Trang

14 tháng 3, 2014

100% bệnh viện đều có ‘bóng’ tội phạm


- BTTD: Cũng đang tới “Thiên đàng” nhưng Cuba miễn phí hoàn toàn về y tế, giáo dục và đào tạo. Y tế của Cuba ngang chuẩn của Châu Âu, cán bộ cao cấp và dân đen cùng điều trị chung một phòng. Còn ở VN? 

(Sức khỏe) - Ngành y tế thừa nhận, hiện 100% bệnh viện trên cả nước đều xảy ra tình trạng mất an ninh.
Khoảng một năm trở lại đây, đã có hàng chục vụ tội phạm trộm cắp, lừa đảo, giả danh bắt cóc trẻ em hay hành hung bác sĩ xảy ra tại các bệnh viện (BV) công lập gây bức xúc dư luận. Với ba nhóm hình thức tội phạm chính là: trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; cò mồi, giả danh bắt cóc trẻ em; gây rối phá hoại tài sản công cộng. Trong đó, bức xúc nhất là tình trạng bắt cóc trẻ em.
Ảnh minh họa: 100% bệnh viện đều có ‘bóng’ tội phạm (Ảnh: TN)
Ảnh minh họa: 100% bệnh viện đều có ‘bóng’ tội phạm (Ảnh: TN)
Thực trạng báo động
Mới đây, lực lượng bảo vệ BV Bạch Mai (Hà Nội) bắt quả tang Vũ Quốc Bảo (31 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) giả danh bác sĩ của BV Bạch Mai, vào tận Khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV để lừa đảo khám rồi thu tiền của người bệnh. Sau khi điều tra, bước đầu, Công an đã xác định được Bảo đã tiến hành hơn 20 vụ lừa đảo ở nhiều BV.
Cuối tháng 11/2013, BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng đã bắt được Thái Thanh Phú (26 tuổi, trú tại quận 4, TP.HCM) giả danh bác sĩ vào xem bệnh án để thực hiện ý đồ xấu. Theo BV Chợ Rẫy, đây là trường hợp giả danh nhân viên y tế lần thứ hai được phát hiện trong năm 2013. Trước đó, đã có một số trường hợp mạo danh Công an, bác sĩ, y tá, nhà sư... trà trộn vào với mục đích xấu.
Một vụ gây chấn động dư luận là vụ Trần Tuấn Khương đã "cắt chân" chị gái ruột là Trần Thanh Dung (51 tuổi, trú khu tập thể Thành Công) tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, BV Xanh - Pôn (Hà Nội) vào sáng sớm 2/1.
Không chỉ các bệnh nhân, các thầy thuốc làm việc trong các BV cũng là những người dễ chịu ảnh hưởng của an ninh BV.
Các bác sĩ, nhân viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị nhóm côn đồ tấn công vào rạng sáng 23/9/2013. Đang cấp cứu cho các bệnh nhân thì bất ngờ một đám đông khoảng 30 người cầm gậy gộc, mã tấu kéo vào bệnh viện đòi “tính sổ”, đòi “nợ máu” một bệnh nhân đang điều trị tại đây vì cho rằng bệnh nhân này đã gây ra cái chết cho người nhà của họ. Sự việc trên khiến các nhân viên y tế bị vạ lây, nhóm “côn đồ” đòi “xử” luôn các nhân viên y tế vì cho rằng họ nhận tiền của bệnh nhân này nên đã bao che.
Không chỉ lừa tiền bạc, gây tổn thương về sức khỏe người bệnh, một loại tội phạm mới xuất hiện và để lại những hậu quả khôn lường cho cả các bệnh nhân lẫn uy tín của các bệnh viện là bắt cóc trẻ em.
Ở một nơi coi là đầy niềm hạnh phúc, vì là BV nơi các em bé chào đời, nhưng thực tế cũng đầy nguy hiểm
Ở một nơi coi là đầy niềm hạnh phúc, vì là BV nơi các em bé chào đời, nhưng thực tế cũng đầy nguy hiểm rình rập.
Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh đầu tiên xảy ra vào tháng 11/2011, tại BV Phụ sản Trung ương đã làm rúng động dư luận cả nước khi Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, ở Bắc Giang) chỉ với thủ đoạn mặc áo blouse trắng để giả danh bác sĩ, rồi vào tận phòng của sản phụ Trần Thị Thơm để bắt cóc bé trai.
Vụ việc thiết nghĩ đã đủ cảnh báo cho các BV trong vấn đề bảo vệ an ninh, nhưng chỉ gần 1 năm sau, ngày 26/8/2012, tại BV Phụ sản Thái Bình lại xảy ra một vụ bắt cóc trẻ sơ sinh cũng với thủ đoạn na ná: Kẻ gian mặc áo blouse, giả nhân viên y tế để "đưa cháu đi tắm". Và rồi, do không thoát được nên tội phạm đã để cháu bé giấu trong túi du lịch vứt ở cầu thang máy tầng 3 của BV.
Những tưởng an ninh BV sẽ được siết chặt hơn sau các cú sốc không chỉ với gia đình các nạn nhân, mà với toàn xã hội. Thế nhưng, ngày 9/1/2014, thêm một vụ bắt cóc bé sơ sinh xảy ra. Lần này là tại Khoa sản BV quận 7, TP.HCM.
Mới đây nhất, ngày 14/3, Phòng Cảnh sát Điều tra về Trật tự Xã hội (PC 45) Công an TP.HCM cho biết, đã phối hợp với Công an quận 7 tóm gọn băng nhóm buôn bán trẻ sơ sinh. Từ tháng 6/2013 đến đầu năm 2014, nhóm này đã mua bán trót lọt 20 trẻ sơ sinh (Đất Việt đã thông tin).
Dễ “bắt mạch” nhưng khó “điều trị”
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng trên dễ “bắt mạch” nhưng khó “điều trị”. Do quá tải dẫn đến tình trạng lộn xộn trong bệnh viện, quy trình tiếp nhận bệnh nhân còn bất cập. Rồi ngay cả nhân viên y tế trong cùng bệnh viện cũng không biết hết nhau, chưa kể một lượng lớn sinh viên thực tập cũng mặc áo nhân viên. Đây là cơ hội cho kẻ gian giả danh bác sĩ, y tá trà trộn để lừa đảo người nhà, bệnh nhân.
Lãnh đạo các BV cho rằng việc kiểm soát an ninh tại các BV hiện nay là quá sức, một phần là do sự quá tải trầm trọng tại các BV. Ảnh: NĐ
Lãnh đạo các BV cho rằng việc kiểm soát an ninh tại các BV hiện nay là quá sức, một phần là do sự quá tải trầm trọng tại các BV. (Ảnh: N.Đồng)
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các thủ đoạn của tội phạm không khó nhận biết nhưng ngăn chặn triệt để thì không dễ. Bởi theo ông Dung, bệnh viện như một xã hội thu nhỏ: Ngoài cổng bệnh viện có các đối tượng cò mồi, trông giữ xe tự do, hàng quán... “chặt chém” khách. Trong bệnh viện, kẻ xấu trà trộn giả làm người nhà vào thăm bệnh nhân trộm cắp tài sản. Giang hồ thanh toán nhau cũng đưa vào bệnh viện cấp cứu, thậm chí gây rối loạn, dọa nạt nhân viên y tế.
Tuy nhiên, dù bao biện bằng bất cứ lý do nào đi nữa, thì để xảy ra những hiện tượng bắt cóc hay bạo lực, hành hung trong bệnh viện cũng là vấn đề đáng báo động. Trách nhiệm đó thuộc về nhân viên, bác sĩ và bệnh viện. Nếu họ thực sự tâm huyết, sát sao với bệnh nhân của mình, quản lý bệnh viện chặt chẽ khoa học sẽ không có những hiện tượng đáng lo ngại đó xảy ra trong một môi trường mà người dân đang tìm đến sự sống và bình yên.
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
 Theo Bình Nguyên ( Đất Việt )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét