Trang

16 tháng 1, 2016

Muốn là VIP phải biết la hét



Tôi đến trạm xe "T. Thắng" tại Nguyễn Thái Bình, Q.1 SG, lúc 16h ngày 15/1/2016. Trong phòng khách có khoảng 7-8 khách và 2 cô nhân viên. Tôi hỏi 1 cô:
- Tôi đi Vũng Tàu, chuyến tiếp theo mấy giờ?
Cô nhân viên nhìn tôi, không trả lời rồi tiếp chuyện với khách khác. Đợi cô thứ 2 trả lời đt xong, tôi tới gần và lặp lại câu hỏi. Cô ta trả lời.
- 15 phút nữa.
- Cho tôi đăng ký xe và chỗ ngồi
Cô nhân viên nhìn tôi k trả lời rồi đi ra ngoài. Đợi cô thứ nhất làm việc với khách xong, tôi đi tới gần lặp lại câu hỏi. Cô ta k nhìn tôi và bỏ đi tới bàn nói chuyện đt. Tôi nghĩ chắc mình nhà quê nên họ khinh. Tôi bỏ ra ngoài nhìn bảng hiệu nhà xe tìm số đt đường dây nóng để phản đối nhưng k thấy. Tính bỏ đi sang trạm xe "Hoa Mai" nhưng ngại đi bộ mấy trăm mét.
Tôi trở vô phòng, nhìn 2 cô nhân viên bằng nửa con mắt, vênh mặt, hét to:
- Tôi đi VT, cần xe sớm nhất, tốt nhất, chỗ ngồi tốt nhất, có xe k?
Một cô đi ngay tời
- Dạ 10p nữa có xe VIP ạ. Chú muốn ngồi chỗ nào ạ?
- Chỗ tốt nhất !
- Dạ, chỗ số 1 ạ !
...
Thế mới biết, thời buổi này muốn có tí văn hóa cũng khó!
Phạm Văn Hải

15 tháng 1, 2016

Cả thế giới làm Kinh Tế Thị Trường, VN một mình một đường


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại

“Thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho phát triển đất nước” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh không chỉ là người quyết liệt, nói thẳng, nói thật về thực trạng kinh tế và những lĩnh vực liên quan của đất nước, mà còn là người quyết liệt ngay cả trong những định hướng đổi mới.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông về những trăn trở khi chẳng còn bao lâu nữa ông sẽ rời chức vụ bộ trưởng Bộ KH&ĐT mà công cuộc đổi mới vẫn còn nhiều điều dang dở.
Trăn trở đất nước phát triển chậm
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, gần đây hai từ “hội nhập” được nhắc đến rất nhiều nhưng để hội nhập thành công hẳn nhiên sẽ không chỉ đến từ người dân và doanh nghiệp?
+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ đề án thành lập các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ sáng tạo để thu hút sáng tạo, nhất là từ giới trẻ. Bởi trên thực tế nhiều ý tưởng đang bị thui chột vì không có nơi khuyến khích, đỡ đầu. Đồng thời, cũng sẽ có chính sách đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tinh thần phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một mình Bộ KH&ĐT hay cá nhân tôi không thể làm hết được mọi việc. Tôi rất trăn trở về điều này. Nhiệm kỳ tới, tôi mong có nhiều lãnh đạo quan tâm hơn tới doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là tương lai đất nước.
. Như vậy thì cần rất nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong việc hoạch định chính sách. Bộ trưởng có đồng ý với điều đó không?
+ Việc hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược cho đất nước là một công việc cực kỳ hệ trọng nên đòi hỏi tư duy đổi mới phải hiện hữu và cập nhật liên tục. Tôi cho rằng Việt Nam không thể cứ mãi “một mình một đường”, mà phải đi con đường chung nhân loại.
Muốn vậy, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển đã làm gì để thăng tiến mỗi ngày và vị trí thực của chúng ta trên lộ trình phát triển ấy. Điều quan trọng nhất là tâm huyết với đất nước. Mỗi người, kể cả lãnh đạo, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm thế, tại sao người dân ca thán nhiều thế. Sự trăn trở ấy mới sản sinh ra được chiến lược tốt, chính sách tốt.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại”.
Cái mới thì luôn bị phản đối
Bộ trưởng được nhiều người ca ngợi vì tinh thần đổi mới, ngay cả trên diễn đàn Quốc hội. Vậy cá nhân ông có bị sức ép vì tinh thần này?
+ Về cơ bản tôi không chịu nhiều sức ép lắm, vì cạnh tôi có nhiều lãnh đạo cấp cao ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Tôi nghĩ nếu đổi mới được kiểm chứng là thực sự có lợi cho dân tộc, cho đất nước thì sẽ được ủng hộ.
Chúng ta cần phải suy nghĩ khác đi: Đổi mới là phải thực hiện những công việc không giống với hiện tại và ý thức rằng: Cái mới thì luôn bị phản đối. Đổi mới thì không thể tránh được việc đụng chạm lợi ích của từng ngành, từng cá nhân. Đổi mới mà không bị phản ứng thì không phải là đổi mới. Vì khi đổi mới, minh bạch thì nhiều người không thể lợi dụng để tư lợi, nên họ phải phản ứng.
Tuy vậy, có người ban đầu chưa hiểu thì phản ứng quyết liệt, như vấn đề đầu tư công nhưng giờ thì thấy tốt. Hơn nữa, muốn đổi mới thì bản thân mình vượt qua chính mình mới làm được.
. Nhưng việc từ bỏ lợi ích nhóm, lợi ích ngành, lợi ích cục bộ… là không thể một sớm một chiều. Chẳng hạn những điều kiện kinh doanh vẫn được “đẻ” ra sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, thưa Bộ trưởng?
+ Đây là một quá trình, không thể một quyết định trong luật mà dỡ bỏ được tất cả. Bởi cơ chế xin-cho đã ăn sâu bám rễ trong đầu nhiều cán bộ.
Luật đã quy định chỉ có từ nghị định của Chính phủ trở lên mới có thể hạn chế quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nhưng tôi thấy nhiều giấy phép con làm trái tinh thần này. Nhiều thông tư của các bộ, ngành vẫn được ban hành để áp đặt các điều kiện kinh doanh. Do đó, cái nào mang tính cấm đoán quyền của người dân, trái luật thì phải hạn chế và tiến tới bỏ hẳn.
Từ năm 2016 sẽ có tổng rà soát những điều kiện kinh doanh được “đẻ thêm” để báo cáo Chính phủ.
Thị trường đất đai đang rất méo mó do chưa phân tách được quyền
. Chắc hẳn ông có rất nhiều trăn trở khi môi trường kinh doanh cũng như những định hướng phát triển kinh tế khi nghĩ về 30 năm đổi mới?
+ 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng có một thành tựu xuyên suốt, nguyên nhân mọi nguyên nhân đó là chúng ta đổi mới được từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng sau 30 năm, dư địa và các tác động phát triển đã dần cạn đi. Chúng ta đã chững lại trong vài năm vừa qua, nếu không cẩn thận có thể còn đi xuống và nguy cơ tụt hậu là không thể tránh khỏi.
Theo tôi, vấn đề sống còn và căn cơ nhất là chúng ta phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế bằng việc xây dựng những nhân tố thị trường đầy đủ hơn. Chúng ta mới chớm chân vào kinh tế thị trường và chưa xây dựng được các nhân tố thị trường nền tảng.
Đất đai là thí dụ. Chúng ta cứ tưởng đất đai là thị trường nhưng thực ra không có thị trường, hay đúng hơn là thị trường đất đai đang rất méo mó do chưa phân tách được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Nhìn rộng hơn, việc phân bổ nguồn lực của đất nước thường chỉ theo hành chính, chưa theo thị trường. Theo thị trường là cứ anh nào sử dụng hiệu quả vốn, đất đai, tài nguyên… thì được tiếp cận. Chúng ta có cơ chế này chưa? Chưa.
Hoặc nói đến thị trường lao động. Chúng ta phải hiểu rằng nếu là thị trường thì lao động, kể cả bộ máy công quyền, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… nếu anh làm tốt thì được sử dụng và đãi ngộ cao; nếu không đáp ứng được yêu cầu thì phải bị sa thải. Nhưng chúng ta nhận vào thì dễ, sa thải lại rất khó.
Từ đó, tôi cho rằng Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vì kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại.
. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt để đất nước phát triển bền vững?
+ Thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho phát triển đất nước. Phải chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất, có trách nhiệm nhất để lãnh đạo đất nước này. Những người như vậy phải được trọng dụng trong tất cả tầng nấc của xã hội.
Nhiều quốc gia không có tài nguyên nhưng họ coi nhân tố con người là năng lượng vô cùng lớn lao để quốc gia đó phát triển và họ đã thành công. Những con người tài năng, tâm huyết, có trách nhiệm chắc chắn sẽ cho ra đời thể chế tốt.
Việt Nam cần phát triển thông qua những thể chế phù hợp nhất với thế giới và điều kiện hoàn cảnh chúng ta, để khơi dậy tất cả tiềm năng thế mạnh của mình, khơi dậy trí tuệ người Việt.
Trách nhiệm với đất nước phải được đặt lên trên
. Bộ trưởng trải qua nhiều chức vụ, có nhiều năm gắn bó với với cộng đồng doanh nghiệp, địa phương... Trong suốt thời gian đó, Bộ trưởng trăn trở điều gì nhất và kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?
+ Nhiều kỷ niệm lắm. Tôi làm lãnh đạo sớm, chưa tới 30 tuổi đã lãnh đạo một doanh nghiệp nông nghiệp lớn, sau đó làm lãnh đạo ở nhiều vị trí khác nhau. Kỷ niệm lớn nhất là những năm công tác tại Lào Cai, khi đó tôi dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ để cùng với tập thể ở đó đưa một tỉnh bị tàn phá hoàn toàn sau chiến tranh thành điểm sáng ở Tây Bắc.
Tôi cũng xúc động khi trở về thì người dân, doanh nghiệp, cán bộ ở Lào Cai vẫn đón chào tôi như một người yêu quý nhất. Khi làm ở Bộ KH&ĐT cũng vậy, tôi được làm việc với một tập thể rất trí tuệ. Anh em đã đồng lòng, đã sát cánh cùng bộ trưởng để đổi mới.
. Ông là bộ trưởng được báo chí và người dân yêu mến. Nhưng nhiều tư tưởng đột phá mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ của mình gặp không ít khó khăn và vẫn còn dang dở?
+ Tôi nghĩ rằng trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải được đặt lên trên lợi ích của bản thân, của ngành mình. Nếu lúc nào cũng nghĩ tới và vun vén cho quyền lợi ngành mình thì khó có thể thực hiện được đổi mới. Tôi luôn tâm niệm như thế.
Không ít vấn đề đổi mới còn dang dở. Có điều đổi mới là việc lâu dài, không thể giải quyết ngay trong một nhiệm kỳ. Tôi không dám chắc nhiệm kỳ sau thế nào, vì không còn làm nữa. Nhưng tôi tin lãnh đạo cấp cao sẽ chọn được những người tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới.
Tôi hy vọng nhiệm kỳ sau sẽ tiếp tục đổi mới. Còn bây giờ chỉ có một điều chắc chắn là tôi sẽ nghỉ hưu!
. Xin cám ơn Bộ trưởng.
Đáng lẽ ta còn có thể làm tốt hơn thế
Việt Nam đã đi những bước đi rất lớn. Tuy nhiên, đó là chúng ta so với chúng ta, còn so với các quốc gia có cùng điều kiện thì mới thấy ta tụt hậu so với họ. Chúng ta không hài lòng về điều này, vì đáng lẽ ta còn có thể làm tốt hơn thế.
Trong cuộc đua hiện nay, không thể nghĩ là chúng ta đã hơn ta trong quá khứ mà lấy làm bằng lòng. Nhiều nước bên cạnh đang chạy nhanh hơn mình.
CHÂN LUẬN

Day dứt nỗi đau Hoàng Sa

BTTD: Nỗi đau Hoàng Sa, căm thù giặc và nỗi buồn quốc sỉ !

 Tượng đài hùng binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn
Tượng đài hùng binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn
Nhiều người nói với tôi rằng, mỗi khi đặt chân lên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đứng ở cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới nhìn về biển Đông, lòng họ luôn day dứt nỗi đau Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.
Cách đây gần 3 năm, lần đầu tiên ra đảo Lý Sơn dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bà Nguyễn Thị Hợp (ở Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thực sự khâm phục tinh thần quả cảm của những binh phu Hoàng Sa năm xưa đã quên thân mình để mở đường cho việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa”.
Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”,
Không chỉ bà Hợp mà những người con đất Việt khi chứng kiến người dân đất đảo trong buổi lễ khao lề đã tái hiện lại những hình ảnh ngày các hùng binh Hoàng Sa rời đất đảo bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh để vuợt trùng dương mở mang bờ cõi, xác lập chủ quyền trên biển Đông trong không khí bi hùng, ai cũng cảm nhận một đều là gặp lại một Hoàng Sa oanh liệt và kiêu hùng từ hàng trăm năm trước.
Đã mấy thế kỷ trôi qua, mỗi lần nghe câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, trong lòng người dân đất đảo lại quặn đau về những hi sinh của bậc tiền nhân để Tổ quốc có một Hoàng Sa yêu dấu.
Day dứt nỗi đau Hoàng Sa - ảnh 1
Đến Lý Sơn, tận mắt chứng kiến các hiện vật của hùng binh Hoàng Sa, mọi người càng day dứt nỗi đau mất đảo
Đâu chỉ có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa mà ở Lý Sơn, hòn đảo chỉ có diện tích khoảng 10 km2 còn chứa đựng một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: di tích quốc gia đình làng An Vĩnh, di tích Âm Linh Tự, nhà thờ các tộc họ Võ Văn, Phạm Quang, Phạm Văn, các khu mộ chiêu hồn của các cai đội, chánh đội trưởng, binh phu Hoàng Sa, hệ thống văn hóa phi vật thể ca dao, dân ca, truyền thuyết…vẫn còn in đậm dấu ấn của các thời kỳ lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển Đông của Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, là bảo tàng sống động gắn với lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Day dứt nỗi đau Hoàng Sa - ảnh 2
Ngôi mộ gió của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật trên đảo
Thật vậy, ra đảo Lý Sơn, tận mắt thấy mô hình thuyền câu được nghệ nhân Võ Hiển Đạt, hậu duệ cai đội hùng binh Hoàng Sa Võ Văn Khiết phục dựng cùng các hiện vật như: chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài, dụng cụ sinh hoạt của binh phu và phiên bản tờ lệnh quý được ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ - 1834) liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam còn nguyên vẹn nhất được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn gìn giữ gần 200 năm qua hiến tặng cho Nhà nước, những bằng chứng khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, khiến chúng ta càng đau đáu nhớ về Hoàng Sa, nhớ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc.
“Biết bao xương máu của người dân đất Việt đã ngã xuống để mở mang, gìn giữ vùng biển Hoàng Sa. Vì thế, thế hệ hôm nay và mai sau phải làm điều cần làm để non sông, mảnh đất của tổ tiên đã có công khai phá thu về một mối”, ông Mai Văn Khánh, ở TP.HCM bày tỏ.
Day dứt nỗi đau Hoàng Sa - ảnh 3
Sản vật hải sâm được ngâm rượu mà ngư dân Lý Sơn thường hay đãi mọi người biết thêm hương vị của Tổ quốc nơi Hoàng Sa
Trên đảo Lý Sơn, đi đến nhà nào chúng ta cũng bắt gặp những sản vật khai thác được ở vùng biển Hoàng Sa như: các loại vỏ ốc lớn có, nhỏ có, cành san hô khô, hũ ruợu hải sâm.. được người dân chưng trong tủ kiếng.
Thậm chí, một số ngư dân còn mang cả nhánh phong ba, lấy cát vàng từ Hoàng Sa về làm kỷ niệm. Đối với ngư dân Lý Sơn, ngày ngày nhìn đến những sản vật mà mình đã đổ bao công sức mới có được đã nhắc nhở họ vùng biển Hoàng Sa mà cha ông đã để lại mãi mãi là nhà, là mảnh đất mưu sinh quen thuộc nên quyết bám, quyết giữ đến cùng, dẫu có hiểm nguy đến tính mạng.
Day dứt nỗi đau Hoàng Sa - ảnh 4
Những vỏ ốc khai thác từ Hoàng Sa luôn được ngư dân Lý Sơn nâng niu như kỷ vật.
Những sản vật ấy giá trị vật chất chẳng đáng là bao nhưng giá trị tinh thần thì không thể đo đếm. Đó chính là những hiện vật quý giá Hoàng Sa mà mỗi con dân Việt khi ra Lý Sơn mới có thể ngắm nhìn, tận tay sờ được một phần xương thịt của Tổ quốc nơi Hoàng Sa.
Đến bao giờ, người Việt có thể tự do đặt chân lên Hoàng Sa thiêng liêng như cha ông ta, những đội hùng binh ngày xưa đã rẽ sóng ra khơi để mở cõi luôn là câu hỏi của nhiều người đã đến Lý Sơn?
Bài, ảnh: Hiển Cừ

13 tháng 1, 2016

CSGT lái BMW biển giả tông chết 2 người, 7 bị thương lãnh 5 năm tù

 BTTD: Chỉ 1 chút lòng tham mà anh Minh bị tuyên án đến 7 năm tù trong vụ án "con ruồi" với THP.

13/01/2016 07:40 GMT+7
TT - Ngoài án tù, bị cáo Phạm Hồng Tuân cũng bị tòa tuyên phải bồi thường cho số tiền hơn 600 triệu đồng cho các bị hại và gia đình các bị hại (2 người chết, 7 người bị thương).
Phạm Hồng Tuân tại phiên tòa sáng 12-1 - Ảnh: Đông Hà
Phạm Hồng Tuân tại phiên tòa sáng 12-1 - Ảnh: Đông Hà
Chiều 12-1, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt 5 năm tù đối với Phạm Hồng Tuân (30 tuổi, nguyên cán bộ CSGT Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trước đó, vào rạng sáng 6-12-2014, Phạm Hồng Tuân điều khiển xe BMW 750i biển số 29A-410.86 không làm chủ tốc độ, lạc tay lái, đâm sang bên trái đường nơi chín dân phòng, dân quân của xã Láng Lớn và thị trấn Ngãi Giao đang tập trung để đi tuần tra.
Tai nạn khiến hai dân phòng xã Láng Lớn chết tại chỗ, bảy người bị thương nặng, trong đó anh Mai Văn Quốc (35 tuổi, dân quân xã Láng Lớn) mang tỉ lệ thương tật 100%, hiện phải nằm một chỗ.
Biển số 29A-410.86 của chiếc xe mà Tuân điều khiển khi gây tai nạn là biển giả, biển số thật là 50Z-2039 do bà Võ Thanh Ngọc đứng tên đăng ký. Xe này được bà Ngọc đem thế chấp tại Ngân hàng Phương Đông và đã trả được hơn nửa số tiền.
Chiếc xe lần lượt qua tay nhiều người, cầm cố, thế chấp tiếp cho đến khi được Hồ Đại Dương (bạn của Tuân - trú Biên Hòa, Đồng Nai) sử dụng. Đêm 5-12-2014, Dương cho Tuân mượn chạy thì gây ra tai nạn.
ĐÔNG HÀ

12 tháng 1, 2016

Giặc đã tới không phận Sài Gòn

Bác bỏ phát ngôn sai trái và nguy hiểm của Bộ ngoại giao Trung Quốc

Trung Quốc ngang ngược đưa máy bay ra Đá Chữ thập, uy hiếp an toàn bay khu vực - Ảnh: T.N
Trung Quốc ngang ngược đưa máy bay ra Đá Chữ thập, uy hiếp an toàn bay khu vực - Ảnh: T.N
Cục Hàng không Việt Nam vừa phát đi thông báo bác bỏ lập luận sai trái và nguy hiểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi liên quan đến máy bay Trung Quốc trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh
Ngày 11.1, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông cáo báo chí của Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến hoạt động của tàu bay Trung Quốc trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục nhắc lại tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7.1, kiên quyết phản đối mọi hoạt động của Trung Quốc, dù dưới bất kỳ hình thức nào, liên quan đến đá Chữ Thập hoàn toàn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Cục Hàng không cho rằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhiều lập luận sai trái và nguy hiểm, uy hiếp đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không tại Biển Đông.
Cụ thể, việc Trung Quốc tuyên bố “các chuyến bay thử nghiệm và hiệu chuẩn của Trung Quốc tới sân bay mới xây dựng trên Vĩnh Thử là hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” là cố tình khẳng định toàn bộ hành lang bay từ Đảo Hải Nam qua Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh đến bãi Chữ Thập thuộc vùng trời chủ quyền của Trung Quốc. Đây là tuyên bố hết sức sai trái và phi lý, trực tiếp đe dọa đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không dân dụng tại Biển Đông.
Với tuyên bố “Trung Quốc đã quyết định rằng các chuyến bay sẽ được thực hiện bằng tàu bay dân dụng như các hoạt động hàng không công vụ. Theo quy định của luật pháp quốc tế, hoạt động hàng không công vụ không bị ràng buộc bởi Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế và các quy định có liên quan của ICAO, thuộc phạm vi hoạt động của các quốc gia có chủ quyền”, Trung Quốc cho rằng việc tàu bay của Trung Quốc bay vào, bay cắt ngang hệ thống đường hàng không quốc tế đã được các quốc gia liên quan và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thiết lập hoàn toàn là quyền tự do của Trung Quốc mà không phải tuân thủ bất kỳ quy định, quy tắc quốc tế nào về an toàn hàng không. "Đây là tuyên bố làm dấy lên sự lo ngại sâu sắc của Việt Nam cũng như cộng đồng hàng không quốc tế về trách nhiệm của một quốc gia đối với vấn đề bảo đảm an toàn hàng không", Cục Hàng không nêu rõ.
Bác bỏ hoàn toàn tuyên bố ngày 11.1 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, thông báo từ Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: “Một lần nữa, Cục Hàng không Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động baytương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở Biển Đông”.
Cũng theo Cục Hàng không, ngày 30.12.2015, ngay sau khi có thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam về thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức kiểm tra công văn, điện văn, fax, e-mail, điện tín tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan đã được công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không Việt Nam (AIP) và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam.
Kết quả, từ 0 giờ ngày 28.12 đến ngày 29.12.2015, kiểm tra hơn 19.000 điện văn hàng không, các đơn vị quản lý của Việt Nam hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào như phía Trung Quốc tuyên bố. Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thông báo của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho cơ quan ngoại giao Việt Nam không thể thay thế cho việc thông báo bay và thiết lập liên lạc thoại trong vùng trời có kiểm soát với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy trình hàng không, để đảm bảo an toàn và điều hòa cho các hoạt động bay.
Mai Hà

Đề nghị cách chức cán bộ huyện ủy 'tuồn' tin nhân sự

BTTD không hiểu, thế nào là công khai, minh bạch?
Theo báo Thanh Niên.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát hiện nhiều cán bộ huyện vi phạm kỷ luật phát ngôn và cung cấp tài liệu liên quan đến nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho đảng viên không có trách nhiệm.
Sáng qua, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết UBKT đã tham mưu với Thành ủy giải quyết tình hình phức tạp về công tác nhân sự trước đại hội ở một số đảng bộ trực thuộc như huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Mê Linh.
Theo bà Hằng, sau khi xác minh, thẩm định, UBKT đã yêu cầu Ban Thường vụ H.Mỹ Đức kỷ luật 7 người nguyên là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND xã Đồng Tâm.
Ngoài ra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ủy viên Ban Chấp hành huyện ủy và 6 cán bộ H.Mê Linh, vi phạm kỷ luật phát ngôn và cung cấp tài liệu liên quan đến nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ H.Mê Linh nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho đảng viên không có trách nhiệm, trong đó có cả người không phải đảng viên; UBKT đã đề nghị Ban Thường vụ xem xét kỷ luật bằng hình thức cắt tất cả các chức vụ trong Đảng và bãi nhiệm HĐND huyện với ủy viên trên.

Mai Hà

Phó Tổng thống Mỹ sẵn sàng bán nhà cứu con nhưng đã không kịp


Thứ Tư, 13/01/2016 06:47
    (Thethaovanhoa.vn) - Để cứu con trai, Phó Tổng thống Mỹ có ý định bán nhà, nhưng “ông chủ Nhà Trắng” đã khuyên can và hứa sẽ cho mượn tiền.
    Trong cuộc phỏng vấn vừa được phát sóng trên kênh truyền hình CNN, Phó Tổng thống Mỹ Biden tiết lộ khi ăn trưa cùng nhau, ông đã tâm sự với Tổng thống Barack Obama rằng minh có ý định bán ngôi nhà ở thành phố Wilmington thuộc bang Delaware để trị bệnh cho con trai Beau Biden bởi ông lo rằng sau khi Beau rời khỏi chức Tổng Chưởng lý bang Delaware sẽ không còn lương nữa.
    Phó Tổng thống Mỹ nhớ lại là lúc đó, “ông chủ Nhà Trắng” đã đứng lên và nói: “Đừng bán nhà. Hãy hứa với tôi rằng anh sẽ không bán nhà. Tôi sẽ cho anh mượn tiền. Bất kể anh có cần hay không, tôi cũng sẽ cho sẽ cho anh mượn tiền. Đừng bán nhà nhé Joe, hãy hứa với tôi điều đó”.
    Tổng thống Mỹ Barack Obama và "Phó tướng" Joe Biden. Ảnh AFP/TTXVN
    Theo Phó Tổng thống Mỹ, ông Obama yêu quý gia đình của mình và cũng yêu quý gia đình ông Biden. Ở chiều ngược lại, gia đình ông Biden cũng rất yêu quý gia đình ông Obama. Họ như người một nhà.
    Điều đáng buồn là tháng 5/2015, con trai ông Biden đã qua đời ở tuổi 46 vì ung thư não. Sau đó khoảng 5 tháng, ông Biden tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016.
    Cái chết của Beau đã làm dày thêm nhật ký đau thương trong cuộc đời của Phó Tổng thống Mỹ. Cuối năm 1972, khi chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Biden đã phải chịu đựng nỗi đau từ sự ra đi đột ngột của người vợ đầu tiên Neilia Hunter và cô con gái mới sinh Naomi trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
    Phương Linh/Tin tức

    Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, Philippines chống bành trướng


    (GDVN) - Nhật Bản muốn thông qua hành động này để cùng Mỹ chống (hành vi bành trướng của) Trung Quốc, gián tiếp ủng hộ Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.
    Việc Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định cho máy bay trinh sát P-3C tuần tra Biển Đông là do Trung Quốc đang thúc đẩy nhanh chóng quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở đây. Động thái này cho thấy Nhật Bản sẽ can dự vấn đề Biển Đông để thúc đẩy thượng tôn pháp luật, Yomiuri Shimbun nhận định.
    Báo Nhật cho hay, khác với hoạt động tuần tra của Quân đội Mỹ, máy bay tuần tra Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không bay trong 12 hải lý đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông. Bởi giữa Trung-Nhật tồn tại rất nhiều vấn đề, còn chưa có cơ chế dự phòng sự kiện bất ngờ nên chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện thái độ thận trọng trên phương diện này.
    Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
    Nhưng đây là hành động độc lập của Nhật Bản, cơ hội bay trên Biển Đông của máy bay Nhật tăng lên sẽ tạo ra hành động phối kết hợp nhịp nhàng với Quân đội Mỹ, phát huy vai trò ngăn chặn bành trướng của Trung Quốc, điều này có ý nghĩa rất lớn.
    Bình luận về động thái này, Doãn Trác, một chuyên gia quân sự Trung Quốc lon Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu cho rằng, máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Nhật Bản bay qua Biển Đông là việc thường gặp, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống cướp biển ở eo biển Malacca.
    Ngoài ra, khi tiến hành diễn tập quân sự với các nước như Mỹ, Philippines và Việt Nam, máy bay trinh sát P-3C của Nhật Bản cũng từng bay qua Biển Đông. Ông Trác lưu ý, lần này Nhật Bản tuyên bố muốn đi vào vùng trời 12 hải lý xung quanh các thực thể Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). 
    Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
    Doãn Trác cho rằng: “Nếu Nhật Bản trực tiếp bay qua vùng trời các đảo nhân tạo mà không thông báo thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa Trung-Nhật trong lĩnh vực an toàn, thậm chí sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”.
    Học giả này nhận định, Nhật Bản mạnh mẽ ủng hộ Mỹ trong vấn đề Biển Đông, thách thức Trung Quốc về mặt luật pháp quốc tế, mục đích là một mặt hỗ trợ Mỹ về quân sự, khẳng định quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật, điều quan trọng hơn là, muốn giảm bớt sức ép từ Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku.
    Đến nay, tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, do đó Nhật Bản tiến hành bay qua bầu trời đảo nhân tạo ở Biển Đông để đáp trả, ông Trác bình luận. Đó là cách các học giả nhà nước Trung Quốc thường dùng để ngụy biện cho yêu sách "chủ quyền" vô lý, phi pháp và bành trướng của họ trên Biển Đông - PV.
    Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
    Một chuyên gia quân sự Trung Quốc khác, ông Trương Quân Xã thì cho rằng, Nhật Bản quyết định cho máy bay trinh sát P-3C bay qua Biển Đông, hành động này có ý nghĩa chính trị đậm hơn mục đích quân sự, phần nhiều là muốn thể hiện sự hiện diện ở Biển Đông, đồng thời thể hiện lòng thành với Mỹ.
    Phó Tiền Tiêu, một chuyên gia không quân Trung Quốc bình luận, máy bay P-3C thậm chí có khả năng cung cấp tin tức tình báo thu thập được ở khu vực Biển Đông cho Mỹ.
    Nhưng theo ông Xã, nắm chắc tình hình Biển Đông hoàn toàn không phải là trọng điểm hoạt động lần này của Nhật Bản, phần nhiều là tỏ thái độ chính trị. Nhật Bản muốn thông qua hành động này để cùng Mỹ chống (hành vi bành trướng của) Trung Quốc, gián tiếp ủng hộ Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.
    Nhật Bản quyết định cho máy bay P-3C tuần tra Biển Đông thời gian tới, Nhật Bản và Philippines cũng đang thảo luận lấy Palawan, Philippines – nơi cách quần đảo Trường Sa tương đối gần làm căn cứ dừng chân.
    Nhật Bản cũng đang thảo luận với Malaysia một việc tương tự, đó là lấy đảo Labuan phía nam Biển Đông làm căn cứ dừng dân.
    Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
    Đông Bình