Trang

16 tháng 10, 2014

Nga không thể dựa vào Trung Quốc!

(Quan hệ quốc tế) - Quan hệ với Trung Quốc, Nga có thể hưởng những cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài thì không.

Cái lợi trước mắt
Theo các chuyên gia, phát triển mối quan hệ với Trung Quốc, Nga có những cái lợi liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, quân sự, ngoại giao và tư tưởng. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng không phải là kẻ chịu thiệt.
Thứ nhất là vấn đề năng lượng. Về ngắn hạn, các tranh chấp khí đốt giữa Ukraine và Nga có thể hạn chế Nga tiếp cận các bạn hàng lâu năm tại thị trường lớn ở châu Âu, giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khu vực này. Khi Nga quá lạm dụng con bài khí đốt trong mối quan hệ tổng thể với châu Âu, khiến các quốc gia phương Tây tự mình phải vận động, tìm kiếm nguồn cung thay thế mới an toàn hơn. Điều này có nghĩa là Nga có nguy cơ không tiêu thụ được khí đốt dù chưa đánh mất thị trường.
Trung Quốc đã chìa tay với Nga trong lúc khó khăn?
Trung Quốc đã chìa tay với Nga trong lúc khó khăn?
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc hiện đang trở thành mối quan tâm, là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách phát triển của Bắc Kinh. Thắt chặt quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng tránh được những rủi ro liên quan những biến động địa chính trị khó lường tại các quốc gia vùng Vịnh. Thực tế cho thấy kỳ vọng về một nhà cung cấp năng lượng tin cậy Nga của Trung Quốc là hoàn toàn khả quan.
Cái lợi thứ hai là lĩnh vực quân sự. Trung Quốc từ lâu đã là một khách hàng quan trọng trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga. Tuy nhiên, quyết định mới đây của Kremlin bán tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc mới thực sự đánh một dấu mốc thay đổi quan trọng.
Trong quá khứ, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc bị hạn chế bởi sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai bên và để giải tỏa vấn đề này, Kremlin cũng phải tự trấn an rằng quân đội Nga luôn được duy trì một lợi thế hơn hẳn (Trung Quốc) về công nghệ quân sự. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, việc bán tên lửa S-400 cho Bắc Kinh thực sự đã không chỉ làm giảm ưu thế công nghệ quân sự của Nga đối với Trung Quốc, mà nó còn làm thay đổi cán cân quân sự giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ.
Giới chuyên gia cho rằng nếu doanh số xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga cho Trung Quốc tăng, đó cũng là bằng chứng cho thấy Moskva gia tăng sự tin tưởng về an ninh biên giới phía Đông.
Cái lợi thứ ba mà Nga nhận được là thái độ im lặng của Trung Quốc trong vụ sáp nhập Crimea. Việc Trung Quốc phớt lờ câu chuyện Crimea là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang ưu tiên mối quan hệ với Moskva.
Cuối cùng, cái lợi thứ tư là sự tương đồng của Nga-Trung trong việc duy trì hệ thống chính trị trong nước, qua đó đảm bảo sự ổn định và chống lại sự can thiệp từ phương Tây.
Khó bền vững
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng những mối lợi trên không thể tạo ra cơ sở vững chắc cho liên minh Nga-Trung bởi lợi ích của hai nước sẽ ngáng trở nhau trong nhiều lĩnh vực khi chúng được liên kết.
Biểu hiện rõ ràng đầu tiên là ở khu vực Trung Á. Thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt với Nga của Trung Quốc đã được bắt đầu bằng một thỏa thuận khí đốt lớn hơn với Turkmenistan. Ngoài ra, thương nhân Trung Quốc là những doanh nghiệp năng động ở Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Ngoài năng lượng, Bắc Kinh vẫn chưa khớp nối bất kỳ mục đích địa chính trị cụ thể nào ở Trung Á, trong khi Nga có lợi ích an ninh và các mối quan hệ kinh tế triển vọng tại đó.
“Sức mạnh Siberia” sẽ cung cấp hàng chục tỷ mét khối khí đốt của Nga cho Trung Quốc trong những năm tới
“Sức mạnh Siberia” sẽ cung cấp hàng chục tỷ mét khối khí đốt của Nga cho Trung Quốc trong những năm tới
Lý do thứ hai cho sự hoài nghi về mối liên hệ Nga-Trung là sự mất cân bằng kinh tế giữa hai nước. Các công ty hàng hóa của Nga sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không có khả năng mua nhiều từ Nga, ngoài nguyên liệu thô. Khu vực công nghiệp và dịch vụ của Nga không những nhận được rất ít lợi ích từ bất kỳ sự mở rộng thương mại nào với Trung Quốc, mà còn bị đe dọa bởi hàng hóa Trung Quốc với chi phí thấp mà chất lượng ngày càng cao.
Một lý do quan trọng khác làm gia tăng sự hoài nghi về liên minh Nga-Trung chính là cả hai nước đều muốn đóng vai trò chính trên trường quốc tế, muốn chi phối các quốc gia yếu hơn để có thể đạt được mục tiêu cốt lõi của mình.
Không những thế, việc thanh toán bằng đồng nội tệ trong trao đổi thương mại song phương Nga-Trung được nhận định sẽ dẫn tới những hệ lụy tiêu cực. Sự cản trở đến từ khả năng quản lý yếu kém, tệ tham nhũng của cả hai phía không thể đáp ứng hiệu quả nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Nếu xảy ra khủng hoảng đối với đồng rúp, hay đồng nhân dân tệ, sẽ kéo cả hai nền kinh tế này đi xuống.
Rõ ràng có căn cứ để giới chuyên gia đưa ra nhận xét rằng Nga vì miễn cưỡng mới phải quay sang phía Đông. Chính người Nga cũng hiểu Trung Quốc không vô tư mà dang tay giúp, thậm chí còn muốn lợi dụng mối quan hệ này để mặc cả với phương Tây.
Bảo Minh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét