Trang

13 tháng 9, 2014

Căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga


TTO - AFP nhận định thỏa thuận ngừng bắn 9 ngày đang đứng trước cuộc thử nghiệm mới khi các tay súng thuộc lực lượng ly khai tổ chức hai đợt tấn công vào sân bay Donetsk nhưng thất bại.
Các tay súng ly khai thân Nga kiểm soát miền đông Ukraine Ảnh: AFP
Reuters cho biết tối ngày 12-9 một nhóm các tay súng vũ trang với sự hỗ trợ của 6 xe tăng và xe bọc thép bất ngờ tiến vào sân bay Donetsk. Sau khi bị đẩy lùi đợt 1, nhóm này tiếp tục pháo kích một số khu vực xung quanh sân bay.
Bên cạnh đó, Nga tiếp tục làm dấy lên những căng thẳng bằng cách gửi một đoàn xe tải 220 chiếc vào thành phố Luhansk ở phía đông Ukraine – khu vực mà quân ly khai chiếm đóng. Đoàn xe mang theo 2.000 tấn hàng hóa như thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu diesel, máy phát điện và nhu yếu phẩm.
Tuy Nga nói rằng đoàn xe dùng cho mục đích viện trợ quân sự nhưng chưa bao giờ cho phép các tổ chức thuộc Liên minh châu Âu hay lính Ukraine tại biên giới kiểm tra.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới không tin tưởng Tổng thống Nga Vladimir bất chấp nỗ lực của ông Putin trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt một cuộc chiến tranh đã kéo dài 5 tháng và khiến hơn 2.700 người thiệt mạng tại miền đông Ukraine.
“Mục tiêu của ông ta là toàn bộ Ukraine… Ông ấy muốn loại bỏ Ukraine như một nhà nước độc lập. Ông ấy muốn khôi phục lại Liên Xô”, Thủ tướng Yatsenyuk cáo buộc.
ANH THƯ

12 tháng 9, 2014

Quan chức Trung Quốc đe dọa Hồng Kông

BTTD: TQ có khả năng thực hiện "thảm sát Thiên An Môn" ở Hồng Kông?
(Tin tức 24h) - Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông gây sốc khi tuyên bố người biểu tình “còn sống sót” cho thấy sự khoan dung của Bắc Kinh.
Theo Reuters, ông Zhang Xiaoming, giám đốc Văn phòng đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, đã đưa ra tuyên bố trên trước một nhóm thành viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông ủng hộ bầu cử tự do tại đặc khu này.
“Thực tế là việc các ông còn sống sót cho thấy khoan dung của đất nước” - hai người có mặt trong phòng từ chối cho biết tên dẫn lời ông Zhang cảnh cáo.
Ba nhà sáng lập OC cạo đầu ngày 9/9 để thể hiện quyết tâm “đấu tranh cho dân chủ”
Ba nhà sáng lập OC cạo đầu ngày 9/9 để thể hiện quyết tâm đấu tranh cho dân chủ
Một quan chức Hồng Kông có mặt tại cuộc họp với ông Zhang cho biết đã "bị sốc" khi nghe lời đe dọa trắng trợn trên.
“Ông ta hoàn toàn nghiêm túc chứ không hề đùa cợt gì cả”- quan chức này khẳng định.
Trong những tháng gần đây, khi phong trào biểu tình đòi dân chủ dâng cao ở Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã có nhiều biểu hiện không nhân nhượng với người biểu tình.
Theo đó, hôm 28/8, báo chí Hồng Kông đưa tin, một số xe bọc thép có trang bị súng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xuất hiện trên đường phố Hồng Kông đúng và thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc bắt đầu cuộc họp về vấn đề bầu chọn người lãnh đạo đặc khu này.
Trước đó, trong cuộc biểu tình đòi quyền tự do bầu cử thu hút hàng trăm nghìn người Hồng Kông tham gia hôm 1/7, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 500 người với lý do tụ tập trái phép, cũng như gây cản trở và nguy hiểm cho người đi đường. Những người bị bắt giữ được cho là đã được đưa đến một trụ sở cảnh sát ở phía nam Hồng Kông.
Tiếp đó, ngày 1/9, cảnh sát Hồng Kông đã xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Đụng độ cục bộ xảy ra giữa người dân và cảnh sát Hồng Kông ở bên ngoài Trung tâm Hội nghị triển lãm thế giới châu Á, nơi Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phát biểu khiến ít nhất 4 người bị trúng tiêu cay, còn đám đông thì hỗn loạn.
Không dừng ở đó, nhóm ủng hộ Bắc Kinh Liên minh vì Hòa bình và Dân chủ (APD) thậm chí còn lập đường dây nóng cho giáo viên, phụ huynh và sinh viên để báo bất kỳ ai khuyến khích sinh viên bãi khóa.
APD lý giải rằng việc lập đường dây nóng nhằm ngăn chặn sinh viên trở thành nạn nhân của cuộc tranh cãi về cải cách chính trị hiện nay ở Hồng Kông. Tuy nhiên, đường dây nóng này lập tức bị xem là dạng “khủng bố trắng” vì nó khuyến khích người dân theo dõi lẫn nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã quyết định cho phép người dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu lãnh đạo đặc khu từ năm 2017 nhưng giới hạn số ứng viên ra tranh cử chỉ tối đa 3 người.
Các nhóm đòi dân chủ, dẫn đầu là tổ chức Occupy Central (OC), gọi sự giới hạn đó là “dân chủ giả” và tuyên bố sẽ tiến phản đối quyết định trên của Bắc Kinh.
Gần đây nhất, hôm 9/9, khoảng 40 nhà hoạt động đòi dân chủ ở Hồng Kông đã cạo đầu để thể hiện quyết tâm đấu tranh cho dân chủ.
An Nhiên

Báo Ukraine: 2.000 lính Nga đã thiệt mạng ở miền đông

Theo số liệu tình báo cung cấp, trên lãnh thổ Ukraine có gần 2.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và khoảng 8.000 binh sĩ bị thương, tạp chí Korrespondent đưa tin cho biết.
Thông tin trên được Phát ngôn viên của Trung tâm thông tin thuộc Uỷ ban An ninh quốc phòng Ukraine, ông Andrei Lishenko công bố. 
Những binh sĩ Nga thiệt mạng phục vụ ở 18 phân đội khác nhau.
Theo thông tin mà Uỷ ban An ninh Quốc phòng Ukraine có được thì các binh lính thiệt mạng phục vụ trong 18 phân đội và đơn vị của quân đội Nga từ 10 vùng khác nhau. "Lực lượng chống khủng bố sẽ tiếp tục thu thập các chứng cứ về sự có mặt của quân đội Nga. Những thông tin này chúng tôi sẽ cung cấp kịp thời", ông Lishenko nhấn mạnh.
Phía chính phủ Nga luôn bác bỏ những cáo buộc về việc có binh lính chính quy của họ tham chiến bên trong lãnh thổ Ukraine. Ngày 10/9, tờ báo có tiếng tăm Newsweek cũng đã đăng tải một bài viết về việc có sự tham chiến của quân đội chính quy Nga, cụ thể là trung đoàn 331 thuộc sư đoàn cận vệ dù số 98. Bài viết có đăng bài phỏng vấn một binh sĩ giấu tên thuộc trung đoàn dù này. 
Theo nhà báo Anna Nemsova (tác giả của bài báo) thì trong khoảng thời gian từ 12/8 đến 2/9, số binh sĩ Nga thiệt mạng đã lên đến 200 người. Những người lính này được trả lương 1.000 USD/1 tháng. Nhiều người trong số họ chỉ được thông báo là đi huấn luyện và chỉ khi bị ném đến Ukraine thì họ mới biết mình đang làm nhiệm vụ gì. 
Trang bìa Newsweek trong số xuất bản có bài viết về lính nhảy dù Nga chia sẻ thông tin tham chiến tại Ukraine.
Binh sĩ giấu tên cho biết nếu anh ta biết trước việc sẽ bị gửi đến Ukraine, anh ta sẽ từ chối ngay tại nơi đóng quân ở Kostroma vì anh ta ở nhà còn có 2 con nhỏ. Binh sĩ này còn cho biết thêm để không ai biết họ là quân chính quy của Nga, các binh sĩ đã bị buộc phải mua những đồ quân phục phương Tây dùng ở vùng sa mạc bằng tiền của mình. Họ không được ký thêm bất kỳ một hợp đồng nào mặc dù hợp đồng trước đó (phục vụ chuyên nghiệp trong binh chủng nhảy dù) hoàn toàn không có điều khoản đóng quân hay tham chiến ở lãnh thổ nước ngoài. 
Như các báo của Ukraine đã đưa tin, ngày 10/9, ở cửa khẩu Izvarino hướng về thành phố Krasnodon của Ukraine, đã có một đoàn bao gồm 12 xe tăng, 48 xe bọc thép, 20 xe tải Ural chở đạn dược, 8 xe Ural chở quân và 4 xe phòng không tiến vào. Cũng trong ngày từ Beloyarovska qua cửa khẩu Amvrosievka hướng về phía nam là một đoàn xe quân sự bao gồm 76 chiếc mang cờ Nga. Không có báo cáo nào về các vụ chạm súng giữa lực lượng biên phòng Ukraine với quân đội Nga cũng như với lực lượng ly khai. 
Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã thông báo một phần lớn quân đội Nga (70%) đã rời khỏi biên giới chung của hai nước. Trong khi đó phía Mỹ không khẳng định thông tin này.
Phó cố vấn của Tổng thư ký NATO phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh James Appathurai đã tuyên bố rằng số lượng quân đội chính quy Nga trên lãnh thổ Ukraine đã giảm đáng kể, tuy nhiên lực lượng đặc nhiệm vẫn còn hiện diện.
Về phía Ukraine, ông Lishenko tuyên bố cho đến thời điểm ngày 12/9, quân đội Ukraine đã có 873 binh sĩ thiệt mạng và 3.275 binh sĩ bị thương. Trước đó ngày 4/9 (một ngày trước khi ký thỏa ước hòa bình tại Minsk), cũng theo công bố của Uỷ ban An ninh Quốc phòng quốc gia, phía Ukraine có 837 binh sĩ thiệt mạng và 3.044 binh sĩ bị thương. 
Cũng cần chú ý rằng con số này không bao gồm những binh sĩ bị thương và thiệt mạng tại "cối xay thịt Ilovaisk". Con số chính thức sẽ được công bố sau khi đưa được hết những binh sĩ Ukraine ra khỏi Ilovaisk. Tuy nhiên theo một sĩ quan cao cấp của quân đội Ukraine thì riêng trong chiến dịch tháo lui khỏi Ilovaisk đã có khoảng 200 binh sĩ thiệt mạng.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin của Korrespondent, một tạp chí tuần của người Ukraine được xuất bản tại Nga.
N.V.A

Cafe NÉT XƯA


Nét Xưa đồ cổ tiếng nhạc rơi

Café nồng ấm bạn tới chơi

Đôi dòng thư pháp tranh ảnh lạ

Một chút tình xưa với cuộc đời.

Phạm Hải

“những mặt tối của vụ lật xe Sapa”

Anh Phạm Công Trình – nạn nhân vụ tai nạn Lào Cai tối 1/9 xác nhận bài viết "Những mặt tối của vụ lật xe Sâp" đăng trên trang mạng...
Có thể bạn quan tâm
Anh Phạm Công Trình – nạn nhân vụ tai nạn Lào Cai tối 1/9 xác nhận bài viết "Những mặt tối của vụ lật xe Sâp" đăng trên trang mạng cá nhân "Sói già" là do anh viết và khẳng định các thông tin trong bài viết hoàn toàn đúng sự thật.
Bài viết “Những mặt tối của vụ lật xe Sapa” được đăng tải trên trang mạng cá nhân với nickname “Sói già” đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tác giả bài viết nhận là mình Phạm Công Trình đang sống tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình  và là một nạn nhân của vụ tai nạn lật xe ở Lào Cai tối 1/9.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại chiều ngày 12/9, anh Phạm Công Trình – nạn nhân vụ tai nạn Lào Cai tối 1/9 này xác nhận bài viết trên là do anh viết, đồng thời khẳng định các thông tin trong bài viết hoàn toàn đúng sự thật.
“Bài viết này được tôi viết và đăng trên facebook tối qua (ngày 11/9) sau khi đã đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Tất cả những thông tin tôi viết ra đều là sự thật và sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc mình làm”, anh Trình nói.
Theo anh Trình, lý do khiến anh viết bài viết trên là có một số vấn đề khiến anh dằn vặt và đau đớn hơn sau vụ tai nạn, mất người thân. Đó là chuyện hôi của của một số người tự nhận là "cứu hộ" trong vụ tai nạn và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc giải quyết hỗ trợ nạn nhân sau vụ tai nạn.
Hình ảnh Sự thật nạn nhân tố “những mặt tối của vụ lật xe Sapa” số 1Hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Sapa tối 1/9
Cụ thể, anh Trình cho biết, hôm xảy ra sự việc, anh ở trên xe cùng với Đỗ Thị Lan – người yêu anh và Lan không may đã qua đời trong vụ tai nạn này. Sự ra đi của người yêu ngay trước mắt mình khiến anh luôn bị ám ảnh bởi sự bất lực. Thêm vào đó, câu chuyện liên quan đến chiếc điện thoại của Lan khiến anh càng dằn vặt và anh cho rằng nó đã bị một người nào đó mang danh cứu hộ lấy rồi bán nó đi.
“Sau khi chiếc xe khách rơi xuống vực, tôi may mắn còn tỉnh táo, cố bò trong đêm tối tìm Lan nhưng bất lực. Vào viện không có tin của Lan, tôi đã mượn điện thoại gọi cho Lan, máy có đổ chuông nhưng không có người trả lời. Đến đêm muộn hôm ấy, tôi nhận được cuộc gọi ngược lại từ số của Lan, giọng một người đàn ông nói vẻn vẹn một câu 'chị ấy mất rồi'. Sau đó, tôi gọi lại nhưng không bắt máy", anh Trình kể lại.
Cũng theo anh Trình, sau đó vài ngày, một người vào face book đăng tin đang cầm điện thoại của Lan, nếu người thân muốn lấy lại thì đến chuộc. Người này cho biết là chủ một cửa hàng điện thoại ở chợ Phong Liên –Lào Cai. Hiện anh Trình đã nhờ người quen ở Lào Cai đến cửa hàng điện thoại này chuộc lại chiếc điện thoại của chị Lan với giá 1,7 triệu đồng. 
"Người này cho biết đã mua lại chiếc điện thoại của Lan từ một người dân. Trong điện thoại còn nguyên facebook của Lan nên anh ta đã vào đăng tin báo cho người nhà đến chuộc. Khi tôi nhận lại, chiếc điện thoại của Lan không còn sim nhưng khi gọi vào số máy của Lan thì vẫn có chuông, một người đàn ông nghe máy và đã dùng lời lẽ chợ búa, thậm chí đe dọa khi tôi đề nghị người này cho biết về chiếc sim của Lan", anh Trình nói.
Theo anh Trình, trước khi chiếc xe gặp nạn chiếc điện thoại này được để trong túi quần Lan nên khi gặp nạn khó có thể văng ra ngoài. Hơn nữa, khi nhận lại điện thoại của Lan sau khi bỏ tiền ra chuộc vẫn còn nguyên vẹn, không có vết xước hay biến dạng khiến anh cho rằng chắc chắn nó đã được lấy ra từ túi quần của Lan.
“Chắc chắn chiếc điện thoại được để trong túi quần của Lan đến lúc thi thể của Lan được tìm thấy. Hơn nữa, người cầm điện thoại biết Lan đã mất nên chỉ có những người tiếp cận với Lan tại hiện trường hoặc khi đưa về nhà xác mới có thể thấy. Chiếc điện thoại không văng ra ngoài nên khả năng người dân nhặt được là rất ít. Tôi không vơ đũa cả nắm, không nói tất cả những người tham gia công tác cứu hộ mà chỉ nói những người tự nhận là cứu hộ có hành vi vô lương tâm”, anh Trình nói.
Về công tác hỗ trợ nạn nhân sau vụ tai nạn, anh Trình cho biết, mặc dù Bộ GTVT, Bộ y tế đã có chỉ thị nhưng từ hôm xảy ra vụ tai nạn, anh mới chỉ nhận được 1 triệu đồng của Hội chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai và không được miễn viện phí khi nằm điều trị tại bệnh viện ở Ninh Bình.
“Lúc mới đến thì bệnh viện bảo sẽ giải quyết nhưng sau đó nói không có văn bản chỉ thị ở trên nên không làm được. Tôi có gọi điện cho công an Lào Cai thì được nói là gia đình cứ tự thanh toán viện phí, sau đó nhà xe sẽ hoàn trả lại. Tuy nhiên, chiều nay tôi đã ra viện mà chưa nhận được một lời hỏi thăm, xin lỗi của nhà xe. Số tiền viện phí chỉ gần 3 triệu đồng và tôi cũng không quan trọng lắm việc ai trả nhưng thấy buồn vì sự quan tâm chưa đầy đủ của cơ quan quản lý và sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của nhà xe..”, anh Trình nói.
Trao đổi với phóng viên trước thông tin nạn nhân cho rằng bị hôi của khi xe lao xuống vực, Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Lào Cai cho biết, nếu thực sự xảy ra tình trạng hôi của thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm. 
"Với trường hợp của anh Phạm Công Trình, chỉ cần cung cấp địa chỉ của cửa hàng điện thoại đã bắt anh chuộc lại điện thoại của người thân tử vong trong vụ xe khách, chúng tôi sẽ yêu cầu cửa hàng trả lại tài sản cho gia đình", ông Chiến khẳng định.
Cũng theo ông Chiến, ngay khi vụ tai nạn vừa xảy ra, ông đã lập tức có mặt tại hiện trường và chỉ đạo tất cả lực lượng công an, cảnh sát thu thập tài sản của những người bị nạn, sau đó tập trung toàn bộ số tài sản trên lại và cho lên xe ô tô để lực lượng dân quân và công an xã bảo vệ, đồng thời đưa toàn bộ tài sản về công an huyện Bát Xát. 
“Có thể, tất cả tài sản đã không thu thập được hết bởi vụ tai nạn xảy ra trong đêm tối, hơn nữa địa hình lại hiểm trở và khá rộng. Với những nạn nhân không tìm lại được tài sản của mình thì cần liên hệ với công an huyện Bát Xát để xác minh”, Đại tá Chiến cho hay.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với các cơ quan liên quan để xác minh thêm các thông tin trên.
Theo H.Minh/Người đưa tin

MH17 bị súng hay tên lửa bắn hạ?



Đạn pháo nòng cỡ 30mm bắn vào buồng lái không thể làm MH 17 nổ tung thành nhiều mảng từ đầu tới đuôi máy bay (cả khi bắn trúng thùng dầu), đầu đạn tạo lỗ tròn và kích thước lỗ phải tương đương như nhau, nhìn ảnh thì không như thế.
Nhìn ảnh thấy rõ MH17 bị mảnh tên lửa găm vào. Tên lửa phát nổ tung thành hàng ngàn mảnh khác nhau khi cách máy bay khoảng vài chục mét, tạo sức công phá cực lớn lên máy bay, hàng trăm mảnh găm vào MH17 khiến nó nổ tung thành nhiều mảng.
Mấy chuyên gia Đức, Hà Lan đều nói MH17 bị súng từ Su-25 bắn hạ, thật nực cười. Su-25 có trang bị tên lửa mà sử dụng tên lửa sẽ dễ hạ mục tiêu hơn là súng vì tên lửa có tính năng tự tìm mục tiêu. Bắn lén thì phải bắn nhanh, rút lẹ nhé.
Nhìn các lỗ thủng trên mảnh MH17 bị bắn rơi, các lỗ rất tập chung. Nếu là sử dụng súng, phải ở cự ly rất gần thì đạn mới trúng tập chung gần nhau như thế, mà bắn gần rất nguy hiểm cho người bắn, Su-25 có thể đâm vào MH17 tan xác luôn. Dễ như bắn vào MH17 thì Su-25 sẽ bắn từ xa, mà bắn xa thì các vết đạn không thể trúng mục tiêu tập chung gần nhau và nhiều như thế (ảnh). Nên biết vận tốc của MH17 ở tầm bay ổn định khoảng 1000 km/h.
Rất nhiều báo đưa tin vịt làm rối loạn thông tin.
Kết luận: MH17 bị tên lửa bắn hạ.

Phạm Hải

RIA: Báo cáo của Hà Lan cho thấy MH17 bị bắn bằng đạn súng

LINH VŨ (VIETNAM+) 

Những lỗ thủng trên thân vỏ máy bay Boeing mang số hiệu MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine, (Nguồn: AP)

Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 11/9 dẫn lời chuyên gia Nga nói rằng báo cáo sơ bộ do Ủy ban an toàn Hà Lan (DSB) công bố về vụ rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine cho thấy nó không bị tên lửa bắn hạ.

Trả lời phỏng vấn RIA, chuyên gia Michel Chossudovsky, giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa, nói: "Kết luận của báo cáo do DSB công bố xác nhận các báo cáo độc lập được đưa ra trước đó rằng chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines đã không bị tên lửa bắn hạ".
Trong báo cáo được đưa ra hôm 9/9, DSB cho biết “chiếc máy bay bị nhiều vật thể có động năng cao xuyên thủng từ bên ngoài, dẫn tới việc mất đi sự bền vững cấu trúc nguyên thủy, làm máy bay vỡ tan trên trời"
"Đoạn viết này đã phá tan các giả thuyết trước đây cho rằng máy bay bị tên lửa tấn công và đó là điều quan trọng" - ông Chossudovsky đánh giá.
Ông Chossudovsky cũng cho rằng báo cáo đã xác nhận tuyên bố trước đây của lãnh đạo một nhóm điều tra của tổ chức OSCE, người cho rằng vỏ máy bay có các vết thủng như do súng máy tạo ra".
Vị chuyên gia này nói rằng báo cáo không nêu rõ tính chất của các vật thể chứa động năng cao đã xuyên vào máy bay.
"Chuyện này có liên quan tới một thỏa thuận giữa nhiều bên về việc không tiết lộ các chi tiết nhất định" - ông nói - "Nhưng thông qua việc tuyên bố có một lượng lớn các vật thể mang động năng cao, báo cáo của Hà Lan đã nhấn mạnh rằng các vật thể này không có liên quan tới một vụ tấn công bằng tên lửa".
Ông Chossudovsky tin rằng việc nói Nga có lỗi trong vụ rơi MH17 chỉ để hợp lý hóa việc kéo dài hoạt động cấm vận chống lại Nga. Ông đánh giá các cáo buộc này là không đúng sự thực.
"Có rất nhiều yếu tố chính trị đứng sau báo cáo này. Tuy nhiên nó vẫn bác bỏ cáo buộc nói rằng máy bay bị bắn hạ bởi một quả tên lửa đất đối không do quân Donbass được Nga ủng hộ bắn lên". 
Ông nói rằng "một lượng lớn các vật thể có động năng cao" là cụm từ rất quan trọng, ám chỉ những viên đạn bắn ra từ một chiếc máy bay quân sự.
DSB đã công bố báo cáo sơ bộ về MH17 sau thời gian dài điều tra. Theo báo cáo, MH17 đã vỡ tan giữa trời do hư hỏng cấu trúc sau khi bị nhiều vật thể chứa năng lượng lớn xuyên thủng từ bên ngoài.
MH17  sau đó đã bị rơi xuống vùng Donetsk, làm toàn bộ 298 người thiệt mạng.
Cuộc điều tra của DSB được thực hiện theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), một cơ quan đặc biệt thuộc LHQ . Báo cáo của DSB nói rằng mục tiêu duy nhất của cuộc điều tra là ngăn chặn các vụ tai nạn và sự kiện tương tự diễn ra.
DSB cũng cho biết báo cáo sơ bộ đã được chuyển cho các nước liên quan tới cuộc điều tra gồm Malaysia, Ukraine, Nga, Anh, Mỹ, Australia và họ đã nhận được phản ứng của các nước này về báo cáo. DSB không có quyền đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào có liên quan trong vụ này./.

Kiev khởi công “Vạn lý trường thành” trên biên giới Nga-Ukraine

BTTD: Hai anh em cùng chung nguồn gốc đang đánh nhau, đứa em tìm cách chia lìa thằng anh.
(Quan hệ quốc tế) - Chính phủ Ukraine đã bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống chướng ngại vật, trong kế hoạch xây dựng “Vạn lý trường thành” trên biên giới với nước Nga.
Ngày 10-9, chính phủ Ukraine đã bắt đầu xây dựng hệ thống chướng ngại vật nhân tạo, nằm trong kế hoạch đầy tham vọng “cắt đứt liên hệ” với nước Nga. Các hệ thống này nằm trong các khu vực do lực lượng an ninh kiểm soát dọc theo biên giới với Nga - trung tâm báo chí của chương trình “Stena” cho biết.
Ngày 4-9, chính phủ Ukraine đã công bố “Kế hoạch tái thiết đất nước”, trong đó có công trình xây dựng biên giới Nga-Ukraine trong vòng 6 tháng. Ngày 5 tháng 9, nội các Ukraine đã thông qua dự thảo do Cơ quan biên phòng quốc gia đề xuất về dự án xây dựng một bức tường dọc biên giới với Nga với tên gọi là "Bức tường” (Stena).
Đây không phải là nghĩa bóng của nó, “đoạn tuyệt”quan hệ với Nga mà theo đúng nghĩa đen, tức là xây dựng một hàng rào được gia cố vững chắc giữa 2 nước", nhưng nó không hề nhắc đến vai trò của phe ly khai và tương lai của khu vực đông nam Ukraine - sẽ được quy hoạch trong chương trình này.
Kiev cho rằng, kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, đường biên giới dài giữa Nga và Ukraine đã tồn tại những lỗ hổng lớn, đã giúp cho vũ khí và các tay súng Nga dễ dàng đi vào lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, nước này cần phải triển khai dự án này nhằm xây dựng một “đường biên giới quốc gia thực sự” giữa 2 nước.
Ukraine đã triển khai kế hoạch xây dựng “vạn lý trường thành” ngăn cách biên giới với nước Nga
Ukraine đã triển khai kế hoạch xây dựng “vạn lý trường thành” ngăn cách biên giới với Nga
Đây thực ra là ý tưởng của Thủ tướng Yatsenyuk về kế hoạch xây dựng một bức “Vạn lý trường thành”, ngăn cách 2 nước Nga và Ukraine. Ông Yatsenyuk đã đề xuất xây dựng một "biên giới thực sự với Liên bang Nga", mang tên là “Dự án bức tường", nhằm “cách ly đông nam Ukraine khỏi mối liên hệ với Nga”.
"Theo chỉ thị của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bắt đầu thực hiện công việc ưu tiên xây dựng tuyến đường biên giới và lắp đặt hệ thống rào cản kỹ thuật trên các tuyến đường nhất định," - tuyên bố của trung tâm báo chí chương trình “Stena” cho biết.
Trung tâm báo chí lưu ý rằng Ban chỉ đạo chương trình này có kế hoạch tạo ra hai tuyến phòng thủ. Thông tin cho biết rằng, đại bộ phận khối lượng công việc là khoảng 500 km giao thông hào, hơn 8000 hố dành cho phương tiện quân sự, hơn 4000 hầm và khoảng 60 km hào chống tăng.
Ngoài việc xây “Bức tường”, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk còn nhấn mạnh, cần phải có một quan điểm quân sự mới phản ánh Nga là một "quốc gia xâm lược", đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Ukraine. Ông này tuyên bố: "Nga là một nhà nước khủng bố, một nhà nước xâm lược và sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế".
Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi đã đưa ra hồi tuần trước rằng: "Liên quan tới Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, tôi cho rằng quyết định đúng đắn nhất sẽ là chấp thuận để Ukraine trở thành một thành viên của NATO". Kiev cho rằng, chỉ có gia nhập Liên minh quân sự này mới khiến chủ quyền lãnh thổ của Ukraine được bảo đảm.
Binh lính Ukraine tuần tra trên biên giới giữa 2 nước
Binh lính Ukraine tuần tra trên biên giới giữa 2 nước
Biên bản ngừng bắn trên cơ sở Kế hoạch hòa bình 7 điểm do ông Putin đưa ra đã được ký kết ngày 3-9 vừa qua. Trong khi tình hình căng thẳng có khả năng được bình ổn tạm thời thì chính phủ và cá nhân ông Thủ tướng Yatsenyuk lại đưa ra những tuyên bố và hành động hết sức “thiếu khôn ngoan” như trên.
Tuy Nga chưa đưa ra phản ứng gì với hành động trên của Ukraine, nhưng triển khai xây dựng “Vạn lý trường thành” trên biên giới, ngăn cách Nga-Ukraine, bao trọn cả vùng đông nam, trong bối cảnh tương lai của khu vực này vẫn chưa được xác định, chắc chắn sẽ dẫn tới những hành động phản đối của lực lượng ly khai.
Ngoài những nguyên nhân về chính trị, các chuyên gia cũng cho rằng việc xây dựng biên giới với Nga theo nguyên tắc Israel áp dụng để xây dựng hàng rào ngăn cách ở dải Gaza có thể khiến Ukraine phải chi ra nguồn ngân sách lên tới 4 tỷ USD và không có khả năng hoàn thành đúng hạn mà các chính trị gia chóp bu nước này đặt ra.
Việc triển khai dự án "Stena" có thể làm trầm trọng thêm những nguy cơ khủng hoảng đối với nền kinh tế kiệt quệ của nước này. Hiện Ukraine đang có mức nợ công kinh hoàng với con số hơn 72 tỷ USD. Ngân sách thâm hụt, kiệt quệ trong khi Mỹ và EU viện trợ nhỏ giọt, không biết Kiev sẽ lấy đâu ra tiền để thực hiện kế hoạch này.
Tình hình Ukraine dự kiến trong thời gian tới có thể sẽ có những biến động mới phức tạp hơn.
Toàn Thắng

11 tháng 9, 2014

Cầu sắp khánh thành thì sập

BTTD: Có kẻ tham ăn, k cho trời ăn nên cầu bị sập. May thiệt, nếu k sẽ có bao người "tự nguyện chết" khi dự lễ khánh thành.

Chỉ còn 4 ngày nữa khánh thành nhưng trưa 10.9, cầu Trường học Phú Thuận (ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú, H.Mang Thít, Vĩnh Long) bị lún sụp chắn ngang sông.

Hiện trường vụ sập cầu - Ảnh: Thanh Đức
Hiện trường vụ sập cầu - Ảnh: Thanh Đức
Hai ngày qua, giao thông thủy trên sông Phú Thuận bị tắc nghẽn hoàn toàn vì sự cố cầu sập. Những người chứng kiến sự việc cho biết, trưa 10.9, khi các công nhân đang di chuyển máy trộn bê tông để hoàn thành lớp mặt cầu, thì phần đỉnh của cầu có dấu hiệu hạ thấp dần. “Thường ngày tôi thấy dốc cầu mới xây cao hơn cây cầu cũ hơn 1 m.
Nhưng trưa hôm đó, tôi thấy đỉnh cầu thấp hơn cầu cũ khoảng 0,5 - 0,6 m. Tôi ra xem thì thấy trụ cầu bên trái bị nứt nên tri hô để mọi người đến xem. Sau đó, các công nhân mang hồ đến trét những vết rạn nứt. Vừa trét trụ cầu bên trái thì trụ bên phải cũng bị nứt nhưng các công nhân vẫn tiếp tục trét hồ. Khoảng 15 phút sau thì cây cầu bắt đầu sụp xuống. Rất may không có ai bị thương”, anh Dương Văn Gò, một người dân sống gần hiện trường cho biết.
Sau khi xảy ra sự cố, ông Phan Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú, có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố. Ông Nết cho biết, cây cầu có tổng vốn đầu tư 264 triệu đồng, do nhà hảo tâm ở TP.HCM đóng góp 132 triệu đồng, phần còn lại là vốn của huyện đối ứng. Theo thiết kế, cầu dài 32 m, ngang 2,5 m. Cầu được khởi công ngày 9.6 và dự kiến ngày 14.9 khánh thành. “Qua đấu thầu, DNTN Thành Phát ở địa phương trúng thầu và đây cũng là một trong những nhà thầu có nhiều kinh nghiệm xây cầu, nhưng lại để xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Nết nói.
Trả lời Thanh Niên, ông Trịnh Công Bằng, chủ DNTN Thành Phát, khẳng định: “Trước khi xây dựng, tôi có thuê người vẽ thiết kế. Tuy nhiên, khi thi công, tôi đã không làm đúng thiết kế, phần sàn trên dư khối lượng bê tông nên phần móng không chịu nổi lực, mới gây ra sự cố. Chúng tôi sẽ khắc phục bằng cách xây dựng cây cầu mới hoàn toàn”.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Phó phòng Công thương H.Mang Thít, cho rằng nguyên nhân chính gây sập cầu là do nền đất yếu và đơn vị thi công thực hiện đóng cọc các trụ ngắn hơn thiết kế 1,2 m. Cầu bị sụp lún 2,4 m so với đỉnh cầu lúc chưa xảy ra sự cố.
Thanh Đức

Điều tra viên có bằng ĐH mà nhục hình là do đạo đức

(Dân trí) - Ngày 11/9, UB Tư pháp của QH tổ chức phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình của CQĐT chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” đối với Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao.

Phạt nghiêm người dùng nhục hình: Tin nổi không?
Báo cáo của VKSND tối cao nhận định, thời gian qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta đã có nhiều tiến bộ. Tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như các hành vi bức cung, dùng nhục hình đối với bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, số vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hành vi bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra và “thực tiễn có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố và điều tra”.
Báo cáo của VKSND tối cao thể hiện, 3 năm trở lại đây (từ 1/1/2011 đến 31/12/2013, ngành kiểm sát đã thụ lý điều tra 13 vụ án/19 bị can về tội dùng nhục hình. Trong khi đó, báo cáo của TANDTC cho biết trong thời gian này đã thụ lý 10 vụ với 23 bị cáo phạm tội dùng nhục hình, không thụ lý vụ án nào về tội bức cung.
Riêng tội “dùng nhục hình” có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2011 thụ lý 1 vụ/2 bị cáo, năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo, năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, các điều tra viên đều phải có trình độ đại học.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, các điều tra viên đều phải có trình độ đại học.
 
“Theo báo cáo của TAND Tối cao, 90% các vụ án cán bộ điều tra bức cung, nhục hình khi xét xử tòa án không áp dụng hình phạt tù thì thử hỏi án tuyên đã nghiêm khắc chưa và TAND Tối cao có xem xét kháng nghị không ?”- ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga bình luận: “Chúng tôi đồng tình với báo cáo của VKS là thực tế số vụ bức cung, nhục hình có thể còn nhiều hơn số liệu đã báo cáo. Tuy nhiên, VKSNDTC nói những vụ dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Đề nghị VKS đánh giá lại xem nhận định đó có đúng không?”.
Đại biểu Bùi Thị An nêu hàng loạt câu hỏi, 3 năm qua thực sự đã có bao nhiêu vụ bức cung, nhục hình được phát hiện? Do ai phát hiện? Số người chết thực sự trong các trụ sở công an là bao nhiêu?...
Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong giải thích việc ít phát hiện những vụ bức cung, nhục hình vì việc này xảy ra trong những hoàn cảnh đặc biệt, chỉ có điều tra viên và người bị nhục hình ở trong trại giam, nhà tạm giữ.
“Đánh không để lại thương tích. Người nói có, người nói không, vậy thì tin người tố cáo hay tin điều tra viên? Kiểm tra thì sẹo không có”- ông Phong phân trần.
Uỷ viên thường trực UB Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương đề nghị làm rõ trong thời gian gần đây số nghi can, bị can chết trong trại giam là bao nhiêu và liệu có tiêu cực trong lực lượng điều tra viên không?
Lắp camera phòng hỏi cung vẫn khó tránh nhục hình
 
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong tại phiên giải trình.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong tại phiên giải trình.
Bàn về nguyên nhân của tình trạng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, giam giữ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại nhận định, tình trạng này xuất phát từ tình trạng quá tải, án quá nhiều đã gây những áp lực nhất định cho các điều tra viên.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành viên UB Tư pháp) lập luận: “Vấn đề bức cung, nhục hình, xuất phát từ tư duy, nhận thức coi bị can, bị cáo không bình đẳng với mình, thậm chí coi họ như kẻ thù, và suy đoán có tội chứ không phải suy đoán vô tội”.
Khẳng định việc bức cung, nhục hình dẫn tới oan sai chính sẽ góp phần làm suy yếu chế độ vì việc gây oan sai không chỉ ảnh hưởng tới một người dân mà đời con, đời cháu của họ cũng sẽ nuôi thù hằn gấp 2-3 lần, ông Nghĩa đề nghị sửa luật tố tụng hình sự, quy định nguyên tắc chỉ thực hiện khai báo khi có luật sư.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhục hình nhưng tựu trung là do yếu tố con người, dù các điều tra viên đều được đào tạo cơ bản và ít nhất là có bằng đại học. Yếu tố con người ở đây là phẩm chất cán bộ, là đạo đức, không nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tư tưởng thành tích nóng vội.
Diễn giải thêm, tướng Vương đề nghị “thông cảm với anh em điều tra”. “Động đến đối tượng hình sự, anh em nhiều khi bức xúc. Có những đối tượng tới 10 tiền án rồi, mà chưa tới 40 tuổi; đối tượng bốn, năm tiền án thì rất nhiều. Đó là chưa kể đến những đối tượng phạm các tội cố ý gây thương tích, các đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV… Anh em điều tra thì nửa đêm nửa hôm phải đi làm án…” – Thứ trưởng Công an giải thích.
Về đề xuất lắp camera trong phòng hỏi cung các đại biểu nêu ra, Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong nhận định: “Dù có có lắp máy móc gì đi nữa mà ý thức tuân thủ pháp luật kém, làm qua loa cho nhanh thì vẫn còn nhục hình. Việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự sắp tới sẽ có nhiều nội dung mới để chống oan sai, chống lọt tội phạm. Ở đâu oan sai, bỏ lọt thì Viện trưởng VKS cấp đó chịu trách nhiệm và ở đâu có bức cung nhục hình thì Thủ trưởng CQĐT chịu trách nhiệm”.
 
Huỷ xét thăng tướng cho GĐ CA Bắc Giang vì vụ ông Chấn
Đối với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, Phó Chánh án tối cao Nguyễn Sơn cho biết, lãnh đạo ngành đã chỉ đạo Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiến hành thương thảo đề bồi thường oan sai.
Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong thông tin thêm, sắp tới sẽ tiếp tục khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ án này do làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang thuộc diện phong hàm cấp tướng nhưng vừa rồi phải đình lại, không xem xét nữa”- Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, VKSND tối cao cũng đang xem xét trách nhiệm pháp lý của ông này bởi khi xảy ra vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thì GĐ Công an tỉnh Bắc Giang đang đảm nhiệm vị trí Thủ trưởng cơ quan CSĐT.
P.Thảo

Loại Nga khỏi Hội đồng bảo an LHQ?

BTTD: Liên Hợp Quốc đã lỗi thời, hoạt động kém hiệu quả, nặng tính hình thức và bị các nước lớn lợi dụng. 

Cần phải cải tổ triệt để tổ chức lớn nhất hành tinh này!

Đại sứ Nga tại LHQ
Đại sứ Nga tại LHQ

Trước thông tin phương Tây dọa loại Nga khỏi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), đại sứ Nga tại LHQ đã có phản ứng chính thức trên truyền hình.
Các cuộc thảo luận về việc có thể loại trừ Nga khỏi HĐBA chỉ là "lời nói vô nghĩa", Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết hôm thứ Tư trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24.
"Đối với những kẻ quan tâm việc loại Nga khỏi HĐBA, họ nên đọc Hiến chương LHQ trước khi đưa ra tuyên bố như vậy, vì rõ ràng điều đó là hoàn toàn không thể", ông Churkin nói.
Theo ông Churkin, "năm thành viên thường trực đã được nêu trong Hiến chương LHQ". Để loại trừ một thành viên nào đó, thì nhất thiết phải thực hiện sửa đổi Hiến chương LHQ. 
Mà để sửa đổi hiến chương LHQ thì cần hai phần ba trong tổng số 192 nước thành viên LHQ đã bỏ phiếu tán thành. Sau đó, nó lại phải được năm nước thành viên thường trực của HĐBA thông qua. 
Vì vậy, chính nước Nga sẽ phải phê chuẩn việc sửa đổi hiến chương thì mới có thể tự loại bỏ vai trò thành viên thường trực của mình khỏi HĐBA", ông Churkin giải thích.
"Bạn biết đấy, không ai trong số các nước thành viên LHQ lại ký một văn bản kiểu tự sát. Do vậy, tất cả các cuộc đàm phán (về vai trò của Nga tại LHQ) chỉ là vô nghĩa", Churkin kết luận.
HĐBA LHQ được thành lập vào năm 1946 để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Quyền hạn của nó bao gồm việc thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng cho phép tiến hành các hành động quân sự.
HĐBA gồm 5 thành viên thường trực gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ, cũng như 10 thành viên không thường trực, được bầu cho nhiệm kỳ hai năm của Đại hội đồng. Điều này đã được ghi rõ trong chương 5 điều 23.
Anh Tú (theo ria.ru)

TQ mở rộng Gạc Ma: Hành vi thâm độc và nguy hiểm

TT - Việc Trung Quốc cải tạo đất và xây đảo nổi trên bãi đá ngầm Gạc Ma của VN là một mũi tên nhắm vào nhiều mục tiêu nguy hiểm, cảnh báo của các chuyên gia quốc tế.
Hình ảnh do Philippines chụp cho thấy hoạt động xây dựng trên đá Gạc Ma - Ảnh: Philippines Star
Hình ảnh do Philippines chụp cho thấy hoạt động xây dựng trên đá Gạc Ma - Ảnh: Philippines Star
* Ảnh lớn: Trung Quốc đang biến đảo Gạc Ma của Việt Nam thành một đại công trường - Ảnh: BBC * Ảnh nhỏ (từ trái qua): Nhà báo Rupert Wingfield-Hayes (BBC), tác giả của loạt bài tố cáo Trung Quốc đang mở rộng quy mô đảo Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam) khiến thế giới ngỡ ngàng - Cận cảnh hoạt động mở rộng đảo Gạc Ma - Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma chụp từ trên cao - Ảnh: BBC - Philippines Star
* Ảnh lớn: Trung Quốc đang biến đảo Gạc Ma của Việt Nam thành một đại công trường - Ảnh: BBC
* Ảnh nhỏ (từ trái qua): Nhà báo Rupert Wingfield-Hayes (BBC), tác giả của loạt bài tố cáo Trung Quốc đang mở rộng quy mô đảo Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam) khiến thế giới ngỡ ngàng - Cận cảnh hoạt động mở rộng đảo Gạc Ma - Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma chụp từ trên cao - Ảnh: BBC - Philippines Star
Hành động này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên biển Đông.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là “tạo thực tế mới trên biển Đông”.
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) quy định các nước không thể đòi chủ quyền các bãi đá ngầm và “bãi đá không duy trì sự định cư của con người hay không có đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Chuyên gia Glaser cho rằng việc Trung Quốc cải tạo đất để xây đảo nổi ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng để đưa công dân Trung Quốc tới đây định cư.
Khi có các hoạt động kinh tế, Bắc Kinh sẽ viện “thực tế mới” này để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và quản lý khu vực “đặc quyền kinh tế” 200 hải lý tính từ đảo nổi mới dựng ra.
Qua đó Trung Quốc sẽ có thêm cơ sở hiện thực hóa bản đồ “đường lưỡi bò” vô lý, hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế.
Mối đe dọa nghiêm trọng
Bộ Ngoại giao Việt Nam: Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma và một số bãi đá ngầm tại Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực này đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông và khu vực”.
Mục tiêu thứ hai của Bắc Kinh, theo chuyên gia Glaser, là xây dựng trên bãi đá Gạc Ma các cơ sở quân sự như đường băng máy bay, lắp đặt hệ thống rađa để thu thập thông tin tình báo...
Trên thực tế, trước đó tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defense Review từng cảnh báo cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Gạc Ma sẽ có chức năng theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ và các nước khu vực.
Kanwa cho biết có khả năng Trung Quốc đang xây đường băng dài 2.000m trên đảo mới để lập căn cứ triển khai các máy bay quân sự.
Khi đó, Bắc Kinh sẽ đủ sức tổ chức thực hiện các chiến dịch trên không ở toàn eo biển Malacca, phục vụ chiến lược kiểm soát biển Đông và thôn tính đảo Đài Loan, điều mà trước đây quốc gia này không thể làm được.
Kanwa đánh giá đây là mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ, Việt Nam và Đài Loan.
Đảo mới trên đá Gạc Ma và đường băng quân sự cũng sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
“Với các cơ sở này, Trung Quốc cũng đang tạo ra đủ các điều kiện cần thiết nhằm thiết lập và kiểm soát một cách hiệu quả ADIZ trên biển Đông - chuyên gia Glaser cảnh báo - Nhìn chung, Trung Quốc quyết tâm siết chặt khả năng kiểm soát biển Đông”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng cho rằng Trung Quốc xây đảo mới trên bãi Gạc Ma chủ yếu để hiện thực hóa giấc mơ “đường chín đoạn” và mở rộng hiện diện quân sự tại quần đảo Trường Sa.
“Theo quan điểm của tôi, đây là hành vi gây bất ổn và vi phạm trắng trợn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002” - ông Storey nhấn mạnh.
Giấc mơ “Vạn lý trường thành” trên biển
Ngoài Trung Quốc, đến nay chưa có quốc gia nào trong khu vực xây đảo trên các bãi đá ở biển Đông.
Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đánh giá đây là hành vi thay đổi hiện trạng trên biển Đông, nằm trong chiến lược chiếm đoạt chủ quyền của Trung Quốc.
“Hành động đó chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên biển Đông tiếp tục leo thang” - giáo sư Thayer nhận định.
Trên tạp chí Mỹ National Interest, chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một “Vạn lý trường thành” trên biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này.
Ông khẳng định nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Xung đột trong khu vực sẽ khiến cả nền kinh tế thế giới bất ổn. Mỹ phải thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ phản ứng chống lại Trung Quốc và khuyến khích các nước đồng minh hành động tương tự. Việt Nam nên tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” - luật sư Pedrozo kêu gọi.
Trung Quốc tuyên bố mở rộng Gạc Ma vì mục đích quân sự
Tân Hoa xã ngày 11-9 đăng bài “Trung Quốc xây dựng mở rộng đảo Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc - máy bay tiêm kích J-11 có thể đến Trường Sa tác chiến”.
Bài báo viết rằng động thái này nhằm tạo điều kiện để không quân nước này kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Bài báo này lý giải khi mở rộng đảo Gạc Ma, Trung Quốc muốn thay đổi cục diện “thế yếu” của không quân nước này. Bởi trước đây dù Trung Quốc đã trang bị máy bay chiến đấu J-10 và J-11 nhưng tầm hoạt động không vượt bán kính 2.000km.
“Mở rộng đảo Gạc Ma là bước đệm để máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể “xâm nhập” toàn bộ khu vực Trường Sa”- bài báo viết.
Tân Hoa xã cho biết từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu cho xây dựng mở rộng ở đảo Gạc Ma, bãi đá Tư Nghĩa và một số bãi ngầm khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc tự cho là những “đảo tiền tiêu” của mình.
MỸ LOAN