Trang

3 tháng 5, 2014

Thư gửi ông Vũ Khiêu


 Hoàng Kim 


Ảnh bên: Báo Thể thao Văn hóa  viết: Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu là một trong những biểu tượng sống của Việt Nam. ( Xem tại đây!) Tại lễ mừng thọ 95 tuổi của giáo sư do Bộ VHTTDL  tổ chức, giáo sư được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết tặng câu đối “Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư câu đối “Triết gia trong cách mạng/ Nghệ sĩ giữa anh hùng”



Tôi thức dậy trong cơn đau nửa mặt vì chứng xoang trong những ngày trở tiết, nhận được tag (đánh dấu) bài chia sẻ có thêm phần bình nhỏ của một người bạn học cũ thời đại học, hiện đang ở Mỹ (Hoahong Xukhac), về một chuyện kinh thiên động địa, mà tôi nghĩ rằng, nếu không phải ở cái thời mạt pháp này, thì thật khó mà tin một vị Giáo sư tiếng tăm lẫn tai tiếng lẫy lừng như ông, có thể hạ bút để viết tựa cho một cuốn sách có tên là "Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng" do Đỗ Minh Xuân khảo dịch - nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin in năm 2012. Sau khi đọc hết các thông tin liên quan, tôi chỉ biết dùng câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thân mà thốt lên rằng: Một hành động vô đạo!

Việc một tác giả vô danh, tự bốc mình với hơn 1.000 đơn vị từ tự sửa trong Truyện Kiều là "hay hơn Nguyễn Du", tôi chả quan tâm làm gì cả. Vì những người như thế ở Việt Nam ta không thiếu, nhất là cái đám văn sĩ mậu dịch nửa mùa, cho vài xu rượu vào người, còn tự tâng hay hơn cả Nguyễn Du, Puskin, Banzac... là thường. Nhưng tôi té ghế vì cái tựa sách mang tinh thần húy lạo cổ võ của ông cho tập sách "kinh hồn" kia của ông, một giáo sư với nhiều "công trạng" tai tiếng chẳng kém một nhân tội của lịch sử, mà mai này, con cháu sẽ nhìn thấu rõ, ví như công trình "bài văn bia kiểu bia về Quang Trung dán đè lên thơ Hồ Chí Minh ở Núi Quyết, hay chuyện mới đây ông này lại “giáng bút” (?) ở Bình Đà..." (Lời nhà văn Nguyễn Quang Thân).

Thưa ông giáo sư, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một di sản của dân tộc chúng ta. Trải qua mây trăm năm trồi sụt, nó càng long lanh hơn, diễm tuyệt hơn vì sự 'trong sáng" vốn có của nó, chứ chẳng cần những người như ông và tác giả cuốn sách kia làm theo chỉ đạo hay định hướng nào đó thì nó mới được/bị trong sáng về tiếng Việt. Giá như, là một giáo sư, ông hiểu được rằng, tất cả những từ Hán-Việt còn lại trong bản Truyện Kiều, là những đơn vị từ không thể thay thế, vì nó là những điển tích, điển cố v.v... thì ông đã không hạ bút tự làm nhục mình như vậy. Việc một đại thi hào lỗi lạc như cụ Tố Như, đã dùng Nôm văn [một thứ chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc này] để viết, mà không dùng Hán văn để chuyển Đoạn Trường Tân Thanh sang thơ cho người Việt đọc, là cả một cái "tinh thần dân tộc" không chờ một nghị quyết hay định hướng nào cả. Đến như ai kia còn phải thốt lên rằng, "Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn...", thế mà...

Tôi viết lá thư này gửi cho ông và đăng tải công khai trên Facebook cá nhân, là để kêu gọi ông cũng công khai tự hủy lời tựa của mình cho cuốn sách mang "hành động vô đạo" kia, nếu ông còn chút liêm sỉ trí thức nhỏ nhoi nào đó.  Kính chúc ông sức khỏe để bớt đi sự hồ đồ như ông vẫn hay làm!

Chu Giang Phong, giờ Dậu, ngày 26.4.2014

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét