Thế trận của Nga tại Ukraine là không thể đảo ngược!
- Thế trận của Nga tại Ukraine là thế trận buộc chính phủ mới thành lập phải tan rã hoặc buộc lãnh thổ Ukraine bị chia cắt.
Phe đối lập cùng với Mỹ và EU chưa kịp ăn mừng chiến thắng thì họ như chết đứng, tê liệt phản ứng khi bán đảo Crimea hoàn toàn bị “lính lạ” làm chủ trong chớp nhoáng.
Toàn bộ quân đội, Hải quân Ukraine trên Crimea hoàn toàn bị thúc thủ và chính quyền cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố muốn sát nhập vào Liên bang Nga.
Còn nhớ trong chiến dịch ném bom của NATO vào Serbia, sau 78 ngày thì Belgrade phải nhượng bộ. Tại Kosovo, lực lượng Serbia được thay bằng quân của NATO và Liên hợp quốc, nhưng NATO rất bất ngờ khi đã có đại đội đặc nhiệm Nga cũng có mặt sẵn ở đó không biết từ khi nào. Như vậy, lúc đó dù Nga không là gì so với bây giờ, nhưng họ đã tỏ ra rất nhạy và rất nhanh trong tạo thế. Đúng là phong độ thì nhất thời nhưng đẳng cấp là vĩnh viễn. Đừng đùa với hổ, báo trong bất kỳ tình huống nào.
Với Nga, Ukraine đoạn tuyệt với Nga để theo EU và Mỹ, tùy, nhưng bán đảo Crimea thì không. Ukraine làm gì cũng mặc, nhưng ít nhất cũng không được chống lại Nga…Tất cả các mục tiêu đó là mục tiêu bắt buộc tối quan trọng trong chiến lược an ninh nước Nga. Nếu Ukraine rơi vào các tình huống trên thì Kremli chỉ việc thực hiện theo kế hoạch tình thế đã vạch sẵn.
Thế và thế trận của Nga với EU-Mỹ tại Ukraine
Trong quân sự, thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện và xu thế vận động, phát triển của các bên tham chiến. Thế có thế chủ động và thế bị động, thế tiến công và thế phòng ngự, thế bao vây chia cắt và thế bị vây hãm, bị cô lập, thế phát triển và thế suy thoái... Tổng hợp các thế đó tạo thành thế mạnh và thế yếu, thế thắng và thế thua…
Như vậy, tại Ukraine, Nga có thế chủ động, thế bao vây, thế phát triển, còn lực lượng đối lập và EU-Mỹ thì thế bị động lúng túng đối phó, thế suy thoái.
Do đó về mặt quân sự, tại Ukraine, Nga đã thắng thế, chính phủ mới Kiev, NATO, Mỹ không thể làm gì. Tình thế là không thể đảo ngược được bởi những lý do sau:
Một là, Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên NATO không thể can thiệp bằng quân sự để hỗ trợ chính phủ mới Kiev. Tuy nhiên, dù quy định của NATO cho phép khối can thiệp quân sự vào các quốc gia ngoài thành viên đi chăng nữa thì họ cũng không dám xung đột quân sự với Nga. NATO chẳng dại điều quân đến khu vực mà Nga đã chiếm cứ, dàn trận đợi sẵn. Xung quanh hoạt động quân sự của Nga tại Grudia năm 2008 đã chứng minh điều đó.
Hai là, Mỹ đã không còn sức để “bao sân” như trước đây mà đang dồn sức tập trung lực lượng cho chiến lược châu Á-TBD. Mỹ sẵn sàng can thiệp quân sự bởi cái đảo đá Senkaku nhưng can thiệp quân sự vào Ukraine thì không. Lợi ích quốc gia của Nga tại Ukraine là 10, là “lợi ích cốt lõi” thì Mỹ chỉ là 1, cho nên, quyết tâm của Nga là bằng mọi giá, trong khi Mỹ thì…việc gì phải đâm đầu vào khối quyết tâm đó, châu Á-TBD mới là “lợi ích cốt lõi” của Mỹ. Mỹ thực dụng, thông minh cả thế giới đều biết.
Ba là, rốt cuộc, giáng trả vào Nga của EU-Mỹ chỉ là lĩnh vực không thuộc quân sự, đó là kinh tế. Nhưng Nga cóc cần quan tâm vì thiệt hại kinh tế mà Nga phải gánh chịu không là gì so với “lợi ích cốt lõi” tại Ukraine, Nga đủ sức chịu đựng, trong khi EU và Mỹ còn phải hạch toán xem lời lỗ như thế nào bởi nếu sự thiệt hại kinh tế của họ khi cấm vận Nga quá lớn so với cái được từ chính phủ mới dựng lên ở Kiev thì…xin lỗi nhé, sống chết mặc bay.
Cuối cùng là, cứ cho là Nga đã xâm lược, chiếm Cộng hoà tự trị Crimea của Ukraine thì chính phủ mới thành lập muốn dùng máu của EU để giải phóng Crimea? Hoang tưởng. Chính họ, quân đội của họ phải làm việc đó, nhưng quân đội Ukraine dưới sự chỉ huy của Tổng thống đương nhiệm đã làm dược gì?. Đất nước bị suy thoái, Chính phủ thì không kiểm soát được đất nước, quân đội thì tan rã, mất sức chiến đấu…thì đòi lại Crimea bằng cách nào?
Tại Ukraine, Nga vừa có thế lại có lực lại có mưu kế sẵn cho nên tạo ra một thế trận vô cùng thuận lợi để phát triển theo ý đồ chiến lược của Kremli.
Thế trận của Nga tại Ukraine là thế trận buộc chính phủ mới thành lập phải tan rã hoặc buộc lãnh thổ Ukraine bị chia cắt.
Hai cuộc tập trận lớn của Nga tại biên giới Nga-Ukraine cùng với lực lượng thân Nga ở 9 tỉnh miền Đông và Crimea của Ukraine đã làm cho chính phủ mới Kiev không một chút hy vọng gì về miền Đông cho cuộc chiến tranh chống lại Nga. Chắc chắn Nga không muốn khu vực miền Đông Ukraine ly khai gia nhập vào Nga, trừ Crimea, nhưng điều Nga muốn là khu vực này sẽ gây áp lực mạnh mẽ với chính phủ mới Kiev, là một thành phần không thể thiếu trong chính phủ tương lai mà Nga chấp nhận.
Về an ninh năng lượng, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga hôm 7/3 tuyên bố sẽ đóng van cung cấp khí đốt tự nhiên như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2009 nếu chính phủ Kiev không trả nợ 1,89 tỷ USD cho họ, trong khi đó chính phủ mới Kiev tuyên bố là phải cần ít nhất 35 tỷ USD để cứu nền kinh tế sụp đổ.
Tranh biếm họa: Đường ống khí đốt chạy ngang qua gầm bàn làm việc của Tông thống Nga V.Putin với chiếc van đóng mở nằm ngay trên mặt bàn. |
Vậy là với thế và thế trận Nga đã tạo ra và triển khai như trên thì chắc chắn chính phủ mới Kiev (chính phủ mà Nga không thừa nhận) hoặc là phải đầu hàng hoặc sẽ trở thành nạn nhân của một cuộc cách mạnh tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian.
Rồi đây, Nga, EU và Mỹ sẽ thống nhất để Ukraine có một chính phủ mới mà cả 3 bên đều chấp nhận được, nhưng, có một chữ nhưng to tướng ở đây là vấn đề Crimea thì đã quá muộn với Ukraine, với Mỹ và EU.
Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine
Trước hết, NATO là sản phẩm của chiến tranh lạnh còn tồn tại đến bây giờ, tuy nó đã vài lần thể hiện sức mạnh vào các cuộc không kích, đánh “hội đồng” vào Apganixtan, Libia, Irac…nhưng với Nga là không có tác dụng. Chiến tranh giữa NATO với Nga là một cuộc chiến không có kẻ thắng.
Cho nên việc NATO, đứng đầu là Mỹ cứ cố mở về phía Đông để làm gì đó Nga là vô ích. Nước Nga không bao giờ “tự ngã” như Liên Xô trong một thế giới đã toàn cầu hóa sâu sắc như ngày nay thì NATO chỉ là “bóng ma quá khứ”.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á, vì vậy, xoay trục sang châu Á-TBD mới là tương lai của nước Mỹ và giới quan sát chẳng mấy khó khăn khi dự đoán hành động của Mỹ tại Ukraine.
Thứ hai là có một thực tế trên thế giới mà ai cũng phải buộc thừa nhận là “luật rừng”, kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Mỹ-EU và Nga hay Trung Quốc đều như nhau cả thôi, có điều họ tố cáo lẫn nhau vì quyền lợi, lợi ích quốc gia của họ khác nhau.
Nga có những việc cần phải làm và nên làm để bảo vệ an ninh quốc gia và công dân của Nga. Có điều nếu Ukraine yếu kém, mục nát thì họ thắng lợi dễ dàng, còn nếu như Ukraine có một chính phủ mạnh…thì họ gặp khó khăn hơn buộc họ phải “tính toán 2 lần”, thế thôi.
Nếu giả sử chúng ta ủng hộ Nga, nhiều người lo ngại rằng sẽ tạo ra một tiền lệ cá lớn nuốt cá bé? Vấn đề là những “con cá bé” đó làm sao không để bị nuốt và nếu “cá lớn” giở trò nuốt thì nuốt không trôi, bị trả giá đắt không chịu đựng nổi, “cá lớn” mới không dám nuốt, chỉ lúc đó thì “cá bé” mới tồn tại, chỉ lúc đó chính nghĩa mới được thế giới để tâm đến, nghe thấy.
Vì an ninh, chủ quyền quốc gia, Việt Nam chẳng sợ bất kỳ ai và sẽ sẵn sàng hành động hết mọi khả năng có thể để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Theo Lê Ngọc Thống (Đất Việt )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét