Trang

2 tháng 1, 2014

Người Việt thích tự khen và phóng đại phẩm chất của mình

Tôi từng làm việc trong một nhà hàng buffet ở Anh. Tôi chứng kiến những vị khách Tây luôn lấy đủ thức ăn hoặc lấy ít và hết thì lấy tiếp, còn người Việt luôn lấy rất nhiều và lúc nào cũng để lại thức ăn thừa.

Là một người trẻ tuổi, cũng có thể nói là có học thức, tôi được giáo dục ở hai nền văn hóa Đông, Tây và đã thấy được rất nhiều sự khác biệt. Khi còn nhỏ, thầy cô vẫn luôn dạy chúng tôi các đức tính và phẩm chất đáng quý của người Việt, chẳng hạn như cần cù, chịu thương chịu khó, thật thà và khiêm tốn, ý thức cao...
Chắc hẳn những bài học ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết người Việt và tôi cũng vậy. Tôi cũng từng giữ suy nghĩ tự hào vì mình là người Việt, luôn hãnh diện vì có những phẩm chất đáng quý mà mẹ Việt Nam trao tặng từ khi còn học cấp một.
Lớn hơn một chút, tôi được đọc nhiều sách và cọ xát với thực tế, tôi nhận thấy rằng thực ra ở đâu cũng có người này, người kia. Có thể nói phần đa người Việt mình quả thật chịu thương chịu khó, nông dân chân lấm tay bùn, lao động rất cần cù nhưng không phải ai cũng sẵn sàng lao động như thế.
Chỉ với một câu hỏi đơn giản: “Bạn sẽ làm gì với 1 tỷ đồng trong tay?” thì có lẽ gần như tất cả sẽ trả lời là gửi ngân hàng và nhận lãi suất tiêu xài hàng tháng, không cần phải làm việc. Mặc dù biết bản chất của con người chúng ta đều hướng đến sự nhàn hạ và dễ dàng nhưng người Việt mình dường như làm việc chỉ để cho xong, kiếm tiền rồi sau đó không làm gì tiếp cả.
Nói về thật thà và chân chất hay ý thức thì còn đáng buồn hơn, chỉ cần nhìn vụ hôi bia vừa rồi thì các bạn sẽ thấy, rất nhiều người thấy bia rơi ra là nhặt về trong khi thật sự không có nhu cầu uống.
Hay như sự kiện ít nổi tiếng hơn ở Vũng Tàu, các trụ nước uống được người Việt lấy rửa mặt, rửa chân… Hoặc dễ thấy hơn nữa là các cơ quan nhà nước và bệnh viện công, các viên chức, trí thức vẫn dùng điện thoại của cơ quan để gọi điện, tán phét, nói được càng lâu càng tốt vì không phải mất tiền.
Sau này lớn hơn chút nữa, được đi đến môi trường phương Tây, gặp gỡ người Việt ở đây thì tôi thấy được quả thật người Việt chăm chỉ hơn so với người bản xứ. Kiều bào mình ở nước ngoài lao động nhiều hơn và sẵn sàng làm việc để kiếm tiền so với người Tây, nhưng tính thật thà lại không thể so sánh với họ.
Bản thân tôi đã gặp là nhiều người Việt sống ở Anh, Đức, Mỹ, họ sẵn sàng ký hợp đồng điện thoại để có thể sở hữu những smartphone tiên tiến hàng đầu như Iphone 5, Samsung Galaxy S3, S4. Sau đó họ không trả tiền góp hàng tháng và gửi về Việt Nam bán hoặc mua điện thoại cùng với bảo hiểm, sau đó thì báo mất cho công ty bảo hiểm để họ đền cho cái mới.
Người bản xứ không bao giờ làm như vậy, các công ty bảo hiểm phương Tây làm việc dựa trên tính thật thà của con người và hầu như họ chẳng bao giờ nói về phẩm chất của họ. Có một câu chuyện nổi tiếng về một siêu thị ở Nhật Bản với tờ cảnh cáo cấm trộm cắp được viết bằng tiếng Việt cũng phần nào nói lên được bản tính của một số người Việt.
Tôi cho rằng lòng tự trọng của một số người Việt không thật sự cao, đó là những gì tôi thấy sau khi chứng kiến những vụ việc trên. Tôi từng làm việc trong một nhà hàng buffet ở Anh. Những khách Tây luôn lấy đủ thức ăn hoặc lấy ít và hết thì lấy tiếp, nếu chẳng may không ăn hết thức ăn thì họ sẽ xin lỗi, còn người Việt đến đây thì lấy cho càng nhiều càng tốt và rất hiếm khi ra về mà đĩa của họ không có thức ăn thừa.
Bây giờ khi nói chuyện với bạn bè ở Việt Nam, tôi vẫn thường kể như thế và bị bạn bè nói là một người không yêu nước, đi du học rồi nói xấu quê nhà. Bản thân tôi cũng không dám nhận mình yêu nước nhưng tôi chỉ nói sự thật.
Đúng là ở đâu cũng có người này người kia, không thể vơ đũa cả nắm nhưng sự thực là Việt Nam mình còn phải giáo dục người dân rất nhiều để nâng cao học thức, chứ như tình trạng hiện giờ, thật khó để tự nhận mình khiêm tốn, thật thà, cần cù, chịu khó….
Trần Tú Anh (Vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét