Tác giả kịch bản- giám đốc sản xuất: Phạm Văn Hải, Đạo diễn Huỳnh Phú, DOP Kiều Phương Giang, ánh sáng Vĩnh Tứ, dựng phim Tony Thế Hiển.
19 tháng 9, 2013
Trailer phim HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Tác giả kịch bản- giám đốc sản xuất: Phạm Văn Hải, Đạo diễn Huỳnh Phú, DOP Kiều Phương Giang, ánh sáng Vĩnh Tứ, dựng phim Tony Thế Hiển.
Nhà dột từ nóc
Ai bảo kê cho nạn ‘chặt chém’ du khách ở Phủ Chủ tịch?
(VTC News) – Việc chèo kéo, “chặt chém” du khách tham quan ở Phủ Chủ tịch diễn ra công khai nhưng các cơ quan chức năng có liên quan vẫn "làm ngơ".
Từ nhiều tháng nay, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết - mưa nắng thất thường, một nhóm chủ yếu là các thiếu nữ ngoài 20 tuổi vẫn chăm chỉ có mặt ở khu vực gần Phủ Chủ tịch.
Họ tới đây từ khoảng 8h và khung giờ làm việc như viên chức. Thế nhưng, công việc hàng ngày của họ chỉ đơn thuần là chèo kéo du khách mua các sản phẩm của mình với giá “trên trời”.
Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... – những nơi gần Phủ Chủ tịch từ lâu đã được xem là điểm hẹn lý tưởng của nhiều du khách, đặc biệt du khách ngoại mỗi lần tới thăm Việt Nam. Biết được điều đó, nhóm người trên đã chọn khu vực này để “hành nghề”.
Với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô, những món quà lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn và vốn tiếng Anh còm cõi, người ta có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Chỉ với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô và vốn tiếng Anh còm cõi, họ dễ dàng kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ chăm chỉ 'chặt chém' du khách thăm quan (Ảnh: Minh Quân) |
Theo quan sát của phóng viên VTC News, tại khu vực này có khoảng 10 người, chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 20 – 40 liên tục rao bán các sản phẩm cho du khách. Ngoài tiếng Việt, họ có khả năng mời chào du khách mua sản phẩm và mặc cả giá bán bằng một vài câu tiếng Anh ở dạng cơ bản đã học thuộc lòng từ trước.
Dù không thể giao tiếp với khách hàng bằng tiếng nước ngoài, nhưng với thái độ nài nỉ, thậm chí van xin và với sự trợ giúp của các hướng dẫn viên du lịch, họ vẫn “sống khỏe” nhờ tình thương của những du khách lạ.
Giá cả của các mặt hàng họ rao bán không hề được niêm yết và cũng chẳng theo quy luật thị trường. Nó tùy thuộc vào độ hào phóng và kinh nghiệm mua sắm của du khách.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi tấm bản đồ thường được bán với giá 10 USD, trong khi những món đồ lưu niệm như tranh ảnh, vòng tay có lúc bị đội giá tới 500.000 đồng/sản phẩm.
Đáng chú ý, việc chèo kéo, “chặt chém” du khách diễn ra công khai và tồn tại từ rất lâu nay, nhưng các lực lượng chức năng có liên quan vẫn “làm ngơ” trước điều đó.
Hứa thật nhiều...
Đây không phải lần đầu báo chí đề cập tới nạn chặt chém du khách ở Việt Nam. Nhìn tổng thể nền kinh tế 2012, ngành du lịch góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách khiến hình ảnh Việt Nam bớt đẹp trong mắt khách quốc tế (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có sự bất cập ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc gia. Không riêng ở Hà Nội, ở một số địa phương khác cũng có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” đối với khách du lịch trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài.
Tại phiên trả lời chất vấn sáng 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh từng cam kết sẽ có những biện pháp cấp bách, quyết liệt xử lý vấn nạn này.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng để nhanh chóng tiếp nhận và xử lý vụ việc nhanh nhất. Theo kế hoạch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội trang bị hai số điện thoại di động đường dây nóng. Cán bộ phụ trách sẽ trực điện thoại 24/24 giờ.
Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ phối hợp với đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội, quận huyện… để giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm. Phối hợp với đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội taxi Hà Nội về các vấn đề liên quan đến phương tiện vận chuyển khách du lịch, chất lượng phục vụ cũng như giá cước taxi.
Thậm chí, Hà Nội còn kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để xử lý quyết liệt hơn đối với các đối tượng “chặt chém” du khách.
Thế nhưng, không lâu sau đợt ra quân rầm rộ dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, Sở, ngành có liên quan, mọi chuyện đâu vẫn lại hoàn đó. Ở nhiều trung tâm lớn của Hà Nội, du khách vẫn bị “chặt chém” như thường.
Thiết nghĩ, cần nghiêm túc nhìn lại tính khả thi của các biện pháp mà lãnh đạo ngành du lịch từng đưa ra nhằm giữ hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vụ việc này.
Minh Quân
Thế giới luôn cần Putin
Bài viết của Putin trên New York Times
Những sự việc xảy ra gần đây xung quanh vấn đề Syria đã thôi thúc tôi phải lên tiếng trực tiếp tới những người dân và giới lãnh đạo Mỹ. Điều này cần phải được thực hiện giữa thời điểm thông tin giữa các xã hội của chúng ta không đủ.
Mối quan hệ giữa chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn. Chúng ta từng chống lại nhau trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. Nhưng cũng từng có thời là đồng minh, hợp tác chống lại Đức Quốc xã. Và rồi một tổ chức có tính ảnh hưởng trên toàn cầu - Liên Hợp Quốc - sau đó đã được thành lập để ngăn chặn những tai hoạ như thế.
Những người sáng lập Liên Hợp Quốc hiểu rõ rằng những quyết định về chiến tranh và hòa bình cần phải đạt được sự nhất trí, và với sự đồng thuận của Mỹ, quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã được quy định rõ trong Hiến chương. Điều đúng đắn này chính là nền tảng cho sự ổn định trong mối quan hệ quốc tế suốt hàng thập kỷ qua.
Không ai muốn Liên hợp quốc chịu chung số phận với Hội Quốc liên. Hội Quốc liên đã sụp đổ bởi nó thiếu những cán cân quyền lực thực tế. Sự sụp đổ cũng có thể xảy ra với Liên Hợp Quốc nếu những cường quốc phớt lờ tổ chức này, đơn phương tấn công quân sự mà không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an.
Một cuộc tấn công từ phía Mỹ vào Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, những quan chức chủ chốt và các thủ lĩnh tôn giáo, bao gồm cả giáo hoàng, sẽ đưa đến hậu quả cho các nạn nhân vô tội, làm xung đột leo thang và lan tràn, có thể vượt ra ngoài biên giới của Syria.
Một cuộc tấn công sẽ làm gia tăng bạo lực và tạo đà cho một làn sóng khủng bố mới. Nó có thể phá hoại những cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía để giải quyết vấn đề nguyên tử ở Iran và xung đột của người Israeli – Palestine. Nó cũng sẽ gây mất cân bằng cho hệ thống trật tự và luật pháp quốc tế.
Cuộc chiến tranh ở Syria không phải để tìm kiếm nền dân chủ, mà đang có một cuộc chiến giữa chính phủ và phe đối lập xảy ra tại quốc gia đa tôn giáo này. Không có nhiều người vì dân chủ ở cuộc chiến Syria, nhưng lại có quá nhiều phần tử Qaeda và những thành phần cực đoan đều ra sức chống đối chính phủ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho rằng Al Nusra Front và Quốc gia Hồi giáo Iraq và Cận Đông, một thành phần của phe đối lập ở Syria, là những tổ chức khủng bố. Cuộc nội chiến được cung cấp vũ khí từ các thế lực bên ngoài này là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trên thế giới.
Những lính đánh thuê Arab chiến đấu tại đây, hàng trăm phiến quân đến từ các quốc gia phương Tây và có cả Nga, là một trong những mối lo ngại sâu sắc. Liệu bọn chúng sẽ không quay lại đất nước chúng ta với từng ấy kinh nghiệm có được từ cuộc chiến ở Syria? Thực tế là , sau khi chiến đấu ở Libya, quân khủng bố đã di chuyển tới Mali. Điều này chính là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta.
Bài viết của Tổng thống Nga Putin trên NYT châm ngòi nhiều ý kiến trái chiều, cả phẫn nộ và đánh giá cao. Ảnh: Al Jazeera. |
Ngay từ ban đầu, Nga đã luôn thể hiện thái độ ủng hộ đối với một cuộc đối thoại nhằm để cho người Syria lập ra một kế hoạch nhượng bộ lẫn nhau vì tương lai của chính họ. Chúng tôi không bảo vệ cho chính phủ Syria mà bảo vệ luật pháp quốc tế. Chúng ta cần sử dụng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và tin tưởng rằng việc gìn giữ, bảo đảm luật pháp, thiết lập trật tự trong thời điểm phức tạp và hỗn loạn như hiện nay là một trong rất ít những cách để gìn giữ những mối quan hệ quốc tế tránh đi tới sự hỗn loạn. Luật là luật, và chúng ta cần phải tuân thủ luật dù thích hay không. Trong luật pháp quốc tế hiện hành, vũ lực chỉ được phép xảy ra khi đó là biện pháp tự vệ hoặc được hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận. Bất kỳ hình thức bạo lực nào khác đều không được chấp nhận trong hiến chương Liên Hợp Quốc và sẽ bị coi là hành động gây hấn.
Không còn nghi ngờ gì về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria. Nhưng tất cả những lý do đưa ra đều khiến chúng ta tin rằng vũ khí hóa học không phải do quân đội Syria sử dụng, mà đó là hành động của phe đối lập, dùng nó để kích động sự can thiệp của những thế lực bên ngoài vào Syria. Có những tin tức cho rằng đám phiến quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác - lần này là chống lại Israel – điều này không thể bị phớt lờ.
Có một điều đáng báo động, đó là hành động can thiệp quân sự vào xung đột nội bộ của những nước khác đang trở thành hành động quen thuộc của Mỹ. Đó liệu có phải là lợi ích lâu dài của Mỹ? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người trên thế giới đang ngày càng nhận thấy rằng Mỹ không phải là một hình mẫu cho một xã hội dân chủ mà chỉ đơn thuần ỷ vào sức mạnh, thiết lập các liên minh dựa trên nguyên tắc "không theo ta nghĩa là chống lại ta".
Vũ lực đã được chứng minh là vô hiệu và vô nghĩa. Afghanistan thì đang chao đảo, và không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra sau khi lực lượng quốc tế rút khỏi đây. Libya thì bị chia ra thành nhiều bộ lạc và bè phái. Tại Iraq nội chiến vẫn tiếp tục với hàng chục người bị giết mỗi ngày. Ở Mỹ, nhiều người đang nhận ra những điểm chung giữa tình hình tại Iraq và Syria, và câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục lặp lại những sai lầm như vậy.
Bất kể là việc xác định mục tiêu rõ ràng đến thế nào, bất kể vũ khí đạt độ chính xác đến thế nào, thương vong đối với người vô tội là không thể tránh khỏi, trong đó có cả người già và trẻ em, những người mà về lý thuyết họ phải được bảo vệ.
Thế giới đang phản ứng lại nghịch lý này bằng cách tự hỏi: nết ta không dựa vào luật pháp quốc tế được, ta phải tìm cách nào để tự bảo vệ? Như thế, số lượng các quốc gia muốn có vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ tăng lên. Logic của họ là: nếu bạn sở hữu bom, chả ai dám động tới bạn. Chúng ta sẽ không tiến lên được trong việc thảo luận về không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt một khi thực tế trên bị làm ngơ.
Chúng ta phải dừng ngay việc sử dung vũ lực để trở lại với con đường ngoại giao và giải pháp chính trị.
Một cơ hội mới để tránh không phải sử dụng đến quân sự đã xuất hiện vài ngày trước. Mỹ, Nga và tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế cần phải tận dụng việc chính phủ Syria bằng lòng giao nộp kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó phá hủy chúng. Qua lời tuyên bố của tổng thống Obama, Mỹ xem đây là một giải pháp thay thế cho biện pháp quân sự.
Tôi hoan nghênh sự quan tâm của tổng thống Obama khi tiếp tục tham gia đàm phán cùng với Nga về vấn đề Syria. Chúng ta chắc chắn sẽ phải làm việc cùng nhau để đảm bảo những hy vọng này sẽ vẫn được duy trì, như chúng ta đã đồng ý với nhau tại cuộc gặp của G8 ở Bắc Ireland hồi tháng 6 vừa rồi, và lái cuộc đàm phán trở lại với chiều hướng thương lượng.
Nếu chúng ta tránh được việc sử dụng vũ lực với Syria, điều này chắc chắn sẽ cải thiện bầu không khí trên trường quốc tế và tăng thêm sự tin tưởng lẫn nhau. Nó sẽ là thành công chung của tất cả chúng ta và mở ra cánh cửa hợp tác trên nhiều vấn đề quan trọng khác.
Mối quan hệ công việc và cá nhân của tôi với tổng thống Obama được đánh dấu bởi lòng tin đang lớn dần. Tôi đánh giá cao điều này. Tôi đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bài diễn văn của tổng thống hôm thứ ba. Và tôi không đồng ý với việc ông ấy nói về chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ. Ông ấy nói rằng chính sách của Mỹ là "thứ khiến nước Mỹ khác biệt. Đó là điều khiến chúng ta biệt lệ". Sẽ rất nguy hiểm khi khuyến khích công chúng tự cho mình là biệt lệ, cho dù động cơ của việc đó là gì
Có nước lớn, nước nhỏ, có nước giàu nước nghèo, có nước có truyền thống dân chủ lâu dài, và có nước mới chỉ đang đi trên con đường hướng tới dân chủ. Chính sách của mỗi nước cũng sẽ khác nhau. Chúng ta đều khác nhau, nhưng khi mỗi chúng ta nhận ơn từ Tạo hóa, chúng ta không được phép quên rằng Tạo hóa đã sinh ra chúng ta bình đẳng.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Lãnh đạo Mỹ giận dữ vì bài viết của Putin
Các nghị sĩ Mỹ và Nhà Trắng nổi giận trước bài bình luận của tổng thống Nga được đăng trên báo New York Times hôm 11/9.
Tổng thống Putin đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nga. Ảnh: AP |
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói với phóng viên rằng ông cảm thấy bị sỉ nhục vì bài viết có nội dung chỉ trích lập trường cứng rắn của Mỹ đối với chế độ Syria. Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói rằng bài viết khiến ông "buồn nôn", còn Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng trí tuệ của mỗi một người Mỹ đã bị lăng mạ trong bài viết.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney cũng không tiếc lời phản bác bài viết của Putin. "Cần nói rõ rằng Nga đang bị cô lập và đứng một mình khi đổ lỗi cho phe đối lập vì tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8", Global Post dẫn lời ông nói tiếp. "Không có báo cáo nào đáng tin cậy cho thấy phe đối lập sử dụng vũ khí hóa học tại Syria".
Trong bài báo có 1.068 từ ở mục "Ý kiến" trên tờ New York Times, giải thích về việc Nga phản đối dùng vũ lực chống Syria, Putin cho rằng một cuộc tấn công quân sự có thể làm gia tăng bạo lực trong khu vực, "mở ra một làn sóng mới của chủ nghĩa khủng bố" và cướp thêm mạng sống của những nạn nhân vô tội. "Việc khuyến khích người dân tự xem mình là biệt lệ là điều cực kỳ nguy hiểm, dù động cơ có là gì đi nữa", Putin viết.
Trước đó, trong bài phát biểu quan trọng hôm 10/9 với quốc dân Mỹ, Obama nói dù Mỹ không thể là cảnh sát toàn cầu, Washington vẫn phải hành động trong một số hoàn cảnh cụ thể. "Điều đó khiến chúng ta khác biệt ", Obama nói. "Bằng sự nhún nhường, nhưng kiên quyết, chúng ta không bao giờ xao nhãng sự thật đó".
Tuy nhiên một số ít người khen ngợi bài báo của Putin. Pat Buchanan, cựu cố vấn của Nixon và Reagan cũng là nhà bình luận chính trị bảo thủ, cho rằng đó là một bài viết "nổi bật". "Vladimir Putin đưa ra lập luận chống lại việc Mỹ tấn công Syria tốt hơn so với điều Tổng thống Mỹ làm tối qua", Fox News dẫn lời Buchanan nói.
Trọng Giáp
- Có những quan điểm và tư tưởng khác nhau, nhưng tôi vẫn yêu nước Nga và ủng hộ ông Putin. Trong việc giải quyết vấn đề Syria rõ ràng Putin đang thắng Obama và được đa số ủng hộ.
Phạm Hải
18 tháng 9, 2013
Tôi vẫn sống trong lúc dãy chết
Nghịch lý buồn: "Tôi vẫn sống!"
Nhiều doanh nghiệp lại "khăng khăng" khẳng định: "Tôi vẫn sống và có thể tiếp tục sống!" dù cho kiểm toán có ý nghi ngại khả năng hoạt động liên tục.
Mùa báo cáo tài chính bán niên vừa qua, hàng loạt công ty đã từng bị kiểm toán đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục lại tiếp tục bị đặt câu hỏi. Đáng buồn là: những lời giải trình của doanh nghiệp lại không đi sâu vào kế hoạch kinh doanh sắp tới hay những kế sách để tiếp tục hoạt động bình thường mà lại mang màu sắc: "tôi vẫn sống!"
Hàng loạt doanh nghiệp liên tục bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Đành rằng, kiểm toán đưa ra ý kiến là dựa trên đánh giá của họ về doanh nghiệp. Lời cảnh tỉnh, nếu có, là để nhà đầu tư cảnh giác khi lựa chọn đầu tư vào doanh nghiệp nào đó. Phần ý kiến này của kiểm toán luôn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, cho nhà đầu tư một cái nhìn khách quan hơn những thông báo có phần sơ sài của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp bị đặt dấu hỏi nghi ngờ hoạt động liên tục mùa BCTC bán niên năm nay phải kể đến như: VNA, VID, XMC, VCR, BHV, PXM, TNG, VOS, BHC, SHN, GGG, HHL, VNI...
Nghịch lý buồn: "Tôi vẫn sống!"
Trong các kỳ BCTC kiểm toán từ 2009 của Công ty cổ phần vận tải biển Vinaship (VNA), đơn vị kiểm toán luôn không quên nhắc nhở người đọc phần thuyết minh khả năng hoạt động liên tục. Nợ ngắn hạn của công ty đã bỏ xa tài sản ngắn hạn và khoảng cách này không ngừng tăng qua các năm. Cứ như thế, kiểm toán năm nào cũng câu quen thuộc: Lưu ý thuyết minh về giả thiết hoạt động liên tục trong báo cáo của ban giám đốc. Báo cáo năm nào, ban tổng giám đốc cũng tin tưởng và cho rằng BCTC được lập trên giả định công ty hoạt động liên tục là hợp lý.
Thậm chí, đến tận BCTC soát xét bán niên năm 2013, khi nợ hạn của công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn 236 tỷ đồng và tình hình làm ăn khá bết bát với lỗ 68,5 tỷ đồng 6 tháng sau khi đã lỗ 28 tỷ đồng năm 2012 thì ban tổng giám đốc vẫn lên tiếng bảo vệ quan điểm về tính hợp lý trong hoạt động liên tục của công ty. Bản thuyết minh này "bám" trên 2 kế hoạch chính là "đang làm việc với các ngân hàng để điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ của các khoản vay dài hạn" và "có kế hoạch bán 1-2 tàu cũ khai thác không hiệu quả là tàu Hà Tiên, Hà Nam để bổ sung vốn lưu động". Chúng tôi cũng xin nói thêm, kế hoạch bán tàu đã được đưa ra từ tháng 6 năm 2012 trong nghị quyết ĐHCĐ. Tuy nhiên, đến giờ, kế hoạch này vẫn chưa có kết quả.
Tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2013 của CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID), kiểm toán cho biết, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 56 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm tiếp tục thua lỗ hơn 50 tỷ đồng (công ty đã lỗ năm 2011, 2012). Những điểm này có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của công ty. Kiểm toán cho rằng, khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào việc chuyển nhượng một phần tài sản của công ty tại Chi nhánh Bình Dương và việc xem xét miễn giảm lãi vay của ngân hàng cũng như kết quả kinh doanh của công ty trong thời gian.
Về phía VID, trong công văn giải trình kết quả kinh doanh đã cho biết tiến trình những hạng mục có thể "cứu" công ty. Tuy nhiên, bản giải trình này chứa đựng khá nhiều ngôn từ nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty như: "dự kiến quý 4 năm 2013 tới đây, công ty sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc liên doanh liên kết theo đúng tinh thần Nghị quyết của ĐHCĐ" hay "trình ngân hàng xem xét miễn lãi vay năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013". Công ty dự kiến trong quý 4 tình hình sẽ khả quan hơn cùng chia sẻ giảm lãi suất của ngân hàng.
Hay như tại Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC), kiểm toán cho biết BCTC HN được lập trên giả định công ty tiếp tục hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ 30/6/2013. Tuy nhiên, kiểm toán lưu ý trong kỳ 6 tháng công ty lỗ hơn 22 tỷ đồng và lỗ luỹ kế hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày 30/6/2013, công nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 142 tỷ đồng.
Khả năng thanh toán của XMC phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể thu được trong tương lai, khả năng huy động vốn từ khách hàng mua bất động sản, khả năng vay vốn từ các tổ chức kinh tế cũng như khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Ban giám đốc cho biết công ty đã có các khoản cam kết tín dụng của một số ngân hàng thương mại theo các hợp đồng hạn mức tín dụng. Tại ngày 30/6/2013, tổng số hạn mức tín dụng còn lại tại công ty mẹ của công ty là 54 tỷ đồng. Công ty cũng đang tìm các nguồn tài chính khác có thể tự trang trải các khoản nợ khi đến hạn.
Báo cáo của XMC cũng cho biết, tổng số nhân viên của công ty và công ty con tại 30/6/2013 là 2.761 người, giảm mạnh so với con số 3.600 người đầu năm.
Còn tại VCR-Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex, kiểm toán đưa ra ý kiến cho rằng kinh doanh bất động sản là hoạt động chính với tỷ trọng tài sản và nợ phải trả lần lượt 94% và 99% trên tổng tài sản và nợ phải trả của công ty trong các năm qua. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh BĐS trong nước 6 tháng đầu năm 2013 gặp nhiều khó khăn, dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá – Cát Bà là dự án bất động sản tạo doanh thu chính của công ty đang được triển khai chậm lại. Công ty hiện đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán các công nợ đến hạn trả. Những yếu tố đó gây nên sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tuy nhiên, Ban giám đốc cho biết công ty đã có khoản cam kết tín dụng của Ngân hàng Agribank với hạn mức 400 tỷ đồng có thời hạn 5 năm kể từ lần giải ngân đầu tiên vào 19/05/2011. Đến 30/06/2013, công ty đã rút 166,6 tỷ đồng và hạn mức tín dụng còn lại 233,4 tỷ đồng. Công ty có thể vay với các điều khoản phù hợp để thanh toán cho các nhà thầu xây dựng dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá – Cát Bà.
Kiểm toán thường làm việc trên nguyên tắc thận trọng và mọi ý kiến của kiểm toán là để tránh rủi ro có thể gây ra cho người đọc BCTC. Vì vậy, ý kiến kiểm toán vẫn là một phần đáng được quan tâm. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp lại là những người nắm bắt hoạt động kinh doanh của mình sát sao nhất. Ban giám đốc có cơ sở của họ để TIN rằng công ty vượt qua khó khăn và đây cũng là điểm tốt cho cổ đông nhưng cũng đã không ít lãnh đạo công ty chỉ có kế hoạch trên giấy hoặc những kế sách giúp công ty thoát hiểm lại mong manh phụ thuộc vào những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của công ty. Điều quan trọng với nhà đầu tư là khi lãnh đạo nói "tôi chưa chết" thì cũng cần có kế sách rõ ràng với thời gian cụ thể cũng như cập nhật thường xuyên để nhà đầu tư an lòng.
Thanh Hiên
Theo Trí Thức Trẻ
Putin là người giàu nhất hành tinh?
Từ lâu, báo giới phương Tây đồn thổi liệu Tổng thống Nga Putin có phải là người giàu nhất thế giới không, hay chỉ là một trong những nhà lãnh đạo giàu nhất.
Tuy nhiên, các bài báo của giới truyền thông thường có xu hướng trích dẫn một nguồn tin chính, đó là cuộc phỏng vấn của chuyên gia phân tích tài chính Stanislav Belkovsky trên tờ nhật báo Die Welt của Đức tháng 11.2007.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, Belkovsky cho biết ông Putin "kiểm soát" 37% Công ty dầu khí Surgutneftegaz và 4,5% tập đoàn dầu khí độc quyền Gazprom. Con số 40 tỉ USD ước tính giá trị tài sản của ông Putin đơn giản là dựa trên giá trị thị trường cổ phiếu của hai công ty trên.
"Những con số này đã được chứng minh?" - phóng viên Die Welt hỏi. "Những con số này là chính xác" - ông Belkovsky trả lời. Tất cả chỉ có vậy.
Những người phỏng vấn thường hay hỏi Belkovsky về con số 40 tỉ USD. "Con số đó bây giờ có thể đã thay đổi, tôi tin rằng dao động ở mức 60-70 tỉ USD" - ông Belkovsky trả lời.
Tuy nhiên, chưa bao giờ có bằng chứng xác đáng, dù là nhỏ nhất cho thấy ông Putin thực sự sở hữu trong tay khối lượng cổ phiếu lớn như vậy trong hai tập đoàn dầu khí Surgutneftegaz và Gazprom.
Báo chí phương Tây thường dựa vào trả lời của Belkovsky như một nguồn tin mà chẳng biết ông Belkovsky là ai và liệu những lời nói của ông này có ý đồ gì không. "Ông Belkovsky đang chơi trò gì hay nhân danh ai vẫn còn chưa rõ" - tờ Telegraph cảnh báo.
Những tuyên bố của Belkovsky đã đến tai ông Putin khi một phóng viên AP hỏi ông trong cuộc họp báo tháng 2.2008: "Một số tờ báo nói rằng ông là người giàu nhất Châu Âu. Nếu đúng thế, đâu là nguồn gốc tài sản của ông?".
Ông Putin thẳng thừng bác bỏ: "Đó chỉ là những thông tin vô nghĩa, tán gẫu, chẳng có gì để nói. Tôi là người giàu nhất không chỉ ở Châu Âu mà trên toàn thế giới. Tôi nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Tôi giàu theo cách mà người Nga đã hai lần tin tưởng giao cho tôi trọng trách lãnh đạo một quốc gia lớn như Nga. Tôi tin rằng đó là tài sản lớn nhất của tôi" - ông Putin nói.
Theo Vân Anh
Lao Động
“Bộ phận không nhỏ” làm giảm sút niềm tin
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "Đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp đều có cả, nguyên nhân vì sao đã đến lúc cần tìm ra" - Ảnh: N.H
- Xử lý tội phạm tham nhũng, lãng phí, chức vụ không công minh khiến lòng tin của nhân dân với Đảng và nhà nước bị thách thức...
- Quản lý nhà nước có vấn đề, đạo đức xã hội xuống cấp, một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm dẫn đến niềm tin của nhân dân giảm sút, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận.
Nghe 4 báo cáo và dự thảo luận cả ngày 17/9 về về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước cũng đồng ý với đánh giá là năm 2013 công tác phòng ngừa tội phạm có tiến bộ nhất định.
Tuy nhiên, bà vẫn rất phân vân vì theo báo cáo thì tất cả các lĩnh vực như giao thông, y tế, phòng chống cháy nổ, trật tự, đất đai đều dùng các cụm từ khá phổ biến, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng… Tại sao dù hết sức cố gắng, có bộ máy tốt nhưng sao tình hình nghiêm trọng hơn?
Nhấn mạnh một trong các nguyên nhân do đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, Phó chủ tịch nước cũng nói thêm là báo cáo các năm trước không đánh giá như thế này.
"Đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp đều có cả, nguyên nhân vì sao đã đến lúc cần tìm ra", Phó chủ tịch nói.
Một “điểm nhấn” nữa tại báo cáo được Phó chủ tịch chỉ ra đó là niềm tin của nhân dân giảm sút.
Theo bà, từ chỗ quản lý nhà nước có vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, nhân dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm, không tương xứng, dẫn đến niềm tin giảm sút nghiêm trọng.
Nếu một tay nắm pháp luật, một tay nguyên tắc Đảng còn trái tim luôn hướng về đồng bào thì không có chuyện niềm tin bị giảm sút, bà Doan nói.
Ngày xưa nghèo đói như thế mà tinh thần đoàn kết như thế, còn bây giờ tình hình như vậy có phải do chính một “bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên. Một bộ phận này hãy chấp hành đúng pháp luật thì tình hình đã tốt lắm rồi. Nhưng vì bộ phận này thiếu, có bảo kê, có tiêu cực nên mới thế này, Phó chủ tịch nhận định.
Bà cũng đề nghị khi hoàn thiện báo cáo, Chính phủ cần kiểm điểm thêm trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này. Cũng phải trình bày thêm nguyên nhân, không phải chỉ do năng lực, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành… mà là sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận đảng viên .
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ khá nhiều lo lắng, băn khoăn.
Dù nhận định đấu tranh chống tội phạm rất quyết liệt nhưng tình hình dân đã yên chưa thì cần thẳng thắn là chưa. Tội ác vô cùng man rợ, độc ác, ngang nghiên, vô cùng xuống cấp về đạo đức mà không phải lâu lâu mới có 1 vụ, gần như liên tục, các lĩnh vực đều có, giáo dục, y tế còn có, gia đình, nhà trường, con cái, bạn bè đều có cả, ông nói.
Đề nghị phải làm thật rõ tình hình, Chủ tịch cho rằng nếu nhận định tình hình diễn biến tích cực thì không phải, vì có thể số lượng giảm nhưng mức độ nghiêm trọng tăng.
Ông cũng nhắc đến một vụ việc được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu tại phiên thảo luận là qua 14 năm với 4 lần tố tụng lại trở về bản án sơ thẩm ban đầu rồi nhấn mạnh: đó là lãng phí kinh phí, lãng phí niềm tin kinh khủng cái này ai đền cho nhà nước?
Không biết xử lên xử xuống như vậy có kỷ luật ai không, chắc không, chắc vẫn lên chức thôi, Chủ tịch nói.
Đi vào những vấn đề cụ thể hơn, một số ý kiến gặp nhau ở nỗi lo về phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế…
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc phát hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng, kinh tế chức vụ còn yếu, còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó khi xử án còn có nhiều biểu hiện nương nhẹ với các loại tội phạm này, khi có vụ người phạm tội rất nghiêm trọng đã được áp dụng hai lần tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt.
Trong khi đó, theo nhận xét của ông Quyền thì nhiều viện kiểm sát địa phương rất lười ra kháng nghị vì sợ va chạm. Khi giữ quyền công tố thì đề nghị hình phạt rất cao nhưng khi tòa cho hưởng án treo, xử nhẹ thì vẫn ngồi im. Và ông Quyền nhấn mạnh “đó là không bình thường, thấy xử nhẹ thì anh phải kháng nghị”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, bỏ lọt tội phạm thông qua xử lý vi phạm hành chính là tình trạng tương đối nhiều.
Cũng rất rõ, theo bà Nga là tình trạng bảo kê. Khi nhiều tội phạm ngang nhiên diễn ra cạnh các cơ quan bảo vệ pháp luật như mại dâm, ma túy, xây dựng trái phép... mà không phát hiện được cho đến khi dân tố cáo hoặc công an cấp trên vào cuộc.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng không thể đổ hết trách nhiệm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương.
Không hành động cũng là thiếu trách nhiệm, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa là có thể bắt và khởi tố ngay chủ doanh nghiệp mà sao cứ để mãi, ông Đương đặt câu hỏi.
Tình hình tự xử nổi lên âm ỉ kéo dài, dân bất lực tự thiêu, tự cầm súng bắn lên đầu chính quyền theo ông Đương đều cần nhìn nhận sâu sắc về trách nhiệm của chính quyền địa phương chứ không phải chỉ có mấy cơ quan pháp luật.
Chung nhận định với nhiều vị khác, đại biểu Đương nói, phát hiện án tham nhũng, chức vụ rất hạn chế, dân bức xúc về những vụ tham nhũng lớn nhưng chỉ phát hiện được tham nhũng vặt. Mà người tham nhũng thường là đảng viên, không có chân trong đảng cầm quyền thì dừng hòng có chức vụ, ông Đương phát biểu.
Xử lý tội phạm không công minh, nhất là trong những vụ án tham nhũng, lãng phí, chức vụ, khiến lòng tin của nhân dân với đảng và nhà nước bị thách thức, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nhìn nhận.
Nguyễn Lê ( VnEconomy)
Bao nhiêu vụ tham nhũng đã bị can thiệp xử nhẹ?
Bao nhiêu vụ tham nhũng đã bị can thiệp xử nhẹ? Đây chỉ là một trong nhiều câu hỏi đã không thể có câu trả lời thỏa đáng, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, sáng 18/9.
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện.
Tham nhũng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trong năm nay đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, chuyển cơ quan hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Đã có 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 người bị xử lý hình sự.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
So với cùng kỳ năm 2012 thì năm nay công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội (khởi tố tăng 8 vụ với 91 bị can; truy tố tăng 91 vụ với 202 bị can), báo cáo thẩm tra của ủy ban so sánh.
Tuy nhiên, số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh một trong các nguyên nhân dẫn đến tình hình nói trên.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng tham nhũng nghiêm trọng có nguyên nhân từ tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, cả hai bản báo cáo, theo nhiều ý kiến thảo luận đều còn không ít khoảng trống.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đánh giá tình hình như trong báo cáo còn nhẹ hơn đánh giá trong nghị quyết của Trung ương. Thế giới đánh giá thế nào, báo chí và mặt trận là hệ thống đánh giá hết sức quan trọng có ý kiến ra sao, có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không, Chủ tịch đưa ra hàng loạt câu hỏi.
Ông cũng không thật đồng tình với đánh giá của cơ quan thẩm tra về việc người dân rất ít tham gia tố cáo tham nhũng vì “góp ý mãi mà không có tác dụng gì cả”.
Chủ tịch cũng băn khoăn khi chưa nhìn thấy rõ sau khi sửa luật, không còn các ban chỉ đạo trong hệ thống hành pháp, thì công tác phòng, chống tham nhũng thay đổi như thế nào.
Không đánh giá vấn đề này là một khoảng trống mà "cứ thế đem nói với toàn dân là nguy hiểm", Chủ tịch lưu ý.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước hỏi, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhận được bao nhiêu thông tin về tham nhũng và xử lý thế nào?
Ông cũng muốn biết trong các vụ án tham nhũng nghiêm trọng thì có bao nhiêu vụ án đã có sự can thiệp của lãnh đạo chủ chốt các cấp cản trở hoặc làm hẹp lại? Nếu làm rõ thì cũng hạn chế một số đồng chí có chức có quyền can thiệp vào quá trình điều tra của các cơ quan chức năng, ông nói.
Lần lượt trả lời, song cả Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện và cả Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cùng Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong đều không làm rõ được các câu hỏi nói trên.
Nếu không có cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập thì vẫn là tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, ông Phong phát biểu.
Về ý kiến lãnh đạo can thiệp vào các vụ án tham nhũng mấy anh tố tụng không có báo cáo nên chúng tôi không báo cáo được, ông Tranh phân trần.
Vẫn băn khoăn, ông Ksor Phước nêu thực tế có nhiều vụ án nghiêm trọng kéo dài, có cả kết luận của Thủ tướng rồi mà lòng thòng im lặng cả năm trời khiến lòng dân không yên.
“Cán bộ cỡ Trung ương như tôi cũng băn khoăn dù Trung ương nhiều thông tin nhất, trong đợt này cần làm rõ”, ông đề nghị.
Ông cũng “gợi ý”, câu trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu ý kiến can thiệp làm xẹp án tham nhũng của ông nếu không trả lời được trước Quốc hội thì cũng phải nói ở Trung ương hoặc Bộ Chính trị và Bộ Chính trị phải có ý kiến và báo cáo Trung ương, chứ không thể im lặng. Bởi dân phạm tội trộm cắp 2 triệu thì bắt đi tù, cán bộ nhà nước cả mấy tỷ thì án treo, đó là dấu hiệu của tham nhũng, nghi vấn cao động cơ về tham nhũng.
Lê Nguyên (VnEconomy)
Tài xế xe bồn ngăn thảm họa là một anh hùng
“Chú thật can đảm và có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Xã hội rất cần có những người dũng cảm giống chú. Cảm ơn chú đã cứu một vụ hỏa hoạn và đưa bình yên đến cho người dân”.
Đó là nhận xét của độc giả Tiên La về người lái xe nhanh trí trong bài viết "Cháy cây xăng, tài xế xe bồn dũng cảm ngăn thảm họa" . Chiều 16/9, tài xế Trần Thanh Long đánh xe về cây xăng ở huyện Bình Chánh, sau khi nhận xăng đầy bồn từ Cát Lái (quận 2, TP HCM). Như thường lệ, ông cho xe bồn vào cách hầm chứa của cây xăng khoảng 4 m, kiểm tra an toàn cháy nổ tại khu vực này rồi mở van rót xăng. Tuy nhiên, khi còn khoảng 100 lít cuối thì có người hét lớn cháy. Nhìn vào phía hầm chứa, ông thấy lửa phụt ra dữ dội và lan rất nhanh đến ống dẫn xăng của xe bồn.
Thấy chiếc bình chữa cháy cầm tay, ông chụp lấy xịt nhưng chẳng ăn thua. Cũng lúc này, chân và tay trái của ông bị lửa vây lấy. “Trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ ngay đến việc khóa van xăng ở bồn xe và thế là bất chấp nửa thân người như ngọn đuốc, tôi cố lao vào, vì nếu không lửa có thể sẽ đi vào trong và làm nổ bồn xăng. Hỏa hoạn sẽ kinh khủng hơn, có thể sẽ lan sang cả khu vực dân cư nếu bồn xăng phát nổ”, ông Long nói.
Đến chiều 17/9, tài xế Trần Thanh Long (58 tuổi) đã qua cơn nguy kịch và đang điều trị tại Bệnh viên Chợ Rẫy. Ông Long bị bỏng 19% cơ thể, tập trung chủ yếu ở tay và chân trái.
Hành động dũng cảm, liều mình xông vào dập lửa tại cây xăng của tài xế Trần Thành Long đã khiến cộng đồng mạng cảm phục tinh thần của anh. “Đó mới là người anh hùng trong thời bình. Công việc dũng cảm mà không ai cũng làm được như bác. Chúc bác mau hồi phục”, bạn đọc Hoang Lan nói.
“Bác ấy là một anh hùng”
“Một bác tài can đảm hy sinh vì cộng đồng, tôi thật cảm phục tinh thần của bác”, bạn đọc Giang chia sẻ. “Trường hợp nguy hiểm như vậy, mọi người ở xa còn lo sợ mà bác ấy vẫn quên mình để khóa van xăng, chạy xe khỏi khu vực nguy hiểm, tránh gây hậu quả xấu nhất. Rất ít người có thể đủ bình tĩnh làm được như bác. Biểu dương hành động của tài xế Long”, bạn đọc Đỗ Minh Thế nói.
Còn bạn đọc Hoàng Sơn chia sẻ: “Tài xế Trần Thanh Long 58 tuổi. Ở độ tuổi được sinh ra trong thời chiến, thật đúng là một tinh thần dũng cảm và kiên cường của thế hệ cha ông. Cháu thật sự rất cảm động trước việc làm dũng cảm của chú. Cháu chúc chú sớm bình phục và mạnh khỏe”.
Ông Long đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tay và chân bỏng nặng. Ảnh: Thiên Chương.
“Nếu không có hành động dũng cảm như vậy thì hậu quả thật khôn lường”
Cách đây hơn 3 tháng, vụ hỏa hoạn chưa từng có khi xe tiếp xăng bốc cháy trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khiến ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt, khói cao thành cột. Cả trạm xăng, quán cơm và nhiều phương tiện gần như chìm trong biển lửa. Hàng trăm cảnh sát và toàn bộ phương tiện chữa cháy của Hà Nội dùng vòi rồng hối hả phun vào đám cháy, nhưng phải mất tới gần 3 tiếng ngọn lửa mới được khống chế, gây thiệt hại lên tới 4 tỷ đồng.
“Nhớ đến vụ hỏa hoạn đó so với hành động này của tài xế Long, tôi lại càng cảm phục anh gấp bội. Bởi nếu không có sự dũng cảm liều mình của anh không biết sẽ xảy ra thảm họa như thế nào? Cần phải biểu dương kịp thời cho anh Long”, độc giả Jack nói.
“Đúng thế, đây quả là một hành động dũng cảm. Bác ấy đã kịp ngăn chặn được chiếc xe bồn chở xăng cháy và phát nổ. Nếu không điều đó xảy ra thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà không ai có thể lường được điều gì sẽ xảy ra”, bạn đọc Đinh Đức tâm sự.
Còn bạn đọc Minh Khôi nói: “Hành động của bác Long là rất khâm phục, một con người dũng cảm và nhanh trí, nếu không hậu quả khôn lường. Chúc bác mau chóng bình phục và mong cơ quan đoàn thể khen thưởng, hỗ trợ về vật chất cho hành động vì cộng đồng của bác”.
Tâm Lê tổng hợp ( VnExpress)
- Hãy so sánh hành động của người tài xế bình dị này với các cảnh sát PCCC ưu tú tại TTTM Hải Dương
Mỏi mòn chờ công lý
Cụ ông 88 tuổi thắng kiện vụ đền bù 2.500 đồng mỗi m2 đất
Sau 15 năm bị mất đất, cụ Bảy đòi được tiền đền bù đúng với giá trị thực của gần 2.400 m2 đất được UBND TP Cà Mau bồi thường chỉ 2.500 đồng một m2.
Chiều 18/9, TAND TP Cà Mau tuyên xử chấp nhận đơn kiện của ông Trần Văn Bảy ở phường 2, tuyên hủy một phần thông báo số 479 của Hội đồng bồi thường và tái định cư thành phố về việc bồi thường cho cụ ông 88 tuổi này 2.500 đồng một m2 đất. HĐXX buộc UBND TP Cà Mau áp dụng giá đất bồi thường và các quy định về hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho ông Bảy tại thời điểm năm 2012.
Cụ Bảy thắng kiện UBND TP Cà Mau, buộc chính quyền hủy phương án bồi thường đất chỉ có giá 2.500 đồng một m2. Ảnh: Giã Hoàng Nhựt. |
Theo hồ sơ vụ án, năm 1998, UBND thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau) giải tỏa của ông Bảy hơn 25.381 m2 đất các loại để làm nghĩa trang, tiền bồi thường trên 170 triệu đồng. Sau nhiều lần khiếu nại giá đất, tháng 3/2003, số tiền trên giảm xuống còn hơn 32,6 triệu đồng.
Đầu năm 2012, TP Cà Mau điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang, đất ông Bảy bị thu hồi giảm xuống chỉ còn gần 2.400 m2. Một năm trước, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hứa Minh Hữu ký thông báo 479, chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Bảy giá đất năm 1998 là 2.500 đồng một m2. Bức xúc vì giá bồi thường quá thấp, ông Bảy ủy quyền cho con gái kiện UBND TP Cà Mau, đòi bồi thường trên 167,6 triệu đồng (70.000 đồng một m2).
Luật sư Giã Hoàng Nhựt cho rằng, ông Bảy kiện là hợp lý vì Nhà nước không thể bồi thường cho dân một m2 đất với giá chỉ bằng thỏi kẹo cao su.
Duy Khang ( VnExpress)
Vô cảm, vô trách nhiệm đã thành tội ác
Xả lũ đột ngột, cả thị trấn tan hoang
- Sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, sáng 18/9 nước lũ đã rút để lại cảnh hoang tàn đổ nát tại thị trấn Eađrăng (H. Eahleo, Đắc Lắc). Hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm hecta hoa màu của người dân trong phút chốc đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Theo bà con, nước lũ về đột ngột nhanh và hung hãn đã quét qua khu vực các khối 3,5,6 thuộc thi trấn Eađrăng.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản.
Đứng trên nhà mình giờ chỉ còn lại nền đất, bà Dương Thị Lý ở khối 6 buồn bã cho biết, toàn bộ tài sản gồm tiền bạc, vật dụng giấy tờ đã bị nước cuốn trôi.
Cùng cảnh ngộ với bà Lý, những người hàng xóm đang cố gắng bới tìm, thu gom những gì còn sót lại nhưng tất cả đều vô ích.
Chưa có con số thông kê cụ thể, nhưng sơ bộ hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, số hư hại có thể hàng trăm căn.
Nước lũ cũng làm ngập sâu và hư hỏng nặng cầu Eakal khiến giao thông trên Quốc lộ 14 bị ách tắc nhiều giờ liền. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt phong tỏa khu vực cầu, nhưng nhiều người dân hiếu kỳ vẫn tập trung rất đông tại khu vực nguy hiểm. Được biết thị trấn Eađrăng nằm trong vùng hạ lưu của đập Eađrăng có dung tích 1.500.000 m3. Những cơn mưa gần đây đã làm cho mực nước trong đập lên đến mức báo động.
Để đập khỏi vỡ buộc lòng phải xả tràn và hậu quả đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân…Ông Dương Công Nguyên, một người dân ở khối 6, thị trấn Eađrăng bức xúc: “Chúng tôi không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, người dân chỉ còn biết chạy lũ thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại…”.
Hình ảnh PV VietNamNet ghi lại:
Đinh Nga
- Sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, sáng 18/9 nước lũ đã rút để lại cảnh hoang tàn đổ nát tại thị trấn Eađrăng (H. Eahleo, Đắc Lắc). Hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm hecta hoa màu của người dân trong phút chốc đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Theo bà con, nước lũ về đột ngột nhanh và hung hãn đã quét qua khu vực các khối 3,5,6 thuộc thi trấn Eađrăng.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản.
Đứng trên nhà mình giờ chỉ còn lại nền đất, bà Dương Thị Lý ở khối 6 buồn bã cho biết, toàn bộ tài sản gồm tiền bạc, vật dụng giấy tờ đã bị nước cuốn trôi.
Cùng cảnh ngộ với bà Lý, những người hàng xóm đang cố gắng bới tìm, thu gom những gì còn sót lại nhưng tất cả đều vô ích.
Cùng cảnh ngộ với bà Lý, những người hàng xóm đang cố gắng bới tìm, thu gom những gì còn sót lại nhưng tất cả đều vô ích.
Chưa có con số thông kê cụ thể, nhưng sơ bộ hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, số hư hại có thể hàng trăm căn.
Nước lũ cũng làm ngập sâu và hư hỏng nặng cầu Eakal khiến giao thông trên Quốc lộ 14 bị ách tắc nhiều giờ liền. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt phong tỏa khu vực cầu, nhưng nhiều người dân hiếu kỳ vẫn tập trung rất đông tại khu vực nguy hiểm. Được biết thị trấn Eađrăng nằm trong vùng hạ lưu của đập Eađrăng có dung tích 1.500.000 m3. Những cơn mưa gần đây đã làm cho mực nước trong đập lên đến mức báo động.
Để đập khỏi vỡ buộc lòng phải xả tràn và hậu quả đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân…Ông Dương Công Nguyên, một người dân ở khối 6, thị trấn Eađrăng bức xúc: “Chúng tôi không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, người dân chỉ còn biết chạy lũ thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại…”.
Hình ảnh PV VietNamNet ghi lại:
Đinh Nga
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)