Đại tướng Trần Đại Quang hiện là Bộ trưởng Bộ Công an
Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ được bổ nhiệm làm Chính ủy chỉ huy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, lực lượng vũ trang chống bạo loạn của công an Việt Nam.
Chiều 12/3, Bộ Công an Việt Nam tổ chức Lễ Công bố Quy định của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Thiếu tướng Đỗ Đức Kính, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ và Trung tá Vũ Hồng Văn, Phó Tư lệnh CSCĐ được bổ nhiệm Chính ủy và Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh CSCĐ.Đây là một quy định đặc biệt nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng cảnh sát vũ trang có nhiệm vụ “chống khủng bố, trấn áp bạo loạn vũ trang, gây rối an ninh trật tự”.
Hai chức danh này có quyền hạn cao nhất tại Bộ Tư lệnh CSCĐ.
Theo quy định mới, cấp chính ủy và phó chính ủy được lập ra ở cấp Bộ Tư lệnh và cấp trung đoàn; chức danh chính trị viên và phó chính trị viên được lập ở cấp tiểu đoàn, đại đội và đội đặc nhiệm; các đơn vị khác không bố trí chính ủy, chính trị viên.
Tin tức nói chế độ chính ủy sẽ được Bộ Công an Việt Nam sơ kết sau hai năm thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nói việc triển khai chế độ chính ủy, chính trị viên là nhằm “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng” đối với ngành công an.
Chế độ chính ủy, chính trị viên - với một người chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị - vốn được thực hiện trong quân đội Việt Nam.
Được biết chế độ chính ủy, chính trị viên cho cảnh sát cơ động lần đầu được Bộ Chính trị thông qua khoảng giữa năm ngoái.
Theo thống kê chính thức, hiện Bộ Tư lệnh CSCĐ có 13.000 quân số, trong khi CSCĐ địa phương có 12.000 quân.
Lực lượng này được phép trang bị vũ khí hạng nặng như B40, đại liên, xe bọc thép, xe chống bạo loạn.
Theo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 23/12, lực lượng này lần đầu tiên sẽ được trang bị cả máy bay, tàu thủy.
Theo giải trình của Bộ Công an với Quốc hội, việc trang bị máy bay, tàu thủy chủ yếu nhằm "điều động lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ kịp thời".
Bộ Công an lấy dẫn chứng trong các vụ "bạo loạn" ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, và "cuộc gây rối an ninh, trật tự" tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2011, chính phủ Việt Nam đã điều động máy bay chở "vũ khí, công cụ hỗ trợ và lực lượng".
Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quy định "trong tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, cảnh sát cơ động được phép nổ súng trấn áp".
Tuy nhiên, việc nổ súng được quy định "phải tuân thủ những quy định để đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người."
Pháp lệnh gồm 24 điều thông qua hôm 23/12/2013 cũng quy định lực lượng cảnh sát vũ trang này được quyền trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại để đảm bảo nhiệm vụ.
“Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại,” điều 13 của Pháp lệnh ghi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét