Trang

27 tháng 2, 2013

Sự thật và công lý


1. TBT Nguyễn Phú Trọng nói về sửa đổi Hiến pháp:
-  "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?"
- "Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?”
- "không để một số cá nhân lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc, bịa đặt, chống đối Đảng, Nhà nước ta".
2. Phát biểu với các lãnh đạo thành phố Hà Nội sáng 27/2/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói:
-  “tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước, cái đó là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn.”
- “Bản lấy ý kiến là bản của ủy ban dự thảo Hiến pháp công bố, trên cơ sở tiếp thu thảo luận của Quốc hội.”
- “Đó là bản duy nhất. Còn anh tự tổ chức lấy ý kiến khác của anh, là không được,”
3. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, người cũng là Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hồi cuối tháng 12/2012:  nói:
-  "Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.
- "Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả."
4. Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (báo GD và XH) trả lời TBT Nguyễn Phú Trọng:
- “ Bằng tất cả sự tôn trọng với người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
 Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.
 Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?
 Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…  đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái. Ông đương kim tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.
Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
4.1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
4.2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
4.3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4.4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
4.5- Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tức đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại”.
5. Thông cáo của báo Gia đình & Xã hội sau bài viết của Nguyễn Đắc Kiên:
-  "Anh Nguyễn Đắc Kiên (nguyên phóng viên) vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng Kỷ luật của Báo Gia đình & Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên".
- "Hiện nay anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật với các hành vi của mình."
Đâu là công lý?
Kết luận là của các bạn!
Phạm Hải

26 tháng 2, 2013

Du tình



Nguyệt choàng khóm trúc ôm thật êm
Trúc say nàng xõa lá bên thềm
Trách ai tạc cảnh bồng lai ấy
Để khách đa tình phải trắng đêm.

Độc Cô Lãng Tử

25 tháng 2, 2013

Dự án bauxite: Chỉ có lỗ nặng!

Các chuyên gia nhận định như vậy khi nói về tính hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên. Sau khi các cơ quan thông tin đại chúng đồng loạt phản ảnh về tính hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên, ngày 24-2, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã phản hồi.
Vi phạm nguyên tắc cơ bản
Vinacomin cho biết đến nay, mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo quy hoạch là Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng (công suất 650.000 tấn alumin/năm) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông (công suất 650.000 tấn alumin/năm). Cuối năm 2012, Nhà máy Alumin Tân Rai đã chạy thử, Nhà máy Alumin Nhân Cơ dự kiến giữa năm 2014 sẽ cho ra sản phẩm. Dự báo, đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án cảng đã được phê duyệt là năm 2020: 17,5 triệu tấn, năm 2025: 27 triệu tấn và năm 2030: 37 triệu tấn.
Theo ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, các dự án sản xuất hydroxide nhôm­, alumin, điện phân nhôm khác đều không đúng tiến độ là do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ và giá khoáng sản thấp. “Mặt khác, do các vấn đề phức tạp về công nghệ, kỹ thuật, môi trường khi đầu tư xây dựng các dự án này nên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch bauxite cho phù hợp” - ông Chiều nói.
Dù thừa nhận sai lầm về xây dựng cảng Kê Gà nhưng Vinacomin vẫn cho rằng việc dừng đầu tư dự án này không ảnh hưởng đến 2 dự án bauxite - alumin do có các cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép như Gò Dầu, Phú Mỹ… “thế chân”.
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm - Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), cho biết giai đoạn 1998-2001, tổng công ty đã nghiên cứu dự án khai thác bauxite - nhôm Tây Nguyên và dự kiến công suất ban đầu là 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng nảy sinh là vận tải. “Chưa có nơi nào trên thế giới vận chuyển 600.000 tấn alumin/năm ra cảng bằng ô tô trên quãng đường dài như vậy. Cách tốt nhất là vận chuyển bằng đường ống hoặc đường sắt thì mới có hiệu quả nhưng không hiểu sao Vinacomin lại vẫn dùng đường bộ?” - ông Ban đặt vấn đề.
Ngay cả người của Vinacomin là TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, cũng đã nhiều lần phản đối phương thức vận chuyển bằng đường bộ. “Một nguyên tắc cơ bản trong ngành khai khoáng là vận chuyển sản phẩm không quá 10 km, trong khi quãng đường từ Tân Rai xuống cảng là 260 km, còn từ Nhân Cơ cũng cả trăm km thì chỉ có lỗ nặng” - ông Sơn nhận định.
Phải kiểm toán giá thành
Trước hàng loạt câu hỏi của giới chuyên môn về tính hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên, lãnh đạo Vinacomin thanh minh rằng Nhà máy Alumin Tân Rai đưa ra sản phẩm đầu tiên với mức dưới 340 USD/tấn là do bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và giá các khoáng sản nói chung trên thế giới đều giảm. “Không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên” - ông Chiều phản ứng.
Tiếp tục bảo vệ dự án của mình, lãnh đạo Vinacomin đưa ra đề tài nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ “đã có kết quả ban đầu khích lệ, khả năng thành công lớn” của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) mới đây (Báo Người Lao Động đã thông tin). “Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, Vinacomin tin chắc giá alumin sẽ tăng” - ông Chiều khẳng định. Sở dĩ có sự tự tin này là do Vinacomin căn cứ trên dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA. Theo đó, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 sẽ dao động trong khoảng 300 USD/tấn đến 640 USD/tấn, trung bình ở khoảng 450 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo thông tin mà các chuyên gia Ngân hàng Societe General (Pháp) đã trả lời trên báo chí, năm 2012, sản lượng nhôm trên thế giới vượt nhu cầu 1,4 triệu tấn và tiếp tục vượt 1,1 triệu tấn vào năm 2013. Tồn kho nhôm trên sàn London đã lên mức kỷ lục là 5,177 triệu tấn. Đáng lưu ý, thay vì nhôm đến tay các nhà sản xuất (xe hơi, vỏ hộp…) thì hầu hết lại đến tay cộng đồng các nhà đầu tư và ngân hàng đầu tư - những người đang ôm hàng chờ tăng giá.
Theo Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ), khoảng 65%-75% nhôm tại nhà kho của sàn London thuộc sở hữu của giới đầu tư. Hiện tượng này càng trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, khi nhu cầu nhôm vật chất giảm mạnh và các nhà sản xuất buộc phải tìm những phương án khác để tăng vốn lưu động. Citigroup dự báo giá nhôm sẽ đạt trung bình 2.100 USD/tấn trong năm 2013, trong khi Societe General dự báo con số này sẽ khoảng 2.185 USD/tấn.
TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng mức giá bán 450 USD/tấn hay có thể lên thêm nữa không phải vấn đề chính mà là giá thành 1 tấn alumin mà Vinacomin sản xuất ra là bao nhiêu? “Vinacomin đang lập lờ, che đậy mức giá thành tính đúng, tính đủ trên 1 tấn alumin bởi hàng loạt chi phí chưa được tính hết, nhất là chi phí vận tải. Cần có cơ quan kiểm toán độc lập về giá thành alumin ở Tây Nguyên” - ông Sơn kiến nghị.
Cố làm thì môi trường lãnh đủ!
Ông Trần Văn Chiều cho rằng quyết định đầu tư 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai là căn cứ vào tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế, đồng thời đã tính đến mức độ rủi ro. Nhà máy Alumin Nhân Cơ được khởi công ngày 28-2-2010, hiện đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%. “Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ có sản phẩm vào giữa năm 2014 nên quyết định ngừng là không thực tế” - ông Chiều quả quyết.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, không chỉ mối họa môi trường mà bài toán kinh tế đã quá rõ để Vinacomin nghiêm túc xem xét Nhà máy Alumin Tân Rai, nếu thực sự có hiệu quả thì mới làm tiếp Nhà máy Alumin Nhân Cơ. “Nếu không có hiệu quả mà cố làm thì lỗ lại càng lỗ mà môi trường thì lãnh đủ” - ông Sơn cảnh báo.
Theo Thế Dũng (Thứ 2, 25/02/2013,Cafef). NLĐ

24 tháng 2, 2013

Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế!

                     
Công lý cho Việt Nam chỉ có ở tòa án Quốc tế.


Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! 
Tôi đã viết về vấn đề này, nay bổ sung, khẳng định lại một lần nữa.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là cuộc đấu tranh dai dẳng, không ngừng nghỉ chống lại sự xâm lăng của các triều đại Trung Quốc.
Ngày nay Trung Quốc đang xâm lấn lãnh thổ, xâm chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, âm mưu nuốt trọn Biển Đông thể hiện qua tấm bản đồ đường lưỡi bò (lưỡi của TQ).
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố muốn đàm phán hòa bình, song phương về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Trên thực tế phía Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện cam kết này, thậm chí Nhà nước Việt Nam còn ngăn cản nhân dân Việt Nam bày tỏ thái độ phản đối sự xâm lược của Trung Quốc. Nhà nước Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực…
Nhưng Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới.
- Trung Quốc đã thành lập tp. Tam Sa bao gồm toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
-  Trung Quốc liên tục xua tàu thuyền xâm lấn lãnh hải Việt Nam, quấy rối, cướp bóc tàu thuyền Việt Nam ngay trong lãnh hải Việt Nam, khai thác tài nguyên, tập trận trong lãnh hải Việt Nam.
-  Trung Quốc tăng cường xuất khẩu công nghệ bẩn, hàng hóa kém chất lượng sang Việt Nam, đầu độc nhân dân Việt Nam.
-   Trung Quốc luôn tuyên truyền cho nhân dân Trung Quốc coi Việt Nam là kẻ thù xấu xa của nhân dân Trung Quốc để lấy cớ xâm chiếm Việt Nam, lừa dối nhân dân TQ để được nhân dân TQ ủng hộ.
…vv…
Trung Quốc đã lộ rõ âm mưu bành trướng và dã tâm xâm chiếm lãnh hải Việt Nam.
Một lần nữa Trung Quốc hiện nguyên hình là kẻ thù truyền kiếp của nhân dân Việt Nam.
Nếu Việt Nam tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc thì chắc chắn sẽ mất lãnh hải, mất thị trường vào “lưỡi” tên khổng lồ tham ăn, tục uống Trung Quốc.
Hiện nay Philippienes đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế v/v Trung Quốc xâm lấn Biển đông, dựa trên công ước về luật biển Anclos 1982 mà hai nước và cả Việt Nam là thành viên.
Liên Minh Châu Âu, Mỹ, Nhật…đang ủng hộ Philippienes.
Đây là cơ hội rất thuận lợi để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế.
Căn cứ vào Công ước về luật biển Anclos 1982 và luật Quốc tế về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, Việt Nam hoàn toàn có đủ chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử để thắng kiện Trung Quốc (tôi đã viết ở bài: Hoàng Sa, Trường Sa là của VN).
Tôi đề nghị Đảng và Nhà nước Việt Nam hãy đưa sự việc Hoàng Sa,
Trường Sa ra tòa án Quốc tế!
Tôi kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam ủng hộ, tuyên truyền rộng rãi ý kiến này, kiến nghị Đảng, Nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế, đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hãy ngăn chặn dã tâm xâm lược của Trung Quốc!
Tổ Quốc trên hết !
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam !

 Phạm Hải

Xã hội đang suy đồi?


 Căn cứ vào những đánh giá khách quan của các tổ chức khác nhau trên thế giới và của Việt Nam, căn cứ vào cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam. Tôi lược trích và bổ xung để các bạn tham khảo:

- Việt Nam hiện đang đứng đứng thứ 128/187 về chỉ số phát triển con người trên thế giới. Tuy đạt được tiến bộ về phát triển con người nhờ tăng trưởng kinh tế nhưng Việt Nam đang chậm tiến về y tế và giáo dục. Đó là nội dung trong báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố tại Hà Nội.

- VN đội sổ quốc tế về công khai ngân sách.  Việt Nam đứng dưới mức tối thiểu về chỉ số công khai ngân sách (OBI), theo báo cáo mới nhất của tổ chức mang tên Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP). đăng trên trang Internationalbudget.org. (thứ sáu, 22 tháng 2, 2013, BBC)

- VN xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng.

 Hôm qua 5.12, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2012 (CPI 2012), xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

  2012, Việt Nam được xếp hạng 123/176 với điểm số 31/100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). VN cũng nằm trong số hai phần ba các nước trong bảng chỉ số có điểm số dưới 50.

- 3 hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đều đánh giá tín nhiệm Việt Nam ở mức đầu cơ với Moody’s (B2), S&P (BB-), Fitch (B+).

 Từ 2012 đến nay, chỉ có Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam trong khi xếp hạng của Standard & Poor's (S&P) và Fitch không thay đổi.

 Theo xếp hạng của S&P, Việt Nam đồng cấp với Mông Cổ trên Sri LanKa, Campuchia, FijiPakistan (mức BB).

 Theo xếp hạng của Moody's: Việt Nam đồng cấp với Camphuchia (mức B), trên Pakistan.

 Theo Fitch, xếp hạng của Việt Nam ngang Mông Cổ.
- Những con số khách quan do Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc LHQ) công bố tưởng như vô hồn đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng (76/125).
- Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) xếp hạng Việt Nam thứ 172/179 nước về chỉ số tự do báo chí năm 2012.

- Theo VietNamNet, Thứ 2, 24/12/2012.

 Nhìn lại sự kiện năm 2012 cho thấy "bức tranh" giáo dục nước nhà có không ít tín hiệu...buồn. Làn sóng nói không với bằng tại chức; Gian lận thi cử tập thể; Cải tiến thi càng rối; Bát nháo liên kết đào tạo; bạo lực học đường.... là những "bài toán" đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tìm lời giải.

- Việt Nam không hạn chế được công nghiệp bẩn, hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc đang tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và càng ngày càng gia tăng, đang đầu độc nhân dân Việt Nam.
- Ngày 17/02/2013 Việt Nam không tổ chức tưởng niệm mấy chục ngàn quân và dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới chống Trung Quốc xâm lược  ngày 17/02/1979. Ở Sài Gòn và Hà Nội chỉ có mấy chục nhân sĩ, trí thức tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm thì lại bị công an, bảo vệ ngăn cản.
 - Hãy nhìn vào môi trường thiên nhiên đang bị phá hoại. Hãy nhìn thẳng vào cuộc sống của người dân VN bạn sẽ rõ.
- Sự vô cảm rất vô tư của người Việt Nam:
+ 15 giờ chiều 16-6, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương (đoạn giao nhau của các đường An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh thuộc phường 8 và 9, quận 5, TP.HCM) thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách. Nhưng vì sự giằng co quá mạnh nên giỏ xách của người đàn ông bị rách toạc và số tiền để trong giỏ bị bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực xảy ra vụ cướp đã ào ra giữa đường lượm mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người đàn ông bị nạn. (Lê Nguyên Trường Giang, 16/06/2011 17:22 ).
+ Tôi và hơn 10 người trong CLB tennis ( trong đó có mấy sĩ quan CA Biên phòng) đang nhậu ở VT thì 2 bàn bên cạch gây lộn rồi đánh nhau. Một nửa trong số chúng tôi bỏ chạy, mấy sĩ quan Biên phòng vẫn ngồi im như coi kịch, tôi cũng ngồi im luôn.
+ Mới đây tôi đi chơi với 3 người:  Một nhà báo (nam) là đảng viên CSVN có hơn 20 năm trong nghề và 2 cô gái khoảng 27 tuổi là dân Sài Gòn. Một cô (mới quen) có trình độ đại học, làm việc cho một đại lý của DN nước ngoài, có tham gia hoạt động xã hội, đang muốn vào đảng CSVN. Một cô ( không rõ học vấn) làm việc cho một c.ty quảng cáo ở SG. Cả 3 người kia khá hợp nhau, không ủng hộ BIỂN TRỜI TỰ DO, họ nói: Viết cũng chẳng giải quyết được việc gì, chẳng để làm gì, dại. Khi tôi bức xúc về việc bé gái hơn 12 tuổi đẻ con (bị người đàn ông hàng xóm xâm hại), họ thảm nhiên nói: Chuyện bình thường, một cô vô tư: Trẻ con 7 tuổi đã biết yêu rồi.
 Tôi lại bức xúc về việc rút máu mờ ám 213 em học sinh tiểu học thì cả ba vẫn thảm nhiên: Chuyện bình thường. (Thứ hai 07/01/2013 06:48 (GDVN) - Hơn 200 em học sinh bậc tiểu học và THCS của Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến bất ngờ bị ép lấy máu nhưng không rõ nguyên do khiến người dân huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vô cùng lo lắng).
 Khi tôi  bất bình về việc VN không tưởng niệm mấy chục ngàn quân, dân đã hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979 chống Trung Quốc xâm lược là hèn… thì chúng tôi chia tay.
…vv và vv…
Kết luận thuộc về các bạn.
Phạm Hải