Trang

23 tháng 11, 2013

Lời thề Sở Khanh

- Đã lâu mới đọc được một bài báo hay trên báo Phụ Nữ tp, phải đăng lại trên blog để nhớ và học tập. Ấy thế mà phó thủ Hoàng lại tuyên bố việc xả lũ là đúng quy trình, đúng là "miệng quan..."- BTTD.

PN - “Cá trê chui ống, lời thề Sở Khanh” không chỉ là lời cảnh báo trên “tình trường” từ chiêm nghiệm của cô Kiều vốn “thông minh nhất mực hồng quần”. Giờ đây, đó là lời dặn cần cảnh giác với những lời hứa hẹn của nhà đầu tư cũng như cơ quan công quyền có trách nhiệm quản lý, giám sát họ.
Không ít dự án dắt trâu qua rào là lao vào săn tìm lợi nhuận tối đa, nhưng lại gây tai vạ cho nhân dân do căn bệnh trầm kha “vô trách nhiệm vô hạn” gây ra.
Cùng với hàng chục thủy điện xả lũ gây lụt lội và chết chóc cho nhiều tỉnh miền Trung nghèo khổ lắm tai ương là vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Bình Thuận. Không hẹn mà nên, hai sự cố cùng cảnh báo một điều: hãy cẩn thận và cảnh giác với lời hứa trong các dự án liên quan nhiều đến môi trường như thủy điện và khai khoáng.
Bùn đỏ titan lênh láng như lũ tại Bình Thuận. Nguồn ảnh: báo Tuổi Trẻ.
Dự án thủy điện nào cũng có đánh giá “tác động môi trường”, cũng hứa hẹn trồng rừng thay thế, cũng lập quy trình xả nước chặt chẽ để đạt mục đích làm ra điện, đồng thời điều tiết được lũ. Các nhà quản lý có vẻ “không mảy may nghi ngờ” khi xét duyệt. Và trong thực tế, không phải trong trận lụt bất ngờ mới đây mà nhiều năm trước, từ Đồng Nai đến Quảng Nam, thủy điện luôn là tác nhân đóng góp, kẻ a tòng tích cực nhất cùng thiên tai tàn phá môi trường, gây hại lớn cho nhân dân, cả nhân mạng lẫn của cải.
Trong khai khoáng, những báo cáo tác động môi trường này có lẽ cũng không kém hùng hồn, hoa mỹ, từ khai thác bô-xít trên nóc nhà Đông Dương đến đào bới quặng titan miền duyên hải cực Nam Trung bộ. Và hậu quả đầu tiên đã xảy ra, đúng như nhiều dự báo khoa học, chất thải bùn đỏ do khai thác titan của một công ty cổ phần với số lượng hàng ngàn mét khối, đã tràn ra môi trường và ruộng đất của dân. Những lời hứa, lời thề hoa mỹ của công ty này đã bị bùn đỏ nhấn chìm. Xem ra tai vạ không phải bao giờ cũng từ trên trời rơi xuống.
Khoa học, kỹ thuật không phải là bài toán tập mờ, không cho phép năm ăn năm thua. Tạo một hồ chắn bùn đỏ độc hại dù chỉ trên độ cao 15 hay 20m trên đầu người dân ở hồ mỏ titan hay trên nóc nhà Đông Dương trong hai dự án bô-xít, bắt buộc phải được tính toán sao cho tuyệt đối an toàn, thậm chí hệ số an toàn phải 2 hoặc 2,5, dù điều ấy đòi hỏi tốn kém.
Sợ giá thành đội lên mà kinh doanh bị thua lỗ thì dừng lại chứ không được phép đưa tính mạng và tài sản, nước mắt mồ hôi của dân ra mà đánh cược. Hồ bùn đỏ titan bị vỡ trong điều kiện ngoại cảnh bình thường chứng tỏ thiết kế, thi công chưa đảm bảo an toàn hoặc việc quản lý có sai lầm, thiếu sót. Hy vọng các cơ quan liên quan ở các tỉnh có thủy điện ở miền Trung và Bình Thuận, nơi có mỏ titan lớn, với tinh thần vô tư, bàn tay trong sạch, sẽ tìm ra nguyên nhân, cá nhân nào, tổ chức nào chịu trách nhiệm để bồi thường cho dân và rút kinh nghiệm về sau.
Đó là thái độ đúng đắn, khoa học và trách nhiệm nhất của nhà kinh doanh và đội ngũ cán bộ thay mặt Nhà nước quản lý việc kinh doanh của họ. Lợi nhuận, lương bổng của họ là từ mồ hôi của dân. Việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc quy về “trách nhiệm chung của tập thể”, lấp liếm sự thật và chối quanh như cho rằng thủy điện vô can trong trận lũ kinh hoàng vừa qua hay chất bùn đỏ titan là vô hại, thậm chí “tốt cho cây trồng”, hoặc viện lý do công ty đang trong thời gian ngừng hoạt động, thậm chí đổ cho “trận mưa to chiều hôm trước” là không thể chấp nhận. Bộ NN-PTNT cùng các sở trực thuộc các tỉnh miền Trung có 14 nhà máy thủy điện xả lũ, cũng như Sở TN-MT Bình Thuận đã ở đâu, đã làm gì để đề phòng công trình trước khi chúng xảy ra sự cố?
Nhà đầu tư có thiện chí hay không đều thừa chữ để viết những lời cam kết “có cánh”. Sẽ hoàn thổ, sẽ làm sạch dòng chảy, sẽ trồng cây gây rừng tươi đẹp như xưa, có là bùn đỏ bô-xít, titan chứ bụi phóng xạ cũng là chuyện nhỏ, “trăm điều hẵng cứ trông vào một ta!”. Nhưng có hứa thật và có cả hứa lèo, xin hãy cảnh giác! 
Nguyễn Quang Thân

Chủ tịch phường ngang nhiên cho thuê đất công 19 năm


Khi còn giữ chức Chủ tịch UBND phường Đông Vệ (TP.Thanh Hóa), ông Nguyễn Trọng Tiến đã cho các cá nhân, tổ chức thuê đất từ 10 - 19 năm, trái với quy định của Luật Đất đai...
(Ôi dào! Muỗi, ăn nhằm gì. Người ta còn cho TQ thuê mấy trăm ngàn hécta rừng biên giới phía Bắc với thời hạn 50 năm kìa. Những khu vự đó "Nội bất xuất, ngoại bất nhập", Chính phủ còn không biết TQ làm gì trong đó. BTTD)
Ngày 27.4.2012, ông Nguyễn Trọng Tiến (nay là Bí thư Đảng ủy phường Đông Vệ) đã ký hợp đồng (không số) hợp tác đầu tư xây dựng khu thể thao Á Châu 1. Theo đó, UBND phường Đông Vệ, cung cấp địa điểm cho Công ty cổ phần dịch vụ và truyền thông Á Châu bỏ vốn đầu tư (4,9 tỉ đồng) xây dựng mới khu thể thao Á Châu 1 tại khu văn hóa Quảng Xá, phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa, với diện tích 4.025m2.
Đổi lại, mỗi năm Cty Á Châu ‘hỗ trợ” ngân sách phường số tiền 16 triệu đồng. Điều bất thường là hợp đồng trên kéo dài tới 19 năm, trong khi quy định của Luật Đất đai cho phép chủ tịch UBND cấp xã, phường chỉ có quyền cho thuê đất dưới 5 năm. Các văn bản liên quan đến dự án nói trên như hợp đồng kinh tế, quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phương án đầu tư... đều do một mình tay ông Tiến ký.
Theo người dân, với một địa điểm nằm giữa TP.Thanh Hóa mà Công ty cổ phần dịch vụ và truyền thông Á Châu được “thuê” với giá bèo 16 triệu đồng/năm thì có nằm mơ các công ty khác cũng không có được. Vậy tại sao Công ty Á Châu lại được ông Nguyễn Trọng Tiến ưu ái, bất chấp quy định của pháp luật?
Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tiến. Tại buổi làm việc này, ông Tiến cho biết: Diện tích đất trên nguyên trước đây là do HTX Nông nghiệp sử dụng, sau đó chuyển cho UBND phường Đông Vệ quản lý. Nhiều năm để cỏ mọc um tùm, gây ô nhiễm (người dân đổ rác thải xây dựng, sinh hoạt), phát sinh tệ nạn..., để tránh lãng phí đất và có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân, UBND phường Đông Vệ đã có văn bảo báo cáo xin TP.Thanh Hóa quy hoạch thực hiện dự án xây dựng sân thể thao và đã được UBND TP.Thanh Hóa chấp thuận.
Trên cơ sở đó, UBND phường Đông Vệ mới tìm nhà đầu tư liên doanh, liên kết để xây dựng. Cũng theo ông Tiến thì thời hạn liên doanh 19 năm hoàn toàn không trái quy định của pháp luật, mức giá hỗ trợ hàng năm là do thỏa thuận, phường đưa ra mức hỗ trợ hàng năm cao hơn thì phía liên doanh không đồng ý (?).
Thực tế, ngày 5.10.2011, UBND phường Đông Vệ có công văn số 432/UBND-ĐCXD gửi UBND TP.Thanh Hóa về việc chấp thuận địa điểm cho thuê đất tại mặt bằng quy hoạch khu Quảng Xá, phường Đông Vệ. Trả lời công văn trên của UBND phường Đông Vệ, ngày 7.11.2011, UBND TP.Thanh Hóa có văn bản số 2460/UBND – TNMT gửi UBND phường Đông Vệ, theo đó khu đất rộng 4.025m2 (khu phố Quảng Xá) đã được Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa phê duyệt làm nhà văn hóa và sân thể thao. Việc UBND phường cho các hộ dân thuê đất để thực hiện dự án xây dựng sân thể thao là chưa phù hợp với điều kiện hiện nay do đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng và chưa cụ thể hóa cơ chế quản lý...
Cũng theo tinh thần của văn bản trên, UBND phường Đông Vệ được chủ động lập phương án đầu tư, huy động vốn, thu hút hoặc phối hợp đầu tư, nghiên cứu việc quản lý… đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân địa phương.
Như vậy, theo công văn 2460 của UBND TP.Thanh Hóa, UBND phường Đông Vệ phải lập phương án đầu tư sau đó trình UBND thành phố phê duyệt thì mới được thực hiện. Vậy mà ông Nguyễn Trọng Tiến lại cố tình hiểu rằng công văn trên của UBND TP.Thanh Hóa “bật đèn xanh” cho việc làm trái thẩm quyền của mình.
Luật sư Vũ Lợi (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Đất đai, chủ tịch UBND cấp phường, xã chỉ được ký cho thuê đất công ích trên địa bàn từ 3 - 5 năm. Việc ký các hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố tùy theo quy mô của từng dự án.
“Việc ký hợp đồng đầu tư như trên giữa UBND phường Đông Vệ và Công ty cổ phần dịch vụ và truyền thông Á Châu là trái thẩm quyền và vi phạm quy định của Luật Đất đai”, luật sư Lợi cho biết.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài khu thể thao Á Châu 1, ông Tiến cũng rất “ưu ái và dễ dãi” khi đem tiếp sân bóng đá Đông Phát (thuộc khu đô thị Đông Phát) cho Công ty TNHH TM Công nghệ điện tử tin học G8 thuê với thời hạn 10 năm với mức 30 triệu đồng/năm. Điều đáng lưu ý, sân bóng đá Đông Phát là khu sân chơi chung cho toàn bộ khu tập thể này, từ khi bị ông Tiến đem cho thuê, cư dân ở đây muốn rèn luyện sức khỏe đều phải... mất tiền.

Theo Trần Thụ
Lao Động

Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật

(Cứ tham nhũng, cứ làm sai, cứ thiếu trách nhiệm...sợ quái gì. Cùng lắm không may bị dân phát hiện thì chúng ta nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nguyệt. Hehehe! 
Hãy tham khảo "Thiệt hại kinh tế của 10 đại án tham nhũng". BTTD).

Tại kỳ họp thứ 21, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận về việc xem xét kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao. 

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI họp kỳ thứ 21 (11-20/11) tại Hà Nội cho biết, một số tổ chức đảng và cán bộ cấp cao đã có khuyết điểm trong quá trình công tác, gây ra hậu quả.
Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Ban Kiểm tra trung ương kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng có những khuyết điểm như trong lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra để xảy ra một số vi phạm trong hoạt động tín dụng và bố trí, sắp xếp, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. 
530460-10202502628389574-97381-8765-2283
Ông Nguyễn Thế Bình - Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NNPTNT bị đề nghị xem xét trách nhiệm.
Ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gây một số hậu quả.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các ông Đỗ Tất Ngọc và Nguyễn Thế Bình; nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy, các ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng thành viên và Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Ngân hàng NNPTNT.
Về Tổng công ty lương thực miền Bắc: Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty này đã có khuyết điểm trong công tác quản lý cán bộ, đầu tư và quản lý tài chính, sản xuất kinh doanh. Ông Trần Bá Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty có khuyết điểm, sai phạm về xây dựng quy chế và công tác cán bộ, sai phạm trong quản lý đầu tư, quản lý tài chính, sản xuất kinh doanh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức Đảng thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét trách nhiệm với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, ông Trần Bá Hoàn và các cá nhân có liên quan.
Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra các tỉnh Bạc Liêu, Bình Định; Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 3, Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND, Ủy ban Kiểm tra kết luận, các đơn vị nói trên bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế cần được kịp thời khắc phục như công tác kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc chưa thường xuyên, chưa kịp thời ngăn chặn vi phạm của đảng viên; chưa sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Có nơi Ủy ban Kiểm tra chưa làm tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy và chưa thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra; ít thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm…
Về giải quyết tố cáo với các đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý: Với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra kết luận, đơn tố cáo có nội dung không đúng và có nội dung chưa có cơ sở để kết luận. Tuy nhiên, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo giải quyết một số vụ việc ở Báo Đại Đoàn kết.
Nội dung tố cáo Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được kết luận phần lớn là không đúng. Đồng chí tư lệnh có một số thiếu sót trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ủy ban Kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và cá nhân đồng chí kiểm điểm rút kinh nghiệm, chỉ đạo xử lý dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo không để kéo dài.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp có khuyết điểm trong lãnh đạo, xử lý cán bộ vi phạm không dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Ủy ban Kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và Bí thư Tỉnh uỷ kiểm điểm rút kinh nghiệm.
man-5748-1385174043.jpg
Ông Hồ Xuân Mãn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thừa Thiên-Huế là một trong những cán bộ bị đề nghị xem xét kỷ luật.
Ông Bùi Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm trong việc ban hành công văn hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế có khuyết điểm, vi phạm phải được xem xét, xử lý theo quy định. Ủy ban Kiểm tra báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định xử lý việc phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ".
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra còn đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Phước Tường, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Trưởng ban, phụ trách Phòng Quản lý đầu tư quỹ, Ban Kế hoạch tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trong thời gian làm Trưởng ban, phụ trách Phòng Quản lý đầu tư quỹ, Ban Kế hoạch Tài chính, ông Tường đã có khuyết điểm, vi phạm. Ủy ban Kiểm tra quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Phước Tường bằng hình thức cảnh cáo.
Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc (6)
Đọc xong đã thấy khuyết điểm không rõ ràng, cụ thể. Hình thức xử lý thì mơ hồ.
Hậu quả thì của quốc dân đồng bào-nhưng người vi phạm lỹ luật thì chỉ "nghiêm khắc kiểm điêm-rút kinh nghiệm" thôi ! Không biết nếu mạnh tay thì bị thiếu hụt nguồn nhân lực hay vi cái gì mà ưu ái với cán bộ quá, vừa thể hiện sự thiếu trọng tôn pháp luật
linhgia.mvl - 22 giờ trước
Lại rút kinh nghiệm , kiểm điểm sâu sắc, chán lắm rồi
Anh - 22 giờ trước

22 tháng 11, 2013

Hiến pháp bấm nút – Quyền dân mất hút

Phạm Trần

Tại sao phải cần “do pháp luật quy định”?

Nếu nói Hiến pháp là “luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất” như viết trong Dự thảo thì nó phải nghiêm chỉnh, phản ảnh tâm huyết và ý chí của toàn dân để xây dựng đất nước.
Đằng này Hiến pháp đã dựa vào nội dung “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa”(bổ sung và phát triển năm 2011) để viết với mục đích trên hết và duy nhất là bảo vệ vị trí cầm quyền độc tôn cho đảng mà Quốc hội vẫn nhắm mắt “bấm nút” chấp thuận ngày 28/11 (2013) thì 500 Đại biểu Quốc hội Khóa 13 đã phản lại quyền lợi của dân để hại nước lâu dài.
Kịch bản “không cần lòng dân, miễn đẹp lòng đảng” đã có từ Hội nghị Trung ương 2, Khóa đảng XI từ ngày 04 đến ngày 10-7-2011 với quyết định “sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”, nhưng không có bất cứ ai trong các đảng viên Đại biểu Quốc hội lên tiếng phản đối.
Nghị quyết này viết: “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn, phương châm và phương pháp tiến hành; xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, căn cứ vào nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI của đảng; khẳng định bản chất Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đảng Cộng sản lãnh đạo, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân và của dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”
Quốc hội đã mau mắn “tát nước theo mưa” bằng cách ra Nghị quyết ngày (01/01/2013) để “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” nhằm: “ Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.”
Nghị quyết mang chữ ký của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn cam đoan: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.”
Sau đó một ngày, Bộ Chính trị cũng ra Chỉ thị (02/01/2013) khoe khoang rằng: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.”
Nhưng Chỉ thị không quên rào đón: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của đảng; động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc…”

Lấy ý dân cho ai?

Ông bà ta thường nói “có tật thì giật mình” nên tuy đảng biết mình đang đánh lừa dân “sửa mà không chữa” nhưng vẫn cảnh giác “không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc..”
Nhưng ai là thế lực xấu và xuyên tạc để phục vụ ai? Nhân dân đâu có nhầm lẫn. Họ vẫn tin vào cơ hội ngàn năm một thuở của Sửa đổi Hiến pháp để nói ra lòng mình muốn gì.
Họ muốn có một Nhà nước thật sự là “của dân, do dân và vì dân”; họ muốn dành lại quyền “làm chủ đất nước” từ tay đảng và muốn có bầu cử tự do chứ không dối trá như đảng vẫn tổ chức theo lối “đảng cử dân bầu”.
Họ cũng hy vọng với sự đồng thuận của đa số, đất nước sẽ có cơ hội “thay da đổi thịt” để cho dân có dịp mở mày mở mặt thi đua với năm châu, bốn biển.
Thế nên cả nước, từ giới khoa bảng xuống thứ dân, từ giới khoa học đến đảng viên, từ giới tu hành đến lực lượng võ trang và cả những người dân lao động lam lũ buôn thúng bán bưng, chạy ngược chạy xuôi kiếm cơm bỏ bụng, chữ nghĩa nhập nhằng cũng được vận động tham gia cho đủ mặt “toàn dân, nhất trí, phấn khởi, hồ hởi đồng lòng, cùng dạ sốt sắng” nắm lầy cơ hội đời người có một để làm nghĩa vụ công dân hiên ngang xốc tới với cách mạng với hy vọng cho con cháu đời sau được “sáng mắt sáng lòng” hơn ông bà, cha mẹ chúng.
Một phong trào quần chúng cuồn cuộn nổi lên với những tấm lòng và trí tuệ thành khẩn phát ra từ các Kiến nghị 72 của hàng ngàn trí thức, đảng viên; từ ý kiến của trên 7 triệu tín đồ Công giáo cộng thêm hàng triệu tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, của đạo Tin Lành cho đến Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy và hàng trăm trí thức của Mặt trận Tổ quốc và của nhiều thành phần thanh nữ, thanh niên Việt Nam đã tấp nập gửi về Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với mong mỏi chính đáng duy nhất: Xin đảng hãy thôi độc quyền lãnh đạo ghi trong Điều 4 Hiến pháp từ 1980 để cho nhân dân tự quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình qua việc thực thi quyền làm chủ đất nước bằng bầu cử tự do, dân chủ lập lên một Nhà nước pháp quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Trước sức sống mãnh liệt và thành tâm như thế của dân, tưởng đâu hai ông lãnh đạo Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là những người từng hứa lấy ý kiến dân là để “phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân” sẽ ngồi lại với dân để tìm ra giải pháp. Nào ngờ hai ông đã “tát vào mặt dân” một cái “lóe lửa con mắt” qua những phát ngôn rất “dao búa” của dân sống “không cần hộ khẩu”.
Ông Trọng nói: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa… Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì nó là cái gì?!… Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.” (Lời phát biểu có ghi âm của Ông Trọng tại Vĩnh Phúc ngày 25/02/2013)
Đến phiên ông Hùng thì ông này cũng phát ngôn rất “chụp mũ” tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội ngày 28/02/2013: “Thứ nhất, TP. Hà Nội tổng hợp và ghi nhận nhưng cần đánh giá phân tích nắm bắt tình hình đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, chống lại chính quyền.
Thứ hai, Nghị quyết Quốc hội quy định bản lấy ý kiến là bản của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của Quốc hội và đã được Quốc hội nhất trí là bản duy nhất. Nếu tự tổ chức lấy ý kiến theo một cách khác là không được. Đó là cách làm không đúng quy định” (Báo Giáo dục Việt Nam).
Làm gì có chuyện người dân đã “lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, chống lại chính quyền”?
Dân chỉ có hai bàn tay trắng thì lấy gì mà chống với đỡ? Chủ tịch Quốc hội đã cố tình “bẻ cong” các đóng góp ý kiến chân thành của dân để vu oan cho dân. Nếu ông Hùng coi việc đã có nhiều triệu người dân chống duy trì Điều 4 Hiến pháp để không cho đảng có nhiều “đặc quyền đặc lợi” là “chống lại đảng, chống lại chính quyền” là ông đã phạm tội “vu khống ” nhân dân rồi đấy.
Nhưng tại sao đảng biết là “ý dân không bằng lệnh đảng” mà vẫn muốn “đánh lừa” dân khi đem bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi ra lấy ý kiến?
Để chứng minh “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền”, là nhà nước có nền dân chủ tiên tiến hơn nhiều nước dân chủ tư bản khác, hay chỉ để “mị dân”?
Con số 26 triệu lượt người đã góp ý vào Dự thảo Hiến pháp với tổ dân phố, công an phường, xã mà không cần có thời giờ đọc để hiểu cho thông và không được viết “không đồng ý” trên Phiếu lấy ý kiến có nghĩa lý gì với hai kỳ lấy ý kiến dân của nhà nước?
Tất nhiên cả hai đợt lấy ý kiến dân từ 02/01 đến 31/3/2013 và từ 01/04 đến 30/9/2013 chỉ có giá trị trên giấy với hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo và tọa đàm từ trung ương về địa phương.
Những đóng góp của dân thuận, nghịch ra sao thì không thấy đảng làm rõ. Có bao nhiêu triệu con người đã không muốn duy trì Điều 4 Hiến pháp cũng không thấy đảng công bố cho dân biết.
Chỉ thấy Ban Chấp hành Trung ương đảng nhận định từ sau Hội nghị Trung ương 8 từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013: “Trong thời gian qua, chúng ta đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp; việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp 1992 cũng như thực thi Hiến pháp sau này…”


Bấm nút cho mất hút

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có vẻ rất “thành khẩn” muốn mọi người biết rằng ông đã điều hành Quốc hội làm việc hết sức để hoàn tất Bản Hiến pháp tốt như sẽ có.
Ông nói tại Phiên họp ngày 18/11 (2013): “Chúng ta đã làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao… Chúng tôi làm việc với tinh thần rất cần mẫn, rất khiêm tốn và rất cầu thị để tiếp thu cho được tinh hoa trí tuệ của nhân dân mà các đại biểu tiếp tục phản ảnh. Có đại biểu phát biểu, có đại biểu chưa phát biểu nhưng gửi ý kiến về, có các vị khách của chúng ta gửi ý kiến chúng tôi cũng nghiên cứu để tiếp thu đầy đủ. Vừa tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội trường, vừa tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi đến, vừa tiếp thu ý kiến của các vị khách và nhân dân, một số ý kiến tiếp tục gửi đến” (Báo Quân đội Nhân dân, 18/11/2013).
Tuy nhiên ông Hùng lại cho rằng những gì đã do “đa số” đồng ý rồi thì không thảo luận thêm nữa.
Ông nói: “Cho nên những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất mà đã được các kỳ họp trước của Quốc hội và đã tiếp thu ý kiến nhân dân, các kỳ họp của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ủy ban Dự thảo mà đã cơ bản nhất trí cao, đạt được ý chí, nguyện vọng của nhân dân rồi thì xin với các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu ở kỳ họp này, trong phiên họp vừa rồi, chúng ta phải giữ nguyên tắc là đã đa số rồi, đã nhất trí rồi thì chúng tôi xin giữ như tinh thần đó. Giữ như dự thảo một số điểm là nguyên tắc như vậy.”
Tuy nhiên trái với loan báo từ trước, phiên thảo luận “công khai” của các đại biểu Quốc hội dự trù diễn ra ngày 18/11 (2013) đã bị bỏ vào phút chót.
Thay vào đó, các Đại biểu Quốc hội sẽ “góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.”
Tại sao đảng lại sợ thảo luận công khai? Chả nhẽ lại sợ bị các “thế lực thù địch lợi dụng chống phá”?
Ông Hùng nói với các Đại biểu: “Chúng ta làm việc cần mẫn, trách nhiệm trước nhân dân. Mong rằng, tất cả các vị đại biểu Quốc hội lại một vòng nữa chúng ta xây dựng bản dự thảo này bằng cách sửa vào và góp ý vào, chúng tôi lại tiếp thu lần nữa để có bản dự thảo tốt nhất, tiếp thu tận cùng những ý kiến hợp lý, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, để chúng ta có thể yên tâm. Mặc dù còn ý kiến khác, nhưng chúng ta đã làm việc hết sức mình, hết trách nhiệm, chúng ta dù còn khác nhau cũng thể hiện biểu quyết của mình theo tinh thần đa số. Theo nguyên tắc Nhà nước ta hoạt động tập trung, dân chủ. Ngày 28 này chúng ta sẽ thể hiện đồng thuận đó trên nguyên tắc đó.” (Báo Quân đội Nhân dân, 18/11/2013).
Nhưng đó mới là việc của Quốc hội làm theo ý đảng. Còn lòng dân thì sao, tại sao nhân dân không có quyền quyết định vào bộ Luật cao nhất của Quốc gia?
Bởi vì khỏan 4 của Điều 120 Hiến pháp sửa đổi đã “phán” rằng: “Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”
Nhưng đến năm Thìn, tháng Ngọ nào Quốc hội mới quyết định cho dân được bỏ phiếu Hiến pháp qua “trưng cầu ý dân” thì đố ai mà biết được!

Bình mới rượu cũ

Chỉ biết rằng, bản “Hiến pháp mới nhưng vẫn cũ” như xưa đã có mấy điều cũng nên bàn.
Thứ nhất, ngay trong Lời mở đầu, Cương lĩnh của đảng đã được đặt “đứng trên đầu” Hiến pháp với câu: “Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ nhì, trong Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2), Hiến pháp đã viết những điều chưa thấy có trong thực tế ở Việt Nam như: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.”
Nhân dân chưa bao giờ được quyền tự do lựa chọn Nhà nước theo ý muốn của mình nên không thể nào Nhà nước hiện nay và trong tường lai là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Thứ ba, đảng đã “tự phong” mình lên hàng lãnh đạo không do dân bầu nên chuyện Hiến pháp ghi đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” là do đảng bảo Quốc hội phải viết như thế trong đoạn 1 của Điều 4 mới: “đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Thứ tư, trong Dự thảo đầu tiên phổ biến ngày 2/1/2013, Hiến pháp không có vai trò “chủ quản” của Kinh tế nhà nước vì các nhà soạn thảo đã “thất kinh” với nhiều năm “ăn hại đái nát” của các Doanh nghiệp Nhà nước, tiêu biểu như thua lỗ nhiều ngàn tỷ bạc của hai Tổng Công ty Vinashine và Vinalines.
Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) của Dự thảo đầu tiên viết
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Thế nhưng, sau Hội nghị Trung ương 8/XI từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013, hai chữ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” thay vì “chủ quản” lại được gài vào mà không nghĩ đến ngày sẽ “mang họa vào thân” như khó mà được Hoa Kỳ nhìn nhận cho Việt Nam được hưởng quy chế “kinh tế thị trường” để được hưởng nhiều ưu đãi trong Thuế quan Phổ cập (Generalized System of Preferences (GSP), hay gia nhập Hiệp ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) mà Việt Nam đang thương thuyết với Mỹ và 10 nước khác (Brunei, Chile, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Úc Đại Lợi, Peru, Ma Lai Á, Mexico, Gia Nã Đại và Nhật Bản)
Điều 51 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21, 22, 23 và 25) của bản phổ biến ngày 17/11/2013 viết:
1.Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Nhưng “kinh tế nhà nước” có khác với “doanh nghiệp nhà nước” không là điều “mập mờ”.
Thứ năm, đến chuyện Đất đai cũng vẫn còn bàn tay nhà nước “quản lý” dùm dân là quyền “tư hữu” của dân tiếp tục mất toi từ đời này qua đời khác như viết trong Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18):
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” 
Thứ sáu, về Quyền con người, cái “giây thong lọng” của nhà nước trong cạm bẫy “do pháp luật quy định” và rất “mơ hồ” vẫn còn nhan nhản trong Hiến pháp mới như ghi trong các điều dưới đây:
Điều 14 (sửa đổi, bổ sung Điều 50):
1. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Nhưng thế nào là các lý do rất mơ hồ và tùy tiện theo lý giải của nhà nước ghi trong khoản 2?
Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 51)
1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Nhưng thế nào là các “lợi ích” này và ai có thể định nghĩa cho chính xác mà dân không bị là nạn nhân của “các quan chức an ninh thông thái” của nhà nước?
Đến những bảo đảm ghi trong Điều 21 (sửa đổi, bổ sung Điều 73) đã khó chứng minh các cơ quan an ninh, tình báo của nhà nước Việt Nam vô can trong quá khứ liệu có ai tin được nhà nước sẽ “trong sạch” trong tương lai khi thi hành theo các khoản ghi dưới đây:
1. “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.” 
Thứ bảy, thế còn các quyền tự do quan trọng khác thì sao, tại sao vẫn có chiếc còng số 8 dính vào mấy chữ “do pháp luật quy định”?
Chẳng hạn như dân đã chờ đến mỏi cổ mà nào có được hưởng các quyền tự do ghi trong 2 điều quan trọng sau đây:
Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 68): “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Hiện nay ở Việt Nam không có báo tư nhân, không có đảng chính trị và người dân đi biểu tình, dù chống chủ trương xâm lược của ngoại bang Trung Quốc ở trên đất liền và ở Biển Đông cũng vẫn bị bắt bỏ tù và bị khủng bố thì Hiến pháp viết ra để làm gì?
Hay là Quốc hội đã quen chơi trò “bấm nút” nên phen này cứ ấn cho quyền dân biến luôn?

(11/013)
Theo CÙNG VIẾT HIẾN PHÁP

Dân đồng thuận mới thông qua quy hoạch sử dụng đất

21 tháng 11, 2013

Những kẻ giết người bằng nước lũ




imagesVề nạn lũ lụt, nhất là ở miền Trung, điều rõ ràng đầu tiên là tính chất khủng khiếp của nó trong những năm gần đây ngày càng tăng và người dân thường ở vùng này đang sống trong tình trạng tuyệt vọng kéo dài không biết đến bao giờ. Dù “chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” có đến sớm hơn những người lãnh đạo cấp cao dự báo, thậm chí đến ngay bây giờ, họ cũng cứ phải hứng chịu lũ lụt mỗi năm mấy đợt, với những ngôi nhà (hay túp lều) ngập đến tận nóc, với những cái bụng lép kẹp, với những “khối tài sản” không có gì khác ngoài vài chiếc quần áo cũ rách, và một tương lai tối đen tuyệt đối. Dù cái cỗ máy cứu trợ khổng lồ có vận hành rầm rộ liên tục thì cũng thế mà thôi!
Tôi về miền Trung trong đợt lũ vừa qua, một đợt lũ hoàn toàn bất ngờ ập đến khi người dân không có thông tin gì để đề phòng. Sau hàng tuần mệt mỏi “triển khai” phòng chống cơn bão Hayan mà theo dự báo thì nó sẽ triệt hạ cả miền Trung, xóa sổ mọi nếp nhà “cấp 4”, người dân vừa xả hơi được vài ngày, bỗng tai họa bất ngờ ập đến, không có sự cảnh báo nào của cái cơ quan gọi là Cục dự báo khí tượng – thủy văn.
Tôi gặp anh trai mình, người lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng già hơn tôi tới 30 tuổi, người có căn nhà vừa bị lũ cuốn trôi. Đứng trước thân hình tiều tụy của anh, tôi uất nghẹn. Không một lời hỏi thăm, an ủi, bởi tôi thực sự không dám hé răng nói lên những lời đó.
Tôi tìm chỗ ngồi tạm cho đỡ mỏi chân, trong khi ông anh tôi vẫn đứng lom khom. Mắt anh tối lại và vằn lên những tia máu.
 “Mẹ cha chúng nó.” Cuối cùng anh cũng lên tiếng. “Quân giết người. Bọn diệt chủng.”
Tôi hơi bối rối. Sao đang trong cơn hoạn nạn thế này mà anh lại nói đến bọn diệt chủng nào ở đâu đâu? Liệu có phải tai họa làm anh suy nghĩ mất bình thường rồi chăng?
 “Anh nói bọn nào?” Tôi khẽ hỏi.
 “Bọn thủy điện, thủy lợi chứ bọn nào?”
 “Sao?”
 “Vậy mày có biết tại sao lũ lớn như ri không? Tại vì chúng xả lũ chớ sao! Đầu trận mưa, chúng làm ra vẻ giữ nước để cứu dân khỏi lụt. Đến khi nước lên ngang mặt đập, chúng bất ngờ đồng loạt xả lũ, làm gì dân chả chết? Hả? Mẹ cha chúng nó!” Anh tôi cố kìm để khỏi gào lên.
 “Nhưng, họ đã cố giữ… Nhưng nước lớn quá, nêu không xả thì bể đập. Mà khi bể thì cũng giống như xả lũ, lại thiệt hại bao nhiêu tài sản nhà nước…”
 “Đồ ngu.” Anh tôi trợn mắt, chỉ tay vào mặt tôi. “Bởi vì có biết bao nhiêu kẻ được ăn được học như mà vẫn ngu như mày nên cái bọn đó vẫn đàng hoàng tồn tại, đàng hoàng giết dân đó. Mả cha chúng nó!”
Tôi vẫn chưa thật hiểu.
 “Nhưng…”
 “Nhưng nhưng cái chi? Sao chúng nó lại không xây đập sao cho khi có lũ lớn đập cũng không bể, hả?”
Trong phút chốc, tôi quên mất anh tôi đang khổ sở ra sao. Tôi quyết định tranh luận với anh cho ra lẽ.
 “Anh ơi, lụt dữ như thế đập nào trụ nổi hả anh? Sức chịu đựng của con đập thì có giới hạn, sức tàn phá của thiên nhiên thì không có giới hạn…”
 “Đó, cái ngu là ở chỗ đó. Tao chưa nói chúng nó làm đểu. Cho là chúng nó làm ăn chân chính. Nhưng tao hỏi mày: Nếu con đập trên kia kìa, thay vì 20 mét chiều cao, nếu bê tông tốt, mà nó làm thấp bớt đi, chừng 12-13 mét thôi, mà chiều dày vẫn như rứa, thì nó có bao giờ bể không? Không thì giữ nguyên cao 20 mét, nhưng chiều dày tăng gấp rưỡi, thì nó có vỡ vì lụt không, hả?”
 “Làm thì người ta phải có bản thiết kế, thuyết minh, có luận cứ khoa học, chứ nói chừng như anh mà được…”
 “Thì đã đành. Nhưng mà ý tao là nếu sợ không trụ được lũ thì xây thấp thôi, hoặc đủ chiều dày. Khi lũ lớn quá, nó tự tràn qua thì có đỡ khốn nạn cho dân hơn nhiều không, hả? Có hơn là cố xây cho cao, lại còn ăn bớt vật liệu, rồi tích nước lại, rồi bất ngờ xả hay không?”
Tôi bắt đầu thấy anh tôi nói có lý, nhưng vẫn cố nói thêm.
 “Nhưng nếu làm đập thấp quá thì lại được ít điện…”
Anh tôi lắc đầu không muốn nói tiếp. Còn tôi, trong thâm tâm tôi đã hiểu: thà thiếu điện còn hơn chịu cảnh thế này.
 “Còn bọn làm đường nữa. Chúng nó cũng là bọn giết người.” Anh tôi nói tiếp. Lần này tôi chỉ lặng im nghe. “Mỗi lần chúng nó làm lại đường, chúng nó không đào đất xuống, chỉ để vậy, đổ thêm mấy chục phân đất đá, bê tông hoặc nhựa lên trên. Cống thoát thì quá ít, quá nhỏ. Mỗi lần lụt thì đường trở thành đê chắn nước, mà không phải chắn nước từ sông từ biển vào, mà chắn không cho nước ngập thôn bản làng mạc rút đi. Thật khốn nạn.
Và đằng sau tất cả những bọn đó, bọn thủy điện, thủy lợi, giao thông,… là cả một cỗ máy khổng lồ giữ cho chúng không bị động đến lông chân.
Quân giết người. Bọn diệt chủng. Mẹ cha chúng nó.”
Theo NGUYỄN TRẦN SÂM blog Đào Hiếu