‘Ăn đong’ năm một
Không có kịch bản dài hơi, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang tính toán cho ngắn hạn và tương lai của nền kinh tế kém đa dạng này khá bất ổn.
Chính phủ Nga vừa thông qua ngân sách cơ bản 2016. Theo đó, ngân sách 2016 dù đã thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn sẽ thâm hụt tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các nguồn chính để bù đắp thâm hụt vẫn là Quỹ dự phòng. Bản ngân sách sẽ được đệ trình lên Duma quốc gia Nga vào ngày 25/10.
Bộ Tài chính Nga cũng đã lập kế hoạch vay nội địa gần 20 tỷ USD trong năm 2016 và có thể sẽ phát hành trái phiếu để vay nước ngoài khoảng 2 tỷ USD, thấp hơn so với con số 7 tỷ USD trong các năm trước đó.
Trên CNBC, dự báo của Bộ Tài chính Nga cũng cho thấy, nền kinh tế Nga có thể suy giảm 3,8% trong năm nay dưới sức ép của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong năm 2016, dự báo nền kinh tế Nga chỉ tăng trưởng dương trở lại từ quý II với giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Tuy nhiên, Bộ Phát triển kinh tế Nga cũng chuẩn bị một kịch bản bi quan cho trường hợp giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng, khi đó lạm phát sẽ ở mức 8,3%, GDP sẽ suy giảm ở mức âm 1%. Đầu tư vẫn là lĩnh vực đáng lo ngại của Nga. Hầu hết các kế hoạch đều bị hoãn lại dài hạn do kinh tế gặp khó khăn.
Như vậy, thay vì lên kế hoạch cho 3 năm liên tiếp, Nga hiện chỉ tính năm một, trước hết cho năm 2016. Chính phủ Nga không đưa ra các dự báo cho hai năm tiếp theo 2017 và 2018. Ngoài ra, giá dầu trung bình cho ba năm gần đây cũng không được lấy làm cơ sở để dự trù chi phí tối thiểu của ngân sách.
Trước đó, chính quyền Putin cũng đã có nhiều biện pháp để đảm bảo thắt chặt chi tiêu, giảm thâm hụt ngân sách. Cuối năm 2014, Tổng thống Putin đã ra lệnh không trả lương trong một năm cho công chức ở các văn phòng nhà nước, gồm cả chính quyền tổng thống trong bối cảnh đồng rúp mất giá và giá dầu tụt giảm.
Đầu 2015, ông Putin cũng ra lệnh cắt giảm 10% lương của ông và các bộ trưởng cũng như nhiều quan chức hàng đầu nhà nước. Lệnh cắt giảm sẽ được kéo dài cho đến cuối năm 2015 và có thể gia hạn thêm đến năm 2016.
Tương lai đầy thách thức
Gần đây, khá nhiều quan chức Nga lạc quan cho rằng, nền kinh tế nước này đã chạm đáy và kinh tế Nga sẽ tăng trưởng dương trở lại vào 2016. Tuy nhiên, sự suy giảm nghiêm trọng của đầu tư trong nước cho thấy một thực tế giới DN nước này vẫn còn nhiều e ngại về triển vọng của nền kinh tế nước này.
Trên Bloomberg, một số DN cho rằng, nền kinh tế Nga có thể sẽ có cuộc suy thoái kéo dài nhất trong gần 2 thập niên. Trong hai lần suy thoái trước, kinh tế Nga đã có sự phục hồi nhanh chóng, quay trở lại tăng trưởng chỉ trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, lần này thì khác. Và đây là lý do nhiều DN phải gác lại kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Á cũng như Đông Âu có thể tác động tiêu cực lâu dài tới nền kinh tế Nga.
Cũng theo các dự báo trên Bloomberg, kinh tế Nga có thể phục hồi trong năm tới nhưng tốc độ tăng trưởng của Nga sẽ rất chậm. Tỷ trọng của Nga trong GDP toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Những thành quả tăng trưởng mạnh trong 15 năm cầm quyền của ông Putin có thể sẽ tan cùng mây khói.
Một vấn đề quan trọng đối với Nga là dầu khí. Giá dầu vẫn ở vùng thấp kỷ lục, khoảng 45 USD/thùng. Theo dự báo mới nhất của OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng chậm hơn so với dự báo trước đó. Sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc và các nước khu vực Mỹ Latinh sẽ khiến nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng chậm lại.
Nỗ lực duy trì sản lượng để giữ thị phần của OPEC trong bối cảnh việc sản xuất dầu từ đá phiến ở Mỹ khiến giá dầu giảm 60% trong nửa cuối 2015 và hiện vẫn dao động xung quanh ngưỡng 45 USD/thùng. Nền kinh tế nhiều nước được hưởng lợi, nhưng đây là đón chí mạng đối với các nước OPEC và Nga…
Giá dầu giảm cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga lao đao. Cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm cùng với nỗ lực hiện đại hóa quân đội và tham gia vào các điểm nóng địa chính trị trên thế giới nhằm khẳng định sức mạnh Nga trên trường quốc tế đang khiến ngân sách nước này càng gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, một trong những mục tiêu quan trọng của Nga là: đưa nền kinh tế và ngân sách chính phủ Nga bớt phụ thuộc vào dầu thô. Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng sử dụng nguồn thu từ dầu thô và khí đốt trong ngân sách đã giảm xuống còn 43%, so với mức 52% vài năm trước. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách cho năm 2016 vẫn dựa trên dự báo dầu 50 USD/thùng. Rủi ro dầu xuống 40 USD vẫn khá cao, nhất là trong bối cảnh phương Tây lo ngại về sức mạnh quân sự của Nga thông qua các đợt tấn công vào IS trong những tuần qua.
Trong khi đầu tư trong nước suy giảm, theo Bộ Tài chính Nga, các dòng vốn vẫn đang tiếp tục chảy khỏi nước này do niềm tin của các NĐT suy giảm. Mức thoái vốn năm nay có thể chỉ rơi vào khoảng 65 tỷ USD, thấp bằng một nửa so với dự báo hồi đầu năm. Tuy nhiên, sự thui chột của các động lực cho nền kinh tế Nga có thể khiến nước này phục hồi chậm chạm sau suy thoái. Sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi trong đó có Trung Quốc cũng sẽ khiến cho tương lai của một nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khi Nga càng trở nên mờ mịt.
Các dự án lớn như hệ thống khí đốt Dòng chảy phương Nam nhằm dẫn khí sang bán cho châu Âu đã phải hoãn lại. Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ qua Thổ Nhĩ Kỳ sang Hungary cũng đã ngưng trệ do căng thẳng giữa Kremlin và Ankara.
V.Minh