Trang

18 tháng 10, 2014

Thành lập NATO phương Đông để đối phó TQ?

Đăng Bởi  - 

Mỹ cần tăng cường quân sự với châu Á
Mỹ cần tăng cường quân sự với châu Á
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực biển Đông cùng những tranh chấp biên giới với Nhật Bản, Ấn Độ đã khiến các nước lo ngại. Về cơ bản đang biến Bắc Kinh thành mối đe dọa đến an ninh khu vực trong mắt nhiều nước khu vực châu Á. Trang Nikkei mạnh dạn đưa ý kiến về việc lập khối NATO phương Đông để đối chọi với Trung Quốc
Trong khi đó, Nhật Bản đang tiến tới một liên minh chặt chẽ hơn với Ấn Độ và đẩy mạnh trang bị quốc phòng bằng vũ khí tối tân từ Mỹ. Philippines, Hàn quốc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ chiến lược và đồng minh với Mỹ.
Sau các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng lên Moscow, Nga đang có xu hướng bắt tay với Trung Quốc, khiến chính quyền Bắc Kinh càng mạnh dạn thực hiên các quan điểm vô lý và bất hợp pháp xung quanh xung đột với các quốc gia láng giềng.
Do đó, cùng với việc mở rộng các mối quan hệ song phương giữa các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Để "an toàn", các nước châu Á cần tạo ra một liên minh có thể gọi là Tổ chức Hiệp ước châu Á (ATO), theo mô hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương giữa châu Âu và Bắc Mỹ.
 Khi Trung Quốc đang tỏ ra là đối thủ mạnh hơn so với Ấn Độ, Nhật Bản hay Úc, xét về chi phí quốc phòng, mức độ tăng trưởng, liên minh quốc phòng đa phương này cần phải đoàn kết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các tổ chức quốc phòng châu Á như Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (1954-1977) và Hiệp ước An ninh Úc -New Zealand - Mỹ vẫn tồn tại nhưng không đủ sức ngăn chặn các mối đe dọa trong thế kỷ 21.
Quan hệ đối tác vì hòa bình
Yêu cầu của tổ chức mới phải nghiêm ngặt hơn so với NATO và các Tổ chức châu Á trước đây. ATO ban đầu sẽ chỉ bao gồm những quốc gia có nền quốc phòng kỹ thuật cao, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và , theo Nikkei nhận định, nhiều khả năng sẽ có Đài Loan nếu Đài Loan chấp nhận cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc, để nhận được sự bảo vệ từ các quốc gia khác.
Những tranh chấp do lịch sử để lại trong mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc cần phải được giải quyết. Trung Quốc và Triều Tiên mới là mối đe dọa lớn nhất ở châu Á đối với hai nước này. Tokyo và Seoul có thể xích lại gần nhau và đoàn kết hơn thông qua các biện pháp xây dựng niềm tin, bồi thường, xin lỗi và cả thay đổi chính sách khi cần. Các quốc gia cần phải thống nhất hành động là vì lợi ích chung của cả ATO.
Các thành viên ATO phải xác định nhiệm vụ phòng vệ tập thể như NATO, với yêu cầu mỗi thành viên phải trợ giúp bất kỳ thành viên nào trong ATO trước một cuộc tấn công vũ trang. Mỗi quốc gia yêu cầu phải có chi phí tối thiểu cho quốc phòng như NATO là 2% tổng sản phẩm quốc dân. Điều này được thực hiện nghiêm túc trong NATO, những quốc gia không tuân thủ sẽ phải rời khỏi tổ chức.
Ngoài ra, ATO cần xây dựng quan hệ đối tác với các nước không đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng và công nghệ của ATO. Các quốc gia này bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Mông Cổ, Brunei và Malaysia.
ATO sẽ có một chiến lược tập trung lực lượng cụ thể, nhằm chống lại mối đe dọa từ phía Trung Quốc và Triều Tiên. Các thành viên trên tuyến đầu gồm Nhật Bản-Đài Loan-Hàn Quốc, các đối tác như Ấn Độ, Indonesia, Philippines sẽ đảm nhiệm vai trò bảo vệ các khu vực triển khai quân của ATO. Khu phi quân sự Hàn Quốc, vùng biển Đông giữa Việt Nam và Philippines. ATO sẽ tạo điều kiện cho sự hiện diện của hải quân Mỹ, Úc trong quá trình tham chiến.
Sự không chắc chắn của một số thành viên của NATO là một điểm yếu nên tránh trong ATO. Từ những năm 1960-1966, Pháp rút khỏi NATO, yêu cầu quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ của mình và phát triển một chương trình hạt nhân riêng biệt. Pháp không tin rằng Mỹ có thể bảo vệ mình chống lại Liên Xô cũ nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân bắt đầu.
Sự không chắc chắn nên được giảm thiểu đối với các thành viên của ATO - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Mở rộng quan hệ.
Các nước bên ngoài châu Á đáp ứng đủ yêu cầu ATO nên được hoan nghênh tham gia, sẽ giúp ATO trở nên mạnh mẽ hơn. ATO cần tạo mối liên kết với các thành viên khối NATO, từ đó xây dựng một liên minh toàn cầu bảo vệ an ninh thế giới.
Việc tạo ra một phiên bản NATO của châu Á là yêu cầu cấp thiết trong tình hình an ninh khu vực hiện nay. Khi Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu quyết đoán trong đối ngoại với các nước, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên vẫn luôn thường trực, cùng với sự trỗi dậy của khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS.
Hàn Giang (Theo Asian Review)
TIN LIÊN QUAN

Hãi hùng phận nô lệ tình dục trong tay IS

Trong một báo cáo mới đưa ra, Liên Hợp Quốc cho biết các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắt cóc rất nhiều phụ nữ và cô gái trẻ làm nô lệ tình dục, một trong vô số tội ác mà tổ chức này đang vi phạm.

TIN BÀI KHÁC:

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, IS đã "cưỡng bức và thực hiện nhiều hành vi bạo lực tình dục khác nhằm vào phụ nữ và trẻ nhỏ", cùng với "việc tuyển mộ ép buộc trẻ em, cướp bóc tài sản và phủ nhận các quyền tự do cơ bản". 

IS, nô lệ, tình dục, thảm cảnh
IS thường bắt phụ nữ ở nơi chúng chiếm được phục vụ tình dục cho các chiến binh.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc được đưa ra sau khi truyền thông đăng tải câu chuyện đau lòng của hai thiếu nữ người Yazidi, mà chính họ đã kể lại sau khi thoát khỏi địa ngục trần gian IS.
Một trong hai nạn nhân trần tình trên báo Global Post: "Chúng tôi thường cố làm cho mình trông thật xấu xí. Một số người khóc thét, la hét hoặc đánh trả, nhưng không có kết quả. Họ luôn bị đưa đi".
"Một cô gái đã treo cổ tự vẫn. Một người khác thử theo, nhưng các bảo vệ IS đã ngăn được và đánh đập cô thậm tệ. Từ đó không ai dám làm như thế nữa".
Nạn nhân thứ 2 cho biết, cô và bạn bị ép xem những đoạn video rùng rợn về cảnh những người đàn ông Yazidi bị chặt đầu.
"Trong một số [video], chúng còn đặt những cái đầu vào nồi nấu", nạn nhân kể lại trong tâm trạng kinh sợ. "Đôi khi, chúng còn đứng lên những cái đầu ấy. Có quá nhiều đầu người. Và chúng hỏi chúng tôi: 'Mày có biết ai đây không?' rồi cười hô hố".
Hai cô gái kể trên là một trong hàng nghìn nạn nhân bị IS bắt cóc và may mắn thoát được, khi các thành viên của tổ chức khủng bố này mải làm lễ cầu nguyện thứ Sáu.
Thanh Hảo

Mốt hoành tráng và “đất nước của những cái lạ”

BTTD: Bao giờ dân mới giàu, nước mới mạnh?

Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn một mình một chợ, không bước kịp với văn minh nhân loại?
I-Tuần này, nợ xấu còn chưa qua, nợ công đã… sồng sộc đến!
Số liệu công bố mới nhất của Chính phủ cho thấy đến hết năm 2014, nợ công dự kiến lên đến 60,3% GDP và đến cuối năm 2015 đạt mức 64% GDP (Người lao động, ngày 14/10). Nợ công, là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ (từ TƯ đến địa phương) đi vay hỗ trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Để hiểu được tính chất quy mô nợ công, người ta thường đo khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Cũng tính đến 09 giờ ngày 14/10, đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist.com cho biết, nợ công của VN ở mức trên 84,607 tỷ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 933,41 USD/ người. Nợ công đến thời điểm này, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng thế giới (WB) năm 2013, GDP bình quân đầu người của VN là 1.910 USD/ người.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
Ảnh minh họa: Khều
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước VN, nợ xấu (là các khoản tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, mà không thể thu hồi lại được, do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản) ở thời điểm tháng 09/2014 là 500.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013 (tính trên tổng dư nợ cho vay).
Như vậy cả nợ công và nợ xấu đều có chiều hướng tăng- làm thành một cặp đôi… hoàn hảo trên “vũ trường” kinh tế nước Việt.
Đáng chú ý nữa, mặc dù quy định của Quốc hội thì nợ công -64% - vẫn nằm ở ngưỡng an toàn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực chất nó đã ở mức cận kề rủi ro, rất đáng lo ngại. Vì bản chất của nợ công không chỉ nằm ở tỉ lệ % so với GDP, mà quan trọng là cơ cấu nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng các khoản vay để đầu tư công.
Cứ theo khái niệm bản chất này, thì từ năm 2012, VN đã bắt đầu phải thực hiện vay để đảo nợ, tức là dành một phần vốn vay mới để trả nợ cũ và mức đảo nợ này ngày càng… lớn. Năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015 dự kiến tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng. Số tiền lãi phải trả nợ hằng năm cũng đang leo thang (Người Lao động, ngày 14/10)
Thực trạng kinh tế nước Việt với những món nợ công, nợ xấu khiến cho ai nhìn vào những con số “có hồn” biết nói, cũng….ngơ ngẩn sầu.
Chợt nhớ tới câu chuyện thời bao cấp. Có một người đàn bà rất nghèo, thường xuyên phải đi vay tiền nuôi đàn con thơ trứng gà trứng vịt. Mỗi lần đi vay, bà hay mặc chiếc áo cánh phin nõn, gấu áo, cổ áo đều bô đê- mốt áo của những người đàn bà thành phố có của ăn của để thời đó, tay bà đeo chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ, trông rất hào nhoáng. Chỉ để cho mọi người có lòng tin rằng bà có đủ khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, hiện tượng các địa phương sính mốt thời thượng- xây trụ sở to, hoành tráng bỗng nổi lên, khiến dư luận thêm một lần nổi sóng.
Người Việt mình vốn hay đua nhau theo phong trào. Nhưng cái tâm lý tiểu nông con gà tức nhau tiếng gáy thì muôn đời… truyền thống. Dư luận xã hội cách đây ít lâu xôn xao vụ việc nhà vệ sinh tiền tỷ, dát vàng, trong khi có không ít những bé thơ chân đất, bụng đói đi học. Xôn xao về cái tính "ăn tục" không từ một thứ gì. Nay lại xôn xao kính nể những trụ sở hành chính các tỉnh đua nhau thể hiện mình.

Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
Ảnh minh họa: Vietq.vn
Nói cho công bằng, diện mạo một địa phương, đương nhiên phải thể hiện được cả cái uy, cái thế, và cả cái “nhân” với nhân gian. Nhưng điều đáng nói, kinh tế nước Việt đang ốm o, kinh tế địa phương nhiều tỉnh còn phải trông vào bầu sữa TƯ, mà thực chất cũng là tiền dân. Thì cái cách chọn thời điểm để thể hiện mình rất không cân xứng với tiềm lực kinh tế đã đành, mà còn đua nhau kiểu phi hoành tráng bất thành Ủy ban?
Thế nên, cả xã hội ngợp trước độ… chịu chơi của các tỉnh.
Đứng đầu tỉnh miền núi phía bắc, phải nói là Lai Châu. Một tỉnh miền núi cao, nghèo nhất nhì cả nước, thu nhập bình quân cũng… rứa. Vậy mà mới đây, Lai Châu hoàn thành Khu hành chính tập trung của tỉnh, với tổng diện tích sàn lên đến 42.000m2 , tổng mức đầu tư 554 tỷ đồng. Và công trình này vừa được tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng VN năm 2010”.
Tỉnh bắc đã vậy, tỉnh nam cũng không kém cạnh. Đến thời điểm này, đứng đầu là trụ sở UBND tỉnh Bình Dương. Với tòa nhà hành chính cao 20 tầng, hai tòa tháp, trụ sở này ngốn 1400 tỷ đồng. Không chịu thua, tỉnh Đồng Nai đang dự kiến xây trung tâm hành chính của tỉnh, với diện tích sàn xây dựng 122000 m2, và số vốn đầu tư dự kiến hơn 2200 tỷ đồng.
Mặc dù mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng trụ sở làm việc và hội trường cấp ủy Hậu Giang tọa lạc trên 3,3 hecta, với tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng, cũng được thiết kế rất hiện đại.
Chịu chơi nhất các tỉnh miền trung phải là UBND t/p Đà Nẵng, với một khối kiến trúc tân kỳ có 34 tầng nổi, tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Và mới đây nhất là tỉnh Hải Dương. Khu hành chính tỉnh này rộng khoảng 19,15 héc ta, với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng sẽ mọc lên nay mai, gây nên bao đàm tiếu.
Trong khi tài năng điều hành, hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế- xã hội- dân trí các địa phương đó có “sánh” ngang với những trụ sở hoành tráng, diễm lệ hay không lại là chuyện khác. Nếu biết rằng có những tỉnh đã và đang xây trụ sở hoành tráng, hàng năm vẫn “vác rá” xin hỗ trợ.
Cái cách đua nhau chơi sang trước con mắt người dân nghèo, theo các chuyên gia kinh tế, quản lý xã hội, có nhiều nguyên nhân. Nhưng có một nguyên nhân dở nhất, đó là bệnh thành tích. Mà bệnh thành tích này lại xuất phát từ những …tiêu chuẩn rất lạ của nước Việt- đó là cách tính GDP.
Nước Việt nên gọi là “đất nước của những cái lạ”. Cách tính nợ công đã chẳng giống đâu. Nay lại đến cách tính GDP.  Khiến cho người đứng đầu CP từng phải nhận xét: "Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay không sát thực tế và so với quốc tế, không giống ai".
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới), và Ts Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế), với cách tính GDP hiện nay, xây dựng cơ bản có mối liên quan rất chặt chẽ đến việc quyết toán chi phí, làm tăng trưởng GDP. Mà được tiếng tăng trưởng, tỉnh nào chả thích?
Mặt khác, dự án càng lớn, khả năng “hoa hồng” nở trên các công trình xây dựng, trên sắt, thép, bê tông càng… bẫm. Tự lúc nào dân gian cũng nhìn thấu “tình yêu hoa hồng” này, nên có câu tổng kết đắng chát:Muốn có ăn thì phải đẻ ra các dự án. Thế nên, xây trụ sở hoành tráng là được anh được ả được cả đôi bên. Tội gì không xây, vừa có tiếng vừa có miếng. Dù cái tiếng ấy là … tai tiếng
Nếu GDP nước Việt biết nói, thì sẽ nói gì nhỉ? Hay sẽ nói một cách cay đắng- toàn là của ta phúc các người?
Nhưng cái phúc ấy rất khó bền. Bởi đôi chân kinh tế nhiều tỉnh đang phải  “đứng kiễng”. Một ví dụ sinh động hiển nhiên mới đây. Có trụ sở to nhưng chỉ số năng lưc cạnh tranh (PCI) một số tỉnh bỗng không chịu… cạnh tranh mạnh nữa. Năm 2013, Vũng Tàu bị tụt 18 hạng, đứng thứ 39/64 tỉnh, t/p cả nước. Còn tỉnh Bình Dương đang thứ hạng 19 (năm 2012) bỗng tụt xuống thứ 30.
Chả lẽ, các địa phương có trụ sở hoành tráng cũng nên chuẩn bị sắm cho mình… chiếc áo phin nõn, cổ áo bô đê cùng với chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ?
                                                  ****************
II- Cách đây hai năm, tháng 10/2012 trong đời sống sinh hoạt nước Việt dấy lên câu chuyện bỏ phiếu tín nhiệm. Với mục đích, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là chỉ số khách quan, khơi mào cho việc hình thành một lối ứng xử rất văn minh của các quan chức. Đó là văn hóa từ chức. Nay câu chuyện này lại trở lại khi có ý kiến đề xuất đưa quy định về việc từ chức vào một bộ luật mới.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
Thật ra, từ chức của các quan chức ở nhiều quốc gia là hành động rất bình thường, thậm chí như tất yếu. Hôm nay quan mai đã lại … dân rồi./ Anh vẫn hiểu làm quan là như thế (xin mượn ý thơ của Xuân Quỳnh). Mới có khái niệm văn hóa lãnh đạo và văn hóa từ chức- cũng là một cặp đôi “hoàn hảo” khác.
Cặp đôi này trở thành một trong những tiêu chí của một xã hội phát triển, con người đề cao văn hóa sống, văn hóa ứng xử với cộng đồng của giới quan chức. Nhìn ra thế giới, văn hóa ứng xử đó khiến cho nhân loại phải nể trọng, tôn trọng, vì tư cách người trong cuộc.
Thế giới vẫn còn nhớ câu chuyện ông Bộ trưởng Giao thông Ai Cập đã từ chức sau tai nạn thảm khốc giữa xe buýt và tàu hỏa (ngày 17/11/2012) khiến 51 em nhỏ nước này thiệt mạng. Rồi ông Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson từ chức ngày 21/6/2012 vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông.
Chỉ tiếc cái văn hóa ứng xử với cộng đồng kiểu đó, trong xã hội ta, còn quá hiếm và quý.
Có duy nhất hai vị quan chức VN từ chức, vì trọng danh dự, lại rơi vào trường hợp cả hai người này vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó là GS TSKH Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học- Bộ GD), và ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Cũng lại thêm một “cái lạ” nữa của nước Việt.
Trong khi đó, có những quan chức khác sai phạm vì kém cỏi năng lực, người dân khẩn thiết đề nghị từ chức, thì lại từ chối. Kiểu như sai vắc xin thì xử vắc xin. Khiến văc xin bỗng như văc… xỉn.
Vì sao ở nước Việt, dư luận xã hội cứ nói hoài về văn hóa từ chức, mà cái văn hóa này không chịu thành… văn hóa? Xét cho cùng, lỗi không chỉ thuộc về con người, mà còn thuộc về xã hội, với những quy chuẩn, đặc điểm tâm lý truyền thống, và những chính sách cụ thể.
Thứ nhất, xã hội ta từ xưa đến nay vẫn là xã hội hư học, trọng “hư danh”. Đến mức một miếnggiữa làng bằng một sàng xó bếp. Cái danh ở đây chính là cái ghế quyền lực. Mặt khác, tâm lý dòng họ, cộng đồng làng quê vốn rất nặng nề khiến cho cái ghế càng trở nên được tôn vinh, được vẻ vang, bởi một người làm quan cả họ được nhờ.
Thứ hai, các chính sách của Nhà nước bao giờ cũng tính đúng, tính đủ về quyền lợi cho các chức danh quản lý. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn của cái ghế quyền lực. Vì thế con người ta bằng đủ mọi cách để leo lên chiếc ghế quyền lực, mấy ai thích làm … chuyên viên?
Thứ ba, trong bối cảnh chạy chức, chạy quyền là một căn bệnh trầm kha của nước Việt, thì đã có ghế, người chủ cái ghế phải làm sao “quay vòng lợi tức” cho nhanh.  Cái ghế bỗng trở thành một loại "túi Thạch Sanh".
Thứ tư, cái ghế quyền lực luôn gắn với lợi ích, bổng lộc. Đặc điểm này có thể phổ biến ở tất cả các quốc gia. Nhưng lợi ích, bổng lộc đó hoặc sẽ bị kiểm soát, giám sát, hoặc sẽ được… thả nổi tùy thuộc vào cơ chế quản lý, vào nền quản trị mỗi quốc gia minh bạch hay tù mù, văn minh hay tụt hậu. Cái ghế quyền lực, cũng tùy thuộc vào cơ chế, vào nền quản trị quốc gia đó, mà trở thành “ma lực” hoặc chỉ là một phương tiện để con người thực hiện bổn phận công dân do tài năng, năng lực của họ. Cái ghế đó, ở nơi này là phương tiện tỷ thí “chí làm trai”, ở nơi kia là mục đích kiếm lợi vĩnh viễn
Vì thế, hành vi tự giác từ chức, rời bỏ cái ghế quyền lực dễ dàng hay khó khăn, không chỉ tùy thuộc nhân cách, phẩm cách con người cụ thể. Mà còn tùy thuộc vào sự điều chỉnh của cả một thiết chế văn minh, tiên tiến hay lạc hậu, khoa học hay phi khoa học, xác lập thành lối sống, thói quen tự giác hay không tự giác? Điều đó lý giải những hành vi từ chức ở mỗi quốc gia hoặc nhẹ như lông hồng, hoặc ngược lại, nặng như… đá đeo. Bởi nó cũng là sản phẩm của mỗi nền quản trị, mỗi thiết chế chính trị khác nhau.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
Sự khác biệt về văn hóa từ chức không chỉ là sự khác biệt trách nhiệm cá nhân, mà còn là sản phẩm hành xử khác biệt của hai tầm tư duy, hai nền quản trị khác biệt, cho dù các quốc gia cùng chung sống dưới bầu trời thế kỷ 21. Chẳng thế, câu hỏi đặt ra cho người từ chức ở nước Việt thường là “khôn hay dại”? Mà ít ai đặt ra là liêm sỉ con người, có còn hay không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong trả lời báo Dân trí mới đây, ngày 14/10, cho thấy cái sự khó khăn của người chẳng may phải từ chức:
Cơ chế hiện nay đúng là khó vì khi đã là chính khách, công tác nhân sự rõ ràng phải qua một quy trình, việc “tiến” hay “thoái” đều khó mà tự lựa chọn. Vậy nên để thực hiện việc này phải đồng bộ, Đảng cần tạo ra một nhận thức chung và một cơ chế thuận lợi cho việc từ chức, chứ nếu quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật thì đầu tiên, người từ chức phải ra khỏi Đảng. Mà như thế thì dứt khoát người ta không ra.
Nợ công, mốt trụ sở hoành tráng, hay văn hóa từ chức có vẻ chẳng ăn nhập gì nhau. Nhưng nền tảng của những vấn đề nóng hổi tính thời sự đó vẫn là câu hỏi nhức nhối: Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn “một mình một chợ”  không bước kịp với văn minh nhân loại?
Sự không bước kịp đồng nghĩa với tụt hậu, cho dù có chiếc… áo phin nõn, gấu bô đê và chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ!
Kỳ Duyên

Mang quan tài vây trụ sở công an

TTO - Cho rằng ông Nguyễn Văn Sửu chết bất thường trong phòng giam, sáng 18-10, người nhà kéo quan tài mang thi thể ông Sửu đến trụ sở công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).  
Nhiều người hiếu kỳ đi theo xe chở quan tài gây nên cảnh lộn xộn - Ảnh:  FB
Vụ việc đã kéo theo hàng trăm người dân hiếu kỳ đi theo tạo nên khung cảnh lộn xộn trên những tuyến phố đi qua.
Đoàn người kéo quan tài kèm di ảnh qua UBND phường Bình Ngọc rồi sau đó là trụ sở Công an TP. Móng Cái, gây ra cảnh ùn tắc và náo loạn, làm một số mái tôn hư hỏng. Lực lượng chức năng đã được huy động để ổn định trật tự, an nình.
Trước đó, ngày 11-10, tại khu vực biển Mũi Ngọc (khu 1, phường Bình Ngọc, Thành phố Móng Cái) giữa ông Sửu và anh Phạm Văn Mạnh (26 tuổi, trú tại khu 7 Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) có xảy ra xô xát.
Ông Sửu đã dùng súng đạn ghém bắn anh Mạnh khiến nạn nhân bị tổn thương nặng vùng bụng.
Ngày 14-10, ông Sửu bị tạm giữ hình sự tại phòng giam công an thành phố Móng Cái, đến chiều 17-10, ông Sửu được phát hiện đã tắt thở trong tư thế treo cổ.
Cơ quan chức năng cho biết đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và xác định ông Sửu đã dùng mảnh vải xé ở ống quấn nối thành dây vắt qua ô thoáng cửa vào buồng giam để tự tử.
Thi thể ông Sửu được bàn giao cho gia đình chiều cùng ngày để tổ chức mai táng. Tuy nhiên, gia đình cho rằng có nhiều điểm bất thường trong cái chết của ông Sửu nên đã kéo theo quan tài cùng di ảnh của ông đến trụ sở công an thành phố đòi làm rõ nguyên nhân.
Lãnh đạo công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích đối với gia đình ông Sửu, đồng thời nắm diễn biến, thu thập tài liệu để xứ lý các đối tượng có hành động quá khích.
Bên cạnh đó cũng tăng cường lực lượng, chủ động ngăn ngừa diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh trật tự, không để các đối tượng xấu lợi dụng kích động gây mất trật tự công cộng.
Công an thành phố Móng Cái cho biết, đến 17g30 chiều 18-10, người nhà ông Sửu đã đưa quan tài về và không tập trung tại trụ sở công an nữa.
Cơ quan chức năng cũng đã tạm giữ một đối tượng quá khích có hành động ném đá làm vỡ cửa kính nơi làm việc của trụ sở cơ quan công an.
ĐỨC HIẾU – THÂN HOÀNG

Chí Phèo' thời đại?

Nhìn cảnh ông giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Phan say rượu hung hăng thách thức, rượt đuổi, cản trở các nhà báo đang tác nghiệp tại bệnh viện mà không “sốc” mới lạ.

Theo Đài truyền hình Việt Nam, có thể việc có mặt của nhóm phóng viên tới đưa tin về tình hình 200 công nhân bị ngộ độc (trưa 15.10) phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đã vô tình làm cho cuộc nhậu của vị giám đốc này dở dang dẫn tới thái độ trên của ông ta.
Thật không biết dùng ngôn từ nào để bình luận về hành vi của ông giám đốc bệnh viện trên. Nó không chỉ làm xấu đi bộ mặt của ngành y tế vốn đã có nhiều tai tiếng thời gian qua mà còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh của giới trí thức mà ông ta cũng là một thành viên góp mặt.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo khẩn Sở Y tế Bắc Ninh đình chỉ công tác đối với ông giám đốc bệnh viện kia và cử một Phó giám đốc Bệnh viện thay thế điều hành, chỉ đạo cấp cứu và điều trị kịp thời bệnh nhân. Phải khen là lần này bộ trưởng Bộ Y tế đã phản ứng khá nhanh và dứt khoát.
Câu chuyện của ông giám đốc Bệnh viện Lương Tài dường như đang nối dài thêm cái sự hỗn loạn, xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay mà giới trí thức không ngoại lệ. Người Việt đã quen với cái tên Chí Phèo mỗi khi nhìn thấy một kẻ say rượu chửi bới, hành hung người khác. Nhưng Chí Phèo những năm đầu thế kỷ 20 của Nam Cao không được học hành, bị xã hội ruồng bỏ, bị lưu manh hóa và không có nhân cách. Vậy mà trong xã hội văn minh hiện đại này, “3 hồn, 7 vía” của Chí Phèo lại được đội trong lốt của những trí thức, quan chức…
Đọc báo Thế giới tiếp thị cách đây mấy ngày, người ta lại được gặp một anh "Chí Phèo” khác. Đó là vị hiệu trưởng của Trường THCS Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Mỗi thứ hai hằng tuần, dưới cờ, thầy hiệu trưởng lại bêu tên các em học sinh chưa đóng tiền ngoại tuyến do trường tự đặt ra. Danh sách đóng các loại phí của thầy dội xuống đám học sinh nghèo dài có tới hàng chục khoản, nào tiền làm bồn hoa, cây cảnh, ghế chào cờ, quỹ khuyến học, quỹ bồi dưỡng học sinh giỏi, quỹ phụ huynh, quỹ giữ xe đạp…
Nhiều em hoàn cảnh khó khăn không có tiền nộp đã bị thầy dọa cho nghỉ học. Bị nêu tên trước toàn trường nhiều lần, nhiều em không chịu nổi đã đòi gia đình cho nghỉ học, nhiều em sa sút về sức khỏe và tinh thần, sức học từ giỏi tụt xuống trung bình, kém. Có bà mẹ một nách 6 đứa con đang học đến xin thầy cho con nhỏ được mặc lại quần áo thể dục của con lớn vì không có tiền đóng cho nhà trường thì thầy bảo: Chị có con tôi cũng có con, ai bảo đẻ chi cho nhiều…
Vậy mà khi bị lãnh đạo phòng giáo dục huyện triệu tập khiển trách thì thầy lại bao biện: “Chúng tôi không bắt buộc học sinh đóng, đây là vận động. Do UBND xã Quảng Phú đề nghị hỗ trợ. Tất cả họ làm với nhau. Nhưng chừ làm sai thì trả lại tiền thôi”.
Cái cách nghĩ và hành xử của thầy mới đơn giản và vô cảm làm sao. Dường như thầy coi cái trường thầy đang quản như một cái chợ có bán và mua. Thầy đã giẫm đạp lên đạo lý người thầy, chưa nói đến trọng trách thầy đã nhận trước Đảng, trước dân về việc ươm trồng những măng non đất nước. Thầy cũng đã giết chết những gì đẹp đẽ nhất trong con mắt trẻ thơ về thế giới này, xã hội này khi buộc các em phải thấm thía rằng: đồng tiền quản được mọi thứ.
Hai nhân vật ấy cùng là thầy, một thầy thuốc, một thầy giáo, những danh xưng đến từ những nghề cao quý trong xã hội, bởi một bên cứu người, một bên trồng người. Thật đáng tiếc, họ đã làm vẩn đục hình ảnh của chính mình, hơn thế, của nghề nghiệp mình cũng như ảnh hưởng xấu đến bao nhiêu người khác.
Chúng ta vẫn kêu gọi mọi người hãy sống đẹp, sống kỷ cương để xây dựng hình ảnh người Việt Nam luôn đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế, không chỉ trong đấu tranh chống ngoại xâm mà cả trong hòa bình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, khi vẫn còn những kẻ giống như hai “ông thầy” kia thì cuộc sống này không thể đẹp hơn, tốt hơn được.
Lê Ngọc Khanh (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM

Cảnh sát Hồng Kông đụng độ dữ dội với người biểu tình

(TNO) Xô xát dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông đã xảy ra, khiến it nhất 240 người bị thương và nhiều người biểu tình bị bắt.

:rel:d:bm:GF2EAAH17SP01
Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông xô xát với người biểu tình tại quận Mongkok vào ngày 18.10
:rel:d:bm:GF2EAAH17W601
Cảnh sát dùng bình xịt hơi cay để trấn áp người biểu tình tại khu mua sắm Mongkok ở Hồng Kông vào ngày 18.10. Trong số những người bị xịt hơi cay có cả phụ nữ.
Trong thông báo công bố vào rạng sáng 18.10 (giờ địa phương), cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ 26 người trong các cuộc đụng độ với đám đông biểu tình lên đến khoảng 9.000 người vào khoảng 3 giờ sáng và đã có 15 cảnh sát bị thương.
Cảnh sát đã dùng hơi cay và dùi cui để tấn công người biểu tình tại một con đường lớn ở quận Mong Kok, nhưng buộc phải rút lui một phần khi trời sáng, theo AFP ngày 18.10.
:rel:d:bm:GF2EAAH13WF01
Một cảnh sát chống bạo động Hồng Kông quát tháo người biểu tình khi bạo động bùng phát giữa 2 bên
:rel:d:bm:GF2EAAH17Z301
Một người biểu tình thách thức lực lượng cảnh sát tại Mong Kok
Đây là tối thứ 3 liên tiếp xảy ra bạo động tại Hồng Kông sau 2 tuần khá yên ả và diễn biến mới này có nguy cơ nhấn chìm kế hoạch tổ chức đàm phán mới đây giữa các thủ lĩnh sinh viên biểu tình và chính quyền đặc khu, theo AFP.
Vào sáng 18.10, cảnh sát Hồng Kông đã giải tán được phần lớn khu vực cắm trại của người biểu tình ở Mong Kok, nơi được cho là có quy mô lớn thứ 2 sau khu vực biểu tình chính đối diện trụ sở nhà cầm quyền Hồng Kông ở trung tâm đặc khu này.
:rel:d:bm:GF2EAAH1ADC01
Một viên cảnh sát chống bạo động Hồng Kông quát tháo người biểu tình khi đang tìm cách dỡ bỏ các rào chắn của người biểu tình tại quận Mong Kok vào ngày 18.10
:rel:d:bm:GF2EAAH1FGY02
Cảnh sát lập hàng rào sau khi đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình ở Mong Kok
Tại Mong Kok, đã từng xảy ra ẩu đả giữa người biểu tình và những người phản đối biểu tình bịt mặt hồi đầu tháng 10, theo AFP.
Trong ngày 17.10, người biểu tình đã xoay xở để trụ lại tại một phía của một con đường nhiều làn xe ở khu Mongkok.
Cảnh sát sau đó đã chật vật để duy trì trật tự vì số lượng người biểu tình bắt đầu tăng mạnh vào buổi tối và bạo lực đã bùng phát khi một vài người biểu tình tìm cách chen qua hàng rào cảnh sát, phóng viên AFP có mặt tại hiện trường tường thuật lại.
Hoàng Uy  Ảnh: Reuters

'Đã đến lúc công bố mật ước Thành Đô?'

  • 17 tháng 10 2014

Hội nghị Thành Đô
Hội nghị Thành Đô được nhóm họp vào ngày 3-4/9/1990 tại Trung Quốc.

Việc công bố các văn bản như mật ước Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc gần một phần tư thế kỷ về trước là điều Việt Nam nên làm hiện nay, theo một sử gia về lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, sự kiện cuộc gặp cấp cao đó đã diễn ra 'quá lâu' và nay giới nghiên cứu 'không còn quan tâm' nữa, theo một chuyên gia khác về lịch sử Đảng từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Song nếu cần tìm hiểu về hội nghị này, thì những ai quan tâm nên tiếp cận với Văn phòng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn theo chuyên gia này.
Trong khi đó, Hội nghị Thành đô là một sự kiện vẫn còn tác động tới đường lối và cán bộ của bộ máy lãnh đạo của Việt Nam ngày nay, điều được gọi là 'Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch', theo một cựu lãnh đạo cấp Vụ ngành ngoại giao Việt Nam.
Trước hết, trao đổi với BBC hôm 17/10/2014, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu quan điểm về mức độ quan tâm của giới nghiên cứu tới cuộc gặp cấp cao từng xảy ra từ năm 1990 vốn đang được dư luận Việt Nam 'quan tâm' trở lại gần đây:


"Quan tâm là quan tâm từ cái thời ấy thôi, chứ bây giờ giới nghiên cứu cũng không quan tâm nhiều lắm, chủ yếu là bên chính trị thôi," Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.

'Hỏi Văn phòng TƯ Đảng'

Khi được hỏi Hội nghị được cho là có vai trò mở ra bình thường hóa quan hệ giữa Việt - Trung sau nhiều năm xung đột, chiến tranh căng thẳng, tại sao lại không được giới nghiên cứu quan tâm, giáo sư Phúc đáp:
"Bởi vì đấy là thuộc về lĩnh vực quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước, còn chúng tôi về lịch sử không được am tường những vấn đề đó.
"Cứ liên lạc với chỗ Văn phòng Trung ương Đảng thì may ra người ta biết."
Hôm thứ Sáu, khi được hỏi về việc có nên giải mật để công bố hay bạch hóa trước công luận và tại Quốc hội các văn kiện liên quan 'mật nghị', hay 'mật ước Thành Đô 1990 hay không, kể cả các văn bản, văn kiện chỉ đạo đường lối, sách lược, chính sách liên quan 'chịu tác động' từ Hội nghị này, một sử gia khác về lịch sử Đảng nói:

Hội nghị Thành Đô
Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng dự Hội nghị Thành Đô.

"Tôi nghĩ rằng văn bản nào chăng nữa thì độ mật, độ bí mật gì đó, nếu có, thì nó chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định.
"Và nếu có những văn bản như thế, thì tôi nghĩ cũng nên hoàn toàn công khai. Hoàn toàn nên công khai, chứ không có gì phải giữ bí mật quá lâu," Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
"Nhưng chỉ có điều Việt Nam cầm văn bản đó, thì Việt Nam công khai đến đâu, đến cấp nào, đấy là một câu chuyện.
"Phía Trung Quốc thì nói thật là có những tài liệu đến nay đã hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ người ta cũng chẳng công khai. Phía Trung Quốc thì rõ ràng rất khó lấy được tài liệu chính thức từ phía họ.
"Còn phía Việt Nam, các tài liệu đã công khai rất nhiều, nhưng tôi nghĩ không phải là đã hết. Mà chắc chắn là vẫn còn những điều gì đó mà chưa công khai, thì văn bản đó tôi nghĩ, nếu có, thì nên công khai.
"Để cho nhân dân, để cho cán bộ, để cho tất cả mọi người có thể hiểu được thực sự, thực hư lúc bấy giờ, trong bối cảnh như vậy, với tư cách là những cá nhân, không phải với tư cách là một tập thể, đương nhiên những cá nhân có trọng trách và trách nhiệm, thì đã có những thỏa hiệp như thế nào với phía Trung Quốc về câu chuyện này. Đấy tôi nghĩ là điều nên làm."

'Thất thố ngoại giao?'



Hôm 15/10/2014, một cựu cán bộ ngoại giao của Việt Nam, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói với BBC một số nguyên tắc về ngoại giao và thể thức (protocol) ngoại giao có thể đã bị Trung Quốc vượt qua và đem lại lợi thế cho mình trong cuộc mật đàm.
Ông Dương Danh Dy nói: "Phê phán tại sao Hội nghị đó có những kết quả như thế này, như thế kia, nói thế thì nó đụng nhiều người."
"Tôi biết chuyện này khá rõ nhưng chưa tiện nói bây giờ, bởi vì Trung Quốc rõ ràng có ý định trong chuyện đưa một số nhà lãnh đạo Việt Nam vào bẫy, mắc bẫy của họ.
"Chẳng hạn như chuyện phía Trung Quốc họ bảo rằng để rất kính trọng ba đồng chí lão thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì họ để ba ông ở ba biệt thự khác nhau, thế thì những ông đã già bảy mươi, tám mưới như ông Phạm Văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Văn Linh lúc đó thì làm sao mà hội ý được với nhau...?"
Cũng hôm thứ Tư, một cựu quan chức khác ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, người không muốn tiết lộ danh tính, nói với BBC:

Ông Nguyễn Cơ Thạch
Có ý kiến nói sự 'thôi chức vụ' của ông Nguyễn Cơ Thạch là điều kiện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.

"Một số cán bộ ngoại giao cấp cao có thể đã tiếp cận được văn bản và các tài liệu, nhưng việc được phép phổ biến, công bố tới đâu, có những nguyên tắc hạn chế."
Theo cựu nhân viên ngoại giao này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ các nội dung đàm phán, ký kết, kể cả những điều được cho là 'phụ lục' nhưng lại có vai trò như những nguyên tắc chỉ đạo cho bình thường hóa và cả 'hậu bình thường hóa' lẫn 'tái cấu trúc' quan hệ và chiến lược 'quan hệ, hợp tác' giữa hai nước dài hạn, điều mà Việt Nam lâu nay vẫn gọi là 'các thỏa thuận cấp cao' và 'sự kế tục'.
Trong đó cụ thể có các nguyên tắc 'chỉ đạo' đàm phán không chỉ liên quan tình hình chính trị và điều kiện tái lập quan hệ nhất thời mà còn các phương châm 'chỉ đạo chiến lược và lâu dài' về giải quyết tranh chấp, xung đột trong quá khứ và thực tế khi đó để lại và một số ràng buộc chính trị dưới danh nghĩa 'quan hệ về ý thức hệ' liên Đảng v.v...

'Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch'

Hôm 17/10, một cựu lãnh đạo cấp Vụ phó ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng hậu quả của Hội nghị Thành Đô vẫn còn 'đang tác động' tới tâm lý của lãnh đạo, cán bộ và đường lối của Việt Nam hiện nay trong quan hệ liên quan Trung Quốc.
Theo ý kiến này, việc ông Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao, bị Trung Quốc 'gây áp lực' với Việt Nam và đặt điều kiện phải 'loại bỏ' để bình thường hóa quan hệ, đã gây ra một 'nỗi sợ' với giới chức không chỉ trong ngạch ngoại giao của Việt Nam, suốt từ đó đến nay, trong các quan hệ, công việc của nhà nước liên quan Trung Quốc.


"Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam," cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Vụ Phó Bộ Ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng nói.
"Trong đó không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc."
Theo cựu quan chức ngoại giao nay đang tị nạn chính trị ở Thụy Sỹ, việc này tạo thành một hội chứng đáng kể mà theo ông:
"Bất cứ nhân vật nào lên đều không dám đụng tới Trung Quốc và không dám nói nhiều, không dám đứng ra như dạng ông Nguyễn Cơ Thạch đã đứng ra công khai chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (đặt dưới các điều kiện bất lợi cho Việt Nam) thì sẽ bị 'xử lý'.
"Nhiều nhân vật sau này, khi đụng chạm đến vấn đề Trung Quốc, khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như vấn đề biên giới, cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.
"Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc... rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước."

'Can thiệp nhân sự?'


Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân thăm VN
Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh đón ông Giang Trạch Dân.

Cũng hôm 17/10, khi được hỏi có thể có một khả năng tác động sâu và cao như vậy từ phía Trung Quốc vào nhân sự lãnh đạo của Việt Nam hay không, thông qua trường hợp được cho là đã xảy ra với cố Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, PGS Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận thêm:
"Cách gây sức ép của Trung Quốc trên tất cả các mặt, kể cả về mặt nhân sự nếu như Trung Quốc có thủ đoạn như vậy, tôi nghĩ là hoàn toàn có thể có.
"Nhưng vấn đề đặt ra là ví dụ nhân sự như ông Nguyễn Cơ Thạch mà Trung Quốc không thích bởi vì sao? Nguyễn Cơ Thạch có thể có quan niệm đối ngoại khác, nó rộng mở hơn, nó thoáng hơn, mà người Trung Quốc không muốn Việt Nam có một nhân vật như vậy ở trong giới lãnh đạo cao cấp.
"Có thể họ gây sức ép đòi hỏi không nên như vậy, không nên thế nọ, không nên thế kia, cái điều đó người Trung Quốc có thể làm lắm, tôi cũng tin là người Trung Quốc có thể làm các điều này.


"Tức là về mặt nào đấy có thể nói là họ muốn can thiệp vào vấn đề nhân sự của riêng Việt Nam.
"Nhưng về phía Việt Nam, ai là người thay ông Nguyễn Cơ Thạch, và người đó có làm theo ý đồ của Trung Quốc hay không?
"Đấy lại là một việc khác và người Trung Quốc không thể lãnh đạo, không thể chỉ đạo việc đó được," sử gia chuyên về lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm.
Hôm 15/10, một quan chức Vụ trưởng, thuộc Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói đang có yêu cầu công khai ra Quốc hội Việt Nam về Hội nghị Thành Đô, ngay cả trước khi có một tài liệu được cho là của Ban tuyên huấn Trung ương của Đảng về Hội nghị được loan truyền trên mạng Internet.
"Văn bản của Ban Tuyên giáo... thì nó có thật đấy. Họ đưa ra để giải thích vấn đề Thành Đô.
"Nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích đấy ở chỗ không biết là có đến nơi, đến chốn không.
"Và chúng tôi đang muốn là Quốc hội phải thành lập một Ủy ban nghiên cứu và bạch hóa vấn đề này," ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC từ Hà Nội.