Trang

25 tháng 10, 2014

'Vụ bắt ông Thắm xôn xao giới làm ăn'


Vụ ông Hà Văn Thắm, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bất động sản, vừa bị bắt đã gây 'xôn xao' kinh động giới làm ăn ở Việt Nam, theo nhận định của một nhà quan sát từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 25/10/2014, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách & Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nói:
"Trong khi Việt Nam chưa xử đến cuối cùng đại gia Kiên (tức ông Nguyễn Đức Kiên), thì bây giờ lại xuất hiện ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Đại Dương, Chủ tịch của bốn đơn vị tài chính, các công ty tài chính, ngân hàng.
"Điều đó đã gây xôn xao dư luận trong giới làm ăn, đặc biệt là hệ thống tài chính ngân hàng."

'Trấn an'

Ông Thọ nói thêm: "Tuy có những trấn an rằng không có ảnh hưởng gì đến những hoạt động của Ngân hàng Đại Dương, nhưng người ta nhận định rằng đây cũng là một việc 'cực chẳng đã', vì việc này đã được Ngân hàng Nhà nước trước đó đã thanh tra.
Về mặt thời điểm ông Hà Văn Thắm bị bắt, vốn trùng với phiên họp của Quốc hội Việt Nam đang diễn ra, nhà quan sát bình luận:
"Thời điểm này đang có rất nhiều đồn đoán rằng đằng sau các đại gia này có thể là có một số thế lực nào đó, hay một nhóm lợi ích nào đó, và người ta thấy cần thiết quyết định vào lúc này."

Bức xúc với những 'luật rừng' trong 'rừng luật' Việt Nam


'Gần đây, người ta có khái niệm kiểu chúng tôi đã làm đúng quy trình (dù có gây oan sai hay chết người). Không có nhà nước pháp quyền nào làm đúng pháp luật mà chết người cả. Nếu không thì không thể cho là làm đúng được, họ chỉ bao biện thôi'.
Theo GS Nguyễn Đăng Dung, việc có những văn bản “trên trời” là nhiều khi người ta làm luật chỉ để chiều ý cấp trên, chứ không vì đa số dân chúng.
Đến tôi còn bức xúc nữa là!
- Khi đọc được những thông tin về các loại văn bản mà khi ban hành bị cho là xa rời thực tế, thậm chí vô cảm như quy định giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực trong một ngày ở Lào Cai, hay dự thảo quy định nơi bán bia không được vượt quá 30 độ C của Bộ Công Thương... ông thấy thế nào?
             - GS Nguyễn Đăng Dung: Việc có những văn bản xa rời thực tế đang là vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối hiện nay, dù đã có những hội thảo, hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình này nhưng nó vẫn không hề thuyên giảm.
Với quy định kiểu giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực trong một ngày, tôi biết Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y lên Lào Cai để kiểm tra thông tin. Quy định như thế không chỉ khiến những chủ trang trại mà đến tôi còn bức xúc nữa là.
- Nhưng hình như, khi đưa ra những văn bản quy định như thế, người ta cũng xuất phát từ mục đích tốt là bảo vệ sức khoẻ nhân dân?
- Tôi cũng có nhận thấy điều đó.
- Theo ông, vì sao người ta có mục đích, động cơ tốt song lại không thể chuyển hóa vào trong những văn bản mang tính thuyết phục?
- Là bởi họ không cân bằng được giữa trạng thái nôn nóng, vội vàng, muốn cho ra hiệu quả tức thì với việc phải cân nhắc thấu đáo trước khi ra quyết định. Văn bản quy phạm pháp luật phải được tính toán cẩn trọng. Tiếc là ở ta chưa làm được.
Đừng có đổ hết cho năng lực
- Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có những văn bản bị cho là “trên trời” như thế. Thử “bắt bệnh” cho nó, theo ông là do đâu?
- Dễ dàng nhận thấy rằng việc ban hành văn bản ở ta không bắt nguồn từ thực tiễn. Cái xưa nay chúng ta vẫn nói là đưa pháp luật vào cuộc sống chỉ đúng một phần. Bây giờ phải là đưa cuộc sống vào pháp luật, nhưng ta vẫn giữ tư duy cũ thành thử các văn bản pháp luật xưa nay không có hiệu lực thực thi hoặc kém hiệu lực.
- Thú thực, đôi khi đọc những văn bản đó, tôi tự hỏi: Không hiểu người ta nghĩ cái gì mà quy định như thế?
- Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi đó. Nó có vấn đề về trình độ, năng lực. Nhưng nó cũng có lý do mang tính hệ thống mà chúng ta không nên chỉ chăm chăm trách bản thân người ra quyết định.
- Ông đang biện hộ cho những người ra văn bản “trên trời” dù chính ông cũng thấy bức xúc với những văn bản đấy?
- Không phải, mà đó là thực tế. Ở ta hiện nay, bản thân người quản lý ra quyết định còn phải hướng về phía trên, giữa người dân và cấp trên thì họ chiều cấp trên hơn vì họ ăn lương từ cấp trên, ngồi ở vị trí đó là do cấp trên chứ không phải từ lá phiếu của người dân. Thậm chí, nếu làm đúng ý chí của dân thì họ mất chức, mất lương vì nhiều khi ý chí của trên nhưng cũng là ý chí của con người, chiều được người nọ thì lại mất lòng người kia. Do vậy, đừng có đổ hết cho năng lực!
- Nghĩa là, những người ra văn bản “trên trời” cũng cần được thông cảm?
- (Cười) Đó là sự thật mà. Họ cũng có cái khó khi đưa ra quyết định chứ. Dĩ nhiên, cũng tùy từng văn bản nhưng đúng là đang tồn tại thực tế như vậy.
Không thể lu loa “đã lấy ý kiến”, nếu…
- Ông đánh giá thế nào về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở ta hiện nay?
- Tôi rất đồng ý với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi đánh giá rằng, ở ta có cả một rừng luật nhưng hành xử lại áp dụng luật rừng. Đó là câu ví von rất hay và cũng cực chuẩn.
Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi như có nên gọi là văn bản quy phạm pháp luật hay bỏ chữ quy phạm đi. Chúng ta phân biệt như thế hóa ra chúng ta chỉ chú trọng khâu văn bản chứa đựng quy phạm còn những văn bản là nghị quyết, quyết định, chỉ thị của một người đứng đầu hành pháp lại không ban hành đúng quy trình, trong khi đáng ra quy trình chuẩn phải áp dụng cho mọi văn bản.
- Vậy thế nào mới là quy trình chuẩn trong ban hành văn bản?
- Nó tùy từng mức độ và từng loại văn bản. Nhưng tựu trung lại, trước hết cần căn cứ xem cơ quan ra văn bản đó là gì. Nếu là Quốc hội thì phải có biểu quyết đa số, muốn vậy phải tranh luận. Nhưng trước đó, để đưa ra một dự thảo luật thì cần những người làm công tác chuyên môn soạn thảo, không được duy cảm, duy lý.
Còn với cơ quan hành pháp, việc ban hành ra các quyết định là quyền của anh nhưng phải đúng luật. Muốn vậy, trước hết phải đúng thẩm quyền, thứ hai là đúng quy trình mà một trong những quy trình là khi ban hành quyết định liên quan đến quyền lợi của một nhóm xã hội nào đó thì phải hỏi ý kiến của họ như thế nào. Người Pháp có câu “Quyền của tôi phải được bảo vệ”, người Anh và Mỹ có câu “Phải lắng nghe phía bên kia”. Những cái như thế tiếc là chúng ta không có.
- Sao ông lại bảo không có, vì người ta vẫn lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật rồi đấy chứ?
- Đúng là người ta có lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo, thông thường là trên các website. Vậy nhưng, nên nhớ, thứ nhất không phải ai cũng có điều kiện sử dụng internet. Thứ hai, ngay với bản thân tôi có khi còn phải lăn lộn, vướng bận nhiều thứ trong cuộc sống cũng chẳng biết đến cái việc lấy ý kiến ấy. Thứ nữa, khi những văn bản ấy chưa động chạm đến quyền lợi của người ta thì họ chẳng quan tâm đâu.
- Thế thì còn trách gì được những người ra văn bản nữa, vì họ sẽ bảo “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi đấy, quý vị không góp ý thì khi ban hành quyết định, quý vị đừng kêu ca”!
- Không thể mang cái lý do đó ra để nại được. Anh không thể tung một cái dự thảo dài ngoằng ra để bắt người dân phải đọc rồi cho ý kiến. Không phải cứ tung dự thảo lên mạng rồi lu loa “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi đấy” là xong đâu.
- Vậy theo ông, làm gì để đưa ra được những văn bản khiến người dân tâm phục khẩu phục?
- Muốn vậy, với những dự thảo luật dài tới hàng trăm trang, người soạn thảo nên làm bản tóm lược những ý chính để người ta tiện theo dõi, góp ý. Còn với những dự thảo văn bản hành chính có tác động trực tiếp tới quyền lợi của người dân thì cần phải trực tiếp hỏi ý kiến của họ thông qua những buổi tiếp xúc. Biết là như thế sẽ làm khó nhà quản lý, nhưng đó là việc buộc phải làm để tránh những văn bản “trên trời”.
- Tôi e sẽ là chưa đủ nếu chính bản thân những người làm công tác điều hành, quản lý cũng phải bớt vô cảm?
- Dĩ nhiên rồi. Bản thân họ cũng cần phải học để hiểu về quyền hạn, trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực, trình độ thì mới đưa ra văn bản có tính khả thi. Ngoài ra, họ cũng cần nhận thức được rằng mình phải công tâm, vì dân. Muốn vậy thì việc tuyển chọn, bầu cử phải hoàn toàn từ lá phiếu của nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn ông!

/*** GS Nguyễn Đăng Dung“Luật phải là công lý, là bình đẳng, bác ái. Gần đây, người ta có khái niệm kiểu chúng tôi đã làm đúng quy trình (dù có gây oan sai hay chết người). Không có nhà nước pháp quyền nào làm đúng pháp luật mà chết người cả. Nếu không thì không thể cho là làm đúng được, họ chỉ bao biện thôi”./
 (Red.vn)
Theo Buivanbong

Chạy việc

Vnexpress

Gần đây, một em gái liên lạc với tôi để xin lời khuyên. Mẹ em đang muốn trả 300 triệu đồng cho người ta để đổi lấy vị trí tốt trong một ngành.
Em bảo đang rất phân vân vì số tiền quá lớn, đồng nghĩa với việc em gần như phải làm việc không lương trong nhiều năm. Nhưng em nghe nói vị trí ấy “nhàn và sung sướng” lắm, lại ổn định nên không muốn bỏ lỡ cơ hội.
Tôi những muốn hỏi lại em: Cơ hội nào? Cơ hội để phí phạm số tiền lớn mà mẹ em, một viên chức bình thường, đã vất vả tích lũy trong nhiều năm? Cơ hội để dung túng và nuôi dưỡng căn bệnh tham nhũng đang hoành hành trong bộ máy nhà nước? Dù suy nghĩ theo cách nào, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao em lại cảm thấy điều đó đáng làm. Em chỉ vừa ra trường và tràn đầy sức sống như mọi cô gái 9x mà tôi biết, vậy mà em đã sớm hình thành tư duy hưởng thụ - chọn việc nhàn hạ để ấm thân (chứ không phải công việc mình đam mê và muốn cống hiến). Nhưng không chỉ có em, cách đây không lâu, một cậu bạn khác của tôi cũng nói rằng ra trường bố mẹ sẽ xin cho cậu vào một cơ quan nhà nước rất lớn. Nếu vào được, cậu sẽ có một công việc ổn định và nhiều tiền từ “các nguồn thu khác”. Tôi đã không hỏi cậu “nguồn thu khác” ấy bao gồm những gì, vì tôi không muốn cảm thấy thất vọng thêm.
Cách đây hai năm, Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã tiến hành một cuộc khảo sát về thu nhập ngoài lương của công chức, viên chức tại 10 tỉnh thành lớn trong cả nước. Cuộc khảo sát này đã cũ, nhưng tôi tin rằng nó vẫn còn khá đúng với hiện trạng của đất nước. Trong số những người được hỏi, 79% viên chức thừa nhận đã được hưởng lợi từ nguồn thu nhập phụ không nằm trong quy chế, trong đó cứ chín người thì có một cho biết số tiền họ kiếm thêm bằng ít nhất 50% lương định kỳ.
Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng hành vi tham nhũng đằng sau chuyện quà cáp biếu xén là có, khi 25% công chức thừa nhận từng nhận tiền hoặc quà để lợi dụng chức vụ biệt đãi người tặng quà. 17% số người được hỏi khác cho biết họ thậm chí đã duyệt thăng chức cho các nhân viên thiếu năng lực vì lợi ích cá nhân. Một số người thừa nhận đã chạy tiền để đổi lấy một vị trí trong cơ quan nhà nước.
Tình trạng chạy tiền xin việc không chỉ hoành hành ở cơ quan nhà nước. Khu vực tư nhân cũng có tình trạng này, dù có thể không nghiêm trọng bằng. Cách đây một năm, tôi được người quen giới thiệu với anh chàng làm việc cho một ngân hàng tư nhân có tiếng. Anh trông rất đẹp trai và sáng sủa. Thế nhưng ngay trong buổi gặp đầu tiên ấy, anh đã hỏi tôi: “Em có mất nhiều tiền để xin việc không?”. Thú thực, tôi không nén được nỗi bực bội khi trả lời câu hỏi đó. Nhưng anh không hề nhận ra giọng điệu có phần giận dữ của tôi. Anh cho rằng việc chạy tiền kiếm việc là đương nhiên, và chắc không thể ngờ rằng tôi lại có thể cáu vì câu hỏi đó.
Nhiều người xung quanh tôi coi chuyện chạy tiền xin việc là bình thường. Họ cho rằng ai cũng làm như thế, nên việc họ làm chẳng có gì sai trái. Tôi không biết mình có ngây thơ quá hay không, nhưng tôi tin rằng nếu tất cả mọi người đều từ chối chạy tiền, thì người ta sẽ “buộc” phải tuyển dụng người giỏi nhất trong số ứng viên. Một vị trí cho kẻ chạy tiền để xin việc có nghĩa là một người khác - có thể giỏi hơn - bị mất đi cơ hội.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 116 trên Bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2013 - một vị trí thể hiện tình trạng tham nhũng ở mức độ tương đối nguy hiểm. Việt Nam chỉ đứng sau một số nước ở châu Á như Lào, Campuchia, Bangladesh, còn lại vẫn thua các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc, và bị bỏ xa bởi Malaysia, Hàn Quốc, Brunei, Singapore và Nhật Bản.
Với tình trạng hiện nay, tôi e rằng xếp hạng năm nay của Việt Nam sẽ chẳng khá hơn là bao. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy buồn vô hạn.
Minh Thi

Bạn hay thù?

Báo TQ xuyên tạc: Đoàn Tướng Việt Nam sang TQ để cầu hòa

(GDVN) - Bài viết tập trung phân tích các nhân tố giúp Việt Nam kiên quyết với TQ trong vấn đề Biển Đông, nhưng lộ rõ mưu đồ xuyên tạc cũng như bản chất xâm lược của TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vừa có chuyến thăm Trung Quốc
Trang mạng sina Trung Quốc ngày 23 tháng 10 đăng bài viết nhan đề "Vì sao Quân đội Việt Nam bất ngờ thăm Trung Quốc cầu hòa, Mỹ có hỗ trợ lớn hơn". Để khách quan nhất, báo GDVN xin đăng tải toàn bộ nội dung bài báo để độc giả rộng đường tham khảo.
Theo bài báo, ngày 17 tháng 10, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã tổ chức hội đàm với Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, hai bên đã đạt được đồng thuận “nguyên tắc 3 điểm” về việc tiếp tục phát triển quan hệ quân sự hai nước. Ba điểm đồng thuận này là:
Một, căn cứ vào phương châm 16 chữ "ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", từng bước khôi phục và thúc đẩy quan hệ quân sự hai nước phát triển lành mạnh ổn định.
Hai, quân đội hai nước tăng cường đoàn kết, tiến hành bảo đảm vững chắc cho củng cố địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hai nước.
Ba, tuân thủ đồng thuận quan trọng liên quan của các nhà lãnh đạo hai đảng, hai nước Trung-Việt, phát huy vai trò quan trọng trong việc xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, bảo vệ cục diện hòa bình, ổn định.
Trung Quốc kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương Thạch Du 981 và một lực lượng quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ ăn cướp trắng trợn biển đảo của Việt Nam (ảnh tư liệu).
Bài báo cho rằng, từ đầu năm 2014 đến nay, quan hệ Trung-Việt nhiều lần xảy ra vấn đề, quan hệ Trung-Việt tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn thể hiện cứng rắn, đặc biệt là thể hiện tư thế quyết không nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.
Luận điệu xuyên tạc cho rằng: Trong bối cảnh này, Phó bí thư Quân ủy Trung ương đại diện cho Đảng Cộng sản và Quân đội Việt Nam tại sao lại bất ngờ thăm Bắc Kinh “cầu hòa”? Dưới đây có một số phân tích vắn tắt.
Tiếp tục thói quen “gắp lửa bỏ tay người”, báo Trung Quốc cho rằng, từ khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, tình hình Biển Đông bắt đầu bất ổn. Ở Biển Đông, 2 nước rõ ràng đã có thái độ "rất không hữu nghị" với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.
Đối với Philippines, Trung Quốc chủ yếu để ý đến tình hình Mỹ đóng quân ở nước này, thực lực của bản thân Philippines quá yếu, khó gây ra sóng lớn. Trên thực tế, mấy năm gần đây, Philippines "nhảy lên" càng cao, thiệt hại thực tế càng lớn, đất nước hoàn toàn không đạt được lợi ích thực tế.
So với Philippines, Việt Nam thì khác. Theo bài báo, Việt Nam cách Trung Quốc gần, thực lực quân sự mạnh, đã tạo ra “mối đe dọa” nhất định đối với "an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông". Hơn nữa, Việt Nam "chiếm đảo đá của Trung Quốc" ở Biển Đông nhiều nhất (thực tế là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn Trung Quốc là kẻ xâm lược, bành trướng lãnh thổ).
Bài báo nói thêm, Việt Nam đã có rất nhiều mỏ dầu ở Biển Đông, giá trị kinh tế của những mỏ dầu này năm 2010 đã chiếm 30% GDP của Việt Nam. Vì vậy, có thể thấy, Biển Đông đem lại lợi ích thực tế thực sự cho Việt Nam. Báo Trung Quốc cho đây chính là “nguyên nhân căn bản” tại sao vào tháng 5 năm 2014, khi giàn khoan dầu khí Trung Quốc thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), Việt Nam không tiếc tiến hành "đối đầu, quấy rối" (thực tế là Việt Nam thực thi pháp luật tại các khu vực có chủ quyền chính đáng của mình) trên biển quy mô lớn với Trung Quốc.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Nhưng, theo bài báo, đương nhiên, "ân oán" giữa Trung-Việt cũng không đơn giản như vậy, cũng tuyệt đối không chỉ là nhân tố kinh tế, nhân tố lãnh thổ, mà còn pha trộn nhân tố lịch sử, nhân tố địa-chính trị và nhân tố nội bộ của Việt Nam (trên thực tế, suy cho cùng, nhân tố quan trọng nhất chính là Trung Quốc muốn ăn cướp toàn bộ biển đảo của Việt Nam và nước khác ở Biển Đông).
Báo Trung Quốc cho rằng, nhân tố lịch sử rất dễ lý giải, Trung-Việt trong thời kỳ Hồ Chí Minh là quan hệ "đồng chí + anh em". Bài báo tự nhận là, Đảng Cộng sản Việt Nam "trỗi dậy" dưới sự "nâng đỡ" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc càng “dốc sức” viện trợ Việt Nam, giá trị các loại vật tư Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam là “20 tỷ nhân dân tệ” (bài báo nhấn mạnh, vào thời điểm đó Trung Quốc còn rất nghèo mà lại viện trợ nhiêu như vậy), đã cử "mấy trăm nghìn quân" tiến hành chi viện.
Nhưng, cùng với quan hệ Trung-Xô đoạn tuyệt và quan hệ Trung-Mỹ ấm lên vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, giữa Trung-Việt bắt đầu "rạn nứt", cộng với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969... quan hệ Trung-Việt cũng bắt đầu đi xuống.
Bài báo tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, vào thập niên 1970, dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, Chính phủ Việt Nam (thống nhất nam bắc) bắt đầu "cắt đứt" với Trung Quốc. Thậm chí bài báo bịa đặt trắng trợn cho là Việt Nam còn chuẩn bị thông qua "chiến tranh" kiểm soát toàn bộ Đông Dương, và Liên Xô giúp Việt Nam "xâm lược nước khác, chiếm toàn bộ bán đảo Đông Dương" là do Liên Xô muốn tạo thế "bao vây chiến lược" đối với Trung Quốc.
Tàu Kiểm ngư KN 951 của Việt Nam sau khi bị Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo khủng bố vũ lực
Bài báo cho rằng, vì cái cớ nêu trên, Trung Quốc cuối cùng đã phát động cái gọi là "cuộc chiến tranh phản kích tự vệ" đối với Việt Nam (thực chất đây là một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam vào năm 1979, gây ra bao đau thương cho nhân dân Việt Nam).
Theo bài báo, từ đó, Trung Quốc và Việt Nam đã chuyển hoàn toàn từ quan hệ"đồng chí + anh em" sang quan hệ đối đầu. Loại quan hệ này kéo dài cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mới "chịu sức ép", xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (kẻ xâm lược miền bắc Việt Nam năm 1979, xâm lược biển đảo Việt Nam năm 1974, 1988…).
Bài báo cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam tuy đều có chế độ xã hội chủ nghĩa, đều từng cùng chống Mỹ, nhưng quan hệ Trung-Việt khó nói là "sắt". Hơn nữa, do nhân tố lịch sử, giữa Trung-Việt thiếu lòng tin thực sự.
Hơn nữa, Việt Nam đã "chiếm rất nhiều đảo đá của Trung Quốc" ở Biển Đông (thực tế là trái ngược, Trung Quốc mới chính là kẻ xâm lược biển đảo của Việt Nam và tự nhận hầu hết Biển Đông về nó), cảnh giác hơn với (mưu đồ và hành động xâm lược) của Trung Quốc. Do đó, Việt Nam luôn tìm cách dựa vào nước lớn để có được "con bài" cân bằng với sức ép chính trị (mưu đồ đen tối) từ Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, năm 2010, khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội. Do có vị trí địa lý (quan trọng, chiến lược), Việt Nam muốn tận dụng thời cơ Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, “mượn sức mạnh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc”. Đối với Mỹ, nếu như Trung Quốc nắm được Biển Đông thì đã nắm hoàn toàn yết hầu (cổ họng) thương mại giữa Đông Á với bên ngoài.
Trong khi đó, khi Mỹ và phương Tây nhập khẩu hàng hóa của Đông Á và xuất khẩu hàng hóa tới Đông Á, tàu thương mại đều phải đi qua Biển Đông, điều này làm cho Mỹ rất lo ngại, cũng là nguyên nhân căn bản Mỹ tìm cách quay trở lại Philippines, tận dụng đầy đủ Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Do sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ, tầm quan trọng địa-chính trị của Việt Nam bắt đầu lại tăng lên, Việt Nam cũng bắt đầu tìm cách tận dụng điều đó để có được cân bằng địa-chính trị.
Tàu cá Việt Nam sau khi bị Trung Quốc cho phép khủng bố vũ lực tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Bài báo võ đoán cho rằng, đương nhiên, Việt Nam cứng rắn với Trung Quốc còn có nhân tố chính trị bên trong của họ. Bài viết đã bàn lung tung về việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan đảng-nhà nước-chính phủ của Việt Nam, đó là những quan điểm võ đoán và xuyên tạc, có ý đồ nói xấu Việt Nam, kích động chia rẽ nội bộ Việt Nam. Bài báo coi nhân tố bên trong này đã ảnh hưởng tương đối lớn đến quan hệ Trung-Việt.
Báo Trung Quốc cho rằng, ngày 26 tháng 8 năm 2014, để khôi phục quan hệ Trung-Việt, Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Anh đã sang Trung Quốc. Nhưng, theo bài báo, quan hệ Trung-Việt vừa dịu lại thì Mỹ lại dùng "chiêu mới" để thách thức. Cuối tháng 9, Mỹ tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vào cuối năm 2014, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Điều này có tác động rất mạnh, thậm chí Mỹ chuẩn bị bán máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cho Việt Nam. Loại trang bị quân sự cao cấp này trước đây Mỹ chỉ bán cho đồng minh, trong khi đó Việt Nam và Mỹ thậm chí còn "chưa tin nhau hoàn toàn".
Báo Trung Quốc dùng lời đường mật chia rẽ và xuyên tạc cho rằng, Mỹ sở dĩ làm như vậy là để "kích động Việt Nam nhiệt tình chống Trung Quốc", "tiếp tục thách gây căng thẳng ở Biển Đông". Ý của Mỹ là, nếu cần, Mỹ có thể coi Việt Nam là "đồng minh", thậm chí đánh nhau với Trung Quốc.
Về phản ứng của Việt Nam, khi đang tham dự hội nghị ở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trả lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Điều này Trung Quốc không cần phải lo ngại, bởi vì Việt Nam không mua vũ khí của Mỹ thì cũng mua vũ khí của nước khác. Bài báo chộp lấy phát biểu này mà cho rằng, điều này cho thấy rõ "Việt Nam chắc chắn sẽ phân cao thấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nhất định sẽ vũ trang cho bản thân". Bài báo muốn chia rẽ nội bộ Việt Nam, cho rằng, phản ứng từ phía Đảng và Quân đội Việt Nam không mạnh mẽ như vậy (...).
Trung Quốc đang tổ chức lấn biển xây đảo quy mô lớn một cách bất hợp pháp ở các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong hình là đá Gaven (ảnh tư liệu)
Theo bài báo, Trung Quốc hiện nay đang lấn biển, xây dựng rầm rộ (bất hợp pháp) ở 6 đá ngầm (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên Biển Đông, những đá ngầm này đều sẽ là "căn cứ quân sự" của Trung Quốc (dùng cho chiến tranh xâm lược tương lai). Có căn cứ sẽ có quy mô như căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
Bài báo cho rằng, quyết tâm (ăn cướp toàn bộ biển đảo) ở Biển Đông của Trung Quốc rất rõ ràng, đó chính là muốn kiểm soát thực tế (bất hợp pháp), tránh để Mỹ can thiệp Biển Đông. Muốn làm được điều này, bài báo đề xuất cho rằng, Trung Quốc cần có năng lực quân sự mạnh ở Biển Đông.
Bởi vì, bài báo tưởng tượng viển vông cho rằng, Biển Đông vừa là "cơ sở năng lượng" tương lai của Trung Quốc, vừa là nút địa-chính trị quan trọng hội nhập với ASEAN của Trung Quốc, thậm chí là nút trung tâm kiểm soát tuyến đường hàng hải Đông Á và phương Tây của Trung Quốc, Trung Quốc chỉ có nắm được những con bài này, việc mặc cả về thương mại với phương Tây mới có quyền chủ động cân bằng.
Bởi vì, khi Mỹ có năng lực cắt đứt tuyến đường hàng hải vận chuyển tài nguyên tới Trung Quốc, Trung Quốc cũng cần có năng lực tiến hành đáp trả. Nếu không, trong những thời điểm quyết định sẽ không có cách gì chống đỡ nổi, sẽ bị người khác kiềm chế. Đương nhiên, Trung Quốc làm như vậy cũng còn để "bảo vệ quyền lợi lãnh thổ và lãnh hải" (Trung Quốc sẽ không bao giờ có được lãnh thổ, lãnh hải dưới đảo Hải Nam một cách hợp pháp).
Quyết tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là “chiến lược toàn cầu”, là “lợi ích cốt lõi”, là “không thể thay đổi”. Những “lợi ích cốt lõi” (đi ăn cướp) này tất nhiên xảy ra xung đột với lợi ích hiện thực của Việt Nam, bởi vì Việt Nam (có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và) đã thu được lợi ích to lớn từ khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Trên thế giới, chưa có nước nào mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước khác, của Trung Quốc. Hơn nữa, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh còn nhấn mạnh: Chưa nước ASEAN nào kéo giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Nhưng, Trung Quốc đã có cả hai hành vi vô đạo này ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Bài báo vẫn ngang nhiên coi các đảo đá ở Biển Đông là của Trung Quốc, cho rằng, nếu Việt Nam sẵn sàng ngồi xuống đàm phán, hai bên có thể tìm được một phương thức thỏa hiệp “tương đối có lợi và cùng thắng”. Trái lại, nếu Việt Nam "lấy làm của riêng", Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả. Như vậy, về khách quan, Trung Quốc và Việt Nam “tồn tại khả năng xung đột quân sự, thậm chí dẫn tới chiến tranh ở Biển Đông”. Đặc biệt, khi Chính phủ Việt Nam mà bài báo bịa đặt ra cái gọi là "thân phương Tây".
Bài báo cho rằng, trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam cử Phó bí thư Quân ủy Trung ương sang thăm Trung Quốc và đạt được 3 đồng thuận nêu trên với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, là "thuốc an thần" mà Quân đội Việt Nam trao cho phía Trung Quốc "ăn", ý là nói Việt Nam sẽ không thách thức lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng duy trì hợp tác với Trung Quốc...
Đồng thời, việc Trung Quốc cho xây dựng quy mô lớn (bất hợp pháp) ở Biển Đông cũng làm cho Việt Nam lo ngại. Bài báo cho rằng, Việt Nam vừa không có khả năng ngăn chặn Trung Quốc, vừa không có khả năng xây dựng quy mô lớn ở Biển Đông như Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn không biết rõ ý đồ của Trung Quốc nên đã cử quan chức quân sự cấp cao đến thăm dò chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.
Bái báo này viết: Nhưng, hiện nay, Việt Nam đã khác nhiều so với trước đây, người dân Việt Nam một phần có tư tưởng "chống Trung Quốc", đặc biệt là miền Nam - nơi có kinh tế phát triển. Vì vậy, điều này sẽ tác động đến tương lai của quan hệ Trung-Việt, Mỹ-Việt. Hơn nữa, chiến lược quốc gia của Trung Quốc là "không thay đổi trước thái độ của Việt Nam".
Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ (ảnh tư liệu)
Cho nên, bài báo tiếp tục “quân sư” cho Bắc Kinh rằng, Trung Quốc vẫn cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng (bất hợp pháp) ở Biển Đông, tăng cường năng lực kiểm soát thực tế và bố trí quân sự (bất hợp pháp) đối với Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc còn phải làm tốt chuẩn bị "dụng binh" (xâm lược) ở Biển Đông, bởi vì một khi có sự, Trung Quốc phải “kiểm soát tuyệt đối Biển Đông”.
Bài báo cho rằng, điều Trung Quốc đặc biệt cần tránh là “Việt Nam và Mỹ kết thành liên minh đối đầu với Trung Quốc”, cho dù hiện nay còn chưa lộ rõ dấu hiệu này, nhưng, nhìn vào việc Chính phủ Việt Nam “hưởng ứng tích cực” việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, một khi giành được sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ, Việt Nam rất có thể sẽ tiếp tục thay đổi thái độ, “thách thức thực sự” đối với Trung Quốc. Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý đầy đủ đối với vấn đề này.

24 tháng 10, 2014

Lương, tiền, bộ máy...vòng luẩn quẩn gỡ được không?

- Cứ mỗi lần Quốc hội họp lại được nghe những lời tâm huyết của các vị đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất về những bất cập trong bộ máy nhà nước.

Nào là tổ chức bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều, tham nhũng không giảm mà lại gia tăng. Trong khi định cải cách lương cán bộ, công chức thì lại không biết lấy tiền ở đâu.
Rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Thậm chí có sáng kiến từ khá lâu, nhưng chưa được thực hiện. Cũng có những sáng kiến mới. Cái nào cũng thấy đúng cả, nên làm cả. Nhưng lạ một điều là mọi thứ sau đó cứ thế âm thầm trôi qua và đến kỳ họp sau của Quốc hội, khi bàn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì lại được nghe lương công chức như vậy là không đủ sống, lỡ mấy lần chưa cải cách, lần này phải làm.
Phải làm, nhưng làm thì tiền đâu để tăng lương, mà bộ máy lớn như thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi… Đúng là cái vòng luẩn quẩn, cứ thít mãi khó mà gỡ ra được!
lương, biên chế, cải cách, tham nhũng, công chức, lợi ích nhóm
Hai đại biểu QH TP.HCM - Nguyễn Thị Quyết Tâm và Trần Du Lịch, tại phiên họp tổ ngày 21/10, đề cập việc tính toán lại bộ máy. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mà điều hay lại chính là ở chỗ ta quen dần với cái vòng đó, một bộ phận không biết là to hay nhỏ có vẻ lại thích cái vòng này, ai nói cứ nói, ta cứ vẫn tồn tại, vẫn sống được trong phạm vi cái vòng luẩn quẩn hay hay này.
Mấy chục năm qua, ít nhất cũng có vài đợt giảm biên chế, lần giảm biên gần nhất là lần chế độ, chính sách giảm biên rộng rãi, hào phóng nhất.
Tuy nhiên, tất cả các đợt giảm biên đều không đạt mục tiêu, kết quả đề ra, mà Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể từ ngân sách.
Dưới góc độ lý thuyết, ý kiến của các vị đại biểu về giải pháp, biện pháp cải cách đều đúng cả. Nhưng từ góc độ thực tiễn thì rất khó khả thi. Đây chính là một trong những đặc trưng của hệ thống chính trị - hành chính Việt Nam.
Cái thực tiễn đó là: Nhiều thứ đưa ra rất đúng, rất phù hợp, nhưng lại không triển khai được. Làm thế nào để bộ máy nhà nước gọn lại, ít người đi. Văn kiện Đại hội XI nói rất chuẩn: Nhà nước chỉ tổ chức cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà khu vực kinh tế tư nhân chưa làm được hoặc không muốn làm.
Nếu hỏi các nhà lý luận về kinh tế, về nhà nước, về hành chính công của các nước phát triển thì chắc ai cũng phải đồng ý và khen hay. Hay như thế nhưng hầu như rất khó triển khai có kết quả. Đã có một bộ nào, một tỉnh nào áp nguyên tắc này vào để xem những việc mình đang làm - hàng hóa, dịch vụ - có cái nào thôi không cần làm nữa, để khu vực tư nhân, để xã hội tự lo hay chưa? Hãy đưa nguyên tắc này vào xem doanh nghiệp nhà nước nào thực sự cần tồn tại, doanh nghiệp nào thì thôi...
Như vậy là nói thì rất hay, nhưng làm thì chưa được.
Ẩn đằng sau cái không làm được này chính là câu chuyện lợi ích: lợi ích cá nhân, lợi ích bè bạn, đồng nghiệp, lợi ích gia đình, lợi ích cấp trên... và bây giờ còn thêm câu chuyện lợi ích nhóm. Chính những cái này đang làm cho hệ thống hành chính của chúng ta mang dấu ấn của một hệ thống hành chính "quan hệ".
Và quay trở lại câu chuyện phá cái vòng luẩn quẩn này, có lẽ xin làm thử bằng một cách khác, trong khi tự chúng ta chưa đủ bản lĩnh, đủ dũng khí và can đảm để làm, đó là: mời hay thuê một nhóm chuyên gia trong nước và nước ngoài vào tư vấn về một vài bộ.
Giả dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đang làm những việc như thế này, bộ máy tổ chức hành chính là thế này, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc là như thế này, đội ngũ cán bộ, công chức , viên chức là như thế này…Theo các ông thì nên như thế nào là chuẩn, là phù hợp. Mà nguyên tắc chỉ đạo như vừa nêu trên đây thì quá chuẩn rồi, mời các ông áp thử vào.
Chúng ta hãy thử một lần nghe ý kiến đề xuất của chuyên gia kiểu này xem sao. Làm theo hay không lại là câu chuyện khác. Rất có thể từ đó, cái vòng luẩn quẩn lương, tiền, biên chế, bộ máy… sẽ bị bung ra, sẽ bị chặt đứt và nhiều thứ mới trở lại đúng nguyên nghĩa của chúng.
Đinh Duy Hòa