Trang

20 tháng 5, 2014

Hợp tác Nga-Trung, đối sách của Mỹ và đồng minh?


 BTTD: Hợp tác Nga- Trung sẽ thay đổi cục diện thế giới. TQ sẽ tăng sức ép VN... Cơ hội để TQ vươn xa ra biển Đông.
(Quan hệ quốc tế) - Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin đã mở ra một trang mới trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này: Họ đang chứng tỏ, họ không thể thiếu nhau.
Nga – Trung Quốc song ca trên trường quốc tế
Ngày 20/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt chân đến thành phố Thượng Hải, bắt đầu chính thức chuyến thăm Trung Quốc. Tại đây, Tổng thống Nga sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai vị nguyên thủ sẽ cùng tham dự cuộc tập trận chung mang tên “Tương tác hải quân”, sau đó, họ sẽ có cuộc tiếp xúc với doanh nhân hai nước.
Ngay sau khi kết thúc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, cả hai bên đã ký hàng loạt những thỏa thuận chung, tuyên bố chung, để đảm bảo cho cái gọi là quan hệ đối tác chiến lược tầm cao mới, hay niềm tin chiến lược, láng giềng thân thiện…
Để minh chứng cho tình thân mến thân giữa hai quốc gia, Nga và Trung Quốc dường như đang hát cùng một bài ca trên các vấn điểm nóng của thế giới.
Đề cập tới cuộc nội chiến ở Syria, hai vị nguyên thủ này tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực can thiệp bằng sức mạnh từ bên ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria là không thể chấp nhận."
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình với bản ghi nhớ chung giữa hai quốc gia trong tay
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình với bản ghi nhớ chung giữa hai quốc gia trong tay
Tuyên bố chung giữa hai bên nhấn mạnh, Moscow và Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực của chính phủ Syria về việc tiêu hủy vũ khí hóa học, kêu gọi nhanh chóng giải quyết vấn đề nhân đạo và tị nạn, đồng thời khẳng định ủng hộ chính quyền Damascus của Tổng thống Bashar al-Assad.
Với vấn đề Ukraine, cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ sự lo lắng cho cục diện của đất nước này đang ngày càng bên bờ vực nội chiến. Ngược lại với Syria, hai quốc gia này không ủng hộ chính phủ Kiev mà cho rằng, quyền của những người biểu tình mới đáng trân trọng.
Có thể thấy, Syria và Ukraine đều là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và sống còn đến lợi ích Nga. Và Trung Quốc đang chơi trò tung hứng, phụ họa để hỗ trợ cho người Nga đảm bảo quyền lợi của mình.
Vì ta cần nhau
Việc Trung Quốc ủng hộ quyền lợi Nga một cách quyết liệt không phải là ngẫu nhiên. Cần nhớ một câu: có đi có lại mới toại lòng nhau. Trong bối cảnh thế giới hiện tại, hai cường quốc này muốn tồn tại, chỉ còn cách nắm chặt lấy tay nhau một cách chân thành và gạt bỏ mọi toan tính.
Bởi lẽ, Nga có những cái mà Trung Quốc cần, còn Trung Quốc, họ cũng có những thứ mà Nga khao khát.
Thực chất, nền kinh tế Nga đang ngàn cân treo sợi tóc khi hàng loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu chuẩn bị giáng xuống. Phải nói rằng châu Âu đang phụ thuộc 30% nhu cầu năng lượng vào Nga, nhưng nếu không có Nga, liên minh này cũng không thể “chết rét.”
Việc trừng phạt Nga chỉ làm tăng quyết tâm đoạn tuyệt sự lệ thuộc vào năng lượng của quốc gia này. Nếu không có nguồn dầu khí từ phương Bắc, EU sẽ tăng cường việc nhập khẩu dầu mỏ từ phía các quốc gia vùng Vịnh, vốn cũng là đồng minh của họ.
Tàu khu trục Bystry của Nga cập cảng Thượng Hải ngày 18/5
Tàu khu trục Bystry của Nga cập cảng Thượng Hải ngày 18/5 để tham gia tập trận
Tuy nhiên, Nga không bán được dầu, đồng nghĩa với việc nền kinh tế này sẽ chết. Bởi 50% ngân sách quốc gia của Nga thu được từ việc xuất khẩu năng lượng. Trong bối cảnh đó, Nga buộc phải tìm những đối tác mới. Và Trung Quốc, nền kinh tế khát năng lượng này luôn rộng vòng tay đón chào nước Nga.
Nếu như trước đây một vài năm, Moscow, Bắc Kinh còn cò kè bớt một thêm hai về giá của một thùng dầu, thì hiện tại, vấn đề giá cả này có lẽ sẽ được thông qua một cách nhanh chóng, một khi họ đã là hàng xóm tốt qua thỏa thuận chung giữa hai nguyên thủ.
Nga giải quyết cho Trung Quốc cơn khát năng lượng, còn Trung Quốc dùng đồng Nhân dân tệ cứu kinh tế Nga trước đòn trừng phạt.
Về quân sự, vấn đề này không cần phải diễn giải nhiều. Trung Quốc thèm khát vũ khí Nga. Và trước sức ép của phương Tây, Moscow đã gật đầu bán nhanh cho Bắc Kinh một vài món “hàng nóng”, trong đó có tổ hợp tên lửa S-400. Đổi lại, Moscow cũng thu về được nhiều ngoại tệ.
Có thể thấy, trong lĩnh vực kinh tế, Nga có nhiều thứ Trung Quốc thèm, còn Trung Quốc chỉ có một thứ duy nhất Nga cần: tiền, rất nhiều tiền. Trong sự hợp tác này, đôi bên đã giải tỏa được nhu cầu của nhau.
Về quan hệ quốc tế, dù thế giới đang trong thời kỳ đa cực với vai trò chủ đạo của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố như đinh đóng cột rằng từ khi Crimea sáp nhập vào Nga, thế giới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi, và Mỹ sẽ không còn vai trò như trước nữa.
Lời ngài Putin nói không phải là tiên tri hay sấm truyền, mà là cả một kế hoạch. Bởi lẽ, Trung Quốc và Nga đang từng bước thành lập một liên minh từ kinh tế đến quân sự. Cuộc tập trận “tương tác hải quân” đang diễn ra tại biển Hoa Đông đã cho thấy đối tượng mà liên minh này nhắm vào. Đó chính là Nhật Bản, cái gai trong mắt Trung Quốc, đồng minh của Mỹ.
Nga sẽ bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí hiện đại, từ tổ hợp tên lửa S-400 cho đến chiến đấu cơ Su-35
Nga sẽ bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí hiện đại, từ tổ hợp tên lửa S-400 cho đến chiến đấu cơ Su-35
Nga – Trung tin rằng, với sức mạnh quân sự, kinh tế của họ, họ có thể đủ sức đối đầu với liên minh mà Mỹ tạo ra trên toàn thế giới. Điều mà ông Putin ám chỉ, sự đơn cực mà Mỹ cố gắng tạo dựng sẽ được thay thế bằng mối quan hệ đối đầu hai cực, và nổi lên là vai trò của liên minh Nga – Trung.
Tổng thống Nga đang nỗ lực thực hiện cái gọi là “phục hưng Liên Xô”, còn Chủ tịch Tập Cận Bình lại miệt mài theo đuổi “giấc mơ Trung Hoa.” Một khi hai giấc mơ này song hành, có lẽ Mỹ sẽ phải có nhiều hành động thiết thực hơn là nói suông.
Mỹ và đồng minh đang làm gì?
Một thực tế cho thấy, nhiều ngày nay, Mỹ đang quan tâm đến Ukraine, đến Đông Âu nhiều hơn là châu Á – Thái Bình Dương – trọng tâm của chiến lược chuyển trục mà Tổng thống Obama đề ra.
Có nhiều ý kiến cho rằng quyết sách này là sai lầm, là nói một đằng làm một nẻo. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, Mỹ đang chơi một nước cờ khôn khéo.
Mục đích của Mỹ là kiềm chế, cô lập Trung Quốc. Nhưng chiến lược xuyên suốt từ sau thế chiến thứ hai của cường quốc này đến nay, và cả tương lai, đó là bảo vệ lợi ích của đồng minh. Bởi người Mỹ hiểu, muốn bạn bè sẵn sàng vì mình, thì bản thân phải hết lòng vì họ.
Nếu như NATO, châu Âu đang trong sự đối đầu với Nga, thì bản thân Mỹ với vai trò của người dẫn dắt phải thể hiện sao cho đúng mực. Dù sao, NATO vẫn là xương sống trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Còn châu Âu với Mỹ như những người bạn già không thể thiếu nhau.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể với các nước Đông Nam Á
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể với các nước Đông Nam Á
Vậy còn châu Á – Thái Bình Dương, vai trò dẫn dắt sẽ là của ai? Hiện tại, Mỹ đã xây dựng được ở đây chuỗi đảo đồng minh, với Nhật Bản – Hàn Quốc – Đài Loan – Philippines, ngoài ra còn có sự hậu thuẫn của Australia. Một khi Mỹ vắng mặt trên trận địa này, buộc lòng sẽ phải có một quốc gia đứng lên giữ vai trò điều phối. Có thể nói rằng, Mỹ đang mở đường cho Nhật quay lại tái thiết quân đội.
Mới đây nhất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể không chỉ đối với Mỹ mà còn cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Theo Aashi Shimbun – tờ báo lớn thứ hai tại Nhật Bản, chính sự quan ngại về Trung Quốc đã thúc ông Abe đẩy mạnh việc trao thêm quyền cho lực lượng phòng vệ của quốc gia này, đồng thời chủ động can dự quân sự vào các vấn đề trên vùng Biển Đông.
Ngoài ra, Nhật Bản và Ấn Độ đang có mối quan hệ rất tốt đẹp. Tân Thủ tướng của Ấn Độ, ông Narendra Modi đã lựa chọn Nhật Bản là quốc gia đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài của mình.
Có thể thấy, Nhật Bản đã thay Mỹ thiết lập những mối quan hệ chiến lược mới. Hành động này cho thấy bản thân Mỹ đang chia sẻ gánh nặng của mình cho những đồng minh giàu có và đầy thực lực. Đây là một chiến lược khôn ngoan và đầy thực dụng mà người Mỹ áp dụng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu.
Đỗ Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét