Trang

28 tháng 2, 2014

Tham vọng sinh hiếu chiến


(Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông)
(PetroTimes) - 31 năm trước (1983-2014), tướng Lưu Hoa Thanh, người được coi là cha đẻ của Hải quân Trung Quốc từng phác thảo lộ trình. Theo đó, đến năm 2010, Trung Quốc sẽ giành được ưu thế bên trong cái gọi là “chuỗi đảo đầu tiên”, tức là vùng hải phận gần bờ biển Trung Quốc; đến năm 2020, sẽ mở rộng tới “chuỗi đảo thứ hai”, nằm cách Trung Quốc hàng trăm hải lý; và đến năm 2040, Trung Quốc sẽ đủ sức ngăn chặn sự thống trị của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và những tham vọng của Trung Quốc đang khiến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dậy sóng. Ngày 20/2, khi trả lời phỏng vấn Hãng tin AP, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Emmanuel Bautista cho rằng, những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông là vô lý, đồng thời cam kết bảo vệ ngư dân nước này nếu họ bị hăm dọa.  
Quan điểm khác nhau
Ngày 21/2, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Raymond Odierno cho biết, Bắc Kinh và Washington chia sẻ những mục tiêu chung và sẽ thúc đẩy việc hợp tác quân sự bởi đều sở hữu lực lượng quân đội tinh nhuệ nên phải hợp tác chặt chẽ với nhau để phát triển. Do đó, Trung - Mỹ cần thảo luận về các vấn đề an ninh trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với 2 đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Cũng trong ngày 21/2, quân đội Mỹ - Trung đã thống nhất về cơ chế đối thoại thường xuyên trong bối cảnh căng thẳng ở châu Á tăng cao.
Ngày 20/2, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby đã từ chối bình luận đối với báo cáo của Đại tá James Fanell, Giám đốc về các chiến dịch tình báo và thông tin của Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương, khi cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị quân tấn công Nhật Bản. Đại tá James Fannell cho rằng, cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo quy mô lớn của quân đội Trung Quốc năm 2013 là nhằm tới mục tiêu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo ông James Fanell, sau khi tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông vào cuối năm 2015 và động thái kể trên cho thấy, Bắc Kinh đang mở rộng huấn luyện hải quân vượt quá “lãnh hải truyền thống”. Ông James Fanell còn nói, quân đội Trung Quốc không phải lực lượng duy nhất hoạt động mạnh trên các vùng biển ở Hoa Đông và Biển Đông - đáng chú ý là lực lượng và hành động “bán quân sự của Bắc Kinh”.
James Fanell
Trung tá về hưu của quân đội Mỹ Ralph Peters cho rằng, Trung Quốc có thói quen bắt nạt các nước láng giềng với các cuộc tập trận đe dọa, mặc dù mục đích của các cuộc tập trận nhằm vào Nhật Bản. Ngày 22/2, tờ South China Morning Post đưa tin, Đại tá Lý Kiệt của Học viện Quân sự thuộc hải quân Trung Quốc cho rằng, ADIZ ở Biển Đông có vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc gia lâu dài của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lý Kiệt cho rằng, còn quá sớm để dự đoán thời điểm Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Những bình luận gần đây của các cố vấn (Etsuro Honda và Seiichi Eto) về quan hệ Nhật - Mỹ và quá khứ thời chiến đang khiến Thủ tướng Shinzo Abe đau đầu bởi ông đang muốn giảm bớt căng thẳng với Washington giữa lúc căng thẳng khu vực gia tăng. Ngày 20/2, trả lời các câu hỏi trước Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe cho hay, Nhật Bản đã gây ra nỗi đau lớn tại châu Á cùng những nơi khác trước đây và chính phủ của ông giữ nguyên những lời xin lỗi trong quá khứ và cánh cửa đối thoại vẫn mở với Bắc Kinh và Seoul.
Cũng trong ngày 20/2, Hãng Kyodo News đưa tin, khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, ông Etsuro Honda, cố vấn kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đã ca ngợi nhà lãnh đạo này dũng cảm khi đến thăm đền Yasukuni hôm 26/12/2013. Ông Etsuro Honda còn cho rằng, Nhật Bản cần một nền kinh tế mạnh mẽ, xây dựng quân đội hùng mạnh để có thể đương đầu với Trung Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe từng cho rằng, việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trung bình 10%/năm là nguồn gốc chính gây nên sự mất ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng năm 2013 (nhiều nhất) trong gần 2 thập niên qua.
Thủ tướng Shinzo Abe
Ngày 22/2, ông Yoshitami Kameoka, Thư ký Quốc hội tại Văn phòng Nội các ở Tokyo, đã đại diện cho Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tham dự mít tinh thường niên ở Shimane, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp Takeshima/Dokdo. Trước đó (21/2), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, Takeshima là một bộ phận không thể tách rời của Nhật Bản. Việc này diễn ra sau khi Hội đồng thành phố Busan, Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản (20/2) ngừng tiến hành kỷ niệm ngày Takeshima/Dokdo tại tỉnh Shimane, đồng thời phê phán Tokyo tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima.
Trước đó (19/2), Bộ Hàng hải và Thủy sản Hàn Quốc cho biết, sẽ đưa hải cẩu trở lại và bảo vệ chúng tại quần đảo Dokdo/Takeshima. Đây là động thái nhằm thúc đẩy quyền kiểm soát của Hàn Quốc đối với quần đảo tranh chấp này. Trước đó, Hãng Yonhap từng trích dẫn nội dung của bản hợp đồng được ký giữa tháng 12/2013 giữa Đại sứ quán Nhật Bản với Công ty McGuireWoods Consulting LLC nhằm ngăn chặn một động thái pháp lý của bang Virginia, Mỹ về việc xác định lại tên gọi của vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Cũng trong ngày 19/2, tờ Thời báo Tài chính (Anh) cho rằng, Mỹ đã đẩy Hàn Quốc vào tình thế khó xử khi Ngoại trưởng John Kerry trả lời phỏng vấn báo chí và cho rằng, có tranh chấp giữa Seoul và Tokyo tại quần đảo Dokdo/Takeshima. Từ trước tới nay Mỹ chưa từng bày tỏ quan điểm về chủ quyền đối với vấn đề này. Ông Victor Cha, cựu chuyên gia Nhà Trắng coi đây là sai lầm của Ngoại trưởng John Kerry.
Mối quan ngại của Australia
Ngày 21/2, Thủ tướng Australia Tony Abbott thông báo quyết định mua 8 máy bay tuần tra hàng hải tầm xa Boeing P-8A Poseidon (máy bay trinh sát chống ngầm tiên tiến nhất thế giới hiện nay) để giúp tăng cường năng lực giám sát và chiến đấu trên biển trong hàng thập kỷ tới của nước này. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật (lần đầu tiên) ngoài khơi gần lãnh thổ Australia. Cuộc tập trận của Trung Quốc đã dấy lên làn sóng tranh luận về việc Australia sẽ phải sống ra sao trong bối cảnh tiềm lực quốc phòng và các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Cố vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, Etsuro Honda
Theo ông Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, chưa bao giờ Trung Quốc diễn tập gần lãnh thổ Australia như vậy. Báo chí Australia đang thảo luận về các lựa chọn khác nhau để ứng phó với tàu Trung Quốc xuất hiện tại biên giới biển của nước này. Nếu Mỹ không tăng cường hiện diện và viện trợ, Australia sẽ không có đủ nguồn lực để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trong tuyên bố đưa ra đêm 21/2, Trường đại học Harvard danh tiếng của Mỹ đã ghi danh cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd là chuyên gia cao cấp của mình với tư cách chuyên gia về Trung Quốc. Trước mắt, ông Kevin Rudd sẽ đứng đầu một nghiên cứu lớn về quan hệ Mỹ - Trung tại Trung tâm quan hệ quốc tế và khoa học Belfer.
Ngày 20/2, tờ Times of India cho rằng, Trung Quốc đang cảnh báo Ấn Độ không nên tham gia hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bởi việc này sẽ cản trở Bắc Kinh thúc đẩy hợp tác với New Delhi. Trung - Ấn là 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, có nhu cầu năng lượng lớn và phải tìm kiếm nguồn cung cấp dầu khí từ nước ngoài với quỹ đạo gần như giống nhau, do đó tiền đề hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí ở nước ngoài là 2 bên phải “tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”.
Trước đó (18/2), Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, Jakarta sẽ không chấp nhận và kịch liệt phản đối nếu Bắc Kinh thông qua kế hoạch và triển khai ADIZ trên Biển Đông. Tuyên bố này được Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói tại cuộc họp của Ủy ban Quốc hội về Quốc phòng và Ngoại giao, chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng John Kerry kết thúc chuyến thăm Indonesia.
Ngày 20/2, khi đang ở thăm Manila và thảo luận với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để quản lý tốt hơn các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Bà Julie Bishop cho biết, Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Biển Đông là mối quan tâm chính của nước này, bởi có tới 60% hàng hóa xuất khẩu và 40% hàng hóa nhập khẩu của họ được vận chuyển qua đây. Bà Julie Bishop cũng hối thúc Nhật - Trung giảm căng thẳng xoay quanh tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi nhiều quốc gia đang quan ngại về tình trạng leo thang giữa 2 cường quốc châu Á này.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd từng nhận định, trong thế kỷ XXI, khu vực Đông Á tồn tại mồi lửa trên biển tương tự chiến tranh Balkan xảy ra cách đây một thế kỷ. Theo trang tin Global Research, Đông Nam Á đã trở thành chiến trường ngoại giao khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ ganh đua quyết liệt với Trung Quốc.
Theo ông David H Hale, chuyên gia phân tích kinh tế toàn cầu người Mỹ từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Australiatrong tương lai chính là sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế đáng sợ của Trung Quốc và khả năng một nước Mỹ suy yếu (do khó khăn tài chính buộc phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng) rút khỏi khu vực. Nhận định này của ông David H Hale được Viện Chính sách chiến thuật Australia (ASPI) công bố trong báo cáo “Giấc mơ mới của Trung Quốc”.
Duy ngã độc tôn
Ngày 19/2, tờ Học giả Ngoại giao (Nhật Bản) có bài viết “Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt với đồng minh Mỹ - Nhật vững chắc hơn” và ngày 18/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài “Nước lớn thế giới cảm thấy không an toàn”. Theo đó, Bắc Kinh không an toàn, chứ không phải sự tự tin mới là sự miêu tả chuẩn xác đối với đặc điểm của ngoại giao Trung Quốc hiện nay. Điều có thể nhìn thấy rõ nhất chính là quan hệ vụn vặt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng vì không mua được sự “trung thành” của họ cho dù lao tâm khổ tứ.
Trung Quốc vừa muốn đối đầu với Nhật Bản, vừa muốn tiếp xúc với Mỹ, vừa muốn xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, nhưng phải đối mặt với đồng minh Washington - Tokyo vững chắc. Điều đáng nói là cách nhìn của Mỹ và Trung Quốc đối với mối “quan hệ nước lớn kiểu mới” không giống nhau. Ngày 21/2, Viện Gallup, cơ quan thăm dò dư luận nổi tiếng của Mỹ vừa công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, năm 2014, Trung Quốc đã lần đầu tiên thay thế Iran trở thành “kẻ thù số một” trong con mắt của người dân Mỹ.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc hành quân trên biển
Ngày 18/2, tờ Yomiuri Shimbun đăng bài “Năng lực tác chiến đoạt đảo nhỏ của Nhật Bản không đủ” sau khi Nhật - Mỹ tổ chức tập trận ở căn cứ hải quân San Diego. Mặc dù Nhật - Mỹ không công khai thừa nhận, nhưng mục đích của cuộc tập trận nhằm đối phó với khả năng Trung Quốc tấn công đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tương lai. Thông qua tập trận cho thấy, khả năng tác chiến đoạt lại đảo của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản còn xa mới đuổi kịp Thủy quân lục chiến Mỹ.
Trước đó, 3 tướng về hưu Nhật Bản (Natsukawa Kazuya, Toshihiko Ooka và Nobuharu Yasui) đã liên danh viết cuốn sách “Trung - Nhật sẽ bùng phát hải chiến - Đối sách của Nhật Bản ngăn Trung Quốc trên biển”, trong đó cho rằng, sự phát triển của hải quân Trung Quốc chỉ nặng về lượng nên một khi chiến sự xảy ra, chiến hạm của Trung Quốc dễ dàng trở thành “bia ngắm bắn” của lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản.
Ngày 17/2, mạng Aerospace Defense (Pháp) đưa tin, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ tiếp tục công bố báo cáo liên quan đến kế hoạch đóng tàu tương lai của hải quân Mỹ và trong tài khóa 2014, hải quân Mỹ yêu cầu cấp kinh phí chế tạo 8 tàu chiến mới, bao gồm 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, 1 tàu DDG-51 Aegis, 4 tàu tuần duyên và 1 tàu đổ bộ (MLP/AFSB). Về kế hoạch trung hạn (2014-2018), hải quân Mỹ có kế hoạch chế tạo mới 41 tàu chiến và trong 30 năm tới (2014-2043), Washington khó đáp ứng mục tiêu duy trì quy mô 306 tàu chiến. Có không ít chuyên gia quân sự cảnh báo, những động thái gần đây đang khiến người ta liên tưởng tới một cuộc chiến tranh giữa các vì sao trên biển.
Ngày 20/2, tờ Jakarta Post đưa tin, trong những năm tới, Indonesia dự định hoàn thành nghiên cứu phát triển và khởi động việc tự sản xuất 7 hệ thống vũ khí mới, trong đó có tàu ngầm, máy bay chiến đấu, xe tăng hạng trung, tên lửa và radar. Theo ông Silmy Karim, một trong các nhà lãnh đạo của Ủy ban Chính sách quốc phòng thuộc Chính phủ Indonesia, nước này còn có kế hoạch phát triển xe chiến đấu bộ binh lội nước và máy bay không người lái.
Ngoài ra, Indonesiasẽ mua 8 trực thăng chiến đấu AH-64 Apache của Mỹ, tiếp nhận 37 xe bọc thép lội nước BMP-3F của Nga, mua 103 xe tăng hạng nặng Leopard 2A4 phiên bản nâng cấp và 43 xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3 của Đức, có kế hoạch mua 10 tàu ngầm lớp Kilo của Nga… Giới quân sự khuyến cáo, vì không hài lòng với hợp đồng nhập khẩu 240 động cơ D30Kp-2 và AL-31FN của Nga, nên Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh đàm phán nhập thêm một số thiết bị cùng loại với tham vọng nâng cấp các đời máy bay chiến đấu.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét