Trang

24 tháng 5, 2014

Quy định...đẩy khó cho dân?

(Tin tức thời sự- Đất Việt) - Cách quản lý chủ sở hữu phương tiện của cơ quan quản lý đã thấy rối rắm, người cứng cựa cũng phải toát mồ hôi hột!
a
Bức tranh vui về xử phạt mũ bảo hiểm rởm của họa sĩ LAP
Thông tư 15 của Bộ Công an quy định chủ xe phải thông báo bằng văn bản việc bán, cho, tặng xe đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đang khiến người dân nảy sinh nhiều thắc mắc. Có người cho rằng như vậy là các cơ quan chức năng đã đẩy khó cho dân.
Theo thông tư 15 do Bộ Công an mới ban hành và sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1.6 tới đây thì sau khi bán, cho, tặng xe, chủ sở hữu phải phải có thông báo bằng văn bản đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký xe.
Thông tư còn quy định rõ: “trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.
Nếu cho rằng đây là một cách để quản lý chủ sở hữu phương tiện hữu hiệu hơn thì cũng không phải là không chính xác. Việc chuyển nhượng, cho, tặng phương tiện ở nước ta vốn được làm theo kiểu “chạy tắt” bằng một tờ giấy viết tay, điều này sẽ gây phiền toái khi chủ sở hữu mới của phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cái nhiêu khê là ở chỗ, các cơ quan chức năng đã không tìm ra cách hữu hiệu nhất để đơn giản bớt thủ tục hành chính cho người dân. Việc thông báo bằng văn bản về chuyện bán, cho, tặng xe mặc dù được mở thêm một “lối thoát” là “có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện”. Vậy trong trường hợp bản thông báo đó bị thất lạc thì sự phiền toái vẫn lơ lửng treo trên đầu chủ sở hữu cũ của phương tiện.
Tại sao không thể có một cổng thông tin điện tử để người dân vào khai báo? Tại sao không áp dụng một cách quản lý khoa học nhất như nhiều nước đã làm: chỉ cấp một biển số vĩnh viễn, có thể chuyển đổi phương tiện nhưng biển số thì không, và nó sẽ đi theo một chủ sở hữu cho đến trọn đời.
Chỉ cần nhìn vào cách quản lý chủ sở hữu phương tiện của cơ quan quản lý đã thấy rối rắm, phức tạp, các thủ tục “hành là chính” liên tục được đẻ ra khiến người dân như lạc vào rừng rậm. Thêm một thủ tục là thêm một phiền hà, và mỗi lần đến với các cơ quan công quyền, người dân lại thêm một lần bị “hành” tới mệt mỏi và không ít tốn kém.
Mỗi ngày, trên toàn quốc sẽ có đến hàng triệu vụ chuyển nhượng phương tiện, vậy con số người phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý là hàng triệu văn bản, lấy kho đâu mà chứa cho hết những bản thông báo đó? Cơ sở dữ liệu số hóa mà các nước tiên tiến đã áp dụng từ lâu sao nước ta không học tập để công việc hiệu quả, văn minh, tiết kiệm thời gian cho toàn xã hội?
Thêm một quy định khác cũng đẩy khó cho dân, đó là từ ngày 1.7 tới, người đội mũ bảo hiểm rởm ngoài việc bị tịch thu mũ cũng sẽ bị phạt như trường hợp không đội mũ bảo hiểm.
Lại thêm một quy định thể hiện sự rối rắm trong quản lý, ai dám chắc chiếc tem CR để chứng minh chiếc mũ bảo hiểm không phải là rởm sẽ không bị làm giả? Những cơ sở bán mũ bảo hiểm rởm tồn tại nhan nhản khắp nơi, phải chăng vì không bất lực trong xử lý nên các cơ quan chức năng đẩy sang cho người dân phải gánh trách nhiệm này?
Mua phải hàng rởm, người dân đương nhiên là nạn nhân, ấy thế nhưng thay vì được “bênh”, họ sẽ bị phạt. Bởi vậy mà trên mạng xã hội đang rất “hot” một bức tranh vui vẽ một người đàn ông xin cảnh sát giao thông được nộp phạt luôn… 2 tỷ, lý do là vì đã rất nhiều lần mua phải thuốc rởm, xăng rởm, thực phẩm kém chất lượng…  
Tất cả những chế tài vô duyên, vô lý như trên và hàng loạt những quy định trước đó phạt xe không chính chủ, ngực lép không được lái xe, quan tài không được đậy nắp kính, thịt sống chỉ được bán trong 8 tiếng, phạt vợ chồng chì chiết nhau,  muốn bán hàng rong cơm bụi thì phải đi thi … chỉ chứng tỏ một sự méo mó trong cách quản lý. Nó không xuất phát từ thực tế cuộc sống nên sẽ bị chính cuộc sống cưỡng lại, gạt văng ra khỏi quỹ đạo.
Có cảm tưởng như trong nhiều lĩnh vực, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và người dân chưa bao giờ có được tiếng nói chung. Sự bất lực trong quản lý xã hội, sự rối rắm và vô duyên trong các văn bản, quy định, chế tài… khiến cho người dân chưa bao giờ cảm thấy họ là một đối tượng đáng được tôn trọng và được góp phần trong công cuộc làm cho cuộc sống văn minh hơn. Trái lại, họ chỉ được xem như một đối tượng để phạt, để hành, để xử lý, để răn đe.
Cần lắm những quy định sáng suốt. Và cần hơn cả là một lối ứng xử văn minh và tôn trọng xứng đáng của các cơ quan công quyền với người dân- đối tượng nộp thuế để duy trì sự tồn tại cho mình.
  • Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét