Trang

8 tháng 5, 2014

Trung Quốc đuối lý trước cộng đồng quốc tế


(PetroTimes) - Dư luận thế giới đang tiếp tục lên án những hành động ngang ngược, cùng thái độ hung hăng của Trung Quốc khi đưa giàn khoan HD-981 tới khoan và tác nghiệp tại tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông - vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Từ giới truyền thông...
Ngày 8/5, tờ Thời báo Ấn Độ cảnh báo, quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đã trở nên hết sức căng thẳng sau vụ tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc va chạm trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh âm mưu cắm giàn khoan tại khu vực mà 2 nước đều tuyên bố chủ quyền. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách đưa giàn khoan vào khu vực chỉ cách bờ biển Việt Nam 193km. Ngoài ra còn có vụ Philippines bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc gần bãi Trăng Khuyết trên Biển Đông.
Giàn khoan Hải dương 981
Ngày 7/5, nhiều tờ báo lớn của Đức như Thế giới (die Welt), Thời đại (die Zeit), Tấm gương (die Spiegel), Làn sóng Đức (DW)... đã đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông - tàu chiến Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khi cố ngăn cản Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam; đồng thời cảnh báo căng thẳng có nguy cơ leo thang thành những cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn.
Trong bài viết "Việt Nam nỗ lực ngăn Trung Quốc triển khai giàn khoan", hãng AP nhận định động thái đặt giàn khoan ở khu vực trên thềm lục địa Việt Nam là một trong những bước đi khiêu khích của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Còn tờ New York Times bình luận tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề mới, nhưng sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng tăng trong thời gian qua đã gây lo ngại trong khu vực. Theo tờ Financial Times, căng thẳng trong khu vực Biển Đông leo thang đáng kể sau khi tàu Trung Quốc cố ý đâm tàu Việt Nam trên thềm lục địa của Việt Nam.
Một ngày sau khi nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki lên tiếng về hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời coi đây là cách hành xử nguy hiểm. Coi việc tàu Trung Quốc đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam là hành động quấy nhiễu và gây hấn trên biển.
Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
... tới học giả, chính trị gia
Ngày 7/5, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain coi quyết định của Trung Quốc hạ giàn khoan ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn là hành động mang tính khiêu khích, đáng quan ngại và chỉ nhằm mục đích leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Ông John McCain còn khẳng định, hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Cũng trong ngày 7/5, khi trả lời phỏng vấn hãng Kyodo tại thủ đô Paris nhân chuyến thăm Pháp (khi được phóng viên hỏi về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khiến Tokyo không thể không quan ngại và các bên cần tránh hành động đơn phương trên Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer khi nói với hãng AFP cho rằng, quyết định đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là một thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc và đây có thể là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia cho rằng, Bắc Kinh đang muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, từ đó gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực.
Theo ông Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại City University của Hongkong, Trung Quốc dường như muốn thẳng thừng bắt Việt Nam ngửa bài.
Ngày 7/5, học giả Andrew Billo, chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại New York, Mỹ, khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo UNCLOS. Theo ông Andrew Billo, đây là sự thất bại của Trung Quốc trong trách nhiệm phải hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã ký với các nước thành viên ASEAN.
Giới phân tích coi đây là động thái không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông. Giới chuyên môn khẳng định, khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới. Việc làm sai trái của Trung Quốc còn ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao Việt-Trung, gây mất lòng tin của Việt Nam và cộng đồng Quốc tế.
Giới bình luận cho rằng, với việc đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông, Trung Quốc muốn dấn thêm một bước trong việc thít chặt gòng kìm khống chế khu vực này, đồng thời thách thức chiến lược xoay trục của Mỹ, để trỗi dậy như một bá chủ khu vực.
Tân Hồng - Tiên Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét