11 tháng 6, 2016
10 tháng 6, 2016
Phát hiện chất cực độc trong cá nục đông lạnh tại Quảng Trị
TTO - Mẫu cá nục lấy từ trong kho đông lạnh của một cơ sở thu mua hải sản ở Quảng Trị (lấy sau thời điểm cá chết hàng loạt) có chất phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Đây là chất cực độc và cấm dùng trong thực phẩm.
Cá nục tại Quảng Trị bị phát hiện có chất cực độc - Ảnh: Quốc Nam |
Mẫu cá nục lấy từ trong kho đông lạnh của một cơ sở thu mua hải sản tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vừa được cơ quan chuyên môn của Sở y tế tỉnh này phát hiện có chất phenol, là chất cực độc...
Chiều 10-6, ông Trần Văn Thành, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, xác nhận vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc phát hiện chất phenol trong mẫu cá nục đông lạnh lấy tại một cơ sở thu mua hải sản tại huyện Vĩnh Linh.
Theo báo cáo này, cơ quan chuyên môn của Sở Y tế Quảng Trị vừa có kết quả xét nghiệm 6 mẫu cá lấy tại kho đông lạnh của bà L.T.T. (trú thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).
Sáu mẫu này gồm một mẫu cá ngừ, một mẫu cá trích, một mẫu cá sòng, ba mẫu cá nục.
Cá nục tại Quảng Trị bị phát hiện có chất cực độc - Ảnh: Quốc Nam |
Trong ba mẫu cá nục thì có một mẫu được chủ cơ sở thu mua trước thời điểm xảy ra cá chết hàng loạt và hai mẫu được thu mua sau thời điểm cá chết hàng loạt tại Quảng Trị.
Kết quả, cơ quan chuyên môn xác định mẫu cá nục lấy sau thời điểm cá chết hàng loạt có chất phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Đây là chất cực độc và cấm dùng trong thực phẩm.
Ông Thành cho biết đã chỉ đạo lấy tiếp các mẫu cá đông lạnh ở các kho khác để kiểm nghiệm, đồng thời tiêu hủy số cá nục có chất phenol này.
Phenol có thể gây chết người
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6, ông Hồ Sĩ Biên - Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị cho biết: phenol là chất hóa học cực độc thường chỉ dùng trong công nghiệp tẩy rửa, tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong việc sản xuất bao bì cũng không được sử dụng.
Cũng theo ông Biên, với hàm lượng 0,037mg/kg như trong mẫu cá nục này thì chưa đủ gây ngộ độc cấp nhưng nguy hiểm ở chỗ nếu tích lũy nhiều chất này thì có thể gây chết người.
|
9 tháng 6, 2016
Tiền thuế của dân không nuôi nổi số người ăn lương
Bỏ biên chế để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước
09/06/2016 11:02 GMT+7
“Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Đã đến lúc cần có một “khoán 10” trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
40 người nuôi một công chức, nuôi sao nổi
Bà Phạm Chi Lan nói: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.
Chuyên gia Phạm Chi Lan |
Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.
Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này.
Hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Năm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt chi thường xuyên có ít hơn đôi chút, nhưng vẫn ở con số 65%. Khoảng 30% dùng để trả nợ. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%.
Đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta đông như vậy, nhưng theo nhiều người thì chất lượng lại không cao. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”.
Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi còn là Bộ trưởng TT&TT ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.
Không giảm được thì bỏ hẳn biên chế đi
Vấn đề cải cách hành chính, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ NSNN đã nhiều lần được nói tới. Tuy nhiên qua 4 lần cải cách, số CBCC không những không giảm mà còn phình to hơn. Chẳng lẽ chúng ta bó tay?
Tôi hỏi nhiều người là liệu có thể giảm biên chế được không, họ đều nói là không thể giảm được.
Chỉ có một cách thôi. Đó là bỏ hẳn biên chế đi. Chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Đây không phải là vấn đề gì mới mẻ. Trong vòng 20 năm trở lại đây các chuyên gia đã nói nhiều rồi.
Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy.
Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ. Chúng ta phải hướng tới một nền công vụ hiện đại như vậy.
Nhiều nước người ta đã làm như vậy rồi. Ví dụ như từ những năm 2000, New Zealand đã thực hiện rồi. Họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời. Thậm chí, từ cấp thứ trưởng trở xuống cũng chỉ hợp đồng thôi.
Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải “anh” vào công chức rồi thì cứ ung dung “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng chả ai làm gì được.
Nếu thực hiện được như bà nói thì quỹ lương sẽ được phân bổ như thế nào, theo bà?
Thực hiện chế độ khoán quỹ lương gắn với giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Vụ trưởng, Cục trưởng cần bao nhiêu người thì ký hợp đồng bấy nhiêu, ai giỏi trả lương cao họ sẽ làm, không giỏi thì tự bỏ, hoàn thành nhiệm vụ mới trả lương, không thì không trả, như vậy chỉ có cán bộ giỏi, không có cán bộ yếu kém.
Và như vậy thì cán bộ giỏi mới không bỏ cơ quan ra làm cho các công ty tư nhân hay nước ngoài.
Thủ trưởng cơ quan toàn quyền quyết định việc lương cao hay lương thấp. Nếu nhiệm vụ giao không hoàn thành thì xuất toán. Như thế thì con ông cháu cha, hay ê kíp này nọ cũng không quan trọng nữa, miễn là cạnh tranh lành mạnh, thi nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ đoàn vì nước, vì dân phải biết hy sinh quyền lợi của mình
Thưa bà, ai cũng biết các tổ chức chính trị, tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội cũng đang là “gánh nặng” cho NSNN, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận “gánh nặng” đó như thế nào. Bà có thể cho biết khái quát được không?
Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội, đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả Trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính, từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Hội Đông y, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác.
Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ NN&PTNT (khoảng 11.000 tỉ đồng), một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ LĐTB&XH, và Bộ Tài Chính.
Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.
Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị- xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức và mô hình hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay.
Để giảm gánh nặng cho NSNN, đồng thời cũng “trả lại” vai trò thực chất của các tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội như thời kỳ ban đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương là “Hội đoàn thể thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động”. Theo bà, phải chăng đã đến lúc phải nghiêm túc thực hiện chủ trương này?
Từ nhiều năm nay các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã đặt ra những yêu cầu xác đáng về chuyển các hội đoàn thành những tổ chức tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cộng đồng.
Hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí.
Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể.
Ở nhiều quốc gia khác các tổ chức chính trị có thể phải khai thuế và nộp nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, hoặc phải dựa vào nguồn thu được cung cấp từ khu vực xã hội dân sự.
Đã đến lúc chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang ngày càng gia tăng, nguồn thu lại eo hẹp, hết sức khó khăn, chi thường xuyên lại ngày một gia tăng.
Nếu thực hiện điều này thì sẽ có hàng triệu cán bộ của các khối đoàn thể, hội, hiệp hội mất việc làm. Liệu đây có là “áp lực chính trị” đối với xã hội không, thưa bà?
Cán bộ khối đoàn thể cũng giống như những CBCC ở các tổ chức nhà nước khác thôi. Tại sao CBCC thì giảm biên chế được mà cán bộ của khối đoàn thể thì không? Nếu họ thực sự là vì Đảng, vì dân, vì đất nước thì họ phải biết hy sinh quyền lợi của mình như những công dân khác.
Còn đương nhiên, khi chuyển sang chế độ tự chủ như vậy phải có lộ trình để các tổ chức này thích nghi dần với việc không còn được bấu víu vào “bầu sữa” NSNN nữa.
Để thực hiện được vấn đề này phải có một quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cần "Khoán 10"
Ở thời điểm cực kỳ khó khăn về lương thực thì ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường gọi là khoán 10) đã làm nên bước đột phá trong nông nghiệp nước nhà, từ chỗ thiếu ăn Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn. Có thể nói hiện nay chúng ta cũng đang ở thực trạng của những năm 80 về thu, chi NSNN. Liệu chúng ta có cần một “Khoán 10” trong giảm bộ máy hưởng lương từ NSNN?
Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước.
Bộ Chính trị, Trung ương đã đánh giá một cách toàn diện và thực chất vấn đề về đội ngũ CBCC, viên chức của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa cuộc cải cách này. Nợ công tăng cao, nguồn thu đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tư thì thất thoát lớn…
Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để Đảng và Nhà nước ta tiến hành cải cách một cách triệt để công cuộc CCHC và giảm số người hưởng lương từ NSNN và có nguồn từ NSNN. Và rất có thể, cần một “Khoán 10” như đã nói.
Theo VietTimes
6 tháng 6, 2016
Thụy Sĩ chỉ cách CNCS một bước chân
Dân Thụy Sỹ từ chối đề xuất 'ở không, lãnh lương nghìn đô suốt đời'
06/06/2016 21:49 | TRƯỜNG ANH
Người dân bỏ phiếu tại một trường học ở thành phố Bern hôm nay 5/6. Ảnh: Reuters
(VNF) - Khoảng 78% cử tri Thụy Sĩ vừa bỏ phiếu bác bỏ đề xuất về việc áp dụng trợ cấp thu nhập cơ bản và vô điều kiện cho toàn dân trong suốt cuộc đời.
Ngày 5/6, người Thụy Sĩ đi bỏ phiếu để quyết định việc Nhà nước sẽ chu cấp hàng tháng cho mỗi công dân, từ khi sinh ra đến khi qua đời, một khoản tiền đủ sống mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào.
Theo Reuters, cứ 5 người Thụy Sĩ thì có 4 người nói không với đề xuất phát vô điều kiện 2.500 franc Thụy Sĩ, tương đương 2.563 USD/tháng cho từng người trưởng thành. Với trẻ em dưới 18 tuổi, số tiền vô điều kiện được nhận là 625 franc.
Trong khi đó, đài truyền hình Thụy Sĩ SRF đưa tin rằng chính phủ nước này đứng về phía bác bỏ đề xuất trên, vì hoạt động này sẽ làm tốn nhiều chi phí và suy yếu nền kinh tế. Đợt kiểm phiếu đầu tiên cho thấy khoảng 78% cử tri cũng đồng ý với chính phủ.
Thụy Sỹ là nước đầu tiên trên thế giới tổ chức trưng cầu dân ý về đề xuất thu nhập cơ bản, vô điều kiện. Hiện một nước Bắc Âu khác là Phần Lan cũng đang xem xét ý tưởng tương tự.
Ý tưởng về Khoản thu nhập cơ bản vô điều kiện (UBI) do một nhóm công dân độc lập đề xuất, cho rằng việc cấp một khoản thu nhập như vậy sẽ giúp chống đói nghèo và bất bình đẳng, trong xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều bất hợp lý trong các vấn đề như việc làm, trình độ nghiệp vụ, đào tạo, trong đó khoảng cách về tiền lương tiếp tục nới rộng.
UBI đủ để mọi công dân chi trả cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, qua đó có thể xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của những người không đủ phương tiện sinh kế, cho phép mỗi người lựa chọn một công việc hài lòng, khuyến khích sáng tạo và sự tận tâm trong công việc, đồng thời tăng giải pháp về việc trông giữ trẻ em và chăm sóc người già hoặc người bệnh.
TRƯỜNG ANH
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)