Trang

7 tháng 3, 2015

Một không đoàn Nhật xuất kích 400 lần cản máy bay Trung Quốc


(Tin Nóng) Trong 9 tháng, từ tháng 3 - 12.2014 Không đoàn tiêm kích số 83 của phi công Jun Fukuda đóng tại Naha, Okinawa (Nhật Bản) đã hơn 400 lần xuất kích ngăn cản máy bay quân sự Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản, theo Bloomberg ngày 5.3.

Tiêm kích F-15 của Nhật Bản cất cánh từ căn cứ Naha, Okinawa. Năm 2014, căn cứ này tiến hành hơn 400 lần xuất kích ngăn cản máy bay Trung Quốc thâm nhập không phận gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: pacificairwaves
Bloomberg cho biết viên phi công 35 tuổi Fukuda, lái tiêm kích F-15, cũng mê lái xe mô tô này kể rằng anh ta cùng các đồng đội luôn sống trong môi trường căng thẳng cao độ, khi xuất kích hơn 1 lần/ngày để ngăn cản máy bay quân sự Trung Quốc thâm nhập vùng trời ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật quản lý.
Hiện Trung Quốc vượt Nhật Bản gấp 8 lần về số phi công, và còn tung ra máy bay tàng hình hồi tháng 11.2014. Tuy nhiên phi công Trung Quốc thua Nhật về kinh nghiệm và kỹ năng huấn luyện, đưa đến nguy cơ dễ dẫn đến đối đầu trên không.
Khi các phi công Nhật Bản đang trực chiến, ngồi nhấm nháp trà và xem tivi, đọc báo, thì lệnh báo động vang lên, theo lời kể của phi công Fukuda (biệt danh Thần chiến tranh, tức Hoả tinh). Để tiết kiệm thời gian, họ trực chiến trong bộ đồ bay và để mũ bay cùng phao cứu sinh ở trên buồng lái.
"Một cuộc ngăn cản trên không là điều xảy ra khi có chuyện với một nước khác, và bạn biết mình không thể mắc sai sót”, phi công Fukuda nói với Bloomberg.
Anh kể rằng vị trí căn cứ Naha rất gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông “Chúng tôi ở rất gần, đó là phòng tuyến đầu tiên", anh ta nói, khi căn cứ vang rền tiếng động cơ của máy bay phản lực chiến đấu.
Khi thiếu tướng Yasuhiko Suzuki lần đầu tiên đến Naha những năm 1990 với tư cách phi công máy bay chiến đấu, căn cứ này trông buồn tẻ, nhỏ bé. Nay sự hung hăng của Trung Quốc đã làm cho Naha trở thành căn cứ không quân quan trọng nhất của Nhật Bản.
"Căn cứ này luyện tập hàng ngày, đó là chuyện hoàn toàn phi thường khi đòi hỏi một phi đoàn phải thực hiện hơn 400 cuộc xuất kích truy cản trong một năm. Đây là một gánh nặng", tướng Suzuki nói.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tìm cách gia tăng sức mạnh quốc phòng, đặc biệt cho phía nam quần đảo Nhật Bản. Tại Naha, nhiều toà nhà đang được phá dỡ để làm đường băng cho một phi đoàn thứ 2 sẽ đưa đến Okinawa trong tháng 3.2016 và nâng số máy bay chiến đấu tại đây lên 40 chiếc.
Nhật Bản còn dự định lập một căn cứ quan sát mới ở đảo Yonaguni gần khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, thành lập lực lượng đổ bộ từ biển (dạng thuỷ quân lục chiến Mỹ) cùng mua các xe lội nước, bố trí ở đảo Kyushu.
Phi công Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản tại căn cứ không quân Hyakuri ở Omitama. Máy bay Nhật Bản đã tiến hành hơn 744 lần xuất kích trong năm 2014 để ngăn cản máy bay quân sự nước ngoài thâm nhập không phận của nước này - Ảnh: AFP
Trung Quốc và Nhật Bản đang trong tình trạng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm 39% năm 2014, dù Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật năm 2013. Trung Quốc nói nước này có chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư hơn 600 nay trước khi bị thua trong cuộc chiến với Nhật và mất quyền quản lý quần đảo từ năm 1895 đến nay.
Từ tháng 3 - 12.2014, Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu ngăn cản 744 lần máy bay quân sự nước ngoài bay gần không phận nước này, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm trước và ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Trong khi các chuyến bay của Nhật Bản ngăn cản máy bay Nga áp sát không phận có giảm trong năm 2014 thì các chuyến bay tương tự để ngăn cản máy bay Trung Quốc lại gia tăng, hầu hết đều từ căn cứ Naha.
Thậm chí như chuyên gia Bonji Ohara ở Quỹ Tokyo nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách thu thập thông tin về phản ứng của máy bay Nhật Bản qua các chuyến bay thâm nhập thế này, từ thời gian khi máy bay Nhật chưa cất cánh đến phản ứng của Nhật.
Cuối năm 2013, Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Năm 2014 máy bay Nhật Bản 2 lần bay ngăn cản máy bay Trung Quốc tiếp cận quần đảo này.
Hiện Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sức mạnh không quân, với 398.000 người theo sách Trắng năm 2013, so với Nhật Bản chỉ có 50.000 người. Trung Quốc cho hay tiêm kích J-11 nước này tự sản xuất là tương đương tiêm kích F-15 vốn được Mỹ giới thiệu lần đầu năm 1974. Gần đây Trung Quốc còn phát triển máy bay tàng hình J-20 và J-31. Còn Nhật quyết định mua tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, nhưng sẽ chưa bố trí chúng ở Okinawa.
Tiêm kích F-15 trực chiến tại sân bay Naha - Ảnh: Youtube
Không đoàn 83 ở Naha hiện còn thiếu máy bay và chỉ có 1 đường băng xài chung với dân sự. Mỗi khi xuất kích để ngăn cản máy bay lạ, các máy bay F-15 của Không đoàn sẽ được ưu tiên so với máy bay hành khách. Cả những lần huấn luyện, máy bay quân sự cũng khín hành khách các chuyến bay dân sự phải chờ đợi.
Phi công Fukuda nói anh tham gia quân đội là để trở thành phi công và có cơ hội đi đây đó hơn là muốn bảo vệ đất nước. Nhưng nay khi vợ anh mới sinh con, anh đã suy nghĩ lại. “Điều này là vì đất nước tôi, và một phần nhỏ là vì gia đình tôi. Bạn sẽ có được cảm giác mà bạn cần để bảo vệ họ”.
Anh Sơn

Tập Cận Bình “trảm 15 hổ tướng”, nắm chặt PLA trong tay

(Quan hệ quốc tế) - “Con hổ mang quân hàm” thứ 15 đã ngã ngựa trong tay Tập Cận Bình, báo hiệu sự thay máu lớn trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo quân đội nước này.

15 “con Hổ mang quân hàm” ngã ngựa dưới tay Tập Cận Bình
Tờ “South China Morning Post” xuất bản ở Hồng Kông đã đưa tin ngày 5 tháng 3,  cựu giám đốc cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc, phụ trách mảng tình báo nước ngoài, Thiếu tướng Hình Vận Minh đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tham ô, hối lộ và lạm dụng chức quyền tình nghi tham nhũng.
Đây là lần đầu tiên khi xuất hiện thông tin về "hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng" trong một cơ quan hết sức quan trọng - cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc. Vụ tham nhũng đã giáng một đòn nặng nề vào hình ảnh của cơ quan quân sự được coi là quan trọng nhất của PLA.
Tướng Hình đã bị bắt giam vào ngày 17 tháng 2, ngay trước Tết. Mặc dù đã phụ trách mảng tình báo nước ngoài, nhưng ông này không phải là một nhân vật sống khép kín. Ông còn là Phó chủ tịch Hiệp hội hữu nghị nước ngoài, là thành viên của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp) Trung Quốc.
Những vụ tham nhũng trong ngành dầu khí, trong hệ thống ngân hàng, giữa những nhân vật cao cấp trong giới lãnh đạo đảng không còn là tin giật gân ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một lãnh đạo cao cấp của cơ quan tình báo quân đội bị cáo buộc về vụ tham nhũng là một trường hợp mang tính nghiêm trọng.
Có vẻ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, bất kể là kẻ đó chức vụ gì và thuộc lực lượng nào, bởi trên thực tế, ông Tập dường như đã nhận được “giấy ủy nhiệm đấu tranh chống tham nhũng”.
Ông lên nắm chính quyền như kết quả của cuộc đấu tranh rất phức tạp nội bộ nước, ông phải thuyết phục được tất cả các nhóm trong đảng và quân đội rằng, cần phải giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nếu không thì nạn tham nhũng sẽ giành chiến thắng chống Đảng Cộng sản”.
Trong khi đó, vào ngày 4 tháng 3, báo chí thông báo những chi tiết về vụ 14 tướng lĩnh cấp cao bị tham nhũng và lạm dụng chức quyền.
Ông Tập Cận Bình trong một buổi lễ phong hàm thượng tướng cho tướng lĩnh Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình trong một buổi lễ phong hàm thượng tướng cho tướng lĩnh Trung Quốc
Nhân vật nổi tiếng nhất trong danh sách này là Chuẩn Đô Đốc Quách Chính Cương, con trai của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Thượng Tướng Quách Bá Hùng. Nhờ uy vọng của người cha, ông Quách Chính Cương trở thành đô đốc trẻ nhất của hải quân PLA.
Theo một số nguồn tin, Quách Chính Cương bắt đầu bán thiết bị quân sự và vũ khí. Như được biết, ông đã thành lập một công ty để phát triển các chương trình an toàn cho quân đội, nhưng trên thực tế làm sai lệch kết quả đấu thầu, để công ty của ông nhận được những hợp đồng quân sự.
Ông Yacov Berger Viện nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, bà Ngô Phương Phương, vợ ông Quách, có liên quan đến chủ xây dựng của một công trình dở dang trong khu vực thuộc sở hữu quân đội ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Công ty của bà ta thất bại trong việc xây dựng một chợ sản phẩm kim khí dù đã thu trước hơn 500 triệu nhân dân tệ tiền thuê từ những người buôn bán. Dù không thực hiện hợp đồng, bà ta từ chối trả lại tiền cho những người đó.
Những chi tiết này đã xuất hiện trên báo chí khi cuộc điều tra tham nhũng mới bắt đầu. Rất có thể đó là một động thái nhằm chống lại bản thân ông Quách Bá Hùng, người đã từ chức vào năm 2013.
Theo ông Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi Đại học tổng hợp Moscow, rất có thể, trong khuôn khổ cuộc điều tra sẽ xuất hiện những cáo buộc mới. Đặc biệt là xét đến việc một năm trước đây, Thượng tướng Từ Tài Hậu, phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc bị cáo phạm tội về tham nhũng.
Thiếu tướng Hình Vận Minh đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tham nhũng
Thiếu tướng Hình Vận Minh đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tham nhũng
Một trong những vấn đề gây chú ý nhất trên chính trường Trung Quốc là việc ông Tập tiếp tục cuộc thanh lọc giới “chóp bu” quân sự. Tính riêng năm ngoái, 16 quan chức cấp cao đã bị điều tra và vào lúc này 14 "con hổ mang quân hàm” đã bị “nhốt vào chuồng”.
Scandal tham nhũng xung quanh 14 viên tướng nổ ra trước thềm khai mạc “Lưỡng Hội”. Một số chuyên gia cho rằng, thông điệp giáng đòn trừng phạt tham nhũng trong quân đội đã xuất hiện một cách cố ý trước sự kiện. Bắc Kinh tỏ rõ sức mạnh và khả năng kiểm soát vững các cơ cấu của quân đội.
“Lưỡng Hội” là 2 kỳ họp lớn nhất của các đại biểu nhân dân nước này. Kỳ họp thứ 2 Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc Trung Quốc (Chính Hiệp) khoá 12 diễn ra vào ngày 3-3; sau đó Kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc Hội) khoá 12 cũng đã khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 5/3.
Ông Tập Cận Bình đã nắm hoàn toàn quân đội?
Chuyên gia Yacov Berger Viện nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga lý giải rằng, chống tham nhũng trong quân đội là một quá trình kéo dài, không thể được đo bằng bất kỳ ngày tháng đặc biệt nào, mặc dù “Lưỡng Hội” đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình này.
Thực tế, Trung Quốc đang thực hiện một cuộc đấu tranh cương quyết, triệt để và không ngừng nhằm thanh lọc bộ máy của tất cả các ngành chính quyền, bao gồm cả quân đội và có thể mục tiêu hàng đầu là thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của quân đội.
Các quan chức quân sự Trung Quốc, đặc biệt ở cấp cao, đã bị tước mất hàng loạt đặc quyền thành văn và bất thành văn quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay quân đội Trung Quốc vẫn được coi là một "quốc gia bên trong quốc gia." Liệu điều này có nghĩa ông Tập Cận Bình chưa thể lay chuyển khối đá này?
Đã có 15 tướng lĩnh Trung Quốc bị điều tra về các vấn đề kinh tế
Đã có 15 tướng lĩnh Trung Quốc bị điều tra về các vấn đề kinh tế
Ông Yacov Berger cho rằng, ở mức độ nào đó, quả là tồn tại hiện tượng "quốc gia bên trong quốc gia", nhưng ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình đã giành quyền lực và tất cả vị trí cần thiết để “thực hiện công lý”. Tất nhiên, sự kháng cự là vô cùng mạnh, chưa thể nói ông Tập đã nắm chắc 100 phần trăm phần thắng.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngừng hành động, trường hợp 14 tướng lĩnh là một bằng chứng. Ông đã thể hiện mình là nhân vật lớn, có lẽ có thể sánh với Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Ông thấy rõ các mục tiêu và không ngần ngại thực hiện chúng, đặc biệt là trong quân đội.
Tại “Lưỡng Hội”, Trung Quốc sẽ chính thức công bố tăng 10 phần trăm ngân sách quân sự năm 2015. Đây là một dấu hiệu tượng trưng cho thái độ tích cực đối với quân đội, trong bối cảnh cuộc thanh lọc các nhân vật “chóp bu”. Đây là hai vấn đề có liên quan biện chứng đến nhau.
Không nghi ngờ gì nữa, việc loại trừ vụ 14 tướng lĩnh là dấu hiệu mở rộng phong trào chống tham nhũng trong quân đội. Những mối nghi ngờ lớn đang phủ bóng xuống hai quân khu Chiết Giang và Thẩm Dương, cũng như ông Quách Bá Hùng - một trong những lãnh đạo cựu trào của Quân ủy Trung ương.
Song song với quá trình thanh lọc, ông Tập cũng củng cố địa vị bằng cách phong quân hàm, nâng chức vụ cho hàng loạt tướng lĩnh.
Tháng 7 năm ngoái, ông Tập đã ký quyết định phong hàm cho 4 thượng tướng, 8 trung tướng và 18 Thiếu tướng. Hầu hết các tướng này đều nắm vị trí trọng yếu trong quân đội Trung Quốc hiện nay, bao gồm cả chỉ huy các đại quân khu, các hạm đội hải quân.
Ông Tập đã nắm chắc quân đội Trung Quốc trong tay
Ông Tập đã nắm chắc quân đội Trung Quốc trong tay
Giới chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, việc hạ bệ hàng loạt quan chức cao cấp chính quyền và kỷ luật nhiều tướng lĩnh quân đội, cùng với việc phong tướng ồ ạt lần này là động thái cho thấy ông Tập đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ "thay máu" cho quân đội, nhằm củng cố vững chắc quyền lực của mình.
Trước đó, liên tiếp trong 2 tháng 3 và 4 năm 2014, 53 tướng lĩnh cao cấp của PLA đã bày tỏ sự trung thành với ông Tập bằng hàng loạt bài xã luận trên các các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng và Quân đội nước này như Nhân dân nhật báo, báo Quân Giải Phóng…
Tất cả tướng lĩnh của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố “sẽ học tập chăm chỉ và thực hiện Tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình về quốc phòng và chiến lược quân sự”, sau khi tham dự 3 khóa học, mỗi khóa 6 ngày về “Tư tưởng quân sự Tập Cận Bình” tại Học viện Quốc phòng.
Hồi giữa năm 2014, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã chỉ thị cho tất cả các đơn vị trong quân đội treo hình 5 lãnh đạo hàng đầu từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình trong các phòng họp của đơn vị, đồng thời treo các khẩu hiệu quan trọng, thể hiện những Tư tưởng chỉ đạo chủ yếu của các vị lãnh đạo quốc gia qua từng thời kỳ.
Điều này cho thấy, ông Tập đã quyết tâm xây dựng hình ảnh một lãnh tụ, có sức mạnh chi phối quân đội, tương tự như những gì các bậc tiền bối danh vọng nhất của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… đã làm trước đây và nhiều khả năng là ông sẽ hoàn toàn nắm được quân đội trong tay.
Thiên Nam

Doanh nghiệp dược tố BV Chợ Rẫy o ép để được “lại quả“?

Đăng Bởi  - 

Benh vien Cho Ray
Một số đơn vị trúng thầu thuốc ở BV Chợ Rẫy tố bệnh viện này chơi kiểu" ông nội" ( ảnh MH)

Nhiều công ty dược, nhà phân phối dược trúng thầu thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy tỏ ra bất bình về cách hành xử theo kiểu chèn ép các doanh nghiệp dược của bệnh viện  này.

Bản cam kết kỳ quặc
Theo phán ánh của một số đơn vị trúng thầu thuốc tại  Bệnh viện Chợ Rẫy, BV này đã đưa ra một cam kết rất khó hiểu buộc các nhà cung cấp thuốc phải thực hiện sau khi ký hợp đồng.
Song song với bản hợp đồng ký kết mua bán, những đơn vị trúng thầu được bệnh viện đưa ra một bản cam kết với nhiều điều khoản bất hợp lý, chỉ có lợi cho phía bệnh viện.
Trong đó, BV Chợ Rẫy yêu cầu nhà cung cấp thuốc phải đổi lại nếu thuốc hết hạn, hoặc mua lại thuốc trong vòng 3 tháng nếu loại thuốc này họ không bán được. Điều đáng nói là phía BV Chợ Rẫy ép phía doanh nghiệp phải mua lại thuốc không phải với giá doanh nghiệp bán cho BV mà là giá BV bán ra cho bệnh nhân.
Việc BV Chợ Rẫy bắt doanh nghiệp ký vào cam kết này khiến phía doanh nghiệp hiểu rằng phải "lại quả" nếu muốn thuốc lưu hành được. Bằng không thì phải mua lại thuốc của chính mình với giá chênh lệnh có lợi cho phía bệnh viện. 
Bà L. - chủ một công ty dược ở Miền Tây cho biết đơn vị bà trúng gói thầu ở Bệnh viện Chợ Rẫy với một số mặt hàng thuốc tổng trị hợp đồng hàng tỉ đồng.
Hợp đồng cung cấp thuốc giữa đơn vị bà với Bệnh viện Chợ  Rẫy có  thời hạn 1 năm. Ngoài bản hợp đồng, bệnh viện này còn bắt đơn vị bà phải ký một cam kết, yêu cầu mua lại sản phẩm thuốc mà BV này lấy từ đơn vị bà nhưng đã qua 3 tháng không lưu hành được.
“Bệnh viện lấy thuốc của đơn vị tôi mỗi tháng mấy đợt. Tất nhiên, khi có nhu cầu mới lấy. Thế tại sao lại đưa ra nội dung qua 3 tháng không bán được, bắt chúng tôi phải thu hồi lại? Nếu có thu hồi thì thu hồi bằng giá chúng tôi bán cho bệnh viện, tại sao phải mua lại với giá  cao hơn, tức là giá bệnh viện bán lẻ ra cho bệnh nhân. Thật là bất hợp lý cho chúng tôi ”, bà L. phân trần.
Bà L.đặt vấn đề: Không loại trừ khả năng bệnh viện Chợ Rẫy cố tình không chịu bán những sản phẩm thuốc lấy ở đơn vị bà, chỉ tập trung bán những sản phẩm thuốc lấy ở những đơn vị khác có chiết khấu hoa hồng cao hơn. 
Cũng theo bà L., công ty bà là công ty dược phẩm, không có chức năng mua lại thuốc của chính mình với giá cao hơn giá bán ra. Điều này không thể giải thích được với cơ quan thuế, vì cơ quan thế chỉ chấp nhận thu hồi hay đổi lại bằng giá chứ không thể chấp nhận với giá cao hơn.
Bà L. cho rằng, công ty bà trúng thầu thuốc và cung cấp thuốc cho cả trăm bệnh viện từ Bắc đến Nam, không có bệnh viện nào ép doanh nghiệp ký một cam kết kỳ quặc như Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Tui đã nhiều lần thắc mắc, nhưng bệnh viện nói, nếu không cam kết những điều trên thì không nhận thuốc. Họ là bệnh viện nhà nước, bệnh viện công không sợ kiện cáo hay xử phạt nên ép chúng tôi như thế. Giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng để đừng xảy ra những điều trên, không phải chịu mất mát một cách oan ức”, bà L. chua chát nói.
Buộc doanh nghiệp mua lại thuốc gần hết hạn để... đổ rác!
Việc Bệnh viện Chợ Rẫy bắt doanh nghiệp cung cấp thuốc cam kết phải mua lại sản phẩm thuốc gần hết hạn hoặc đã hết hạn bằng với giá bệnh viện bán lẻ cho bệnh nhân đã khiến cho doanh nghiệp phải tìm đường tránh họa.
Để tránh bị vướng vào cam kết này,  bà L. cho biết bà phải chủ động cung cấp những sản phẩm thuốc còn thời hạn lưu hành còn từ 1,5 năm trở lên, và hợp đồng chỉ ký trong 1 năm, nên khi hết hợp đồng thuốc vẫn còn thời hạn ít nhất là 3, 4 tháng.
Tuy nhiên, đối với những đơn vị phân phối dược trúng thầu, quy định buộc phải thu mua lại thuốc gần hết hạn, hoặc đã hết hạn với giá bằng giá Bệnh viện Chợ Rẫy bán lẻ ra cho bệnh nhân đang khiến các đơn vị này gặp lao đao.
Ông H.- đại diện một đơn vị phân phối dược phẩm khác trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy nằm trong hoàn cảnh trên cho biết, đơn vị ông phải mua lại ở các đơn vị sản xuất, nhất là nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài về, hạn sử dụng sẽ bị rút ngắn lại. Khi bán cho Bệnh Viện Chợ Rẫy, nếu bệnh viện không bán được chỉ trong một thời gian ngắn sẽ gần hết hạn, thậm chí hết hạn thì đơn vị cung cấp thuốc phải bỏ tiền ra mua lại với giá cao gấp nhiều lần so với giá bán cho bệnh viện.
"Nếu làm theo kiểu đó, chắc những người như chúng tôi sẽ  thường xuyên phải bỏ tiền túi để mua lại thuốc về đổ rác", ông H. nói.
Ông H. cho rằng, bệnh viện mua thuốc khi thuốc đã trúng thầu, có nghĩa là thuốc và số lượng thuốc đã được bệnh viện dự trù trước từ đầu năm theo kế hoạch của bệnh viện. Do đó,  thuốc có nhu cầu sử dụng và số lượng cũng nằm trong kế hoạch, không sử dụng là do chủ quan của bệnh viện. Bệnh viện không sử dụng để gần hết hạn hoặc hết hạn buộc đơn vị cung ứng thuốc phải đổi lại là trái luật.
Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số bệnh viện, khi đã mua thuốc, nếu sử dụng thuốc để hết hạn hoặc hư hao thì tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nếu bệnh viện thương thảo được với nhà cung ứng thì nhà cung ứng thuốc sẽ đổi dùm, chứ không có chuyện yêu cầu phải mua lại và còn mua lại với giá cao hơn.
Hồ Quang

Lotte thâu tóm cao ốc Diamond Plaza Tp.HCM


Lotte thâu tóm cao ốc Diamond Plaza Tp.HCM

Lotte sẽ nắm quyền điều hành toà Diamond Plaza, thay một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco...

Chủ tịch Tập đoàn Lotte, Shin Dong Bin cho biết, doanh nghiệp này đã mua tới 70% cổ phần của tòa cao ốc Diamond Plaza, Tp.HCM.
Theo đó, Lotte sẽ nắm quyền điều hành toà nhà này từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco. Tuy nhiên, giá trị của thương vụ này đã không được lãnh đạo Lotte cũng như phía Posco tiết lộ.
Diamond Plaza là tòa cao ốc gồm 22 tầng, bao gồm kể cả hai tầng hầm, được khánh thành từ tháng 8/2000. Công trình này có vốn đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu USD, tọa lạc ở góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, nằm phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà, ngay trung tâm thành phố.
Đây là một tổ hợp thương xá, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp có vị trí đắc địa bậc nhất Tp.HCM.
Cùng với việc mua lại Diamond, Chủ tịch Lotte cho biết sẽ xúc tiến nhanh việc đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm với dự án Eco Smart City. Đây là khu phức hợp tài chính, thương mại rộng 16 ha với điểm nhấn là tòa cao ốc 50 tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm do Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, ông Shin Dong Bin cũng cho biết quan tâm đến dự án tuyến đường sắt đô thị nối nhà ga Metro Bến Thành với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hiện tại Việt Nam, Lotte đang sở hữu nhiều công trình, dự án bất động sản có quy mô lớn, trong đó đáng chú ý là tổ hợp Lotte Center Ha Noi cao 65 tầng ở ngã tư Đào Tấn - Liễu Giai cùng nhiều trung tâm thương mại lớn nhỏ khác.
Theo Bảo Anh
VNeconomy

Nga - Trung bắt tay đối phó Mỹ?

Lại một chương khác thăng trầm của các cường quốc, lần này là Mỹ, Trung Quốc và Nga, đang mở ra.

Tác giả bài viết là Huiyun Feng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế Đan Mạch và là GS khoa học chính trị Đại học bang Utah, Mỹ.
Căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây, nhất là với Mỹ về vấn đề Ukraine đã gợi nhắc lại bối cảnh thời Chiến tranh Lạnh khi hai siêu cường lao vào những cuộc xung đột để tranh giành phạm vi ảnh hưởng. Một câu hỏi quan trọng đặt ra trong cuộc chơi hiện tại của nền chính trị siêu cường là liệu TQ và Nga có hình thành một liên minh chống lại Mỹ?
Trong bài viết "Châu Á của người châu Á: Tại sao mối hữu nghị Trung-Nga tồn tại" đăng trên tờ Foreign Affairs, tác giả Gilbert Rozman đã liệt kê ra 6 lý do tại sao quan hệ đối tác hai nước lại bền bỉ. Tuy nhiên, tác giả Joseph Nye trong bài viết đăng trên Project Syndicate với tiêu đề "Một liên minh mới Trung-Nga?" lại chỉ ra những vấn đề sâu xa của liên minh này trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và nhân khẩu học.
Thực tế là, cả Rozman và Nye đều đang nhìn vào hai mặt khác nhau của một đồng xu. Tuy nhiên, có vẻ như họ đang bỏ lỡ một vài thứ. Tương lai của mối quan hệ Trung-Nga phụ thuộc lớn vào mối quan hệ giữa hai nước này với phương Tây, nhất là Mỹ.
Nếu Washington đẩy giá dầu tiếp tục lao dốc, đẩy vấn đề Ukraine lên cao hơn, và NATO mở rộng hướng về phía Nga, và nếu chiến lược tái cân bằng của Mỹ đi quá xa trong nỗ lực chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh và Moscow có thể thực sự tiến tới một liên minh chính thức, thậm chí điều đó không hẳn như những gì ban đầu họ mong muốn.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, quân sự, chiến lược, liên minh
Ảnh: wordpress
Một núi hai hổ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đều là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, với khát vọng giành lại vinh quang trong quá khứ.
Chính sách ngoại giao mới của ông Tập Cận Bình đưa ra những quan điểm cứng rắn về tranh chấp ở Hoa Đông (với Nhật Bản) và Biển Đông (với các nước Đông Nam Á). Trong khi đó, cả thế giới đã được chứng kiến Putin quyết đoán thế nào trong việc sáp nhập Crimea và xử lý cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Cả hai đều tin rằng, đất nước của họ không được đối xử công bằng trong quá khứ và đều không tán thành trật tự quốc tế hiện tại.
Tuy nhiên, những điểm tương đồng không khẳng định rằng, hai nhà lãnh đạo này sẽ đơn giản sát cánh với nhau. Như người Trung Quốc thường nói, một núi không thể có hai hổ. Cả ông Tập Cận Bình và Putin đều đang theo đuổi sứ mệnh phục hưng quốc gia, nhưng hai dân tộc không cùng chung chiều dài lịch sử. Dù cả hai đều không thích trật tự thế giới kiểu phương Tây do Mỹ dẫn dắt, nhưng họ lại không chia sẻ tầm nhìn chung về cái gọi là trật tự thế giới mới.
Bắc Kinh từng không "khuất phục" Moscow thời Chiến tranh Lạnh dù cả hai chung ý thức hệ tư tưởng. Về phần mình, mặc dù đối mặt với những khó khăn to lớn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine thì người Nga cũng thể hiện rõ ràng rằng, những gì họ cần là sự ủng hộ về mặt ngoại giao của TQ chứ không phải là viện trợ kinh tế. Mặc dù cả hai nước phải đối mặt với những thách thức về mặt sắc tộc tại Chechnya và Tân Cương, nhưng nhìn nhận của TQ về Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng cũng khiến một số người Nga không tán thành.
Nghĩa là có thể nói, ông Tập Cận Bình và Putin là hai người "đồng sàng dị mộng" cùng chung mục tiêu chống phương Tây nhưng giấc mơ lại khác hẳn nhau.
Mất cân bằng thương mại và khác biệt chiến lược
Quan hệ kinh tế là nhân tố chìa khóa trong mối quan hệ Trung - Nga.
Thương mại song phương đã gia tăng đáng kể, đạt 95 tỉ USD năm 2014, nghĩa là đã rất gần với mục tiêu 100 tỉ USD năm 2015. Trong năm 2014, Nga đã ký kết thỏa thuận năng lượng 30 năm trị giá 400 tỉ USD với TQ.
Tuy nhiên, ngay cả khi mối quan hệ đang thắt chặt thì hai nước vẫn có những vấn đề tồn tại trong bản chất. Đầu tiên, thương mại Trung - Nga vẫn ở thế mất cân bằng, do hạn chế chủ yếu ở ba địa hạt dầu, khí đốt và vũ khí. EU vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Nga trong khi Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, nhưng Nga lại chỉ đứng thứ 8 với Trung Quốc và chỉ chiếm 2% tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc. Nói một cách khác, mặc dù Bắc Kinh và Moscow có thể không ưa phương Tây nhưng Trung Quốc không thể hy sinh thị trường Mỹ, còn Nga không thể từ bỏ châu Âu.
Thứ hai, các thỏa thuận năng lượng giữa hai nước không thực sự ở thế "cùng có lợi" vì những mối quan tâm chung dựa trên các lợi ích tương ứng. Cả hai nước hiểu rõ sự phụ thuộc thái quá sẽ kèm theo những tổn thương rủi ro tiềm năng.
Trung Quốc vẫn nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lương bằng cách thắt chặt hợp tác kinh tế với Trung Á - sân sau truyền thống của Nga. Trong khi đó, Nga cũng tăng cường mở rộng thị trường năng lượng sang các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Hàn Quốc và thậm chí là cả Triều Tiên. Dù cố ý hay không, thì sự hợp tác năng lượng của Nga với một số nước châu Á cũng khiến Trung Quốc cảm thấy không thoải mái về mặt chiến lược. Nga cũng rất lo ngại "vành đai kinh tế con đường tơ lụa" của Trung Quốc xuyên qua Trung Á sẽ làm suy yếu ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở khu vực này.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là giao dịch vũ khí của Nga với Trung Quốc. Chắc chắn Nga là nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng Moscow khá miễn cương trong việc chuyển giao công nghệ hiện đại cho Trung Quốc - một đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Thỏa thuận hệ thống tên lửa S-400 vào cuối năm 2014 được coi là một quyết định thiên về hướng tài chính hơn là chiến lược. Hợp tác quân sự của Nga với các nước láng giềng Trung Quốc giống như một sự răn đe, hay nỗ lực cân bằng ảnh hưởng.
Khó hòa hợp
Trung Quốc là một cường quốc châu Á với các tham vọng toàn cầu. Nga về mặt lịch sử tự coi mình là một cường quốc châu Âu dù gần đây đã khởi động trục xoay hướng về châu Á. Cả hai nước đã có một lịch sử khá chua chát. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, họ dường như tìm được động lực để liên kết chống lại bá quyền Mỹ.
Trung Quốc và Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào cuối những năm 1990 khi Mỹ duy trì hệ thống đơn cực. Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác này chỉ được coi là "trục tiện ích" trong lúc cả hai nước đều hướng tới việc cải thiện quan hệ với Mỹ kể cả lúc công khai tuyên bố chống bá quyền.
Nói một cách khác, cái gọi là quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đơn giản chỉ là công cụ ngoại giao của cả hai nước trong cuộc cạnh tranh thu hút sự chú ý từ Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.
Thời hậu đơn cực, là một cường quốc trỗi dậy, Bắc Kinh đang giành nhiều tiếng nói quốc tế và ảnh hưởng lớn hơn trong khi Moscow có vẻ lại bị mất đi, thể hiện qua các cuộc họp APEC và G20 2014. Hiện tại, cả hai nước đều có vấn đề với phương Tây, nhưng quan hệ không mấy thoải mái của họ trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cho thấy khả năng cạnh tranh chiến lược và kinh tế sẽ diễn ra ở Trung Á, và thậm chí khó hòa giải về lợi ích của hai bên trong nỗ lực khẳng định sức mạnh ở khu vực.
Lại một chương khác thăng trầm của các cường quốc, lần này là Mỹ, Trung Quốc và Nga, đang mở ra. Còn quá sớm để định nghĩa về mối quan hệ Trung - Nga là "đối tác" hay "liên minh" bởi không có bạn bè vĩnh cửu trong thế giới chính trị, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu.
Quan hệ Nga-Trung vẫn thiếu nền tảng vững chắc là sự tin cậy lẫn nhau. Chỉ khi có một mối đe dọa chung từ phương Tây mới có thể đẩy hai nước tiến gần nhau hơn trong quan hệ kinh tế, quân sự. Điều này nằm trong các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Minh Tâm (Theo Diplomat)

Du học sinh Việt giành học bổng tiến sĩ ở tuổi 21

Ngô Di Lân, du học sinh Việt Nam, vừa giành được học bổng tiến sĩ toàn phần lên đến 45.000 USD một năm của Đại học Brandeis, bang Massachussetts (Mỹ).
Lân là một trong 5 ứng viên được Đại học Brandeis cấp học bổng để hoàn thành chương trình tiến sĩ toàn phần trong 5 năm. Với học bổng 45.000 USD một năm, Lân có thể yên tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu về quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ Mỹ - Trung Quốc nói riêng.
lan1-5130-1425708528.jpg
Chàng trai cao 1m80, điển trai là gương mặt nổi bật trong cộng đồng du học sinh Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Lân chia sẻ, cảm giác khi nhận được thông báo của trường là sự vui sướng tột độ, vừa thỏa mãn, vừa tự hào vì công sức của bản thân và sự đầu tư, dạy dỗ của bố mẹ đã được đền đáp. Mặc dù đang nửa đêm ở Việt Nam, nhưng Lân vẫn gọi điện về báo tin mừng cho gia đình vì biết bố mẹ mong ngóng tin này rất lâu rồi. "Sáng hôm sau, mình lại nhận được một bức thư nữa từ nhà trường, cam kết tăng mức tiền lương hỗ trợ giảng dạy vô điều kiện. Điều đó khiến mình cảm thấy rất vui vì rõ ràng họ thực sự muốn kéo mình về Đại học Brandeis", Lân cho hay.
Một trong những lý do để Ngô Di Lân chọn Đại học Brandeis xin học bổng là môi trường học thuật và điều kiện nghiên cứu tại đây khá thuận lợi. Mỗi năm, khoa chính trị chỉ nhận 2-5 nghiên cứu sinh nên giáo sư và nghiên cứu sinh có điều kiện để trao đổi. Ở Brandeis có những giáo sư nổi tiếng đang nghiên cứu về lĩnh vực Lân quan tâm. Ngôi trường nằm rất gần hai đại học nổi tiếng là MIT và Harvard nên cậu sẽ có cơ hội để giao lưu và học hỏi từ những bạn trẻ tài năng.
Để lấy được học bổng tiến sĩ, không phải qua thạc sĩ là hành trình vượt qua nhiều khó khăn của chàng trai Hà Nội sinh năm 1994 này. Biết chắc sinh viên năm cuối sẽ gặp bất lợi hơn những ứng viên đã có bằng thạc sĩ, Lân đã phấn đấu đảm bảo rằng mình nổi trội hơn rất nhiều người, nhất là khi tỷ lệ chọi có năm lên tới 1/30. Điều này đồng nghĩa với mọi thành phần trong hồ sơ đăng ký phải gần như hoàn hảo: bảng điểm ở trường xuất sắc, điểm thi các chứng chỉ GRE và TOEFL thuộc top 10%; có thư giới thiệu từ các thầy cô uy tín.
"Quan trọng nhất là thư giới thiệu bản thân do mình tự viết và một bài viết mẫu dài 15-20 trang. Thư phải ấn tượng, lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên, phải lột tả được hết đam mê nghiên cứu bản thân và cam kết đối với công việc nghiên cứu trong vòng 5 năm tới", Lân chia sẻ.
lan2-5359-1425708528.jpg
Lân chia sẻ niềm vui khi nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần của ĐH Brandeis. Ảnh: Fb Ngô Di Lân
Trước đây, để trở thành một trong 2 đại diện của Maastricht University (Hà Lan) sang UConn (University of connecticut – top 60 đại học tốt nhất nước Mỹ) học, chàng trai đã gây ấn tượng khi viết trong thư giới thiệu: "Tôi học về quan hệ quốc tế và muốn sang Mỹ để có trải nghiệm thực sự, xem Mỹ có phải là siêu cường quốc, là thủ lĩnh của thế giới tự do như họ luôn tự nhận...".
Có bố là cán bộ ngoại giao, Ngô Di Lân may mắn được tiếp xúc với nhiều nền giáo dục quốc tế từ nhỏ. Cậu sinh sống, học tập ở Anh quốc, trở về Việt Nam học tiếp bậc trung học rồi lại sang Thụy Điển học phổ thông, sau đó thành sinh viên Maastricht University (Hà Lan). Hiện Ngô Di Lân theo học tại Mỹ trong một chương trình trao đổi sinh viên xuất sắc.
Niềm đam mê với ngoại giao và các vấn đề quốc tế cũng được Lân nuôi dưỡng từ thời thơ bé. "Cậu nhóc" Ngô Di Lân thích tranh luận đủ thứ với mọi người xung quanh và ước làm nhà ngoại giao. Khi đi học nước ngoài, cậu bắt đầu quan tâm tới hùng biện. Ngoài việc hoàn thành đầy đủ bài tập trên lớp, mỗi ngày Lân đều dành nhiều thời gian để đọc sách, báo, xem các bài diễn thuyết của những người nổi tiếng như: Winston Churchill, tổng thống Mỹ Obama, Bill Clinton...
Bản thân Ngô Di Lân khi đứng trước một vấn đề hay bài giảng luôn thử tìm "điểm yếu" và cách khắc phục. Nếu thấy kết quả thầy cô đưa ra có gì "ngờ ngợ", cậu sẵn sàng hỏi lại, dù tỷ lệ mình bị sai khá cao. "Có lần trong tiết tiếng Anh, Lân đã đứng lên nói rằng cô giáo phát âm từ mới chưa chính xác. Khi ấy, cả lớp đều bất ngờ, thấy Lân quá dũng cảm vì trước đó chưa ai dám phản pháo bài giảng của cô", Đào Khánh Vân, bạn học với Ngô Di Lân kể lại.
lan5-9713-1425708528.jpg
Lân mong muốn trở thành nhà ngoại giao xuất sắc và sẽ trở về Việt Nam cống hiến sau khi học xong. Ảnh: NVCC.
Lân cho rằng, muốn trở thành nhà ngoại giao tài năng thì ngoài vốn hiểu biết, phải là một nhà hùng biện giỏi. Cậu từng là học sinh truyền cảm hứng nhất trường cấp 3 ở Thụy Điển, giải nhì cuộc thi hùng biện ở Hà Lan, Đại sứ hội thảo danh giá tại Harvard, Mỹ…
Lần đầu tiên thi tranh luận hùng biện tại trường cấp 3 Hà Lan, Lân run lẩy bẩy vì choáng ngợp trước đám đông trong hội trường rộng lớn. Sau ít phút lấy lại bình tĩnh, cậu bắt đầu thấy thích thú khi bài diễn thuyết của mình được nhiều người lắng nghe. Cứ thế, chàng trai người Việt từ chỗ là người nói giỏi (chỉ cần nắm chắc nội dung bài thuyết trình và có tư duy lôgic tốt) thành nhà hùng biện có khả năng chạm đến trái tim, truyền cảm hứng, động lực cho khán giả.
"Lân theo đuổi sự nghiệp học thuật một cách thực sự nghiêm túc. Nhiều sinh viên nhìn nhận đơn giản về thế giới nhưng Lân đã giúp họ thấy được sự đa dạng, phức tạp mà trước đó những người này không lưu tâm đúng mức. Tôi cực kỳ ấn tượng với cách cậu ấy giúp đỡ mọi người rất vui vẻ, nhẹ nhàng. Lân thông minh, làm việc chăm chỉ và đầy cuốn hút. Cậu ấy đã chứng minh mình là một đại sứ xuất sắc cho Việt Nam", tiến sĩ Teun Dekker, giảng viên Đại học Maastricht nói.
Ngô Di Lân luôn quan niệm rằng mỗi du học sinh nên là một nhà ngoại giao văn hoá cho đất nước mình. Vì thế ngoài học tập tốt để bạn bè thế giới thấy người Việt Nam giỏi giang, cậu còn chăm chỉ tham gia các câu lạc bộ, hòa đồng với mọi người và tranh thủ "quảng bá Việt Nam". Cậu vẫn giữ quan điểm không sớm thì muộn sẽ về Việt Nam để thi vào Bộ Ngoại giao bởi niềm tin mình sẽ có cơ hội để phát huy tối đa năng lực của bản thân và đóng góp cho nước nhà.
"Con đường phía trước còn rất dài, mình không dám khẳng định chắn chắn điều gì về tương lai. Nhưng đương nhiên, lòng trung thành của mình chỉ dành cho Việt Nam", Lân nói.
Quỳnh Trang

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Chúng ta đi mà không biết đi đâu!"


Thứ Hai,  22/12/2014, 18:36 (GMT+7)
Tư Giang
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo. Ảnh TG
(TBKTSG Online) - “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thổ lộ tâm tư cá nhân như vậy tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12.
Quẩn quanh chuyện cải cách
“Việt Nam đã và đang làm nhiều để cải cách thể chế như cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, xây dựng pháp luật… nhưng có vẻ chưa đủ nên ta lại tiếp tục cải cách thể chế”, ông Dũng nhận xét.
Ông bổ sung thêm: “Tôi có cảm giác ở đâu đó vẫn thiếu cái gì đó khiến ta thấy chưa đúng, chưa đủ, chưa yên tâm, thấy vẫn cần phải đổi mới tiếp. Vậy bản chất cốt lõi là gì để chúng ta tìm được chìa khóa để cởi bỏ được, nếu không cứ cải cách lặp đi lặp lại mãi, làm mất cơ hội và thời gian của cả đất nước, nền kinh tế”.
Theo Thứ trưởng Dũng, bản chất thể chế là các quy định, thể lệ, luật chơi mà nhà nước đưa ra làm công cụ để giám sát, kiểm tra, và rồi điều chỉnh các quy định đó khi thấy không phù hợp.
“Nhưng tôi e ngại việc là chúng ta đang lạm phát các quy định, rồi quay lại điều chỉnh”.
Ông ví von, cuộc sống đang là dòng chảy, thì Nhà nước đưa ra quy định để đổ đá và be đắp làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thấy sai rồi, nhà nước bỏ đá đi, thì gọi là cải cách, hay đổi mới thể chế.
Ông Dũng đặt câu hỏi: “Như thế có phải là cải cách không? Tất cả câu chuyện như vậy ta phải nhìn như thế nào?”. Và ông tự trả lời: “Chứ cá nhân tôi thấy, nếu dòng chảy đang tốt thì chúng ta phải hướng cho dòng chảy đúng chỗ nhanh hơn, mạnh hơn, thế mới là cải cách. Chứ không thể tư duy là bỏ đống đá vào, rồi thấy vướng, lại dỡ bỏ ra là cải cách”.
Theo ông Dũng, không giống các quốc gia khác ngay từ đầu đã chọn được đường đi, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, nghĩa là trước đây đi theo một hướng, nhưng nay lại chuyển sang hướng khác.
Bên cạnh đó, với xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế nên nền kinh tế Việt Nam “có đặt thù riêng”. Làm sao để nền kinh tế này tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ tốt của thế giới mà các nước đi trước phải mất cả vài trăm năm để có.
“Chúng tôi thích những cái hay nhất của thế giới, những cái là quy luật khách quan, tự nhiên. Chúng ta phải đi theo là đúng. Nhưng Việt Nam cũng có những điều kiện riêng biệt, mà mà chúng ta phải hài hòa hóa. Cái này là cái gì?”, ông nói.
Không nên xem trọng chuyện "đặc thù"
Trả lời một phần những băn khoăn của Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói: “Chúng ta hay nói Việt Nam ta khác, Việt Nam ta đặc thù. Theo tôi, chúng ta không nên nhấn mạnh điều đó, vì nếu chúng ta nhấn mạnh sự khác biệt, thì chúng ta đã tự đẩy ra ngoài lề trong quá trình toàn cầu hóa”.
“Nếu chúng ta đặc thù, thì chúng ta nên nắn chúng ta để đi vào dòng chung, đi theo chuẩn quốc tế”, ông Cung bổ sung thêm.
Ông giải thích, nhiều ý kiến cho Việt Nam là đặc thù, vì Việt Nam nghèo, vì có chiến tranh, vì chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trên thế giới không phải chỉ Việt Nam mới có những điểm này. Hơn nữa, chiến tranh đã qua 40 năm, chuyển đổi kinh tế cũng được 30 năm.
Những năm 60 của thế kỷ trước, ông Cung nói, Việt Nam cũng tương tự như Hàn Quốc. Sang đến thập kỷ 80, Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn hai của quá trình phát triển, trong khi Việt Nam ở giai đoạn một.
“Giờ họ đã bước sang giai đoạn 3; còn ta vẫn ở giai đoạn 1”, ông Cung nói. “Đó chính là sự khác biệt của họ và ta. Vì thế, cần nhấn mạnh vào sự khác biệt này để ta thay đổi, chứ không phải nhấn mạnh mãi những sự khác biệt để du di cho đổi mới.”
Ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam chỉ ra hàng loạt các vấn đề hiện nay như nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh, thiếu sáng tạo trong kinh doanh, tăng trưởng chậm đối với khu vực doanh nghiệp nói chung, và các nhóm lợi ích có quan hệ với giới chức quyền lực giàu có nhanh nhờ có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường.
Theo giáo sư Jeong Ho Kim, Trường Chính sách và quản lý công Hàn Quốc, diễn giả chính tại hội thảo, Chính phủ Hàn Quốc đã có hàng loạt các thay đổi để có được nền kinh tế thị trường ngày nay, làm quốc gia này trở nên thịnh vượng.
Chính phủ bày tỏ thái độ tiêu cực với các chaebol ( gọi chung các tập đoàn lớn của Hàn Quốc nằm dưới sự điều khiển của một gia tộc- PV) và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cũng gỡ bỏ các luật lệ bảo hộ các ngành công nghiệp công ích như vận tải, và doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do; tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; và tăng phúc lợi xã hội.
Ông Kim cho biết, để đạt được sự thịnh vượng, Hàn Quốc phát triển dựa ba trụ cột của nước họ là chính trị đa nguyên, xã hội dân sự, và kinh tế dựa vào ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và sáng tạo cao.
Xem thêm:

20 năm bị rút mật, gấu mẹ giết con rồi tự sát

Được 1 người bạn nhờ đến trông giúp trang trại gấu trong 1 vài ngày, tôi đến biệt thự của anh ta, nằm ở Tây bắc thành phố.

20150306172212-1-642x290
Nửa đêm, tôi khó ngủ nằm trằn trọc trên căn gác nhỏ. Những tiếng gió từ núi thổi liên tục, như 1 tiếng gì đó vừa đau khổ vừa tuyệt vọng. Đột nhiên, tôi nghe thấy 1 tiếng động nhẹ, và còn có cả tiếng gọi. Tôi ngồi dậy và hỏi “ai đấy?”. Không có tiếng trả lời, sự im lặng đáng sợ bao trùm. Lấy hết dũng cảm, tôi bước ra đẩy cửa. Hóa ra ngoài cửa là 1 chú gấu con. Cái thân béo béo của nó nằm cuộn tròn lại, bộ lông mềm mềm. Nó nhìn tôi, phát ra những tiếng kêu nhỏ. “Gấu, gấu, đến nhanh”, tôi vừa gọi vừa giang tay ra, gấu con bò về phía tôi, bàn tay nhỏ đặt lên người tôi. Nó dùng cái lưỡi ấm áp liếm tay tôi.
Trời sáng, ông Trương người làm đưa tôi đi xem phòng của gấu. Tôi được đưa đến 1 nơi có kiến trúc vững trãi, rộng hàng nghìn mét vuông. Bên trong có 1 khoảng rất rộng, đặt 6 cái lồng, mỗi lồng có 1 chú gấu đen. Trên người chúng đều được đeo 1 vật gì đó phát sáng. Ông Trương nói với tôi: đó là dụng cụ để lấy mật gấu. Bây giờ giá của mật gấu là 300 tệ/gam (gần 1 triệu đồng việt nam – PV)”. Ông đưa tôi đến trước 1 cái lồng, giơ tay ra và nói “Chúng ta bắt đầu lấy mật nào”.
20150306172212-3
Tôi thấy 2 công nhân khỏe mạnh buộc chặt chân trái và chân phải của gấu, mỗi bên bụng của gấu bị kéo bởi 1 sợ dây thừng to nối với 1 ròng rọc đặc biệt. Họ bắt đầu kéo dây, bụng của gấu bị thắt dần lại, có những tiếng rên phát ra. Đột nhiên, gấu phát ra 1 tiếng gào hết sức thảm thương. 4 cánh tay của Gấu vẫn còn có không gian để cào vào mặt, miệng gấu phát ra những âm thanh ghê rợn. Những ống thép đâm vào được hạ xuống, chất màu xanh chảy ra. Những người công nhân bắt đầu thả lỏng dây thừng, tiếng gào thét vẫn tiếp tục.
Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của gấu không ngừng chảy, và cũng giống như con người nghiến răng lại, gấu đang cố chống chọi với những nỗi đau không thể nào kìm nén. Thật là kinh khủng, tôi không thể nhìn được nữa và cúi đầu bước đi. Lúc đó, tôi mới hiểu rằng, những tiếng kêu gào ban đêm tôi nghe được chính là tiếng kêu thảm thương của các chú gấu.
Ông Trương đi với tôi ra ngoài cửa, tôi run rẩy hỏi ông ta “Các ông có tình người không, đó cũng là những sinh mệnh”. Ông Trương bình thản nói đạo lý “Không có cách nào khác, chúng tôi làm thế vì cuộc sống”. Một lúc đợi cho tâm trạng ổn định hơn tôi hỏi ông ta: “Bao lâu thì lấy mật gấu 1 lần?”. Ông trả lời: “Còn phải tùy tình hình, nếu nước mật mà nhiều thì lấy 1 ngày 2 lần, ít thì 2 ngày 1 lần. Bình thường mỗi năm 1 chú gấu có thể tạo ra được 2000 gam mật, có thế lấy trong vòng 10 năm”. Tim tôi như muốn vỡ ra, 1 ngày 2 lần, 10 năm, 1 con số thật đáng sợ. Vậy có nghĩa là 1 chú gấu mỗi ngày sẽ bị dày vò 2 lần, và sẽ phải chịu đựng trong vòng 10 năm, 7200 lần đau đớn.
Tôi nói phải đi về. Ông Trương nói lát nữa phải làm tiểu phẫu cho gấu con, lúc này quan trọng không thể về, ông đại diện cho Tổng giám đốc Lưu, ông về rồi, có chuyện gì ai dám chịu trách nhiệm. Tôi đành phải tiếp tục theo ông ta về phòng của gấu. Theo tiếng gọi của ông ta, 4 người công nhân trói gấu lại.
Chú gấu nhỏ nhìn mọi người với ánh mắt sợ hãi, khi ánh mắt nó nhìn tôi, có gì đó như muốn cầu cứu. Mắt tôi cũng bắt ướt, lúc đó, nó như quỳ trước mặt tôi… Ông Trương ra lệnh bắt đầu tiểu phẫu, chú gấu thất vọng ôm đầu… Những tiếng thét lại bắt đầu… Đó là những tiếng thét đau thương nhất trên thế giới mà tôi đã từng nghe.
Cũng vào lúc đó, cảnh tượng bất thường đã xảy ra, chú gấu to trong lồng thét lên 1 tiếng và nhảy dựng lên. 4 người công nhân đang giữ gấu con hoảng sợ. Tôi lúc đó cũng lặng người ra, chân như cứng lại, một bước cũng không thể chuyển động được. Nhưng chú gấu to không hề để ý tới sự tồn tại của tôi và mấy người xung quanh, chạy nhanh đến trước gấu con, dùng bàn tay của mình để tháo sợi dây nhưng không thể nào gỡ được. Nó chỉ có thể hôn gấu con, ôm gấu con vào lòng, dùng lưỡi để liếm những giọt nước mắt đang chảy của gấu con, kêu nhẹ nhẹ như để an ủi đứa con yêu thương của mình. Gấu con không ngừng gọi mẹ và kêu cứu, cứu mẹ và cũng để cứu chính mình.
Đột nhiên, gấu mẹ kêu lên những tiếng kêu điên dại, dùng bàn tay của mình bóp chặt lấy cổ gấu con, vừa hét vừa dùng sức… cho đến khi thân thể của gấu con trở nên mềm oặt và ngã xuống, gấu mẹ mới thả lỏng tay ra. Nó nhìn đứa con của mình chết đi mà không ngừng thét lên những tiếng kêu đau đớn, con à, mẹ không thể cứu con, nhưng mẹ không thể để cho con tiếp tục phải chịu đau đớn. Gấu mẹ tự cào rách người mình, rồi cố gắng kéo những ống sắt trong người mình ra, máu cứ thế tuôn chảy. Gấu mẹ lại hét, những tiếng hét như điên cuồng và ngã xuống. Tôi tê liệt cả người, bản thân tự hỏi không biết làm thế nào để thoát khỏi cái phòng gấu đầy tàn bạo này.
Suốt ngày hôm đó, đầu óc tôi tràn ngập những cảnh tượng man rợ. Lòng tôi tự hỏi: hành động của gấu mẹ có phải là vì tình mẫu tử? Tôi nghĩ đúng là như vậy, là sự không thể chịu đựng thêm nữa của tình mẫu tử. Vào giờ đó, lúc đó, gấu mẹ không còn cách nào khác phải giúp con mình giải thoát khỏi nỗi đau khổ như địa ngục mà nó phải chịu đựng suốt 20 năm.
Có những chú gấu không thể chịu đựng được nỗi đau khổ của việc mỗi ngày lấy mật đã tự sát. Để phòng tránh việc này, con người đã tạo ra giáp sắt, gắn lên người gấu. Toàn thân gấu không thể cử động, trừ cái đầu. Khi bị lấy mật, động tác duy nhất gấu có thể làm đó là không ngừng lắc đầu. Những chú gấu bị nhốt trong lồng thời gian dài nhất là khoảng 22 năm. Không được chuyển mình, không được đứng thẳng, chỉ có thể đau!!! Không có cây cối, không có mặt trời, cũng không có bóng tối!!! Không có tự do, chỉ có nỗi đau.
Do những vết thương lúc lấy mật không thể nào lành lại được, cũng không bao giờ hồi phục, do nỗi đau bị dày vò trong nhiều năm, rất nhiều gấu bị ung thư, và đa số là bị ung thư gan. Không những thế, một số người cho rằng chân gấu là mỹ vị của dân gian, mà lòng bàn chân được cắt từ cơ thể sống được cho là có mùi vị ngon nhất. Những chú gấu tội nghiệp trước khi được cứu ra ngoài còn bị con người chặt 2 bàn chân.
Câu chuyện trên được ghi lại tại trại nuôi gấu lấy mật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối này cũng không hiếm, khi những chú gấu bị đánh bắt, nuôi trộm để rút mật đem bán. Hơn đâu hết, Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp mật gấu-ngành kinh doanh độc ác phát triển.
Mai Phương. Kênh13. infor