Trang

19 tháng 4, 2014

Bệnh vô cảm và nạn phân tán trách nhiệm


Bệnh vô cảm và nạn phân tán trách nhiệm
Sự vô cảm là một thuộc tính của con người. Nghĩ kỹ có thể thấy đáng tiếc, nhưng sự thật là như thế. Đôi khi chính nó là tội ác...
“... Lúc này tôi biết chắc mình đã gặp cướp nên khi thấy một tốp xe đi qua, tôi kêu lên: "Cướp! Cướp, mọi người giúp tôi với". Đáp lại sự hoảng loạn kêu cứu của tôi là sự vô tâm thờ ơ của tất cả đoàn xe đi qua, họ chỉ đi chậm lại nhìn rồi bỏ đi.  
Tôi vẫn la hét trong sự tuyệt vọng, giữ chặt tay lái và không chịu rời khỏi xe. Tên đó thấy tôi kêu cứu liền chạy lại tìm cách bịt miệng tôi lại. Tôi giằng co và vẫn hét lên "Cướp! Cướp", nhưng vẫn không có một ai dừng lại hết. Hắn liền rút trong túi ra một đoạn vải màu trắng như vải tang quấn vào cổ. Tôi giằng ra và hét to hơn, nhưng vẫn không thấy ai đến giúp.”
Đọc những dòng trên đây, không ai trong chúng ta không bàng hoàng trước sự vô cảm của những người đi đường. Không khỏi tự hỏi, nếu ta ở vào địa vị cô gái đang bị cướp kia, cảm giác của ta sẽ ra sao? 
Cảm giác của người bị tai nạn, đầy máu, gần như ngất đi, chênh vênh giữa tỉnh và mê, nằm trên mặt đường giữa hàng trăm người đi ngang qua không nhìn, đi ngang qua và liếc nhìn song không dừng bước, đi ngang qua đứng lại nhìn, bàn tán, xì xào, bình phẩm, chụp ảnh, ngoài ra thì không làm gì, không ai nghĩ đến chuyện làm một cái gì? 
Một khi đã trải qua cảm giác ấy, liệu ta còn có thể tiếp tục nghĩ và cảm như trước về con người không? Lúc đó, và không lúc nào hơn lúc đó, ta thấm thía trong từng giọt máu về sự cô đơn của một cá nhân giữa đồng loại.
Không thể phủ nhận đây đó là một trong những vấn nạn của xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, nếu cho đó là sự vô cảm của riêng người Việt, hoặc quy nó cho cuộc sống hiện đại thì sẽ là sai lầm. 
Không nên cường điệu hoặc lầm tưởng đây là tình trạng vô cảm của riêng người Việt rồi từ đó mạt sát người Việt.
Đây là một hiện trạng đặc trưng cho bản tính của loài người. Đã có những nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này từ lâu. Người ta gọi nó hiện tượng là “phân tán trách nhiệm” và “hiệu ứng kẻ đứng ngoài”.
Theo Bách khoa thư trực tuyến wikipedia, Hiệu ứng kẻ đứng ngoài (bystander effect) là một hiện tượng tâm lý xã hội nói về những trường hợp các cá nhân không có động thái gì để giúp một n bị nạn khi có những người khác cũng đang hiện diện. 
Số người hiện diện tỷ lệ nghịch với khả năng có một ai đó giúp. Nói cách khác, số người đứng ngoài càng đông thì càng ít có chuyện có một người trong số đó ra tay giúp. Có một số biến tố giúp ta giải thích tại sao xảy ra hiệu ứng kẻ đứng ngoài. Trong các nhân tố đó có hiện tượng phân tán trách nhiệm.
Phân tán trách nhiệm (diffusion of responsibility) là một hiện tượng tâm lý-xã hội mà trong đó, trước một tình huống nguy cấp đòi hỏi phải có một người ra tay hành động và/hoặc đứng ra chịu trách nhiệm thì, xung quanh chúng ta càng nhiều người, chúng ta càng có xu hướng không làm gì mà chỉ chờ người khác làm như vậy. Mỗi cá nhân trong đám đông đều cho rằng người khác sẽ hành động hoặc là có ai đó đã làm rồi (có ai đó đã gọi cảnh sát hay cấp cứu rồi chẳng hạn). 
Hiện tượng này có xu hướng xảy ra ở những nhóm người vượt quá một số lượng nào đấy và khi trách nhiệm không rõ là thuộc về ai (ai sẽ cứu cô gái bị cướp hay đứa bé đang nằm chảy máu? đâu có ai bảo đó nhất định phải là tôi, đúng không?).
Những chuyện xảy ra như trường hợp cô gái bị cướp như trên đây, hay trường hợp bé Duyệt Duyệt bị xe tải cán nằm bên vỉa hè toàn thân đẫm máu và có mười tám người đi qua nhìn song không dừng lại, hoàn toàn không phải là những chuyện chỉ xảy ra tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc do môi trường văn hóa-xã hội đặc thù của thời đại này hay do một cái gì còn sâu xa hơn nằm trong bản tính dân tộc như ai đó nói. Nó là chuyện đã xảy ra ở cả nước khác, nơi mà mọi thứ về cơ bản là khác biệt. Hãy xem, cũng trong đề mục nói trên trong Wikipedia:

“Ngày 13 tháng Ba năm 1964, Kitty Genovese, 28 tuổi, đang đi đường về nhà tại Queens, New York vào lúc 3 giờ sáng thì bị một tên hiếp dâm và giết người hàng loạt đâm chết. Theo báo chí, vụ tấn công kéo dài ít nhất nửa tiếng đồng hồ, suốt thời gian đó Genovese la hét cầu cứu. Tên giết người tấn công Genovese và đâm cô, sau đó trốn khỏi hiện trường sau khi có một người hàng xóm nghe tiếng chạy ra. Mười phút sau kẻ giết người quay lại để đâm nốt cô cho chết. Báo chí cho hay có 38 nhân chứng nhìn thấy vụ đâm nhưng không can thiệp hay thậm chí chỉ gọi cảnh sát khi hung thủ đã bỏ trốn và Genovese đã chết.”
Một trường hợp khác:
“… Tháng 4 năm 2010, Hugo Alfredo Tale-Yax bị đâm chết ở New York City sau khi đến cứu một phụ nữ đang bị cướp tấn công. Yax nằm trên vỉa hè hơn một tiếng đồng hồ thì mới có lính cứu hỏa đến. Gần hai mươi lăm người đi ngang qua trong khi anh nằm hấp hối trên vỉa hè khu Queens, vài người nhìn Yax, một người chụp ảnh; tuy nhiên không ai giúp hay gọi cấp cứu.”
Vậy, ở nước Mỹ cũng không khác gì. Cội rễ vấn đề không phải là sự vô cảm của người Việt, cội rễ vấn đề ở chỗ: hành vi nghĩa hiệp không phải là một thứ thuộc bản tính của con người. Chần chừ, không hành động khi đứng trước cảnh ngộ nguy nan của người khác, đó mới là bản tính con người.
Để cho cõi người của chúng ta trở thành một nơi tốt hơn, dễ sống hơn và dễ chịu đựng hơn, dù chỉ đôi chút cũng được, đừng cậy vào những lời kêu gọi chung chung hướng đến đám đông.
Đám đông sẽ không nghe bạn, hoặc nghe nhưng không hành động, không kịp thời hành động. 
Thay vì vậy, hãy thay đổi kể từ chính mình. Hãy làm một cái gì đó khi ta có thể làm. Đương nhiên, “hành động” ở đây đâu nhất thiết luôn luôn là và chỉ có thể là hành động trong những trường hợp nước sôi lửa bỏng khi có người bị tai nạn thương tích nặng hay bị cướp chẳng hạn.
Giúp một người bị ngất xỉu nằm giữa phố. Giúp một con chó đi lạc băng qua đường sao cho không bị xe cán. Đó là những việc chẳng đáng cho ta làm vì quá nhỏ nhặt hay sao? Hay ta luôn luôn quá bận rộn với những vấn đề của mình, luôn luôn âu lo, luôn luôn thiếu thì giờ đến độ ngay cả những việc nhỏ nhặt mình cũng không làm?
Sự vô cảm là một thuộc tính của con người. Nghĩ kỹ có thể thấy đáng tiếc, nhưng sự thật là như thế. Thế giới vốn dĩ bất toàn, loài người vốn dĩ bất toàn. Và, như người ta nói, ý nghĩa sâu xa nhất của tồn tại của chúng ta trên đời là, bằng những nỗ lực của mình, góp một phần nhỏ bé song cần thiết vào việc làm cho thế giới bất toàn và loài người bất toàn đó đỡ bất toàn đi được chừng nào hay chừng nấy.
Sự vô cảm bao trùm quanh chúng ta nó lớn đến mức nào là tùy thuộc ở mỗi chúng ta. Nó có bớt nặng nề được chút nào không, nó có bị xé rách ở chỗ này chỗ khác để cho ánh sáng của tình yêu thương và sự xả thân vô vị lợi lọt vào được chút nào hay không là tùy ở từng hành động nhỏ (song không nhỏ) của chúng ta...
Trần Tiễn Cao Đăng (Motthegioi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét