Trang

21 tháng 6, 2014

Quậy cuối tuần

                                          Ảnh chụp tại phòng khách (thiếu 2 nhân vật chính)

Mấy hôm nay có 3 gia đình bạn bè từ SG xuống nhà Phạm Hải chơi. Ngày đi tắm biển, thăm quan, tối về cờ bạc, cá độ  bóng đá, tụi trẻ thì la hét rầm rầm. May mà nhà chưa sập. Hú vía !
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ !

Nên xã hội hóa việc làm sách giáo khoa


Việc làm SGK nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách - Ảnh:Thanh Niên
Việc làm SGK nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách - Ảnh:Thanh Niên
Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, điều đáng mừng là trong xã hội có rất nhiều người tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông, theo cách hiểu của tôi, đó là một công cụ sư phạm quan trọng nhất để người thầy dùng nó, dựa vào nó mà tác động vào học sinh nhằm đạt được mục tiêu giáo dục.
Tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh
Nay đổi mới, chương trình nên xây dựng theo cách tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh (tôi dùng chữ năng lực ở đây là nói năng lực Người, tức là bao gồm cả phẩm chất, nói cách khác đó chính là nhân cách người học). Thế chẳng lẽ chương trình giáo dục không cần giải quyết vấn đề cung cấp kiến thức hay sao? Không phải thế! Đương nhiên vẫn có truyền thụ kiến thức, nhưng với cách tiếp cận khác.
Để có năng lực rất cần kiến thức, nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng, chưa phải sản phẩm cuối cùng, mà năng lực mới là sản phẩm cuối cùng, mặt khác, thời nay kiến thức rất mênh mông và liên tục có bổ sung, đổi mới, cần chuẩn bị cho học sinh năng lực tiếp cận, biết tự học, tự trang bị kiến thức suốt đời.
Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và kỳ diệu, có khả năng làm thay đổi phương thức hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo lập phương thức phát triển mới, con người hoàn toàn có thể tự tìm kiếm, lựa chọn kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi, tự trang bị cho mình những gì mình thấy thật sự cần thiết, nhằm phát triển tối đa thế mạnh riêng của mỗi người, trong mối quan hệ với phát triển toàn diện con người.
Chương trình giáo dục phổ thông vẫn cần giải quyết vấn đề truyền thụ kiến thức, nhưng chủ yếu là giới thiệu những kiến thức rất cơ bản, cốt lõi. Đã cốt lõi thì không nhiều, không mênh mông dàn trải. Đã dàn trải thì chưa phải cốt lõi.
Còn lại việc chủ yếu là giúp học sinh cách tiếp cận vấn đề, kể cả cách tiếp cận nguồn kiến thức phong phú và đa dạng, cách phân tích, tổng hợp, luận giải, và nhất là cách giải quyết vấn đề. Có những kết quả nghiên cứu cho rằng, tự học tiếp thu được nhiều hơn (thậm chí gấp đôi) so với nghe giảng; và trực tiếp tham gia hoạt động cụ thể qua công việc sẽ tiếp thu nhiều hơn nữa (cũng gấp đôi) so với tự học trong sách vở. Việc hướng dẫn cho học sinh tự học, và việc tổ chức các hoạt động học, thông qua công việc thực tế để học là vấn đề rất quan trọng trong chương trình giáo dục mới.
Làm ngay một chương trình có nhiều bộ SGK
Còn sách giáo khoa (SGK)? SGK cụ thể hóa chương trình, tuân thủ chương trình, bám sát chương trình, thể hiện chương trình, để thực hiện chương trình. Việc thi kết thúc môn học, khóa học sẽ thực hiện theo chương trình chứ không phải theo SGK.
Nếu chương trình nằm ở vị trí gần hơn với thầy giáo, là công cụ sư phạm của thầy giáo, thì SGK nhích hơn (so với chương trình) về phía học sinh, để giúp học sinh khi cần có thể tự học trong lúc không có thầy hướng dẫn, vừa là công cụ sư phạm để người thầy tác động vào học sinh, vừa là công cụ mà học sinh có thể tự sử dụng để nâng cao tri thức và năng lực. Có thể coi SGK nằm ở vị trí giữa người thầy và học sinh.
Một chương trình có thể và rất nên có nhiều bộ SGK. Trước đây đã có quy định một chương trình một bộ SGK do nhà nước ban hành. Việc này nên đổi mới, mà nên làm sớm, làm ngay chứ không nên kéo dài nữa.
Có thể đề nghị cấp có thẩm quyền cho sửa lại quy định, chấp nhận một chương trình nhiều bộ SGK. Nói nhiều bộ SGK không có nghĩa là quá nhiều, mà cần có giới hạn một số lượng nhất định. Nhà nước phê duyệt và ban hành chương trình, sau đó các cơ sở đào tạo sư phạm, các nhà giáo, nhà khoa học có thể tham gia viết SGK, nhà nước lập ra một hội đồng khoa học để thẩm định bộ sách nào đạt yêu cầu theo đúng chương trình nhà nước đã ban hành thì mới cho sử dụng trong hệ thống trường phổ thông.
Trong số các bộ sách đạt tiêu chuẩn, dùng bộ nào để học thì do các thầy giáo phụ trách môn học và tập thể bộ môn lựa chọn trên cơ sở xem xét chất lượng tốt nhất. Với cách làm như vậy sẽ ngày càng có những bộ sách tốt hơn, do không còn độc quyền mà có sự thi đua về chất lượng.
Việc làm SGK nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách bỏ ra, sẽ không phải tốn nhiều như thông tin chúng ta đã biết. Muốn làm vậy, việc ban hành chương trình phải đi trước. Lâu nay không ít trường hợp viết chương trình và SGK đồng thời cùng lúc, thậm chí cá biệt có trường hợp viết SGK trước, còn chương trình chỉ là hình thức, ghi lại để hợp thức hóa. Lần này nên quyết tâm đổi mới quy trình làm chương trình và SGK.
Không nên nhập khẩu mà cần phải làm ra sản phẩm của Việt Nam
Khác với những công cụ lao động cơ khí, loại công cụ lao động này (chương trình và SGK) xuất phát từ yêu cầu luôn luôn động của đối tượng lao động (là học sinh). Đối tượng này là những con người, có văn hóa khác nhau, gắn với văn hóa dân tộc và cộng đồng, vừa có cái chung phổ quát vừa có đặc điểm riêng.
Vì vậy, chương trình SGK cần phải có độ mở nhất định tùy theo môn học, cấp học, vùng miền. Mặt khác, chương trình giáo dục nói chung là không nên nhập khẩu mà cần phải làm ra sản phẩm của Việt Nam, để phù hợp với đối tượng học sinh, và chính trong quá trình sản xuất sáng tạo ấy mà phát triển tri thức trên lĩnh vực khoa học giáo dục nước nhà.
Việc thiết kế chương trình liên quan trực tiếp đến thiết kế hệ thống, làm rõ nhiệm vụ, yêu cầu của mỗi cấp học. Kết thúc phổ thông cơ sở cần giải quyết cơ bản xong yêu cầu kiến thức và năng lực phổ thông, để sau đó học sinh có thể đi học ngành nghề nào đó rồi ra trường làm việc chứ không nhất thiết phải tiếp tục học lên trung học phổ thông.
Nên phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Đồng thời cần lưu ý yêu cầu sau này khi những người có trình độ trung cấp nghề nghiệp muốn và đủ điều kiện học lên tiếp cao đẳng, đại học thì có thể chuyển tiếp liên thông. Xử lý việc này liên quan cùng lúc đến chương trình trung cấp nghề nghiệp và trung học phổ thông, sự thiết kế liên thông lên đại học nghề nghiệp, đại học nghiên cứu, liên quan đến công việc liên ngành, liên bộ, nên Chính phủ cần phải chủ trì.
Nên cho học sinh tự chọn các môn học
THPT là giai đoạn chuyển tiếp lên đại học. Giai đoạn chuyển tiếp thì không nhất thiết phải kéo dài đồng loạt đến 3 năm và nên cho học sinh tự chọn các môn học. Đầu cấp học cần dành thời lượng đáng kể để học sinh tiếp cận ban đầu với nghề nghiệp tương lai, để có thể hình dung sơ bộ về nghề nghiệp mà mình lựa chọn.
Trên cơ sở đó, học sinh chọn môn học phù hợp. THPT tiến đến học theo tín chỉ, học phần. Học và thi xong số tín chỉ theo quy định sẽ kết thúc phổ thông, học sinh yếu hơn có thể học kéo dài đến 3 năm, học sinh khá có thể kết thúc trong 2 năm. Trước đây, ở Việt Nam đã học hệ 11 năm, gồm vỡ lòng và từ lớp 1 đến lớp 10. Phần lớn các nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đã học phổ thông theo hệ 11 năm này.
Do phương pháp tiếp cận của chương trình là tiếp cận nội dung cung cấp kiến thức, học thuộc và ghi nhớ nên 12 năm vẫn thấy không đủ, thậm chí 13 - 14 năm cũng không đủ, vẫn nặng nề về dung lượng. Nay đổi mới cách tiếp cận, tác động vào phát triển năng lực, hướng đến tự học, tự cập nhật kiến thức thường xuyên, suốt đời, thì số năm học có thể giảm bớt một, như thực tế trước đây, như một số nước đã và đang thực hiện.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư)
Theo Thanh Niên

“hạnh phúc của dân” là sự thịnh vượng

BTTD: Cả thế giới nên học theo Bhutan

(Dân trí) - Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân.

Quốc gia duy nhất tính “tổng hạnh phúc quốc dân”
Chỉ số GNP (tạm gọi “tổng hạnh phúc quốc dân”) là một ý tưởng lớn xuất phát từ một quốc gia nhỏ- Bhutan.
Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, chứ không phải dựa trên chỉ số GDP - tổng sản lượng nội địa. Ý tưởng của Bhutan từng một thời khiến cả thế giới phải nhắc đến quốc gia Châu Á bé nhỏ này.
Bhutan hiện đang nổi lên trong lĩnh vực du lịch như một quốc gia Phật giáo đầy bí ẩn. Họ không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó, họ duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân, không “đô thị hóa”, không “hiện đại hóa”…
Bhutan chú trọng phát triển dịch vụ du lịch nhưng với một mức giá cao để đảm bảo du lịch có thể hỗ trợ cho sự phát triển của Bhutan, đồng thời, giúp hạn chế lượng khách đổ về Bhutan, có thể gây khó khăn cho việc bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn bản sắc của họ.
Quốc gia duy nhất tính “tổng hạnh phúc quốc dân”
Khi đến Bhutan, người ta sẽ không thấy nhiều biển hiệu quảng cáo mà thay vào đó là những câu khẩu hiện hẳn sẽ khiến nhiều du khách mỉm cười, chẳng hạn “Cuộc sống là một cuộc hành trình! Hãy lên đường!”, “Hãy để thiên nhiên dẫn đường chỉ lối!” hoặc “Rất xin lỗi nếu có bất cứ sự bất tiện nào!”…
Chỉ số GNP của Bhutan được hiện thực hóa trong từng chi tiết nhỏ của đời sống, họ hy vọng những du khách đặt chân đến Bhutan cũng có thể được hưởng sự hạnh phúc, dễ chịu trong cuộc sống của những người dân nơi vương quốc xa xôi, bí ẩn này.
Bhutan là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Người dân nơi đây là những tín đồ trung thành của Phật giáo, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.
Quốc gia duy nhất tính “tổng hạnh phúc quốc dân”
Bhutan mới chỉ bắt đầu mở cửa từ cách đây 40 năm nhưng nhanh chóng, quốc gia này đã định hướng được lối đi cho mình khiến nhiều quốc gia phương Tây phải chú ý.
Kể từ năm 1971, Bhutan đã loại bỏ chỉ số GDP (tổng sản lượng nội địa) và thay thế bằng một chỉ số mới - GNH (tổng hạnh phúc quốc dân), theo đó, đời sống tinh thần - thể chất, văn hóa - xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên - môi trường của quốc gia… được đưa lên ưu tiên số một.
Trong ba thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm đi đầu thế giới rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn sự phát triển kinh tế. Đây được xem là một hướng đi độc đáo.
Quốc gia duy nhất tính “tổng hạnh phúc quốc dân”
Giờ đây, khi thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên… thì riêng một mình quốc gia bé nhỏ Bhutan lại ngày càng nổi lên như một quốc gia thịnh vượng, đã định hướng được cách phát triển bền vững, lâu dài và hiệu quả.
Những thành tựu đáng kinh ngạc của Bhutan là minh chứng cho điều đó. Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của môi trường ở mức lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa, 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng… Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ, mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ…
Bộ trưởng Giáo dục Bhutan - ông Thakur Singh Powdyel từng phát biểu: “Phá rừng phá biển để làm giàu thì quá dễ, ở Bhutan, chúng tôi tin rằng đó không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên - môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân thì một quốc gia mới thực sự được coi là phát triển”.
Ông Powdyel cho biết thêm: “Thế giới thường hiểu nhầm chỉ số GNH của Bhutan. Người ta luôn hỏi làm thế nào mà đất nước các anh lại có được một dân tộc hạnh phúc? Thực tế GNH là một lý tưởng dẫn đường, là đích đến của mọi chính sách, để đất nước chúng tôi có thể phát triển bền vững”.
Quốc gia duy nhất tính “tổng hạnh phúc quốc dân”
Ở các trường học ở Bhutan, học sinh được định hướng giáo dục theo chuẩn “nhà trường xanh”. Bên cạnh việc học các môn cơ bản, các em được học cách làm nghề nông, cách sống thân thiện với môi trường, chính các em sẽ tham gia phân loại và tái chế rác của nhà trường mình.
Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp đều có một khoảng thời gian để cô trò cùng ngồi thiền. Chuông báo hết tiết là những đoạn nhạc du dương giúp người nghe thư giãn. Giáo dục Bhutan không đặt nặng việc các em phải là những học sinh giỏi, họ muốn các em sẽ là những công dân tốt.
Quốc gia duy nhất tính “tổng hạnh phúc quốc dân”
Tại thời điểm này, Bhutan đang chuẩn bị tiến hành tính toán chỉ số GNH của năm 2014. Năm nay, Bhutan sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản sang cùng tiến hành công việc để minh chứng cho sự chính xác của chỉ số GNH tại đây.
Chỉ số GNH của Bhutan đang ngày càng thu hút sự quan tâm và khen ngợi của dư luận quốc tế, ngày càng có nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới tìm hiểu, phân tích về chiến lược phát triển của vương quốc bé nhỏ nằm trong dãy Himalaya - đất nước Bhutan.
Bích NgọcTheo CNA/Guardian

TQ đang “khoan thăm dò” lòng yêu nước của người Việt

BTTD: TQ sợ nhân dân VN thiện chiến và anh hùng. Nếu nhân dân VN đoàn kết thì sẽ chiến thắng bành trướng TQ.

TT - Sáng 21-6, hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” tiếp tục với buổi tọa đàm chuyên đề đánh giá về hành vi của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển của Việt Nam.

Các học giả đã ghi lại vết đâm toạc trên thân tàu ĐNa 90152 và cho rằng hành vi của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được - Ảnh: Hữu Khá

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đi sâu phân tích các ý đồ của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam và phân tích về khía cạnh pháp lý cùng hành động sai trái này.
Nhiều học giả trong nước và quốc tế đã lên tiếng phê phán hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhất là hành động bạo lực của các tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển, đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông không thể chấp nhận.
"Dù Trung Quốc có tham gia vụ kiện này hay không thì Việt Nam cũng nên đưa việc này ra tòa án quốc tế, để qua đó có thể tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong cuộc chiến pháp lý về chủ quyền"
Giáo sư ERIC FRANCKX(Đại học Tự do Brussels, Bỉ)
Cũng trong sáng 21-6, tại Bảo tàng Đà Nẵng, các học giả quốc tế đã tham dự triển lãm với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.
Triển lãm trưng bày các tư liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.
Những tư liệu và bộ sưu tập bản đồ trưng bày giới thiệu tại cuộc triển lãm này khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm, bằng con đường hòa bình và do các triều đại phong kiến, các Nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách hợp pháp đối với hai quần đảo này, cũng như đối với những vùng biển khác trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu trước các học giả quốc tế và công chúng, ông Bùi Văn Tiếng - trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng kiêm chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng - cho rằng: “Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà chủ yếu “khoan thăm dò” sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt. Đồng thời nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn) sai trái của họ. Chúng tôi hi vọng triển lãm không chỉ góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981, sắp tới có thể là Nam Hải 09 cùng các tàu quân sự, hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam vô điều kiện. Ngoài ra, triển lãm góp phần vào việc tranh luận học thuật, vạch trần, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò và tham vọng độc chiếm gần hết biển Đông của Trung Quốc”.
Ông Tiếng cho biết nhiều bản đồ do các nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố từ nhiều thế kỷ qua, đặc biệt tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do triều đình nhà Thanh xuất bản năm 1904, bản đồ tỉnh Quảng Đông do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản đã chứng tỏ Trung Quốc không hề có cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý để đòi hỏi yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Hành vi không thể chấp nhận được
Chiều 21-6, các học giả quốc tế đã có chuyến viếng thăm con tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều 26-5 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tại buổi viếng thăm, các học giả đã ghi lại vết đâm toạc trên thân tàu và cho rằng hành vi của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được.
HỮU KHÁ

TQ 'không hy sinh chủ quyền'

BTTD: Giả dối, man trá, thâm hiểm như TQ có đáng là bạn, hay là kẻ thù?

Cập nhật: 11:05 GMT - thứ bảy, 21 tháng 6, 2014
Tại Hà Nội, ông Dương Khiết Trì tiếp xúc các lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp trên biển thông qua “đối thoạI và đàm phán, dựa trên sự tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế”.
Ông Lý Khắc Cường phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Hàng hải Trung Quốc – Hy Lạp trong chuyến thăm Athens hôm thứ Sáu.
Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Trung Quốc và Việt Nam căng thẳng vì vụ giàn khoan Hải Dương 981.
Việt Nam nói việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Đáp lại, Trung Quốc nói giàn khoan này thăm dò tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.
Bắc Kinh nói quần đảo này là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, không tồn tại bất cứ tranh chấp nào”.
Phát biểu tại Athens, ông Lý Khắc Cường nêu lập trường chung của Trung Quốc về các vấn đề trên biển.
“Trung Quốc quyết tâm theo đuổi con đường phát triển hòa bình và cương quyết phản đối mọi hành động bá quyền trong các vấn đề hàng hải.”
“Phát triển đại dương thông qua hợp tác đã giúp nhiều quốc gia phát triển, còn dùng đến xung đột đánh nhau trên biển chỉ mang lại tai họa cho nhân loại.”

'Không nuốt quả đắng'

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nói Trung Quốc có kiên nhẫn và chân thành nhằm đàm phán.
Ông Dương vừa mới hoàn tất chuyến đi đến Hà Nội tuần này để nói chuyện với Việt Nam về vụ giàn khoan.
Nói tại Bắc Kinh sau khi trở về, ông Dương nhấn mạnh Trung Quốc không hy sinh chủ quyền.
Ông Dương hôm 21/6 có phát biểu khai mạc tại Lễ khai mạc Diễn đàn Hoà bình Thế giới lần thứ 3 ở Bắc Kinh.
Ông này nói Trung Quốc “kiên quyết giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.
Trung Quốc “không lấy lợi ích cốt lõi của mình để trao đổi, không nuốt quả đắng phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc,” theo nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.
Ủy viện Quốc vụ, người đứng cao hơn chức ngoại trưởng Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc “luôn dốc sức cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển với nước hữu quan thông qua phương thức hoà bình, nguyện thúc đẩy đàm phán đối thoại giải quyết vấn đề với thiện chí và lòng kiên nhẫn lớn nhất”.
Ông nhắc lại: “Trung Quốc chủ trương tranh chấp về biển Hoa Đông, Nam Hải cần do nước đương sự trực tiếp hữu quan đàm phán giải quyết thông qua thương thảo hữu nghị trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế.”
Một số nhà quan sát nhận định Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ họ kiên nhẫn muốn thương lượng với các nước có tranh chấp, nhưng sẽ không nhượng bộ, đặc biệt về vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa.

Đánh bắt 'phi pháp'

Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 được kéo về cảng Đà Nẵng
Những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc tiếp tục có những bài viết phê phán Việt Nam vì tranh chấp biển đảo.
Tân Hoa Xã ngày 20/6 nói hoạt động đánh bắt “phi pháp” của các tàu cá Việt Nam quanh Hoàng Sa “tăng lên những năm gần đầy, đe dọa an toàn của ngư dân Trung Quốc và tài nguyên cá ở Nam Hải”.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc dẫn lời một lãnh đạo tuần duyên trên Thành phố Tam Sa nói tính từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm nay, lực lượng này đã phát hiện ra 237 tàu của Việt Nam đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa.
Cũng theo Tân Hoa Xã, số tàu cá Việt Nam đánh bắt trong khu vực này không ngừng gia tăng:
"Theo số liệu từ chính quyền địa phương, trước năm 2000, chỉ có hơn 20 tàu cá Việt Nam được phát hiện mỗi năm."
"Con số này tăng lên gần 100 tàu trong năm 2004."
" Tính trong năm ngoái, chính quyền [Trung Quốc] đã bắt được 319 tàu".
Tân Hoa Xã dẫn lời Phó Chủ tịch thành phố Tam Sa nói chính sách của Việt Nam về việc đền bù thiệt hại cho ngư dân trong trường hợp đụng độ với tàu Trung Quốc đã "khuyến khích các hoạt động đánh bắt trái phép".
Ông Sun Xiaoying, một nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, nói rằng số tàu cá của Việt Nam ở các tỉnh dọc bờ biển phía đông nam đã tăng từ dưới 1.000 lên đến 5.000 trong thời gian gần đây, chủ yếu hoạt động trên Biển Đông.
"Chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam được xây dựng rất kỹ lưỡng và năng động, là một sự khích lệ mạnh mẽ đối với ngư dân Việt Nam," ông Sun nói.

Tàu cá bảo vệ chủ quyền

"Chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam được xây dựng rất kỹ lưỡng và năng động, là một sự khích lệ mạnh mẽ đối với ngư dân Việt Nam"
Ông Sun Xiaoying, nhà nghiên cứu Trung Quốc
Căng thẳng gữa hai nước đã lên cao từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Các vụ đụng độ liên tiếp giữa tàu hai nước khiến giới quan sát lo ngại tranh chấp có thể leo thang thành xung đột.
Phía Việt Nam luôn khẳng định chỉ sử dụng tàu chấp pháp và tàu ngư dân để khẳng định chủ quyền, trong lúc cáo buộc Trung Quốc điều hơn 100 tàu các loại, bao gồm tàu quân sự, để bảo vệ giàn khoan.
Trong thời gian quan, Hà Nội đã công bố hàng loạt chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển.
Hồi đầu tháng Sáu, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã công bố sẽ cùng các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho ngư dân.
Khoản tiền này sẽ được sử dụng để "giúp đỡ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu hiện có để đảm bảo công suất cao hơn cũng như độ chắc chắn an toàn cho tàu lớn hơn nhằm nâng cao năng suất đánh bắt cá xa bờ cũng như thực hiện quyền chủ quyền của đất nước ta trên Biển Đông", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được báo trong nước dẫn lời nói.
Ông Bình cũng cho biết tất cả các tàu đóng mới sẽ được bảo hiểm và chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân.
Hôm 9/6, Quốc hội Việt Nam cũng đã biểu quyết thông qua phương án chi 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và nâng cấp lực lợng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Những bức tranh nghệ thuật được vẽ qua Microsoft Excel


Các tác phẩm của Horiuchi đã nổi tiếng trên mạng trong vài năm qua.
Với ông, bảng tính Excel không đơn thuần chỉ được dùng để tính toán các con số, dựng bảng biểu...
Excel còn là nơi để ông thỏa sức sáng tạo.
Các bức tranh vẽ bằng Excel của Horiuchi đã được nhiều người biết đến.
Lần này, trang Business Insider tổng hợp lại những tác phẩm được cho là đẹp nhất của Horiuchi.
Các bức vẽ thể hiện đậm nét văn hóa của Nhật Bản.

Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc mở “mặt trận” mới

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn của báo Dân Trí, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định Trung Quốc đang mở một mặt trận mới với Việt Nam khi đưa thêm giàn khoan tới Biển Đông,một phần cũng bởi Trung Quốc bực tức khi áp lực của quốc tế đối với nước này gia tăng.

Bên lề “Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra ở Đà Nẵng từ 19-21/6, phóng viên Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, về tình hình Biển Đông.
Trung Quốc mới vừa đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông, xin ngài cho biết bình luận của mình về thời gian, mục đích của động thái này.
Theo thông tin tôi đọc được thì giàn khoan thứ hai của Trung Quốc được đưa đến Vịnh Bắc Bộ, nơi Việt Nam và Trung Quốc đã và đang đàm phán, thảo luận về vấn đề ở đó. Giàn khoan được đưa vào khi Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở Hà Nội. Tôi không tin là Trung Quốc hành động theo cách cách mà “tay trái không biết tay phải đang làm gì”. Với tôi có vẻ như nó mở ra mặt trận thứ hai, bởi Việt Nam có nguồn lực hải quân hạn chế so với Trung Quốc.
Trung Quốc luôn có tới cả trăm chiếc tàu vây quanh một giàn khoan (Hải Dương-981-pv), khiến Việt Nam phải huy động, tập trung lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của mình. Và nếu họ mở thêm một mặt trận nữa, Việt Nam sẽ bị dồn ép. Vịnh Bắc Bộ lại được xem là vấn đề riêng giữa hai nước. Nói cách khác, Trung Quốc đang tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam, muốn Việt Nam ngừng đưa vấn đề ra công luận.
 
Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã bực tức trước áp lực đang ngày gia tăng.
Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã bực tức trước áp lực đang ngày gia tăng.
Nếu nhìn vào cả vấn đề với Philippines, mỗi lần nước nào đó quốc tế hóa tranh chấp, Trung Quốc lại càng gây sức ép, nghĩa là khiến nước đó phải “trả giá”. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Không rõ liệu khi vấn đề được quốc tế hóa, áp lực có tác động đến Trung Quốc hay không. Nhưng có thể “mặt trận” thứ hai được thiết kế là nhằm chia mỏng nguồn lực của Việt Nam.
Mục đích chính của việc phát triển một giàn khoan đắt tiền là thương mại, để đi tìm dầu lửa và khí đốt. Tại Vịnh Bắc Bộ, đã có sự hợp tác chung từ lâu giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà năm ngoái việc hợp tác này tăng gấp đôi. Nhưng các chuyên gia cho rằng, hợp tác đó mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, hai bên không tìm được gì trong khu vực. Đó là lý do vì sao giàn khoan tiếp theo hay giàn khoan Hải Dương-981 được triển khai không phải là vì mục đích thương mại mà là mang mục đích chính trị.
Trung Quốc bực tức khi áp lực gia tăng
Nhưng giàn khoan thứ hai có thể đi tới bất kỳ vị trí nào, không chỉ là Vịnh Bắc Bộ, ngài có nghĩ vậy không?
Vâng, có thể. Nhưng với những thông tin ban đầu, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, không nên rút ra kết luận vội vàng. Tôi nghĩ trước đây những thông tin tình báo đầu tiên đã nhiều lần sau đó được chứng minh là sai. Và trong một mối quan hệ, nước nhỏ hơn thường nghĩ đến tình huống xấu nhất. Việt Nam phải chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc kéo giàn khoan tới một địa điểm khác.
Nhưng Việt Nam có lợi thế khi mùa mưa bão tới vào tháng 9. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao Trung Quốc đã nói hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 sẽ kết thúc vào 15/8. Nếu có 100 thuyền quanh một giàn khoan và khi bão lớn tới, Trung Quốc có nguy cơ sẽ bị bẽ mặt khi các tàu bị gió cuốn, bị hư hại. Làm sao có thể bảo vệ được các tàu? Vì vậy mà Trung Quốc cần phải rút các tàu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tốn kém nhiều khi duy trì sự hiện diện đông đảo đến như vậy quanh giàn khoan. Hơn nữa Việt Nam cũng cho các nhà báo tiếp cận hiện trường.Và tôi biết giờ đây cả phóng viên Úc cũng đã có mặt. Vì vậy Trung Quốc đã bực tức trước áp lực đang ngày gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện để ngư dân thành cướp biển!
Ngài có bình luận gì về những vu khống mới đây của Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc hàng chục ngàn lần?
Việt Nam cũng làm được những điều mà Trung Quốc không làm được. Đó là Việt Nam đã cho công bố các đoạn clip. Khi Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc 14.416 lần, tôi đã tính ra như vậy mỗi tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc tới không biết bao nhiêu lần. Nếu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc nhiều đến vậy, chắc chắn tàu Việt Nam sẽ bị hư hỏng vì tàu Việt Nam nhỏ hơn tàu Trung Quốc rất nhiều. Vì vậy tôi cho rằng con số Trung Quốc đưa ra là hết sức vô lý. Và nếu tàu VN đâm tàu Trung Quốc chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa. Quan trọng hơn nữa là bằng chứng đâu?
7 năm về trước, Trung Quốc đã công bố một đoạn phim tài liệu cho thấy trên tàu của lực lượng chấp pháp nước này thuyền trưởng đã ra lệnh cho tàu đâm vào một tàu khảo sát của Việt Nam. Lệnh đó là “Thủy thủ, chúng ta phải tấn công và đâm nó”. Trong thông tin mới hơn Trung Quốc lại nói tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 15.000 lần, vậy hãy cho chúng tôi xem video? Lại một lần nữa Trung Quốc đưa ra tuyên bố với thông tin sai lệch.
Một ví dụ khác, trong khu vực Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đã nói là họ đã tiến hành các hoạt động ở đây trong suốt 10 năm qua mà không vấp phải phản đối của Việt Nam. Có trường hợp tôi được biết là Trung Quốc đã tiến hành khảo sát bí mật, không công bố với Việt Nam. Việt Nam chỉ có thể phản đối khi Việt Nam biết về điều đó. Hơn nữa, 10 năm trước, Việt Nam không có lực lượng cảnh sát biển, vậy làm sao Việt Nam biết hết được các hoạt động của bọn cướp biển trong khi Việt nam có đường bờ biển rất dài?
Điều quan trọng là các bạn có phản đối trong suốt 10 năm qua.
Chính phủ Trung Quốc còn tạo ra môi trường để thậm chí ngư dân của Trung Quốc cũng có thể trở thành cướp biển, có thể tấn công tàu Việt Nam, đánh các ngư dân Việt Nam, bởi họ biết họ được chính quyền Bắc Kinh bảo vệ. Đây là điều tồi tệ vì chính phủ phải chịu trách nhiệm cho những gì người dân của mình đã làm. Và người Trung Quốc có quyền gì mà đâm tàu Việt Nam và lên tàu của Việt Nam?
Trung Quốc gần đây còn tăng cường các hoạt động như bồi đắp đất ở các bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa. Theo ông, hoạt động của Trung Quốc nhằm mục đích gì?
Rõ ràng là có các hoạt động ở Gạc Ma, Gavin…và có thể là Bãi Chữ Thập song một lần nữa vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định Trung Quốc sẽ xây đường băng hay đồn quân sự ở đây.
Nhưng không thể phủ nhận được thực tế là có hoạt động cải tạo đất ở những bãi ngầm này. Chúng ta thấy Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng, mà trong trường hợp này không phải hiện trạng trên mặt đất mà trên biển trước khi tòa án (trong vụ kiện của Philippines) có thể ra phán quyết. Nhưng việc Trung Quốc biến bãi ngầm thành đảo nhân tạo là vi phạm luật quốc tế.
Trung Quốc đang cố gắng biến Biển Đông thành của riêng của mình. Và nếu bị phản ứng, như trường hợp của Philippines, họ thực hiện các bước để làm cho Philippines bẽ mặt, thấy được điểm yếu của họ. Bạn có thể nhớ là ở Scarborough Philippines đã dùng một tàu từng thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ được biên chế cho hải quân Philippines, Trung Quốc đã tuyên truyền ầm ĩ: Tàu chiến lớn nhất của hải quân Philippines đang tấn công ngư dân của chúng ta một cách trái phép. Vì vậy trong bài tham luận của tôi tại Hội thảo tôi gọi đó là “cuộc chiến pháp lý” trong 3 hình thái chiến tranh của họ (chiến tranh tâm lý, chiến tranh tuyên truyền và chiến tranh pháp lý – pv). Trong cuộc chiến pháp lý, họ luôn dùng luật của Trung Quốc chứ không phải luật quốc tế để lý giải hành động của mình.
Chúng tôi đang xem xét kiện Trung Quốc, vậy theo ông chúng tôi nên kiện như thế nào?
Tôi e rằng Việt Nam khó có thể đưa ra vấn đề chủ quyền ra tòa án công lý quốc tế vì cả hai bên phải đồng ý. Với tòa trọng tài, họ yêu cầu có một trong các bên phải đồng ý tham gia, nhưng dĩ nhiên Trung Quốc sẽ không tham gia. Nếu Việt Nam nêu ra vấn đề giàn khoan, sự việc sẽ không đi đến đâu. Một số người đề xuất, Việt Nam có thể nêu ra vấn đề ở Hoàng Sa hoặc ở Trường Sa. Nhưng theo theo tôi, Việt Nam nên ủng hộ Philippines trong vụ kiện ở tòa án trọng tài quốc tế về Công ước luật biển, nếu tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi.
Bởi nếu Philippines thắng trong vụ kiện, đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ là phi pháp. Mặc dù khi đó vẫn không thể ép Trung Quốc làm gì, nhưng theo luật pháp quốc tế, các nước khác sẽ nhìn nhận: Ồ, Trung Quốc đã đi ngược lại luật quốc tế! Đây là cách tốt nhất để các bạn có thể bảo vệ được chủ quyền của mình.
Xin ngài cho biết viễn cảnh xấu nhất và tốt nhất đối với căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Viễn cảnh xấu nhất là Biển Đông tiếp tục dậy sóng. Trung Quốc tiếp tục đâm và đẩy lui tàu Việt Nam. Hoặc họ sẽ đưa giàn khoan khác vào khu vực như chúng ta đã thảo luận từ đầu. Nhưng tôi nghĩ mùa mưa bão sẽ tạo ra một số cản trở. Và sẽ có một thông lệ mới, cứ mỗi năm vào tháng 8 Trung Quốc lại khiêu khích đối với Việt Nam.
Nhưng viễn cảnh tốt nhất là sau ngày 15/8, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thay đổi quan điểm, Trung Quốc và Việt Nam có thể đàm phán. Người ta không thể chọn láng giềng mà phải cùng chung sống. Vì vậy viễn cảnh tốt nhất là hai nước tìm cách ra cách hiểu nhau, cả hai cùng suy xét xem những gì đang xảy ra có phải là cách mối quan hệ hai nước muốn tiến tới và làm thế nào để hai nước tránh tình trạng này vào năm sau.
Xin cám ơn ông!
Thùy Trang

Công trình chiếu sáng Cầu Rồng đoạt giải thưởng quốc tế tại Mỹ

TTO - Công trình thiết kế chiếu sáng Cầu Rồng ở Đà Nẵng do công ty ASA Lighting Design Studios (TP.HCM) thiết kế vừa được Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD) trao giải Special Citation (Biểu dương đặc biệt) tại Mỹ.


TS.KTS Trần Văn Thành (thứ 2 từ trái qua) nhân giải thưởng do Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới tại Mỹ trao tặng - Ảnh do công ty ASA cung cấp
Đây là lần đầu tiên một công trình ở Việt Nam do nhà thiết kế chiếu sáng Việt Nam thực hiện nhận được giải thưởng của IALD trong lịch sử 31 năm của giải thưởng lâu đời nhất trong ngành, được xem tương đương như Oscar trong điện ảnh hay Pritzker trong kiến trúc.
Theo bà Rosemarie Allaire  - Trưởng Ban tố chức IALD, năm nay Ban tổ chức nhận được hơn 200 công trình tham gia dự thi khắp thế giới chủ yếu đến từ Mỹ và Châu Âu. Riêng tại Châu Á, chỉ có các đại diện là Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam tham dự .
Theo đánh giá của Ban tổ chức IALD  thì cầu Rồng của Đà Nẵng đoạt giải là nhờ  “công trình độc đáo, đem lại trải nghiệm đa phương tiện được thực hiện một cách khéo léo, thể hiện bản sắc dân tộc rất đặc sắc.”
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi nhận giải thưởng từ Mỹ trở về, TS.KTS Trần Văn Thành, chủ trì thiết kế dự án cho biết: “Rất xúc động khi lần đầu tiên nhìn thấy một công trình chiếu sáng của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ các công trình chiếu sáng xuất sắc thế giới. Trong tương lai hy vọng, Việt Nam sẽ có nhiều công trình được vinh danh hơn nữa.” 
Cũng theo TS Thành, công trình thiết kế chiếu sáng cầu Rồng được đánh giá cao không chỉ vì thiết kế độc đáo, mà còn vì ý nghĩa và đóng góp rất lớn của dự án trong việc quảng bá hình ảnh TP Đà Nẵng và Việt Nam.
Trước đó dự án chiếu sáng cầu Rồng (Đà Nẵng) cũng đã được tổ chức FX Design Award 2013 và được Lighting Design Award 2014  bầu chọn là một trong những thiết kế xuất sắc nhất thế giới.
TTO xin giới thiệu chùm ảnh ánh sáng chụp cầu Rồng (Đà Nẵng) về đêm.
Cầu Rồng về đêm, ảnh chụp từ phía tây sông Hàn. Ảnh do công ty ASA cung cấp
Vào các tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, cầu Rồng sẽ phun lửa. Trong ảnh là cảnh phun lửa - Ảnh: Đ.Nam
Một góc ảnh chụp thân cầu Rồng - Ảnh Đ.Nam
Cầu Rồng về chiều - Ảnh do công ty ASA cung cấp
Cầu Rồng thân màu ngọc bích phun nước  - Ảnh do công ty ASA cung cấp
Cầu Rồng thân màu vàng óng phun nước - Ảnh do công ty ASA cung cấp
Theo đánh giá của Ban tổ chức : “Sau khi dự án cầu Rồng hoàn thành, nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng hơn, và thành phố này chuyển mình phát triển rất tích cực”. Trong ảnh là cảnh du khách đến với Đà Nẵng để ngắm cầu Rồng - Ảnh: Đ.Nam
 Cầu Rồng chuyển qua nhiều sắc màu trong đêm -  Ảnh do công ty ASA cung cấp
Cầu Rồng chuyển qua nhiều sắc màu trong đêm -  Ảnh do công ty ASA cung cấp
Cầu Rồng chuyển qua nhiều sắc màu trong đêm -  Ảnh do công ty ASA cung cấp
 ĐĂNG NAM