Trang

1 tháng 11, 2013

THIỆT HẠI KINH TẾ CỦA 10 ĐẠI ÁN THAM NHŨNG

Những thiệt hại về kinh tế mà 10 vụ tham nhũng này gây ra trong mấy năm qua:

1. Vụ án tham nhũng tại Vinalines
-Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy hàng loạt vấn đề trong hoạt động và kết quả kinh doanh của Vinalines giai đoạn 2007 – 2010. Trong đó, 4 vấn đề lớn nhất gồm: mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc. Những sai phạm này, cùng với một số yếu tố khách quan, đã dẫn đến kết quả kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp, với tổng số lỗ trong 2 năm 2009 – 2010 lên tới hơn 1.686 tỷ đồng, các chỉ số tài chính khác đều đáng quan ngại. (Thanh tra CP)
2. Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank);
Theo báo Tuổi Trẻ: Vụ tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II
Gây thiệt hại gần 524 tỳ đồng.
3. Vụ án kinh tế tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP.HCM;
- Đồ lặn 100 triệu, nâng giá 1.300 lần, chiếm đoạt 130 tỷ. Đồng thời, Vũ Quốc Hải chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ dưới bỏ qua việc thực hiện quy định của ngân hàng trong hoạt động cho thuê tài chính để lập thủ tục và trực tiếp ký, thực hiện cho thuê tài chính nhằm giải ngân 130 tỷ đồng đảo nợ, mua đất. Như vậy, giá trị của thiết bị lặn đã bị nâng giá lên đến 1.000 lần
Trong số 5 bị can nguyên là lãnh đạo công ty ALCII có 4 bị can đã bị Viện KSND tối cao truy tố trong vụ tham nhũng tại ALCII gây thiệt hại hơn 531 tỷ đồng, riêng bị can Vũ Quốc Hảo tham ô và chiếm dụng gần 90 tỷ đồng. (Theo Vietnam.net)
4. Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank;
-Trong năm 2004, Sở Quản lý, kinh doanh vốn và ngoại tệ của Agribank đã lỗ 500 tỷ đồng. Riêng 3 tháng cuối năm 2004, Sở này lỗ tới 447 tỷ đồng. Phần lớn số lỗ trong kinh doanh ngoại tệ đều liên quan đến hành vi giao dịch của ông Nguyễn Anh Tuấn, Mặc dù theo quy định, ông Anh Tuấn không được phép trực tiếp giao dịch.
Káp Thành Long (Thanh Niên)
5. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu;
- Như đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quá trình giao dịch giữa ngân hàng TMCP MSB với ba công ty khác để lập hợp đồng giả, làm giả lệnh chuyển tiền của ba công ty này cho nhiều cá nhân, đơn vị để chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng. Như cũng cùng đồng bọn giả hợp đồng, chiếm đoạt của hai công ty Công ty CP chứng khoán Phương Đông, công ty quản lý quỹ Lộc Việt số tiền 550 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Nam Việt cũng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng cùng với những thủ đoạn tương tự.
- Trước đó, cuối năm 2012, Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tại sản tại Cty CP Thực phẩm Phương Nam, ở Phường 7 (TP Sóc Trăng). Những người bị khởi tố nói trên đã cấu kết làm các hồ sơ gian dối để vay vốn trái với luật định và sử dụng vốn không đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Đầu năm 2012, Cty CP Thực phẩm Phương Nam vỡ nợ, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân ra nước ngoài ở với lý do trị bệnh. Cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng phát hiện doanh nghiệp này lâm nợ hơn 1.600 tỷ đồng, mất khả năng thanh toán.
NGUYỄN TIẾN HƯNG (Tiền Phong)
6.Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Nông;
- Từ năm 2008 đến tháng 7/2010, Cao Bạch Mai đã sử dụng 71 hợp đồng xuất khẩu giả với các Công ty nước ngoài để thực hiện 70 hợp đồng vay tín dụng với số tiền là 1.005 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 198 tỷ đồng; Trần Thị Xuân sử dụng 65 hợp đồng xuất khẩu giả để ký 64 hợp đồng tín dụng vay tổng số tiền là 938,5 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 231 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông. (Ban Nội chính TƯ đảng)
7.Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương VN;

- Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ như thế nào

Nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền cực lớn của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân. (Giaoduc.net.vn)

8.  Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank;
- Vụ án liên quan đến Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank. Theo thông báo được Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang công bố tại Hội nghị ở Hà Nội ngày 23/1/2013 thì ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank đã bị cơ quan điều tra bắt và khởi tố về tội "thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong ảnh là ông Phạm Thanh Tân khi còn đương chức
Theo đó, ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỷ đồng tại chi nhánh Nam Hà Nội của Ngân hàng Agribank. Cơ quan điều tra tình nghi Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn đầu tư đã không thẩm định đúng tình hình dự án, dẫn đến nguy cơ mất vốn. Đồng thời trong việc cho vay này, ông Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát thực hiện

9. Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên;

- Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, liên quan đến hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB (gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang) ký biên bản ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng. 

Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 22/5/2005 đến ngày 27/9/2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhiều nhân viên và 4 công ty (gồm: Công ty TNHHH Chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH TMDV Việt Thanh và Công ty CP Kim Ngân Việt) gửi tổng cộng 130.784.813.395.045 đồng với lãi suất từ 8,5%/năm đến 27%/năm và 81.258.329 USD với lãi suất từ 3%/năm đến 6%/năm vào 29 ngân hàng.
(Giaoduc.net.vn)

10. vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin.

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập năm 2006, được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, hoạt động theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Chính phủ làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
 Vinalines: Lỗ và lãng phí trên 2 nghìn tỉ đồng

Sau khi thành lập, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã đồng loạt triển khai các dự án, với nhiều nghìn tỷ đồng đầu tư. Tháng 7/2010, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện về tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh của Vinashin. Theo báo cáo Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2009, tổng giá trị tài sản của Vinashin đạt hơn 102.500 tỷ đồng. Nếu loại trừ các công nợ nội bộ thì tổng giá trị tài sản còn lại gần 92.600 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Vinashin tính đến cuối năm 2009 là hơn 86.700 tỷ đồng, trong đó 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ bảo lãnh vay nợ các ngân hàng trong và ngoài các Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vinashin. (Dân Trí)
Phạm Hải st

Sức lay động của " Dậy mà đi!"

Gs Tương Lai 
Có lẽ  những chàng trai cô gái say sưa hát bài "Dậy mà đi" để chào đón Đinh Nhật Uy buộc phải được trả tự do tại Tòa án Long An hôm 29.10.2013 không biết và cũng không cần biết rằng bài đó ra đời từ trong nhà tù thực dân năm 1941, khi đất nước còn nằm trong xiềng xích nô lệ. Bài thơ làm trong nhà tù thuở ấy tự nhắc nhở :

   " Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
                 Ai nên khôn mà chẳng dại đôi  lần ?
                 Huống đường đi còn lắm bước gian truân
                Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu
"!


Thế rồi một phần tư thế kỷ sau, lời thơ được biến tấu thành ca từ của một bài hát cùng tên với  điệp khúc "Dậy mà đi, dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi" ra đời trong phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của sinh viên và thanh niên Miền Nam những năm 1966- 67. Để rồi hôm nay, lớp trẻ cháy bỏng khát vọng tự do, dân chủ lại đang hát vang khúc ca đòi bẻ gãy những xiềng xích mới.
Lịch sử  đang đi những bước oái oăm! 
Câu hát năm nao bỗng như một lời tiên tri "Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu". Nếu cứ cho đó là một câu "tiên tri" thì câu "tiên tri" ấy đang biến thành lời giục giã cho cuôc chiến đấu mới " Ai nên khôn không khốn một lần" rồi trào dâng thành một làn sóng dập dồn : "Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu...Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên...". 
Thế rồi, " tiếng hát tung cờ ngày nào" giờ đây vang lên để vạch mặt những kẻ nhân danh lá cờ ấy để tròng một thứ xiềng xích mới lên cuộc sống của đất nước. Xiềng xích ấy đang đè nặng lên tâm tư của cả một dân tộc vốn hiểu rõ chân lý‎ không có gì quý‎ hơn độc lập tự do. Những kẻ nhân danh lá cờ ấy đang đặt những gông cùm mới lên cuộc sống của tuổi trẻ yêu nước không cam chịu cúi đầu trước bọn xâm lược phương Bắc thực thi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. 
Những kẻ  đang cúi đầu trước bọn xâm lược lại đang đang cắm chính lá cờ ấy trên nóc nhà tù, trại giam nhan nhản khắp cả nước để uy hiếp, trấn áp những người yêu nước, bóp chết khát vọng dân chủ, tự do và quyền con người, nhằm củng cố cho một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản tiến hóa đang bị lung lay từ chân móng. Lá cờ ấy đang bị hoen ố bởi những hành động đáng xấu hổ mà chế độ toàn trị phản dân chủ này đang gây ra cho cả dân tộc, xúc phạm đến anh linh những thế hệ Việt Nam đã nằm xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng của tổ quốc mà vì điều thiêng liêng ấy, cả núi xương, sông máu đã phải đổ ra. Thế hệ trẻ hôm nay quyết không để cho lá cờ ấy bị hoen ố. Sức lay động của tiếng hát "Dậy mà đi" khởi nguồn từ đó. 
Tiếng hát  đón chào Đinh Nhật Uy, từ tòa án Long An bước ra là để tuyên bố trước toàn thế giới một chuyện đáng xấu hổ : Việt Nam có lẽ là nước đầu tiên một công dân bị bỏ tù vì đã sử dụng Facebook, một trong những thành tựu văn minh mà loài người có được từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin! Đương nhiên Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Long An gắng gượng viện dẫn bằng được những điều khoản này nọ để ghép “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1 Điều 258, BLHS cho Đinh Nhât Uy. Luật sư Hà Huy Sơn đã bác bỏ tất cả những điều đó và đòi " trả tự do ngay tại phiên tòa cho ông Đinh Nhật Uy".
Thật ra,với Tòa án của môt chế độ toàn trị quen với những bản án "bỏ túi" thì lời lẽ và luận cứ của luật sư chỉ là vật trang sức rẻ tiền,họ bỏ ngoài tai. Họ không thể tuyên Đinh Nhật Uy vô tội và do đó phải được trắng án, phải được bồi thường. Bước đi oái oăm của lịch sử đang dẫm lên vết nhơ này. Chúng ta muốn xây dựng một nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", nhưng chế độ toàn trị phản dân chủ này đang làm ngược lại mong muốn đó. Nó đang phản bội lại lý tưởng cao đẹp của những người từng "dậy mà đi" trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vì vậy mà hôm nay, tuổi trẻ lại đang phải "hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên...". 
Bản án dành cho Đinh Nhật Uy rồi cũng sẽ là bản án dành cho những người có lương tri, lương năng đang và sẽ sử dụng những thành tựu của văn minh để làm cho cuộc sống văn minh hơn, đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Họ, trước hết và chủ yếu là một thế hệ mới của những người đấu tranh cho dân chủ mà internet là công cụ rất tiện ích và có tiềm năng rất lớn . Họ lại là những người rất trẻ, đủ lòng dũng cảm và trí sáng tạo để thể hiện khát vọng của họ. Họ dùng blog và mạng lưới xã hội để trao đổi thông tin và bày tỏ tình cảm, ý nghĩ của mình, điều mà chế độ toàn trị rất kiêng kỵ! Kiêng kỵ như người ta đã từng kiêng kỵ "xã hội dân sự dân sự”.
Một nhà  nước pháp quyền đàng hoàng sẽ không thể kết tội Đinh Nhật Uy. Bởi, nếu vậy thì rồi, 32 triệu người sử dung internet [nếu đúng như người ta loan báo để đánh bóng thành tích] đều có nguy cơ bị Điều 258 của Bộ Luật Hình sự cho vào tù bất cứ lúc nào. Nhưng không thể không dằn mặt và răn đe một trào lưu đang như những dòng suối nhỏ đổ ra sông lớn mà sức cuộn chảy của nó không một bờ bao, một con đê nào ngăn chặn nổi. Thêm vào đó, dòng sông đang xuôi về biển cả, sóng đại dương đang tiếp sức cho tốc độ bứt phá của dòng sông cuộc sống. Dư luận quốc tế đang là một sức ép hiện thực mà nhà nước toàn trị này phải tính toán. 
Đó là sức cộng hưởng của phong đào dân chủ trong nước từ bản Tuyên bố thực thi quyền chính trị và dân sự của giới trí thức nhân sĩ trong và ngoài nước, kết hợp với những sáng kiến của giới trẻ trong đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cùng với những bàn chân nổi giận của người nông dân mất đất rầm rập xuống đường, tạo thành một nội lực to lớn để được tiếp sức của cộng đồng quốc tế, bao gồm chính giới có mối quan hệ nhà nước với nước ta, giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thế giới và mạng lưới truyền thông quốc tế thường xuyên theo sát diễn biến tình hình ở Việt Nam .
Bước đi oái oăm của lịch sử cũng đang thể hiện ở  thế giằng co chưa ngã ngủ từ đối nội cho đến đối ngoại mà cái sức cộng hưởng nói trên đang in đậm dấu ấn. Dấu ấn ấy hiện rõ trong ứng xử của người cầm quyền trong thế "tiến thoái lưỡng nan", "đi thì cũng dở, ở không xong" trước bao áp lực vì đang "nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào" những lợi ích phe nhóm khi mà những lợi ích ấy lại được đặt lên trên lợi ích của tổ quốc, lên trước lợi ích và khát vọng của toàn dân. Từ một sự kiện vụ án Đinh Nhật Uy, khởi đầu cho việc xử lý mạng lưới internet đầy bất trắc đối với một chế độ toàn trị trước một xã hội đang tỉnh thức, gây nên sự ngột ngạt trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân đang đối diện với bao khó khăn về kinh tế và an toàn xã hội.
Không hiểu  điều này có nằm trong cái mà ông Tổng bí thư nọ cảm thấy"ngột ngạt” khi ông nói với cử tri quận Ba Đình ngày 27.9.2013 không, chứ ngay từ đầu thế kỷ XX thì các cụ ta trong phong trào "Duy tân" đã thốt lên rằng : "Văn minh là thế giới nào. Mà ta chìm đắm trong hào dã man"! Xin nhớ cho là tòa án của chế độ thực dân đã tửng xử vụ án "Đồng Nọc Nạn", rồi chính quyền Sài Gòn trước 75 đã không thể không nể trọng các luật sư biện hộ và đấu tranh cho công lý. Và hồi ấy, "ma tà", "lính kín","sen đầm" chưa phải tổ chức một bộ máy côn đồ du thủ du thực đông đến vậy để huy động vào việc đàn áp dân chúng. Bọn côn đồ này đánh người nhân danh công an, trước mắt công an, được công an khuyến khích, cổ vũ mà chuyện đánh đập dã man gây thương tích công dân Lưu Trọng Kiệt hay chuyện hành hung bloger Lâm Bùi trước cửa Tòa án Long An hôm rồi chỉ là một trong vô vàn những ví dụ! 
Nhưng bạo lực chỉ có thể là cách giải khát bằng thuốc độc. Bạo lực không khuất phục được tuổi trẻ, ngược lại, đang đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa của sự phẫn nộ và ý chí đấu tranh. Cũng chính vì vậy, sức lan tỏa của bài hát "Dậy mà đi" các bạn trẻ đang hát kia đang thổi một làn sinh khí vào đời sống ngột ngạt mà xã hội đang phải chịu đựng. Xin được phép trích ra đây những lời gan ruột của bloger Lâm Bùi, người  bị hành hung để chứng minh cho điều ấy :
"Cái đau này không phải vì là thể xác, mà là ở tâm hồn...đau vì nhà cầm quyền thay vì lắng nghe dân, tôn trọng dân, thì luôn dùng quyền lực, dùng bạo quyền để trấn áp người dân. Coi lợi ích đảng phái phe nhóm lớn hơn Dân Tộc, lớn hơn Tổ Quốc...và coi dân là kẻ thù, là thù địch. Sau phiên tòa, dù rằng Đinh Nhật Uy được hưởng án treo, được phóng thích tại tòa, nhưng đó vẫn là một bản án, một bản án bất công và Uy đã phải bị giam cầm oan uổng hơn 4 tháng trời. 
Đảng vẫn muốn cai trị bằng quyền lực để phục vụ cho mình, bằng sự dối trá để đầu độc người dân, bằng những điều luật mà mỗi người dân, mỗi người như chúng ta đây, khi muốn thể hiện cái Quyền Con Người chính đáng của mình...thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành những Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Nhật Uy, Nguyên Kha...và nhiều...tại sao?Hãy lên tiếng, và hãy cứ lên tiếng, vì chúng ta là con người...chúng ta không phải là những con cừu. 
Chúng ta không kêu gọi lật đổ hay tranh giành, chúng ta chỉ muốn họ thay đỗi, hãy xóa bỏ những điều luật không đúng, sai trái, hãy tôn trọng quyền con người của mỗi người công dân...hãy thay đổi cả chúng ta và cả họ...hãy thay đổi...thay đổi vì Việt Nam cho Việt Nam.
Đẹp biết bao, cao cả biết bao ý chí của tuổi trẻ, nguồn sinh lực bất tận của dân tộc! Chính họ chứ không phải ai khác đang thúc đẩy lịch sử đi tới, đang góp phần viết nên những trang sử mới của cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do, tiếp tục sứ mệnh của cha anh từng đổ máu cho sự nghiệp giành độc lập của tổ quốc. Vì, họ hiểu rằng, độc lập mà không có dân chủ và tự do, không có nhân quyền thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì cả.

GS Tương Lai đăng trên Quê Choa

31 tháng 10, 2013

LẠI LÀ PUTIN CỦA NƯỚC NGA

Putin là 'người quyền lực nhất thế giới'

Cập nhật: 03:59 GMT - thứ năm, 31 tháng 10, 2013
Putin và Obama
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa được tạp chí Forbes phong danh hiệu Nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Ông đã vượt qua Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người nay đứng thứ hai trong danh sách năm 2013.
Đức Giáo hoàng Francis đứng thứ tư, sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Forbes cho rằng sở dĩ ông Putin vượt trên ông Obama là vì tổng thống Mỹ đã tỏ ra không có thực quyền sớm hơn thường lệ trong khi ông Putin thâu tóm được kiểm soát toàn nước Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng thứ 5, bà là một trong hai phụ nữ duy nhất nằm trong top 20.
Thủ tướng Anh David Cameron là người đứng thứ 11, cao hơn nhiều so với đồng nhiệm Pháp Francois Hollande, nhưng thấp hơn tỷ phú Bill Gates.
Đây là lần đầu tiên trong ba năm ông Obama tụt xuống vị trí thứ hai trên danh sách của Forbes.
Điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và Mỹ đang bị cuộc nội chiến Syria làm ảnh hưởng.

Quyền lực cá nhân

Ông Putin, người đã thống lĩnh nền chính trị nước Nga trong 12 năm nay, được tái bầu chọn vào chức tổng thố́ng hồi tháng Ba 2012.
Ông Obama ngược lại vừa bị thương tổn sau vụ chính phủ phải đóng cửa 16 ngày vì khủng hoảng ngân sách và nợ nần ở Washington.
Forbes nói: "Putin đã thâu tóm quyền kiểm soát nước Nga, trong khi thời kỳ thiếu vắng thực quyền của Obama dường như diễn ra sớm hơn thường lệ đối với một tổng thống hai nhiệm kỳ - ví dụ mới nhất là vụ rối ren vì chính phủ đóng cửa".
Nga đã cho cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden tỵ nạn hồi tháng Tám. Ông này đang bị Mỹ truy nã vì rò rỉ thông tin tình báo.
Trước đó một tháng, ông Putin cũng thắng điểm với việc ngăn chặn đe dọa tấn công hỏa tiễn vào Syria của ông Obama bằng kế hoạch chuyển giao vũ khí hóa học của Damascus.
Forbes nói thêm: "Bất cứ ai theo dõi ván cờ ở Syria và vụ rò rỉ NSA đều thấy rõ sự chuyển dịch quyền lực cá nhân".
Theo BBC

30 tháng 10, 2013

THIÊN ĐƯỜNG ẢO VỌNG

                                          Cha tôi- Phạm Đình Long
 Cha mẹ tôi tham gia hoạt động cách mạng ngay sau năm 1945, khi họ còn rất trẻ. Cha tôi gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, là chiến sĩ Điện Biên Phủ, thương binh chống Pháp với nhiều huân huy chương. Mẹ tôi hoạt động bí mật, chiến đấu ở vùng địch hậu, bị Pháp bắt, phải tù đày, là thương binh chống Pháp với nhiều thành tích vẻ vang. Sau năm 1954 vì thương tật nên cha tôi chuyển ngành, mẹ tôi cũng trở về địa phương công tác.
 Từ ngày đầu tham gia cách mạng, cha mẹ tôi luôn trung thành với đảng cộng sản, với Tổ quốc VN, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào mà đảng giao cho, vì niềm tin vào tương lai tươi sáng, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm kể cả phải hy sinh. Vào thời gian đó, cha mẹ tôi cũng như những người VN yêu nước không còn lựa chọn nào khác tốt hơn, cách mạng là hiện thực khách quan của lịch sử.

 Những năm kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc VN đã phải chịu muôn vàn gian khổ, hy sinh...bao đời sau sẽ không quên, lịch sử sẽ không quên.
                                 Mẹ tôi- Nguyễn Thị Ngọ

 Cha mẹ sinh ra 4 anh em tôi, trong đó tôi là trai út.

 Cũng như bao người dân Việt, cha mẹ tôi đã trải qua cuộc đời vô cùng gian lao, cực nhọc để vừa làm việc nước vừa lo việc nhà. Với thương tật và những cơn đau tái phát trên cơ thể gầy mòn, cha mẹ tôi đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để nuôi dưỡng 4 anh em tôi khôn lớn, trưởng thành.

 Đau lòng nhất là mỗi lần mẹ cho anh em tôi bú. Trước kia, khi mẹ bị giặc bắt, mẹ đã bị thực dân Pháp và lũ Việt gian tra tấn dã man, chúng cắm kim sâu vào 2 đầu vú mẹ, gây nên vết thương âm ỉ lâu dài. Lúc anh em tôi ngậm đầu vú bú mẹ, vết thương cũ tái phát, máu mẹ bật ra, mẹ cắn răng chịu đựng cơn đau tê buốt để cho anh em tôi bú, nước mắt mẹ chảy dài còn mấy anh em tôi vẫn ngây thơ, thảm nhiên nuốt từ giọt sữa pha lẫn máu tươi của mẹ. Bà ngoại kể, có lần cho tôi bú xong thì mẹ cũng ngất xỉu vì đau, còn tôi thì lại toét miệng cười ê a no nê. Tám tháng tôi đã phải cai sữa vì mẹ kiệt sức.

 Cha mẹ tôi chịu đựng được như vậy là vì niềm tin mãnh liệt vào đảng cộng sản, vì tình yêu Tổ quốc. Họ chấp nhận mọi hy sinh mất mát và hy vọng vào một ngày mai no ấm, vì hy vọng dân tộc Việt Nam trong đó có gia đình tôi sẽ được sống trên THIÊN ĐƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Cha mẹ luôn tin rằng, khi nước nhà thống nhất, mấy anh em tôi và con cháu sau này sẽ được hưởng tự do, no đủ, công bằng, sẽ là những người được làm chủ cuộc đời mình, làm chủ Quê hương Đất nước.

 Năm 1980 cha tôi về hưu với cuốn sổ hưu và tài sản mang theo là chiếc xe đạp Thống Nhất mà mỗi lần đi thì "mọi bộ phận trên xe đều kêu, trừ cái chuông". Mẹ tôi cũng về hưu với khoản lương hưu mấy trăm ngàn/tháng. Nhà thiếu gạo ăn, cha tôi vô rừng, ra cánh đồng khai hoang trồng lúa, trồng khoai để cứu đói cho cả nhà. Hỡi ơi! Cả ruộng lúa, nương khoai đều bị cán bộ xã cho dân quân, bảo vệ phá nát hết. Cha tôi còn bị phê bình là lấn chiếm đất công mặc dù đó là những mảnh đất hoang hóa. Mẹ tôi phải tảo tần nuôi từng con lợn, con gà, chắt chiu từng m2 đất để trồng rau, trồng cây. 
 Ôi ! Đói, rét, nghèo, hèn !!!

 Khổ thế mà cha mẹ vẫn nuôi được 4 anh em tôi học hết PTTH: Anh Cả tốt nghiệp PTTH rồi gia nhập quân đội đánh Mỹ, sau này chuyển ngành đi học đại học. Chị Hai đi học đại học TDTT, chị Ba đi học cao đẳng sư phạm. Tôi gia nhập quân đội trong thời kỳ chiến tranh biên giới chống bọn bành trướng Trung quốc, rồi đi học lái máy bay ở trường Đại học Hàng Không Kiev thuộc Liên Xô cũ.

 Tôi còn nhớ rõ những ký ức đau lòng, đó là những lần các vết thương của cha mẹ tái phát trong tình cảnh không có bác sĩ, không có thuốc men. Gặp lúc nắng gió trở trời, vết thương trên đầu cha đau nhức, cha bị thần kinh, mất kiểm soát, cha chạy ra ngoài đường, tay giả cầm súng ngắn, miệng bắn “pằng pằng” rồi hét “xung phong, xung phong”. Những vết thương của mẹ thì đau âm ỉ hàng ngày, mẹ cắn răng chịu đựng, tự tìm cách chữa trị bằng các loại thuốc nam.

 Cực khổ là vậy nhưng chẳng bao giờ thấy cha mẹ kêu than, oán trách. Hễ anh em tôi nói tới những chuyện xấu, những tiêu cực trong xã hội thì cha mẹ liền gạt phắt, nói đó chỉ là hiện tượng nhỏ của những quan chức nhỏ. Với cha mẹ, đảng luôn luôn đúng. Cha mẹ vẫn tin đảng cộng sản, hy vọng vào CNXH.
                           Cha tôi (phải) và TBT Lê Khả Phiêu

 Tuy đã về hưu, tuổi già sức yếu, nhưng cha mẹ vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội. 80 tuổi cha tôi vẫn tham gia đội an ninh thôn, vẫn tham gia cứu hộ, cứu nạn. Về việc này, báo Công An Nhân Dân đã viết một bài dài cả trang ca ngợi cha tôi.

 Tôi và anh Cả ở xa, hàng năm đều về thăm cha mẹ. Hai chị tôi công tác ở quê nhà nên có điều kiện chăm sóc mẹ cha hơn. Nhưng có lẽ cha mẹ là người chăm sóc nhau tốt nhất, họ luôn bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Có lần mẹ ốm nặng phải nhập bệnh viện huyện, tôi và anh Cả bay từ Sài Gòn ra thăm mẹ. Tối đó cả nhà xúm xít quây quần quanh giường bệnh của mẹ. Đêm, mọi người phải về, chỉ để một người ở lại chăm mẹ, tôi xung phong, cha nhìn tôi rồi nói với tất cả:

- Các con về nghỉ đi, để cha ở lại với mẹ, về nhà cha không ngủ được đâu.

Tối ngày 28/03/2009, tại nhà An dưỡng Sầm Sơn Thanh Hóa, sau khi cha mẹ đi thăm một người bà con về, cha tắm rửa xong, thấy đau đầu nên lên giường nằm nghỉ, cha nói mẹ đi gọi bác sĩ tới khám bệnh. Khi mẹ và bác sĩ trở về phòng thì cha tôi đã từ trần, thọ 83 tuổi.

 Tới lúc chết ông vẫn còn tin đảng, hy vọng sẽ có THIÊN ĐƯỜNG XHCN.

 Sau khi cha mất, mẹ cảm thấy lạc lõng cô đơn, suốt ngày ủ rũ. Mấy anh em tôi tìm đủ cách mà vẫn không làm mẹ vui. Mẹ vấp ngã, bị liệt nửa người. Nay mẹ vẫn dưỡng bệnh ở quê, tại xã Hà Bình, Hà Trung, Thanh Hóa.

 Cũng như cha, mẹ vẫn còn tin đảng cộng sản, tin nhà nước, tin CNXH sẽ thành công. Tôi là đứa con bất hiếu nhất vì đôi khi dám tranh cãi với cha mẹ về đề tài này, đã xúc phạm đến niềm tin vào “đảng, bác” của mẹ cha.

...

 Với tôi, cha mẹ là người đáng kính nhất, vỹ đại nhất. Một sự vỹ đại rất bình dị. Chúng tôi và con cháu sau này sẽ khó mà lập lại được kỳ tích như cha mẹ tôi đã làm.

 Than ôi! Cha mẹ tôi cũng như hàng triệu người dân VN khác đã đặt niềm tin, hy vọng vào đảng cộng sản VN. Cả đời họ đã hy sinh xương máu, mồ hôi và nước mắt cho đảng cộng sản, cho CNXH, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, khi nằm liệt giường vì thương tật mà chẳng thấy THIÊN ĐƯỜNG CNXH ở đâu? 


 Tiếc thay cho niềm hy vọng của cha mẹ tôi đã trở thành ảo vọng!

 Có lẽ mẹ tôi vẫn chưa biết ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

 Ôi thôi thôi! Tan vỡ rồi mộng ước của của bao người VN, tan vỡ rồi niền tin, hy vọng của cha mẹ tôi!

 Hỡi ơi! 87 năm nữa vẫn chưa có CNXH hoàn thiện ở VN. Mẹ tôi đã 83 tuổi rồi, đảng cộng sản VN với những "đỉnh cao trí tuệ", có phép mầu nào làm ra thuốc trường sinh cho mẹ tôi sống thêm 100 năm để coi CNXH lúc đó thế nào chăng?
Vậy ra thiên đường CNXH chỉ là ảo vọng. 
Than ôi! Tổ quốc tôi!
Than ôi! Dân tộc tôi!
                                                                                                          Phạm Hải