Trang

9 tháng 6, 2014

Ve vãn Ấn Độ " TQ là hàng xóm thân thiện"

Đổi giọng với Ấn Độ, Trung Quốc nói 2 nước 'là đối tác tự nhiên', "là hàng xóm thân thiện"

Đăng Bởi  - 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) bắt tay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) bắt tay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 9.6, nói hai nước Trung - Ấn nên là “đối tác tự nhiên” hơn là đối thủ của nhau.
"Chúng ta là hàng xóm thân thiện"
Theo AFP, trong phát biểu tại một cuộc họp báo sau đó ở New Delhi, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh đã nhận thấy một sự thay đổi “chiều gió” kể từ khi ông Modi chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước và sẵn sàng hỗ trợ chương trình “trẻ hóa đất nước” của tân thủ tướng Ấn Độ.
“Thông điệp quan trọng nhất mà tôi mang đến đây là, trên con đường để trẻ hóa đất nước, Trung Quốc luôn đứng bên cạnh các bạn. Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác tự nhiên. Chúng ta là hàng xóm thân thiện và là đối tác cho những nhu cầu chiến lược của nhau”, ông Vương nói, với tư cách là một sứ giả cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ý kiến của ông Vương được đưa ra sau cuộc hội đàm kéo dài 45 phút với Thủ tướng Modi, trong một dấu hiệu cho thấy mong muốn cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ vốn đã trở nên căng thẳng bởi tranh chấp biên giới và tranh giành ảnh hưởng.
Trước cuộc họp, ông Modi đã nói rõ rằng, ông có ý định theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn so với chính phủ trung tả trước đây và sẽ không “né tránh” các cuộc đối đầu nếu cần thiết. Từ lâu, ông Modi - một lãnh đạo của đảng cánh hữu Bharatiya Janata đã cho rằng Ấn Độ đã phải chịu sự “ức hiếp” và bị mất đất cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Modi cũng cho rằng một “Ấn Độ tự tin và tự lực cánh sinh”, muốn quan hệ hòa bình và thân thiện với tất cả các nước.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: Reuters 
Bên cạnh việc khẳng định Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào Ấn Độ, ngoại trưởng Vương cũng cho biết ông “hy vọng” chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ đến thăm New Delhi vào cuối năm nay và xác nhận rằng, hai nước đã tiến hành thảo luận về chuyến đi trên.
Mặc cho được biết đến là người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, ông Modi cũng không ngần ngại thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong một thập kỷ qua. Trong thời gian làm thủ hiến bang Gujarat, ông Modi đã có nhiều chuyến thăm Bắc Kinh.
Trong một bài phát biểu vào đêm 8.6, Thủ tướng Modi nhận định “nếu Ấn Độ muốn cạnh tranh với Trung Quốc, nên tập trung vào kỹ năng, quy mô và tốc độ”.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 70 tỉ USD. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 1 tỉ USD giai đoạn 2001-2002 lên hơn 40 tỉ USD trong năm  2013.
Tây Tạng - mối trở ngại cho quan hệ Trung - Ấn
Trong khi truyền thông Trung Quốc đồng loạt lên tiếng ca ngợi tân Thủ tướng Ấn Độ là một đối tác mới thực dụng về các vấn đề kinh tế, giữa lúc chuyến đi của ngoại trưởng Vương Nghị thì có một hình ảnh có thể gây trở ngại cho sự khôi phục mối quan hệ giữa hai bên: một người đàn ông Tây Tạng đã ngồi hàng đầu trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Modi hồi tháng trước
Theo New York Times, đó chính là ông Lobsang Sangay, người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong - một người hiếm khi được mời tới những buổi lễ chính thức vì sợ kích động cơn thịnh nộ của Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc thường hay lên án người lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng - đức Đạt Lai Lạt Ma cùng những người lưu vong là ly khai, đồng thời cắt đứt hay hạ cấp quan hệ ngoại giao với chính phủ các nước chấp nhận họ.
“Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ được sắp xếp ngồi ở hàng ghế cuối, miễn là tôi có thể ngồi trong bóng râm. Nhưng sau khi tôi đưa vé cho họ, họ đã nói với tôi hãy ngồi ở hàng ghế trước”, ông Sangay, người vừa bị Thủ tướng Na Uy từ chối tiếp, kể.
Sự hiện diện của ông Sangay tại sự kiện này theo yêu cầu của Rashtriya Swayamsevak Sangh, một tổ chức của người Hindu đã giúp đỡ sự nghiệp chính trị của ông Modi, khiến Trung Quốc phải gửi đơn khiếu nại chính thức đến Ấn Độ, theo The Times of India.
Vào sáng sớm ngày 8.6, trước khi ông Vương đến New Delhi, lực lượng an ninh đã siết chặt an ninh tại các khu vực xung quanh một khu phố của người Tây Tạng ở phía bắc Delhi. Tại đó, hàng trăm nhà hoạt động của Đại hội Thanh niên Tây Tạng đã lên kế hoạch biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng đã không thành công.
Cảnh sát Ấn Độ đã chốt chặn tại một khu phố của người Tây Tạng ở New Delhi ngày 8.6. 
Ảnh: AP
Cách đây 2 năm, trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, một thanh niên Tây Tạng lưu vong đã tự thiêu để phản đối chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng. Người thanh niên 26 tuổi này sau đó đã qua đời.
Ngay cả trong bối cảnh ông Modi đang theo đuổi một mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Trung Quốc, thì cơ quan an ninh Ấn Độ cũng đã đưa ra nhiều nghi ngờ. Vào ngày 8.6, một tờ báo Ấn Độ trích dẫn một tài liệu mật bị rò rỉ của Cục tình báo Ấn Độ cho ha,y Trung Quốc đang có sự hiện diện quân sự ở khu vực Kashmia do Pakistan kiểm soát.
Hoài Anh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét