Trang

3 tháng 9, 2014

Tình hình Ukraine: Nga đang tung hứng trên thế thắng

BTTD: "Nội chiến ở Ukraina, Nga chiến thắng" nói nên điều gì?
(Quan hệ quốc tế) - Ukraine ngày càng bế tắc từ chiến trường tới bàn đàm phán, còn Nga và lực lượng ly khai bắt đầu có những màn kẻ tung người hứng đầy ngoạn mục
"Yêu sách" của ông Putin
Ngày 3/9, trên chuyên cơ tới Mông Cổ công du, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngồi vạch ra một kế hoạch 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo đó, trừ các điểm mang tính nhân đạo để bảo vệ dân thường thì đáng chú ý nhất là ba cái gạch đầu dòng của ông Putin:
1 - Ukraine phải ngừng ngay lập tức các chiến dịch tấn công vào lực lượng ly khai. Đáp lại, các nhóm vũ trang của dân quân Đông - Nam Ukraine cũng ngừng các chiến dịch tấn công tích cực của mình.
2 - Ukraine phải rút các đơn vị vũ trang hạng nặng như pháo, tên lửa, hệ thống pháo phản lực phóng loạt đến vị trí ngoài tầm bắn vào các điểm dân cư, thành phố.
3 - Cho phép kiểm soát quốc tế khách quan và chính đáng đối với việc tuân thủ các điều kiện ngừng bắn và giám sát tình hình thực thi trong khu vực an ninh.
Thực tế, điều kiện thứ hai của ông Putin đã đạt được khi ngày 3/9, hãng tin Novorossia của lực lượng ly khai đã đưa tin về việc quân đội Ukraine rút số lượng lớn binh sỹ khỏi vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng kiểm soát.
Tổng thống Nga Putin đang áp đặt lối chơi của mình lên chính quyền Kiev
Tổng thống Nga Putin đang áp đặt lối chơi của mình lên chính quyền Kiev
Nguồn tin của Novorossia còn khẳng định họ đã do thám được các trạm kiểm soát của quân đội Ukraine dọc Donetsk - Mariupol đã bị bỏ không. Các vũ khí hạng nặng cũng đã được rút đi trong vòng 12 giờ. Và lực lượng ly khai cảm thấy bất ngờ và khó hiểu vì điều này.
Còn yêu cầu thứ ba của ông Putin, nếu được thông qua sẽ là lời chấp thuận của Ukraine cho việc Nga đưa quân vào lãnh thổ nước này với tư cách kiểm soát quốc tế và thực thi sứ mệnh hòa bình. Và tất nhiên, NATO cũng sẽ đưa quân vào với ý nghĩa tương tự, và khi hai đối trọng này gằm ghè nhau, quốc gia này sẽ bị phân tách mãi mãi thành hai miền Đông - Tây.
Bàn cờ với những nước đi rối rắm của phương Tây
Trong khi Ukraine tích cực xuống nước trước những yêu cầu của Nga, thậm chí đã có nguồn tin cho rằng Moscow và Kiev đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài (dù Điện Kremlin đã phủ nhận thông tin này), thì phương Tây vẫn đang có những nước đi rất khó hiểu.
Ngày 2/9, EU tiếp tục đưa ra củ cà rốt của mình cho Ukraine khi Slovakia tuyên bố bắt đầu mở đường ống khí đốt từ các nước trong EU thông qua lãnh thổ quốc gia này vào Ukraine. Lượng khí đốt được hỗ trợ này sẽ đủ cho 20% nhu cầu của Ukraine.
Tuy nhiên, bản thân Slovakia cũng đang đầy mâu thuẫn khi mới trước đó, ngày 31/8/2014, Thủ tướng nước này, ông Robert Fico đã thẳng thừng bác bỏ các khả năng tham gia trừng phạt gia tăng mà EU chuẩn bị áp đặt vào Nga. Thậm chí, ông Fico còn khẳng định Slovakia đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Cảnh đổ nát của một ngôi làng ở ngoại ô Donetsk
Cảnh đổ nát của một ngôi làng ở ngoại ô Donetsk
Việc tiếp tay cho EU bơm năng lượng vào Ukraine không khác gì một lời thách thức của Slovakia tới nước Nga. Một câu hỏi đặt ra, nếu EU gia tăng trừng phạt với Nga, bơm khí đốt cho Ukraine, và Moscow cắt nguồn cung năng lượng cho châu Âu như một chiêu bài trả đũa cuối cùng thì cục diện sẽ diễn biến ra sao?
Bởi 30% khí đốt của châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga, trong đó nhiều quốc gia ở Đông Âu hay vùng Baltic đang phụ thuộc tới trên 50% khí đốt của Nga, họ có thể sống sót qua mùa đông đang tới gần được hay không? Và EU có đủ năng lượng để bơm cho tất cả các quốc gia đó khi bản thân họ đang phải tìm những nguồn cung mới từ các khu vực xa xôi qua đường biển với gia thành cao.
Cũng trong ngày 3/9/2014, Đức chuyển sang Ukraine một lô hàng viện trợ quân sự với thiết bị sinh tồn, đồ bảo hộ và thuốc men. Ukraine cần hỗ trợ, nhưng họ cần là máy bay, trọng pháo, xe tăng... chứ không phải những thiết bị phi sát thương như vậy.
Còn nước Mỹ đang ở đâu? Ngày 3/9, Tổng thống Obama hối thúc NATO phải có trách nhiệm củng cố quân đội cho Ukraine. Và khối quân sự này cũng phải để ngỏ cánh cửa đón các thành viên mới nhằm đối phó với sự gây hấn của nước Nga.
Nhưng NATO sẽ phải thực thi trách nhiệm đó như thế nào khi nước Mỹ, người đứng đầu tổ chức không có những bước đi tiên phong? Và có thể coi việc Đức viện trợ quân đội Ukraine như trên là một biện pháp đối phó cho kêu gọi của nước Mỹ. Bản thân phương Tây đang mâu thuẫn với chính mình, họ hô hào, nhưng chưa có một ai chịu nhận trách nhiệm của một người đứng mũi chịu sào.
Quân ly khai di chuyển bằng những xe bọc thép hiện đại không kém gì quân đội Ukraine
Quân ly khai được trang bị đầy đủ và di chuyển bằng những xe bọc thép hiện đại không kém gì quân đội Ukraine
Thực tế, viện trợ năng lượng, viện trợ thiết bị quân sự phi sát thương chỉ là củ cà rốt nhỏ, một chiêu bài rất cũ mà phương Tây sử dụng để nhử Kiev tiếp tục vì mình mà nỗ lực hết sức trong cuộc chiến với những người miền Đông.
Còn củ cà rốt lớn, đó là những khoản viện trợ tiền mặt (theo thống kê gần nhất thì Ukraine cần đến 19 tỷ USD để hồi sinh), là điều khoản chấp nhận quốc gia này trở thành thành viên của NATO… không biết đến bao giờ Kiev mới được hưởng.
Còn bản thân Kiev, họ cũng đang giằng xé giữa những mâu thuẫn chính trị. Khi liên tiếp có thông tin về những thỏa hiệp của ông Tổng thống Poroshenko với nước Nga hoặc với lực lượng ly khai, thì ở hướng ngược lại, ngài Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk lại hé lộ những thông tin rất... bất hợp tác.
Cũng trong ngày 3/9, ông Yatseniuk khẳng định Ukraine mong mỏi ngày đêm để được trở thành một phần của NATO, và rằng Ukraine sẽ xây "tường thành" với biên giới nước Nga mãi mãi.
Bức tường mà ông Yatseniuk nói tới không phải là sự đoạn tuyệt ngoại giao, thương mại... mà là một bức tường bằng bê tông, thép, dây thép gai thực sự. Nếu tạo rào chắn với biên giới nước Nga, vậy còn biên giới của Đông Ukraine, những người thân Nga như ruột thịt, và ranh giới với bán đảo Crimea, Kiev coi đó như phần lãnh thổ máu thịt nhưng hiện đang thuộc Nga. Phải chăng ông Yatseniuk cũng muốn xây tường thành ở đây?
Lính Ukraine bên xác của một xe bọc thép do trúng đạn tên lửa vác vai của quân ly khai
Lính Ukraine bên xác của một xe bọc thép do trúng đạn tên lửa vác vai của quân ly khai
Bức tường Ukraine này gợi cho người ta nhớ đến bức tường Berlins, đỉnh cao của sự đối đầu Đông – Tây của thế kỷ 20. Và nó cũng là đỉnh điểm của mâu thuẫn chính trị Kiev, giữa cuộc đối đầu của phái đàm phán do Tổng thống Poroshenko đứng đầu và phái hiếu chiến do Thủ tướng Yatseniuk làm thủ lĩnh.
Và theo một cuộc thăm dò của phương Tây thì trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng nào càng thù Nga, ghét Nga, hiếu chiến với Nga thì đảng đó sẽ chiến thắng. Tương lai của ông Poroshenko đang thực sự bấp bênh trong cái thế cục rối ren đầy mâu thuẫn mà phương Tây đang nhào nặn ra.
Màn tung hứng của những kẻ thắng cuộc
Báo Đức loan tin tướng NATO đã thừa nhận Kiev là kẻ thua trong cuộc chiến ở miền Đông. Và những người thắng cuộc, họ đang làm gì?
Ngày 3/9/2014, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Vladimir Antyufeyev bày tỏ Moscow và Kiev đàm phán về ngừng bắn là khiêu khích Donetsk. “Họ đang đàm phán trên vai trò nào? Nước Nga đâu phải là bên tham chiến. Chúng tôi đang chiến đấu và đổ máu vì lãnh thổ và lợi ích của chính mình, không phải lợi ích cho Nga.”
Lính Ukraine phải rút lui khỏi chiến trường nơi họ đã thua trận
Lính Ukraine phải rút lui khỏi chiến trường nơi họ đã thua trận
Ông Antyufeyev cho biết thêm: “DPR muốn thỏa thuận ngừng bắn, chúng tôi sẵn sàng cho điều này. Nhưng trên hết là quân đội Ukraine phải dừng các hành động quân sự và rút khỏi lãnh thổ của chúng tôi vô điều kiện. Hành động này được đảm bảo sẽ mở ra những cơ hội đàm phán tiếp theo.”
Còn nhớ hồi tháng 6/2014, ông Poroshenko đã đơn phương áp đặt lệnh ngừng bắn ở miền Đông và yêu cầu lực lượng vũ trang hạ vũ khí và di chuyển khỏi lãnh thổ Ukraine. Khi đó, vị Tổng thống này cũng đã nhắc đến cụm từ “lãnh thổ của chúng tôi”. Và hiện tại, cụm từ này được nói ra từ những người ly khai, có thể thấy rằng họ đang quyết tâm xây dựng một nhà nước mới và không phải lệ thuộc vào hiến pháp hay chính quyền của một Ukraine thân phương Tây.
Tiếp đến, những gì mà DPR tuyên bố đã phủi hoàn toàn vai trò của Nga trong cục diện Ukraine. Điều này thực tế đang giúp Nga biện minh cho việc họ không có dính líu gì đến lực lượng ly khai ở miền Đông. Áp đặt yêu sách, hỗ trợ tiếng nói, phải nhìn nhận rằng Moscow và miền Đông ly khai đang kẻ tung người hứng một cách thuần thục trên thế thắng của mình.
Đỗ Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét