Trang

15 tháng 8, 2015

Nông dân gánh trên 1.000 loại phí, lệ phí


Dù dần được "cởi trói" gần đây, song các khoản phí được quy định rải rác còn rất lớn. Quốc hội đang yêu cầu luật hóa danh mục này. 
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận dự thảo Luật Phí và Lệ phí sáng 10/8, Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục phí, lệ phí nêu trên.
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, so với bản trình Quốc hội hồi tháng 5, văn bản lần này đề xuất giao việc quy định danh mục cụ thể cho Chính phủ, thay vì cơ quan cấp thấp hơn là Bộ Tài chính. Trong khi đó, Quốc hội sẽ ban hành các nhóm danh mục như nông nghiệp, giao thông, đất đai… để Chính phủ sử dụng làm cơ sở.
Trước đó, theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, cả nước có tổng cộng 72 loại phí và 42 lệ phí. Song rà soát của Bộ Tài chính cho thấy có 22 luật, 30 nghị định và 200 thông tư khác vẫn quy định về các loại phí và lệ phí với hàng trăm loại khác nhau và cần tiếp tục tổng rà soát.
Vì còn quá nhiều loại phí như vậy nên đại diện ngành tài chính đề xuất để Chính phủ ban hành danh mục, chứ chưa đưa vào luật. “Như với riêng nông nghiệp, vừa qua đã rà soát bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí. Con số này là quá lớn. Hay với lĩnh vực tài liệu do Nhà nước quản lý cũng có hàng trăm loại phí và lệ phí”, ông Dũng nói.
Tương tự, đại diện cơ quan này cho rằng còn rất nhiều khoản phải cập nhật để hướng dẫn thu, như đối với 267 danh mục kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư và Doanh nghiệp.
trung-0-1309-1439192482.jpg
Nông nghiệp vẫn còn gánh quá nhiều loại phí, lệ phí. Ảnh: Đặng Quang Vinh
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có bao nhiêu loại phí, lệ phí đi nữa thì cơ quan soạn thảo phải đưa vào danh mục để Quốc hội quy định khi thông qua luật chứ không thể có chuyện chỉ phê duyệt nhóm mà không rõ trong nhóm có bao nhiêu loại. 
“Nếu không có danh mục rõ ràng, tôi sẽ không bấm nút. Chỉ Quốc hội mới được quy định có bao nhiêu loại, là phí gì chứ không ai được thẩm quyền "đẻ" thêm một loai phí mới. Quốc hội chỉ ủy quyền cho Chính phủ, Hội đồng nhân dân mức thu mà thôi. Khi có phát sinh khoản phí mới thì giao Ủy ban thường vụ quyết định, rồi báo cáo lại với Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng dẫn chứng, khi xây dựng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng có ý kiến đề nghị bỏ ngoài luật để Chính phủ quy định vì khó khăn. “Nhưng Quốc hội đã kiên quyết nói không. Danh mục ấy khó thế mà chúng ta làm được thì không lý gì giờ đây không làm với danh sách phí, lệ phí”, ông nói.
Lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ phải tiếp tục rà soát để giảm bớt các loại phí trên nguyên tắc “không đưa vào tùy tiện còn đưa ra thì không chắc chắn”.
“Vẫn còn cả nghìn loại phí, lệ phí với nông nghiệp thì e rằng còn tùy tiện. Như câu chuyện một quả trứng mà gánh 14 thứ phí thì đúng là… trời đất ơi”, Ông Hùng than.
“Nếu luật không công bố được danh mục phí và lệ phí thì khi ban hành dân cũng chả biết thế nào. Tôi tha thiết đề nghị cần công khai danh mục này ngay trong luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - Trương Thị Mai lên tiếng. Bà Mai cũng nhận định, ban soạn thảo còn lúng túng trong phân biệt giữa phí, lệ phí với giá dịch vụ. 
“Điểm giống nhau đó là khoản tiền người dân phải trả khi được cung cấp dịch vụ. Nhưng phí bao giờ cũng thấp hơn giá vì còn gắn với phúc lợi Nhà nước, tức không hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Trong khi giá dịch vụ là tính đúng tính đủ theo cơ chế thị trường”, nữ chủ nhiệm bày tỏ.
Giải trình lần hai trước thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hứa tiếp tục rà roát để điều chỉnh nhiều loại phí bất hợp lý. “Như câu chuyện với quả trứng thì đúng là rất buồn cười, kiểu đếm trứng ăn tiền", ông thừa nhận và giải thích đáng ra khi kiểm dịch thì chỉ tính tiền theo số mẫu chứ không phải tính cho tất cả số trứng. "Tới đây kiểm dịch với tất cả trâu, bò, lợn, gà đều phải tính theo số mẫu”, Bộ trưởng hứa.
Ông Dũng cũng cho biết tinh thần rà soát tới đây sẽ theo hướng chuyển mạnh một số loại phí, lệ phí sang cơ chế giá thị trường, nên chắc chắn danh mục này sẽ giảm.
Dù vậy, lãnh đạo ngành Tài chính tiếp tục đề xuất Quốc hội giao Chính phủ ban hành danh mục phí, lệ phí. “Nếu đưa được một bước các loại phí, lệ phí vào danh mục trong luật thì tốt. Nhưng nếu chi tiết quá thì vẫn đề nghị để Chính phủ quy định”, ông nói.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai lưu ý, việc chuyển phí và lệ phí qua hình thức giá dịch vụ thoạt nghe thì hợp lý về hình thức nhưng bản có thể khiến người dân thêm gánh nặng vì giá dịch vụ sẽ cao hơn phí do trong phí còn có phần phúc lợi của Nhà nước.
Trước đó, dự thảo Luật Phí và Lệ phí được trình Quốc hội lẫn đầu tại kỳ họp giữa năm nay, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 tới. Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "không nhất thiết phải vội" nếu cơ quan soạn thảo chưa cập nhật được danh mục phí và lệ phí vào trong dự luật.
Chí Hiếu

14 tháng 8, 2015

“Con thấy giáo dục Việt Nam quá là thối nát rồi!”


bosachcanhbuom01
Phát biểu của một cậu bé lớp 8 trong buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm tại Hà Nội hôm qua (12/8) đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều người gọi cậu bé là ‘Bộ trưởng Giáo dục tương lai’ của Việt Nam
Đoạn ghi âm được đăng tải lên mạng Youtube về buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm hôm 12/8, trong phần đặt câu hỏi, một học sinh đã đứng lên phát biểu như sau:
“Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được. Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.
1_7_1336786321_69_xin_hoc_4
Phụ huynh đạp đổ cổng trường để nộp đơn vào học cho con cái
Nhà giáo Phạm Toàn, người lập ra nhóm Cánh Buồm, một nhóm gồm nhiều nhà khoa học hoạt động độc lập đang làm công việc soạn thảo lại các bộ sách giáo khoa mới nhằm góp phần cách tân giáo dục theo phương pháp hiện đại, gọi phát biểu của em Vũ Thạch Tường Minh, học sinh trường chuyên Amsterdam, là một dạng “trưng cầu dân ý”.
“Những ý kiến của cậu bé bột phát một cách hồn nhiên, tức là một thứ ‘trưng cầu dân ý’ bột phát đấy. Xưa nay người ta vẫn nghĩ những đứa bé học ở những trường chuyên, lớp chọn như thế thì không có ý kiến gì về việc học nữa vì nó thỏa mãn rồi. Thế mà cậu bé này không thỏa mãn. Thứ hai nữa là cậu bé này đã nhìn ra không phải chỉ cho nó, rất nhiều trường chuyên lớp chọn khi học sinh vào đấy là tự thỏa mãn cuộc đời mình, cậu bé này vẫn nhìn ra xã hội nữa, phải nhìn ra xã hội thì mới thấy được ý nghĩa của bộ sách mà nhóm Cánh Buồm làm. Khi nào người ta hồn nhiên và không bị điều khiển bởi một động lực ngoài ý nghĩa giáo dục, ngoài sự học của con người, thì người ta đồng ý với nhóm Cánh Buồm. Nếu người ta nghĩ đến những thứ khác như uy tín, danh giá, tiền, quyền lợi…, thì người ta sẽ tự ái”.
Suy nghĩ của cậu bé không những được tán dương trong buổi hội thảo mà còn được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Nhiều người nhận xét cậu bé có nhận thức chững chạc hơn rất nhiều người lớn, thậm chí có người đề nghị cho cậu làm thay công việc của Bộ Giáo Dục để con em họ được nhờ.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng cậu bé đã nói thay nguyện vọng của nhiều người.
“Nguyện vọng của người dân là người ta muốn có một nền học vấn khác, nhưng đấy không phải là tất cả số đông người dân. Số đông người dân vẫn đang chịu sự ép dàn mỏng ra của ý thức hệ, của thói quen của nhà cầm quyền và thỏa mãn với bất kỳ cái gì của nhà nước đề ra”.
Nhà giáo Phạm Toàn nhận xét thái độ của đại đa số người dân Việt Nam vẫn là tìm cách thích nghi với hoàn cảnh hơn là thay đổi nó, một số người khác thậm chí còn tìm cách kiếm lợi trên những hoàn cảnh đó. Ông nói:
“Quan trọng nhất là những người hiểu biết, những nhà sư phạm phải tìm con đường càng ngày càng phải đúng hơn cả. Nếu cứ cắm cúi làm theo cách cũ thì sẽ làm tan hoang cả một tâm hồn dân tộc”.
truong-thuc-nghiem-ha-noi
Thực trạng của nền giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn bị xã hội lên án vì những bất cập, lạc hậu, giáo điều và thiếu thực tế. Rất nhiều sáng kiến, cải cách đã được đưa ra những không cải thiện được tình trạng này nên nhiều người dân Việt Nam đã gọi đùa những “cải tiến” là “cải lùi”.
Chỉ riêng trong các bộ sách giáo khoa hiện hành thôi, đã có rất nhiều lỗi nghiêm trọng bị người dân phát hiện ra trong thời gian qua. Theo báo Đời sống & Pháp luật, chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có 5 trường hợp sách giáo khoa, sách tham khảo bị phát hiện có in cờ Trung Quốc với “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Soạn lại bộ sách giáo khoa đúng đắn, nghiêm chỉnh cho các cấp bậc là mục tiêu chính của nhóm Cánh Buồm. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết các thành viên của nhóm gặp nhau ở tâm huyết, lý tưởng dành cho nền giáo dục nước nhà, chứ không theo một tổ chức nào. Mọi người đều có công việc riêng để kiếm sống và việc soạn sách chỉ là tình nguyện.
Những nỗ lực của nhóm Cánh Buồm đôi khi cũng gặp phải sự phản kháng từ phía cơ quan chức năng, nhưng có một trường tiểu học đã chấp nhận áp dụng thực nghiệm bộ sách. Chỉ trong một năm, số lượng học sinh lớp 1 xin vào trường đã tăng lên gấp đôi, mặc dù học phí của trường này khá cao so với mặt bằng chung. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết nhóm không có ý định ‘chạy chọt’ hay ‘vận động’ cho việc sử dụng sách rộng rãi, mà nhóm dành quyền lựa chọn đó cho chính người dân Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ cần làm đúng đã, chúng tôi không cầu cạnh để thắng lợi vì chạy vạy, lobby này khác thì có thể có lợi nhưng về lâu về dài thì không có lợi. Chúng tôi cứ để thế này cho xã hội chọn lọc. Nếu Bộ Giáo dục chưa thừa nhận thì họ cũng phải cảnh giác khi họ làm những sản phẩm mới. Họ phải làm thế nào để họ không thua. Chứ còn [chúng tôi] không lobby, dứt khoát không lobby!”.
19
Đề án cải cách sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỉ từng khiến dư luận hoang mang
Với hơn 10 năm làm việc nghiêm túc, nhóm đã hoàn thành bộ Sách giáo khoa tiểu học và cho ra mắt bộ sách này hôm 12/8. Bộ sách có sự tham gia của nhiều soạn giả nổi tiếng và được thông qua một ban duyệt bản thảo gồm nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ. Nhóm đang bắt tay thực hiện bộ sách dành cho lớp 6 trở lên, ngoài hai cuốn Tiếng Việt và Văn lớp 6 còn có hai cuốn Tự học Tiếng Việt và Tự học Văn. Đặc điểm của sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm là có thể sử dụng sách trong lớp học với giáo viên hoặc dành cho học sinh tự học.

13 tháng 8, 2015

Nữ cựu Thủ tướng Thái lại gây bão trên facebook


Đăng tải lên trang cá nhân những hình ảnh mới nhất cùng con trai thăm vườn dừa của người dân, cựu Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan Yingluck Shinawatra lại gây bão với hàng loạt lượt yêu thích, chia sẻ, bình luận. 
Những hình ảnh đăng tải lên trang cá nhân không cầu kỳ mô tả, cựu Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan viết: "Mẹ đã có ngày hạnh phúc nhất".
Đến thời điểm này, gần 250 nghìn lượt bấm nút "thích", 4.658 bình luận, 5.422 lượt chia sẻ và con số vẫn tiếp tục gia tăng.
Tạm gác lại những rắc rối phải đối mặt do những cáo buộc liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, bà Yingluck đang tận hưởng niềm vui từ cuộc sống đời thường.
Hồi tháng 6, bà Yingluck Shinawatra đã gây sốt cộng đồng mạng khi đăng tải nhiều hình ảnh lên facebook cảnh bà ở trong căn nhà lá, say mê trồng và thu hoạch nấm.
"Sống một cuộc sống của một người bình thường quả là dễ chịu. Hạnh phúc không phải là những gì xa xôi”, bà cho biết.
Bà Yingluck buộc phải rời ghế Thủ tướng Thái Lan cách đây hơn 1 năm, sau khi tòa án hiến pháp tuyên bố bà lạm dụng quyền lực. Vài tuần sau, quân đội tiến hành đảo chính để trục xuất nốt các bộ trưởng còn lại trong chính phủ của bà.
Hình ảnh bà Yingluck trong vườn dừa:
Thái Lan, Thủ tướng, Yingluck Shinawatra, facebook
Thái Lan, Thủ tướng, Yingluck Shinawatra, facebook
Thái Lan, Thủ tướng, Yingluck Shinawatra, facebook
Thái Lan, Thủ tướng, Yingluck Shinawatra, facebook
Thái An

Nhà Việt Nam tại Expo Milano nhếch nhác giá 3 triệu USD


13/08/2015 09:48 GMT+7
TT - Dư luận đang hết sức bức xúc về sự nhếch nhác của Nhà Việt Nam tại Expo Milano 2015 (Ý), sau khi chủ một Facebook đăng tải hình ảnh và bài viết phản ánh.
                        
 
Nghe đọc bài: Nhà Việt Nam tại Expo Milano nhếch nhác giá 3 triệu USD
Trang phục nam, nữ tại Nhà Việt Nam ở Expo 2015 được thiết kế theo kiểu Tàu - Ảnh: NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
Trang phục nam, nữ tại Nhà Việt Nam ở Expo 2015 được thiết kế theo kiểu Tàu - Ảnh: NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
Trong khi đó, những người có trách nhiệm thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"! 
Expo 2015 là sự kiện quy tụ 145 quốc gia cùng hàng loạt tổ chức và tập đoàn toàn cầu tham dự, diễn ra từ ngày 1-5 đến 31-10-2015 với dự kiến đón khoảng 20 triệu lượt khách thăm viếng.
Đây là cơ hội lớn để quảng bá ẩm thực, du lịch và giới thiệu hình ảnh quốc gia ra thế giới. Thế nhưng trong khi các nước tham gia đều chăm chút rất kỹ cho gian hàng của mình, Nhà Việt Nam lại mang một hình ảnh trái ngược.
Như gian hàng xén!
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada (hiện đang du lịch ở Pháp), cho biết sau chuyến tham quan Expo 2015 tại Milan, bà và những người thân vô cùng thất vọng khi đặt chân đến Nhà Việt Nam tại sự kiện này.
Theo bà Oanh, ngoài lá cờ Việt Nam được ban tổ chức treo phía trước để giới thiệu từng quốc gia theo quy định chung, khu vực Nhà Việt Nam không có một lá cờ nào được cắm, cũng không có thông tin tổng quan nào giới thiệu về đất nước.
Rảo một vòng tại tầng trệt, khách tham quan chỉ thấy lèo tèo một số sản phẩm được giới thiệu là gốm Bát Tràng và sơn mài của Từ Sơn (Bắc Ninh) cùng bình, lọ giả cổ, tượng nghê... với vài thông tin giới thiệu chung chung, không rõ nguồn gốc.
Một sân khấu nhỏ trưng bày vài loại nhạc cụ dân tộc. Khu vực ẩm thực ở phía sau bán một ít món ăn không đại diện cho ẩm thực Việt Nam. Gia đình bà gọi phở xào, miến xào, gỏi cuốn, bún thịt bò xào Nam bộ, gà chiên tẩm bột mỗi thứ một phần nhưng nguyên liệu làm rất kém như kiểu suất ăn công nghiệp.
“Các con gái tôi cứ xuýt xoa tiếc, vì chỉ cần một xe bán bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam cũng sẽ cực kỳ thu hút thực khách, vì bánh mì kẹp thịt của Việt Nam vốn đã nổi tiếng về hương vị rất riêng và từng được bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất trên bản đồ ẩm thực quốc tế” - bà Oanh cho biết.
Chưa hết, khi lên tầng 1, khách càng thất vọng bởi ngoài vài chiếc tivi nhỏ xíu tua đi tua lại những đoạn phim quay sẵn về các thắng cảnh ở đất nước Việt Nam, còn lại tập trung bày bán đủ loại hàng hóa tạp nham như quần áo, thiệp xếp tay, hũ, lọ sơn mài, nón lá, túi xách...
Độ phong phú, tinh xảo của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hay quần áo ở đây còn thua xa những sản phẩm ở một sạp hàng bình thường của bà con tiểu thương tại chợ Bến Thành!
Một vài bộ trang phục nam nữ trưng bày lại toàn là kiểu áo Tàu! Có một bộ trang phục áo dài duy nhất nhưng cũng không phải là tà áo dài truyền thống của Việt Nam, mà là kiểu áo dài cách tân với nút Tàu theo kiểu xường xám. Hỏi vài nhân viên phục vụ tại quầy ẩm thực và khu bán hàng để tìm hiểu xem do được Bộ Công thương hay Tổng cục Du lịch Việt Nam cử đi, bà Oanh được cho biết tất cả họ đến từ các công ty tư nhân.
Ngược lại với vẻ “nhếch nhác” của Nhà Việt Nam, theo bà Oanh, gian hàng của tất cả các nước đều được chăm chút rất chu đáo. Chưa nói đến các khu trưng bày hoành tráng và lộng lẫy của các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Qatar..., ngay cả gian hàng của các nước trong khu vực ASEAN như Lào, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Thái Lan... cũng hơn hẳn Việt Nam, do họ thể hiện được sự trang trọng và kiêu hãnh về bản sắc văn hóa cũng như các thế mạnh riêng của đất nước mình thông qua các gian trưng bày.
Khu ẩm thực tại Nhà Việt Nam (ảnh chụp ngày 10-8) - Ảnh: NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
Khu ẩm thực tại Nhà Việt Nam (ảnh chụp ngày 10-8) - Ảnh: NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
Ai thiếu thiện chí?
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 12-8, ông Nguyễn Trùng Khánh - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), đơn vị phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) tham gia Hội chợ triển lãm kiến trúc thế giới Expo Milano 2015 - cho rằng đã kiểm tra và việc một vài cá nhân nào đó phản ảnh về tình trạng nhếch nhác của Nhà Việt Nam tại Expo 2015 là thiếu thiện chí và không đúng tinh thần.
Theo ông Khánh, “tất cả vật trưng bày và thiết kế ở gian hàng Việt Nam đều đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt, không phải chúng tôi tự ý làm”.
“Tôi khẳng định những thông tin mà du khách nào đó phản ảnh là không đúng. Nhưng tôi chỉ có ý kiến nếu là một ý kiến của cá nhân thì không thiện chí. Vì trước đó từ lúc mới khai mạc, có thông tin phản ảnh về gian hàng Việt Nam, chúng tôi đã có chấn chỉnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua thăm và đều đánh giá rất tốt” - ông Khánh nói.
Trả lời câu hỏi về những hình ảnh bà Oanh cung cấp, trong đó cho thấy sự nhếch nhác của gian hàng Việt Nam, ông Khánh cho rằng đó “có thể là những hình ảnh từ rất lâu rồi (?). Có thể là từ khi mới khai mạc Expo 2015 (!) hoặc có thể du khách này sang đúng lúc gian hàng Việt Nam vắng khách. Tôi có thể khẳng định không bao giờ có những chuyện như du khách kia phản ảnh đến thời điểm hiện tại” - ông Khánh khẳng định.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi qua thư điện tử, bà Oanh khẳng định tất cả bức ảnh đều được chụp ngày 10-8, không có chuyện đây là những hình ảnh cũ, đồng thời điều đó cũng không khó xác định.
Ngược với ông Khánh, ông Trần Văn Tân - nguyên giám đốc VEFAC và hiện là trưởng đại diện Việt Nam tại Expo 2015 - đã thừa nhận chuyện này và cho biết đang lên kế hoạch sang Ý để chấn chỉnh. Theo ông Tân, sở dĩ có sự cố này là do ngay từ đầu Công ty Runam (đơn vị được Bộ VH-TT&DL chỉ đạo làm độc quyền tham gia cung cấp dịch vụ ẩm thực, thực phẩm và hàng lưu niệm) đã không vượt qua được những quy định khắt khe của ban tổ chức Expo 2015.
Thậm chí, theo ông Tân, khoảng một tháng sau khi Nhà Việt Nam mở cửa (ngày 1-5), bên trong không hề trưng bày, giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam nên từ đầu tháng 6-2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã giới thiệu công ty của một Việt kiều vào cung cấp dịch vụ ẩm thực, bán hàng tại Nhà Việt Nam.  
“Quần áo, vật kỷ niệm bán bên trong Nhà Việt Nam không thể có đồ đặc sắc vì như vậy giá rất cao, khách khó mua. Thức ăn phải tính đến các món chế biến công nghiệp nhanh... để tiện cho khách” - ông Tân lý giải cho sự nhếch nhác!
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận chê trách việc quảng bá hình ảnh đất nước tại các hội chợ quốc tế theo kiểu tốn tiền vô bổ!
Kinh phí trích từ ngân sách
Theo ông Trần Văn Tân, chi phí cho dự án Nhà Việt Nam hơn 3 triệu USD lấy từ kinh phí xúc tiến của Bộ VH-TT&DL. Trong đó, riêng chi phí xây nhà đã hơn 2 triệu USD, còn lại là chi phí đưa đoàn văn hóa nghệ thuật sang biểu diễn, mời quan chức Việt Nam sang, tiền điện, nước...
LÊ NAM - V.V.TUÂN

12 tháng 8, 2015

Xây cầu treo 3,5 tỷ đồng phục vụ 2 hộ dân?


Điểm đặt cầu treo 3,5 tỷ đồng từ ngoài đường liên thôn vào bên trong khu vực xóm chỉ có... hai hộ dân sinh sống. Trong hai hộ dân này có nhà của chủ tịch xã.
Nằm trong Đề án xây hơn 4.000 cầu treo dân sinh trên toàn quốc,cầu treo dân sinh Khe Tây được khởi công vào tháng 1/2015, hoàn thành vào tháng 6 với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) là chủ đầu tư.
Theo tin trên VnExpress, mục đích khi xây cầu treo Khe Tây là để 26 hộ dân thuộc xóm 6 xã Sơn Thọ lưu thông qua các xóm 1, 2, 3, 4 và đi sang các huyện lân cận như Hương Sơn, Đức Thọ. Tuy nhiên, thực tế là hộ dân bên kia suối lại không chọn con đường này.
Người dân nơi đây vốn đã quen đi lại qua cầu Gãy, nằm song song và cách cầu Khe Tây khoảng 500 m. Cầu Gãy được xây từ năm 2006, dài khoảng 50 m, rộng 3,5 m, đang còn mới. Đây cũng là trục chính giao thông của xã Sơn Thọ sang các huyện khác.
Hình ảnh Xây cầu treo 3,5 tỷ đồng phục vụ 2 hộ dân? số 1

Điểm đặt cầu treo 3,5 tỷ đồng từ ngoài đường liên thôn vào bên trong khu vực xóm chỉ có... hai hộ dân sinh sống. Ảnh: Báo xây dựng

Còn trên Vietnamnet, trong số hơn 20 hộ dân được "hưởng lợi" từ việc xây dựng cầu treo Khe mà chủ đầu tư thông tin, nhiều người tỏ ra bất ngờ và không biết chuyện xây cầu dân sinh 3,5 tỷ để phục vụ họ. Vì dẫu dân có muốn hưởng lợi từ cầu treo dân sinh này cũng quá khó, trừ khi thích "vượt đồi, lội suối".
Ông Nguyễn Hữu Hòa - một hộ dân sống tại xã này cho hay, từ lâu, người dân xóm 6 đều đi bằng đường bê tông dẫn ra cầu Gãy. Còn nếu muốn đi cầu treo thì phải đi đường rừng, đường suối.
“Không lẽ chúng tôi lại vượt qua 2 cái khe, băng rừng để đi cầu treo? Trong khi đường bê tông dẫn ra cầu Gãy thì dễ đi hơn nhiều. Cầu Treo chỉ có vài hộ dân ngoài đó đi thôi”, bà Lý (vợ ông Hòa) chia sẻ.
Khi được hỏi về những chữ ký của nhóm người dân hưởng lợi từ xây cầu treo Khe Tây, rất nhiều hộ dân tại xóm 6, xã Sơn Thọ đều lắc đầu.
“Tôi chỉ nghe họ bảo làm cầu thì biết vậy thôi, chứ chúng tôi có đi qua cầu đâu? Chúng tôi cũng không ký gì cả", bà Nguyễn Thị Minh cho biết.
Thông tin về việc xây cầu treo, chiều 10/8, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, đề án này là từ đề xuất của Hà Tĩnh. Tỉnh đã quy hoạch một khu dân cư mới ở xóm 6 xã Sơn Thọ với 42 hộ dân, hiện tại mới được 26 hộ.
Tổng cục Đường bộ đã cho người về khảo sát và thấy việc xây cầu Khe Tây là đúng với thực tế. Tuy nhiên, “Đề án này chưa hoàn chỉnh, sau này quy hoạch xong khu dân cư mới sẽ xây thêm một con đường ở phía dưới suối để người dân qua cầu Khe Tây được thuận lợi. Vấn đề này đang được quy hoạch, khoảng 5-10 năm nữa mới có thể triển khai”, ông Vinh nói và cho hay mọi cái phải làm từ từ, không thể vội vàng- ông Vinh cho hay.
Vũ Đậu (tổng hợp)