Trang

18 tháng 4, 2015

Đường tàu điện ngầm Hà Nội cũng... “cong mềm mại”?


Dân trí Người dân cho rằng Dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 (Hà Nội) uốn lượn rất bất thường, đặc biệt tại khu vực ga C6, nên đã thuê chuyên gia nước ngoài “phản biện” lại Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

TS. Wessels (Đức) trình bày về bất hợp lý của ga C6.
TS. Wessels (Đức) trình bày về bất hợp lý của ga C6.
Cuộc đối thoại diễn ra hôm qua (17/4) tại trụ sở Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội khi TS. Wessels (người Đức) - đại diện cho các hộ dân sinh sống tại cụm dân cư Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) - đưa ra những quan điểm phản biện lại cách đặt vấn đề của đại diện các sở ngành TP Hà Nội về dự án này.
Dự án  xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư bắt đầu được triển khai từ năm 2007. Sau nhiều giai đoạn nghiên cứu khả thi, lập quy hoạch, năm 2013 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch mặt bằng tuyến và công bố tới các quận huyện liên quan và người dân được biết.
Theo quy hoạch này, dự án có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó có 8,9 km đi dưới ngầm và 2,6 km đi trên cao. Điểm đầu của dự án đặt tại khu đô thị Ciputra - Nam Thăng Long (quận Nam Từ Liêm) và điểm cuối tại nút giao phố Hàng Bài - Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Toàn tuyến có 10 ga gồm 3 ga trên cao và 7 ga đi ngầm được đánh số từ C1- C10. Trong số 4 ga cần thu hồi nhà của người dân thì ga C6 (còn gọi là ga Bách Thảo vì gần công viên Bách Thảo) có diện tích đất cần thu hồi khoảng 6.000 m2, ảnh hưởng tới 51 hộ gia đình.
Bà Bùi Thu Huyền (đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng tại ga Bách Thảo) cho biết suốt năm 2014 người dân tại đây phản ứng với ban quản lý về việc quy hoạch và thiết kế ga có nhiều vấn đề bất hợp lý. Trong khi các ga trên toàn tuyến được bố trí theo khoảng cách trung bình 1 km thì ga C6 lại quá gần với ga C7 và quá xa với ga C5.
“Điều khiến cho các hộ dân bức xúc nhất là vị trí đặt nhà ga C6 đã khiến tuyến tàu điện ngầm này hình thành một một đường cong uốn lượn rất bất thường. Theo quy hoạch thì đường hầm của ga C6 phải uốn cong từ ga C5 (đang nằm trên đường Hoàng Hoa Thám) để lượn xuống phố Thụy Khuê (ga C6) rồi lại uốn cong tiếp để lượn về ga C7 trên đường Hoàng Hoa Thám. Về nguyên tắc kinh tế, xây dựng thì thiết kế cong như vậy dù đi ngầm dưới đất cũng sẽ tốn kém hơn là đường thẳng”- bà Huyền đặt vấn đề.
Để thuyết phục hơn, các hộ dân sinh sống tại đây đã bỏ tiền túi để thuê một số chuyên gia về đường sắt đô thị, trong đó có TS. Wessels - chuyên gia thiết kế, tư vấn về công trình giao thông đô thị và đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tàu điện ngầm ở Thái Lan, Hồng Kông và Nam Mỹ.
Theo TS. Wessels cho rằng có thể di dời ga C6 về đường Hoàng Hoa Thám để đảm bảo tuyến đường tàu điện ngầm sẽ đi thẳng và khoảng cách giữa các ga có sự cân đối. Nếu vẫn giữ vị trí như hiện nay thì cần thay đổi thiết kế theo cấu hình xếp chồng (ga nằm sâu hơn) để giảm thiểu thu hồi nhà đất của người dân.
“Nếu cứ để như hiện nay thì khoảng cách giữa hai ga C6 và C7 quá gần nhau, chỉ có 730m, không đảm bảo hiệu quả kinh tế và khả năng khai thác sau này. Hơn nữa điều kiện địa chất tại khu vực đường Thụy Khuê (gần Hồ Tây) kém hơn rất nhiều so với đường Hoàng Hoa Thám nên chắc chắn sẽ làm tăng không nhỏ chi phí xây dựng”- ông Wessels phân tích.
Sơ đồ dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 (ảnh chụp lại).
Sơ đồ dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 (ảnh chụp lại).
Tại sao không đi thẳng qua công viên Bách Thảo?
Ông Lưu Xuân Hùng - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - cho rằng nếu đi thẳng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan quốc phòng. “Phương án như hiện nay đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng”- ông Hùng cho biết.
Trong văn vản trả lời thư kiến nghị các hộ dân ngày 22/10/2014, ông Lưu Xuân Hùng cũng cho biết nếu di dời nhà ga C6 lên đường Hoàng Hoa Thám để hướng tuyến theo đường thẳng sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề: Trái với hàng loạt quyết định đã được UBND TP Hà Nội và các hộ dân phê duyệt; tuyến đường đi ngầm phía dưới công viên Bách Thảo, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ,… có thể sẽ phát sinh các vấn đề tiềm ẩn về ảnh hưởng môi trường, sinh thái của của khu Bách Thảo, các di sản văn hóa, các công trình ngầm bí mật cần phải có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Hơn nữa, nếu thay đổi phương án thiết kế sẽ làm thời gian thực hiện dự án tăng lên, đồng nghĩa với việc tăng chi phí xây dựng, phải thay đổi nhiều quyết định của UBND TP Hà Nội.
Trong khi đó, tư vấn Nhật Bản của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng phương án mà TS. Wessels đưa ra không phù hợp. Nếu làm ga C6 theo cấu hình xếp chồng với ga nằm sâu hơn, diện tích thu hồi đất ít hơn, thì chi phí có thể dịch chuyển từ 494 tỷ đồng (phương án hiện tại) lên tới 1.300 tỷ đồng (phương án xếp chồng).
Sau khi nghe phản ứng không đồng tình của TS. Wessels, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những phản ánh này.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Bùi Thu Huyền cho rằng giải thích của ban quản lý dự án không thuyết phục. “Việc họ cho rằng dự án nếu đi theo đường thẳng sẽ ảnh hưởng đến các công trình ngầm là thiếu rõ ràng, minh bạch. Họ chưa cho chúng tôi xem ý kiến của những cơ quan xác nhận về việc này”- bà Huyền nói.
Không những vậy, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ga C6 còn cho biết quy hoạch mặt bằng của tuyến ngầm được duyệt từ ngày tháng 3/2013 theo Quyết định số 2297/QĐ-UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên 1 năm sau thì người dân mới biết về việc này khi vào tháng 2/2014, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội mới phối hợp với UBND quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khê (quận Tây Hồ) tổ chức các buổi hội thảo tham vấn ý kiến người dân. “Tại những cuộc hội thảo này các hộ dân bị ảnh hưởng không được mời tham gia đầy đủ”- bà Huyền bức xúc.
Thế Kha

“Giáo dục Việt Nam hiện nay như đang đào tạo Voi, Hổ, Bò tót…”


(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: “Tôi giật mình khi có đồng nghiệp khoe rằng tham khảo 10 trường ĐH tiên tiến nhất để xây dựng chương trình của riêng mình...”.
Tiếp tục cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi nhận định, thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT chỉ là điểm khởi đầu trong một chuỗi đổi mới nền giáo dục. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải nghiêm túc xem xét lại công tác đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng… nơi trực tiếp cung cấp sản phẩm ra xã hội.
Trẻ con nghĩ gì? Thầy Giáo nghĩ gì? Xã hội nghĩ gì?
PGS Nhã phân tích, đổi mới thi tốt nghiệp THPT chỉ là việc đầu tiên cần làm, tiếp theo đó phải đổi mới chương trình – SGK; tiếp đó phải thay đổi chương trình đào tạo ở các trường sư phạm, bồi dưỡng giáo viên... Tuy nhiên, song song với những điều chỉnh ấy mà không giải quyết được bài toán phân luồng thì vẫn xảy ra tình trạng ùn ùn kéo nhau vào đại học, sau đó thất nghiệp lại quay sang học nghề, vừa tốn kém cho các gia đình, xã hội cũng có thêm gánh nặng.
“Tôi nói thật là chúng ta đang nghĩ đến thượng tầng nhiều, hãy nghĩ đến hạ tầng cơ cơ sở: Xã hội nghĩ gì? Thầy giáo nghĩ gì? Trẻ con nghĩ gì? Chúng ta đổi mới mà lực lượng người thầy chưa đủ đáp ứng được thì chúng ta chắc chắn thất bại. Chúng ta đổi mới một sản phẩm nhưng kỹ sư, kiến trúc sư không đáp ứng được thì chúng ta phải phá dây truyền sản xuất ấy để làm lại.
Tôi lấy thí dụ, nước Đức sau khi thống nhất đã phá hết các nhà máy của Đông Đức để đưa công nghệ Tây Đức vào. Họ có thành công không? Lịch sử đã ghi nhận họ rất thành công. Từ đó nhìn trở lại bài toán giáo dục của nước ta, bàn đi bàn lại mà chưa tìm thấy đường thoát, và quanh quẩn mãi với vấn đề sửa đổi sách giáo khoa gây tốn kém cho xã hội. Vậy chúng ta chọn đúng chưa? Nếu chúng ta chọn đúng thì phải tìm mọi cách làm cho xã hội hiểu, hiểu rồi thì mới đồng thuận, và dù tốn kém đến mấy cũng phải làm. Nhưng nếu nó không thuyết phục, không thể hiệu quả được, thì dù chỉ một đồng cũng không được phí phạm”, PGS Nhã chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: "Chúng ta có thể tổ chức thi đại học quanh năm, tại sao cứ dồn vào một kỳ?". Ảnh: Ngọc Quang.
Theo PGS Nhã, với mục tiêu đổi mới đặt ra, Việt Nam sẽ thay đổi được nền giáo dục, nhưng cần bao nhiêu năm và mục tiêu cụ thể phải đạt được như thế nào thì chưa ai xác định được.
“Cựu Tổng thống Nam Phi – ông AQ Nelson Mandela đã từng nói một câu rất sâu sắc: "Giáo dục là một vũ khí đầy sức mạnh mà chúng ta có thể sử dụng nó làm thay đổi thế giới". Ireland là một bài học thú vị khi họ vươn lên từ cái gốc là giáo dục và Singapore cũng vậy. Cả hai quốc gia này đều phải mất tới 40 năm để thay đổi nền giáo dục và trở thành cường quốc về khoa học kỹ thuật.
Còn Việt Nam thì sao? Bấy lâu nay, chúng ta vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng trên thực tế thì chưa phải vậy. Tiền rất nhiều nhưng tiêu vào đâu, có hiệu quả không? Vừa rồi có đại biểu quốc hội đã phát biểu rất thẳng thắn là quốc hội cần phải kiểm soát được ngân sách trung ương cấp cho địa phương, nếu cấp tiền đầu tư vào giáo dục thì dứt khoát phải vào giáo dục chứ không thể đưa sang lĩnh vực khác. Cứ loay hoay thế này thì còn lâu giáo dục mới là hàng đầu được”, PGS Nhã nói.
"Tôi nhớ có lần Bộ Giáo dục hỏi ý kiến của 60 Giáo sư, Phó Giáo sư uy tín rằng, có nên giữ kỳ thi ba chung không? Có 54 vị trả lời là giữ kỳ thi ba chung. Còn ba vị không ý kiến. Chỉ có 3 vị kiên quyết yêu cầu bỏ kỳ thi ba chung. Đấy, thế mới thấy sự nghiệp đổi mới đại học ở Việt Nam khó vô chừng", PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.
Cũng theo PGS Nguyễn Văn Nhã, ngoài chuyện đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục cũng nên tính ngay tới đổi mới thi đầu vào đại học.
“Thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ có làm quanh năm được không? Câu trả lời là có. Thi lái xe có tổ chức quanh năm được không? Câu trả lời là có. Khám sức khỏe làm căn cứ học tập, làm việc có làm quanh năm được không? Câu trả lời là có. Vậy thì tại sao lại cứ phải dồn học sinh vào một kỳ thi đại học khiến cho cả xã hội căng thẳng? Với việc cải cách thi tốt nghiệp THPT hiện nay thì năm tới đây các trường đại học sẽ phải tự tổ chức thi đầu vào vì kết quả phổ thông không đáng tin cậy, như vậy là vẫn tốn kém đấy chứ, và cũng chỉ thi đầu vào có một lần.
Tôi đã nói nhiều lần rồi là chúng ta phải dũng cảm đổi mới đi, hoàn toàn có thể xây dựng các trung tâm khảo thí ở 3 miền trên cả nước, và mỗi năm tổ chức thi vài lần. Đầu năm các em thi trượt thì về ôn luyện, 3 tháng sau có thể đến thi, chứ đâu nhất thiết phải chờ đợi thêm cả một năm? Trên thang điểm ấy, học sinh đăng ký vào các trường phù hợp", PGS Nhã bày tỏ.
Quá nhiều cử nhân thất nghiệp phản ánh sự thất bại của giáo dục
Bàn về sự việc hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp đã được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, PGS Nguyễn Văn Nhã nhận định, đây là hệ quả tất yếu khi chưa giải quyết được bài toán phân luồng, chưa kiểm soát chặt kết quả học và thi THPT, cộng với tâm lý sính bằng cấp nên ai cũng muốn học đại học dù không trả lời được: Học đại học để làm gì?
“Ở bậc THPT đã không siết được, nhưng ở bậc đại học thì nhiều chỗ cũng dễ dãi, nhiều trường không đảm bảo điều kiện đào tạo nhưng vẫn tồn tại, tuyển sinh, rồi phát bằng thì thất nghiệp là điều không tránh khỏi. Tôi nghĩ nhà nước cần sớm siết lại hệ thống các trường đại học, nhà nước chỉ nên chi phí cho những ngành đặc thù, còn lại phải để cho các trường tự chủ thì lập tức chất lượng đào tạo phải nâng lên, nếu không thể nâng lên được thì phải tự đóng cửa”, PGS Nhã chia sẻ.
PGS Nguyễn Văn Nhã phân tích, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự yếu kém của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là vì “không có triết lý giáo dục” rõ ràng, mà đây là điều tối kỵ trong khoa học.
PGS Nhã chia sẻ: “Tôi còn nhớ ở một trường Đại học có đồng nghiệp khoe tham khảo chương trình đào tạo của 10 nước tiên tiến nhất để xây dựng thành chương trình đào tạo của mình. Tôi giật mình kinh hãi, bởi lẽ chương trình đào tạo của mỗi quốc gia có một triết lý đào tạo khác nhau, một thiết kế logic chặt chẽ khác nhau. Chúng ta không thể ghép cơ học để ra một chương trình hợp lưu mà chương đầu là voi, chương 2 là đại bàng, chương 3 là bò tót! Như thế là lại làm hỏng sự nghiệp đào tạo một cách hồn nhiên, cách tốt nhất bây giờ là chọn lấy một mô hình tiên tiến thế giới đã thành công để áp dụng.
Trong một lần tham dự hội thảo khoa học tôi có nghe ý kiến của đại biểu nước ngoài: Nếu Việt Nam mà có sáng tạo độc đáo, thành công chưa nước nào làm được thì nên mời các nước đến cùng học và làm theo, sức mạnh quốc tế sẽ nhân lên gấp bội; nếu chưa chọn được giải pháp hay thì nên học và tham khảo các bài học thành công của các nước! Họ cũng đang coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhất là Nhật Bản. Nhưng học kinh nghiệm của người ta thì cần thận trọng, học đến đầu đến đũa, nếu không thì than ôi, hỏng không cứu lại kịp!”.
Vấn đề nguy hiểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay không chỉ là câu chuyện đào tạo "hình ống", thiếu kỹ năng trầm trọng, mà hầu hết cử nhân đều "mù tịt" ngoại ngữ. Vì vậy, PGS Nhã nói: "Tôi ủng hộ quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu không nâng được trình độ ngoại ngữ thì chúng ta sẽ tụt hậu thê thảm ngay ở khu vực chứ chưa nói gì tới thế giới.
Tôi nói không hề ngoa rằng nếu so sánh thì thậm chí chúng ta còn thua cả Lào. Tôi đã có vài dịp sang công tác tại ĐH Quốc gia Lào, trời ơi từ lãnh đạo nhà trường  cho tới các nhân viên mọi phòng ban đều nói tiếng Anh, tiếng Việt rất tốt. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ hơn cả là một nhân viên bảo vệ và một cán bộ phụ trách ký túc xá cũng nói tiếng Việt và tiếng Anh rất tốt. Còn ở ta, nhiều người học xong cả thạc sĩ mà còn không đủ tự tin giao tiếp thì còn nói gì tới nghiên cứu tài liệu, và thế là chỉ dám nói tiếng Việt thôi. Mà xin lỗi, nói tiếng Việt nhiều khi còn sai".

Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán


(LĐ) - Số 88 AN TÂN 
Người dân thôn Phụ Chính làm rào sắt bảo vệ gỗ sưa.

Dù Bộ NNPTNT xác nhận gỗ sưa tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do dân trồng và được quyền bán nhưng UBND TP.Hà Nội lại can thiệp khi chính quyền giữ gỗ của thương lái và phong tỏa hơn 20 tỉ đồng tiền bán gỗ của dân.

    Ngày 17.4, ông Hoàng Minh Hiến - Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ - đã có buổi làm việc người dân thôn Phụ Chính về việc người dân đòi chính quyền phải trả lại gỗ sưa cho dân. Do người dân kéo đến quá đông, ông Hiến chỉ tiếp được 20 phụ lão, hàng chục người khác được hướng dẫn sang trụ sở tiếp công dân của huyện để làm việc. Theo hồ sơ, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có trồng nhiều cây sưa trên đường liên thôn trước đền Đức Thánh Nhì vào khoảng năm 1880. Nhiều năm trước, người dân đốn sưa để sửa đình, chùa, một số làm củi và còn chừa lại 2 gốc. Ngày 13.9.2010, mưa bão lớn làm một số cành cây sưa bị gãy nên cộng đồng thu gom và tổ chức bán số gỗ tận thu trên để lấy kinh phí xây dựng lại chùa, đền thờ, công trình văn hóa cộng đồng thôn. Quá trình tận thu, người dân thôn Phụ Chính căn cứ vào văn bản số 3419 ngày 12.12.2007 của Bộ NNPTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”.
    Ngày 18.10.2010, UBND xã Hòa Chính xác nhận nguồn gốc lâm sản được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán. Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ cũng kiểm tra và xác nhận đây là gỗ do cộng đồng thôn quản lý nên làm lý lịch lâm sản, đóng búa cho gỗ để dân bán đấu giá. Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn Thái (ngụ Thanh Bình, Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng. Sau khi ông Thái thanh toán, cộng đồng dân cư gửi tiền vào 10 cuốn sổ tiết kiệm, còn ông Thái thì nhận gỗ chở về. Khi ông Thái đang vận chuyển gỗ thì Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra xe. Dù ông xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng công an vẫn tạm giữ phương tiện và gỗ đồng thời phong tỏa toàn bộ số tiền bán gỗ mà cộng đồng thôn Phụ Chính đang đứng tên để tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc mua bán vận chuyển gỗ sưa.
    Ngày 5.5.2011, Công an Hà Nội có Công văn 2065/PC46-Đ9 gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến xử lý số gỗ. Ngày 25.5.2011, ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng cục trưởng - có văn bản khẳng định, số gỗ sưa này là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng do cộng đồng thôn tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra xác nhận (theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT). Dù Tổng cục Lâm nghiệp đã trả lời cụ thể số gỗ này do dân tự quyết nhưng việc “xác minh” của Công an Hà Nội cũng mất gần 30 tháng. Mãi đến ngày 26.3.2013, cơ quan công an mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 78/03/2013 vì không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cả gỗ lẫn tiền vẫn bị phong tỏa.
    Mất tiền mất gỗ, ông Thái và cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính liên tục kéo kiện đông người, yêu cầu UBND TP.Hà Nội trả lại gỗ và tiền cho dân. Tuy nhiên, sự việc không được giải quyết dứt điểm. Đến ngày 31.3.2015, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - ký Công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Hiến - Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ - cho biết, người dân thôn Phụ Chính đã yêu cầu huyện phải tạm dừng đấu giá và xem xét lại nguồn gốc gỗ. “Hiện TP đã giao gỗ về huyện và yêu cầu huyện tổ chức đấu giá trước ngày 25.4.2015. Việc dân bức xúc chúng tôi phải ghi nhận, nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên” - ông Hiến nói.
    Ông Vũ Viết Binh - nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ), người tham gia khiếu nại đòi gỗ - bức xúc: “ Chúng tôi quyết liệt khiếu nại vì theo quy định của pháp luật, số gỗ này thuộc quyền định đoạt của dân, không liên quan gì đến UBND TP.Hà Nội. Nếu không trả tiền cho dân, trả gỗ cho thương lái, chúng tôi sẽ kiện ra tòa”. Theo ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính - ngoài 2 gốc sưa trồng ven đường, người dân còn trồng rải rác hàng chục gốc sưa khác trên đất nhà. Với cách xử lý của TP.Hà Nội, nhiều người hoang mang không biết khi nào thì chính quyền đòi quản lý và bán đấu giá.

    16 tháng 4, 2015

    Xây trụ sở ngàn tỷ, Khánh Hòa nhận gạo cứu đói

    (Tin tức thời sự) - Đề nghị hỗ trợ khoảng 1.000 tấn gạo cứu đói cho người dân Khánh Hòa vừa được chấp thuận...

    Quyết định này được đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống hạn của địa phương ngày 14/4.
    Cùng với việc hỗ trợ gạo cứu đói, Khánh Hòa cũng được hỗ trợ 66 tỷ đồng kinh phí chống hạn và hỗ trợ người dân mua giống lúa. 
    Được biết, vào thời điểm này, Khánh Hoà đang phải đối phó với tình hình hạn hán nghiêm trọng. Diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán là gần 5.360ha. Diện tích lúa vụ Hè Thu 2015 không sản xuất được do không có nước tưới sẽ khoảng 13.648 ha/18.380 ha.
    Để địa phương có nguồn nước ổn định phục vụ cấp nước đa mục tiêu, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán ngày một gay gắt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng đã xem xét và cho ý kiến về việc bố trí kinh phí hơn 500 tỷ đồng đầu tư xây hồ chứa nước Hố Mây, hồ chứa nước Sông Cạn, Trạm bơm Ba Cẳng; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành sớm bố trí 233 tỷ đồng triển khai xây dựng dự án Hồ chứa nước Tà Rục, huyện Cam Lâm.
    Điều đáng nói, mặc dù người dân vẫn nhận hỗ trợ gạo cứu đói, tỉnh Khánh Hòa đang xúc tiến những bước đầu tiên của việc xây dựng khu trung tâm hành chính mới tri giá hàng ngàn tỷ.
    Dự án Khu đô thị hành chính của Khánh Hoà có quy mô tổng diện tích 126 ha; bao gồm 2 phần: Phần diện tích khoảng 35 ha để đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới cho 101 đơn vị với diện tích xây dựng khoảng 146.000 m2; phần còn lại khoảng 91 ha để đầu tư xây dựng đô thị, công viên, cây xanh, quảng trường.
    Tổng mức đầu tư dự án Khu đô thị hành chính dự kiến là 5.534 tỷ đồng, trong đó, tổng chi phí đầu tư cho khu trung tâm hành chính mới là 2.788 tỷ đồng.
    • An Nhiên

    Tham nhũng, hối lộ tràn lan từ công sở đến bệnh viện, trường học


    Đăng Bởi  - 
    tham nhung, hoi lo
    Ảnh minh họa

    Đó là kết quả cuộc khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2014 do UB Mặt trận Tổ quốc VN, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện vừa được công bố.

    Qua khảo sát, tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng và hối lộ tồn tại ở cấp chính quyền địa phương trong một số dịch vụ hành chính công và dịch vụ công căn bản tăng lên. Sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa vị thân. Hiện tượng phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có tới gần 50% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống.
    Khảo sát PAPI năm 2014 tiếp tục đo lường trải nghiệm của người dân với các hành vi vòi vĩnh của cán bộ, công chức khi đi làm các dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục tiểu học công lập…
    Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 24% số người đi làm “sổ đỏ” đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014. Để được phục vụ tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện, khoảng 12% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế. Và để con em nhận được sự quan tâm ở trường tiểu học, có tới 30% số phụ huynh phải “bồi dưỡng thêm” cho giáo viên.
    Tất cả những con số này cho thấy hiện tượng tham nhũng vặt có xu hướng tăng so với trong năm 2012 (năm 2012, theo tỉ lệ tương ứng, chỉ có 17% số người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 10% số người sử dụng dịch vụ bệnh viện công tuyến huyện và 12% số người có con em học tiểu học).
    “Những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi. So sánh với kết quả phân tích của năm bản lề 2011, mức độ cải thiện hiệu quả tham nhũng ở cấp tỉnh có dấu hiệu chậm lại sau bốn năm”- nhóm chuyên gia nhận định.
    Tương tự với những quan sát từ ba khảo sát toàn quốc giai đoạn 2011-2013, chính quyền các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam được người dân đánh giá cao hơn so với các tỉnh phía Bắc qua bốn năm. Riêng năm 2014, có tới 12 tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất là các địa phương miền Trung và phía Nam. Trong năm thành phố trực thuộc trung ương, TP. HCM được đánh giá cao hơn so với Hà Nội trong kiểm soát tham nhũng; Cần Thơ và Đà Nẵng đạt điểm cao hơn nhiều so với Hải Phòng.
    Khảo sát cũng cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền cấp tỉnh năm 2014 hầu như không thay đổi so với các năm trước. Trên phạm vi toàn quốc, chỉ có khoảng 40% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc việc tham nhũng xảy ra tại địa phương. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi đó.
    Từ phía người dân, mức độ chịu đựng tham nhũng cao dẫn tới việc quyết định không tố cáo các hành vi tham nhũng. Điều này được giải thích do tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì, thủ tục tố cáo quá rườm rà, hoặc họ sợ bị trù dập, hoặc không biết tố cáo thế nào.
    Nhật Trường

    Dân biểu tình, Quốc lộ 1A bị chia cắt

    kẹt xe kéo dài 50 km

    ĐỨC HIỂN - PHƯƠNG NAM - Thứ Năm, ngày 16/4/2015 - 01:18
    (PL)- Xô xát đã xảy ra, nhiều người bị thương, một khách sạn với một số ô tô bị đập phá. Cho đến 23 giờ tối qua (15-4), dòng xe bị kẹt đã kéo dài hơn 50 km ở hai đầu quốc lộ 1A với hàng chục ngàn phương tiện.

    Chiều 15-4, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) hàng trăm người dân địa phương tiếp tục dùng bàn ghế, đá, gạch làm chướng ngại vật đưa ra giữa lòng đường chặn xe để phản đối Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm môi trường. Ngoài việc phát loa thuyết phục, Công an tỉnh Bình Thuận đã tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) đến hiện trường.
    Đập phá khách sạn, làm hư hỏng xe ô tô
    Đến 22 giờ 30 tối 15-4, lực lượng CSCĐ của Công an Bình Thuận đã rời khỏi hiện trường sau khi rất đông người dân quá khích dùng gạch, đá và “bom xăng” tự chế ném vào lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Theo một nguồn tin, có rất nhiều người bị thương trong vụ náo loạn này. Ngay sau đó đoàn người phản đối ô nhiễm môi trường lúc này đã lên đến cả ngàn người kéo đến khách sạn Vĩnh Hảo (cách nhà máy khoảng một cây số), nơi mà họ cho rằng là “tổng hành dinh” của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để đập phá. Ba chiếc ô tô của khách nghỉ tại khách sạn gồm Mercedes, Ford và BMW bị đập phá hư hỏng, khu vực khách sạn bị đập phá tan nát một phần. Ông S., chủ khách sạn, cho biết mình đang đi công tác ở Bến Tre và trước đó có đồng ý cho đoàn công tác của Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phong mượn khách sạn để làm nơi giải quyết vụ người dân phản ứng vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Theo ông S., đoàn người quá khích siết chặt vòng vây và tuyên bố sẽ thiêu rụi khách sạn.
    Tình hình tại khu vực trên vô cùng phức tạp, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với những người có trách nhiệm nhưng bất thành. Đến 23 giờ ngày 15-4 sau khi chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát rời khỏi hiện trường thì những người tham gia phản đối cũng dẹp chướng ngại vật trả lại mặt đường và xe cộ bắt đầu lưu thông.
    Lực lượng CSCĐ tham gia vãn hồi trật tự. Ảnh: PNX
    Hàng chục ngàn phương tiện dồn ứ
    Tại Ninh Thuận, Phòng CSGT công an tỉnh và lực lượng thanh tra giao thông phối hợp lập chốt chặn tại ngã năm Phủ Hà, cách hiện trường 50 km để thông báo cho tất cả phương tiện về tình hình kẹt xe nghiêm trọng kéo dài ở quãng đường trước mặt. Tại Cà Ná (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), Công an huyện Thuận Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn dừng đỗ cho các phương tiện đi từ phía Bắc vào. Dịch vụ hàng rong và ăn uống ở khu vực này cũng tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn phụ xe và tài xế kẹt dọc đường.
    Tại Bình Thuận, Trạm kiểm soát giao thông Hàm Tân được lệnh chặn dừng để thông báo và khuyến cáo các phương tiện tìm nơi dừng đỗ hoặc chọn đường khác. Tuy nhiên, với những xe ra các tỉnh từ Ninh Thuận trở ra, lái xe chỉ có chọn lựa duy nhất là dừng lại vì khu vực kẹt là đường độc đạo không có đường rẽ nhánh vì một bên là núi và bên kia là biển.
    Thượng úy Ân, CSGT tỉnh Ninh Thuận, cho hay một số phương tiện từ Nha Trang vào Sài Gòn đến ngã năm Phủ Hà (Phan Rang) đã chọn hướng rẽ qua quốc lộ 27 lên Phi Nôm rồi theo quốc lộ 20 về TP.HCM. Ông Dũng, một người kinh doanh du lịch ở Quy Nhơn, cho biết khách của ông thuê xe du lịch bảy chỗ vào Sài Gòn buộc phải tính thêm tiền vì đến Nha Trang sẽ phải rẽ lên Đà Lạt theo hướng Hòn Bà, Bio Dup để vào Dầu Giây thay vì đi theo quốc lộ 1. Trong khi đó, một doanh nghiệp du lịch tại quận 3 cho biết các đoàn khách đi Nha Trang đã phải hủy chuyến hoặc rẽ theo hướng Đà Lạt. Anh Trần Công Huỳnh Hải, nhân viên giao nhận của Công ty Võng xếp Duy Lợi, cho biết chuyến hàng của anh đã phải hoãn ngày khởi hành.

    Người dân hai xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo đổ ra đường chặn xe phản đối nhà máy gây ô nhiễm trong ngày 15-4. Ảnh: PNX
    Chủ nhà máy cam kết khắc phục
    Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO3, thuộc EVN), đơn vị quản lý Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Hiện tại, theo EVN, lãnh đạo EVN và GENCO3(chủ đầu tư dự án) đang có mặt tại nhà máy trực tiếp chỉ đạo xử lý tình trạng phát tán bụi xỉ ra môi trường.
    Tối qua (15-4), GENCO thông báo chính thức nguyên nhân gây bụi, ô nhiễm khiến người dân bức xúc là do gần đây thời tiết khô hạn, thiếu nước trầm trọng xảy ra trên địa bàn nhà máy, đồng thời từ 6 giờ ngày 14-4gió xoáy và lốc mạnh bất thường nên bụi xỉ, bụi đất phát tán ở nhiều nơi. Lý do thứ hai là đường chuyển tro xỉ của nhà máy đang trong quá trình thi công hoàn thiện cùng với dự án mở rộng quốc lộ 1A nên vừa qua các xe vận chuyển tro xỉ phải tạm thời đi qua đường dân sinh, phát tán bụi ra môi trường.
    GENCO3 hứa trước mắt sẽ làm sạch, gia cố đường dân sinh trong thời gian hoàn thiện đường vận hành chính thức; giám sát không cho phép các xe chở xỉ che chắn không kỹ lưỡng tham gia vận chuyển, hạn chế tối đa phát tán bụi ra môi trường. Bên cạnh đó, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng sẽ tăng cường công tác tưới nước đường vận chuyển tro xỉ và bên trong khu vực bãi thải xỉ, tăng số lượng xe tưới từ bốn xe trước đây lên 10 xe; gia cố đường tạm song song với đường vận hành đi qua hầm chui quốc lộ 1A để vận chuyển nước tưới. Đồng thời sẽ quy hoạch việc đổ tro xỉ, san gạt, lu lèn, phun nước, che phủ bạt địa kỹ thuật bên trong bãi thải xỉ nhằm ngăn chặn tình trạng gió cuốn tro xỉ bay lên tạo thành bụi. Hiện tại đã phủ bạt được khoảng 3.000 m2bãi thải xỉ.
    GENCO3 cam kết trong 10 ngày tới toàn bộ tro xỉ trong quá trình vận hành nhà máy trong thời gian này sẽ được lưu lại tại kho than của nhà máy, không đổ xỉ than ra bãi thải xỉ. Về lâu dài, GENCO3 nêu tình trạng phát tán bụi ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận sẽ được hạn chế đáng kể và khắc phục hoàn toàn khi hoàn thành đường vận chuyển tro xỉ riêng; hoàn thiện hệ thống cung cấp nước chính thức ra bãi thải xỉ cùng với các hệ thống phụ trợ.
    Hiện tại, những công tác này đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giám sát, đôn đốc đơn vị đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2015.
    Phó Thủ tướng yêu cầu không để bụi xỉ ảnh hưởng đến người dân Tuy Phong
    Chiều 15-4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp không để bụi than, xỉ ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp sử dụng tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân làm vật liệu xây dựng không nung, phụ gia xi măng. Báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
    Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân trong khu vực nắm rõ chỉ đạo của Thủ tướng về các biện pháp khắc phục ảnh hưởng đến môi trường; bảo đảm giao thông tại quốc lộ 1A an toàn, thông suốt.
    ĐỨC HIỂN - PHƯƠNG NAM

    Năm 2015: Việt Nam 'đi ngược' thế giới

    Từ nước xuất khẩu, từ năm 2015 VN phải nhập khẩu than. Thế giới chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo, từ bỏ nhiệt điện than, điện nguyên tử, thì VN lại thúc đẩy.

    Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối toạ đàm: "Tận thu tài nguyên đất nước" cùng ông Đào Trọng Tứ, GĐ Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu; bà Ngụy Thị Khanh, GĐTrung tâm Sáng tạo Phát triển xanh Green ID và ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là ĐBQH khoá XI, XII.
    Chi phí thấp nhất chưa chắc tiết kiệm nhất
    Hoàng Hường:  Như phần trước chúng ta đang thảo luận, cách khai thác tận thu tài nguyên đã khiến đầu vào của nhiều ngành kinh tế đang bị suy giảm. Tôi được biết, ý tưởng năng lượng bền vững đã được nhiều  nước tiên tiến áp dụng, điều gì đang cản trở chúng ta nhập khẩu những công nghệ tương tự về?  
    Bà Ngụy Thị Khanh: Vì còn liên quan nhiều đến chính sách, thể chế và các rào cản kỹ thuật. Ta thiếu quy hoạch năng lượng tổng thể.
    Mời độc giả tham gia ý kiến xây dựng Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật TẠI ĐÂY
    Vừa rồi Chính phủ ra quyết định phải xây dựng quy hoạch năng lượng tổng thể  quốc gia, được kì vọng điều hoà lại việc sử dụng nguồn tài nguyên cho các mục tiêu sản xuất năng lượng. 
    Một số tồn tại ở cấp quản lý. Thứ nhất, quy hoạch theo dự báo nhu cầu rất là cao, tăng 8% GDP. Nhưng trên thực tế chỉ được có 5%. Việc đáp ứng nhu cầu của GDP từ 5% đến 8% rất khác nhau, mà quan điểm về việc phải đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng để đạt được GDP cũng lạc hậu. Quan điểm: “tôi sản xuất ra cùng 1 đồng đôla GDP mà tôi tiêu dùng ít năng lượng hơn thì có nghĩa là tôi sẽ có hiệu quả nhiều hơn”, hoặc lý lẽ khác là “để làm ra một đồng GDP thì tôi lại phải tăng nhu cầu sử dụng năng lượng lên”. 
    Nhìn ra các nước, những năm 70 Đan Mạch khủng hoảng dầu. Lúc đó họ có một sự đột biến trong chính sách là tập trung đầu tư nghiên cứu và sử dụng biện pháp hiệu quả và tiết kiệm, giám phụ thuộc vào bên ngoài, và họ phát triển điện gió. Từ một nước nhập khẩu và có nguy cơ bị phụ thuộc thì họ trở thành một nước xuất khẩu công nghiệp về năng lượng. 
    Ở đây, rào cản về mặt chính sách của ta chưa được gỡ bỏ vì chưa có những đột phá trong việc cách nhìn. Giải pháp hiện nay thì tập trung vào least-cost (chi phí thấp nhất). Thực ra chỉ là chi phí tài chính thấp nhất. Nhưng khi tính toán về mặt chi phí giá thành thì những tổn thất về môi trường, xã hội lại chưa được tính vào giá thành.
    tọa đàm, nhiên liệu, kinh tế, nhập khẩu, xuất khẩu, Ngụy Thị Khanh, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Minh Thuyết
    Bà Ngụy Thị Khanh
    Hoàng Hường:  Tôi có một câu chuyện cá nhân. Nhà tôi thì ở gần tòa nhà khu Lotte, Hà Nội. Một hôm tôi có một suy nghĩ nếu thay bằng những tấm kính trên cả tòa nhà Lotte bằng những tấm thu năng lượng mặt trời thì họ vừa tự sản xuất được điện dùng, vừa thân thiện với môi trường. Tôi muốn tham khảo hai chuyên gia, có thể làm được như vậy hay không? 
    Bà Ngụy Thị Khanh: Về mặt công nghệ thì ý tưởng của chị Hường sẽ không có vấn đề gì nhưng chi phí của năng lượng mặt trời là mối băn khoăn của các nhà đầu tư. Đầu tư ban đầu sẽ đắt, nhưng về lâu dài sẽ không tốn bằng chi phí nhiên liệu và đất nếu các tấm pin được gắn theo hệ thống ống kính.  
    Ngoài chi phí đầu tư hệ thống sẽ phải có chi phí vận hành và nhiên liệu, thì phải tính chi phí cả vòng đời. Cũng như chi phí của nhiệt điện và thuỷ điện có những tác động tới của môi trường - xã hội, tức là tiền chữa bệnh, bảo hiểm sức khoẻ chưa được tính đến. 
    Ông Đào Trọng Tứ: Một trong những rào cản chính là tư duy. Chúng ta nói rằng đưa năng lượng gió hay mặt trời vào đầu tư đắt đỏ. Ví dụ đầu tư điện gió đắt gấp 2,5 lần thuỷ điện và 3 - 4 lần nhiệt điện. Liệu ta có chịu nổi không? 
    Quay lại câu chuyện Đức tại sao họ phát triển năng lượng bền vững được như thế vì họ có bước ngoặt chính sách. Người ta thay đổi tư duy từ sử dụng các năng lượng hoá thạch truyền thống sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tất nhiên trong bước chuyển ấy không phải tất cả mọi thứ đều được suôn sẻ, không phải năng lượng mặt trời cũng được mọi người đồng ý.  
    Tuy nhiên, trong một thế giới phát triển thì sự gọi là bền vững trong đầu tư môi trường là rất thật. Tất nhiên, cũng phải nói một rào cản nữa đó là muốn làm anh sẽ động tới rất nhiều bên; nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Giống như ở thế kỷ thứ XIX, khi người ta muốn có năng lượng thuỷ điện thay thế năng lượng than đã bị chống đối ngay vì lúc đó những người khai thác than, những cơ sở sản xuất than sẽ bị mất lợi ích.  
    Hiện nay có những người nói chuyện với tôi rằng người ta phát hiện ra cách phát điện rất đơn giản, nhưng nếu mà đưa ra là... toi!
    tọa đàm, nhiên liệu, kinh tế, nhập khẩu, xuất khẩu, Ngụy Thị Khanh, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Minh Thuyết
    Ông Đào Trọng Tứ
    Hoàng Hường: Khi nói đến các ngành năng lượng đó là cơ chế độc quyền trong khai thác tài nguyên đất nước. Theo các khách mời, chuyện cạn kiệt tài nguyên, dao động nguồn cung về than, về điện… có  liên quan gì đến cơ chế độc quyền lâu nay không?  
    Ông Nguyễn Minh Thuyết: Người phương Tây có câu “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”. Chúng ta bàn đến rất nhiều chuyện. Tất cả các chuyện đều dẫn về cái cơ chế, cơ chế độc quyền trong quyết định, độc quyền trong kinh doanh, thì tôi nghĩ thật sự là làm ăn rất khó. Việc cải thiện thể chế này thì thật sự ra CP và NN nói chung thì nhìn thấy lâu rồi, và cũng đặt ra quyết tâm nhiều lắm rồi. Chỉ có điều là nhận thức ở nước ta nó đi nhanh hơn bước chân của mình. Nhiều khi mình đi chậm cũng không phải sức mình yếu mà vì có nhiều dây cản quá. 
    Ông Đào Trọng Tứ: Chuyện chống độc quyền rất dài hơi. Hiện nay đầu tư thuỷ điện không phải chỉ NN, mà rất nhiều DN tư nhân cũng làm thuỷ điện vừa và nhỏ và rất khốn khổ về chuyện “ai mua điện? lúc nào được bán? lúc nào không được bán?” 
    Bà Ngụy Thị Khanh: Chúng ta đang đi ngược với thế giới rất nhiều vấn đề. Ví dụ Hà Lan mua đất của nông dân để người ta trả lại cái dòng chảy uốn lượn của con sông, thì bây giờ mình lại đi kè sông, đi bó lại. Thế giới chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo, từ bỏ nhiệt điện than, điện nguyên tử, thì bây giờ mình lại đi thúc đẩy các lĩnh vực này. Mà, theo quy hoạch mới là nhiệt điện than sẽ chiếm 50% trong tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vòng 10 năm tới cơ đấy. Như thế là đi ngược. 
    tọa đàm, nhiên liệu, kinh tế, nhập khẩu, xuất khẩu, Ngụy Thị Khanh, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Minh Thuyết
    Ông Nguyễn Minh Thuyết (giữa)
    An ninh năng lượng sẽ là câu hỏi khó
    Hoàng Hường: Một câu hỏi cuối cùng: từ một đất nước xuất khẩu, sắp tới ta sẽ thành nước nhập khẩu nguyên liệu, cụ thể là than. Trong tầm nhìn ngắn độ khoảng 10, 20 năm sắp tới thì sự thay đổi đó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế nói chung cũng như ngành năng lượng nói riêng? 
    Bà Ngụy Thị Khanh: Thứ nhất, nếu không thay đổi trong quy hoạch điện hiện tại, tức là vẫn tăng tỉ lệ nhập khẩu than để sản xuất điện, thì đó là một rủi ro rất lớn cho môi trường, cho sinh thái, cho con người và cho cả sự phát triển kinh tế xã hội.  
    Những tác động của nhiệt điện than thì thế giới đã để lại bài học rồi và Việt Nam chúng ta cũng đang có những trải nghiệm. Những màu đen hoặc là những tỉ lệ của người mắc bệnh ung thư phổi, rồi ung thư  vòm họng… xuất hiện tại những khu vực có nhà máy sản xuất nhiệt điện trong thời gian gần đây cũng là những minh chứng để cho thấy những tác hại.  
    Hệ số phát thải theo tính toán của  quy hoạch điện cũ mà hiện nay họ đang điều chỉnh thì chi phí cho phát thải khoảng độ 1 tỉ đô-la. Mà nếu cứ theo quy hoạch này thì gia tăng phát thải từ nhiệt điện than chiếm khoảng 90% trong số mà phát thải CO2 của Việt Nam. Ngược lại với xu thế, với chiến lược tăng trưởng xanh mà quốc gia vừa ban hành và đang lỗ lực để thực hiện ở các cấp. 
    Thứ hai, liên quan đến an ninh năng lượng. Một nước phải nhập khẩu nhiên liệu, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nước ngoài về mặt giá, về thị trường thay đổi. Và theo các chuyên gia của ngành than, nói rằng là “không dễ gì để Việt Nam có thể nhập được lượng than lớn như thế!” Như Nhật Bản hoặc là một số nước muốn nhập khẩu được than thì họ phải đưa tiền để sang mua, khai mỏ để đưa về. Để nhập được than về, đặc biệt là về đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc vận chuyển như hệ thống cảng biển, kho, bãi. Mà hiện nay tất cả các cơ sở hạ tầng ấy đều chưa có.  
    Thứ ba, chúng tôi rất lo lắng bởi vì khi phát triển nhiệt điện than thì sẽ liên quan đến sử dụng tài nguyên nước, và những tác động về tài nguyên nước đối với đồng bằng sông Cửu Long. Hiện các vựa lúa đang phải đổi mặt cới các thách thức từ phát triển thượng nguồn,  tác động của biển. Sắp tới lại sẽ gia tăng thêm áp lực. Rồi những hậu quả về mặt sức khoẻ, những chi trả cho chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.  
    Ông Đào Trọng Tứ: Theo tổng số trước đây chưa có điều chỉnh, đến năm 2020 chúng ta cần 80 triệu tấn than, hiện ta phải nhập khoảng một nửa. Thứ hai đến năm 2030, dự toán là chúng ta cần 150 triệu tấn than để sản xuất điện. Đây là một con số khủng khiếp! 
    Lấy đâu ra trong khoảng 50 năm nữa để có thể có được 80 triệu tấn than để sản xuất điện, rất là khó!  
    Tôi nghĩ là câu chuyện về năng lượng, hiện nay gọi là chân kiềng: an ninh nước là đầu tiên, an ninh lương thực và an ninh năng lượng là ba chân kiềng cho một phát triển của thế giới bền vững “phải đi với nhau như thế nào?”  là câu hỏi mà những nhà kĩ thuật như tôi nói ra không biết có tạo được niềm tin không, nhưng vẫn cần phải nói. 
    Xin cảm ơn ba vị khách mời đưa về những phân tích chuyên môn và về góc độ quản lý NN sâu sắc. Cảm ơn quý vị độc giả của VietNamNet đã theo dõi buổi toạ đàm! 
    Tuần Việt Nam
    Ảnh: Lê Anh Dũng
    Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý
    Dựng phim: Huy Phúc