Trang

15 tháng 1, 2014

‘Mỹ không để yên cho TQ tung hoành’

Hoa Kỳ nhất thiết không thể để yên nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp áp đặt bằng sức mạnh để đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển ở Đông Á, các nghị sỹ nước này lên tiếng trong một phiên điều trần hôm thứ Ba ngày 14/1, hãng tin Mỹ AP cho biết.
Trong một diễn biến khác, đại sứ Philippines ở Washington đã chỉ trích sự ‘hung hăng’ của Trung Quốc và kêu gọi Việt Nam cũng như các quốc gia có tranh chấp chủ quyền khác trên Biển Đông, làm theo Philippines là thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bằng cách kiện ra tòa quốc tế.
Việc Bắc Kinh tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông bao trùm các hòn đảo có tranh chấp với Nhật Bản và quy định tàu thuyền nước ngoài phải xin phép khi đánh cá trong hầu hết Biển Đông đã làm sâu sắc thêm các quan ngại rằng việc nước này vươn lên như một cường quốc khu vực có thể làm phát sinh đối đầu.
Do đó, các hạ nghị sỹ Mỹ phụ trách chính sách với châu Á và sức mạnh hải quân đã mở một phiên điều trần để xem xét Mỹ sẽ phản ứng như thế nào.

‘Hung hăng một cách nguy hiểm’



Hạ nghị sỹ Cộng hòa Steve Chabot gọi hành động của Trung Quốc là ‘hung hăng một cách nguy hiểm’ và nhận xét rằng nước này đang muốn từng bước chiếm các hòn đảo có tranh chấp bằng sức mạnh tăng dần với ‘hy vọng sai lầm rằng Nhật Bản, các nước đông nam Á và Hoa Kỳ phải cắn răng mà chịu’.
Hạ nghị sỹ Dân chủ Ami Bera kêu gọi Hạ viện đưa ra một thông điệp của cả hai đảng rằng ‘các động thái đe dọa và khiêu khích của Trung Quốc để khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ là không thể chấp nhận được’.
Hạ nghị sỹ Cộng hòa Randy Forbes nói Mỹ cần phải ‘tuyệt đối không dung thứ cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và việc nước này liên tiếp dùng đến biện pháp áp đặt bằng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực’.
Các nhà lập pháp Mỹ thường có lập trường không khoan nhượng trên các vấn đề đối ngoại hơn chính quyền. Tuy nhiên, ý kiến của họ phản ánh quan ngại rộng rãi ở Washington về ý định của Bắc Kinh khi họ đang thách thức vị thế quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương vốn đã có hàng chục năm qua cũng như việc Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc vẫn luôn nói rằng họ chỉ có ý định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và rằng họ muốn Mỹ đứng ngoài những tranh chấp mà nước này không liên quan.

Tàu cá Trung Quốc ra khơi ngoài đảo Hải Nam

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nói việc Mỹ phản ứng trước các động thái của Trung Quốc như thế nào sẽ là thước đo cho hiệu quả của việc chuyển hướng sang châu Á của chính quyền Obama và các nước trong khu vực đánh giá sức mạnh của Mỹ trong khu vực như thế nào.

Manila chỉ trích

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. nói với các phóng viên ở Washington vào tối ngày 13/1 rằng Manila muốn có quan hệ tốt với Bắc Kinh nhưng hành động của Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của họ là ‘không thể chấp nhận’.
Đại sứ Cuisia cho biết để tránh khả năng xung đột, nước ông đã yêu cầu các ngư dân tránh vào các vùng biển mà Trung Quốc đã yêu cầu phải xin phép để chờ Bắc Kinh làm rõ hơn về quy định này.
Manila đã làm Bắc Kinh nổi giận khi đưa yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Ông Cuisia cho rằng đây là ‘cách hợp pháp và hữu nghị’ để giải quyết bất đồng và rằng ông cũng ủng hộ Việt Nam làm theo ý tưởng này.

Theo BBC

13 tháng 1, 2014

Tổng giám đốc IAEA: Phải thông tin cho người dân biết về điện hạt nhân

Duy Thanh - Văn Kỳ
Tuổi Trẻ
clip_image002

“Nhà máy điện hạt nhân là dự án khổng lồ nên không thể hoàn hảo mà chắc cũng có vấn đề này nọ. Phải thông tin cho người dân biết những vấn đề như vậy và nêu rõ giải pháp xử lý như là sự cam kết để người dân yên tâm”.
Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano (thứ hai từ trái qua) thị sát địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - Ảnh: Duy Thanh
Đó là phát biểu của ông Yukiya Amano - tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - khi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận và Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngày 10-1. Ông Amano cho rằng chính quyền cần minh bạch mọi thông tin, sự cố... liên quan đến nhà máy điện hạt nhân để công chúng biết.
Cùng ngày, ông Amano cũng đến thị sát vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Theo ông Amano, VN cần thiết lập một cơ quan pháp quy, độc lập về an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, đồng thời cần có bước chuẩn bị thật tốt cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân chứ không thể vội vàng. “Để ngăn chặn tai nạn nghiêm trọng thì khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo được nhà máy đó có đủ khả năng chống đỡ được các sự cố động đất, sóng thần, núi lửa” - ông Amano nhấn mạnh.
D.T. – V.K.

Điện nguyên tử, điện hạt nhân: Cái chết đang lặng lẽ đến nhưng nhiều người Việt vẫn không hay biết



Mới đây trên mạng YouTube xuất hiện một clip phóng sự do một phái đoàn của tổ chức Phi Chính Phủ của Nhật (NGO) thực hiện 
Ông Ngô Khắc Nhẫn - một cán bộ đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, hội trưởng Hội Người Cao Tuổi tại địa phương nơi sẽ bị di dời nếu dự án vẫn được tiến hành, được phân công đi Nhật tham quan học hỏi nhà máy điện nguyên tử/hạt nhân, đã bộc bạch (từ thời điểm phút 14:30 của clip video YouTube):
 Vì sao ngươi VN không hiểu điện hạt nhân là gì?
- “Trước đây người ta nói nhà máy điện hạt nhân thì người dân cũng thấy lo sợ. Hồi đó đến giờ có biết “hạt nhân” là gì! Nhưng sau khi các ông bên trên về giải thích thế này thế khác thì dân cũng an tâm. Bởi vì nói “hạt nhân” chớ có nói về “nguyên tử” đâu mà sợ chết!”
- "Hạt nhân không phải nguyên tử! “điện hạt nhân không phải điện nguyên tử, có phải là bom nguyên tử đâu mà sợ chết”.

St

Sự tàn độc của bệnh thành tích


Nguyễn Văn Thạnh
 Chúng ta thỉnh thoảng nghe về hiện tượng ngồi nhầm lớp. Nhiều em học lớp 7-8 nhưng trình độ thì chưa đến lớp 3. Chúng ta ai cũng biết đây là bệnh thành tích của ngành giáo dục và nhiều người cũng nghĩ chỉ có ngành giáo dục mới có bệnh này.

Nếu chịu khó suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy nhiều điều từ căn bệnh giáo dục kinh niên này.


Trước hết, chúng ta thấy rằng, nạn nhân thê thảm nhất là học sinh. Họ bỏ phí cả quãng đời mười mấy năm để “trôi” từ lớp nhỏ lên lớp lớn mà không được gì. Học trong cảm giác không hiểu, không biết gì quả là một cực hình. Lâu dần, sẽ hình thành nhân cách người học sinh này vừa lỳ lợm, bợm bãi nhưng lại rất mất tự tin, không bao giờ dám có chính kiến của mình. Những học sinh thất bại này rất có thể là mầm mống cho băng đảng giang hồ, côn đồ hoàng hành xã hội. Hậu quả nhỡn tiền tiếp theo là xã hội, đất nước bị kém phát triển, tội phạm,…

Vấn đề đặt ra, tại sao người giáo viên, một người được xã hội thừa nhận đức độ lại làm việc hại chính học trò của mình vậy?

Chúng ta biết rằng, mỗi giáo viên, mỗi lớp, mỗi trường, mỗi tỉnh,… đều có mức đo thành tích để thi đua. Nếu không đạt thành tích về học sinh khá, giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp,… thì giáo viên, lãnh đạo trường, thậm chí là lãnh đạo (giáo dục) tỉnh đó cũng bị mất thi đua, bị khiển trách, bị không tăng lương, bãi chức,…

Con người làm gì cũng phải có mục tiêu. Qui định thành tích cũng không có gì xấu. Thậm chí là cần thiết, vì nếu không đưa ra chỉ tiêu thành tích thì lấy gì để đo đếm, thúc đẩy người giáo viên làm việc?

Tuy nhiên, đó là nghĩ xuôi, nếu nghĩ ngược thì sẽ rất bất ổn, thậm chí là ẩn chứa một mầm họa. Khi học sinh không đạt thành tích đề ra, người giáo viên đứng trước hai lựa chọn: đánh giá đúng sự thật và mình bị khiển trách, giảm lương,… hoặc nâng học sinh lên để có thể đạt hoặc vượt thành tích. Có thể một vài giáo viên chấp nhận thiệt hại về mình để sống đúng lương tâm, trách nhiệm nhưng trong một hệ thống thì vấn nạn bệnh thành tích là không gì kiểm soát nổi.

Tôi có quen một chị giáo viên, chị tâm sự trong chua chát “trước chị cứ thẳng tay mà làm, học được bao nhiêu, chị cho điểm bấy nhiêu. Kết quả lớp chị dạy rất bết bát, chị bị lãnh đạo khiển trách, bản thân chị lương, thưởng, thi đua,… mất hết. Chưa nói, các lớp dưới cũng vì thành tích, cho lên lớp nhiều em không biết gì. Nếu cứ thẳng tay có khi hơn nửa lớp ở lại. Sống đúng lương tâm không phải khó nữa mà là không thể,…”. Nói mà giọng chị rưng rưng, ngậm ngùi.

Thời gian qua, tôi liên tục bị chuyển nhà (bản mới, xin xem ở đâyhttp://danquyen.org/, loạt bài số 5), thậm chí đi thuê nhà cũng rất khó khăn. Nhiều chủ nhà đồng ý, nhưng khi quay lại họ lại lắc đầu. Thậm chí nhiều chủ nhà đã ký hợp đồng, nhận tiền, nhưng khi đưa giấy tờ để họ đi đăng ký tạm trú thì sau đó họ lại lắc đầu, xin lỗi và trả lại tiền.

Tôi tin vào bản chất tốt đẹp của con người, dù ngành nghề nào cũng có người này người nọ. Đà Nẵng rộng lớn không lẽ không có chốn dung thân? Nghĩ vậy nên tôi kiên trì tìm nhà. Càng tìm tôi càng thấy bế tắc, thất vọng. Những ngày mưa gió, thấy nhiều gia đình ấm êm, mình lang thang đi tìm nhà mà lòng chua chát.

Không lẽ cả Đà Nẵng vô cảm thế sao? Không lẽ công an Đà Nẵng có thể che hết bầu trời ở đây?

Cuối cùng tôi nhận ra một sự thật: “tất cả những đơn vị công an, những công an khu vực đều khoán thành tích là địa bàn mình phụ trách không có “đối tượng”. Nếu để địa bàn mình có đối tượng thì sẽ cắt thi đua, không nâng lương, thậm chí là sa thải”.

Rõ ràng sự khoán thành tích này rất tàn độc, nó đẩy con người ta phải ra tay sát phạt nhau hết nước trong vô tình. Các nhân viên an ninh trước hết vì bản thân mình, gia đình mình mà triệt hạ ngay “đối tượng” như tôi khi họ đến cư trú trên địa bàn mình. Dùng công cụ luật pháp không được thì dùng trò bẩn: hăm dọa, gây sức ép chủ nhà, theo dõi rình rập, hay khi chủ nhà mang giấy tờ nhân thân vợ chồng tôi đến đăng ký thì tung tin hù dọa họ…

Lang thang trong cái lạnh, mưa lất phất đi tìm nhà trong trạng thái tuyệt vọng (vì biết rằng vì thành tích, các nhân viên an ninh cũng sẽ làm cho chủ nhà đuổi mình đi), trong tiếng gió, tôi như nghe tiếng rên xiết ai oán của những nạn nhân của vụ cải cách ruộng đất năm xưa. Họ cũng là nạn nhân của sự tàn độc của bệnh khoán thành tích. Năm đó lệnh trên qui định 5% địa chủ. Nhiều làng nghèo xác xơ, lấy đâu ra địa chủ giờ? Không đủ 5% thì qui tội thiếu nhiệt tình cách mạng, bao che hay không kiên định lập trường cách mạng,… và số phận sẽ rất thê thảm. Không còn lựa chọn, các đội cải cách cứ phải nọc dân ra bắn cho đủ 5%, nhiều nhà có mỗi một con bò cũng qui vào thành phần địa chủ. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu ai oán từ căn bệnh thành tích 5%?

Tôi biết sự tàn độc của nó, tôi biết mình không thể một mình bẻ gậy chống trời. Có nhân viên an ninh hứa với vợ tôi là sẽ giúp tìm nhà với điều kiện tôi yên lặng và họ còn giúp tôi có một công việc thu nhập tốt. Tại sao tôi không chọn con đường đó?

Tôi thấy dân tộc này nhiều bi thương quá. Họ tự đẩy mình vào thảm cảnh, họ đưa ra những chính sách, những mức thành tích tưởng như tốt đẹp nhưng sự thật nó lại gây họa, nó làm cho người lương thiện không thể trở nên lương thiện. Nó làm cho người có tâm với đất nước phải vất vưởng đi tìm nhà trong mưa gió. Nó làm cho người tử tế phải nói “chị hiểu em, chị biết việc em làm là tốt, nhưng chị xin lỗi, chị không giúp gì được em…”. Nó làm cho nhân viên chấp pháp ăn lương dân, thay vì bảo vệ dân thì phải “truy kích” dân bằng mọi giá.

May mắn được trời cho một trí tuệ “khá ổn”, tôi lại chọn im lặng trong cảnh bi thương của đất nước, liệu có ổn không?

Đà Nẵng 13.1.2014

Sẽ xử thêm đại án tham nhũng

- BTTD chỉ tin khi lời nói đi đôi với việc làm. Xử là cần thiết, nhưng quan trọng là kết quả xử thế nào ?

Tổng bí thư cho hay sẽ xem xét đưa thêm một số vụ án, vụ việc vào diện Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2014.
Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, TTXVN ngày 12/1 đăng tải phỏng vấn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trả lời câu hỏi "Gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, đã bị xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Phải chăng đây là bước quyết liệt hơn trong việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 khóa XI về xây dựng Đảng?", Tổng bí thư nhấn mạnh: Sau gần một năm được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị và đi vào hoạt động, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng bước đầu đã làm được một số việc.
Bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng được kiện toàn với việc tái lập Ban Nội chính từ TƯ tới địa phương. Bảy đoàn công tác đã được cử tới các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả các cơ quan tư pháp TƯ để kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm.
Tổng bí thư, tham nhũng, nghị quyết TƯ 4
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội ngày 28/9/2013. Ảnh: Minh Thăng
"Ban chỉ đạo đã thúc đẩy việc xử lý, giải quyết một số vụ tham nhũng tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ban đã quyết định đưa 8 vụ án, 2 vụ việc vào diện Ban theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2013 và sẽ xem xét đưa thêm một số vụ án, vụ việc khác vào diện Ban theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2014", Tổng bí thư cho biết.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt.
"Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực", ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng bí thư cũng nhận định: Tham nhũng như ung nhọt nhức nhối, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm; lãng phí về của cải, tiền bạc, tài nguyên, thời gian, công sức... Nghị quyết TƯ 4 khóa XI về xây dựng Đảng ra đời chính là nhằm phòng, chống cho được tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm, hư hỏng, suy thoái biến chất trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý...
Theo ông, việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng đã giúp mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những tiêu cực, sai phạm. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên đã có nhiều việc làm thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Ở TƯ, đó là việc xây dựng một loạt cơ chế, chính sách, quy chế, quy định nhằm phát huy mặt tích cực, xây dựng mặt tốt và ngăn ngừa, hạn chế những mặt xấu, tiêu cực. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; mở lớp bồi dưỡng cho các ủy viên TƯ khóa XI, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn; ban hành Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định những điều đảng viên không được làm; quy định việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên...
Nhiều địa phương đã rà soát, điều chỉnh, thu hồi các dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm... Nhiều cơ quan, đơn vị đã có sự đổi mới, cải tiến về việc sử dụng xe công, tổ chức hội nghị, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc... Hay như đi công tác địa phương, đã cắt giảm lễ nghi, hình thức, tập trung vào làm việc thực chất hơn... 
Tổng bí thư nói: Những việc làm đó dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, rất cần thiết, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình. Nhân dân mong muốn: Đã là cán bộ, đảng viên thì phải luôn gương mẫu, tự rèn giũa mình, gần gũi gắn bó với dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, lắng nghe, học hỏi nhân dân, từ những việc cụ thể, nhỏ nhất.
Trong khi mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, thì việc tiếp tục thực hiện thật tốt ba vấn đề cấp bách và bốn nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa sống còn, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng tầm lãnh đạo đất nước - ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Theo TTXVN

Đất nước cần động lực phát triển mới

 Chiều 13/1, thảo luận tại hội nghị UB TƯ MTTQ Việt Nam, GS Tương Lai lưu ý đến việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra nguồn động lực mới để phát triển.


Ông Đặng Văn Khoa, ủy viên UB MTTQ TP.HCM nhận định: Tham nhũng có mặt ở các cấp và trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, đất đai, xây dựng, văn hóa, giáo dục, y tế, thậm chí cả trong giảm nghèo cũng có tham nhũng.

Ông Khoa cũng nêu 2 tâm trạng của người dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, gồm cả sự tin tưởng lẫn nỗi thất vọng.
cải cách thể chế, tham nhũng, GS Tương Lai, Đặng Văn Khoa, MTTQ
Ông Đặng Văn Khoa: Sự tin tưởng vẫn còn
Theo ông Khoa, người dân thất vọng vì những gì được đưa ra xử lý thực chất chỉ là một phần nhỏ.

Tuy nhiên, sự tin tưởng vẫn còn. Bởi các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã có những tuyên bố không thể mạnh mẽ hơn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Thời gian qua, người dân đã nhìn thấy những tín hiệu hành động rõ rệt.

Sự tin tưởng, theo ông Khoa, còn đến từ một yếu tố khác: Nhân dân tin rằng Đảng biết rất rõ tham nhũng ở đâu, tham nhũng ở ai, cách nào để tham nhũng và cách nào trị tham nhũng. Đảng đã lãnh đạo nhân dân và mang lại những chiến thẳng chói lọi trong lịch sử, vì thế Đảng không thể để một bộ phận không nhỏ tha hóa xuống cấp, làm suy giảm lòng tin, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Đổi mới thể chế để diệt tham nhũng
Phát biểu sau ông Khoa, GS Tương Lai nói cần trị thật nghiêm tham nhũng, phải quyết liệt đến cùng với các vụ đại án tham nhũng và đẩy tới một cách công khai minh bạch cuộc đấu tranh chống tham nhũng là việc phải làm. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải dám chỉ ra một cách thật sòng phẳng: Cội nguồn của tham nhũng là ở đâu?

“Quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Chừng nào còn duy trì quyền lực tuyệt đối (quyền lực không có sự kiểm soát) thì chừng ấy không thể thanh toán được tham nhũng. Cho nên, đổi mới thể chế chính là chữa tận gốc tham nhũng”, GS Tương Lai nhấn mạnh.
cải cách thể chế, tham nhũng, GS Tương Lai, Đặng Văn Khoa, MTTQ
GS Tương Lai: Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế
Theo GS Tương Lai, thể chế chính trị hiện đại phải dựa vào cặp “song sinh” (là dân chủ và nhà nước pháp quyền) để chống tham nhũng.

Bởi dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải.

Đánh giá những sự kiện lớn diễn ra trong thời gian qua “biểu hiện khá tập trung và rõ nét diện mạo đời sống đất nước”, GS Tương Lai băn khoăn đó liệu có phải là “một ngọn gió lành thổi vào đời sống đất nước vì nó đáp ứng được những chất chứa bức xúc trong tâm trạng xã hội”?

Có thể nói những sự kiện ấy là những đợt sóng cồn dội vào tâm trạng xã hội vốn chứa chất nhiều bức xúc. Người lãnh đạo phải chủ động đáp ứng những đòi hỏi bức xúc ấy nhằm giải tỏa tâm trạng của quần chúng nhân dân, tạo ra một động lực mới thúc đẩy xã hội đi tới. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã thể hiện rõ điều đó - GS nói.

Đất nước cần động lực mới

GS Tương Lai đặc biệt lưu ý đến việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân để tạo ra nguồn động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Theo ông, nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là ĐH XI của Đảng.

Nhưng trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại, xã hội có không ít những vấn đề bức xúc.

Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc đất nước cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Có thể nói, đây là nhân tố quyết định đưa đất nước vượt qua những trì trệ yếu kém hiện nay - vị GS nhấn mạnh.
  • Cẩm Quyên

Thủ tướng trả lời chất vấn về việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành

 - Nói quỹ đất không còn để mở rộng sân bay, tại sao vẫn có hàng trăm ha đất để làm sân golf trong khu vực sân bay TSN và Gia Lâm ? Phải chăng sân golf quan trong hơn sân bay ?

Thủ tướng trả lời chất vấn về việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành


Thủ tướng Chính phủ đã trả lời bằng văn bản chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương về đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Trong Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, Đại biểu Đỗ Văn Đương có đặt ra câu hỏi "Vì sao có sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất và vì sao Sân bay Biên Hòa, Cần Thơ và một số sân bay khác còn hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả lại đầu tư Sân bay Long Thành". 

Trả lời câu hỏi này, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết theo đề nghị của các Bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp(như nhiều nước đã làm), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch các sân golf nói trên, quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động bình thường của sân bay và phù hợp với Quy hoạch chung của hai Thành phố. Thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất. Trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường.

Về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm kinh tế và có nhu cầu vận tải hàng không lớn nhất của cả nước, đòi hỏi phải có cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trung chuyển quốc tế và nội địa. 
Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340 m). Do đó, việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi. Mặt khác, vị trí rất gần với Sân bay quân sự Biên Hòa nên việc sử dụng đồng thời 2 sân bay sẽ bị hạn chế bởi năng lực của vùng trời, đặc biệt là khi tần suất khai thác ngày càng tăng cao.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng bổ sung cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cả nước. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai các thủ tục lập Báo cáo đầu tư để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua thì mới triển khai các thủ tục kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện.

Được biết, nhiều cử tri Tp.HCM không hài lòng với dự án sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng sân bay Long Thành...

Theo ý kiến của người dân, sân golf nên làm ở nơi đất xấu, xa dân, vì tốn nhiều nước tưới, sử dụng thuốc diệt cỏ dại, thuốc trừ sâu gây độc hại cho nguồn nước ngầm. Thêm vào đó, sân golf chiếm  đất quá lớn và sẽ gây nguy hiểm cho máy bay lên xuống. Theo người dân, đất sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng quản lý, vì vậy, nếu sử dụng không hết hoặc làm xong nhiệm vụ thì bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Tại sao lại giao cho công ty thuê 50 năm? 

Về dự án sân bay quốc tế Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam làm chủ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng cần dừng việc xây dựng sân bay Long Thành thời điểm này cho đến khi có nhu cầu. Nguyên nhân được đưa ra là số tiền xây dựng đầu tư rất lớn, trên 13 tỷ USD, gây lãng phí trong điều kiện đất nước còn khó khăn. 

Bên cạnh đó, sân bay ở nước ta còn quá nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Có nhiều sân bay quốc tế chưa sử dụng hết như sân bay Cần Thơ, mỗi năm chỉ được vài chuyến bay, hay sân bay Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh cũng chưa sử dụng hết công suất. Cho nên, nhiều người cho rằng xây dựng sân bay Long Thành bây giờ là lãng phí, sẽ ‘trùm mềm” như hải cảng.

Lan Anh (Lược ghi)
Theo Trí Thức Trẻ

'Phải dùng luật thay ngoại giao với TQ'


Cập nhật: 18:39 GMT - chủ nhật, 12 tháng 1, 2014
Quan hệ Việt - Trung
Nhà nghiên cứu nói đàm phán VN về chủ quyền Hoàng Sa qua ngoại giao 'không hiệu quả'
Việt Nam không thể trông chờ vào biện pháp 'ngoại giao' vốn dựa trên 'nhân nhượng', cố giữ 'hòa hiếu' khi đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông từ tay Trung Quốc, theo một chuyên gia công pháp quốc tế và luật biển từ Hà Nội.
Các động thái ngoại giao trong suốt nhiều năm qua tỏ ra 'không hiệu quả' khi vẫn không thể buộc Trung Quốc trao trả lại chủ quyền trên hai quần đảo này cho Việt Nam, theo PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Trưởng Bộ môn Công pháp Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.TQ đòi xin phép là 'phi pháp'
Trao đổi với BBC hôm 12/01/2014, Phó Giáo sư Diến, người tham gia nhiều chương trình, đề tài, dự án cấp quốc gia về pháp lý chủ quyền cho VN nhấn mạnh trong tình hình Trung Quốc quyết 'phớt lờ' và 'coi thường' các 'nguyên tắc cơ bản' của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước luật biển 1982, Việt Nam phải 'cương quyết' hơn và sử dụng 'con đường pháp lý.'
Ông nói: "Ngoại giao chỉ là một kênh thôi, còn đất đai lãnh thổ là quyền thiêng liêng, vô giá. Đấu tranh bằng ngoại giao để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ chỉ là một kênh, mà thường ra không hiệu quả, theo quan điểm của chúng tôi là không hiệu quả,
"Việt Nam có thể đưa vụ việc ra trước LHQ, nặng hơn, chúng ta (VN) có thể đưa ra trước bất kỳ một cơ quan tài phán quốc tế nào, Tòa án Luật Biển, rồi Trọng Tài theo phụ lục 7 Công ước Luật Biển 1982, Trọng Tài Đặc Biệt theo mục 8 (Công ước 1982), hoặc trước bất kỳ một cơ quan trọng tài nào"
PGS. TS. Nguyễn Bá Diễn
"Nếu mà cứ căn cứ vào kênh ngoại giao để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thì xem chừng không cẩn thận lợi bất cập hại, nó chỉ là một kênh."
Ông giải thích: "Chủ quyền quốc gia là vấn đề tối thượng, một thành tố vật chất để tồn tại quốc gia, mà ngoại giao tức là nhân nhượng, là thương lượng và đàm phán, cho nên người ta khó mà làm được chuyện đó (đòi chủ quyền)."
Luật gia tin rằng con đường duy nhất đấu tranh đòi chủ quyền hiệu quả của Việt Nam là dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông gợi ý: "Việt Nam có thể đưa vụ việc ra trước Liên Hợp Quốc, nặng hơn, chúng ta (VN) có thể đưa ra trước bất kỳ một cơ quan tài phán quốc tế nào, Tòa án Luật Biển, rồi Trọng Tài theo phụ lục 7 Công ước Luật Biển 1982, Trọng Tài Đặc Biệt theo mục 8 Công ước Luật Biển 1982, hoặc trước bất kỳ một cơ quan trọng tài nào."

'Con đường dứt điểm'

Theo PGS Nguyễn Bá Diến, vì hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng 'ngang ngược', việc đàm phán ngoại giao sẽ 'không dễ dàng' và Việt Nam sẽ buộc phải dùng biện pháp khác mà ông hy vọng là hữu hiệu hơn.
Ông nói: "Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép 40 năm qua, Việt Nam đã bao nhiêu lần đề xuất đàm phán, thương lượng, nhưng phía Trung Quốc từ chối, ví dụ như vậy và sau này họ còn ngang ngược đánh chiếm thêm một số đảo, thí dụ sự việc năm 1988."
"Rõ ràng là việc thương lượng đàm phán trong vấn đề lãnh thổ, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa không dễ dàng.
"Trung Quốc rõ ràng đã đánh chiếm, xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 40 năm qua rồi, nhưng... ngày càng cố tình phớt lờ yêu sách đòi hỏi trả lại (chủ quyền) của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, bằng thương lượng, từ chối."
Chuyên gia khẳng định: "Thế cho nên chỉ có con đường pháp lý, chỉ có con đường chính trị quốc tế, pháp lý quốc tế mới có thể giải quyết một cách thỏa đáng, dứt điểm được vấn đề này,
PGS. TS. Nguyễn Bá Diến
Ông Diễn nói VN có 'thừa chứng cứ' để đòi chủ quyền HS-TS, nhưng còn phải nhà nước quyết định.
"Mà tôi nghĩ không chỉ có vấn đề tranh chấp ở trên Biển Đông mà trên thực tiễn ở Đông Nam Á, người ta cũng đã đưa tranh chấp của Malaysia với Singapore, rồi Malaysia với Indonesia, người ta cũng đã đưa ra Tòa án Quốc tế và ngay cả (vụ) Đền Preah Vihear của Thái Lan và Campuchia người ta cũng đưa ra Tòa án Quốc tế đấy chứ.
Phó Giáo sư Diến cho hay hiện có hai luồng quan điểm trong nước về việc Việt Nam nên đưa vụ đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Quốc ra sao.
Ông nói: "Có người nói bây giờ đã quá muộn rồi, Việt Nam không đưa vụ việc này ra cơ quan tài phán quốc tế, trước tổ chức quốc tế, ít nhất là Liên Hợp Quốc, như thế cũng là quá muộn rồi," nhà luật học nói.
"Nhưng cũng có quan điểm cần tính toán, cân nhắc, và cũng cần xem xét thái độ của Trung Quốc, bởi vì Việt Nam vẫn muốn giữ hòa hiếu với Trung Quốc, chưa muốn làm căng với Trung Quốc."

'Còn chờ thời cơ?'

Chuyên gia pháp lý khẳng định Việt Nam hiện đã có 'quá thừa' những căn cứ pháp lý, lịch sử để đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chính quyền vẫn còn chưa quyết định đưa ra tài phán quốc tế.
"Cái này còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc, tham vọng của Trung Quốc, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và thứ hai nữa là còn tùy thuộc vào ý chí chính trị của Việt Nam"
PGS. TS. Nguyễn Bá Diến
Ông nói: "Xin khẳng định một điều là Việt Nam có quá thừa những căn cứ pháp lý, cũng như có đầy đủ căn cứ lịch sử, nói cách khác là có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển được quy định của luật pháp quốc tế, cụ tể là Công ước Luật biển 1982,
"Việt Nam có đầy đủ những căn cứ, những bằng chứng để chứng minh đòi lại, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng một cách trái pháp luật bằng vũ lực."
Giải thích về việc vì sao chính quyền Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa quyết định thưa kiện Trung Quốc dùng vũ lực tấn chiếm Hoàng Sa và nhiều đảo khác ở Trường Sa, trên Biển Đông, ra tài phán quốc tế.
Ông Diến nói: "Cái này còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc, tham vọng của Trung Quốc, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và thứ hai nữa là còn tùy thuộc vào ý chí chính trị của Việt Nam.
Nhà luật học cho rằng có thể Việt Nam đang đợi tới một thời điểm chính trị thuận lợi, như một thời cơ thuận lợi để tung ra hồ sơ lên tài phán quốc tế, nhưng ông cũng lưu ý:
Ngư dân Việt Nam
Ngư dân VN có thể bị ảnh hưởng lớn bởi quy định mới về vùng đánh cá của TQ trên 2/3 Biển Đông
"Tuy nhiên tính toán như thế nào cũng là một vấn đề, bây giờ hay sau này, cái đó cũng phải có sự cân nhắc tính toán kỹ lưỡng."

'Trung Quốc lấn tới'

Nhân dịp này, chuyên gia cũng lên tiếng bình luận về việc BấmTrung Quốc mới đây đưa ra quy định mới gọi là "Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp" của Trung Quốc dưới danh nghĩa văn bản dưới luật của tỉnh Hải Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Theo quy định này, người nước ngoài và tàu cá nước ngoài 'tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính…'. PGS Nguyễn Bá Diễn nói với BBC:
"Đương nhiên là theo quy định luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật biển 1982 thì quy định của TQ về cái yêu cầu hay đòi hỏi các quốc gia cũng như tàu thuyền của các nước khi vào vùng đánh cá, không chỉ vùng đánh cá mà vào vùng biển khoảng 2/3 diện tích Biển Đông phải có giấy phép, như là một sự tuân thủ nhà cầm quyền TQ, thì như thế là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước về Luật biển 1982 rồi."
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị
Hôm thứ Sáu, 10/1/2014, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị cũng đã có phản ứng trên truyền thông trong nước.
Ông Nghị được dẫn lời nói: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực."
Trước đó, hôm 03/1/2014, nhìn lại công tác đối ngoại năm 2013 và nêu trọng tâm đối ngoại trong năm mới của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông BấmPhạm Bình Minh, trên truyền thông trong nước, đã đề cập xử lý quan hệ với Trung Quốc trên Biển Đông.
"Về vấn đề Biển Đông, trong năm 2013, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông. Trong năm 2013, một mặt chúng ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại các biện pháp ngăn cản ngư dân của chúng ta trên các vùng biển của Việt Nam...", ông nói với trang mạng của Đài Tiếng Nói Việt Nam.

Ai cũng đi làm trễ 1, 2 phút thì đất nước mãi nghèo


Nếu cứ giữ tư tưởng, lề thói tiểu nông khi làm việc cho một công ty nước ngoài thì đến bao giờ đất nước Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu?

Những gì đã xảy ra trong vụ hỗn loạn tại nhà máy Samsung, Thái Nguyên, ắt hẳn đã để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ. Tại sao tại một nhà máy được xem là đi đầu trong lĩnh vực công nghệ lại có thể xảy ra tình trạng trên? Do sự thiếu kinh nghiệm, lỏng lẻo trong việc quản lý của các cấp lãnh đạo hay sự nông nổi của công nhân viên nơi đây?
Trong bài viết này tôi sẽ không bàn đến vấn đề ai đúng, ai sai và quy kết trách nhiệm cho bất kì một bên nào mà điều quan trọng là những bài học rút ra sau vụ việc thương tâm trên.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ẩu đả xảy ra ở nhà máy Samsung vào sáng 9/1 là do công nhân đi làm muộn nhưng vẫn cố chen vào dẫn đến xô xát với bảo vệ.
Kết quả có đến 11 bảo vệ và 2 công an bị thương, 22 xe máy và 3 container bị đốt cháy.Ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng, đó là chỉ riêng số xe máy, chưa kể những tổn thương về người và 3 container kia.
Thiết nghĩ, một việc “bé” không đáng “xé ra to” như vậy nhưng người ta lại khiến nó trở thành một cuộc hỗn chiến, gây sát thương cho nhiều người. Chắc chắn, vụ việc này sẽ còn được nhắc đến và trở thành vấn đề bất cập trong cung cách ứng xử giữa con người với nhau.
Sau khi nguyên do ẩu đả được đưa ra, hầu hết mọi người đều nói rằng chuyện đi trễ là điều hết sức bình thường của người Việt trong cuộc sống hiện nay. Người ta còn bao biện cho cuộc loạn đả ấy rằng sinh viên đi trễ, công nhân, viên chức đi muộn là “chuyện thường ngày ở huyện”, hà cớ gì bảo vệ phải gay gắt như vậy?
Hàng loạt những phân tích, trách móc... được đưa ra  nhằm đổ hết lên đầu những nhân viên bảo vệ. Tôi không bênh vực cho họ, tuy nhiên nếu ai cũng giữ trong đầu thứ tư tưởng “đi trễ một chút cũng chẳng sao” thì thử hỏi đến tận bao giờ đất nước Việt Nam mới khá lên được?
Nếu vẫn giữ lề thói tiểu nông trong khi đang làm việc tại một công ty nước ngoài thì các bạn đừng trách vì sao Việt Nam ta mãi nghèo, cuộc sống còn khó khăn và mãi than vãn vì sao tôi làm việc quanh năm suốt tháng nhưng vẫn chưa dư dả tiền bạc.
Có rất nhiều công ty, nhà lãnh đạo kêu trời, phàn nàn về việc công, nhân viên đi làm trễ, kể cả viên chức nhà nước cũng vậy. Ai cũng cho rằng đến sớm cũng chẳng để làm gì, chậm một, hai phút có chết ai đâu và đương nhiên điệp khúc đi muộn ấy diễn ra hết ngày này qua tháng khác.
Nếu một, hai người đi trễ thì lực lượng bảo vệ có thể châm chước cho qua nhưng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đi trễ thì thử hỏi nơi đó có còn là một công ty nữa hay không? Xin thưa, nếu vẫn giữ lề thói ấy thì không khác gì bạn đang ra vào một cái chợ.
Đúng vậy, nếu đã đi chợ thì bạn không cần phải coi trọng giờ giấc mà thích đi lúc nào cũng được, chẳng ai cấm cản và cũng chẳng một cá nhân nào có quyền lên tiếng. Nhưng ở đây, người ta đang làm việc cho một công ty nước ngoài, mà ai cũng biết các công ty nước ngoài bao giờ cũng coi trọng quy định về giờ giấc.
Đã là quy định thì nhân viên nên tuân theo, công nhân cũng vậy mà bảo vệ cũng vậy. Công nhân là người làm công ăn lương thông qua sản phẩm mà họ tạo ra và bảo vệ cũng nhận lương thông qua việc hướng cho công nhân thực thi những nguyên tắc, quy định mà công ty đã đề ra.
Ai có công việc của người nấy, nếu bảo vệ làm không tốt thì nhà quản lý có quyền khiển trách, thậm chí sa thải họ. Dù rằng có những nguyên nhân bất khả kháng khiến cho nhân viên đi làm trễ, nhưng nếu ngày nào cũng vậy, người nào cũng thế thì bảo vệ có quyền không cho vào. Tuy nhiên, bảo vệ nơi đây cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống mới xảy ra tình trạng trên.
Tôi thấy xót xa khi có nhiều người bị thương trong vụ ẩu đả trên, biết bao nhiêu con người đang sống dựa vào họ, vợ con của những nhân viên bị thương ấy sẽ sống ra sao trong khi tết đang cận kề? Vì sao họ có thể coi rẻ mạng sống con người đến vậy?
Nếu không may một trong những người bị thương có mệnh hệ gì liệu những người công nhân trên có thanh thản để sống tiếp phần đời còn lại mà không một lần cảm thấy cắn rứt lương tâm hay không?
Sau vụ việc này, tôi mong sẽ không bao giờ có tình trạng như vụ nhà máy Samsung, Thái Nguyên xảy ra, trên hết là bản thân mỗi người nên tự ý thức được hành động của mình. Nếu cố gắng đi làm đúng giờ chẳng ai có quyền nói gì các bạn hết. Bởi vậy, hãy chấp hành quy định khi là nhân viên tại một cơ quan nào đó.
Tống Thu Thảo