Trang

27 tháng 9, 2014

Ảnh "cột đèn giao thông" trên sao Hỏa

Tàu tự hành khám phá sao Hỏa Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã gửi về Trái Đất bức ảnh chụp một vật thể trông rất giống cột đèn giao thông. 

Trong bối cảnh mật độ giao thông tại khu vực của sao Hỏa đang tăng lên - sau khi tàu thăm dò của Ấn Độ tới quỹ đạo "hành tinh Đỏ" hôm 24/9 - đèn giao thông có thể là thứ đang thiếu. Và các nhà khoa học đã không mất quá nhiều thời gian để phát hiện ra một thiết bị như vậy.

Robot tự hành Curiosity, vốn được giao nhiệm vụ thăm dò "hành tinh Đỏ" trong hơn 2 năm qua, đã gửi về nhiều bức ảnh gây tò mò về bề mặt sao Hỏa, vốn được đăng tải công khai. Và lần này, một người đam mê khám phá vũ trụ người Anh, ông Joe Smith, chủ nhân kênh ArtAlienTV trên youtube, đã phát hiện ra một hình ảnh rất giống đèn giao thông.
Hình ảnh Chụp được ảnh cột đèn giao thông trên sao Hỏa số 1

Hình ảnh được nhiều người liên tưởng đến cột đèn giao thông trên sao Hỏa

"Tôi đã theo dõi các hình ảnh của NASA ngay từ đầu và tôi xem chúng qua trang web của NASA hàng ngày. Bất chợt tôi nhìn thấy nhìn ảnh này và nghĩ: "Nó không quá lạ. Trông như một cột đèn giao thông vậy", Smith nói về những hòn đá nằm gần nhau trên bề mặt sao Hỏa.

Ông Smith đã đăng lại bức ảnh trên internet và và nhiều người có chung ý kiến rằng nó giống đèn giao thông.

"Rất khó để nói chính xác về kích vỡ của chúng khi không có bất cứ vật gì tương quan để so sánh, nhưng tôi ước tính nó vào khoảng 30 cm. Tôi đã đăng nó lên internet và mọi người đều nghĩ rằng trông nó rất giống cột đèn giao thông", ông Smith chia sẻ thêm.
Hình ảnh Chụp được ảnh cột đèn giao thông trên sao Hỏa số 2
Ngoài ra, ông Smith còn phát hiện một loạt đá tròn vành vạnh trên một khu vực tương đối bằng phẳng của sao Hỏa.

Theo các nhà khoa học NASA, những hòn đá hình tròn trên sao Hỏa không lớn như vẻ bề ngoài của nó và rất có thể là một "kết thể", "một khối rắn cứng được hình thành bởi sự tích lũy vật chất", Discovery News đưa tin.

Số lượng các bức ảnh thú vị từ sao Hỏa giờ đây có thể sẽ tăng lên, khi Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tiếp cận "hành tinh Đỏ". Sau khi ổn định vị trí trên quỹ đạo sao Hỏa, tàu vũ trụ Ấn Độ Mangalyaan đã ngay lập tức kết nối với mạng xã hội Twitter ở địa chỉ @MarsOrbiter.
Hình ảnh Chụp được ảnh cột đèn giao thông trên sao Hỏa số 3

Những hòn đá tròn vành vạnh xuất hiện trên sao Hỏa

@MarsOrbiter cũng đã liên lạc với tàu thăm dò Curiosity của NASA và cập nhật về sứ mệnh.

Vào năm 2020, NASA có kế hoạch phóng một tàu thăm dò mới lên sao Hỏa, vốn sẽ không chỉ có nhiệm vụ chụp ảnh bề mặt "hành tinh Đỏ" mà còn định vị và lấy các mẫu vật rồi đưa về trái đất. Nhưng giờ đây, chúng ta chỉ có thể nhìn những khối đá này và phỏng đoán.
Yên Yên (Nguồn: RT)

Không ai lừa được lịch sử và nhân loại


Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc
Abraham Lincoln.

Bí mật bao trùm sự « mất tích » của Kim Jong Un

Thụy My

mediaKim Jong Un (giữa) trong lần đi thị sát tập trận nhảy dù. Ảnh do thông tấn xã Triều Tiên phổ biến ngày 28/8/2014.REUTERS/KCNA
    Lãnh đạo trẻ tuổi Bắc Triều Tiên không thấy xuất hiện trước công chúng từ hơn ba tuần qua. Thông tín viên nhật báo Les Echos ở Tokyo nhận định : « Bí mật bao trùm xung quanh việc Kim Jong Un mất tích ». Bản tin của AFP hôm nay 26/09/2014 mang tựa đề « Nhưng Kim Jong Un bây giờ ở đâu ? » cũng đặt ra nghi vấn này. AFP nêu ra các tin đồn về sức khỏe của Kim Jong Un đang được lan truyền tại châu Á : Bị bệnh thống phong, mệt mỏi…hay còn có vấn đề gì khác ?
    Các tin đồn tiếp tục lan truyền trên bán đảo Triều Tiên, sau khi truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên chiếu phóng sự về một hội nghị quan trọng của Quốc hội, nhưng Kim Jong Un không tham dự. Trên màn hình, chiếc ghế dành cho Chủ tịch Bắc Triều Tiên bị bỏ trống. Trong khi nhà lãnh đạo trẻ này, theo truyền thống, không bao giờ vắng mặt trong cuộc họp Quốc hội, nơi ông ta đưa ra những lời giáo huấn cho các « dân biểu » luôn tuân phục.
    Kim Jong Un, tuổi khoảng 30 hoặc 31, không thấy xuất hiện trên truyền hình nhà nước kể từ ngày 3/9 đến nay. Đây cũng là thời điểm cuối cùng mà người ta thấy nhà lãnh đạo trẻ đến dự một buổi hòa nhạc cùng với vợ là Ri Sol Ju.
    Hồi tháng Bảy, trong lễ kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 20 của ông nội là Kim Il Sung, người sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un hiện diện với bước đi khập khiễng. Đã có nhiều cách lý giải khác nhau về tình trạng này : phải chăng Kim Jong Un bị bệnh thống phong ? Hay là bị thương trên « trận tuyến », trong khi đưa ra những lời giáo huấn cho công nhân, kỹ sư hay sĩ quan quân đội ?
    Thường sẵn sàng tung ra những giả thiết đủ loại một khi có liên quan đến kẻ thù phương bắc, nhưng lần này Hàn Quốc lại kín tiếng một cách đáng ngạc nhiên. Trong cuộc họp báo hôm nay, AFP cho biết Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã từ chối đưa ra các phỏng đoán. Một phát ngôn viên của Bộ này nói rằng : « Bắc Triều Tiên không hề đưa ra loan báo chính thức nào (…) và như vậy chúng tôi không có lời bình luận nào cả. Chúng tôi nghiên cứu nhiều giả thiết khác nhau, trong đó có các tin đồn về sức khỏe của Kim Jong Un ». 
    Sự vắng mặt của Kim Jong Un trong dịp khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội trong tuần này hết sức được chú ý. Tại Bắc Triều Tiên, Quốc hội họp mỗi năm một hoặc hai lần để thông qua các quyết định của đảng cầm quyền theo khuynh hướng cộng sản. 
    Trong quá khứ, cũng đã từng có việc nhân vật quyền lực nhất Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - tên chính thức của Bắc Triều Tiên - không thấy xuất hiện trong nhiều tuần lễ. Nhưng Kim Jong Un, lên kế vị cha là Kim Jong Il qua đời tháng 12/2011, lại luôn hiện diện một cách dày đặc trên các phương tiện truyền thông chính thức. 
    Dáng đi khập khiễng của Kim Jong Un hồi tháng Bảy được một nguồn tin từ hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho là do bị thống phong, hậu quả của bệnh tiểu đường, chứng béo phì và huyết áp cao. Còn theo một nguồn tin khác, các bác sĩ Bắc Triều Tiên đã đến Đức và Thụy Sĩ để tham khảo các đồng nghiệp Tây Âu. 
    Nhưng Hong Hyun Ik, nhà nghiên cứu của trung tâm Sejong ở Seoul cảnh báo : « Các tin đồn về tình trạng sức khỏe của Kim Jong Un đã bị thổi phồng tại Hàn Quốc. Hoàn toàn có thể là ông ta chỉ mệt mỏi và đang nghỉ ngơi ». Ông nhấn mạnh, Kim Jong Un có một thời khóa biểu dày đặc, trong đó có các chuyến đi thăm các tiền đồn trong những tháng mùa hè. 
    Chuyên gia về Bắc Triều Tiên Chris Green trên trang web Daily NK cũng cho rằng : « Kim Jong Il trước đây cũng không tham dự đều đặn các kỳ họp Quốc hội. Hơn nữa chúng ta biết rằng đây chỉ là một định chế không có thực quyền quyết định ». 
    Còn theo giáo sư Yang Moo Jin thuộc trường đại học chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của Seoul, cái tên Kim Jong Un không hoàn toàn vắng bóng trong bài viết của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA về kỳ họp Quốc hội. Bản tin này cho biết Quốc hội đã bầu ba người vào Ủy ban Quốc phòng đầy quyền lực « theo đề nghị của Nguyên soái Kim Jong Un ». Một trong ba người được bầu là Hwang Pyong So, một nhân vật thân cận của nhà lãnh đạo, được thăng làm Phó chủ tịch Ủy ban trên. Giáo sư Yang nhận định : « Ngay cả nếu sức khỏe không tốt, có vẻ như có rất ít thay đổi trong dấu ấn quyền lực của Kim Jong Un ».

    Đàm phán TPP: Việt Nam đánh đổi những gì?


    Nam Nguyên/ RFA
    Việt Nam sẽ phải cải cách rất nhiều thì đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ mới có thể kết thúc. Ngoài những đổi chác có thể có về vấn đề tiếp cận thị trường cho Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ phải cải tổ luật pháp liên quan đến vấn đề tự do nghiệp đoàn và quyền của người lao động.

    Phù hợp toàn cầu

    Trả lời chúng tôi vào tối 25/9/2014, ông Lê Văn Triết nguyên Bộ trưởng Thương mại (1991-1997), người từng xây dựng những viên gạch đầu tiên trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, từ Hà Nội nhận định, Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Trong khi đàm phán thì ở Việt Nam cũng có luật này luật nọ sửa đổi. Ông Lê Văn Triết nhấn mạnh:

    “Nếu không có đàm phán thì cũng phải sửa đổi để càng ngày càng phù hợp với dòng chảy chung của xã hội loài người. Cho nên bây giờ tiếp tục đàm phán để đi vào toàn cầu hóa cùng với các nước thì việc sửa luật là nhất thiết phải làm, không có đàm phán thì Việt Nam cũng có dự kiến một số luật phải sửa. Cho nên có cái thì sửa trước, thấy trước mà bức xúc quá thì sửa trước, còn có cái mình gia nhập vào rồi thấy nó vênh nhau về luật pháp thì dần dần sẽ xem xét để sửa thôi. Còn chuyện ở nước ngoài đòi điều kiện này điều kiện nọ để mà có thể chấp nhận hay không chấp nhận việc tham gia TPP, chuyện đó cũng lại là quá trình cần phải trao đổi, xu hướng chung từ nhiều năm nay và xu hướng bây giờ trở đi tôi nghĩ Việt Nam cần phải tiếp tục sửa đổi nền luật pháp, Hiến pháp vừa rồi đã sửa đổi, rồi sửa đổi đến các luật. Hiện nay Quốc hội vẫn đang tiếp tục làm việc đó. Tôi thấy nó phù hợp với tình thế chung của toàn cầu hóa.” 

    Trang tin điện tử của Liên Đoàn Lao Động Việt, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở hải ngoại ngày 21/9 đưa tin Việt Nam phải có luật tôn trọng công đoàn độc lập thì Quốc hội Mỹ mới cứu xét TPP. Trang tin này trích nội dung bản tường trình của Dân Biểu Sander Levin, thành viên cao cấp của Ủy ban Ways & Means của Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ. Đây là một Ủy ban lưỡng đảng có quyền lực rất lớn, có thể gọi là Ủy ban chuẩn chi Hạ Viện hoặc rộng nghĩa hơn là Ủy ban định chế Hạ Viện.

    Theo Tổ chức Lao Động Việt, bản tường trình Levin ngày 18/9/2014 có đoạn :

    Để được chấp nhận thì TPP sẽ phải có các điều khoản về quyền lao động, các điều khoản này phải thật sự thực thi, và nếu không thực thi thì phải có quyền dùng các cơ chế trừng phạt. Các quốc gia đang thảo luận chi tiết về việc thực thi. Đối với một số quốc gia thì việc thực thi không dễ dàng, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi mà lâu nay nhà nước cộng sản dành cho mình quyền đại diện cho người lao động, và người lao động không được quyền có tiếng nói ở nơi làm việc. Việt Nam sẽ phải sửa luật, và Việt Nam sẽ phải lập ra một cơ chế đặc biệt để theo dõi và trừng phạt những vi phạm các điều khoản lao động, sau đó Quốc Hội mới cứu xét TPP.”

    Chúng tôi có tham khảo tài liệu liên quan của Ủy ban chuẩn chi Hạ Viện Comittee on Ways and Means và đã phối kiểm thông tin vừa nêu trích từ trang tin điện tử của Liên Đoàn Lao Động Việt.

    Còn nhiều khó khăn 

    Để có tự do nghiệp đoàn thì phải thực thi quyền lập hội, quyền công dân này được ghi trong tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước Cộng sản Việt Nam kể cả Hiến pháp 2013. Tuy vậy Quốc hội chưa soạn thảo Luật về quyền lập hội cũng như nhiều quyền cơ bản khác của công dân.

    Trong dịp trả lời chúng tôi, Phó Giáo sự Ngô Trí Long ở Hà Nội nhận định:

    “TPP thì một trong các điều kiện hết sức quan trọng là quyền tự do lập nghiệp đoàn. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam thì chủ yếu công đoàn là chịu sự lãnh đạo của Nhà nước hay nói cách khác là Đảng, hay lập hiệp hội gì đấy thì tùy theo qui chế. Nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia TPP thì phải thực thi đúng theo cam kết. Nếu không thực thi  thì chắc chắn không thể hội nhập được.”

    Cùng thời gian phúc trình Levin được phổ biến tại Hoa Kỳ, Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập TPP, người vừa tháp tùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc ở Hoa Kỳ từ ngày 15-19/9/2014.  Tuy vậy ông Khánh không đề cập gì tới những điều kiện quan trọng liên quan đến vấn đề quyền lập hội của người lao động cũng như các vấn đề liên quan đến nhân quyền.

    Theo Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết là những nội dung đàm phán còn lại của TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất khó khăn. Ông Khánh hàm ý cho thấy đàm phán đang bị tắc lại về vấn đề mở cửa thị trường hai bên. Nguyên văn lời ông Trần Quốc Khánh: “Chỉ khi nào Việt Nam đạt được những lợi ích cốt lõi của mình, nhất là trong xuất khẩu dệt may, giày dép; cũng như Hoa Kỳ yên tâm ở mức độ mở cửa dịch vụ thị trường, hàng hóa hay mua sắm chính phủ mà Việt Nam dành cho họ thì những khó khăn mới có thể xử lý được.”  
     
    Việt Nam kỳ vọng lớn vào TPP với hy vọng tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ gấp ba lần, theo đó năm 2012 hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ trị giá 7,6 tỷ USD nhưng nếu có TPP sớm thì đến năm 2020 dự kiến đạt 22 tỷ USD, được biết thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ tới 43% sản lượng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. TPP trong giai đoạn đàm phán hiện nay bao gồm 12 quốc gia, nếu Hiệp định được ký kết thì đây là một thị trường tự do trải rộng từ Úc qua một phần Châu á tới Nam và Bắc Mỹ. TPP sẽ chi phối 40% GDP và 30% trao đổi thương mại toàn cầu.

    Trong đàm phán TPP riêng về lĩnh vực dệt may Việt Nam bị trở ngại trước tiên về vấn đề tự do nghiệp đoàn, vấn đề quyền của người lao động. Về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ đưa ra nguyên tắc “tính từ sợi” yarn forward trong điều kiện về xuất xứ nguyên liệu. Theo đó hàng dệt may Việt Nam nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% thay vì mức trung bình 17% hiện nay thì hàng may mặc Việt Nam phải sử dụng sợi dệt nội khối TPP. Một điều kiện về kỹ thuật mà Việt Nam khó đáp ứng, hiện nay Việt Nam phụ thuộc ít nhất 70% nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc và nước này không tham gia TPP.

    Việt Nam đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài có các dự án về sợi, dệt và nhuộm nhưng phải mất nhiều năm những dự án này mới đi vào sản xuất. Các nhà đàm phán Việt Nam đang tìm cách hoãn binh trong vấn đề nguyên tắc tính từ sợi. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM nhận định:

    “Hai bên thảo luận về cái gọi  là  danh mục thiếu hụt, thí dụ về những loại sợi vì một lý do nào đó Việt Nam chưa có, có thể có trong các nước TPP hoặc không có, thì hai bên sẽ đưa ra danh mục thiếu hụt thường xuyên hoặc danh mục thiếu hụt tạm thời. Tôi nghĩ đây là một giải pháp để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị và trong thời gian áp dụng danh mục thiếu hụt chúng ta vẫn được hưởng mức thuế suất bằng 0.” 

    Trên báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập TPP cho biết những lĩnh vực hai bên chưa thống nhất còn rất nhiều. Ngoài vấn đề mở cửa thị trường, mua sắm chính phủ, cải thiện đầu tư nước ngoài, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi toàn diện chống buôn bán động vật hoang dã và thực hiện Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

    Ông Khánh đề cập tới một mối lo ngại, Hoa Kỳ đưa ra cơ chế trừng phạt thương mại, rút lại ưu đãi, thí dụ không cho hưởng ưu đãi về dệt may một khi Việt Nam có vi phạm nguyên tắc thực thi toàn diện. Quan điểm của Việt Nam là phải có sự quan tâm đến khả năng thực thi của các nước đang phát triển và phải xử lý khúc mắc trên tinh thần hợp tác. Những gì ông Khánh nói cho thấy đàm phán Việt Nam Hoa Kỳ về TPP còn  khoảng cách rất lớn và ông không loại trừ khả năng chỉ có thể giải quyết ở lúc cuối của tiến trình đàm phán khi có quyết định ở cấp cao nhất.

    Hiện nay Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chưa được Quốc hội trao thẩm quyền đàm phán nhanh TPA. Nếu có TPA chính phủ Hoa Kỳ có thể thỏa thuận với các nước để kết thúc đàm phán sớm và đưa kết quả đàm phán trình Quốc hội, với TPA Quốc hội chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết chứ Quốc hội không có quyền sửa đổi các nội dung đã đàm phán.

    Trong nội bộ Hoa Kỳ, khả năng Quốc hội thông qua dự luật thẩm quyền đàm phán nhanh TPA là không nhiều. Nếu không được trao thẩm quyền đàm phán nhanh TPA trong nửa đầu năm 2015 cơ hội sẽ không còn vì 6 tháng cuối của năm 2015, cuộc chạy đua tranh cử tổng thống sẽ không còn ai đoái hoài đến việc này nữa. Con đường tới TPP vẫn xa vời vợi mặc dù các quan chức Việt Nam vẫn cao giọng tiến trình đàm phán TPP đang rất lạc quan.

    Gs Tương Lai tại Đại hội MTTQVN lần thứ 8

    Gs Tương lai

    Gs Tương Lai
    Kính thưa các cụ,
    Thưa ông Chủ tịch Mặt trận, thưa qúy vị

    Đến hẹn lại lên, tôi xin được phát biểu hai vấn đề, nhưng tuy hai mà một. Và có lẽ đây là lần cuối có mặt ở diễn đàn Mặt trận, tôi xin phép nói dài một chút, đương nhiên cũng chỉ trên 15 phút chút ít.

    1.Vấn đề quan trọng nhất cần tập trung phản biện và giám sát là gì?

    Văn kiện của Mặt trận ghi là giám sát và phản biện, tôi đảo ngược lại để nhấn mạnh  rằng thế là cuối cùng cái gì cần đến rồi cũng phải đến. Chỉ có điều "hơi bị lâu".Và người gánh chịu hệ lụy đó là dân, là người dân trong sự lạc hậu của đất nước nghìn năm văn hiến này!

    Giáo sư Lưu Văn Đạt luôn nhắc tôi anh đừng nôn nóng, vì những tham luận, phát biểu của tôi tại diễn đàn Mặt trận, các Hội thảo do các Hội đồng Tư vấn chủ trì, mà riêng cụ Đạt làm chủ tọa thì đã có ba cuộc trong suốt nhiệm kỳ qua, và ngay cả trong nhiệm kỳ trươc nữa, đều quyết liệt nói đến sứ mệnh phản biện của Mặt trận. Quyêt liêt đến độ tôi nói rõ phải thực thi chức năng phản biện nếu Mặt Trận không cam chịu làm một thứ cây kiểng vô duyên được nuôi trồng bằng tiền thuế của dân. Và rồi những tham luận hay gọi là "báo cáo khoa học" ấy đều được lưu trong ngăn kéo, chắc là ngăn kéo của ông Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim. 

    Cụ Đạt dạy chí phải : trên chưa cho! "Trên" là "trên" nào đây?

    Tôi đành tự an ủi trong niềm ưu tư " Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này". "Nên nỗi này" không chỉ là lời của tác giả Chinh phụ ngâm! Một kẻ hậu sinh sống trong thế kỷ XXI này là anh Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch An Giang có bài viết ngày 21.6.2012 với cái tít rớm lệ "Nước non mình đến nỗi nầy sao!". Tôi đọc mà những muốn khóc theo, cố thử hình dung tâm trạng của ông bạn tôi,vốn quen lội ruộng hơn ngồi trước bàn cầm bút này, liệu có như tâm trạng nàng Kiều "một cung gió thảm mưa sầu, bốn giây rỏ máu năm đầu ngón tay" khi viết những dòng này không? Trong nỗi niềm ấy, trước diễn đàn này tôi kiến nghị : nội dung, phương thức phản biện và giám sát của Mặt Trận cần tập trung vào cái chuyện lớn đó, làm rõ nguyên nhân cơ bản ở tầm vĩ mô, cũng như những chủ trương, đường lối, giải pháp của từng thời đoạn để chỉ rõ "nước non mình" vì sao mà "đến nỗi này".

    "Nỗi" làm sao? "nỗi này" là cái nỗi gì? 

    Xin không vòng vo ẩn dụ nữa :"Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng". Đây là nỗi "xót lòng" của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực đã nói trong Hội nghị toàn quốc hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức. [Tuổi trẻ. 21.8.2014
    * Xem phụ lục

    Nỗi "xót lòng" đó càng như bị xát muối thêm bởi mấy con số do ILO [Tổ chức Lao động quốc tế] công bố về năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á-Thái Bình Dương: thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Malasia và 2/5 Thái Lan! Ấy thế mà bài học của một thời phải thuộc nằm lòng cái nguyên lý cơ bản về năng suất lao động là cái quyết định làm cho CNXH hơn CNTB. Thua CNTB về năng suất lao động nhưng Việt Nam ta lại hơn đứt họ về sự chơi sang của giới qu‎ý‎ tộc mới. Thì đây : báo Tuổi Trẻ đăng một bài viết về cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 1.400.000 USD [tương đương 29 tỷ đồng VN], và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ! Loáng một cái là hết sạch. Nhiều người còn trách móc tay quản lý cửa hàng là sao không để dành cho mình". Hỏi ai trách? Trả lời "Các quý phu nhân và các quý tiểu thư". Xin biết cho rằng Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới đã xếp Hermes đứng đầu bảng trong danh mục các nhãn hiệu xa xỉ và ông Patrick Thomas, chủ tịch tập đoàn này khẳng định : "Hermes tại VN vẫn tăng trưởng đều từ 20-30% trong những năm qua "! 

    Có nghĩa là những người tiêu thụ hàng xa xỉ bậc nhất thế giới ở Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đều, điều này tỷ lệ thuận với tham nhũng khi mà đất nước đã sập bẫy thu nhập trung bình với những chỉ báo rất rõ như : tăng trưởng GDP của VN chậm lại, năng suất lao động kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu và đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo...

    Đương nhiên, phản biện tuyệt đối không chỉ moi móc cái xấu, cái dở mà phải biết chắt chiu từng điểm sáng, những khởi sắc có sức sưởi ấm lòng người như chuyện con đường Nội Bài-Lào Cai vừa thông xe cách đây 4 hôm mở ra một viễn ảnh sáng sủa cho cả một vùng Tây Bắc giàu tiềm năng chẳng hạn. Phải chắt chiu, vì chúng rất quý và hiếm giữa những mảng tối tràn lan. 

    Nhưng chắt chiu từng điểm sáng không mâu thuẫn với trung thực và mạnh dạn phơi bày những mảng tối khi mà những mảng tối ấy lại quá dày, nó báo hiệu nguy cơ mât còn. Thì chẳng phải là chính ông Chủ tịch nước đã nói trong bài viết nhân 2.9 khi trích dẫn câu của người xưa về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt”, cả 5 yếu tố ấy xem ra đã hội đủ mà không ai là không thấy đó sao? [Trong nguyên bản,ông Chủ tịch Nước viết câu này là của Lê Quý Đôn, nhưng tôi tra cứu mãi không tìm ra xuất xứ, hỏi một số học giả quen biết thì chưa ai chỉ cho tôi cứ liệu xác đáng, nên tôi tạm gọi là lời người xưa, mong các bậc cao minh chỉ giáo]

    Vậy thì, nội dung cơ bản nhất của sự giám sát và phản biện mà Mặt trận đảm nhiệm phải hướng vào là gì nếu không phải là thực tế nóng bỏng đó, "vì ai gây dựng cho nên nỗi này"? Theo tôi, đây nên là một điểm đột phá của công tác Mặt trận

    Thật ra, nói cho rốt ráo thì cái gọi là "đột phá" này vốn là chức năng đích thực, là sứ mệnh của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ngay khi thành lập. Xin nhớ lại tham luận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956 . Nhà trí thức lớn ấy đã chỉ ra một cách toàn diện những khuyết tật của thể chế sẽ kéo lùi đất nước nếu không sớm khắc phục. Và lời tiên đoán của ông đã được chứng minh. Chỉ có điều đau xót là, sau phản biện tâm huyết ấy vị học giả đáng kính đã bị "rút phép thông công" như lời ông viết sau này. Vì thế, nói đột phá cũng là  nói hãy trở về với đúng chức năng đích thực của Mặt trận khi cái xiềng phản dân chủ đã tháo gỡ được vài cái mắt xích do thời cuộc đưa đẩy.  [mời xem phần phụ lục 1 và 2 ở cuối trang]

    2. Trước mắt, cần tập trung giám sát và phản biện đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại nhằm đối phó với bọn xâm lược đã tự phơi bày bộ mặt nham hiểm và độc ác của chúng.

    Cũng chỉ mới cách đây không lâu, ai chạm đến cái gọi là "điểm nhạy cảm" này thì hãy coi chừng! Khi người ta dám ngang nhiên đục bỏ bia kỷ niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới, kiêng kỵ nhắc đến cuộc chiến với tội ác của 60 vạn quân xâm lược gây ra đối với quân dân ta trên các tỉnh biên giới mà Đặng Tiểu Bình hỗn xược tuyên bố là "để dạy cho Việt Nam một bài học", không dám gọi đích danh tàu của kẻ cướp còn tệ hại hơn bọn cướp biển vì chúng dám xâm phạm vùng biển của ta, đáng đập cướp bóc ngư dân ta mà phải gọi là "tàu lạ" thì rõ ràng là đã có một cái gì khuất tất ẩn dấu trong cuộc gặp ở Thành Đô mà cho đến nay, những trao đổi và ký kết gì đó vẫn còn u u minh minh, thì đây chính là một câu hỏi lớn chưa lời đáp. 

    Nếu Mặt trận dám tự nhận mình là tiếng nói của dân, phản ánh ý chí và nguyện vọng của dân thì phải thẳng thẳn đặt ra vấn đề ra với những người đang gánh vác trọng trách trước nhân dân, yêu cầu phải giải trình một cách công khai và minh bạch trước dân. Nếu Mặt trận không nhận thức rõ đây là nội dung bức xúc nhất cần giám sát và phản biện thì Măt trận không làm tròn sứ mẹnh của mình trước dân, người ta có thể gọi đó là sự phản bội dân.

    Thế rồi, quả là phải "cám ơn cái giàn khoan", nó như mảnh giấy quỳ nhúng vào dung dịch thử. Nó giữ nguyên màu tím hay ngả sang màu xanh hoặc chuyển sang màu đỏ để biết nó là "trung tính", "mang tính kiềm" hay "mang tính axit" nhằm lộ diện ai là ai, "thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi". Quả thật "trong ánh chớp của những cơn giông sáng lòe của một giai đoạn chuyển động, người ta thấy các sự việc và con người như trần truồng..." mà Einstein từng viết.

    Chính  cái giàn khoan "made in China" ấy đã làm nổi rõ lên sự sòng phẳng, minh bạch của lời tuyên bố dứt khoát : "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc" thể hiện được ý chí và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đi thẳng vào lòng người, chạm đến điểm sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm thế dân tộc.

    Cho nên, sách lược mềm dẻo biểu hiện sự biết mình, biết người, linh hoạt trong ứng xử trên mặt trận ngoại giao là phương thức cần thiết để giữ hòa khí, tránh bớt những căng thẳng đẩy tới những đụng độ không cần thiết. Thế nhưng, phải có bản lĩnh và khí phách của Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo thì mới có thể vận dụng được sách lược ấy. Còn nếu trong đầu đã ấp ủ tâm thức đầu hàng để giữ cái ghế quyền lực như Trần Ích Tắc, Trần Kiện thì nhu nhược và đê hèn là điều dễ hiểu cho dù được ngụy trang khéo đến đâu. Vả chăng, khi dụng sách lược ấy, phải hiểu rất rõ Trung Quốc là kẻ mà lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm, chưa lúc nào bỏ thói quen tráo trở, "xi nhan" bên phải nhưng bẻ tay lái về bên phải là chuyện cơm bữa của họ mà thế giới biết quá rõ.

     Độc chiếm Biển Đông là "quốc sách" nhằm thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" của họ. Tiến hành nâng cấp, xây dựng các đảo chìm, đảo nổi đâu phải bây giờ họ mới làm. Đó là những hành động nằm trong chiến lược “xâm lược mềm” của họ từ lâu. Hiện họ đang xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma. Đây là một hành động cực kỳ nham hiểm mà ta cần phải có phản đối quyết liệt hơn nữa trước công luận của thế giới.

    Cho nên, cho dù là chúng ta đã rất cố gắng trong việc duy trì đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng, đưa ra các cương lĩnh cơ bản, thậm chí ngay cả khi họ gây ra những hành động rất trắng trợn như việc hạ đặt giàn khoan HD981 ta vẫn làm điều đó nhưng kết quả thế nào thật đã rõ như ban ngày, người lú lẫn nhất cũng đã phải thấy. 

    Không thể tiếp tục thỏa thuận với Trung Quốc những điều vô nghĩa khi họ luôn tráo trở. Bởi làm như thế không khác gì tạo điều kiện cho Trung Quốc lợi dụng để đánh lừa công luận, bóp méo sự thật. Hơn nữa, sẽ làm cho bạn bè của ta trong khối ASEAN nghi ngờ về quyết tâm của ta, những cường quốc có chung mối quan tâm vì lợi ích của chính họ trên con đường huyết mạch trên biển e ngại về chính sách "đi giây" nguy hiểm của một bộ phận những người cầm quyền Việt Nam. 

    Thời gian không chờ đợi. Bởi vậy, chúng ta bắt buộc phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là việc phải làm ngay. Chần chừ, là sập bẫy của Trung Quốc và có tội với đất nước. Nhà cầm quyền TQ sẽ còn tung ra nhiều chiêu lừa mị đánh trúng vào điểm yếu của ai đó còn hy vọng hão quyền vào cái mặt nạ "cùng chung ý thức hệ XHCN" được phủ thêm một lớp son bốn tốt và mười sáu chữ bịp bợm. Chính vì thế, điểm đột phá của công tác Mặt trận sắp tới không thể là gì khác việc tập trung giám sát và phản biện vào đường lối, chủ trương và giải pháp cứu nước, chống Trung Quốc xâm lược.Được nghe trình bày dự thảo về "Lời kêu gọi" của Đại hội Mặt trận tôi quá bất ngờ và không thể không kìm được sự phẫn nộ. Đất nước lâm nguy, kẻ xâm lược đang trăm mưu nghìn kế uy hiếp ta, thế mà "Lời kêu gọi" của Đại hội chẳng có một câu lên án, cứ như thể mọi việc đều đang thoải mái " vui vẻ trẻ trung" trong Hội trường máy lạnh thật hoành tráng, sang trọng này!

    Tôi xin kết thúc bài phát biểu đã quá dài với niềm tin vững chắc rằng : Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúcĐấy là lời của Abraham Lincoln.
                     
    ............................
    PHỤ LỤC [không đọc vì sợ chiếm quá nhiều thì giờ].

    *Tôi có cảm tình với anh cũng từ một chuyện liên quan đến cái cái chữ "trên" này. Trong một dịp gặp anh khi anh là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, nhân chuyện gì đấy tôi quên mất rồi, anh nói " công văn, chỉ thị, báo cáo mà Văn phòng soạn đưa bí thư xem và ký, bao giờ tôi cũng sửa chữ "dưới sự lãnh đạo của Đảng" thành chữ "với sự lãnh đạo của Đảng". Tôi nghĩ bụng "tay này chơi được đây, một lóe sáng của trí tuệ đất Quảng chứ chẳng đùa". Dạo ấy, tôi có đem chuyện này nói với ông Sáu Dân, thấy ông trầm ngâm, trong ánh mắt thoáng có nét suy tư, day dứt.

    **Trích phát biểu về Mặt trận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường ngày 30.10.1956

    "Hãy để cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm ra che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình. Ở đây, tôi chỉ xin phép nói về Mặt trận của ta thôi. Các vị đã thấy rằng từ khi thành lập Mặt trận Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ có nhiệm vụ động viên quần chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm vụ. Nhưng dù sao chỉ có một chiều. Ta là giây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng. Nếu ngược lại, ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, công tác của ta thế nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền lãnh đạo và quần chúng, do đó lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn. Tôi xin phép đặt mỗi vị uỷ viên trước trách nhiệm của mình. Chúng ta ủng hộ Chính phủ, nhưng chúng ta cũng là đại biểu của nhân dân. Công tác của chúng ta có hai mặt, chúng ta không thể chỉ lệch về một bên được. Quần chúng không cho phép chúng ta làm như vậy, muốn theo rõi công việc ta làm vì chúng ta làm đại biểu của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Quần chúng giao quyền cho chúng ta, chúng ta phải xứng đáng với sự uỷ quyền ấy. ta sử dụng quyền ấy thế nào, quần chúng đòi kiểm soát ta.

    Để đạt mục đích này, tôi xin phép đề nghị: một là mỗi uỷ viên phải có nhiệm vụ phản ánh lên Mặt trận ý kiến của quần chúng. Mặt trận phải có nhiệm vụ đề đạt lên cấp lãnh đạo những phản ảnh của các uỷ viên và báo cho các vị ấy thái độ của cấp lãnh đạo giải quyết vấn đề ra sao, sử dụng các phản ảnh ấy như thế nào. khi Mặt trận họp hội nghị, phải cho phép quần chúng đến bàng thính: để quần chúng kiểm soát công việc của Mặt trận làm và thái độ của các uỷ viên."

    : "quản trị một nước, đặc biệt một nước đang xây dựng chính quyền cách mạng, nghĩa là một cái gì vô cùng mới mẻ và khó khăn — không giống như là đề ra đường lối và khẩu hiệu tranh đấu cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng. Hai khu vực hoạt động ấy tuy quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi ngành hoạt động có kỹ thuật và quy luật của nó. Lúc nhà chính trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh nghiệm xương máu của lịch sử, thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai hại hiện thời làm chúng ta đau xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt mình lên trên pháp luật. Ngay trong trường hợp chính trị sau khi đặt mình lên trên pháp luật, còn giữ vững thái độ chân chính, cũng đã gây ra bao khó khăn rồi. Pháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được phép làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp. Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà cầm quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ nữa. Đó là trường hợp nhà cầm quyền, lúc tự đặt mình lên trên pháp luật, giữ thái độ chân chính đúng mực, huống hồ là khi nhà cầm quyền sử dụng quyền thế của mình một cách lộng quyền, như ông Trường Chinh đã nhận định.

    Ông còn vạch rõ : " Đại đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ ước các cương vị, công tác lộng lẫy đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà chính trị, các đảng viên. Họ chỉ thiết tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà thôi. Họ đã từng nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của dân tộc. Nhưng họ cảm thấy vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn nó trong một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các cương vị công tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm được thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có nhiều. Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài vai trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức có một trách nhiệm gì không, có quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời".

    Sức mạnh đội tàu ngầm Việt Nam

    (Quốc phòng Việt Nam) - Giới chuyên gia nước ngoài đánh giá cao đội tàu ngầm của Việt Nam với khả năng răn đe Trung Quốc.
    Từ ngày 19-20/9 vừa qua, một hội nghị quốc tế về Chính sách Hàng hải của Trung Quốc đã được Đại học Ma Cao tổ chức. Tại đây, Giáo sư người Australia Carlyle Thayer có bài tham luận “Chiến lược Biển Đông của Việt Nam và Quan hệ Việt-Trung”.
    Giáo sư người Australia Carlyle Thayer
    Giáo sư người Australia Carlyle Thayer
    Trong bài tham luận, Giáo sư Thayer cho rằng những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông là động lực quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, ưu tiên cho hải quân, và nhất là trang bị cho mình một hạm đội tàu ngầm.
    Theo đó, hợp đồng đặt mua sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo đã được ký kết vào năm 2009 và đang lần lượt được giao, cho đến năm 2016 là chiếc cuối cùng. Hiện đã có hai chiếc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được giao cho Hải quân Việt Nam, chiếc thứ ba là Hải Phòng dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 11/2014, chiếc thứ tư là Đà Nẵng đã được Nga hạ thủy hồi tháng 3/2014 và đang trong quá trình chạy thử. Hai chiếc còn lại là Khánh Hòa đang được đóng và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ hạ thủy vào tháng 9/2015 để bàn giao cho Việt Nam vào năm 2016.
    Theo Giáo sư Thayer, một khi bắt đầu hoạt động, với hệ thống vũ khí tối tân được trang bị, các tàu ngầm Việt Nam có thể thực hiện song song hai nhiệm vụ, gồm:
    1/ Phát hiện tàu lạ ở khu vực ngoài khơi bờ biển Việt Nam và vùng xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
    2/ Tăng cường sức răn đe của Việt Nam trong trường hợp bị Trung Quốc bất ngờ tung quân đánh chiếm các đảo, bãi đá đang do Việt Nam kiểm soát tại vùng Biển Đông.
    Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam tại Cam Ranh
    Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam tại Cam Ranh
    Giáo sư người Australia nhận định đội tàu ngầm lớp Kilo sẽ cung cấp cho Việt Nam một năng lực chống tiếp cận khu vực, dù hạn chế, nhưng hữu ích.
    Ông Lyle Goldstein, Giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ, cho rằng Bắc Kinh không nên coi thường năng lực quốc phòng của Việt Nam. Theo ông, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có khả năng “đánh những đòn chí mạng bằng ngư lôi hay tên lửa hành trình chống hạm”.
    Trong khi đó, các ý kiến khác cho rằng một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là khoảng cách địa lý. Chuyên gia Gary Li nói: “Đội tàu chiến và tàu ngầm trang bị tên lửa của Việt Nam có thể tấn công và rút lui về căn cứ một cách dễ dàng, trong lúc hạm đội kẻ thù bị tấn công thì ít nhiều phải lênh đênh”.
    Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam không cần phải so sánh số lượng tàu của mình với Trung Quốc, mà nên áp dụng chiến thuật du kích trên biển. Một chiến lược phi đối xứng, kèm theo với việc liên minh đúng lúc với các đối thủ của Trung Quốc, sẽ đặt Việt Nam vào một vị trí tốt.
    Chuyên gia Brian Benedictus thì cho rằng các chiến hạm lớp Gepard, Molniya của Việt Nam cũng như của tàu ngầm lớp Kilo giúp Việt Nam tăng cường năng lực tung lực lượng ra Biển Đông “giáng cho tàu Trung Quốc những tổn thất lớn, điều mà Bắc Kinh phải tính toán trước khi quyết định thách thức Hải quân Việt Nam”.
    Đối với ông Benedictus, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam còn có tiềm năng phá hoại đội tàu của đối phương bằng nhiều cách khác nhau, nhất là khi năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc còn kém cỏi.
    Theo đánh giá chung của các chuyên gia, dù lực lượng còn mỏng song Việt Nam hiện sở hữu những loại vũ khí “đặc trị” chống Trung Quốc, cộng thêm yếu tố “địa lợi” giúp tăng giá trị răn đe của chiến lược quốc phòng Việt Nam đối với Trung Quốc.
    Tàu pháo của Việt Nam
    Tàu pháo của Việt Nam
    Theo Giáo sư Thayer, nếu tính toàn bộ số vũ khí đã mua và sắp mua, hệ thống vũ khí của Việt Nam “sẽ bắt Trung Quốc phải trả giá rất đắt nếu gây chiến trong khu vực rộng từ 200 đến 300 hải lý, trải dọc theo bờ biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn năng lực tấn công căn cứ Hải quân chủ yếu của Trung Quốc tại Tam Á, trên đảo Hải Nam và các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa”.
    Tuy nhiên, cũng tại hội nghị này, giới phân tích cho rằng Việt Nam phải mất thêm nhiều năm mới làm chủ được vũ khí hiện đại.
    Chuyên gia Mỹ Zachary Abuza thuộc trường Simmons College nói: “Việt Nam cần phải có thêm nhiều năm nữa mới có thể hoàn tất đợt hiện đại hóa quốc phòng đang được tiến hành, cũng như phát triển các học thuyết và chiến thuật để sử dụng các công nghệ mới vừa trang bị. Vũ khí tốt nhất của Việt Nam vẫn là ngoại giao và luật pháp quốc tế”.
    Giáo sư người Mỹ Lyle Goldstein cũng đồng ý với quan điểm của ông Abuza là chiến lược tốt nhất của Việt Nam để chống Trung Quốc vẫn là “hy vọng có được một sức răn đe khả dĩ, trong lúc tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp”.
    Bảo Minh (Tổng hợp)

    TQ: Cải cách hay sụp đổ kinh hoàng?

    Kinh tế Trung Quốc rơi bẫy: Tạm biệt giấc mơ vượt Mỹ
    (Thị trường) - Kinh tế rơi vào điểm nghẽn và không dễ để Trung Quốc thay đổi ngay lập tức bởi chính nước này đang phải trả giá vì cái bẫy công nghệ thấp.
    Tại hội thảo: “Chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu Trung Quốc vừa tổ chức, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự khó khăn về kinh tế mà nước này đang phải đối mặt. Theo đó cụm từ “loạng choạng, suy giảm, điểm nghẽn’ được nhiều chuyên gia sử dụng trong nghiên cứu của mình.
    Cải cách hay sụp đổ kinh hoàng?
    Theo TS Lê Kim Sa, Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: với tư cách là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, song kinh tế Trung Quốc thực sự đang bị ‘loạng choạng’. Biểu hiện rõ nhất từ tốc dộ tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn giai đoạn trước.
    “Nhiều cảnh báo nghiêm trọng đã được đưa ra đối với nền kinh tế Trung Quốc đó là cải cách sớm hoặc đối mặt với sụp đổ kinh hoàng. Như Quỹ Tiền tệ Quốc tế 2013 khẳng định Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn về việc tăng trưởng GDP sẽ còn tiếp tục sụt giảm”, TS Sa nói.
    Cụ thể IMF cảnh báo kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong năm 2013 và mô hình tăng trưởng của nước này hoàn toàn không bền vững. Thậm chí IMF cảnh báo GDP Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 4% sau năm 2018 và tiếp tục chiều hướng giảm sút. Như vậy, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 như các dự báo trước đây.
    Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng sụt giảm của kinh tế Trung Quốc, TS Sa cho rằng sau 3 thập niên tăng trưởng nhanh và kéo dài liên tục, nền kinh tế Trung Quốc đang dần đến ngưỡng phát triển mang tính cơ cấu.
    Năm 2007 trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, Trung Quốc đã xác định được những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế quốc dân dẫn tới sự phát triển không chắc chắn, mất cân đối, thiếu phối hợp và không bền vững.
    “Mô hình tăng trưởng không cân đối của Trung Quốc dựa trên ‘3 cái thấp’ là tiền lương, lãi suất thấp và tỉ giá đồng nội thấp để đảm bảo cung cấp ‘3 cái rẻ’ là: lao động rẻ, vốn, đất đai, tài nguyên môi trường rẻ và chuyển tiền tỷ lệ tiết kiệm lãi cao của người dân thành tín dụng giá rẻ cho khu vực doanh nghiệp… đã đạt đến ngưỡng giới hạn”, TS Sa dẫn nghiên cứu của Michael Pettis 2011.
    Cũng chung quan điểm này, PGS Nguyễn Huy Quý cho rằng kinh tế Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn có tính bước ngoặt. Những động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh đang suy giảm đến mức nếu không tạo được động lực mới thì nền kinh tế sẽ rơi vào trì trệ và không thể phát triển một cách bền vững.
    “Thế nhưng Trung Quốc vốn được mệnh danh là công xưởng thế giới nay vì tiền lương tăng lên, chi phí tăng cộng với việc công nghệ hiện nay chỉ có thể sản xuất ra những sản phẩm giá rẻ, chất lượng không cao nên khi thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn thì buộc Trung Quốc phải chuyển đổi bước lên một nấc thang công nghệ mới.
    Dệt may đang được xem là thế mạnh của Trung Quốc song nước này đang tìm mọi cách để chuyển các nhà máy sang Việt Nam thay vì bán nguyên liệu như trước đây
    Dệt may đang được xem là thế mạnh của Trung Quốc song nước này đang tìm mọi cách để chuyển các nhà máy sang Việt Nam thay vì bán nguyên liệu như trước đây
    Bẫy công nghệ thấp - trả giá
    Theo TS Sa, cái giá mà Trung Quốc đang phải trả chính từ việc từ trước tới nay TQ vẫn là nước sản xuất ra máy cái, máy mẹ - tức là cái máy để sản xuất ra cái máy. Nhưng khi họ sản xuất ra quá nhiều công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ thì họ rơi vào bẫy công nghệ thấp.
    “Nghĩa là họ chạy theo nhu cầu tiêu dùng thực tế đó là giá rẻ. Nhưng khi mọi việc đến điểm ngưỡng, lãi suất giảm dần, lợi nhuận co lại và tổn phí ngày càng gia tăng và tăng trưởng GDP giảm xuống theo quy luật kinh tế tự nhiên thì mọi thứ sẽ giảm dần.
    Chính Phương Tây từng khuyến khích TQ tập trung nội địa bởi vì họ không muốn sản phẩm của Trung Quốc ra tràn ngoài nhiều như hiện nay nhưng ngược lại TQ vốn đang sản xuất theo đà không dễ gì bẻ lái.Thêm nữa thị trường nội địa cũng không mang lại nhiều lợi nhuận cho Trung Quốc như thị trường thế giới nên không còn cách nào khác là Trung Quốc phải thay đổi, tái cấu trúc và đổi mới công nghệ.
    “Tuy nhiên việc chuyển đổi không phải dễ vì một đất nước càng lớn thì chi phí cho sự chuyển đổi càng lớn. Thế cho nên hiện nay chưa có một động thái nào cho thấy phương thức của Trung Quốc đang thay đổi”, TS Sa chỉ rõ.
    Theo TS Nguyễn Đình Liêm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, chính những bất cập đang diễn ra trên đất nước Trung Quốc đang gây áp lực cho việc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
    Song có thể thấy rõ “bài” trong việc đầu tư nước ngoài với đầy những toan tính để một mặt các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có lợi khi đi đầu tư bằng cách mang công nghệ cũ đi, ngược lại có thể nâng cấp công nghệ trong nước để dần đưa ra những sản phẩm chất lượng cao hơn, cung ứng cho thị trường thế giới.
    Bài sau: Trung Quốc‘đẩy’công nghệ lạc hậu sang nước khác để… cứu mình
    Bích Ngọc