Nhiệt điện 5 tỷ USD sát TP.HCM: Nếu công nghệ Trung Quốc...
(Công nghệ) - Trung Quốc chỉ có công nghệ rẻ và chất lượng kém. Trong khi Nhật Bản công nghệ hiện đại nhưng đến nay cũng không làm nhiệt điện.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường cao
Theo thông tin trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến các địa phương gồm Long An, TP.HCM và các Bộ ngành liên quan về địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An.
Trong một cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, UBND tỉnh Long An cho rằng địa điểm phù hợp nhất để xây nhiệt điện Long An là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (vị trí thứ hai) vì phù hợp với quy hoạch của Long An. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Tổng cục Năng lượng.
|
Hai vị trí dự kiến quy hoạch trung tâm điện lực Long An. Ảnh: Thời báo KTSG |
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm trên, UBND TP.HCM đã không đồng tình với việc xây dựng nhiệt điện Long An tại xã Phước Vĩnh Đông huyện Cần Giuộc vì nhiều hạn chế về mặt bằng. Ngoài ra, vị trí trên nằm bên bờ hữu sông Soài Rạp ngay sát ranh địa bàn TPHCM đang dấy lên mối lo ngại về nguy cơ không khí ô nhiễm phát tán đến thành phố.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng những lo ngại trên của TP.HCM hoàn toàn có cơ sở.
Theo GS Bá, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện từ lâu nay luôn tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Trung Quốc một quốc gia gần Việt Nam đã dừng không phát triển nhiệt điện vì mức độ ô nhiễm quá cao. Trong khi Nhật Bản vốn có công nghệ hiện đại, tiên tiến cũng đã chuyển hướng sang tập trung phát triển năng lượng sạch và tái tạo thân thiện với môi trường.
Với vị trí đặt nhà máy nhiệt điện tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, Long An, ông Bá cho rằng nguy cơ không khí ô nhiễm phát tán đến TP.HCM cần phải xem xét, đánh giá thận trọng.
“Khu vực trên rất gần TP.HCM. Nếu hướng gió Đông Nam thổi vào thì tất cả khói, bụi, ô nhiễm của nhà máy đặt tại Long An sẽ làm cho cả vùng quận 7, quận 8, quận 5 và khu vực trung tâm bị ảnh hưởng. Vì vậy theo tôi nên hạn chế tối đa việc hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Trong tổ hợp nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL, hầu như tỉnh nào cũng có nhà máy nhiệt điện. Nếu ở Long An và TP.HCM lại có 1 nhà máy nữa thì ghê gớm quá, không biết ảnh hưởng sẽ như thế nào”, ông Bá lo ngại.
Đặc biệt, vị chuyên gia lưu ý, Việt Nam đã bị thế giới cảnh báo sẽ trở thành 1 trong những quốc gia ô nhiễm nặng, chỉ đứng sau Trung Quốc. Do đó nếu tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện than thì nguy cơ trên sẽ ngày càng đến gần hơn.
“Mức độ ô nhiễm của Việt Nam có thể sẽ hơn cả Trung Quốc. Do đó việc này phải hết sức thận trọng”, ông Bá cảnh báo.
Cùng đưa ra quan điểm, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường nhận định, hiện nay các nhà máy nhiệt điện thường nằm ở vùng ven biển, nhất nhà những chỗ thuận lợi về nguồn nước. Tuy nhiên vị trí trên cũng ẩn chứa nhiều mối lo về môi trường nếu chúng ta không kiểm soát tốt.
“Việc TP.HCM phản đối thì cũng có lý của họ. Có thể khí sẽ bay về tới TP.HCM. Thực tế khi xây nhà máy nhiệt điện ngoài những nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ra thì nguy cơ phát tán khói bụi cũng nhiều.
Bằng chứng là, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 dù chúng ta có kiểm soát nhưng người dân vẫn kêu vì bụi. Ngoài bụi từ ống khói thì bụi còn sinh ra trong quá trình vận chuyển than, tro xỉ, vận chuyển vật liệu đi ra đi vào. Nếu chúng ta kiểm soát tốt thì có thể không vấn đề gì nhưng nếu kiểm soát không tốt thì có thể bay ra cả hàng chục km”, ông Sỹ cảnh báo.
Sử dụng công nghệ gì?
Một vấn đề khác được GS Lê Huy Bá đề cập đến đó là công nghệ dùng trong việc xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Long An.
Theo vị chuyên gia, nếu Việt Nam sử dụng công nghệ của rẻ của Trung Quốc thì mức độ ô nhiễm còn nguy hiểm hơn.
“Trung Quốc chỉ có công nghệ rẻ và chất lượng kém. Trong khi Nhật Bản công nghệ hiện đại nhưng đến nay cũng không làm nhiệt điện nữa. Họ đi vào công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo... Nếu ở khu vực của Long An làm điện gió, điện sóng thì tôi hoan nghênh còn làm nhiệt điện thì tôi rất lo ngại”, ông Bá khẳng định.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, PGS.TS Phùng Chí Sỹ tiết lộ, bản thân ông có đọc và tìm hiểu về quy hoạch điện của Việt Nam tầm nhìn phát triển đến năm 2020-2030.
Theo ông Sỹ, trong những năm tới, chúng ta vẫn phải phát triển nhiệt điện. Đặc biệt nhiệt điện đốt than vẫn chiếm tỷ trọng cao vì giá rẻ và đáp ứng được nhu cầu của sản xuất cũng như người dân.
Đối với nhà máy nhiệt điện dự kiến xây dựng tại Long An, ông Sỹ khẳng định chưa nắm được công nghệ của quốc gia nào. Nếu sử dụng của Nhật Bản thì Việt Nam có thể yên tâm hơn vì quốc gia này được biết đến làm nhiệt điện rất tốt. Tuy nhiên với công nghệ Trung Quốc, ông Sỹ cho rằng, mức độ đảm bảo, độ tin tưởng không cao.
“Không phải vì phát triển nhiệt điện ô nhiễm mà chúng ta không làm. Vấn đề quan trọng cần chú ý đó là sử dụng công nghệ và nguồn nguyên liệu gì.