Trang

11 tháng 3, 2014

Ai đang tàn phá rừng Tây Nguyên?

Ai đã xóa sổ 130.000 ha rừng Tây Nguyên?
Chỉ trong 5 năm gần đây, khu vực Tây Nguyên mất đến hơn 130.000 rừng. Chưa bao giờ, khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước với hơn 2,84 triệu ha này lại bị tàn phá, xâm hại nhiều, nhanh, nghiêm trọng như những năm gần đây. 
Những “thủ phạm” nào đã gây ra cuộc tàn sát rừng nhanh chóng như vậy? Giải pháp nào để cứu rừng Tây Nguyên?
Kỳ 1: Cơn lốc cao su tàn sát rừng!
Trong hàng loạt “cơn lốc” do chính con người tạo ra đã nhanh chóng xóa sổ hàng chục vạn ha rừng mỗi năm ở Tây Nguyên, cao su là “thủ phạm” số 1 tàn sát rừng nhiều nhất, nhanh nhất.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 216.000 ha, trong đó có hơn 100.000 ha chuyển sang trồng cao su.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp lợi dụng dự án để chiếm phá, khai thác rừng hoặc không đủ năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm khiến rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép nhưng các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn.
Mỗi năm mất hơn 25.700 ha rừng  
Số liệu thống kê do Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT) vừa công bố năm 2013 đã khiến những ai nghe đều phải giật mình: chỉ tính từ năm 2007 đến 2013, 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã mất đi hơn 129.600 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha. Trung bình mỗi năm, khu vực này bị mất hơn 25.700 ha rừng. Đây là diện tích rừng bị mất lớn nhất trong thời gian nhanh nhất từ trước đến nay.
Tại tỉnh Gia Lai, 5 năm qua đã mất đi trên 42.300 ha rừng, diện tích rừng tự nhiên bị giảm đến hơn 62.100 ha. Trong thời gian này, tỉnh Gia Lai đã phát hiện hơn 11.160 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, chủ yếu là tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép…
Cùng thời điểm, tại tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hơn 9.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, gây thiệt hại hơn 8.500 ha rừng, trong đó hầu hết là rừng tự nhiên. Tính bình quân, mỗi năm Đắk Lắk mất đi 1.706 ha rừng.
Tỉnh Kon Tum bị mất hơn 26.700 ha rừng, phát hiện hơn 6.700 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện độ che phủ của rừng ở khu vực Tây Nguyên chỉ còn  51,3%, trong đó rừng có trữ lượng độ che phủ chỉ còn 32,4%. Mặt khác, hàng loạt loại gỗ quý hiếm, lâm đặc sản vốn chỉ có ở Tây Nguyên hiện đã “biến mất”.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng  tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên chưa dừng lại với hàng vạn ha rừng khác sẽ tiếp tục biến mất khi sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai rà soát, quy hoạch lại 1 triệu ha rừng nghèo kiệt ở khu vực này.

Lâm tặc dùng xe máy mở đường để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại huyện M’Đrắk, Đắk Lắk 
Các dự án cao su hủy diệt rừng
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 130.000 ha rừng bị mất ở Tây Nguyên 5 năm qua có đến 78%, tương đương 101.700 ha rừng là hệ quả từ chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su và từ các dự án thủy điện.
Còn lại là các nguyên nhân chủ yếu như khai thác, chặt phá trái phép (hơn 7.390, bình quân mỗi năm có 1.478 ha rừng bị mất), khai thác trắng rừng (hơn 4.600 ha, chiếm 4%)…
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy chỉ trong mấy năm gần đây các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 216.000 ha, trong đó có trên 100.000 ha rừng chuyển sang trồng cao su.
Thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27.9.2011 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức rà soát, thu hồi 76 dự án với gần 8.000 ha đất rừng, đình chỉ 48 dự án với gần 1.300 ha rừng.
Những năm gần đây, “cơn lốc” chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su diễn ra ồ ạt, không kiểm soát tại Tây Nguyên đã khiến hàng vạn ha rừng bị xóa sổ vô tội vạ. Trong khi đó, phần lớn các dự án trồng cao su chủ yếu chiếm đất, khai phá rừng rồi để đó, nhiều năm qua vẫn chưa trồng cao su.
Trong diện tích đất rừng giao cho các dự án trồng cao su, có đến hơn 4.000 ha bị chặt trắng mà đến nay vẫn chưa chưa phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường… Ngoài ra, còn có hơn 7.400 ha bị chặt phá trái phép.
 Ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk), chỉ rõ: “Thực tế, nhiều doanh nghiệp lợi dụng dự án trồng cao su để trục lợi. Sau khi được giao đất rừng, họ chỉ tập trung khai thác rừng, sau đó nhiều năm cũng không thấy triển khai trồng trọt gì. Nhiều doanh nghiệp khác thì thuê đất rừng nhiều nhưng trồng ít”.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương và cả cán bộ kiểm lâm, lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên đều bức xúc phản ánh: không ít doanh nghiệp sau khi có được chủ trương cho phép đầu tư của tỉnh, họ không cần liên hệ với chính quyền địa phương hay ngành kiểm lâm mà xộc vào các khu rừng “tự tung, tự tác” khảo sát, lập dự án… 
Sau khi được cấp phép, giao đất rừng, các doanh nghiệp ồ ạt khoanh vùng, khai phá rừng mà không báo cơ quan chức năng giám sát cũng không lập kế hoạch sử dụng đất rừng được giao. Từ đó, người dân thấy vậy cũng đua nhau phá rừng, chiếm đất để chờ đền bù hoặc mua bán, sang nhượng trái phép tràn lan.
Ông Y Rít Buôn Yă, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, nói: “Từ khi các dự án trồng cao su đăng ký đầu tư tràn lan ở các địa phương, việc quản lý, quy hoạch, bảo vệ rừng càng khó khăn. Trong nhiều lý do cũng như tác nhân khiến rừng bị xâm hại, các dự án cao su là xâm hại nhiều nhất, nặng nề nhất đối với rừng”.
Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhìn nhận: “Mặc dù tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng phá rừng nhưng thực tế vẫn không thể ngăn chặn hết. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng nhiều như hiện nay là do việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su”.
Lâm tặc sử dùng xe "đặc chủng" mở đường khai thác gỗ trái phép tại huyện M’Đrắk, Đắk Lắk. 
Tan hoang những cánh rừng Tây Nguyên
Bài, ảnhMinh Uyên (Motthegioi )
Chú thích ảnh bìa: Lực lượng kiểm lâm kiểm tra gỗ rừng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét