Đỗ Trọng
- 30 tháng 10 2014
Vài ngày trước, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng mức lương tối thiểu của cán bộ không thể 3 triệu/tháng như bây giờ mà mới ra trường phải 10 triệu/tháng trở lên mới đủ sống. Mới nghe qua thì ai cũng hào hứng, nhưng thực tế có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như tăng làm gì, tăng với mức nào là hợp lý và tăng bằng cách nào bây giờ?
10 triệu là cao hay thấp?
10 triệu là mức lương phải đóng thuế, đó là nấc thang đầu tiên mà một người Việt Nam bình thường nghĩ tới khi nhắc đến khoản thu nhập cao hàng tháng. Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội - 2 thành phố lớn nhất nước, cũng không nhiều người có được 10 triệu 1 tháng. Phần lớn thu nhập của người lao động kể cả các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chỉ là 5-6 triệu.
Như vậy ta thấy rằng, 10 triệu là mức lương đáng mơ ước và có thể đem khoe của phần lớn người dân Việt Nam, nó không phải thu nhập đại trà. Tăng lương là tốt nhưng lấy mức lương đáng tự hào và là mục tiêu phấn đấu của nhiều người để làm mức thu nhập đại trà liệu có ổn?
Có đại biểu cho rằng tăng lương để chống tham nhũng. Nhưng hỡi ôi, nếu người ta đã giàu mà không tham nhũng nữa thì người Việt Nam sẽ hết sạch các quan tham chỉ sau một ngày.
Mức hối lộ cho quan càng to thì số tiền phải càng lớn, quan chức càng giàu thì càng nguy hiểm cho dân chúng hơn, họ sẽ không thỏa mãn với số tiền đáng lẽ trước đây có thể “chấp nhận” được.
Tăng để thu hút nhân tài? Nói vậy có nghĩa là Doanh nghiệp Nhà nước không hấp dẫn. Vậy tại sao người ta vẫn xếp hàng dài để thi công chức – một kỳ thi vô cùng tốn kém như một vị đại biểu cũng thừa nhận nhiều người vẫn “chạy” hàng trăm triệu vào công chức để rồi lãnh lương khởi điểm chỉ 3 triệu/tháng.
Kỳ thi công chức này cũng mang một màu sắc vô cùng bí hiểm khi mà người thi không thể nào biết trước mình có đậu hay không dù giỏi đến mức nào, kể cả khi đã “đi tiền” cũng chưa chắc vì biết đâu còn có người đóng nhiều tiền, quen biết nhiều hơn mình. Kỳ thi công chức vốn đã “hấp dẫn”, nếu tăng lương lên 10 triệu có lẽ nó sẽ còn nóng bỏng hơn nữa.
Chúng ta sẽ đi tiếp đến vấn đề sau để rõ nhà nước có thật sự cần người tài hay không.
Tăng bằng cách giảm biên chế?
Giảm ai bây giờ khi Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá cán bộ nhưng làm xong thì không có đơn vị nào xin giảm mà đều xin tăng! Người ta đã quen với việc chỉ đưa ra nhiệm vụ, kế hoạch, phương hướng… mà chẳng bao giờ nêu ai sẽ chịu trách nhiệm nếu không đạt chỉ tiêu và quan trọng hơn là chịu trách nhiệm như thế nào.
Các “hình phạt” rốt cuộc cũng chỉ là “nghiêm túc nhận khuyết điểm” rồi sẽ “cố gắng”, “phấn đấu”… Cuối cùng thì ai cũng hay cũng cần thiết cả.
Cấp dưới có khuyết điểm cũng có lợi cho sếp, vì có lỗi người ta mới cần phải “nịnh” sếp. Cấp trên nữa của sếp cũng không buồn vì đơn vị cấp dưới có điều không tốt mới phải hay lên trên “thăm hỏi”.
Đó là một chuỗi liên quan đến nhau chặt chẽ, ai cũng có lợi, rốt cuộc chỉ có nhà nước chịu. Nhà nước ở đây là ai, đương nhiên không phải các quan chức nhà nước cao nhất rồi, vì họ là đỉnh của chuỗi liên kết trên.
Nhà nước chính là nhân dân, tiền đóng thuế của nhân dân. Mình làm nhưng người khác phải chịu, vậy tại sao phải loại nhau ra trong cái chuỗi lợi ích đó.
Có nhân viên một doanh nghiệp Nhà nước vô tư nói với người đến làm việc: “Các anh đừng lo bị lừa vì ở đây chúng tôi chỉ làm để lấy thành tích chứ không cần lãi.”
Khi mà doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết phải có lãi, nếu kiếm được tiền có nhất thiết phải nộp vào ngân sách không? Chắc chắn là không rồi, đầu tiên đó sẽ là khoản tiền giám đốc bù vào số vốn đã mất để được ngồi vào vị trí, rồi sau khi “hòa vốn” mới bắt đầu “có lãi”.
Chỉ khi nào có cơ chế tự đào thải như doanh nghiệp tư nhân thì mới có thể loại bỏ được những vị trí không cần thiết.
Doanh nghiệp tư nhân khi làm ăn không có lãi đương nhiên không có tiền hoạt động, tự họ phải cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu để duy trì hoạt động, ai là nhân sự không cần thiết thì các nhà quản lý là những người nắm rõ nhất.
Cuối cùng, nếu tinh giản bộ máy thật sự thì lấy đâu ra chỗ cho những Lê Trương Hải Hiếu, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị, … vào các vị trí lãnh đạo? Nếu làm “quyết liệt”, những người vào cơ quan nhà nước bằng năng lực thực sự sẽ bật bãi đầu tiên nếu không có “ô dù”.
Các đại biểu Quốc hội nói “phải” giảm, nhưng từ “phải” đến làm thực sự thì còn xa lắm. Các đại biểu có thể lập ra trước một danh sách chỉ đích danh những vị trí cần giảm không?
Nếu chỉ “quyết tâm” không thôi thì không được đâu, vì các cơ quan đoàn thể còn “quyết tâm” gấp vạn lần các đại biểu mà chưa có kết quả.
Tăng bằng cách chống lãng phí?
Nghe thì đơn giản nhưng thực chất chống lãng phí chính là chống tham nhũng. Giảm các công trình, dự án thất thoát ư? Chủ dự án chẳng bao giờ có thể bòn rút một mình. Chiếm một khoản lớn trong món bòn rút đó là tiền “vi thiềng” quan trên mới được cấp phép và an toàn về sau.
Việt Nam muốn chống được tham nhũng thì phải chống cả những quan chức cao cấp nhất. Ai dám làm điều này?
Có thể kết luận, chống tham nhũng và tinh giản bộ máy là việc hiện thời không thể làm được. Thế thì kiếm đâu ra 40.000 tỷ để tăng lương. Và rồi tăng lương lên cao cho rất nhiều người không cần lương cao có phải thêm một lần lãng phí?
Những người cần mức lương tương xứng hãy đến doanh nghiệp tư nhân để được chứng tỏ năng lực thực sự của mình.
Từ trước tới nay đều như vậy cả, “nhà nước” chỉ là nơi cho những người không thực sự giỏi hoặc có tư tưởng an phận, hay đơn giản là gia đình có điều kiện nên chỉ cần công việc ổn định (người có tâm huyết cũng còn nhưng không nhiều).
Việc bỏ 300 triệu để đổi lấy công việc 3 triệu/tháng đã nói lên điều đó.
Ở các doanh nghiệp tư nhân, những vị trí quan trọng đều có mức lương từ 10 triệu trở lên, nhưng đó là tiền mà chính họ kiếm được. Tại đây, lương sẽ tăng tùy theo tình hình tài chính của công ty, không có doanh nghiệp nào làm ăn lỗ mà lại tăng lương cả.
Với tình hình kinh tế đất nước hiện nay, tăng lương quá cao như vậy liệu có thực tế?
Đóng góp thật sự ở “tư nhân” cũng chính là cách đóng góp vào sự phát triển của đất nước một cách thiết thực nhất.
Nhưng tất nhiên ai có dũng khí “ra ngoài làm” phải chấp nhận sức ép lớn hơn nhiều vì ở những nơi này hiệu quả làm việc quan trọng hơn là “Đảng phân công” và “không thoái thác nhiệm vụ được giao”.
Và cũng tất nhiên, kết quả kém thì mất việc là hoàn toàn thực tế chứ không đơn thuần là “nghiêm khắc kiểm điểm” hay “nghiêm túc nhận khuyết điểm”.
Tăng lương tức là phải tăng cho cả các dư luận viên, đừng để ngân sách nhà nước phải gánh thêm một khoản khổng lồ để nuôi những vị trí như vậy – những người được Đảng phân công để làm công việc được nhà nước cho rằng cần thiết.
Cần thiết vì lý do gì, chỉ người có chức có quyền mới hiểu. Thế nên đừng hy vọng bộ máy nhà nước sẽ thu hẹp lại trong ngày một ngày hai.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
Nhưng có 2 con số: con số của Cục Thống Kê (GSO) và con số của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV). Hai con số này rất khác nhau như tôi đã trình bày hôm nọ. Nói chung, số của ACV cao hơn số của GSO đến 80%! Vấn đề là tin vào con số nào.
Theo số liệu của ACV thì số hành khách TSN tiếp đón hàng năm từ 2007 đến 2013 là như sau:
2007: 10.3 triệu người
2008: 11.7 triệu người
2009: 12.5 triệu người
2010: 15.0 triệu người
2011: 16.7 triệu người
2012: 17.5 triệu người
2013: 20.0 triệu người
Tính trung bình đơn giản, mỗi năm tăng khoảng 1.6 triệu khách. Chính xác, phương trình tiên lượng là: ACV = 10006 + 1609*t (trong đó t = 0 là 2007, 1 là 2008, v.v.) Do đó, đến năm 2016 thì phương trình này dự báo sẽ có 26 triệu khách, tức hơn công suất (25 triệu).
Nhưng theo số liệu của Cục Thống Kê (GSO) thì rất khác, thấp hơn ACV nhiều. Số khách mà GSO báo cáo từ 2007 đến 2012 là như sau:
2007: 8.3 triệu người
2008: 8.3 triệu người
2009: 8.9 triệu người
2010: 10.7 triệu người
2011: 9.4 triệu người
2012: 9.6 triệu người
Với những số liệu trên, có thể tìm phương trình tuyến tính đơn giản là y = 8381 + 336*t (trong đó t = 0 là 2007, 1 là 2008, v.v.). Nói cách khác, theo GSO, số khách TSN tiếp nhận tăng khoảng 336 ngàn người mỗi năm. Nếu dự báo này đúng thì 30 năm sau, phi trường TSN vẫn chưa quá tải.
Vấn đề là tin vào con số nào? Theo số liệu của Cục thống kê mỗi chuyến bay có khoảng 123-130 hành khách. Còn theo ACV thì con số là 131-136 khách. Theo GSO năm 2012 TSN tiếp đón 76.838 chuyến bay, còn theo ACV thì con số là 131.710, cao hơn con số của GSO 71%!
Thật khó tin khi hai con số của hai cơ quan Nhà nước mà lại chênh lệch quá xa như thế. Sự chênh lệch này có ý nghĩa quan trọng, vì nó có thể quyết định vận mệnh của sân bay Long Thành, thậm chí vận mệnh quốc gia. (Nhớ vu vơ ngày xưa khi vương quốc Khmer xây xong đền Angkor là kinh tế kiệt quệ và suy sụp luôn vì tiêu quá nhiều tiền).
Nếu tin con số của ACV thì việc xây phi trường Long Thành là có lí do. Còn nếu tin vào con số của GSO thì các đại biểu Quốc Hội nên bấm nút "KHÔNG".
Nói gì thì nói, trong điều kiện nợ công chồng chất hay đang/đã ở mức nguy hiểm như hiện nay thì việc đầu tư 18.7 tỉ USD (chủ yếu là vay nước ngoài) cho phi trường Long Thành thật là khó chấp nhận được.