"Sức khỏe" doanh nghiệp còn yếu
Tại Hội thảo công bố kết quả báo cáo khảo sát “Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29.12, nhận định trước tình trạng "sức khỏe" của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sắp tới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết sức khỏe của doanh nghiệp Việt hiện nay là yếu. Vì vậy, nếu tham gia nhiều sân chơi mới với nhiều đối thủ cạnh tranh như vậy thìdoanh nghiệp Việt sẽ gặp những khó khăn và thách thức rất lớn. Điều này không có gì phải nghi ngờ.
Bà Lan băn khoăn: "Với cộng đồng kinh tế ASEAN, tôi lo một phần rằng doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận với thị trường này để xuất khẩu hay không. Nhưng điều chủ yếu mà tôi lo là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thể đứng vững trước làn sóng đổ bộ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp ASEAN vào Việt Nam. Với mức thuế 0% thì doanh nghiệp ngoại sẽ tràn vào Việt Nam rất dữ dội".
Trong khoảng thời gian từ 2-3 năm nay, thị trường Việt Nam đã xuất hiện những cuộc đổ bộ rất lớn từ các doanh nghiệp ASEAN. Trong khi đó, với Việt Nam thì chúng ta chưa nhìn thấy làn sóng ngược lại, bà Lan thẳng thắn nhận định.
Theo kết quả một cuộc điều tra của Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), có tới 65% doanh nghiệp Việt Nam không biết về cộng đồng kinh tế ASEAN. Tại sao họ lại không  biết trong khi tin tức trên báo đài và trên các trang mạng xã hội luôn có sẵn rất nhiều? Vị chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng họ chưa biết vì họ thiếu quan tâm. Đây là điều đáng lo. Trên thực tế, nhìn vào các quốc gia khác, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về vấn đề này cũng không nhiều. Nhưng đây không phải là điều mà chúng ta quan tâm. Điều quan trọng nhất mà chúng ta nên quan tâm lúc này là quan sát cách họ thực hiện để chuẩn bị cho bối cảnh cạnh tranh mới.
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Nhận định trước tình hình hiện tại, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện có hai vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, trước những khó khăn sắp tới, bản thân từng doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng tự cứu lấy mình, đừng chờ Chính phủ. Đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, không nên chủ quan về thị phần, hệ thống phân phối, niềm tin người tiêu dùng bởi lẽ thị trường thế giới luôn chuyển động từng phút từng giây, có thể sẽ ổn cho ngày hôm qua, ngày hôm nay nhưng có thể sẽ không ổn định trong ngày mai nên các doanh nghiệp phải luôn xem xét kỹ lưỡng.
Các doanh nghiệp đừng quá ham xuất khẩu ra bên ngoài khi mà ngay chính thị trường nội địa chưa bán nổi hàng hóa của mình và không tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Mình phải bán được trong nước, đứng vững trong nước thì sau đó mới có thể kỳ vọng về khả năng cạnh tranh ra bên ngoài, bà Lan khuyên vậy.
Thứ hai, dù phải tự đứng lên nhưng doanh nghiệp vẫn có quyền đòi hỏi sự trợ giúp từ phía Nhà nước để tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Hiện nay, doanh nghiệp Việt đã phải đóng góp 40,8% lợi nhuận của mình cho các loại thuế, phí. Trong khi đó, mức thuế doanh nghiệp trong ASEAN bình quân là 17%. Với mức thuế cao như vậy thì doanh nghiệp Việt lấy đâu ra động lực, vốn để tái đầu tư. Nhà nước luôn khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới nguồn lực nhưng thuế đã chiếm tới hơn 40% lợi nhuận rồi thì họ lấy gì để đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dù 2 năm qua Chính phủ đã cố gắng rất nhiều để đưa ra nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng mới chỉ giải quyết được một số vấn đề về thủ tục hành chính….Nhưng mức thuế thì vẫn còn cao, ví dụ như phần thu thuế, phí của năm 2015 cao hơn hẳn so với năm 2014. Xu hướng tận thu của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành đang tăng lên mạnh mẽ. "Tôi mong năm 2016, Chính phủ sẽ giảm thu các loại thuế bất hợp lý đối với doanh nghiệp để cho họ còn có cái để đầu tư. Nếu doanh nghiệp vẫn nhỏ bé thế này thì Nhà nước cũng không còn cái mà thu nữa", bà Lan khẳng định.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, giảm thuế không phải là vì doanh nghiệp mà vì chính số phận nền kinh tế quốc gia. Doanh nghiệp là người cuối cùng tạo ra tăng trưởng, đóng góp cho ngân sách, nếu cứ tận diệt doanh nghiệp thì không còn nguồn thu ngân sách về lâu dài.
Dự báo về tình hình doanh nghiệp nội địa trong năm tới, bà Lan cho hay doanh nghiệp trong nước năm 2016 sẽ gặp vô vàn những thách thức, đặc biệt là về cạnh tranh. Giờ đây, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam nhiều vô kể. Điều đó chỉ ra sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp là rất lớn.
"Tôi mong doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trước sóng gió mới, hy vọng họ có đủ sự khôn khéo để có thể chèo chống, vượt qua khó khăn lúc này. Nếu doanh nghiệp nào mà có thể vượt qua trong 2 - 3 năm tới thì họ sẽ có thể đứng vững được lâu dài", bà Lan nói.
Bà Lan đánh giá  kết quả lớn nhất mà chính phủ làm được là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Suốt 5 năm vừa qua, vấn đề của Việt Nam là lạm phát cao và kinh tế vĩ mô bất ổn. Bất ổn kinh tế vĩ mô gây khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp, kể cả FDI hay doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở Việt Nam.
Lạm phát năm nay đã xuống rất thấp, một phần là do chính sách, một phần cũng nhờ những điều kiện khách quan như: giá dầu giảm, giá cả hàng hóa giảm xuống... cũng làm cho giá ở Việt Nam đỡ cao hơn. Theo đó, thành tựu của Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và giảm lạm phát là rất rõ, bà Lan khẳng định.
Tuyết Nhung