Trang

15 tháng 11, 2014

Trung Quốc đang tự bóc mặt nạ?

(Tin tức 24h) - Báo chí Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đang tự mãn với sức mạnh kinh tế và muốn vươn lên làm “minh chủ” của châu Á.

Sự tự mãn ở Bắc Kinh
Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản, Trung Quốc đang chứng tỏ vị thế của mình qua các hoạt động ngoại giao tích cực với mục tiêu trở thành “minh chủ châu Á”. Điển hình là tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với vai trò chủ trì phiên bế mạc, đã thể hiện thái độ tự mãn với đánh giá về lộ trình xây dựng Khu vực Tự do Thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phiên họp của APEC. Ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phiên họp của APEC. Ảnh: AP.
Cũng theo tờ báo Nhật Bản, Trung Quốc đang đặt mục tiêu chiến lược trong việc xây dựng trật tự châu Á với vai trò chủ đạo của mình. Trung Quốc, một nền kinh tế đang phát triển, đã có những bước nhảy vọt kể từ hội nghị APEC Thượng Hải năm 2001, khi Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới.
Tuy nhiên, tại APEC Bắc Kinh lần này, Trung Quốc đã leo lên vị trí thứ hai thế giới về quy mô kinh tế. Cũng tại hội nghị APEC này, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc tăng cường phối hợp với các nước lớn như Nhật, Mỹ, trong khi lại phân biệt đối xử với các nước láng giềng lân cận.
Ví dụ điển hình cho hành động này là việc Trung Quốc đã mời nguyên thủ những nước châu Á không thuộc APEC như Myanmar tới dự, mục đích nhằm tuyên truyền về việc thành lập quỹ xây dựng “Con đường tơ lụa” do Bắc Kinh khởi xướng.
Trong khi đó, đánh giá về mối quan hệ với Mỹ, báo Nhật Bản cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang tạo ra ảo tưởng về mối quan hệ “trăng mật” Trung-Mỹ và thể hiện hình ảnh của Trung Quốc như một “cường quốc có trách nhiệm”.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama sau hội nghị APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác Trung-Mỹ trong các vấn đề như chống khủng bố, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran. Đối với vấn đề giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Trung Quốc cũng đề xuất các mục tiêu cho từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, những vấn đề mà Trung Quốc nêu ra lại không đúng như những gì nước này đang thể hiện, trước hết là việc thực hiện các cam kết quốc tế. Điển hình có thể kể ra là vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay vấn đề an ninh mạng. Trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, ông Obama đã không ngại ngần yêu cầu Bắc Kinh không tiến hành các cuộc tấn công mạng.
Theo báo Yomiuri, Trung Quốc nói rằng muốn giải quyết các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, thực tế nước này lại đang sử dụng phương pháp “ngoại giao trên nền tảng sức mạnh” trong cuộc tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Việc tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh với các nước như Nhật, Mỹ chỉ là biện pháp để Trung Quốc tránh bị cô lập, đồng thời giảm bớt nguy cơ nguồn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Không còn ẩn mình
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế hiện cũng có chung nhận định rằng những ngày "ẩn mình chờ thời" của Trung Quốc đã qua. Những biểu hiện về mặt sức mạnh “cứng” hiện đã quá rõ ràng khi Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và thô bạo trong các hành xử. Điều đáng chú ý là Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sử dụng sức mạnh “mềm”, trước hết là kinh tế. Việc thành lập "Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á" (AIIB) với vốn pháp định 100 tỷ USD là một ví dụ điển hình.
Với vị thế là quốc gia xuất khẩu, chế tạo và nắm tài sản dự trữ quốc tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc dự kiến vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất giới tính theo sức mua tương đương. Sau nhiều thập kỷ tích cực tham gia các thể chế kinh tế quốc tế, gồm cả G-20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc bắt đầu tìm cách tạo ra một trật tự thế giới mới.
Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế gia tăng tầm ảnh hưởng
Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để thực hiện các mưu đồ
Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc và 20 quốc gia châu Á khác đã ký kết một bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập AIIB. Ngân hàng này do Trung Quốc đề xuất đang được xem là thách thức thể chế nghiêm trọng đầu tiên đối với WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cũng có những lý do hợp lý khiến Trung Quốc tiến hành các bước đi này khi họ cảm thấy vai trò không tương xứng của mình trong các định chế tài chính tiền tệ hiện có. Trung Quốc chỉ chiếm 3,8% quyền bỏ phiếu của IMF và 5,5% quyền bỏ phiếu tại ADB, so với mức tương ứng 16,8% và 12,8% của Mỹ; và 6,2% và 12,8% của Nhật Bản.
Ngoài ra, người châu Âu đứng đầu IMF, người Mỹ kiểm soát WB trong khi ADB có các chủ tịch là người Nhật Bản kể từ khi thành lập năm 1966.
Việc cải cách các thể chế này, mặc dù được thảo luận rộng rãi, nhưng đang phải đối mặt với sự trì hoãn lâu dài. Ví dụ việc cải cách hạn ngạch và quản trị IMF, đã được các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Do thất vọng, Trung Quốc đã quyết định thúc đẩy thành lập AIIB và Bắc Kinh là cổ đông lớn nhất với 50% cổ phần. Chủ tịch đầu tiên của AIIB là người Trung Quốc và trụ sở chính của ngân hàng này sẽ được đặt tại Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình chụp ảnh cùng đại diện các nước tham gia lễ ký MoU về AIIB tại Bắc Kinh hôm 24/10
Ông Tập Cận Bình chụp ảnh cùng đại diện các nước tham gia lễ ký MoU về AIIB tại Bắc Kinh hôm 24/10
Trung Quốc có thể tận dụng ảnh hưởng đáng kể của họ đối với AIIB để tăng cường hình ảnh quốc gia, nhất là củng cố quan hệ với các nước đang phát triển. Thông qua ngân hàng này, Bắc Kinh có thể áp đặt ý chí đối với các nước thành viên và những người hưởng lợi.
Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể sử dụng AIIB để hỗ trợ tài trợ cho dự án "Con đường Tơ lụa mới", cả đường bộ và đường biển kết nối Đông Á với châu Âu. Dự án này chủ yếu phục vụ các lợi ích của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng quốc tế, giúp giảm khoảng cách phát triển giữa miền Đông và miền Tây nước này.
Với AIIB và Ngân hàng Phát triển Mới, do nhóm BRICS (gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi) khởi xướng, sẽ có thể trở thành công cụ để Trung Quốc chứng tỏ sự trỗi dậy của mình và thách thức trật tự kinh tế toàn cầu vốn tồn tại suốt 70 năm qua.
  • Bảo Minh

Phương Tây “đánh hội đồng” Nga tại G-20

Đăng Bởi  - 

Ông Putin là nhân vật chính tại G-20
Ông Putin là nhân vật chính tại G-20
Hội nghị thượng đình G-20 năm nay tại Úc bị bao phủ bởi chuyện khủng hoảng Ukraine. Lãnh đạo các nước phương Tây đã thi nhau chất vấn, đe nẹt, "đánh hội đồng" tổng thống Nga, Vladimir Putin về chuyện tại nước láng giềng Ukraine.
Báo Anh nói Thủ tướng của họ, David Cameron  đã cáo buộc Nga "bắt nạt một nhà nước nhỏ hơn ở châu Âu" và cảnh báo Nga rằng họ sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt hơn nữa nếu tiếp tục "gây bất ổn Ukraine".
Phát biểu hôm thứ Bảy bên lề hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Brisbane, ông Cameron nói với Sky News của Anh: "Tôi rất thẳng thắn khi tôi gặp ông ấy (Putin) và nói rằng những điều mà Nga đã làm ở Ukraine là không thể chấp nhận được"
Còn ông Stephen Harper, Thủ tướng Canada cũng tham gia “đánh hội đồng” Nga. Ông Harper khoe là đã nói với ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G-20 rằng "phải bước ngay ra khỏi Ukraine". Theo Jason MacDonald, phát ngôn viên của Thủ tướng Canada thì ông Harper đã nói với Tổng thống Nga: "Tôi nghĩ tôi sẽ bắt tay của ngài, nhưng tôi chỉ có một điều để nói với ngài: Ngài cần phải bước ra khỏi Ukraine".
Phát biểu hôm thứ Sáu trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Việc Nga xâm lược đối với Ukraine là một mối đe dọa cho thế giới". Còn ông Tony Abott, thủ tướng chủ nhà Úc trước đó từng tuyên bố rằng sẽ húc ông Putin sau khi cáo buộc Nga hậu thuẫn vũ khí đạn dược cho phe ly khai, trong đó có vụ rơi máy bay MH17 khiến nhiêu công dân Úc thiệt mạng.
Nữ thủ tướng Đức, Angela Merkel có giọng mềm hơn cả khi tuyên bố tình hình tại Ukraine hiện giờ là “không thỏa đáng”. Trong khi đó, lãnh đạo EU tỏ ra khá cứng rắn với Nga. "Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao, bao gồm các biện pháp trừng phạt để kết thúc cuộc khủng hoảng”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói với các phóng viên tại Brisbane. "Nga phải dừng đưa vũ khí và quân đội (vào Ukraine)", ông nói.
Báo chí phương Tây nói rằng, ông Putin đã đáp lại các tuyên bố trên rằng Nga sẽ không cho phép chính phủ Ukraine "tiêu diệt" các đối thủ chính trị ở phía đông Ukraine, tức phe ly khai.
Trước đó, Moscow luôn phủ nhận việc can dự vào khủng hoảng Ukraine và cho rằng đây là việc nội bộ của láng giềng. Nga còn tố cáo chính phương Tây đã giật dây thao túng chính trị khiến Ukraine trở nên hỗn loạn.
Anh Tú (theo Bloomberg)

Công ước Luật biển 1982 thay đổi tư duy biển VN

- VN nằm trong tốp những nước cuối của khu vực có chiến lược biển và luật Biển riêng của mình. Lợi thế so sánh mà những bước đi ban đầu trong những năm 1970 mang lại đã phần nào bị hạn chế nhưng vẫn còn đó những cơ hội để đất nước có những bước đi tiến ra biển vững chắc.

LTS: Năm nay, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) tròn 20 năm có hiệu lực (16/1/1994). Được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ sau Hiến chương LHQ, đây là văn bản pháp lý có tính chất tổng hợp toàn diện, bao quát tất cả các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, đáp ứng lợi ích của tất cả các nước thành viên.
Với VN, Công ước 1982 đã xác nhận và khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với các vùng biển và thềm lục địa, và là công cụ hữu hiệu quản l‎ý biển, giải quyết những tranh chấp về các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng thông qua thương lượng hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng nhau, phù hợp luật pháp quốc tế.
VietNamNet giới thiệu loạt bài viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Thao về Công ước 1982 với VN:
Chiến lược 'tiến ra biển'
Bằng các quy định mới của Công ước 1982, VN đã trở thành một quốc gia 3 phần biển, một phần đất với khoảng 1 triệu km2 vùng nội thủy, lãnh hải 12 hải lý, tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý, đặc quyền kinh tế 200 hải l‎ý và thềm lục địa. Hình chữ S đặc trưng hình ảnh bà mẹ VN đội nón lưng còng, quay mặt vào lục địa, tần tảo nuôi con đã được thay bằng hình ảnh chú rồng con vươn hai vuốt vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, hùng dũng tiến ra biển.
công ước luật biển, Biển Đông, UNCLOS, Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Hồng Thao, luật biển, chiến lược biển
Điện phong trên đảo An Bang, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung
VN là quốc gia đầu tiên trong khu vực đưa ra Tuyên bố Chính phủ (12/5/1977) về các vùng biển và thềm lục địa VN phù hợp với nội dung thảo luận của hội nghị lần thứ ba của LHQ về Luật biển (1973-1982). 
Song con đường pháp điển hóa luật Biển của đất nước và thông qua một chiến lược biển hiệu quả vẫn còn lắm thác ghềnh. 
30 năm sau, ngày 9/2/2007, hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng khoá X mới ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển VN đến năm 2020. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu, mạnh.
Mục tiêu cụ thể là: "Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp 53-55% GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh. Phát triển mạnh cả khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và phát triển các ngành dịch vụ biển. Xây dựng một số khu kinh tế mạnh ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực về biển.
Chiến lược biển của VN phù hợp với xu thế "tiến ra biển" của thế giới mà Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 đã đặt nền móng. Luật các vùng biển VN được Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 6/2012 đã cụ thể hóa những mục tiêu của chiến lược biển VN trong tình hình mới, đưa ra những quy định cụ thể nhằm bảo vệ và quản lý các vùng biển VN phù hợp với Công ước. 
VN nằm trong tốp những nước cuối của khu vực có chiến lược biển và luật Biển riêng của mình. Lợi thế so sánh mà những bước đi ban đầu trong những năm 1970 mang lại đã phần nào bị hạn chế nhưng vẫn còn đó những cơ hội để đất nước có những bước đi tiến ra biển vững chắc.
1/4 thế kỷ không tiếng súng
Công ước Luật biển 1982 được triển khai trong giai đoạn VN thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Là quốc gia yêu chuộng hoà bình, VN chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hoà bình, bằng các biện pháp hoà bình, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp trên biển, giải quyết vấn đề hoạch định ranh giới biển liên quan với các nước láng giềng.
Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của VN, khoản 6 đã chính thức và công khai nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của VN là "... cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên".
Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội phê chuẩn Công ước 1982, khẳng định rõ lập trường của VN: "... giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...".
Điều 4 khoản 3 của luật biển VN 2012 quy định: "Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế". Quan điểm này của VN hoàn toàn phù hợp với điều 33 Hiến chương LHQ, các điều 15, 74, 83, 279, 280 của Công ước 1982, xu thế chung của các nước trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. 
VN là một trong những quốc gia tiên phong trong  khu vực vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình của Công ước Luật biển 1982. VN đã giải quyết dứt điểm phân định biển với Thái Lan năm 1997, với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000, ký‎ Thỏa thuận phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003, cùng Malaysia nộp hồ sơ chung về ranh giới ngoài thềm lục địa trong phần phía Nam của Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ  năm 2009.
VN cũng có hai thỏa thuận khai thác biển chung với Campuchia tại vùng nước lịch sử chung năm 1982, với Malaysia tại thềm lục địa chồng lấn trong Vịnh Thái Lan năm 1992 và vùng đánh cá chung với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ năm 2004.  
Hà Nội đã cùng Manila là tác giả dự thảo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông từ phía ASEAN, là nhân tố tích cực đạt được Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 (DOC) và đang phấn đấu cùng các nước liên quan sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Các kết quả này đã tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển trong ¼ thế kỷ đất nước không biết đến tiếng súng (1988-2014). Đây là đóng góp to lớn, đi cùng với nhịp bước thời đại của chính sách đối ngoại của VN, làm bạn với tất cả các nước.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao

Đau lòng người Việt lấn tuyến, vượt đèn đỏ

TTO - “Tôi không chắc đây là cách an toàn nhất”, Beckham làm rúng động Facebook khi nói về bà mẹ Việt một tay lái xe chở con, một tay giơ máy chụp hình, khiến lần nữa người nghe đau lòng về an toàn giao thông.
Ảnh chụp facebook của David Beckham 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam gần bằng thảm họa sóng thần ở Nhật Bản. Điều gì khiến con số khủng khiếp như thế?
Chị Nguyễn Châu Thảo Ngọc (chuyên viên quản lý kinh doanh một công ty Marketing tại quận 3, TP.HCM) cho biết: “Đi ngược chiều, lấn tuyến, vượt đèn đỏ là những vi phạm tôi thường thấy trên đường”.
>> Chị Nguyễn Châu Thảo Ngọc
                        
Đồng quan điểm với chị Ngọc, sinh viên Nguyễn Tuấn Huy (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: “Một phần nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ nhưng trên hết vẫn là “ý thức người dân còn kém quá”.
>> Sinh viên Nguyễn Tuấn Huy
                        
TS. Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu sử học và văn hóa Việt Nam - cho rằng những thói quen của người dân đã ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa giao thông.
Tiến sĩ đã chỉ ra một ví dụ về mối quan hệ giữa văn hóa xếp hàng và hành vi vượt đèn đỏ, lấn tuyến khi tham gia giao thông. Ngoài ra, TS. Nguyễn Nhã giải thích thêm về nền văn hóa nông nghiệp lâu đời và quá trình đô thị hóa nhanh khiến cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, những quy định của pháp luật về giao thông cũng chưa thật sự nghiêm.
>> TS. Nguyễn Nhã
                        
Phải “ngấm” từ nhỏ
Đánh giá về tình hình an toàn giao thông trên cả nước trong 10 tháng của năm 2014, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thong (ATGT) quốc gia cho biết: “Toàn quốc năm 2014 xảy ra 20.801 vụ tai nạn giao thông, làm 7.475 người chết, bị thương 19.973 người. So với cùng kì năm 2013, giảm 14, 64% số vụ tại nạn”.
 “Tình hình giao thông còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông vẫn còn cao, vẫn còn những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do phương tiện vận tải hành khách và xe máy gây nên” - ông Hùng nói.
>> Ông Khuất Việt Hùng
                        
Theo ông Khuất Việt Hùng, việc xây dựng văn hóa giao thông đã và đang được triển khai đến nhân dân, bất kể ngành nghề, tôn giáo nào. Ý thức tự giác tuân thủ luật giao thông cần phải được lan tỏa đến cộng đồng.
>> Ông Khuất Việt Hùng
                        
Trong tháng 9-2014, Ủy ban ATGT quốc gia đã có chương trình phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 9-11,  Ủy ban ATGT quốc gia tiếp tục kí kết về việc xây dựng chương trình phối hợp với Hội đồng giám mục Việt Nam trong tuyên truyền ý thức văn hóa giao thông.
“Hiện nay hoạt động phối hợp cùng với các tôn giáo khác cũng đang được triển khai, xây dựng giúp các tín đồ nâng cao y thức xây dựng văn hóa giao thông vì cộng đồng” - ông Hùng cho biết.
>> Ông Khuất Việt Hùng
                        
Nghệ sĩ Thành Lộc kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông để xóa đi hình ảnh chưa tốt của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Với vai trò là một người trẻ, sinh viên Nguyễn Tuấn Huy cho rằng hồi chuông cảnh báo về trật tự an toàn giao thông đã được gióng lên, hi vọng cộng đồng nâng cao ý thức về văn hóa giao thông để góp phần giữ hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
>> Sinh viên Nguyễn Tuấn Huy 
                        
Với cách nhìn từ nguốn gốc vấn đề, TS. Nguyễn Nhã đề xuất cần tích hợp giáo dục kiến thức về an toàn giao thông, đưa những hành động, việc làm phù hợp văn hóa giao thông vào các bài học, bài thơ, bài hát ngay từ những lớp mầm non, tiểu học.
Việc làm này sẽ giúp trẻ cảm thấy tuân thủ những quy định của pháp luật về giao thông như là một thói quen được hình thành từ nhỏ.
>> TS. Nguyễn Nhã 
                        
Thăm 5 gia đình có người bị tai nạn
Ngày 15-11, Ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cùng các cơ quan đoàn thể đã đến thăm 5 gia đình có người bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tại bốn quận huyện TP.
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHA