Trang

17 tháng 5, 2014

Gót chân Achilles của Trung Quốc


Thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc sớm muộn gì cũng phá sản, kéo theo các hậu quả tiêu cực cho chính Bắc Kinh.
 >> Báo Australia chỉ trích Trung Quốc leo thang căng thẳng
 >> Những đối tượng lợi dụng lòng yêu nước sẽ sớm bị xét xử
 >> Chuyên gia Nga:Biện pháp đối phó Trung Quốc cho đến nay hoàn toàn đúng đắn

Trong bài bình luận đăng trên Reuters ngày 16-5, cây bút Vikram J. Singh viết ý đồ của Trung Quốc khi đưa trái phép giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam là muốn đặt Việt Nam vào tình thế thua hoàn toàn.
 Điểm yếu trí mạng
Theo ông Singh, nếu Hà Nội nhắm mắt làm ngơ, Bắc Kinh sẽ được nước lấn tới trong các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Nếu Việt Nam kháng cự thì lực lượng thực thi pháp luật trên biển bị kéo vào một cuộc so kè kéo dài và tốn kém. Và những cuộc tuần hành tự phát trên đất liền sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài “cuốn gói” khỏi Việt Nam.
Đó là toan tính của Trung Quốc nhưng chính mưu đồ thâm hiểm này cũng vạch trần “gót chân Achilles” của nước này, theo GS Allen R. Carlson của Trường ĐH Cornell (Mỹ).
“Đông Nam Á là nơi có đông người Trung Quốc sinh sống và ngày càng nhiều công dân Trung Quốc đòi hỏi chính phủ bảo đảm an toàn cho cả người dân trong nước lẫn ở nước ngoài” - ông Carlson viết. Trước sự kiện tại Việt Nam, ở Indonesia cũng nổ ra làn sóng bài người Trung Quốc vào năm 1998. Chính phủ Bắc Kinh lúc đó bất lực nên bị người dân trong nước chỉ trích nặng nề.
Sĩ quan cảnh sát biển Việt Nam giám sát tàu Trung Quốc trên biển Đông ngày 14-5 Ảnh: REUTERS
Sĩ quan cảnh sát biển Việt Nam giám sát tàu Trung Quốc trên biển Đông ngày 14-5 Ảnh: REUTERS
"Tẩy chay hàng Trung Quốc là yêu nước tiêu cực"
Cũng theo ông Carlson, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc chọn cách trả đũa mạnh tay thì đối tượng bị trút giận cuối cùng vẫn là người Trung Quốc ở nước ngoài. “Giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không thực hiện những hành động có thể dẫn đến hậu quả khó lường” - GS Carlson phỏng đoán.
TTXVN dẫn lời ông Anton Svetov, chuyên viên điều phối các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng Đối ngoại Nga, nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đang trong tình thế khó khăn.
Một mặt, Bắc Kinh phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng áp chế láng giềng song mặt khác, khó có quốc gia nào trên thế giới ủng hộ hành động này của Trung Quốc. Nói cách khác, thuyết “trỗi dậy hòa bình” sớm muộn gì cũng phá sản, kéo theo các hậu quả tiêu cực cho chính Bắc Kinh.
Cứng rắn nhưng thiếu khôn ngoan
Theo tác giả Vikram J. Singh, có 2 lý do khiến giới lãnh đạo Trung Quốc một mực lấn tới trên biển Đông. Một là, muốn “dạy cho các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á nên nghe lời hơn là kháng cự”. Hai là, Trung Quốc biết rõ đường chín đoạn - căn cứ quan trọng nhất mà nước này dựa vào trên biển Đông - không có cơ sở vững chắc theo luật pháp quốc tế hiện đại nên muốn ra tay trước bằng biện pháp cưỡng bách và đe dọa.
“Chiến lược này cứng rắn nhưng không khôn ngoan. Các hành động của Trung Quốc tiềm ẩn mối nguy cơ lớn, gây xung đột giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chính Trung Quốc” - ông Singh nhấn mạnh.
Các cuộc vờn đuổi quanh giàn khoan Hải Dương - 981 hiện nay dễ dàng bùng nổ thành xung đột nếu xảy ra một tính toán sai lầm. Trung Quốc chắc chắn không hưởng lợi gì từ xung đột ở châu Á, nhất là khi nước này bị chỉ trích làm ảnh hưởng đến hòa bình và tiến bộ của châu lục. Ông Singh kết luận: “Bắc Kinh tưởng lửa sẽ chỉ thiêu cháy đối thủ của họ. Nhưng họ lầm rồi”.
Ông Alexay Fenenko, phó giáo sư tại Học viện Ngoại giao Nga, nhấn mạnh thêm nguy cơ đối với Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông nói: “Trung Quốc không hề có một láng giềng tốt đúng nghĩa bởi với nước nào Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ, vòng từ trái qua phải lần lượt là Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng, khi có vấn đề với tất cả láng giềng thì Bắc Kinh phải xem lại mình”.
Theo ông Fenenko, vấn đề biển Đông không phải quá khó để giải quyết nhưng vướng mắc cơ bản là ở lập trường “tất cả thuộc về Trung Quốc, các nước xung quanh không có gì”. “Trong trường hợp Trung Quốc không rút giàn khoan, Việt Nam hoàn toàn có thể cưỡng chế hành vi trái phép này bằng biện pháp mạnh. Nếu vậy, trước hết, Mỹ sẽ ủng hộ; Nga, Nhật, Philippines và cộng đồng quốc tế cũng có tiếng nói đồng thuận” - ông Fenenko nhận định.

Theo HẢI NGỌC/Người lao động

Một tấc biển cũng là Tổ quốc

18/05/2014 11:10 (GMT + 7)
TT - Chúng ta đã nín nhịn - Chúng ta đã dằn lòng

Máu đã chảy quá nhiều
Vì hiểu máu ta quý từng giọt máu!
Ta rất yêu trời trong
Yêu bình yên yêu dựng xây
Vì trọng máu nên không sợ máu!...
Tổ quốc của chúng ta bé nhỏ
Nên thương hơn từng thẻo đất ông bà
Biển của chúng ta tảo tần lao khổ
Nên biển là muối xót ở lòng ta
Chúng từng đến bằng thuyền
Chúng từng đến từ đất bằng và ngựa dữ
Chúng từng đến ngày ông bà ta dâng tổ tiên bánh đất bánh trời và rước dưa  hấu đỏ
Chúng đến liền sau rượu cưới Mỵ Châu
Chúng là Ân, là Đường, là Tống, Nguyên, Minh, Thanh...
Chúng có tên là Sĩ Nhiếp, là Tô Định, 
Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Thoát Hoan...
Là vô số mặt hổ beo hầm hầm ám khí
Kỳ quái thay
Xin cúi lạy vong thiêng trong mộ gió
Lạy những tử sĩ những anh hùng nằm xuống ở Hoàng Sa
Lạy những liệt sĩ những anh hùng quyết chết ở Gạc Ma
Những người lính có tên, những người lính chưa biết tên
Tôi cúi lạy các anh
Là cúi lạy hồng hào máu Việt
Tôi cúi lạy trập trùng những hình hài bất khuất
Bất kể anh là ai
Các anh chết cho chúng tôi
Và con cháu chúng ta
Có biển!
Sáng nay
Lớp lớp tỏa xuống đường
Cờ đỏ bay lên
Tim lại trào máu đỏ
Tổ quốc gọi chúng ta
Biển khơi gọi chúng ta
Một tấc biển cũng là Tổ quốc
Muôn người cùng hát
“Đằng giang tự cổ huyết do hồng”
Và thề Sát Thát!
HOÀNG QUÝ



Đất nước tôi
Đất nước tôi!
Lưng tựa Trường Sơn, mặt nhìn Đông hải
Tự thuở xưa, có trăm chàng trai giỏi
Nửa theo mẹ lên nguồn đào đá làm nương
Nửa cùng cha xuống núi vỡ ruộng, mở vườn
Trải mấy nghìn năm phơi sương, đội nắng
Rừng xanh, biển thắm, mặn mòi thịt da.
Này bồi đắp phù sa,
Này mở mang bờ cõi,
Này gìn giữ nếp nhà.
Cây trái mượn rừng, cá tôm nhờ biển,
Trồng lúa, nuôi tằm, mồ hôi đất quện,
Mà lớn, mà khôn, mà hóa thành Phù Đổng.
Gióng trống Đông Sơn, viễn biên rền vọng
Ngăn bước quân thù, nỏ cứng trấn thành Loa.
Mỵ Nương ơi, lòng trong thua kế hiểm
Tủi ngàn năm Bắc thuộc nước non nhà.
Đất của ta, rừng của ta.
Mặc chúng gọi là châu, là phủ
Sau lũy tre xanh, những mặt người tư lự
Còn nhắc nhau chuyện cũ đất Phong Châu
Còn ầu ơ thương bí, thương bầu
Còn râm ran tiếng cha sinh mẹ đẻ
Bản sắc Việt ngàn đời cứ thế
Nực cười thay mưu Hán hóa viển vông.
Đất nước tôi!
Xã tắc của cha ông
Ruộng mật bờ xôi, sông dài bể rộng
Máu đỏ bao đời, vun xanh cuộc sống.
Mấy nghìn năm buồm căng gió lộng,
Phận quần hồng đạp sóng chém kình ngư
Chí hùng anh dựng cọc đoạt cơ đồ
Nước Bạch Đằng hóa mồ bầy kẻ cướp
Đá Chi Lăng vùi thây quân xâm lược
Thắng lợi rồi, tha chết lũ sài lang
Cấp ngựa, cấp thuyền cứ nẻo cũ mà sang.
Muôn năm thay, đại nghĩa thắng hung tàn.
Đất nước tôi!
Cõi bờ tiên tổ
Tự ngày xửa ngày xưa cha ông dạy dỗ
Nam quốc sơn hà Nam đế cư...
Mấy nghìn năm đã qua,
Mấy nghìn năm tới nữa
Đất của ta, ta giữ
Biển của ta, ta canh
Có sá chi đường lưỡi bò càn rỡ
Quyết hiên ngang khơi lộng tung hoành.
Đất nước tôi!
Tóc bạc, đầu xanh, lòng thành hướng tổ
Nguyện giữ gìn hương hỏa cha ông
Không thể làm khác hơn
Mặt cứ hướng trời Đông
Đón gió ban mai mà vững tiến.
HỒNG THÁI

Lệnh cấm biểu tình



ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Số:  130 /TB-UBND


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 17 tháng 5 năm 2014

THÔNG BÁO
Về việc nghiêm cấm các hoạt đông tụ tập, mítting, biểu tình, tuần hành tự phát trên các tuyến phố, đường giao thông và khu vực công cộng
 


          Trong những ngày qua, nhân dân cả nước đã biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép tại vùng biển Việt Nam là việc làm chính đáng. Nhưng tại một số nơi, đã có một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất, có cả cơ sở sản xuầt của nhà đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân, môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
          Hiện nay, bọn xấu và những kẻ cơ hội vẫn tiếp tục lợi dụng và khai thác tâm lý phản đối Trung Quốc của người dân để kêu gọi đồng loạt biểu tình trái pháp luật vào ngày 18/5/2014 với ý đồ gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người dân. Thực hiện Công điện số 697/CĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân Tỉnh thông báo:

          1. Nghiêm cấm mọi hoạt động tụ tập, mítting, biểu tình, tuần hành tự phát trên các tuyến phố, đường giao thông và khu vực công cộng trên toàn địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời gian thực hiện: bắt đầu từ 16 giờ 00, ngày 17/5/2014.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai nội dung Thông báo này tới cơ sở để mọi người dân biết và chấp hành; phối hợp với các lực lượng chức năng của Tỉnh kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Đài Phát thanh – Truyền hình Tỉnh đăng, phát nội dung thông báo này trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và chấp hành./.

  
Nơi nhận:
- TTr.TU, HĐND Tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBMTTQ và các Đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các cơ quan TW trên địa bàn Tỉnh;
- Báo BR-VT;
- Đài PT-TH Tỉnh;
- Lưu: VT- V1.
                KT.CHỦ TỊCH
                 PHÓ CHỦ TỊCH
 (đã ky tên đóng dấu )

               Hồ Văn Niên

Yêu nước có cần "ra điều kiện"


Yêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm.
LTSNhững ngày này, khi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc ngang nhiên xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trực tiếp đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt lại bùng lên mãnh liệt. Mới đây, Tuần việt Nam nhận được bài viết của công tác viên trẻ- Đặng Hoàng Giang- giảng viên ĐH Phan Chu Trinh (Hội An- Quảng Nam), bàn về vấn đề này với một góc nhìn mới.
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây. Và rất mong nhận được nhiều bài viết của bạn đọc gần xa bàn về chủ đề lòng yêu nước trong thời cuộc mới.
Nhìn lại tinh thần yêu nước truyền thống
Từ xưa đến nay, lòng yêu nước của người Việt thường được hiểu là tinh thần chiến đấu “bất khuất, gan dạ, dũng cảm” nhằm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc trước họa xâm lăng. Nghĩa là, nói đến tinh thần yêu nước là nói đến một thái độ ứng xử đặc trưng gắn liền với bối cảnh chiến tranh: Được hình thành, tôi luyện bởi các cuộc chiến tranh vệ quốc triền miên; tỏa sáng rực rỡ trong các cuộc chiến tranh khi Tổ quốc bị xâm lược.
Vì thế, mặc dù được tôn vinh bằng vô số mỹ từ, chúng ta vẫn có lí do để nói rằng: Tinh thần yêu nước “kiểu cũ” là một kiểu ứng xử bùng lên nhất thời, do ngoại cảnh kích thích, còn đời thường, nó bị “phủ lên” vô vàn những nhược điểm, thậm chí là thói xấu. Bởi, trong đời thường, hình ảnh của người Việt nhiều lúc trở nên… nhếch nhác.
Non sông, trường tồn, yêu nước kiểu mới, kiểu cũ, Hoàng Giang, Nhà nước, tiểu nông, người Việt
Người Hà Nội tham gia tuần hành yêu nước, phản đối Trung Quốc
Giã từ vũ khí, người Việt trở lại cuộc sống đời thường trong nguyên vẹn hình hài của người tiểu nông: Khôn vặt, nhỏ nhen, vị kỉ, vị lợi, cục bộ, phe cánh, cá mè một lứa, cá đối bằng đầu... Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ - vốn được xem là “túi khôn” của người Việt có rất nhiều câu biện minh cho lối sống ấy: “Thổi lửa cháy mồm”, “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Là tập hợp nhiều cá nhân đơn lẻ, xã hội người Việt trở thành một cộng đồng rời rạc, manh mún, rất dễ chia cắt và phân hóa. Chán nản, mệt mỏi trước thực tại, số đông chọn cách ẩn mình trong ốc đảo cá nhân và thờ ơ với  bên ngoài.
Dù cuộc sống luôn đặt ra nhu cầu đổi mới, nhưng do thiếu liên kết xã hội và khan hiếm niềm tin, rất ít người có ý thức thay đổi tư duy, nhận thức và lề lối sinh hoạt. Tình trạng dửng dưng, an phận được bộc lộ qua câu cửa miệng quen thuộc: “Mắc kê nô” (mặc kệ nó). Cứ thế, cuộc sống trôi đi trong một nhịp quay luẩn quẩn, đơn điệu. Tình yêu nước khi đó có tính nhất thời.
Điểm lại cách ứng xử của một số  thể chế nhà nước đã từng tồn tại trong lịch sử. Điểm chung là chỉ đẹp trong chiến tranh: khi Tổ quốc lâm nguy.
Cho nên, sau các cuộc chiến tranh vệ quốc, tuy nền độc lập quốc gia được giữ vững nhưng sự tự do cá nhân với các quyền cơ bản của con người không được đảm bảo, công nhận. Điều này tạo nên một sự kìm hãm to lớn đối với sự phát triển nguồn lực con người nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Tuy mang đến các chiến thắng oanh liệt trong các cuộc chiến tranh, nhược điểm của tinh thần yêu nước kiểu cũ là nguyên nhân sâu xa làm cho quốc gia suy yếu, trì trệ, nguy hiểm nhất là trở thành đối tượng béo bở cho các ý đồ xâm lăng từ bên ngoài.
Xây dựng một tinh thần yêu nước “kiểu mới”
Yêu nước kiểu mới là hình thành tư cách công dân: Tư cách công dân với một số thuộc tính cơ bản (khả năng tư duy độc lập, tinh thần khoan dung với kẻ khác, tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức chịu trách nhiệm, ý thức vị cộng đồng) được xem là yêu cầu quan trọng hàng đầu của người công dân trong xã hội hiện đại.
Với người Việt Nam hiện nay, yêu nước kiểu mới nghĩa là quyết tâm khắc phục những nhược điểm của lối sống tiểu nông vốn chịu sự chi phối sâu sắc của bản năng và tập tục để sống theo tinh thần của người công dân hiện đại. Thay vì trở thành một phản xạ có điều kiện cho trước, lòng yêu nước cần được chuyển hóa thành cách suy nghĩ, hành vi cụ thể trong đời sống thường nhật. Thay vì thụ động chờ đợi ngọn gió đổi mới từ Nhà nước, mỗi người dân cần chủ động thay đổi lối sống, hành vi của mình.
Non sông, trường tồn, yêu nước kiểu mới, kiểu cũ, Hoàng Giang, Nhà nước, tiểu nông, người Việt
Ảnh: Kiên Trung
Bởi lẽ, khi một người dân tìm cách thay đổi nhận thức và hành vi, anh ta đang tự mở ra một khả năng thay đổi cho đời sống xã hội. Hơn nữa, nếu một mô hình kinh tế và chính trị muốn trở nên tốt đẹp hơn, thì động lực trực tiếp của nó phải luôn xuất phát từ những thay đổi đạo đức và hiện sinh căn bản trong xã hội.
Yêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm.
Trên đường đi tới xã hội hiện đại, vượt qua các giới hạn ngặt nghèo của ý thức hệ, con người đã sáng tạo nên một mô hình thể chế tiến bộ - được xem là bệ đỡ vật chất cho sự phồn thịnh của các quốc gia phát triển. Đó là một cấu trúc bao gồm: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và các hội đoàn dân sự.
Nếu tư cách công dân được xem là chuẩn mực của con người hiện đại thì cấu trúc này được xem là cơ sở căn bản để xác định trình độ văn minh và năng lực phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, yêu nước theo kiểu mới cũng có nghĩa là kiên quyết chuyển từ cấu trúc thể chế cũ sang cấu trúc thể chế mới với ba trụ cột vừa nêu.
Xét trong điều kiện Việt Nam hiện tại, đây là con đường chuyển đổi hòa bình, khả thi, phù hợp và hiệu quả nhất. Nếu thực tâm chuyển đổi theo hướng này, chúng ta không chỉ tìm ra một lối thoát hữu hiệu cho vấn đề Biển Đông trước mắt, mà còn là giải pháp dài hạn để đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy của chia rẽ, nghèo đói, lạc hậu và trở thành một thành viên có giá trị trong thế giới hiện đại, văn minh.
Dã tâm của Trung Quốc tại Biển Đông đang đặt tương lai dân tộc trước hiểm họa sống còn, nhưng cũng mở ra một cơ hội không thể tốt hơn để dân tộc ta đi tới một cuộc thay đổi thực sự. Người nắm vận mệnh thay đổi chính là cả dân tộc Việt, từ Nhà nước đến mỗi người dân.
  • Đặng Hoàng Giang

Ông cha ta khôn khéo nhưng chưa bao giờ yếu hèn

BTTD: Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Lòng dân không thuận thì Đất nước suy vong.

Ông cha ta khôn khéo, vì nhận thức rõ khi ở cạnh một nước lớn, khéo léo là một kỹ năng không thể không có. Thế nhưng ông cha ta tuyệt đối không bao giờ thể hiện sự yếu hèn.
Nội lực mạnh thì mối đe doạ từ bên ngoài giảm
Chúng ta nuôi dưỡng lòng yêu nước trong nhân dân bằng cái gì? Bằng chính sự bảo vệ, che chở mà Nhà nước dành cho người dân, bằng cách tạo dựng lòng tin của nhân dân vào chính quyền, bằng cách tạo dựng cho họ một cuộc sống tốt đẹp và bình yên hơn mỗi ngày; bằng chính sự tôn trọng lòng yêu nước của từng người công dân Việt Nam đang sinh sống trên mảnh đất này. Lúc giữ được lòng dân là lúc nội lực đất nước mạnh nhất. Nội lực mạnh thì mối đe doạ từ bên ngoài sẽ giảm đi rất nhiều.
Có người cho rằng quyền yêu nước là của riêng ai đó, hay nghĩ rằng họ biết yêu nước hơn người khác. Nói như vậy, xã hội sẽ rất dễ bị phân tán... Trong lúc đất nước cần đồng lòng, việc coi nhẹ lòng yêu nước của người có quan điểm khác với mình là sai lệch vô cùng.
Nếu cứ khi đất nước lâm nguy, chúng ta mới nhờ cậy vào lòng yêu nước thì điều đó rất không đúng và mọi sự có thể sẽ quá muộn màng. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng ta đã từng thắng một đế quốc hùng mạnh như nước Mỹ và giành chiến thắng ở những cuộc chiến xâm lược phương Bắc khác thì chúng ta sẽ đương nhiên thắng trong những cuộc chiến tranh sau này - đó sẽ là ý nghĩ cực kỳ sai lầm.
Trên thế giới, người ta đã chứng kiến rất nhiều quốc gia ở thời điểm này đang tan rã, chứ không phải thời điểm nào khác - một thời điểm mà tưởng chừng như thế giới đang yên ổn nhất khi mà lợi ích của các quốc gia đều có sự ràng buộc lẫn nhau. Không dễ gì một quốc gia có thể bị ảnh hưởng, bị chia cắt bởi một biến cố nào đó. Nhưng bằng cách này hay cách khác, nhiều quốc gia đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tan vỡ. Những bài học đó khiến chúng ta không thể chủ quan.
Hãy nhìn vào điều kiện thực tế bây giờ, lòng dân của chúng ta bây giờ, sức mạnh của Trung Quốc và phương tiện để thực hiện được ý muốn của Trung Quốc bây giờ đang ở một thời điểm hoàn toàn khác, để biết rằng chúng ta cần phải có những suy tính thật kỹ càng trong mỗi bước đi của mình.
Lịch sử chiến tranh của chúng ta đã chứng minh: vũ khí chưa bao giờ mang tính quyết định sự thắng bại của cuộc chiến. Chúng ta có tự tin vào sự đoàn kết của dân tộc lúc này hay không? Chúng ta có tự tin vào sức mạnh của đất nước trong một bối cảnh đang có rất nhiều khó khăn, mà không ít trong số đó do lỗi của chủ quan.
Có ý kiến cho rằng giờ không phải là thời dùng sức người cho những cuộc chiến tranh. Giờ là thời đại chiến tranh của vũ khí tối tân hiện đại. Nhưng nếu như thế, chẳng lẽ tất cả những quốc gia nhỏ bé sẽ rơi vào tay kẻ mạnh? Nếu nghĩ như thế, thì nghĩa là những người đó đã có tư tưởng chuẩn bị đầu hàng. Lịch sử của chúng ta đã chứng kiến những chiến thắng tưởng như phi lý nhưng lại rất hợp lý nhờ biết kết hợp sức mạnh chiến tranh toàn dân.
Chúng ta tin tưởng vào điều đó, song chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận tất cả những hiện thực đang diễn ra, cả những điều có thể khôn lường.
Người Việt Nam có câu "lá lành đùm lá rách". Nhưng những hiện tượng người Việt xấu xí vừa qua, nhìn rộng ra, những hiện tượng như vậy sẽ ít nhiều làm sứt mẻ lòng yêu nước nơi người dân.
Khi chúng ta nói đến lòng yêu nước, nói đến toàn vẹn lãnh thổ, nói đến sức mạnh dân tộc, chúng ta sẽ phải nhắc lại những điều nhỏ nhất: những người không biết động lòng trước những đau khổ của người khác, không biết xót xa cho sự bất hạnh của người khác, thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào thực tế đó, để kịp thay đổi những bất ổn trong cách tổ chức xã hội của chúng ta hiện nay, để không để mất đi thêm nữa thứ tài sản quý giá vô vàn ấy của dân tộc.
Tôi luôn tin, bất kể chuyện gì xảy ra, lòng yêu nước luôn luôn có trong tâm hồn mọi người Việt Nam, cũng như tôi vẫn tin rằng sức sống của dân tộc là mãi mãi. Chỉ có ở trong mỗi điều kiện, sự thể hiện và sự nhiều ít của tình yêu đó trong mỗi con người có thể khác nhau. Nếu như chúng ta biết cách để làm cho cuộc sống hài hoà hơn, thì lòng yêu nước đó không chỉ xuất hiện khi giặc đến nhà, mà nó sẽ thể hiện trong cả từng hành động nhỏ mỗi ngày.
Giàn khoan, HD-981, Hải Dương-981, biển Đông, ASEAN, Trung Quốc, COC, DOC, yêu nước, tuần hành, vòi rồng, bành trướng, chiến tranh, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền, độc lập dân tộc
Chúng ta không bao giờ châm ngòi, nhưng bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ sống còn. Ảnh:Kiên Trung
Chúng ta đừng mơ hồ
Lịch sử đã chứng minh rằng, bất cứ lúc nào chúng ta yếu nhất, quân phương Bắc đều không bỏ lỡ cơ hội xâm lược; khi nào chúng ta tự mạnh lên được thì họ tự khắc sẽ phải e dè trong mỗi bước đi của mình.
Những ngày tháng 4 vừa qua, ta đã có hoạt động cầu siêu cho các liệt sĩ trong trận hải chiến. Nhưng sau 35 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, dường như ta vẫn chưa tôn vinh xứng đáng những người đã ngã xuống khi đó, bởi ta không muốn gợi lại để nhằm giữ tình hữu hảo.
Sự khôn khéo đã có từ đời ông cha mình. Ông cha ta khôn khéo, vì nhận thức rõ khi ở cạnh một nước lớn, khéo léo là một kỹ năng không thể không có. Thế nhưng ông cha ta tuyệt đối không bao giờ thể hiện sự yếu hèn.
Cả thế giới biết rằng Nhật và Mỹ là đồng minh, nhưng không vì thế mà người Nhật tránh né việc tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân chết vì bom nguyên tử của Mỹ hàng năm. Vì dù như thế nào đi chăng nữa, những việc đồng bào, chiến sĩ hi sinh vì bảo vệ đất nước thì phải được đất nước này công nhận một cách đàng hoàng.
Việc chúng ta tôn trọng những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, không có nghĩa là chúng ta thiếu đi sự tôn trọng cần có trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Mà trong suy nghĩ của tôi, nếu chúng ta không tôn trọng đồng bào của mình đầu tiên, thì sự tôn trọng dành cho quốc gia khác cũng là vô nghĩa.
Nhưng chúng ta đã im lặng hơn mức mà chúng ta nên có. Còn Trung Quốc ngược lại. Lần này, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của chúng ta, người dân cả nước nhất loạt đi biểu tình ở cả 3 miền. Mặc dù trước đó, trong những chuyện như vậy, ta vẫn ứng xử mềm mỏng.
Với vấn đề biển Đông, chúng ta đừng hy vọng quá nhiều vào sự giúp đỡ của các nước khác. Vì bất cứ quốc gia nào khác cũng sẽ đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc của họ lên hàng đầu. Chúng ta hãy xác đinh tinh thần tự lực tự cường là chính. Tự chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề của mình.
Không đâu xa, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những việc Trung Quốc giúp chúng ta có  sự chân thành ở trong đó, thể hiện ý nguyện và sự đồng thuận của nhân dân Trung Quốc, nhưng cũng có cả sự toan tính về quyền lợi. Bất cứ thời điểm nào trong suốt quãng thời gian sát cánh bên chúng ta trong hai cuộc kháng chiến, Trung Quốc chưa bao giờ quên đi lợi ích của họ.
Như truyền thông đã đưa tin, vào năm 1972, Trung Quốc đã bất ngờ bắt tay với Mỹ và quay lưng lại với chúng ta. Tôi vẫn còn nhớ bức tranh trên báo Nhân Dân năm 1972: Bàn tay của người Trung Quốc đã bắt lấy bàn tay của người Mỹ, và từ hai bàn tay đang bắt chặt đó những giọt máu chảy ra, biến thành bom đạn rơi xuống tấm bản đồ Việt Nam ở phía dưới.
Đã đến lúc cần những thay đổi trong cách ứng xử với người láng giềng.
Điều gì có thể khẳng định Trung Quốc sẽ không kéo giàn khoan vào sâu hơn nữa ở chỗ khác và điều gì khẳng định sẽ không chỉ có giàn khoan sau những bước đi này, ở những nơi sâu hơn nữa trong lãnh thổ nước ta. Vì theo như đường lưỡi bò mà TQ đang tuyên bố chủ quyền, thì lãnh thổ biển của TQ chỉ cách đất liền của chúng ta 12 hải lý và nơi mà chúng ta đang khai thác các nguồn tài nguyên biển bao đời nay là nằm trên đất Trung Quốc (!).
Chúng ta sẽ không bao giờ là người châm ngòi cho những cuộc đụng độ. Và chiến tranh là điều cuối cùng mà dân tộc này mong muốn. Những người Việt Nam đã đi qua chiến tranh như tôi hiểu và trân trọng hơn bao giờ hết hai chữ Hoà Bình.
Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng là nhiệm vụ sống còn của chúng ta - những chủ nhân thực sự của mảnh đất này. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể: tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tìm kiếm thêm những đồng minh trên biển Đông; Chúng ta có thể kiện ra Toà án Quốc tế nếu cần; Chúng ta phải làm cho đất nước mạnh lên, với việc đầu tiên là thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém và sửa chữa những yếu kém đó, để cả dân tộc có được sự gắn kết, sự tụ tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào...
Tôi tin những việc làm cần thiết để bảo vệ chủ quyền của những người đứng đầu đất nước sẽ luôn có nhân dân đứng sau ủng hộ hết lòng. Dù vào bất kỳ thời nào, không bảo vệ được chủ quyền của đất nước đều là mang tội với thế hệ ông cha đã giữ mảnh đất này suốt mấy ngàn năm qua!
Lê Kiên Thành

Thông Báo !


Công an, chính quyền đã làm việc với Hải Phạm v/v không được tổ chức biểu tình ở Vũng Tàu. UBND tỉnh BR-VT đã đt cho Hải, chuyển công văn của tỉnh v/v cấm biểu tình.
Vì vậy tôi xin thông báo để mọi người không tham gia cuộc biểu tình lúc 9h sáng ngày 18/5/2014 tại NTLS đường Lê Hồng Phong tp VT.
Xin lỗi và cám ơn các bạn đã ủng hộ ! Chính quyền đã có lệnh cấm rồi.
Hải Phạm sẽ giải thích sau nhé !

Gần 2.000 người biểu tình ở Paris phản đối TQ


- Quảng trường Trocadéro, Paris chiều tối qua ngập tràn cờ đỏ sao vàng cùng biểu ngữ phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam.
Cuộc biểu tình hòa bình diễn ra từ 17h đến 19h ngày 16/5 (giờ Paris).
Trong 2h đồng hồ, gần 2.000 người Việt Nam và Pháp đã cùng nhau giương cao các biểu ngữ bằng tiếng Pháp, Anh, Việt và hô vang khẩu hiệu: Trung Quốc hãy rút khỏi vùng biển Việt Nam, Phải tôn trọng Công ước luật biển LHQ, Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam...
Những ca khúc yêu nước Việt Nam đã vang lên suốt cuộc biểu tình: Hát mãi khúc quân hành, Nối vòng tay lớn... ở quảng trường Trocadéro nổi tiếng - địa điểm đẹp nhất để người Pháp và du khách thế giới ngắm tháp Eiffel.
Hình ảnh cả rừng cờ hướng về Tổ quốc thân yêu:
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
biểu tình, Paris, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
Nguyễn Thị Huệ - Hiệu Constant (từ Paris)