|
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vừa có chuyến thăm Trung Quốc |
Trang mạng sina Trung Quốc ngày 23 tháng 10 đăng bài viết nhan đề "Vì sao Quân đội Việt Nam bất ngờ thăm Trung Quốc cầu hòa, Mỹ có hỗ trợ lớn hơn". Để khách quan nhất, báo GDVN xin đăng tải toàn bộ nội dung bài báo để độc giả rộng đường tham khảo.
Theo bài báo, ngày 17 tháng 10, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã tổ chức hội đàm với Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, hai bên đã đạt được đồng thuận “nguyên tắc 3 điểm” về việc tiếp tục phát triển quan hệ quân sự hai nước. Ba điểm đồng thuận này là:
Hai, quân đội hai nước tăng cường đoàn kết, tiến hành bảo đảm vững chắc cho củng cố địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hai nước.
Ba, tuân thủ đồng thuận quan trọng liên quan của các nhà lãnh đạo hai đảng, hai nước Trung-Việt, phát huy vai trò quan trọng trong việc xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, bảo vệ cục diện hòa bình, ổn định.
|
Trung Quốc kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương Thạch Du 981 và một lực lượng quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ ăn cướp trắng trợn biển đảo của Việt Nam (ảnh tư liệu). |
Bài báo cho rằng, từ đầu năm 2014 đến nay, quan hệ Trung-Việt nhiều lần xảy ra vấn đề, quan hệ Trung-Việt tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn thể hiện cứng rắn, đặc biệt là thể hiện tư thế quyết không nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.
Luận điệu xuyên tạc cho rằng: Trong bối cảnh này, Phó bí thư Quân ủy Trung ương đại diện cho Đảng Cộng sản và Quân đội Việt Nam tại sao lại bất ngờ thăm Bắc Kinh “cầu hòa”? Dưới đây có một số phân tích vắn tắt.
Tiếp tục thói quen “gắp lửa bỏ tay người”, báo Trung Quốc cho rằng, từ khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, tình hình Biển Đông bắt đầu bất ổn. Ở Biển Đông, 2 nước rõ ràng đã có thái độ "rất không hữu nghị" với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.
Đối với Philippines, Trung Quốc chủ yếu để ý đến tình hình Mỹ đóng quân ở nước này, thực lực của bản thân Philippines quá yếu, khó gây ra sóng lớn. Trên thực tế, mấy năm gần đây, Philippines "nhảy lên" càng cao, thiệt hại thực tế càng lớn, đất nước hoàn toàn không đạt được lợi ích thực tế.
So với Philippines, Việt Nam thì khác. Theo bài báo, Việt Nam cách Trung Quốc gần, thực lực quân sự mạnh, đã tạo ra “mối đe dọa” nhất định đối với "an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông". Hơn nữa, Việt Nam "chiếm đảo đá của Trung Quốc" ở Biển Đông nhiều nhất (thực tế là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn Trung Quốc là kẻ xâm lược, bành trướng lãnh thổ).
Bài báo nói thêm, Việt Nam đã có rất nhiều mỏ dầu ở Biển Đông, giá trị kinh tế của những mỏ dầu này năm 2010 đã chiếm 30% GDP của Việt Nam. Vì vậy, có thể thấy, Biển Đông đem lại lợi ích thực tế thực sự cho Việt Nam. Báo Trung Quốc cho đây chính là “nguyên nhân căn bản” tại sao vào tháng 5 năm 2014, khi giàn khoan dầu khí Trung Quốc thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), Việt Nam không tiếc tiến hành "đối đầu, quấy rối" (thực tế là Việt Nam thực thi pháp luật tại các khu vực có chủ quyền chính đáng của mình) trên biển quy mô lớn với Trung Quốc.
|
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Nhưng, theo bài báo, đương nhiên, "ân oán" giữa Trung-Việt cũng không đơn giản như vậy, cũng tuyệt đối không chỉ là nhân tố kinh tế, nhân tố lãnh thổ, mà còn pha trộn nhân tố lịch sử, nhân tố địa-chính trị và nhân tố nội bộ của Việt Nam (trên thực tế, suy cho cùng, nhân tố quan trọng nhất chính là Trung Quốc muốn ăn cướp toàn bộ biển đảo của Việt Nam và nước khác ở Biển Đông).
Báo Trung Quốc cho rằng, nhân tố lịch sử rất dễ lý giải, Trung-Việt trong thời kỳ Hồ Chí Minh là quan hệ
"đồng chí + anh em". Bài báo tự nhận là, Đảng Cộng sản Việt Nam "trỗi dậy" dưới sự "nâng đỡ" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc càng
“dốc sức” viện trợ Việt Nam, giá trị các loại vật tư Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam là “20 tỷ nhân dân tệ” (bài báo nhấn mạnh, vào thời điểm đó Trung Quốc còn rất nghèo mà lại viện trợ nhiêu như vậy), đã cử "mấy trăm nghìn quân" tiến hành chi viện.
Nhưng, cùng với quan hệ Trung-Xô đoạn tuyệt và quan hệ Trung-Mỹ ấm lên vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, giữa Trung-Việt bắt đầu "rạn nứt", cộng với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969... quan hệ Trung-Việt cũng bắt đầu đi xuống.
Bài báo tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, vào thập niên 1970, dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, Chính phủ Việt Nam (thống nhất nam bắc) bắt đầu "cắt đứt" với Trung Quốc. Thậm chí bài báo bịa đặt trắng trợn cho là Việt Nam còn chuẩn bị thông qua "chiến tranh" kiểm soát toàn bộ Đông Dương, và Liên Xô giúp Việt Nam "xâm lược nước khác, chiếm toàn bộ bán đảo Đông Dương" là do Liên Xô muốn tạo thế "bao vây chiến lược" đối với Trung Quốc.
|
Tàu Kiểm ngư KN 951 của Việt Nam sau khi bị Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo khủng bố vũ lực |
Bài báo cho rằng, vì cái cớ nêu trên, Trung Quốc cuối cùng đã phát động cái gọi là "cuộc chiến tranh phản kích tự vệ" đối với Việt Nam (thực chất đây là một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam vào năm 1979, gây ra bao đau thương cho nhân dân Việt Nam).
Theo bài báo, từ đó, Trung Quốc và Việt Nam đã chuyển hoàn toàn từ quan hệ
"đồng chí + anh em" sang quan hệ đối đầu. Loại quan hệ này kéo dài cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mới "chịu sức ép", xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (kẻ xâm lược miền bắc Việt Nam năm 1979, xâm lược biển đảo Việt Nam năm 1974, 1988…).
Bài báo cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam tuy đều có chế độ xã hội chủ nghĩa, đều từng cùng chống Mỹ, nhưng quan hệ Trung-Việt khó nói là "sắt". Hơn nữa, do nhân tố lịch sử, giữa Trung-Việt thiếu lòng tin thực sự.
Hơn nữa, Việt Nam đã "chiếm rất nhiều đảo đá của Trung Quốc" ở Biển Đông (thực tế là trái ngược, Trung Quốc mới chính là kẻ xâm lược biển đảo của Việt Nam và tự nhận hầu hết Biển Đông về nó), cảnh giác hơn với (mưu đồ và hành động xâm lược) của Trung Quốc. Do đó, Việt Nam luôn tìm cách dựa vào nước lớn để có được "con bài" cân bằng với sức ép chính trị (mưu đồ đen tối) từ Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, năm 2010, khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội. Do có vị trí địa lý (quan trọng, chiến lược), Việt Nam muốn tận dụng thời cơ Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, “mượn sức mạnh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc”. Đối với Mỹ, nếu như Trung Quốc nắm được Biển Đông thì đã nắm hoàn toàn yết hầu (cổ họng) thương mại giữa Đông Á với bên ngoài.
Trong khi đó, khi Mỹ và phương Tây nhập khẩu hàng hóa của Đông Á và xuất khẩu hàng hóa tới Đông Á, tàu thương mại đều phải đi qua Biển Đông, điều này làm cho Mỹ rất lo ngại, cũng là nguyên nhân căn bản Mỹ tìm cách quay trở lại Philippines, tận dụng đầy đủ Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Do sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ, tầm quan trọng địa-chính trị của Việt Nam bắt đầu lại tăng lên, Việt Nam cũng bắt đầu tìm cách tận dụng điều đó để có được cân bằng địa-chính trị.
|
Tàu cá Việt Nam sau khi bị Trung Quốc cho phép khủng bố vũ lực tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Bài báo võ đoán cho rằng, đương nhiên, Việt Nam cứng rắn với Trung Quốc còn có nhân tố chính trị bên trong của họ. Bài viết đã bàn lung tung về việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan đảng-nhà nước-chính phủ của Việt Nam, đó là những quan điểm võ đoán và xuyên tạc, có ý đồ nói xấu Việt Nam, kích động chia rẽ nội bộ Việt Nam. Bài báo coi nhân tố bên trong này đã ảnh hưởng tương đối lớn đến quan hệ Trung-Việt.
Báo Trung Quốc cho rằng, ngày 26 tháng 8 năm 2014, để khôi phục quan hệ Trung-Việt, Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Anh đã sang Trung Quốc. Nhưng, theo bài báo, quan hệ Trung-Việt vừa dịu lại thì Mỹ lại dùng "chiêu mới" để thách thức. Cuối tháng 9, Mỹ tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vào cuối năm 2014, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Điều này có tác động rất mạnh, thậm chí Mỹ chuẩn bị bán máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cho Việt Nam. Loại trang bị quân sự cao cấp này trước đây Mỹ chỉ bán cho đồng minh, trong khi đó Việt Nam và Mỹ thậm chí còn "chưa tin nhau hoàn toàn".
Báo Trung Quốc dùng lời đường mật chia rẽ và xuyên tạc cho rằng, Mỹ sở dĩ làm như vậy là để "kích động Việt Nam nhiệt tình chống Trung Quốc", "tiếp tục thách gây căng thẳng ở Biển Đông". Ý của Mỹ là, nếu cần, Mỹ có thể coi Việt Nam là "đồng minh", thậm chí đánh nhau với Trung Quốc.
Về phản ứng của Việt Nam, khi đang tham dự hội nghị ở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trả lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Điều này Trung Quốc không cần phải lo ngại, bởi vì Việt Nam không mua vũ khí của Mỹ thì cũng mua vũ khí của nước khác. Bài báo chộp lấy phát biểu này mà cho rằng, điều này cho thấy rõ "Việt Nam chắc chắn sẽ phân cao thấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nhất định sẽ vũ trang cho bản thân". Bài báo muốn chia rẽ nội bộ Việt Nam, cho rằng, phản ứng từ phía Đảng và Quân đội Việt Nam không mạnh mẽ như vậy (...).
|
Trung Quốc đang tổ chức lấn biển xây đảo quy mô lớn một cách bất hợp pháp ở các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong hình là đá Gaven (ảnh tư liệu) |
Theo bài báo, Trung Quốc hiện nay đang lấn biển, xây dựng rầm rộ (bất hợp pháp) ở 6 đá ngầm (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên Biển Đông, những đá ngầm này đều sẽ là "căn cứ quân sự" của Trung Quốc (dùng cho chiến tranh xâm lược tương lai). Có căn cứ sẽ có quy mô như căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
Bài báo cho rằng, quyết tâm (ăn cướp toàn bộ biển đảo) ở Biển Đông của Trung Quốc rất rõ ràng, đó chính là muốn kiểm soát thực tế (bất hợp pháp), tránh để Mỹ can thiệp Biển Đông. Muốn làm được điều này, bài báo đề xuất cho rằng, Trung Quốc cần có năng lực quân sự mạnh ở Biển Đông.
Bởi vì, bài báo tưởng tượng viển vông cho rằng, Biển Đông vừa là "cơ sở năng lượng" tương lai của Trung Quốc, vừa là nút địa-chính trị quan trọng hội nhập với ASEAN của Trung Quốc, thậm chí là nút trung tâm kiểm soát tuyến đường hàng hải Đông Á và phương Tây của Trung Quốc, Trung Quốc chỉ có nắm được những con bài này, việc mặc cả về thương mại với phương Tây mới có quyền chủ động cân bằng.
Bởi vì, khi Mỹ có năng lực cắt đứt tuyến đường hàng hải vận chuyển tài nguyên tới Trung Quốc, Trung Quốc cũng cần có năng lực tiến hành đáp trả. Nếu không, trong những thời điểm quyết định sẽ không có cách gì chống đỡ nổi, sẽ bị người khác kiềm chế. Đương nhiên, Trung Quốc làm như vậy cũng còn để "bảo vệ quyền lợi lãnh thổ và lãnh hải" (Trung Quốc sẽ không bao giờ có được lãnh thổ, lãnh hải dưới đảo Hải Nam một cách hợp pháp).
Quyết tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là “chiến lược toàn cầu”, là “lợi ích cốt lõi”, là “không thể thay đổi”. Những “lợi ích cốt lõi” (đi ăn cướp) này tất nhiên xảy ra xung đột với lợi ích hiện thực của Việt Nam, bởi vì Việt Nam (có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và) đã thu được lợi ích to lớn từ khai thác dầu khí ở Biển Đông.
|
Trên thế giới, chưa có nước nào mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước khác, của Trung Quốc. Hơn nữa, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh còn nhấn mạnh: Chưa nước ASEAN nào kéo giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Nhưng, Trung Quốc đã có cả hai hành vi vô đạo này ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Bài báo vẫn ngang nhiên coi các đảo đá ở Biển Đông là của Trung Quốc, cho rằng, nếu Việt Nam sẵn sàng ngồi xuống đàm phán, hai bên có thể tìm được một phương thức thỏa hiệp “tương đối có lợi và cùng thắng”. Trái lại, nếu Việt Nam "lấy làm của riêng", Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả. Như vậy, về khách quan, Trung Quốc và Việt Nam “tồn tại khả năng xung đột quân sự, thậm chí dẫn tới chiến tranh ở Biển Đông”. Đặc biệt, khi Chính phủ Việt Nam mà bài báo bịa đặt ra cái gọi là "thân phương Tây".
Bài báo cho rằng, trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam cử Phó bí thư Quân ủy Trung ương sang thăm Trung Quốc và đạt được 3 đồng thuận nêu trên với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, là "thuốc an thần" mà Quân đội Việt Nam trao cho phía Trung Quốc "ăn", ý là nói Việt Nam sẽ không thách thức lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng duy trì hợp tác với Trung Quốc...
Đồng thời, việc Trung Quốc cho xây dựng quy mô lớn (bất hợp pháp) ở Biển Đông cũng làm cho Việt Nam lo ngại. Bài báo cho rằng, Việt Nam vừa không có khả năng ngăn chặn Trung Quốc, vừa không có khả năng xây dựng quy mô lớn ở Biển Đông như Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn không biết rõ ý đồ của Trung Quốc nên đã cử quan chức quân sự cấp cao đến thăm dò chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.
Bái báo này viết: Nhưng, hiện nay, Việt Nam đã khác nhiều so với trước đây, người dân Việt Nam một phần có tư tưởng "chống Trung Quốc", đặc biệt là miền Nam - nơi có kinh tế phát triển. Vì vậy, điều này sẽ tác động đến tương lai của quan hệ Trung-Việt, Mỹ-Việt. Hơn nữa, chiến lược quốc gia của Trung Quốc là "không thay đổi trước thái độ của Việt Nam".
|
Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ (ảnh tư liệu) |
Cho nên, bài báo tiếp tục “quân sư” cho Bắc Kinh rằng, Trung Quốc vẫn cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng (bất hợp pháp) ở Biển Đông, tăng cường năng lực kiểm soát thực tế và bố trí quân sự (bất hợp pháp) đối với Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc còn phải làm tốt chuẩn bị "dụng binh" (xâm lược) ở Biển Đông, bởi vì một khi có sự, Trung Quốc phải “kiểm soát tuyệt đối Biển Đông”.
Bài báo cho rằng, điều Trung Quốc đặc biệt cần tránh là “Việt Nam và Mỹ kết thành liên minh đối đầu với Trung Quốc”, cho dù hiện nay còn chưa lộ rõ dấu hiệu này, nhưng, nhìn vào việc Chính phủ Việt Nam “hưởng ứng tích cực” việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, một khi giành được sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ, Việt Nam rất có thể sẽ tiếp tục thay đổi thái độ, “thách thức thực sự” đối với Trung Quốc. Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý đầy đủ đối với vấn đề này.