Cập nhật: 07:21 GMT - thứ năm, 15 tháng 5, 2014
Đã có người chết, trong số đó công dân Trung Quốc, trong cuộc bạo loạn tại Hà Tĩnh nhắm vào một nhà máy thép của Đài Loan trong đêm 14/5, các hãng tin quốc tế đưa tin.
Ông Nguyền Văn Bổng, chủ tịch huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đóng nhà máy thép Formosa thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng, xác nhận với BBC có hai người Trung Quốc chết, một người 'do cảm nắng' và một người 'bị đánh chết'.
Chủ đề liên quan
"Người Việt Nam không ai có ai chết cả," ông nói và cho biết cuộc biểu tình của công nhân ở khu công nghiệp này là 'tự phát' do việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông.
Ông cũng cho biết là tình hình ở đây hiện giờ 'đã ổn định'.
Trong khi đó, báo điện tử VnExpress chiều 15/5 dẫn lời Phó chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết 76 người bị cho là liên quan đến vụ bạo động đã bị bắt.
Nhiều người bị thương
"Khi đoàn biểu tình đến trước nhà máy thì bắt gặp các công nhân Trung Quốc đi từ trong nhà máy ra. Hai bên đã có lời qua tiếng lại với nhau, dẫn đến xô xát, bất chấp sự can ngăn của những người quản lý."
Một nhân chứng thuật lại với BBC
Ông Khánh cũng cho biết có 149 người bị thương và một công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Đại diện ngoại giao của Đài Loan ở Việt Nam nói với hãng tin Mỹ AP rằng ít nhất một công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng và 90 người khác bị thương sau khi những những người bạo loạn tấn công nhà máy thép thuộc sở hữu của Tập đoàn Formosa - nhà đầu tư Đài Loan lớn nhất tại Việt Nam.
Ông Hoàng Trí Bằng nói cuộc bạo loạn diễn ra vào chiều thứ Tư ngày 14/5 và sớm thứ Năm ngày 15/5.
Hàng trăm người đã xông vào bên trong nhà máy ở tỉnh Hà Tĩnh thuộc Trung phần Việt Nam trước khi quân đội và công an can thiệp, Reuters dẫn nguồn từ tờ Commercial Times của Đài Loan cho biết.
Một bác sỹ từ bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh nói với BBC gần 50 người đã được đưa vào bệnh viện trong đêm 14/5- rạng sáng 15/5."Nhiều người trong số này mặc đồng phục màu xanh của công nhân và 6-7 người đang trong tình trạng nguy kịch", vị bác sỹ này cho biết.
Còn hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn từ một bác sỹ ở bệnh viện địa phương cho biết có năm công nhân Việt Nam và 16 người khác được cho là người Trung Quốc đã thiệt mạng.
“Có khoảng 100 người được đưa vào bệnh viện vào tối qua. Nhiều người là người Trung Quốc. Sáng nay (ngày 15/5) có thêm nhiều người nhập viện,” một bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh nói với Reuters qua điện thoại.
'Ban đầu ôn hòa'
Theo phản ánh của truyền thông trong nước, cuộc diễu hành chống Trung Quốc chiều 14/5 tại Hà Tĩnh với sự tham gia của hơn 1.000 công nhân đã bắt đầu khá ôn hòa.
"Rất nhiều người dân hai bên đường, những người tham gia giao thông cùng hưởng ứng ủng hộ. Tất cả đều diễn ra trong ôn hòa, trật tự", báo điện tử Dân Trí tường thuật.
Tuy nhiên đến Lúc 15 giờ cùng ngày, xô xát đã xảy ra khi đoàn người diễu hành đến trước cổng nhà máy Formosa. Một số người dân quá khích đã đập hỏng hai xe ca, theo báo Tuổi Trẻ.
Nguồn tin của BBC từ Hà Tĩnh cho biết tình hình sau đó đã mất kiểm soát và lực lượng an ninh đã rơi vào thế bị động.
"Khi đoàn biểu tình đến trước nhà máy thì bắt gặp các công nhân Trung Quốc đi từ trong nhà máy ra. Hai bên đã có lời qua tiếng lại với nhau, dẫn đến xô xát, bất chấp sự can ngăn của những người quản lý" người này nói.
"Tuy nhiên các công nhân cũng phản ánh lại là những người trực tiếp đánh đập các công nhân Trung Quốc không phải là người làm chung với họ".
"Các cảnh sát cơ động được điều đi kèm với người biểu tình để giám sát tình hình và giúp cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa. Mặc dù vậy, họ không đủ đông để kịp phản ứng trước một cuộc bạo động."
Một nhân chứng khác giấu tên làm việc tại Formosa thuật lại với BBC những gì ông nhìn thấy từ tầng 5 của ký túc xá công ty vào lúc vụ việc xảy ra như sau:
"Nhân viên chúng tôi đã được nghỉ việc từ 2 giờ chiều hôm qua, buổi chiều thì biểu tình ôn hòa nhưng đến gần tối thì đoàn xe chở công nhân nhà thầu Trung Quốc ra về thì bị đoàn người chặn lại".
"Họ đập cửa kính xe và đánh đập dã man người Trung Quốc".
"Sáng nay công an toàn tỉnh Hà Tĩnh đã được triển khai để đảm bảo an toàn cho nhân viên người Việt và chuyên gia Đài Loan".
"Một số người Trung Quốc ở các nhà thầu cũng được Formosa cho vào trú ẩn ở các khu ký túc xá kiên cố của nhân viên công ty".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét