cái đó, tôi mong từng ngày sẽ được người Việt Nam ta nghiên cứu, áp dụng. Đó sẽ là khởi đầu cho dân tộc Việt Nam trỗi dậy trong tình thế khó khăn và thách thức hiện nay.

Con đường tương lai


Tiến sỹ Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam vẫn còn thua Trung Quốc rất xa về tầm nhìn
BBC: Hai khó khăn chính của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là khu vực ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, chính phủ đang phải cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa khu vực ngân hàng, thậm chí có thể phải giảm bớt sở hữu tại các ngân hàng thương mại để thu hút vốn ngoại. Đây có phải là xu hướng cho thấy trong tương lai, chính phủ sẽ phải giảm đáng kể sự kiểm soát đối với nền kinh tế? Điều này có ý nghĩa gì cho tương lai Việt Nam?
Tôi nhìn lại các điểm hạn chế trong phát triển của Việt Nam thì tôi thấy có ba điểm phải chú ý, hơn là mình nhìn vào một vài vấn đề kỹ thuật mang tính chất ngắn hạn hoặc là rất cụ thể như doanh nghiệp nhà nước hoặc là hệ thống ngân hàng.
Tôi nhìn thấy những vấn đề rất lớn, rất nổi trội mà Việt Nam thua kém rất xa so với Trung Quốc và với nhiều nước khác.
Thứ nhất là không có một chiến lược phát triển dài hạn để nhìn thấy đâu là sức mạnh của dân tộc mình, đâu là cơ hội và thách thức trên thế giới, đâu là mục tiêu mà chúng ta sẽ đi tới trong vòng vài thập kỷ nữa. Tất cả đều không rõ.
Thứ hai là năng lực học hỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam rất hạn chế; từ việc thu hút nhân tài, đối sánh mình với thế giới ra sao, trong việc thử nghiệm những chính sách dũng cảm, trong việc liên tục đổi mới và cải tiến, lắng nghe nhân dân.
Những đặc điểm đó làm đất nước mình ngày càng tụt lùi.
Khi năng lực học hỏi được nâng lên, khi chiến lược phát triển kinh tế được hoạch định sắc bén và triệt để thì đất nước sẽ trỗi dậy. Khi đó những bài toán cụ thể như cải cách ngân hàng ra sao, cải cách doanh nghiệp nhà nước thế nào, hoặc thậm chí những vấn đề rất đơn giản như chống lại chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài, thì mình đều có những tổ công tác đánh giá trên cái nhìn toàn cầu là tại sao lại như vậy? Ta có thể biến khó khăn thành cơ hội như thế nào ở đất nước mình?
Những điều này tôi nghĩ chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo, trên tầm nhìn chiến lược, với năng lực học hỏi rất cao, mà cái cốt lõi là phải thu hút được nhân tài ở khắp nơi.
Tôi rất cảm kích trong đợt lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thấy đây là một cuộc biểu dương lực lượng của vũ khí chiến lược Việt Nam, đó là tinh thần dân tộc người Việt Nam rất lớn. Đây chỉ là sự thể hiện một phần, một cuộc diễu binh lớn, một sự thể hiện để chứng mình rằng nếu chúng ta không xứng đáng với khát vọng lớn của dân tộc, chúng ta sẽ thất bại.
Đó là cái giá rất đắt, khi nhiều thế hệ phải hy sinh mà không được đền đáp. Đó là điều chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ.
Theo BBC

20 tháng 10, 2013

Lũ bất ngờ ở Bình Dương: Xả lũ như... giỡn chơi

(Tài sản và tính mạng nhân dân quá "bèo". Phạm Hải)

Trong khi cơ quan chức năng cho rằng trận lũ đột ngột khiến hàng ngàn người dân phải tháo chạy thoát thân trong đêm là do “mưa to kết hợp triều cường” thì PV Thanh Niên đã phát hiện việc xả lũ hết sức tùy tiện.

Lũ bất ngờ ở Bình Dương: Xả lũ như... giỡn chơi
Người dân thị trấn Mỹ Phước chạy lũ lúc rạng sáng 19.10 - Ảnh: C.T.V
Bà Nguyễn Thị Minh T. (52 tuổi, nhà ở sát đập Từ Vân, xã Lai Uyên, H.Bến Cát, Bình Dương) nói với Thanh Niên: “Đêm 18.10, khu vực hồ Từ Vân có mưa rất to, nước tràn bờ đập và gây ngập úng một số nhà xung quanh. Khoảng 21 giờ, có rất nhiều người dân kéo đến khu vực đóng xả lũ gây sức ép phải mở cửa cống xả lũ nếu không thì dân ở đây sẽ ngập hết. Lúc đó, người vận hành cống xả lũ tiếp tục mở cửa cống xả hết mức cho đến rạng sáng hôm sau”.    
Ông Võ Tiến Dũng (43 tuổi, nhân viên quản lý và vận hành đập Từ Vân 1 và 2, thuộc Trạm quản lý thủy lợi hồ Từ Vân) thừa nhận, đêm 18.10 chính tay ông thực hiện việc xả lũ. Ông Dũng nói: “Khoảng 16 giờ chiều 18.10, tôi thấy mực nước trong hồ dâng cao hơn so với thường ngày. Lúc này, tôi mở cửa xả lũ đập hồ Từ Vân 2 khoảng từ 20 - 25 cm so với mặt đáy cửa xả và sau đó mở cửa xả đập Từ Vân 1 cũng khoảng từ 20 - 25 cm”. Theo ông Dũng, những ngày bình thường nếu mở cửa xả nước thì cửa xả chỉ mở cao khoảng 5 cm so với mặt đáy cửa xả. Do xả lũ nên nước từ đập Từ Vân 2 chảy ra suối Đồng Sổ, đổ về khu vực Cầu Quan (thị trấn Mỹ Phước) rồi ra sông Thị Tính. Ông Dũng trả lời tiếp: “Đến khoảng 18 giờ (ngày 18.10), trời mỗi lúc một mưa lớn, nước ở khắp nơi đổ về hồ Từ Vân. Mặt nước trong hồ lúc này chỉ cách mặt đập khoảng 50 cm. Thấy vậy, tôi nâng cửa xả cao hơn mặt đáy khoảng từ 50 -60 cm, là mức cao nhất từ khi hồ Từ Vân đi vào vận hành cho đến nay”. Ông Dũng thừa nhận, sau khi xả lũ ở mức cao ông mới điện thoại báo cho ông Nguyễn Văn Khương (Trạm trưởng Trạm quản lý thủy lợi Từ Vân).
Trả lời các chất vấn của Thanh Niên, ông Dũng nói: “Tôi cũng không biết dung tích, diện tích và không có quy chuẩn là hồ xả lũ ở mức nào, tương ứng với bao nhiêu m3/giây. Tôi chỉ biết khi trời mưa to nước dâng cao thì tôi mở cửa xả. Khi nước rút thì hạ cửa xả xuống, có khi đóng cửa xả lúc mực nước trong hồ ở mức trung bình”.
Thanh Niên cũng đã có trong tay bản báo cáo nhanh, viết tay xuất phát từ UBND H.Bến Cát gửi trực tiếp cho ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lúc đi kiểm tra hồ Từ Vân và tình hình lũ lụt ở Bến Cát có đoạn: “Vào lúc 0h30 ngày 19.10, do mưa lớn và triều cường dâng cao, kết hợp với việc xả lũ hồ Từ Dân 1, 2 (hồ Từ Vân - PV) đã ảnh hưởng gây ngập úng tại khu vực Bến Cát...”. Tuy nhiên, thông tin này không được UBND H.Bến Cát và Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Dương thông tin rộng rãi để cho người dân đối phó.
Thậm chí đến trưa hôm qua 20.10, ông Nguyễn Khánh Trường, Phó Chi cục Thủy lợi Bình Dương, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Dương vẫn tiếp tục khẳng định: “Không có việc hồ Từ Vân xả lũ, nguyên nhân gây ngập lụt ở Bến Cát là do mưa lớn và triều cường”.
Theo Đỗ Trường VnExpress

"Quốc hội cần được đổi mới"

"Tôi rất lo lắng về tình hình kinh tế xã hội cũng như an ninh - trật tự xã hội hiện nay. Vì thế, tôi mong các đại biểu nhìn thẳng vào thực tế tình hình đất nước khi thảo luận", ông Vũ Mão đặt hy vọng tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 21/10.

Trao đổi với VnExpress, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ nhiều tâm tư về kỳ họp Quốc hội cuối năm - kỳ họp bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.
- Trong nghị trình kỳ họp cuối năm, ông quan tâm nhất vấn đề nào?
- Mối quan tâm số một của tôi là Hiến pháp. Hiến pháp trong nhiều tháng qua đã có cố gắng chuẩn bị công phu, có tổ chức lấy ý kiến nhân dân... Nhưng tôi vẫn có băn khoăn. Việc lấy ý kiến nhân dân vừa qua theo báo cáo là đã lấy ý kiến sâu rộng, công phu. Nhưng thực tế, với tư cách là một người dân, quan sát nơi tôi ở (quận Ba Đình), tôi cảm nhận không hoàn toàn được như thế. Vẫn có phần mang tính hình thức, lấy cho có số lượng. Theo tôi đáng ra là cần có phiếu lấy ý kiến rất chi tiết cụ thể từng chương, từng điều một, nhất là những vấn đề quan trọng. Cần đưa ra các phương án để người dân thể hiện chính kiến.
Còn tốt nhất, như tâm nguyện của Bác Hồ và đa số người dân thì cần được trưng cầu dân ý. Thời gian còn lại để thông qua không còn nhiều nữa, vì thế theo tôi cần có sự cố gắng ở mức cao nhất để có một bản Hiến pháp có thể chấp nhận được.
Trong tình hình đất nước hiện nay, đáng lẽ sự kiện trọng đại này phải tạo ra được sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, tạo ra động lực để phát triển đất nước; nhưng điều đáng tiếc lần này chưa làm được như thế.
Mối quan tâm thứ hai là Luật đất đai. Một đạo luật vô cùng hệ trọng nhưng thời gian qua lại để xẩy ra rất nhiều tồn tại. Nguyên nhân có nhiều, từ quan điểm đến nội dung văn bản pháp luật nhất là việc tổ chức thực hiện thì có quá nhiều vấn đề. Nói một cách chính thống thì chúng ta chưa thật sự tôn trọng quyền làm chủ đất đai của người dân. Tham nhũng thời gian vừa qua chủ yếu liên quan đến đất đai.
Và cũng như Hiến pháp, Luật Đất đai cũng chưa được lấy ý kiến của nhân dân một cách thỏa đáng.
vm1-990024-1369377940-500x0-5170-1382271
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão. Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Kỳ họp diễn ra vào giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2011-2015. Trước hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ông muốn gửi gắm tới đại biểu điều gì?
- Tôi rất lo lắng về tình hình kinh tế xã hội cũng như an ninh - trật tự xã hội hiện nay. Vì thế, tôi mong hai điều. Một là, Chính phủ cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tồn tại để đưa ra các hệ thống giải pháp đồng bộ, đồng thời cần chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Hai là, tôi mong các đại biểu nhìn thẳng vào thực tế tình hình đất nước khi thảo luận, phát huy dân chủ để tìm nguyên nhân sâu sắc. Cần tập trung thảo luận, biểu hiện chính kiến (đồng ý hoặc không đồng ý) với các giải pháp của Chính phủ đưa ra. Mục đích của chúng ta, cả Quốc hội và Chính phủ phải đồng tâm nhất trí, quyết tâm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thực ra, Hiến pháp, Luật đất đai và thực trạng kinh tế xã hội có mối quan hệ rất khăng khít. Trong đó Hiến pháp và Luật đất đai là hai vấn đề mấu chốt, nếu xử lý tốt hai vấn đề này thì sẽ hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước đang ở giai đoạn khó khăn, khủng hoảng. Bàn vấn đề này là có liên quan vấn đề kia. Chỉ có điều, đánh giá thực trạng là quan trọng.
Tôi lấy ví dụ như một vài cuộc đối thoại chính sách vừa qua trên truyền hình, qua phát biểu có vẻ thấy những người tham gia đối thoại tỏ ra lạc quan trong đánh giá. Nhiều ý kiến hơi chủ quan so với thực trạng hiện có mà chưa đưa ra giải pháp thiết thực. Chúng ta có lo lắng, có trách nhiệm nhưng chưa đủ tầm nên lúng túng trong xử lý, thiếu sự nhất quán, mà rõ nhất là xử lý lạm phát. Nhìn tổng thể hướng xử lý là chưa vững chắc.
- Là người hoạt động Quốc hội lâu năm, khi nhiều vấn đề hệ trọng tập trung trong một kỳ họp, ông có lo ngại gì?
- Tôi nghĩ nội dung kỳ họp này nặng nề quá. Thời gian của kỳ họp có dài hơn các kỳ trước, nhưng với cách thức làm việc như hiện nay, thì các cơ quan hữu quan vẫn bị cập rập trong việc tiếp thu, chỉnh sửa. Và như thế, chất lượng văn bản khó đảm bảo.
Nhìn vào việc bố trí chương trình kỳ họp, thời gian thảo luận ở tổ nhiều quá, tôi nhẩm tính thấy có tới 14 buổi, tương đương 20% thời gian kỳ họp. Qua kinh nghiệm của nhiều khoá, tuy thảo luận ở tổ được nhiều người phát biểu, nhưng tác dụng rất hạn chế bởi hai nhược điểm: Một là, cơ quan soạn thảo không đủ thời gian để nghiên cứu tiếp thu. Trên thực tế, lâu nay việc tiếp thu chưa đạt tới 30% các ý kiến đóng góp. Những ý kiến không tiếp thu, hầu hết là cho qua, rất hiếm trường hợp có trình bày trở lại rằng, vì sao không tiếp thu. Điều đó gây bức xúc cho các đại biểu.
Hai là, các ý kiến phát biểu ở tổ, lại được “bê nguyên si” ra phát biểu ở hội trường. Thời gian thảo luận ở hội trường ít nên nhiều vấn đề không được tranh luận, không được làm rõ. Tức là chưa thể đi đến cùng để tạo sự nhất trí. Vì thế, tôi đề nghị chỉ bố trí từ 5% đến 10% thời gian thảo luận ở tổ.
- Ngoài đề xuất nêu trên, ông thấy Quốc hội cần có cải tiến điều gì để nâng chất lượng hoạt động?
- Theo tôi, phải tính tới việc đổi mới cách thức trong kỳ họp Quốc hội. Ví dụ, thời gian thảo luận ban ngày không đủ thì cần bố trí thêm một số buổi tối nữa, nhất là  các vấn đề nóng bỏng. Quốc hội nhiều nước vẫn làm như thế đấy! Tất nhiên, khi thảo luận (nhất là về buổi tối) không nhất thiết cứ phải ngồi kín cả hội trường, nhưng khi biểu quyết thì phải có mặt rất đầy đủ. Tôi nói điều này, chắc sẽ có không ít người chưa đồng tình. Điều đó không sao. Chúng ta cùng nhau trao đổi thêm.
Thứ hai, với kỳ họp kéo dài thì không ai có thể ngồi suốt 40 ngày. Ở các nước, hàng tuần người ta đều bố trí cho đại biểu về nơi ứng cử để tiếp thu thêm ý kiến của cử tri và giải quyết các công việc ở địa phương. Theo tôi, với kỳ họp kéo dài 40 ngày thì có thể nghiên cứu tách ra, họp 20 ngày, 10 ngày cho đại  biểu về địa phương giải quyết công việc, tiếp thu ý kiến cử tri.
Trong 10 ngày giữa kỳ họ đó các cơ quan soạn thảo có điều kiện nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản.  Đây là thời gian vàng, quý giá vô cùng. Sau đó, kỳ họp lại được tiếp tục để thảo luận và thông qua các văn kiện. Cách làm như thế sẽ đạt chất lượng cao hơn.
- Ông đánh giá thế nào về hai ứng viên phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam?
- Trước hết, tôi đồng tình với việc Quốc hội xem xét, bổ sung nhân sự của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội. Với nhân sự của Chính phủ, tôi hoan nghênh hai vị này. Đây là các cán bộ trẻ, có nặng lực và triển vọng. Là một cử tri, tôi gửi gắm sự tin cậy cũng như trông chờ vào sự rèn luyện, phấn đấu một cách trong sáng của họ.
Ông Vũ Mão: "Đây là kỳ họp dài nhất trong nhiệm kỳ 13. Thậm chí cũng là một trong những kỳ họp dài nhất kể từ nhiệm kỳ khóa 12. Thực ra, so với nhiệm kỳ của khóa IX, X và XI thì chưa phải là dài nhất. Có kỳ họp của nhiệm kỳ khóa X, tổng thời gian tới 50 ngày. Khi đó chúng tôi đánh giá hợp lý vì xuất phát từ nội dung và phương thức hoạt động dân chủ của Quốc hội. Lâu nay tôi có cảm nhận từ khóa XII, XIII hình như hơi bị gò ép về thời gian làm việc của kỳ họp. Thực ra với nội dung và tầm quan trọng của vấn đề thì thời gian như vậy cũng chỉ là gần  đủ".
Nguyễn Hưng thực hiện ( Theo Vnexpress)

CHÚC MỪNG NGÀY 20/10


Không có mặt trời thì hoa không nở
Không có phụ nữ thì không có tình yêu
Không có tình yêu thì không có hạnh phúc
Không có mẹ thì cả nhà thơ và anh hùng đều không có.
                              

                                                                                 Klapin