Trang

2 tháng 4, 2016

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”

Sau khi đọc hai câu thơ đó trước hội trường Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) giải thích: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua”. Giữ “nỏ thần” là giữ cho đất nước trước họa xâm lăng và có điều kiện phát triển văn minh, thịnh vượng.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quochoi.vn).
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đất nước chúng ta đang phải đối diện với cả ngoại xâm và nội xâm. “Tức là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việc xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Bây giờ chúng ta phải làm gì?”- ông Nghĩa đặt vấn đề và đưa ra hàng loạt giải pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Trước hết, ông Nghĩa đồng ý với nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy, tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất.
“Tôi muốn nhấn mạnh vào hai cụm từ “quốc gia dân tộc” và “người dân”. Tôi nhận thức rằng, hàng ngàn năm qua ông cha ta giữ vững được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ vào bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó tôi xin bổ sung vào quan điểm phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào, bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước”- ông nói.
Ông Nghĩa kỳ vọng phải làm sao cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. “Năm 1946 khi cụ Hồ sang Pháp dự hội nghị, nhiều trí thức thành đạt đã từ bỏ vinh hoa phú quý đi theo cụ về nước, về chiến khu kháng chiến, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã sẵn sàng ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cho dù phải trả giá đắt về tiền đồ, cuộc sống, thậm chí tính mạng”- ông Nghĩa nêu lại câu chuyện lịch sử.
Rồi chính ông đau đáu trước Quốc hội về thực tế hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài. “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết. Phải đảm bảo cho người dân chưa giàu cũng phải thấy được tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý; được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân thấy tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”- ông Nghĩa đau đáu.
Trong phát triển kinh tế đất nước, vị luật sư đến từ TPHCM cho rằng, phải động viên được 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học, chăm làm, bớt nhậu nhẹt, bớt tiêu xài phung phí. Người dân ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho dù chất lượng chưa bằng hàng ngoại - như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận, ích kỷ mà dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm chế biến độc hại. Chấm dứt các dự án gây ô nhiễm, tàn phá thiên nhiên, qua đó hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình.
“Cán bộ công chức phải giảm bớt lãng phí, thề không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng”- ông Nghĩa thẳng thắn.
Đồng thời phải tăng cường mối đại đoàn kết 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong nước - ngoài nước, hàn gắn vết thương quá khứ và không khoét thêm vết thương mới.
“Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức”- ông Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.
Nhắc lại sự kiện lịch sử gắn liền với cái tên Diên Hồng - tên của Hội trường Quốc hội hiện nay, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định điều đó đã minh chứng cho một chân lý: Hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm, đông và mạnh hơn mình nhưng cuối cùng luôn luôn thắng lợi bởi luôn nuôi dưỡng được lòng yêu nước của toàn dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TPHCM xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu.
Thế Kha ( Dân Trí )

​“Chạy chức xong, phải vơ vét mới đủ bù!”

- “Người ta bảo nước trong quá thì cá không ở. Người trong sạch không ai chơi, có khi còn coi là quan hệ kém. Ai dám làm người tốt nữa”.
Nghe ĐBQH Đỗ Văn Đương phát biểu mà lòng chua xót quá !
Đại biểu Đỗ Văn Đương đã dành gần trọn 7 phút phát biểu để nói về nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng... khi góp ý về báo cáo hoạt động nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính Phủ sáng 29-3.
BỞI BAOMOI.COM

1 tháng 4, 2016

Nói về Biển Đông, ai đúng? ai sai?

Ông Lê Văn Lai: 'Tôi ngạc nhiên với báo cáo về biển Đông'

Đánh giá của Chính phủ và các cơ quan về tình hình biển Đông đều cho rằng "đảm bảo được chủ quyền và lợi ích quốc gia", tuy nhiên đại biểu Lê Văn Lai lại chỉ ra hàng loạt diễn biến "không thể coi là bình thường".
Là người phát biểu gần cuối, tuổi đã cao và không tái cử nhiệm kỳ sau, đại biểu Lê Văn Lai xin "vài phút nói điều gì đó" cuối buổi thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/4.
"Tôi ngạc nhiên khi tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về biển Đông đều cho rằng đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia, trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép ngư dân, người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận", đại biểu Lai mở đầu ý kiến của mình.
ong-le-van-lai-toi-ngac-nhien-voi-bao-cao-ve-bien-dong
Đại biểu Lê Văn Lai tha thiết đề nghị có đánh giá đúng về tình hình biển Đông để có những quyết sách phù hợp. Ảnh: Giang Huy.
Ông cho hay đã cố "ép suy nghĩ" của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là "đảm bảo chủ quyền quốc gia". "Nhưng nói thật là tôi ép không nổi", đại biểu Lai bộc bạch.
Theo ông, không thể coi những hành vi ông liệt kê ở trên là bình thường được mà phải gọi đó là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.
"Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa. Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn để xâm lấn chủ quyền. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng. Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa, phù hợp không", ông nêu vấn đề.
Gửi gắm tâm tư tới những người sẽ được bầu vào các vị trí lãnh đạo, ông Lai nói: "Chống giặc nội xâm là làm sao chống được tham nhũng, chống giặc ngoại xâm là bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí, còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu".
Trước đó, tại phiên thảo luận sáng, đại biểu Vũ Công Tiến cho rằng tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, gay gắt và khó lường. "Chúng ta đã có bài học nhãn tiền qua hàng nghìn năm, năm 1974 mất Hoàng Sa. Có nhiều lý do, tôi cho trong đó có lý do tin bạn mất bò", đại biểu Tiến nói. Từ thực tế trên, ông Tiến bày tỏ hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình.
Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đúc kết hàng nghìn năm qua ông cha ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chính nhờ bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mượn ý thơ Tố Hữu "nỏ thần chớ để sa tay giặc - mất cả đất liền cả biển sâu", ông Nghĩa lý giải, nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm. Đất nước sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này, người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng.
Trong những ngày tới, bên cạnh việc thảo luận và thông qua một số luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội dành nhiều thời gian cho việc bầu và phê chuẩn Chủ tịch nước, Thủ tướng, kiện toàn cơ cấu nhân sự Thường vụ Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 bế mạc vào 12/4.
Báo cáo đánh giá bổ sung kinh tế, xã hội 5 năm (2011-2015) của Chính phủ có đoạn: "Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố và gắn kết chặt chẽ hơn. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được nâng lên".
Võ Hải (Vnexpress )

31 tháng 3, 2016

Tình người Miền Tây

Miền Tây gạo trắng nước trong
Nay đang khô hạn khát lòng nhân gian
Cụ già chẳng quản gian nan
Đem cho nước ngọt chẳng màng hư danh
Còn bao nhiêu nước để dành
Cụ mang chia sẻ lòng thanh để đời.


Chuyện cụ bà Nguyễn Thị Huỡn (75 tuổi, ngụ số 136 đường Nguyễn Thị Định, TP. Bến Tre) tự nguyện lấy nước ngọt từ giếng nhà để cho không bất cứ ai thiếu nước xài vì hạn mặn đã trở thành một sự kiện thời sự.
THANHNIEN.VN|BỞI BÁO THANH NIÊN
Phạm Hải

Bà cụ đem nước ngọt cho mọi người: 'Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương'

Chuyện cụ bà Nguyễn Thị Huỡn (75 tuổi, ngụ số 136 đường Nguyễn Thị Định, TP. Bến Tre) tự nguyện lấy nước ngọt từ giếng nhà để cho không bất cứ ai thiếu nước xài vì hạn mặn đã trở thành một sự kiện thời sự. 
Báo chí không ngừng đưa tin về việc làm của cụ, không chỉ vậy, có nhà báo còn nhanh nhạy vận động mạnh thường quân hỗ trợ các bồn đựng nước cho cụ tiện san sẻ cho người đến xin nước. Cụ rất vui và biết ơn khi nhận được sự đồng cảm đến từ nhiều nơi.
Tuy vậy, tiếp xúc với cụ vào ngày 31.3, tôi, một trong những người sớm tham gia đưa tin về việc làm của cụ, cảm nhận ở cụ lộ ra một nỗi ưu tư. Theo cụ, việc làm của cụ chỉ nhỏ xíu so với cái to tát mà người khác làm được nên báo chí cứ quay phim chụp hình hoài khiến cụ thấy ngại.
"Chỉ là sẵn nước trời cho, gia đình mình có 4 người xài không hết, bà con cần, mình không cho thì để làm gì, còn tiền điện chạy bơm nước, có người đòi bù lại thì có nhiêu đâu mà tính. Cũng có người làm tàu hủ tới lấy một lúc nửa khối nước đòi trả khối 50.000 đồng, mình cũng chỉ nói lại cần thì lấy chớ không muốn tính thiệt hơn gì… Chuyện có vậy mà mới đây mấy ông ở xã cử người qua tính treo bảng “Tấm lòng vàng” biểu dương trước nhà, gia đình không dám nhận vì treo vậy giống khoe mẽ mình với bà con xung quanh, coi kỳ lắm", bà tâm sự.
Một gia đình ai cũng tốt bụng 1
Cụ Huỡn bên một thực tập sinh báo chí
“Thiệt ra, cái giếng nhà có đã hơn 20 năm, hồi cả xóm này chưa có nước máy để xài. Trong xóm có mấy chục cái giếng dân đào lấy nước nhưng nhiều giếng nước đục và phèn không dùng được. Hên cái giếng nhà được nước ngọt và lại trong nên việc chia sẻ cho bà con trong xóm cùng xài là chuyện quen rồi” – chị Lê Thị Cẩm, con gái cụ Huỡn góp lời.
Bà cụ đem nước ngọt cho mọi người: 'Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương' - ảnh 2
Chuyện có vậy mà mới đây mấy ông ở xã cử người qua tính treo bảng “Tấm lòng vàng” biểu dương trước nhà, gia đình không dám nhận vì treo vậy giống khoe mẽ mình với bà con xung quanh, coi kỳ lắm.
Bà cụ đem nước ngọt cho mọi người: 'Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương' - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Huỡn tâm sự
Theo chị, chỉ gần đây khi hạn mặn quá gắt, cả nước máy cũng bị mặn, biết nhu cầu cần nước ngọt sẽ nhiều, má bàn với anh hai (anh Lê Văn Phước, anh ruột chị Cẩm – PV) sắm cái mô tơ để chủ động bơm nước từ giếng lên thay cách dùng gàu như lúc trước đặng thuận tiện cho bà con tới lấy nước. Má còn kêu treo bảng “cho nước” lên trước nhà để bà con cần đến xin không ngại.
“Mà tức cười lắm, treo bảng lên xong, tới ba ngày anh hai than ủa sao không thấy ai tới xin nước vậy cà, tới ngày thứ tư mới có người đầu tiên khiến anh mừng quá la lên tao cho nước được một người rồi mày ơi” – chị Cẩm xởi lởi.
“Bây giờ quen rồi, mỗi ngày khi thì 5 -7 người, khi thì mười mấy hai chục người tới đây lấy nước là chuyện thường. Thấy người ta vui, cả nhà vui lây”.
Chị Cẩm cũng cho biết thêm, đối với người già neo đơn nghèo khó, không có điều kiện đi xin nước, chị vẫn thường dùng xe máy chở từng can nước đến tận nơi cho. Giải thích lý do chị làm việc này chị nói đơn giản mình sinh hoạt gia đình phật tử, lại phụ trách một ban nhi đồng mấy chục em, mình không làm gương lấy gì nói các em nghe.
Một gia đình ai cũng tốt bụng 2
Chị Cẩm trong một lần đi cứu trợ người nghèo -Ảnh nhân vật cung cấp
Riêng anh Lê Văn Phước, một thợ cửa sắt lành nghề, thì bộc bạch: “Thấy việc quan tâm đến người khác làm má vui khiến em cũng muốn góp phần vào điều đó. Chuyện bây giờ cần làm là em phải mua một số sắt để hàn thành một cái giá đặt 2 cái bồn các mạnh thường quân vừa ủng hộ cho vừa tầm san nước cho bà con, đặng không phụ ơn người ta đã giúp mình”
Nghe những chia sẻ của hai người con của cụ Hưỡn, tôi không biết nói gì hơn chỉ thấy cảm kích trong lòng: đạo lý ở đời đối với gia đình này được thể hiện tự nhiên như nước để uống, như không khí để thở.
Khoa Chiến

CHUYỆN TÌNH CÂY THANH LONG

(Kịch bản phim điện ảnh)

Hoa nắng long lanh cảnh như tranh
Nhà ai mới nhỉ giữa vườn xanh
Bao vất vả rừng hoang khai phá
Thanh long hữu thực người ẩn danh.

(Chủ nhân trang trại này không thích hư danh)
Phạm Hải

Ngân sách không đủ tiêu, đầu năm Chính phủ lo vay nợ


LTS: Việt Nam đã trải qua một giai đoạn nhiều năm liền gánh chịu khó khăn do những tác động bất lợi từ thị trường quốc tế, ảnh hưởng của thiên tai, cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp linh hoạt để ứng phó trong ngắn hạn, khởi động chương trình tái cơ cấu nền kinh tế để hướng tới mục tiêu dài hạn nhưng tình huống khó khăn hiện nay vẫn đặt Việt Nam trước nhiều thách thức lớn.
Tại Hội nghị TƯ 2 khóa 12 mới đây, cũng như các báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ trước Quốc hội đã cho thấy một tinh thần thẳng thắn nhìn vào thực tế khó khăn, từ đó cùng tìm giải pháp ổn định, đột phá đưa Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững.
Với cái nhìn từ thực tế, cụ thể vào những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải, VietNamNet thực hiện tuyến bài “Đối diện thách thức, mở hướng đột phá” để góp thêm những góc nhìn, giải pháp… cùng bạn đọc chia sẻ, giải quyết khó khăn cũng đất nước.
Bài 1: Ngân sách không đủ tiêu, Chính phủ vay nợ khắp nơi
Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước,  Chính phủ đã phải tính chuyện đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này.
Đầu năm đã tính chuyện đi vay
Nhận định bổ sung về tình hình kinh tế năm 2015 và định hướng 2016, trong một báo cáo gửi mới nhất gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ không giấu diếm nỗi lo về thu chi ngân sách.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.
Năm 2015, bất chấp giá dầu thô giảm mạnh (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng), thu ngân sách nhà nước cả năm vẫn cán đích ngoạn mục khi vượt chỉ tiêu tới gần 86 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Thu nhiều, nhưng chi lại không ngừng tăng lên. Tổng chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.
ngân sách, ngân sách nhà nước, chi tiêu, vay nợ, thu không đủ chi, thu chi ngân sách, Chính phủ
Kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, sát trần QH cho phép (ảnh minh họa)
Tình hình này không có dấu hiệu đổi chiều trong hai tháng đầu năm nay, khi chi vẫn nhiều hơn thu 25 nghìn tỷ đồng.
Bởi thế, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phải tính đến việc tính chuyện đi vay khắp nơi hàng trăm nghìn tỷ.
Cụ thể, Bộ này lên kế hoạch quý I/2016 phải vay thêm 25.000-30.000 tỷ từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay khoảng 10.000 tỷ đồng vốn ngoài nước; phát hành khoảng 76.000-81.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.
Như vậy, tổng số tiền vay mượn trong quý I lên tới 116 nghìn tỷ đồng, mục đích chính là để “trang trải nợ nần”, đầu tư phát triển, chẳng hạn khoảng 50,8 nghìn tỷ đồng sẽ để bù đắp bội chi năm 2016; đảo nợ năm 2016 khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng,...
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, đang tiến sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài là 43,1% GDP.
Thẩm tra tình hình thu chi ngân sách 2015, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ đánh giá: Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.
Còn Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá chi ngân sách còn tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định,... Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ theo dõi sát để điều hành “chính sách tài khóa thận trọng, bảo đảm tính chủ động, an toàn”.
“Vung tay quá trán”
Trả lời PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, cần thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất.
“Vì nếu thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh tế. Hiện nay, chính sách tận thu của Nhà nước khiến doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn”, TS Bùi Trinh nhấn mạnh.
ngân sách, ngân sách nhà nước, chi tiêu, vay nợ, thu không đủ chi, thu chi ngân sách, Chính phủ
Tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách (ảnh minh họa)
Vị chuyên gia này cũng thấy khó hiểu khi hàng năm, cơ quan thuế thường đặt mục tiêu năm sau thu thuế tăng so với năm trước 10-15% bất chấp tình hình doanh nghiệp có khó khăn thế nào.
“Tổng giá trị gia tăng (GDP) của cả nền kinh tế chỉ tăng từ 6-7% đã được xem là điểm sáng mà tại sao cơ quan thuế lại đưa ra mục tiêu chót vót như vậy?” - TS Bùi Trinh thấy khó hiểu.
Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỉ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.
Đây là thách thức không nhỏ. Bởi theo ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều giảm, còn thuế GTGT không thể tăng thêm được nữa. Nhà nước sẽ xoay sang các loại thuế nội địa khác.
“Việc chuyển chính sách thuế từ thu thuế xuất nhập khẩu sang thuế nội địa đang là hướng đi. Trước đây, Nhà nước ít thu thuế nội địa mà phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính là dầu thô, thuế xuất nhập khẩu và thuế GTGT”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu ngân sách ở Việt Nam. Tình trạng này thể hiện rõ nét ở cấp ngân sách địa phương - nơi được phân cấp một nửa ngân sách quốc gia - nhưng tính kỷ cương, kỷ luật tài khóa hết sức lỏng lẻo và có nhiều bất cập.
Xét theo cơ cấu chi tiêu, tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển, chưa kể chi trả nợ. “Một cấu trúc ngân sách thiên về “tiêu dùng” hơn “đầu tư” như vậy là hết sức rủi ro” - TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cảnh báo.
Hà Duy

Cuộc sống người Sài Gòn những năm 60


55 năm trước, quý ông Sài Gòn "ngồi đồng" cà phê vỉa hè ngắm phái đẹp trong tà áo dài thời trang chít eo xuống phố. Ngã tư Hàng Xanh mới được xây dựng trên một vùng đất hoang vắng. Ảnh do phóng viên Wilbur E. Garrett chụp năm 1961-1965.
Ảnh của Wilbur ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân, sự phát triển hạ tầng đô thị, chân dung người Việt khắp các tỉnh thành Sài Gòn, Đà Nẵng, Vĩnh Long... Ở Sài Gòn thời ấy, những quán cà phê vỉa hè trung tâm thành phố luôn đông đúc. Đa số khách hàng là nam giới thảnh thơi uống cà phê và ngắm những tà áo dài thướt tha qua phố. Những quán cà phê ở góc đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay) một thời là nơi tập trung của nhiều ký giả nước ngoài.
 
Chân dung một cô gái Sài Gòn đội chiếc nón lá, ảnh chụp ngày 10/10/1965.
 
Người dân đốt hương trầm và ánh nến cháy đỏ bập bùng trong một ngôi chùa năm 1961.
 
Những người phụ nữ làm lễ bên một lư hương nghi ngút khói ở Lăng Ông Bà Chiểu, Bình Thạnh ngày nay.
 
Một diễn viên thời bấy giờ với khuôn mặt được hóa trang đậm đang diễn trên sân khấu Chợ Lớn.
 
Người múa lân đang treo mình trên một thân cây tre ở khu vực Chợ Lớn năm 1961 thu hút nhiều người xem.
 
Người đàn ông chở vợ và con trai dạo phố trên chiếc xe Vespa màu trắng bên cạnh hai bà cụ đi xích lô ngắm phố phường. Ảnh chụp ở bến Bạch Đằng năm 1961.
 
Một cặp vợ chồng trẻ vi vu trên đường.
 
Một cô gái buộc tà áo dài vào chỗ ngồi sau xe để tránh vướng khi chạy xe đạp. Dọc hai bên đường lúc này là bảng hiệu quảng cáo của thương hiệu kem đánh răng phổ biến thời bấy giờ.
 
Bến cảng Sài Gòn với những con thuyền lớn neo đậu, ảnh chụp ngày 1/10/1961. Ngày nay khu vực này là Bến Bạch Đằng. 
 
Một bến cảng cạnh sông đang hoạt động cùng khu vực đô thị phát triển tiếp giáp sông Sài Gòn.
 
Hai người lái xích lô ngả lưng nghỉ ngơi trên chiếc xe của họ.
 
Ngã tư Hàng Xanh hướng ra cầu Sài Gòn - xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa mới được xây dựng, khu vực còn khá hoang vắng với vài chiếc ôtô đang lưu thông. Ngày nay ngã tư Hàng Xanh là điểm ùn tắc kẹt xe thường xuyên. Tình trạng tắc đường những năm gần đây được giải tỏa bớt nhờ xây dựng cây cầu vượt thép đầu tiên của thành phố. 
 
Khánh Ly
Ảnh: Wilbur E. Garrett