Trang

30 tháng 4, 2016

Biểu tình: Dân cần tôm cá, không cần Formosa

Tường thuật biểu tình lớn nổ ra ở Quảng Bình ngày thứ hai 30.04.2016

 
30/04/2016 08:57:47
18 giờ 50: SOS – Hai Phóng viên Chu Mạnh Sơn và một phóng viên khác xin ẩn danh đã bị công an bắt, đưa đi đâu không rõ và điện thoại không liên lạc được. Còn Cựu TNLT Trương Minh Tam cũng tác nghiệp tại hiện trường này đã mất liên lạc từ hồi trưa.
Ông Nghiêm, bố của Cựu TNLT Chu Mạnh Sơn cho biết: “Chiều nay, Phó công an điều tra hình sự tên Tuấn và một vài người khác có vào nhà tôi hỏi Sơn đi đâu… tôi nói, nói đi đâu là quyền của nó. Họ cứ hỏi Sơn đi đâu. Cuối cùng tôi đuổi tụi nó về.”

Còn gia đình phóng viên ẩn da nh không thể liên lạc được với người này. 
Cựu TNLT Chu Mạnh Sơn và một người bạn nữa bị bắt đưa đi đâu không rõ vào tối ngày 30.04.2016

15 giờ 45: Phóng viên GNsP có mặt tại hiện trường cho biết: “Hiện đang có rất nhiều xe biển xanh của cán bộ huyện Quảng Trạch đã có mặt nhưng vẫn chưa thấy họ tiếp cận hay trao đổi với người dân. Một số người dân ở thị xã Ba Đồn đã mang nước đến ủng hộ bà con ngư dân ở xã Cảnh Dương, nhưng sau đó đã bị lực lượng công an giữ lại và hăm dọa những người này nhằm ngăn chặn sự ủng hộ của người dân với nhau”. 
Người dân thị xã Ba Đồn tiếp tế nước cho ngư dân ở xã Cảnh Dương vào chiều ngày 30.04.2016, nhưng bị lực lượng công an ngăn cản.
Nhiều xe biển số xanh và biển số đỏ vào xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
SkipAd
Ad finishes in 20 seconds
Người dân mất nghiệp, chết đói nhưng cán bộ vẫn “khoanh tay” đứng nhìn.
Trưa hôm qua ngày 29.04.2016, hai tàu cá của hai ngư dân Quảng Bình cập bến, số lượng cá đánh bắt về không ai mua khiến bà con phẫn nộ đã đem số cá này diễu phố và biểu tình. Anh Thái Văn Đường, một trong những người tham gia biểu tình nói với GNsP:
“Hiện nay họ mới có 2 tàu cá về mà đã vậy tuần tới sẽ có hàng trăm tàu về thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Những con cá này chính là mồ hôi công sức thậm chí nước mắt của họ và họ mang cá lên đường để đồng hành cùng họ. Nếu miếng cơm của họ không còn thì họ sẽ còn đấu tranh và có xu hướng bùng phát lớn, do đó bắt buộc nhà nước phải can thiệp nếu như cuộc biểu tình kéo dài và bùng phát mạnh. Cần có sự hỗ trợ cho bà con một số nhu yếu phẩm cần thiết vì hiện tại bà con nghỉ việc để ra đó biểu tình và cần có truyền thông mạnh để chính quyền phải quan tâm.”

Tại xã Quảng Xuân: 

12 giờ 30: Phóng viên GNsP có mặt tại đây cho biết: “Tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch cách xã Cảnh Dương 6 km về hướng Nam. Người dân đã đưa rất nhiều các ngư cụ đánh bắt cá như thuyền, lưới… rào quanh trục đường, tất cả các loại xe đều bị ngăn chặn bởi một lực lượng dân nhí (các em nhỏ). Các cây xăng lân cận đã bị công an canh gác thường trực, người dân nào cầm chai đến mua xăng thì công an sẽ ngăn cản. Một chủ cây xăng cho biết, công an sợ người dân bạo loạn có thể dùng đến “bom xăng” nên họ đã cản. Hiện nay, thời tiết ở đây rất nóng nực và oi bức. Ở đây số lượng người già và trẻ em rất đông nên sức khỏe của người dân rất đáng lo ngại đặc biệt với thời tiết nóng như thế này.” 

Tại xã Cảnh Dương: 
11giờ: 30 – Phóng viên GNsP có mặt tại hiện trường cho hay: “Tình hình ở Cảnh Dương im ắng hơn so với ngày hôm qua. Số lượng các biểu ngữ nhiều hơn. Nhiều người dân cho biết họ đã thức suốt đêm qua, không thể chợp mắt vì uất hận. Có lẽ vì vậy mà nhìn người dân ở đây đang rất mệt mỏi. Số lượng công an cũng ít hơn, theo suy đoán vì ngày hôm nay người dân xuống đường tại nhiều địa điểm, nên họ phải phân chia lực lượng ra.”

Tại Đồng Hới, Quảng Bình: 

9 giờ: 00 – Một người dân ở đây cho GNsP biết: “Bà con tiểu thương chợ Đồng Hới kéo nhau ra Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình biểu tình và yêu cầu nhà chức trách làm rõ nguyên nhân cá chết, mức độ biển bị ô nhiễm như thế nào và phải trả lời rõ cho dân biết ai đã gây ra các hậu quả này, yêu cầu những nhà máy gây ô nhiễm môi trường phải đóng cửa…” 

8 giờ: 00 – Các phóng viên tự do có mặt tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, có nhiều cuộc biểu tình với số lượng người lớn tham gia đang xảy ra tại nhiều xã của huyện Quảng Trạch vào ngày 30.04.2016 

Tại xã Cảnh Dương: 
Vào lúc 10 giờ 30: Phóng viên GNsP có mặt tại hiện trường cho biết: “Rất đông lực lượng CSCĐ có trang bị nhiều loại vũ khí, xe đặc công, xe chữa cháy đang túc trực trước cổng chính Fomosa.”
Một phóng viên xin được giấu tên cho GNsP biết: “Ngày hôm qua, bà con biểu tình suốt đêm trên trục đường quốc lộ 1A ngay trước đầu cầu Room đến ngã ba thị xã Ba Đồn. Từ thị xã Ba Đồn cách đầu cầu Room khoảng 20km bị ùn tắc giao thông hoàn toàn. Xung quanh bà con được bao bọc bởi lực lượng an ninh, dân phòng. Bà con sẽ dự định biểu tình dài hạn, họ chỉ kết thúc khi nào Formosa nhào ra khỏi VN mà thôi. Do đó bà con đã thay nhau biểu tình và họ đang tìm cách làm thế nào để duy trì cuộc biểu tình này”.

Tại xã Quảng Xuân: 
Sáng nay có một cuộc biểu tình mới nổ ra tại giáo xứ Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Hà Tĩnh cách xã Cảnh Dương khoảng 6 km. Anh Mai Văn Tám đang có mặt tại hiện trường tường thuật với GNsP:
“Người dân giáo xứ Xuân Hòa đang biểu tình trên trục đường quốc lộ 1A. Họ biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường tại khu vực khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Người tham gia biểu tình rất đông, đoàn người kéo dài khoảng 500m. Có rất đông CSGT, CSCĐ, an ninh chìm nổi. Lực lượng công an đang ra sức giải tán người dân sớm, họ đã dùng bùn ném vào người dân, sau đó hai bên xô xát với nhau, một người phụ nữ bị ngất xủi, một số người bị thương nhẹ. Hiện nay, lực lượng công an đứng hai bên đường ngăn cản đoàn biểu tình đi xuống xã Cảnh Dương. Biểu ngữ bà con mang theo là “Formosa phải đóng cửa”, “Formosa cút khỏi VN”… Họ sẽ tham gia biểu tình dài ngày.”
“Bà con cho biết, họ đi đánh bắt cá về không ai mua, nguồn thu nhập của họ bị thất thu, họ không có tiền để trả nợ khi chi phí đóng tàu thuyền thì họ vay mượn tiền của ngân hàng cho nên họ yêu cầu nhà nước phải có cách giải quyết cho họ.”
Lực lượng công an dùng bùn mén vào người dân và xô xát nhẹ khiến một vài người bị thương và bị ngất xỉu tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Hà Tĩnh vào sáng ngày 30.04.2016
Gần một tháng qua, cá biển chết trắng tại các khu vực tỉnh Miền Trung, đặc biệt tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… do ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, bên phía nhà chức trách lại im lặng và không cho biết nguyên nhân nào đã gây ô nhiễm môi trường biển tại các khu vực này.
Trước thảm cảnh ô nhiễm môi trường biển trầm trọng cùng nhiều hệ quả khác đang xảy ra, nhiều người dân VN đã kêu gọi công dân VN hãy xuống đường biểu tình vào lúc 9 giờ ngày 01.05.2016 tại ba địa điểm chính là: địa điểm 1 tại Nhà hát lớn, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội; địa điểm 2 tại công viên 30/4, Lê Duẩn, Quận 1, Sài Gòn; địa điểm 3 tại bãi biển Cửa Lò, Nghệ An. Ngoài ra, người dân nào không có cơ hội đến hai địa điểm này thì có thể xuống đường bất cứ nơi nào với một biểu ngữ trong tay.
Chỉ trong vòng hai ngày đã có  khoảng hơn 102.390 chữ ký ký vào thỉnh nguyện thư vượt mức yêu cầu là 100.000 chữ ký trong vòng 1 tháng gửi Nhà trắng với mong muốn chính khách quốc tế quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, môi trường… đang xảy ra nghiêm trọng tại nước sở tại. Với nội dung thỉnh nguyện thư lần này, người dân VN mong muốn Tổng thống Obama đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển của tỉnh Hà Tĩnh với nhà cầm quyền VN trong chuyến thăm của ông vào tháng 5.2016 sắp tới.
GNsP sẽ tiếp tục cập nhập thông tin đến quý vị.

Pv.GNsP 

TÔM CÁ hay NHÀ MÁY !


Kính gửi anh Chu Xuân Phàm, GĐ đối ngoại Formosa!



Tôi kính trọng anh vì anh là người trung thực, đã nói đúng sự thật, đó là: Việt Nam phải lựa chọn TÔM CÁ HAY NHÀ MÁY!
Cái sự thật đơn giản mà anh nói ra, cho đến hôm nay các ông chủ của anh và các quan chức Việt Nam vẫn không dám thừa nhận.
 Lúc đầu khi nghe anh nói, tôi đã căm thù anh, nhưng về sau, khi nghe tin anh bị đuổi việc, tôi mới hiểu, anh cũng chỉ là người làm thuê cho Formosa, phải làm việc  cho các ông chủ vì miếng cơm manh áo mà thôi, và anh đã trở thành con tốt bị mang ra thí khi ván cờ lân vào thế bí. Thành thật xin lỗi anh Chu Xuân Phàm!
Tôi là người tôn trọng sự thật, vì sự thật chính là chân lý. Người nói đúng sự thật phải là người tử tế, đáng được kính trọng.
Anh đã nói ra chân lý và bây giờ, quyền lựa chọn là của người Việt Nam. Người Việt hãy lựa chọn: TÔM CÁ HAY FORMOSA!
Tôi xin cám ơn Anh, Anh Chu Xuân Phàm! Nếu có duyên tôi sẽ rất hân hạnh được kết bạn với anh.
Trân trọng !
Phạm Văn Hải

'Chỉ cần 1 ngày là tìm ra nguyên nhân cá chết'

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN), cơ quan chức năng đang đi lòng vòng trong việc tìm nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Ông khẳng định để làm rõ điều này, chỉ cần thời gian một ngày.
pgsts-nguyen-duy-thinh.jpg
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh 
- Có ý kiến cho rằng nguyên nhân cá chết là do Công ty Formosa (Hà Tĩnh) xả thải trực tiếp hóa chất ra biển, quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi theo dõi vụ việc này rất sát qua thông tin báo chí đăng tải. Nhiều người đại diện cho cơ quan nhà nước đưa ra câu trả lời về nguyên nhân cá chết mà theo tôi như sách giáo khoa đã dạy là: Cá sẽ chết vì thiếu chất oxy; chất hữu cơ nhiều quá sinh ra độc tố khiến cá chết, hay sóng vỗ mạnh quá cá cũng chết. Tuy nhiên, tôi khẳng định, cá ở các tỉnh miền Trung bị chết chắc chắn là do ngộ độc trong nước. Đặc biệt, cá chết hàng loạt, trong đó có nhiều loại sống dưới tầng đáy và trong cùng một thời điểm thì độc tố phải rất mạnh. Còn độc tố đó là gì thì phải trực tiếp làm mới xác định được.

Khi sự việc xảy ra, chúng ta phải nghi ngờ đơn vị nào có khả năng gây ra. Trên dải bờ biển ấy, Formosa là đơn vị có nhiều nghi vấn nhất. Theo ý kiến của tôi, có thể cá bị ngộ độc do nước thải công nghiệp rất độc và khả năng do Công ty Formosa là cao nhất.
- Làm thế nào để xác định nguyên nhân cá chết, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Ta đặt vấn đề thế này, cá ăn phải đồ độc mới chết. Vì vậy, chỉ cần phân tích ngay con cá đã chết sẽ tìm ra nguyên nhân. Với cá, ta sẽ phân tích mang cá, vì nó hít thở qua mang. Đương nhiên, độc tố sẽ tích ở mang nhiều nhất. Tại sao không phân tích cá mà cứ dò hết cái này đến cái kia, rồi ngồi phỏng đoán.
Khi xả chất thải ra biển, nước biển mênh mông nên độc tố sẽ bị pha loãng rất nhanh, nếu còn thì cũng chỉ rất ít. Tuy nhiên, bây giờ vẫn có thể lấy mẫu ngay trong ống mà công ty thải ra để xét nghiệm. Nếu công ty đã thải hóa chất, thì một phần đã trôi ra biển, nhưng một phần vẫn còn lưu trong ống. Với đường ống thải dài 1,5km, thì mình có thể dùng ống cao su luồn từ đầu này đến đầu kia, sau đó rút dần ra. Cứ 100m lấy 1 mẫu nước thì phân tích được ngay. Tôi khẳng định mẫu nước này còn chính xác hơn rất nhiều mẫu ngoài biển, thế thì tại sao cơ quan chức năng không làm mà lại nhấn mạnh đến tính hợp pháp của cái ống. Không chỉ Formosa, mất cứ công ty nào khi xây dựng cũng phải có hệ thống xả thải được cấp phép, vậy tranh cãi làm gì. Cái chính là ống đó xả chất gì ra ngoài và đã qua xử lý hay chưa.

- Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của cơ quan chức năng trong thời gian qua
.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi cho rằng cơ quan chức năng xử lý lòng vòng, phản ứng chậm và có nhiều khuất tất.

Thứ nhất, một ngư dân lặn và phát hiện chất màu vàng trong ống thải và đến báo cho đồn biên phòng. Đồn biên phòng cũng báo lên cơ quan chức năng. Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan chức năng không phản ứng kịp thời để có phương án, trong khi người dân báo từ rất sớm. Đến khi sự việc xảy ra, thì phải sau nhiều ngày mới lấy mẫu thì còn gì mà phân tích.
Thứ hai, doanh nghiệp nhập tới gần 300 tấn hóa chất để súc rửa ống. Tại sao cơ quan chức năng không đến kiểm tra, làm rõ đó là hóa chất gì, thành phần ra sao? Nếu cơ quan chức năng nói chất đó là cực kỳ độc nhưng cũng không biết là chất gì thì ai tin. Hơn nữa, sao không kiểm tra số hóa chất đó ngay xem còn đủ không. Nếu số lượng hóa chất còn đủ thì chưa dùng, còn thiếu thì dùng làm gì, thải đi đâu? Tại sao không làm rõ vấn đề trên?
Thư ba, tất cả dự án lớn nhỏ, bao giờ cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy với Công ty Formosa, ai ký văn bản ấy. Bản kết luận ấy cho phép hay không cho phép xây dựng. Nếu cơ quan thẩm định bảo chưa đạt yêu cầu, thì ai là người ký cho quyết định xây dựng thì phải làm rõ và truy trách nhiệm. Nếu cơ quan chức năng đã ký kết luận đạt yêu cầu, thì phải thẩm định lại kết luận đó có đúng hay không. Trường hợp kết luận đúng, nhưng kết quả thẩm định là không đúng thì chắc chắn người ký “ăn tiền” của doanh nghiệp hoặc không đủ năng lực thẩm định nhưng vẫn ký. Điều này không phải hiếm vì hiện nay nhiều cơ quan không đủ năng lực thẩm định nhưng vẫn cứ nhận.

Hiện tại, theo tôi Bộ Công an cần vào cuộc để đưa những kẻ “giết” chết môi trường ra pháp luật.
ton-cnh-v-c-cht-hng-lot-min-trung-phunutoday_vn.jpg
Cá chết dọc ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế
- Nếu giao cho ông tìm nguyên nhân cá chết thì bao lâu sẽ có kết quả?
 PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi mà được giao làm vụ này thì sẽ thực hiện như các bước trên. Chắc chắn chỉ trong một ngày tôi sẽ tìm ra. 
Xin cảm ơn ông!

29 tháng 4, 2016

Phim điện ảnh CAO THỦ ẨN DANH

HÂN HẠNH GIỚI THIỆU PHIM VN: CAO THỦ ẨN DANH.
Thể loại: Phim chiếu rạp Hài- Hành động. 
Đơn vị sản xuất: H.H Movies. 
Đơn vị phát hành: GALAXY. 
Dự kiến phát hành toàn quốc từ 27/5/2016
Mời các bạn đón xem và ủng hộ đoàn phim!
Xin cảm ơn !
Chủ tịch HĐTV H.H MOVIES Phạm Văn Hải
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Đất nước mình lạ quá phải không em!

 Thương gửi cô giáo Trần Thị Lam!
Ảnh đại diện của bạn
                               
Đêm trăng mờ trăn trở đọc thơ em
Những vần thơ hiện thực thật đáng xem
Cảnh báo nhân gian gọi hồn sông núi
Thức tỉnh anh khai sáng những kẻ hèn.

Đất nước mình rồi sẽ về đâu em?
Một xã hội còn bất công nghèo dại
Dân lầm than nước ngược dòng nhân loại
Nơi tự do dân chủ vẫn cúi đầu.

Nhưng mai này thế sự chẳng thế đâu
Bài thơ em lan tỏa khắp năm Châu
Bao chí sĩ sẽ vùng lên tranh đấu
Vì tương lai nước Việt mạnh giàu.

Em ơi tạm nhận thương đau
Việt Nam nhất định mai sau huy hoàng!
Hải Phạm
-----------------------------------------------------------
ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...


TRẦN THỊ LAM
Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.

28 tháng 4, 2016

Formosa sẽ giết biển VN?


Nếu thủ phạm giết cá đúng là Formosa, chúng ta hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho biển VN?
Formosa Vũng Áng mới đi vào hoạt động, mới xả lượng nước thải bằng 1/3 công suất mà đã gây nên thảm họa kinh khủng cho biển Miền Trung những ngày qua. Nếu Formosa hoạt động với 100% công suất, lượng nước thải có thể đạt tới 45.000 m3/ngày (theo giấy phép của Bộ TN-MT cấp) thì mức độ ô nhiễm sẽ kinh khủng như thế nào? Biển VN từ Vũng Áng tới mũi Cà Mau sẽ chết chắc! (dòng hải lưu di chuyển về phía Nam).
Tham khảo bài viết dưới đây về nước thải của Formosa:
Hải Phạm
Kỹ sư Formosa tiết lộ: Xả thải thực sự rất kinh hoàng, kiểm tra không thể phát hiện vì…
27-04-2016
“Để đối phó với cơ quan chức năng, người ta bỏ tiền xử lý một lượng vô cùng nhỏ, rồi cho cá vào nuôi để qua mặt. Còn phần lớn là xả trộm qua một đường ống lớn chạy ngầm dưới biển..” – Một kỹ sư của Formosa tiết lộ và khẳng định rằng sau này khi đi vào hoạt động, xả thải của Formosa sẽ khủng khiếp hơn nhiều.
Dưới đây là toàn văn bức thư mà kỹ sư môi trường làm việc ở Formosa vốn là học trò của thầy giáo Lê Quốc Châu ở Hà Tĩnh.
Lá thư đã được thầy Trần Đình Trợ đăng lên FB của thầy để thông tin cho người dân Việt Nam về nguy cơ kinh hoàng sắp xảy ra đối với chúng ta.
“…..Để đối phó với cơ quan chức năng, người ta bỏ tiền xử lý một lượng vô cùng nhỏ, rồi cho cá vào nuôi để qua mặt. Còn phần lớn là xả trộm qua một đường ống lớn chạy ngầm dưới biển anh ạ. Cơ quan chức năng có đến kiểm tra cũng không bao giờ biết được vi thấy họ nuôi cá bằng nước thải đã qua xử lý, cá vẫn sống ngon ơ. Với lại, cơ quan chức năng cũng không nắm được quy trình xử lý nữa.
Nước thải là điều không tránh khỏi trong phát triển công nghiệp. Nhưng đặc thù của công nghiệp nặng là nước thải chứa rất nhiều hóa chất anh ạ. Các thiết bị trong nhà máy muốn vận hành phải có nước làm mát, nếu không hỏng hết anh ạ.
Bộ phận em làm mỗi giờ cần 40000 m3 nước làm mát thiết bị. Trên lý thuyết, bọn em sẽ xử lý, sau đó tái sử dụng tuần hoàn cho đỡ tốn kém. Nhưng vì phải bảo vệ các thiết bị kim loại và đường ống kim loại, bọn em phải thêm rất nhiều hóa chất vào đó anh ạ.
Hóa chất sẽ có tác dụng chống ăn mòn kim loại, chống rêu mốc và khả năng đóng cặn làm tắc ống. Nói chung là, phải dùng nhiều hóa chất lắm. Và bây giờ, em nói đơn giản cho anh hiểu nha. Việc dùng nước giống như anh ăn lẩu vậy. Càng về sau, nồi lẩu càng mặn và đặc quánh. Do đó, bọn em phải xả thải thứ nước đặc hóa chất đó ra biển đi, thêm nước mới vào hòa loãng nồng độ.
Việc tách hóa chất khỏi nước là điều vô cùng khó khăn và tốn kém. Người ta chỉ có thể lọc vật lý để làm trong nước thôi anh ạ. Người không biết nhìn vào thấy nước trong tưởng sạch. Nhưng thực chất hóa chất còn nguyên.
Để đối phó với cơ quan chức năng, người ta bỏ tiền xử lý một lượng vô cùng nhỏ, rồi cho cá vào nuôi để qua mặt. Còn phần lớn là xả trộm qua một đường ống lớn chạy ngầm dưới biển anh ạ. Cơ quan chức năng có đến kiểm tra cũng không bao giờ biết được vi thấy họ nuôi cá bằng nước thải đã qua xử lý, cá vẫn sống ngon ơ. Với lại, cơ quan chức năng cũng không nắm được quy trình xử lý nữa anh ạ. Thêm phong bì nữa là ok anh Châu ạ.
Em biết anh là người tốt và biết nghĩ cho người nghèo nên em tin tưởng và chia sẻ với anh. Mong anh giữ kín cho bọn em. Bọn em cũng yêu nước thương dân nhưng cũng phải kiếm tiền nuôi gia đình nữa.
Cho anh thêm một bí mật nữa, từ đầu năm tới giờ, bộ phận em đã xả tổng cộng 56 000 m3 nước thải công nghiệp. Sắp tới, toàn nhà máy đi vào hoạt động mới kinh khủng anh ạ. Ngay cả em cũng không thể biết, bọn Đài Loan xử lý bao nhiêu phần trăm trong đó nhưng chắc chắn là ít lắm. Vì tách hóa chất trong nước là vô cùng khó khăn và tốn kém.
Tuần sau có đoàn của Bộ TNMT vào kiểm tra nhưng báo trước rồi thì vào không ăn thua lắm anh ạ. Chỉ những người trong nghề mới biết được anh nà. Hi vọng đợt này, các ông không ăn tiền mà làm ngơ. Cái khó của cơ quan Việt Nam là không biết trong nước có những gì, lưu lượng bao nhiêu, quy trình xử lý như thế nào? Ngay cả bọn em, nhiều công đoạn cũng không được biết. Chúng rất bí mật và cấm nhân viên quay phim, chụp ảnh, phát thông tin ra ngoài, báo chí biết được sẽ làm khó công ty”.

Người dân cũng phát hiện cá voi chết ở bờ biển Thừa Thiên Huế vào 25/4. Trong khi đó, việc cá chết bất thường ven biển các tỉnh miền Trung mà đặc biệt là xung quanh Khu công nghiệp Formosa – Vũng Áng (Hà Tĩnh) khiến dư luận hoài nghi cái chết của thợ lặn này chịu tác động bởi các độc tố từ biển mà nguyên nhân nghi do ống xả thải “khổng lồ” dưới biển Vũng Áng gây ra.
Nguồn Facebooker Nguyễn Huy Cường/Báo mới
Theo minhbao.net

Ngư dân Vũng Áng nói về cá chết



- "Chúng tôi chẳng còn tin ai cả" !
Theo FBTN

27 tháng 4, 2016

Hãy đọc ngay và phổ biến bài báo này cho cộng đồng!

Vụ cá chết: Nhận định rùng mình của 3 nhà khoa học VN ở nước ngoài

Vụ cá chết: Nhận định rùng mình của 3 nhà khoa học VN ở nước ngoài

Trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết ở bờ biển miền Trung, chúng tôi đưa ra những bằng chứng sau để dự đoán khả năng hai trường hợp có thể xảy ra.

Bài viết dưới đây có tựa đề gốc: "Chuyện bé như hạt gạo hay thảm họa quốc gia: Nguy cơ ngộ độc kim loại nặng ven biển miền Trung và những tác hại lâu dài", Báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng tải lại để độc giả cùng theo dõi. Đồng tác giả:
* ThS. Trần Thị Thanh Thoả (Khoa Sinh học, Trường Đại học Thủ đô Tôkyo, Nhật Bản)
* Thiều Mai Lâm (Viện Khoa học Cao phân tử, Đại học Kỹ thuật Virginia, Mỹ)
* GS.TS. Trương Nguyện Thành (Khoa Hóa Học, Đại Học Utah, Mỹ)
Để khẳng định một cách chính xác, các phương pháp phân tích hóa chất thường dùng trong các phòng thí nghiệm hóa học, phân tích chất lượng nước... có thể xác định chính xác hóa chất gây cá chết.
Thí dụ dùng phương pháp Atomic Absorption Spectroscopy (AAS) có thể tìm ra những kim loại nặng hấp thụ trong cá chết hoặc Gas Chromatography Mass Spectroscopy (GC-MS) xác định hàm lượng vết các chất hữu cơ.
Những thí nghiệm này không quá phức tạp chỉ cần trình độ cử nhân hóa học là làm được.
Tuy nhiên không hiểu lý do vì sao cho đến giờ chưa có một báo cáo nào công bố cụ thể các chỉ số cho toàn dân biết để phòng tránh.
Trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết, chúng tôi đưa ra những bằng chứng sau để có thể kết luận khả năng 2 trường hợp có thể xảy ra.
Trường hợp 1: Nhiểm độc kim loại nặng (KLN)
1. Chất có khả năng giết hàng loạt cá biển trên một diện rộng như thế phải là chất kịch độc như KLN và kể cả chất phóng xạ.
Theo thiết kế của khu công nghiệp, cổng xả thải được đặt ở vị trí 1,5 km ngoài khơi, nơi được cho là có khả năng làm loãng mọi hóa chất một cách nhanh chóng do dung lượng lớn của nước biển.
Tuy nhiên, đối với các KLN như chì thì một lượng rất nhỏ chỉ cần 1 g trong 1,000,000 lít nước cũng đủ chết người (Nồng độ IDLH (Immediately Detrimental to Life and Health) từ Environmental Protection Agency (EPA - Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ) và 1 g trong 10 triệu lít nước đủ nguy hại đến cá.
2. KLN khối lượng riêng nặng nên khi bị phát tán sẽ dần chìm xuống dưới nên mới gây chết rất nhiều cá ở tầng đáy.
Như các thông tin báo chí đăng có thể thấy cá sống ở lớp nước sâu bị ảnh hưởng nhiều hơn cá sống ở lớp nước mặt.
Điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy do các hợp chất chứa KLN chìm xuống dưới làm chết các loại cá và sinh vật dưới đáy biển.
3. Kết luận kiểm tra của Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân cá chết hàng loạt là do pH nước thay đổi đột ngột, chất lượng phú dưỡng (PO43-) tăng cao đột ngột. Câu hỏi đặt ra “PO4 từ đâu ra và tại sao pH nước tăng đột ngột?”
a. Đá ở khu vực Vũng Áng rất giống loại đá phosphorite: có lỗ nhỏ và màu ngả vàng.

So sánh đá ở khu vực Vũng Áng và đá phosphorite
So sánh đá ở khu vực Vũng Áng và đá phosphorite
b. Trong qui trình khai thác đá phosphorite sẽ thải ra nước thải màu vàng.
Ta có thể thấy nước thải của Formosa có màu vàng, rất giống với màu đặc trưng của nước thải khi khai thác phosphorite.
Hình 2- Nước thải từ Formosa (trái) và nước thải từ quá trình khai thác vàng (phải)
Hình 2- Nước thải từ Formosa (trái) và nước thải từ quá trình khai thác vàng (phải)
c. Cấu trúc của đá phosphorite điển hình thường có chứa gốc iôn kim loại nặng và PO43-
(Một số ít ion bạc trong cấu trúc này có thể được thay thế bởi các loại kim loại nặng khác nhau). Khi khai thác đá phosphorite sẽ giải thoát một lượng lớn PO4, ion Ag cũng như một số kim loại nặng vào nước thải.
d. Phosphoric acid là một acid yếu do đó với lượng lớn PO4 3- ion, theo nguyên tắc chuyển dịch cân bằng Le Chatelie, chiều phản ứng sẽ bị đẩy ngược để tạo nhiều OH ion hơn và do đó nâng cao độ pH của nước.
e. Theo nghiên cứu của Salamon, chỉ cần 0.1 ppb (part per billions) lượng ion bạc là đủ giết cá. 0.1 ppb tương đương với 1 g cho 10 triệu litter nước. (hệ số biến đổi: 1 ppb = 1 g/1 triệu L)
Trường hợp 2: Nhiễm độc bởi cyanide (Xyanua)
Trong kỹ thuật khai thác mỏ kim loại, NaCN thường dùng để chiết xuất vàng và các kim loại quí hiếm.
Thí dụ trong trường hợp chiết xuất vàng từ quặng, NaCN giúp biến vàng thành chất có thể tan trong nước theo phản ứng sau và đồng thời sản xuất NaOH, một bazơ mạnh theo phương trình sau:
4 Au + 8 NaCN + O2 + 2 H2O → 4 Na[Au(CN)2] + 4 NaOH
NaCN là một loại muối rất dễ tan trong nước. Do đó nếu không kết hợp với kim loại thì ion cyanua sẽ xuất hiện ở dạng ion trong nước thải.
Vì phản ứng hóa học thải ra NaOH do đó nồng độ pH của nước sẽ tăng phù hợp với báo cáo của Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế.
Ion Cyanua (CN-) tan trong nước là một chất cực kỳ độc. Nó làm hệ thống hô hấp của động vật mất chức năng tiêu thụ oxy. Nồng độ IDLH của CN là 25 g/ 1 triệu L.
Tuy không độc bằng KLN nhưng với lượng lớn cyanua cũng có thể gây cá biển chết hàng loạt.
Khu vực miền Trung được biết có nhiều mỏ vàng. Do đó khả năng chất thải có từ việc khai thác vàng và kim loại quí hiếm cũng không phải là thấp
Tác hại có thể dự đoán trên diện rộng của sự việc ở Vũng Áng
Khi cống thải được đặt ở 1,5 km xa bờ biển thì cột nước thải có thể dài vài chục đến cả trăm mét.
Dòng hải lưu nơi đó đủ mạnh để phát tán chất độc trong diện rộng từ vài trăm đến ngàn km dễ dàng và nhanh chóng. Thực tế cho thấy tác hại đã lan ra trên 250 km bờ biển.

Cột nước thải và sơ đồ vùng biển nhiễm độc
Cột nước thải và sơ đồ vùng biển nhiễm độc
Theo lí thuyết, những chất này nếu là KLN thì tác hại của nó có thể là khôn lường và rất khó ước đoán. Các loại hải sản ở khu vực nhiễm độc đều có thể bị nhiễm nặng.
Lượng độc tố có thể ngấm sâu xuống mạch nước ngầm và gây hại lâu dài.
Tình trạng ở Vũng Áng có tầm nguy hại đến sức khỏe và mưu sinh của dân chúng trên diện rộng do dòng hải lưu và phân phối hải sản tiêu thụ trên cả nước chứ không chỉ giới hạn ở Vũng Áng.
Lịch sử thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thương tâm về việc nhiễm KLN từ môi trường và cuộc đấu tranh pháp lí không hề dễ dàng.
Một vài ví dụ đau thương được ghi nhận về nhiễm độc KLN:

Nạn nhân bị nhiễm bệnh Minamata
Nạn nhân bị nhiễm bệnh Minamata
Bệnh Minamata là đại thảm họa môi trường của Nhật-như cái giá phải trả cho việc quá nôn nóng phát triển kinh tế mà bỏ qua việc bảo vệ môi trường.
Từ năm 1932-1968, công ty Chisso (Nhật) sử dụng thủy ngân hữu cơ là chất xúc tác để sản xuất acetaldehyde, axit acetic và các chất dẻo.
Methyl thủy ngân là chất kịch độc, độc đến nỗi chỉ vài giọt rơi vào da có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức.
Trong quá trình sản xuất, methyl thủy ngân được sinh ra và đổ thẳng xuống vịnh Minamata mà không qua bất kì một sự xử lý nào.
Thủy ngân phát tán trong môi trường nước, bám vào phù du và lắng xuống bùn. Cá hấp thụ oxy trong nước qua mang cá, tích lũy thủy ngân trong cơ thể.
Khi ăn phải những con cá bị nhiễm độc đó dần dần, người ăn sẽ tích lũy lượng thủy ngân đáng kể trong cơ thể.
Khi đi vào trong cơ thể người, thủy ngân tấn công thẳng vào hệ thần kinh trung ương, hệ nội tiết, và các cơ.
Thủy ngân làm con người trở nên loạn trí, các khớp xương bị co rút, dẫn đến biến dạng cơ thể.
Người mẹ nhiễm thủy ngân sẽ đẻ con ra quái thai, dị dạng hoặc bị nhiễm bệnh Minamata bẩm sinh. Hậu quả là hơn 17 000 người dân phải gánh chịu căn bệnh này suốt hơn 60 năm.
Tác hại của việc khai thác KLN cho môi trường có thể biểu hiện trực quan hơn ở chung quanh khu vực nhà máy khai thác KLN ở Baotou, Trung Quốc năm 2012 súc vật bị chết do nhiễm khí độc.
Ngay cả cây ăn trái cũng èo uột và trái có mùi hôi thối.
Nếu là NaCN thì sao?
Tuy tính độc hại lâu dài của cyanua không tàn khốc như KLN, chất độc này có thể phá hủy hệ thần kinh và bộ phận hô hấp, thay đổi hồng cầu.
Người bị nhiễm độc rất khó thở và dễ bị chảy máu mũi. Những triệu chứng này không phù hợp lắm với triệu chứng tìm thấy ở những người bị ngộ độc do ăn cá nhiễm độc báo chí đã đưa thời gian gần đây.
Không ăn cá chết thôi chứ hải sản sống thì ăn không sao? Tắm biển cũng không sao?
Đây là một nhận định sai lầm trầm trọng. Khi cá chết có nghĩa nồng độ chất độc đã vượt ngưỡng. Nhưng cá còn sống không có nghĩa là không có bị ngấm chất độc.
Tuy trường hợp cá chết do NaCN thì ít nguy hại hơn nhưng nếu là KLN thì hệ quả lớn hơn nhiều.
Xin nhắc lại tất cả hải sản từ vùng ô nhiễm có xác suất hấp thụ độc tố rất cao đặc biệt là những loại sinh vật sống sát đáy.
Những độc tố này tồn dư, tích luỹ qua chuỗi thức ăn. Do cơ thể con người không có khả năng thải KLN hiệu quả, nó sẽ tích lũy dần dần và gây tác hại lâu dài như nói trên.
Đã có nghiên cứu chỉ ra lượng nhiễm độc thuỷ ngân vào cơ thể người từ việc ăn cá lên đến 95%.
Ngay cả lí do lần này không liên quan đến KLN thì việc chất độc tồn dư ở những con cá chưa đủ liều lượng giết chêt cá là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu những chất độc này đã gây ngộ độc cho một số người ở Quảng Bình (Bố Trạch), Hà Tĩnh (Kì Anh), thì có thể thấy rõ tác hại của nó.
Người ngộ độc KLN qua đường tiêu hóa thường có triệu chứng bụng quặng đau, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu và kiệt sức.
Bên cạnh đó, như chúng tôi đã đưa ra trước đó bên cạnh sự nhiễm độc do hô hấp và qua đường thức ăn thì chất độc có thể đi vào cơ thể qua da (niêm mạc).
Do vậy, trong thời gian này hạn chế việc tắm biển, thậm chí các bạn tham gia điều tra nên có bảo hộ khi lặn sâu vào vùng nhiễm độc.
Không đưa ra lời cảnh báo để tránh việc chặn đi đường sống của hàng triệu dân nghèo?
Cũng có một vài ý kiến cho rằng, khi chưa có bằng chứng cụ thể chúng ta không đưa ra nhận định để tránh làm mất đi nguồn sống của người dân hay làm nhân dân hoang mang.
Theo chúng tôi đây là một nhận định hết sức sai lầm. Khoa học ngoài việc tìm ra bằng chứng còn có chức năng dự báo để đề phòng trường hợp xấu nhất.
Chúng ta đề phòng trường hợp xấu nhất nhưng mong đợi vào tình huống khả quan nhất.
Nếu chúng ta không cảnh báo kịp thời, hậu quả sẽ lan nhanh, sâu và rộng hơn cho cộng đồng đến mức độ không còn khả năng kiểm soát được.
Như ví dụ trên: vụ nhiễm độc Minamata cũng được phát hiện nhờ vào lời cảnh báo của viện trưởng Hosokawa của bệnh viện Kumamoto khi nghi ngờ nhiêm độc thủy ngân hữu cơ của các bệnh nhân.
Tại thời điểm đó, sự việc như này chưa hề có tiền lệ trước đó.
Chúng ta đi sau nên học những bài học của người đi trước để tránh sai lầm. Hơn nữa việc chúng ta được cảnh báo là để chúng ta biết và đề phòng chứ không hề vì thế mà sợ hãi.
Những phát ngôn thiếu trách nhiệm
Thời gian gần đây nhiều cơ quan chức năng nhà nước đưa ra kết luận “nguyên nhân cá biển chết hàng loạt là do độc tố”.
Về điều này, một người dân không có hiểu biết về khoa học cũng có thể kết luận được, đặc biệt là những nạn nhân trúng độc phải cấp cứu do ăn đồ biển ở khu có cá chết.
Có ba nguyên nhân cá biển chết hàng loạt:
1) báo hiệu sắp có thiên tai từ động đất hay núi lửa ở thềm lục địa (điều này xưa nay chưa bao giờ xảy ra ở Việt Nam),
2) có sự thay đổi lớn về số lượng vi sinh vật trong vùng nước (hiện tượng nước nở hoa, hay dịch bệnh);
3) chất kịch độc do con người thải ra trong nước biển. Kết luận của cơ quan chức năng chỉ khẳng định rằng chúng ta sẽ không có thiên tai.
Điều 90 triệu dân Việt cần biết từ cơ quan chức năng là xác định cá chết và người dân bị ngộ độc là do hóa chất gì để cộng đồng khoa học có thể hổ trợ tìm phương án giải quyết.
Lãnh đạo Formosa nói 300 tấn hóa chất nhập về sử dụng để tẩy rửa một số đường ống không gây hại và với khu công nghiệp thì chỉ “bé như hạt gạo”.
Kết luận của lãnh đạo Formosa rất mập mờ và khó hiểu, gây phẫn nộ cho rất nhiều người dân Việt Nam. Xin phép được hỏi hóa chất tẩy rửa đường ống đó có tên hóa học là gì?
Nếu lãnh đạo Formosa không trả lời được thì xin cho biết tên thương mại là gì? Chi cục Hải Quan Hà Tĩnh có thể cho dân biết thông tin cụ thể về 300 tấn hóa chất này không?
Mới đây lãnh đạo Formosa còn tuyên bố để phát triển kinh tế việc chết vài con cá biển là chuyện nhỏ và là cái giá phải đánh đổi.
Chỉ tiếc là việc chết cá biển không phải là chuyện “bé như hạt gạo” mà nó có thể là cảnh báo cho một tai họa đổ xuống các thế hệ tiếp theo của Việt Nam.
Kết luận
Có thể coi sự việc nghiêm trọng này là thảm họa khôn lường và lâu dài.
Với sự nguy hiểm của chất độc chúng tôi cho rằng cần có một nghiên cứu toàn diện với sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học quốc tế như World Health Organization (WHO) và nên khẩn cấp trong thời gian này.
Chính phủ cần yêu cầu Formosa dừng ngay việc xả nước thải ra biển cho đến khi có kết quả điều tra chính thức.
Các cơ quan luật pháp cũng như các luật sư cần thu thập thông tin đầy đủ để có thể bắt buộc thủ phạm bồi thường thiệt hại cho dân về sức khỏe cũng như thiệt hại kinh tế.
Người dân ở vùng bị nhiễm, cần phải xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt và sản xuất nơi mình đang sống. Chúng tôi đã có bài viết hướng dẫn cách lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Nếu các bạn cần tư vấn thêm về cách xử lý nước hoặc trao đổi về các kết quả nhận được có thể gửi email cho chúng tôi.
Nếu có điều kiện hãy dùng máy lọc để lọc nước trước khi dùng kể cả đó là nguồn nước sinh hoạt.
Đồng thời chúng ta cũng nhanh chóng phổ biến đến người dân, để nhân dân an tâm, có biện pháp đề phòng và cũng cần đề phòng các lực lượng mê tín dị đoan lợi dụng hiện tượng này để tung tin đồn nhảm và trục lợi.
Hơn lúc nào hết người dân cần tự mình trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ cho chính bản thân và gia đình.
* Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt. Bài viết cũng đã được đăng tải trước đó trên Vietnam Journal of Science.
theo Trí Thức Trẻ