Trang

29 tháng 12, 2012

Khi Tổ Quốc trên hết !


 Theo quy luật thông thường thì kẻ mạnh thắng, kẻ yếu thua. Dân gian vẫn nói “cá lớn nuốt cá bé”. Tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ khi kẻ bại trận lại là kẻ mạnh, thậm chí rất hùng mạnh.
 Lịch sử đã chứng minh, Đất nước Việt Nam nhỏ bé, dân tộc Việt Nam nghèo khó nhưng đã chiến thắng nhiều đế quốc hùng mạnh:
- Quân dân Nhà Lý đã đánh thắng quân Tống xâm lược.
- Quân dân Nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên-Mông. Lúc bấy giờ quân Nguyên- Mông hùng mạnh nhất thế giới. Họ đã đánh chiếm và thống trị gần ½ thế giới. Ngay cả nước Nga cũng bị vó ngựa quân Nguyên- Mông (tactar) giày xéo và đô hộ hơn hai trăn năm. Ngoài Việt Nam thì có một dân tộc nữa cũng đánh thắng quân Nguyên- Mông, đó là Hàn Quốc. Nhưng điều thú vị là người chỉ huy quân và dân Hàn Quốc đánh thắng quân Nguyên- Mông lại là người Việt Nam- hoàng tử Lý Long Tường. Tại sao vậy? Khi đó nhà Trần tiếm ngôi nhà Lý. Hoàng tử Lý Long Tường chạy nạn tới Cao Ly (Hàn Quốc), vì tài năng và đức độ nên được vua Cao Ly sủng ái, tin dùng. Ông có tài thao lược, dũng cảm trong chiến trận nên được phong làm HOA SƠN TƯỚNG QUÂN và đã chỉ huy quân dân Cao Ly đánh thắng quân Nguyên- Mông.
- Quân dân Việt Nam đã đánh thắng thực dân Pháp mà quyết định là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
- Quân dân Việt Nam đã thắng Mỹ - Đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại.
- Quân dân Việt Nam đã đánh thắng giặc bành trướng Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979.
… vv và vv...
 Sở dĩ một nước nhỏ, yếu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng được các đế quốc hùng mạnh gấp nhiều lần là nhờ khối đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của các thiên tài chính trị và quân sự như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp… Khi mà người Việt Nam đặt quyền lợi Tổ Quốc lên trên hết.
 Hiện nay Tổ Quốc Việt Nam lại một lần nữa đang bị đe dọa bởi một kẻ thù truyền kiếp: Trung Quốc. Việc Trung Quốc hàng ngày xâm chiếm lãnh hải Việt Nam cả thế giới đều đã biết, ở Việt Nam thì đến đứa con nít cũng biết nhưng một số đông lại giả vờ không biết. Phải công nhận những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển vượt bậc cả về kinh tế lẫn quân sự. Nếu so sánh về tương quan lực lượng thì Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam tới mấy chục lần. Tình cảnh của Việt Nam bây giờ rất hiểm nghèo, cực kỳ khó khăn nếu xảy ra chiến tranh, thậm chí khó khăn hơn so với các cuộc chiến tranh trước kia.
* Khó khăn khách quan.
- Việt Nam hiện nay không có đồng minh. Các nước lớn mạnh như Nga, liên minh Châu Âu và 2 nước láng giềng Lào, Campuchia coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn Việt Nam.
- Cả thế giới đang sa lầy vào suy thoái kinh tế- chính trị sẽ không quan tâm nhiều đến Việt Nam.
- Kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển, là nền kinh tế thứ 2 thế giới. Trung Quốc là ủy viên thường trực của HỘI ĐỒNG BẢO AN có quyền phủ quyết các vấn quan trọng của Liên Hợp Quốc.
- Mặc dù Mỹ điều động 60% lực lượng về Châu Á- Thái Bình Dương nhưng nếu xảy ra xung đột vũ trang Trung- Việt, Mỹ sẽ không can thiệp bằng quân sự.
* Khó khăn chủ quan.
- Tiềm lực kinh tế, quân sự của Việt Nam rất yếu so với Trung Quốc.
- Kinh tế, xã hội Việt Nam đang suy thoái nghiên trọng.
- Nhóm lợi ích- tham nhũng đã thành quốc nạn làm suy yếu đất nước trên mọi lĩnh vực.
- Đang có sự chia rẽ trong các thành phần xã hội, chia rẽ giữa chính quyền và nhân dân dẫn đến khối đoàn kết dân tộc lung lay.
 Vậy làm sao chúng ta có thể bảo vệ được Tổ Quốc?
 Tôi khẳng định Việt Nam vẫn bảo vệ vững chắc Tổ Quốc, vẫn đánh thắng Trung Quốc xâm lược nếu:
1- Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
2- Loại bỏ "Nhóm lợi ích" bán nước cầu vinh.
3- Thực hiện công bằng, tự do và dân chủ.
 Chỉ khi đó cả dân tộc Việt Nam mới đồng lòng: TỔ QUỐC TRÊN HẾT! Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách và sẽ phát triển thành một quốc gia giàu, mạnh.
  Phạm Hải

26 tháng 12, 2012

Việt gian bán nước hại dân




Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp…Tuy nhiên đối lập với họ cũng đã xuất hiện bọn Việt gian bán nước mà điển hình là những tên sau đây:
1.     Kiều Công Tiễn.
Tiễn là danh tướng được Dương Đình Nghệ tin cậy. Đắc ý sinh kêu, Tiễn nổi lòng tham tàn, phản nghịch. Cùng với người em ruột là Kiều Thuận mật mưu với đồng bọn ra tay ám sát Dương Đình Nghệ trong năm Đinh Dậu 937. Rồi chiếm đóng thành Đại La, nắm quyền trị nước. Có vị hào kiệt là Lưu Định thẳng thắng chỉ trích sự phản nghịch liền bị hắn giết chết. Lo sợ bị Ngô Quyền trả thù, năm Mậu Tuất 938, khoảng tháng 3, hắn cho người sang đút lót cho nhà Nam Hán để xin viện binh. Do vậy vua Nam Hán sai con là Vạn vương Hoằng Thao đưa quân sang xâm chiếm nước Nam. Nhưng quân Nam Hán vừa động binh, thì tháng 10 năm ấy, Tiễn đã bị Ngô Quyền đem binh từ châu Ái ra thành Đại La giết chết. Quân Nam Hán cũng bị Ngô Quyền dẹp tan. Ngô Quyền đã dựng nền độc lập tự chủ cho nước Nam. ( lược trích ).
2.      Trần Ích Tắc
 Ngay lúc còn nhỏ, Trần Ích Tắc đã nổi tiếng thông minh tài trí. Năm 1267 lại được phong Vương, danh tiếng và quyền uy lừng lẫy một thời. 
Tuy nhiên Trần Ích Tắc thuộc làu kinh sử mà chẳng biết gì về thời thế, uyên bác mà hẹp hòi, ích kỉ đến độ quên hết giang sơn, xã tắc. Năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Ích Tắc đã cùng bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long... đem gia quyến đi đầu hàng Thoát Hoan.  Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Nhà Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết nhục ở đất Trung Quốc. 
3.    Lê Chiêu Thống
Năm 1786 Lê Chiêu Thống được Nguyễn Huệ đưa lên ngai vàng tiếp nối làm vua triều hậu Lê. Khi quân Tây Sơn rút về Nam, Lê Chiêu Thống dựa vào thế lực của Nguyễn Hữu Chỉnh để tiêu diệt tàn quân chúa Trịnh. Chỉnh tự kiêu làm phản nên Nguyễn Huệ phải kéo quân ra Bắc dẹp loạn. Chỉnh và Thống chống không nổi, chạy chốn sang nhà Thanh cầu viện. Nhà Thanh có cớ liền đưa quân sang xâm lược nước ta và phong cho Thống làm An Nam quốc vương. Nhờ có Thống dẫn đường nên quân Thanh đã nhanh chóng chiếm được Thăng Long. Nguyễn Huệ liền từ Phú Xuân kéo quân ra Bắc đánh tan quân xâm lược và bè lũ bán nước. Lê Chiêu Thống chạy theo tàn quân Thanh sang đất Bắc và phải sống cuộc đời tủi nhục của kẻ “ rước voi dày mả tổ”. Bị nhà Thanh khinh bỉ, ghẻ lạnh, tủi nhục nên Thống chết yểu lúc mới 28 tuổi.
 Ngày nay trong lúc đất nước Việt Nam đang gặp khó khăn bởi thù trong ( nạn tham nhũng, quyền lợi nhóm ), giặc ngoài ( bọn bành trướng Trung Quốc đang xâm chiếm lãnh hải ) thì tất yếu có nhiều bọn Việt gian bán nước để hưởng lợi cá nhân. Bọn chúng ủng hộ Trung Quốc xâm chiếm biên giới, biển đảo của Tổ Quốc, tiếp tay cho Trung Quốc để nhập khẩu công nghiệp bẩn và hàng hóa kém chất lượng vào thị trường Việt Nam… Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải kêu lên giữa quốc hội về nạn gà bệnh nhập lậu từ Trung Quốc: “đại biểu quốc hội sẽ không ăn thịt gà nhập lậu để bảo vệ sức khỏe”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng viết: “ Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cõng rắn cắn gà nhà”...”. Kẻ nào cõng rắn cắn gà nhà?
 Bọn Việt gian ngày nay có nhiều âm mưu tinh vi và xảo quyệt. Chúng còn khoác lên người chiếc áo “yêu nước”, vẽ lên mặt dòng chữ “vì nhân dân” để lừa đảo, trục lợi. Trên báo của nhà nước đã viết nhiều về sự việc này rồi. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng viết: “ Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn chính trị- xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia”.
 Bọn Việt gian sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn hèn hạ nhất để ám hại những người yêu nước chân chính (có thể Biển Trời Tự Do cũng sẽ bị bọn chúng ám hại).
 Tuy nhiên lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt. Bọn Việt gian có giỏi ngụy trang tới đâu thì cũng không che được mắt 80 triệu dân Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tòa án lương tâm và luật nhân quả sẽ nghiêm khắc xét xử tội lỗi của chúng, “Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”. Lịch sử sẽ phán xét hành vi đê hèn của chúng. Con cháu của chúng cũng sẽ bị trả giá và bị người đời khinh khi.
 Số phận Việt gian tất yếu sẽ bị vạch trần và chịu sự tủi nhục mà thôi !
 - Hãy mau tỉnh ngộ ! Quay đầu là bờ !
                                                                                                             Phạm Hải

23 tháng 12, 2012

Lãi suất cao tàn phá doanh nghiệp


 Ở Việt Nam hiện nay trần lãi suất theo quy định của ngân hàng nhà nước đầu vào là 9%/năm (sẽ giảm xuống 8%/năm ), đầu ra là 15%/năm ( trước đó cao hơn rất nhiều). Thực tế trên thị trường các ngân hàng thương mại đang huy động tiền với lãi suất 11-12%/năm, cho vay với lãi suất 14-17%/năm.  
 Trên thế giới, các khu vực như Trung Quốc và Đông Nam Á thì lãi suất cho vay trung bình là 5%/năm. Ở các nền kinh tế lớn như Nhật, Mỹ, Châu Âu...lãi suất cho vay chỉ từ 0- 2.5%/năm.
 Như vậy lãi suất ở Việt Nam rất cao so với mặt bằng chung trên thế giới. 
 Với chênh lệch lớn như thế này thì nền kinh tế Việt Nam hòan toàn không có khả năng cạch tranh với các nền kinh tế khác.
 Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn nhất do thiếu vốn trầm trọng. Mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp thua lỗ và phá sản. Không có tiền duy trì hoạt động thì doanh nghiệp sẽ chết, nhưng vay được tiền với lãi suất cao lại càng nguy hiểm hơn.
 Mặc dù đang bị thua lỗ nặng nhưng người lao động và doanh nghiệp vẫn phải trả cho ngân hàng lãi vay cao ngất ngưởng ( cao bậc nhất thế giới ).
 Ước tính năm nay ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng Việt Nam thu lời khoảng hơn 20 tỷ đô la từ các khoản cho vay. Một nghịch lý quá đau lòng khi mà các ngành sản xuất và kinh doanh đang thua lỗ nặng thì ngành ngân hàng vẫn thu được lãi suất cao.
 Tiền là máu của nền kinh tế. Ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đang hút máu của người lao động và các doanh nghiệp khiến họ phải sống lay lắt, chết ngoắc ngoải mà không tìm ra lối thoát.

 Đã có đủ bằng chứng để khẳng định: Lãi suất cao là một trong những nguyên nhân chính đang tàn phá sức lao động, doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam.
 Đau đớn lắm thay! 
 Vì đâu nên nỗi?
 Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam thì lãi suất đầu vào chỉ khoảng 5-6%/năm, lãi suất cho vay chỉ khoảng 7-8%/năm mới cứu vãn được nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng.
 Như chủ tịch Trương Tấn Sang đã nói: “ Tình trạng suy giảm kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị nếu không được sớm chặn đứng, sẽ đặt tương lai của đất nước ta trước thử thách khốc liệt...những nguy cơ đó liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ”.
                                                                                            Phạm Hải

Về quê


 Với những người sống xa xứ thì mỗi lần về quê đều mang đến cảm giác bồi hồi, háo hức và mới lạ. Về quê là trở về nơi chôn rau cắt rốn, với kỷ niệm tuổi thơ, về với gia tộc dòng họ, với cội nguồn quê hương.
 Đây là lần thứ 2 tôi về thăm quê trong năm 2012. Mục đích lần này là thăm mẹ già đã 83 tuổi ( mẹ nguyên là biệt động thành Nam Định- thương binh chống Pháp ), thăm 2 chị gái và lo việc cho cha ( Cha tôi là chiến sĩ Điện Biên Phủ- thương binh chống Pháp ). Anh Cả ở Sài Gòn, mốt mới về, năm nay anh cũng đã về quê 3 lần rồi. ( Ảnh mẹ tôi )
 Từ Vũng Tàu tôi đi tàu thủy lên Sài Gòn, bay ra Vinh, đi ôtô ra Thanh Hóa, bắt xe về Hà Trung quê tôi. Đường vòng vo nên cũng hơi mệt đó.
                                                    Cha tôi

 17h chiều ngày 15/12 tôi đặt chân xuống tp.Thanh Hóa thì gặp anh Đán ( dù không hẹn nhưng anh lái ôtô từ Hà Trung lên ), mấy phút sau thì anh Tới ( bạn học k18- Nga ) chạy xe máy đến đón. Tôi đành chào anh Đán lên xe máy về nhà anh Tới nghỉ và ăn cơm tối. Bữa cơm với gia đình anh Tới rất ấm cúng và ngon miệng, có cả bạn Ninh ( thư ký UBND Thanh Hóa ) tham dự.
                              FBKN Thanh Hóa đón tôi ở New Sky

 20h bạn Ninh lái xe chở tôi và anh Tới đến cafe New Sky trên đường Cao Thắng gặp mặt với các bạn FBKN Thanh Hóa. Khoảng 10 bạn đã tập chung tại đó để đón tôi. Trong số đó tôi chỉ quen có mấy bạn như: Sơn, Hòang Kao, Thủy, Yến… còn lại là các bạn ở các khối khác cách xa nhau nên đây là lần đầu gặp mặt. Còn gì vui hơn khi được bạn bè đón tiếp chu đáo và tận tình như thế? Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, ôn lại bất cứ kỷ niệm nào nhớ được về khoa Nga ĐH SPNN Hà Nội.
 22h30p Hòang Kao và 1 bạn nữa lái ôtô đưa tôi về tận nhà ở Hà Trung. Mẹ ở một mình với chị giúp việc ( gần nhà chị Ba ), cả hai đang đợi tôi. Gặp tôi mẹ mừng lắm. Hai mẹ con nói chuyện rồi đi ngủ sớm vì hôm sau có nhiều việc phải làm.
 Sáng hôm sau tôi dậy trễ. Mẹ và chị giúp việc đã ăn sáng rồi. Trong lúc tôi vệ sinh cá nhân thì chị giúp việc chuẩn bị cho tôi bữa sáng. Lát sau chị Lan đến ( chị Ba ), hai chị em bàn kế hoạch chuyển mộ cho cha vì chị Nga ( chị Hai ) đi công tác sang Lào đang trên đường về. Ở nhà 2 chị đã chuẩn bị hết rồi, tôi và anh Cả về là triển khai thôi. Trong lúc tôi và chị Lan đi thăm và mời bà con hàng xóm  thì anh Đồ ( nguyên phó bí thư huyện ủy, chồng chị Nga ) tới phụ việc nấu cơm. Mấy mẹ con và cu Hoàng ( con trai chị Lan ) ăn cơm với nhau rất vui vẻ, đầm ấm.
 Trưa tôi ra bến sông của thôn Nội Thượng, xã Hà Bình gặp anh Thanh ( chồng chị Lan ), anh đang chỉ huy tốp thợ xây bến cho làng. Anh Thanh có sáng kiến tài trợ cho làng xây bến sông, anh rủ tôi và anh Cả tham gia. Tôi và anh Cả đồng ý ngay, đóng góp một chút ít cho làng xóm thôi mà.
                               Cha tôi và TBT Lê Khả Phiêu

 Chiều tối có 2 anh bạn là anh Đán ( doanh nhân ) và Khanh ( trưởng ban tổ chức huyện ủy ) tới chơi, ăn cơm. Tối anh Đán lái xe chở cả mấy anh em đi café ở Bỉm Sơn. Cả bọn nói chuyện rất lâu về tình hình kinh tế- chính trị, về quê hương và cả về blog Biển Trời Tự Do nữa. Đêm đó tôi ngủ ở nhà với mẹ.
 Sáng 17/12 tôi ở nhà tiếp khách gia tộc, họ hàng, làng xóm. Trưa thì anh Cả và chị Nga cũng về tới nhà. Chúng tôi làm tiệc đãi khách buổi chiều, có mấy món đặc sản quê hương như dê núi, bê núi, gà vườn. Nhà mẹ không rộng nên chúng tôi chỉ mời 13 bàn,  khách đến những 16 bàn. Hơi chật một chút nhưng mọi người đều vui vẻ và thông cảm.
                                 Khu lăng mộ trên núi Thần Điệu

 Đêm đó chúng tôi thức cả đêm. 2h30p sáng ngày 18/12 chúng tôi ra bốc mộ cho cha. Họ hàng, làng xóm và bạn bè cùng ra rất đông. Mọi việc tiến hành êm đẹp đúng theo kế hoạch. 4h sáng chúng tôi đưa hài cốt cha về lăng mộ của gia tộc tại núi Thần Điệu, xóm Kim Đề, xã Hà Ngọc. Lăng mộ này do anh Cả và tôi đầu tư xây dựng trên sườn núi, nơi mà thời thơ ấu cả mấy anh em tôi từng chăn trâu, hái củi, làm ruộng, nô đùa. Đông người, nhiều thợ nên công việc tiến hành rất nhanh. Đến trưa thì đã xây xong phần thô. Trời bỗng đổ cơn mưa rào giữa mùa đông. Tất cả kéo về nhà chú Đạo ( em cha tôi ) nghỉ ăn cơm, 80% thành viên trong gia tộc có mặt. 
                                           Bữa cơm gia tộc

Ăn cơm xong thì trời cũng tạnh, mọi người lại kéo nhau ra lăng mộ làm việc tiếp. Đến 16h30p thì mộ phần của cha đã hòan thiện khang trang. Mọi nghi lễ theo phong tục đều được thực hiện nghiêm ngặt. 17h30 mọi người từ biệt tổ tiên, từ biệt cha ra về. Công việc trang trọng nhất của 4 anh em tôi đã hòan thành tốt hơn cả mong đợi.
 Ngày 19/12 hai chị đã đi làm bình thường, tôi và anh Cả đi thăm hỏi và cảm ơn mấy người thân hữu. Sau đó cùng chị giúp việc thu dọn nhà cửa. Đầu giờ chiều mấy mẹ con ngồi nói chuyện gia đình trong không khí đầm ấm, cởi mở, mẹ già rất vui và mãn nguyện. Chiều tối tôi từ biệt mẹ và gia đình lên tp. Thanh Hóa để sáng hôm sau vào Vinh bay vô Sài Gòn.
 20h tôi tới cafe New Sky, nơi các bạn trong FBKN tổ chức tiễn tôi về Vũng Tàu. Gần 10 bạn đã tới dự, các bạn quá tốt, nhiệt tình và chu đáo. Chúng tôi chuyện trò vui vẻ tới khuya.
                             FBKN Thanh Hóa tiễn tôi về Vũng Tàu

 7h30p ngày 20/12 anh Tới đến khách sạn đón tôi đi ăn sáng. Sau đó cùng nhóm bạn đi uống café. 10h xe đến đón tôi đi sân bay Vinh.
 Tạm biệt gia đình, tạm biệt các bạn, tạm biệt quê hương!
 Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!
                                                                                                Phạm Hải