Nói người “dại” chả ngoa tí nào. Nếu biết rằng, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2014 của Bộ Tư pháp mới đây, một con số khủng khiến cả xã hội sững sờ.
Từ “quyền của ta”…
Mà sao không sững sờ được, nếu biết rằng, chỉ trong vòng 10 tháng, ngành tư pháp, các ngành liên quan đến ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó, hơn 1.500 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản (TTO- ngày 15/01).
“Dại” ở đây tương đương với cái sự… non kém.
|
Ảnh: cpv.org.vn
|
Bởi tính trung bình trong 10 tháng ấy, mỗi ngày có tới 30 văn bản ban hành có dấu hiệu vi phạm về đủ các phương diện. Nếu cứ đà này liệu năm 2015 sẽ có bao nhiêu văn bản vi phạm?
Chả trách lâu nay, người dân Việt cứ thỉnh thoảng lại như những nhân vật của Azit Nexin, cười thoải mái. Mà cười xong thì dễ “cáu”, vì thấy mình bỗng như chuột bạch chuyên để ứng dụng những chủ trương giời ơi đất hỡi, rất thiếu tỉnh táo, sản phẩm được nghĩ ra trong phòng máy lạnh.
Có những chính sách, quy định mới ở giai đoạn dự định đã bị la ó quá trời. Lại có những chủ trương đã thành chính phẩm hẳn hoi, nhưng chẳng chóng thì chầy thành… phế phẩm: Lúc thì ngày lẻ, đi xe số lẻ, ngày chẵn đi xe số chẵn. Lúc thì phụ nữ ngực lép không được đi xe máy. Lúc thì phụ nữ đi xe bus riêng, nam giới đi xe bus riêng. Lúc thì dịch vụ dìu người say về nhà. Lúc thì chỉ được bán thịt trong 08 tiếng sau mổ gia súc. Lúc thì không để ô kính đậy trên nắp quan tài người quá cố. …v..v và v.v..
Thế đó. Đừng tưởng ban hành văn bản pháp luật chỉ cần có tờ giấy, hơn trăm con chữ và cái bằng cấp, con dấu lẫn cái ghế chễm chệ ngồi ở phòng lạnh là OK.
Nhưng khi tiếng cười đã lắng xuống, đằng sau con số vô hồn hơn 9.000 văn bản vi phạm pháp luật kia, nói một điều gì?
Nước Việt đang trong hành trình hội nhập hiện đại. Chính vì thế, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là điều rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, hướng dẫn cộng đồng thực hiện quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Tiếc thay, cái sự hướng đạo ngay từ đầu đã… sai, thì người dân Việt, các doanh nghiệp, cả cộng đồng sẽ biết đi về đâu hỡi tôi?
Hơn 9.000 văn bản vi phạm pháp luật vô tình gửi tới XH một thông điệp chứa đựng những cái “lỗi ” của các ngành liên quan đến thực thi pháp luật rất đáng buồn:
-Chất lượng đội ngũ công bộc của dân, những người được đào tạo từ các trường ĐH, các nguồn liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ pháp luật có quá nhiều hạn chế, non kém. Đặt cái chất lượng ấy với những thực trạng “mua bằng bán điểm”, nhất là thông tin gần đây cơ quan chức năng triệt phá một đường dây chuyên bán bằng Ts, Th sĩ giả 09 triệu đồng/ bằng. Và đường dây này đã bán được 500-600 bằng/ năm. Các ngành liệu có bảo đảm bằng cấp của cán bộ ngành mình toàn bằng “xịn”?
-Cung cách tuyển dụng công chức của các ngành đều rất có vấn đề. Trong bối cảnh tuyển dụng với bốn bức “tứ bình” thời hiện đại: Hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ, các ngành có bảo đảm cách tuyển dụng công chức của ngành mình hoàn toàn trong sạch và không hề có bốn bức “tứ bình” đó?
- Những vị quan chức có trách nhiệm ký văn bản ban hành liệu có vô can? Trong dân gian có câu thành ngữ thâm thúy về cái sự tỉnh táo, sáng suốt của bề trên: Nó lú có chú nó khôn . Nhưng một khi nó lú chú nó cũng lú nốt, thì rút cục hơn 9000 văn bản vi phạm cũng là một đường dây… “dại”, mà người dân phải chịu đủ.
Rồi đây, việc xử lý đường dây này sẽ như thế nào? Hay hòa cả làng. Để rồi tất cả ung dung trong tỷ lệ 99% công chức hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ vừa công bố cách đây ít lâu?
Ở một góc độ khác, bộ máy tư pháp nói riêng, bộ máy công quyền nói chung không chỉ “dại” mà còn rất vô cảm, bởi có quyền “hành dân là chính”. Sự vô cảm đó trong những trường hợp cụ thể, có thể tính bằng 10 năm, 20 năm của đời người. Trong 10 năm, 20 năm đó, người dân sống với nỗi lo âu phấp phỏng của đau con xót trước nguy cơ tài sản của mình mất trắng.
Đó là vụ khiếu nại về nhà cửa đất đai kéo dài 10 năm, giải quyết trong… 30 phút cách đây ít ngày làm xôn xao báo chí. Nhân vật trung tâm của vụ khiếu nại kéo dài một thập kỷ mà không được giải quyết là ông Lê Văn Lâm (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12). Tài sản của cha mẹ ông Lê Văn Lâm với 40 m2 diện tích nhà ở, và diện tích đất ở hơn 4.300m2. Chỉ vì một cái giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở bị tịch thu, mà suốt 10 năm Q.12 không giải thích lý do vì sao.
Chạy vạy suốt 10 năm, làm đơn khiếu nại, trình báo, bẩm báo, ở đâu ông Lê Văn Lâm cũng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ. Sự im lặng đó, vì sao, chắc chỉ các cán bộ Q.12 mới hiểu được.
Và rồi con đường đau khổ của ông cũng đã được chấm dứt, chỉ sau 30 phút, ông được gặp ông Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải với lá đơn khiếu nại gửi trực tiếp, do ông đã cùng đường. Ông Lê Văn Lâm là người dân thứ hai may mắn mà quyền lợi của ông cuối cùng đã qua tay mình
Bởi trước đó, tháng 03/2014, ông Bí thư Lê Thanh Hải cũng đã gặp một vụ việc tương tự của một người dân, mà nỗi đau khiếu nại đất đai kéo dài thời gian còn gấp đôi thời gian của ông Lê Văn Lâm- tới 20 năm. Đó là cụ bà Nhữ Thị Thơm, đã 89 tuổi. Ở cái tuổi đã gần đất lắm xa trời lắm, vậy mà quyền sở hữu và sử dụng đất đai của cụ lại xa lắc xa lơ, đến nỗi cũng phải đến khi gặp được vị quan chức cao cấp nhất t/p mới có thể nhận lại được.
Cho dù mừng cho hai người dân mất 30 năm mới có thể của Xeda trả lại cho Xeda, nhưng thật nguy hiểm, nếu việc gì cũng phải chờ đến vị quan chức cao cấp nhất mới giải quyết xong. Thì bộ máy công quyền, các công chức cấp dưới làm gì?
30 phút làm việc của một vị quan chức cao cấp, và 30 năm đau khổ của hai người dân. Những con số vô tình thành phép đối chứng đắng lòng. Mà cụ bà Nhữ Thị Thơm, và ông Lê Văn Lâm thật ra cũng mới chỉ là hai người dân vô cùng may mắn, trong số hàng nghìn trường hợp dân khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Hơn 9.000 văn bản quy phạm pháp luật sai phạm và câu chuyện 30 năm đi tìm quyền sở hữu tài sản, đất đai của hai người dân thường trong sự im lặng là… vô cảm của các cơ quan công quyền, cho thấy không biết đến bao giờ những bước chân khập khiễng của nước Việt trên hành trình văn minh mới tới đích. Hay hệt như tên gọi chương trình âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung- đường xa vạn dặm.
… đến “dê cũng của ta”
Năm cũ Giáp Ngọ chưa khép, năm mới Ất Mùi chưa mở ra nhưng câu chuyện loài dê rất khôn lại đã ầm ĩ và đàm tiếu suốt tuần này. Ấy là bởi xuất phát từ vụ việc ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), mà nhân vật trung tâm là 12 chú dê đi nhầm vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy.
Chuyện rất đơn giản.
Tháng 6/2013, 24 chú dê nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện được đưa về xã Thành Yên để phân phối cho 06 hộ nghèo. Chả biết dê khôn hay người … ranh, mà ngoài 12 con dê trong số này được phân phối đúng địa chỉ cho 03 hộ nghèo, 12 con còn lại cứ theo đường mà thẳng tiến vào trang trại của ông Bí thư huyện ủy. Đúng nửa hơn năm sau, vào tháng 01/2015 này, câu chuyện vỡ lở. Báo chí, dư luận XH được phen bàn luận ầm ĩ và chê cười, đàm tiếu đủ kiểu.
Đến nước này ông Bí thư huyện ủy mới phân trần, ông nhầm dê này với dê một dự án khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh tệ nạn tham nhũng khiến dân mất niềm tin, thì lời thanh minh thanh nga của ông, giả dụ có nhầm nhò thật, tiếc thay lại không làm động tâm tới ai.
Sự nhầm nhò đó hình như không phải vô tình?
Vô tình sao được? Không biết, ông Bí thư huyện ủy có … rắc lá dâu cho dê cứ thế vào trang trại của ông không, nhưng chắc chắn là cấp dưới quyền ông, cụ thể ở đây là ông Chủ tịch UBND xã Thành Yên, ông Trạm trưởng khuyến nông huyện đã “rắc lá dâu”.
Nếu không, làm sao 12 con dê còn lại ấy đều được phân bổ cho 03 gia đình không có hộ khẩu ở Thành Yên, không phải người Thành Yên, và cũng không phải đối tượng xóa đói giảm nghèo. Nhưng cả ba hộ này lại đều… ở trong trang trại nhà ông Bí thư Huyện ủy, trong đó hai người lại là cháu ruột của ông. Khiến cho dư luận XH lại nghi ngờ, đặt tiếp câu hỏi cho ông Chủ tịch xã, ông Trạm trưởng khuyến nông huyện- chả lẽ các vị cũng có chung chí lớn- đầu xuôi thì đuôi lọt? Khéo thế!
|
Trang trại của ông Bí thư huyện ủy Đỗ Minh Quý. Ảnh: VNN
|
Có điều, là một khi đã nói dối thì như dân gian thường bảo: Giấu đầu hở đuôi!
12 con dê giá trị không lớn, nhưng đó là cần câu cơm của người dân khốn khó. Vụ việc vỡ lở, khiến người dân nửa mếu nửa cười, những người tử tế thì đỏ mặt hộ vì nhớ tới câu của một quan chức cao cấp, khi bà than thở: Người ta ăn của dân không chừa một thứ gì nữa!
Người ta đã … ăn cả vào nhân cách mình nữa.
Còn giờ đây, khi 12 con dê đi nhầm vào nhà quan đã được trả lại, thì dư luận XH quay sang “kết án” dê, chỉ thích vào nhà quan hưởng sướng mà không chịu làm bổn phận xóa đói giảm nghèo.
Không biết 12 con dê đó có làm giàu hơn cho ông Bí thư Huyện ủy không, nhưng làm giàu cái… tiếng tham cho ông là cái chắc.
Văn bản pháp luật do người soạn sai phạm đã đành, đến phận làm dê cũng sai phạm. Có điều, chỉ có người tiếp tục “dại” mà dê thì rất “khôn”, dù phải làm vật tế thần.