Vào buổi trưa ở thị trấn Snizhne, miền đông Ukraine, nhiều người nghe thấy những âm thanh ầm ĩ của hệ thống tên lửa đất đối không đi vào và đỗ trên đường.
Một mảnh vỡ còn sót lại của chiếc máy bay MH17 trên cánh đồng ở đông Ukraine. Ảnh: Reuters
|
"Ngày hôm đó có rất nhiều thiết bị quân sự được chuyển vào thị trấn", APdẫn lời Tatyana Germash, một người dân 55 tuổi, cho biết sau 4 ngày chiếc máy bay MH17 bị bắn rơi.
Valery Sakharov, 64 tuổi, một thợ mỏ đã nghỉ hưu, chỉ vào nơi ông nhìn thấy bệ phóng tên lửa và nói: "Tên lửa Buk đỗ trên đường Karapetyan vào giữa trưa, sau đó nó rời đi. Tôi không biết nó đi đâu. Hãy nhìn xem, nó còn để lại dấu vết trên mặt đường nhựa".
Đó là một ngày ầm ĩ ở thị trấn Snizhne, bệ phóng tên lửa lúc đó mang theo 4 tên lửa đất đối không loại SA-11 có hai xe dân dụng đi theo hộ tống. Lúc 13h05 giờ địa phương, các phương tiện này dừng trước mặt một nhóm phóng viên của AP. Một người mặc bộ đồ lạ màu cát, không có huy hiệu nhận dạng, nói giọng đặc Nga, xuống kiểm tra để biết là các phóng viên này không ghi hình. Sau đó đoàn xe tiến lên, hướng tới địa điểm thuộc thành lũy của phiến quân.
Một phóng viên khác của AP cho biết cũng thấy 7 xe tăng của phiến quân đỗ ở trạm xăng bên ngoài thị trấn Snizhne. Ông ta cũng thấy hệ thống tên lửa Buk, có thể phóng ra tới độ cao 22.000 m.
Ba giờ sau, những người ở cách Snizhne khoảng 10 km nghe thấy tiếng động lớn. Sau đó họ thấy từng mảnh kim loại bị xoắn lại và thi thể người từ trên trời rơi xuống.
Lãnh đạo phiến quân tại Donetsk liên tục và công khai phủ nhận trách nhiệm bắn hạ chiếc MH17. Sergei Kavtaradze, phát ngôn viên của lãnh đạo phiến quân Alexander Borodai, nói với AP rằng không có đơn vị nào của họ sở hữu loại vũ khí có thể bắn ở độ cao như vậy, bất kỳ cáo buộc nào đều nhắm đến phá hoại phiến quân.
Tuy nhiên, một thủ lĩnh giấu tên của phe ly khai thừa nhận với APrằng phiến quân phải chịu trách nhiệm khi máy bay MH17 bị bắn hạ. Phiến quân tin rằng họ nhắm tới máy bay quân sự của Ukraine, thay vì đó, họ lại bắn chiếc máy bay dân sự từ Amsterdam to Kuala Lumpur, người này nói.
Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố Ukraine Vitaly Nayda cho biết bệ phóng tên lửa đi vào Ukraine qua biên giới với Nga vào 1h sáng giờ địa phương, sau đó tiến tới thị trấn Snizhne. Ông cho rằng tên lửa này đến từ Nga và do người Nga điều khiển. Moscow vẫn tiếp tục phủ nhận liên đới tới vụ thảm họa.
Hôm qua chính phủ Kiev công bố thêm đoạn hội thoại giữa những người thuộc phe ly khai, củng cố thêm luận điểm họ không biết đó là máy bay chở khách. "Một con chim đang bay về phía anh", người xác định mục tiêu nói với Igor Bezler, chỉ huy phiến quân và chính phủ Ukraine cho là một quan chức tình báo của Nga.
Bezler hỏi: "Máy bay trinh sát hay chiếc lớn". "Tôi không thể thấy rõ sau những đám mây. Nó ở quá cao", người kia trả lời.
Vào lúc 16h20 giờ địa phương, tại thị trấn Torez, cách Snizhne 10 km, người dân nghe thấy những tiếng nổ lớn. "Tôi nghe thấy hai tiếng nổ lớn. Ngẩng đầu lên tôi có thể thấy chiếc máy bay đang rơi qua những đám mây", Rostislav Grishin, một lính gác nhà tù nói.
Lúc 16h40, một người được Ukraine nhận dạng là Bezler nói với cấp trên là đơn vị của anh ta đã bắn rơi chiếc máy bay. "Vừa bắn hạ một chiếc máy bay. Đó là nhóm ở thị trấn Sapper. Máy bay rơi bên ngoài Yenakiieve", anh ta báo cáo.
Trong khi đoạn hội thoại chưa thể được xác minh độ chính xác, đại sứ quán Mỹ tại Kiev nói các chuyên gia tình báo cho rằng có thể tin cậy bằng chứng mà Ukraine đưa ra. Tuy nhiên Bezler hôm qua phủ nhận có liên quan đến vụ bắn hạ MH17.
Hôm 17/7, chiếc máy bay của Malaysia bị bắn hạ khi bay qua miền đông Ukraine, toàn bộ 298 người được cho là thiệt mạng. Hiện nay Ukraine và phe ly khai vẫn đổ lỗi cho nhau bắn rơi máy bay bằng tên lửa.
Khánh Lynh