(ĐVO) - Hỏi cô gái bán dâm nhiễm HIV, khách của em là những ai?. Em bảo: "Thứ nhất là những người đi giầy..." (thường được mặc định là cán bộ, quan chức).
Mại dâm ngay cạnh ủy ban
- Đang có những luồng ý kiến trái chiều về đề xuất lập "phố đèn đỏ" của ông trong hội thảo đối thoại chính sách về phòng, chống mại dâm mới đây. Thực hư lời đề xuất này thế nào, thưa GS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS Việt Nam?
+ Tôi là một nhà nghiên cứu xã hội học, tôi không đồng tình với việc công khai mại dâm, coi đó là một nghề thì làm gì có chuyện tôi đề xuất lập "phố đèn đỏ". Phải ngăn chặn nó chứ! Người ta đã hiểu sai ý kiến của tôi. Quan điểm của tôi là phải cấp phép lại các dịch vụ nhạy cảm như karaoke, tiệm massage - những dịch vụ dễ phát sinh mại dâm, đưa chúng vào một khu vực nhất định để dể bề kiểm soát, quản lý.
- Có mâu thuẫn không khi ông vừa bảo "phải ngăn chặn mại dâm" nhưng lại có ý "dung túng" cho nó khi để nó núp bóng những quán karaoke, tiệm massage được cấp phép?
+ Trước hết, cần phải thừa nhận rằng không thể nào triệt phá mại dâm ra khỏi đời sống xã hội. Ngay cả nước có đạo luật cấm mại dâm như Mỹ, rồi ở ta cũng cấm mà nó vẫn tồn tại thì sẽ thấy điều đó.
Thực tế cho thấy, mại dâm thường núp bóng trong những quán karaoke, tiệm massage. Dĩ nhiên, không phải quán hát, tiệm massage nào cũng chứa mại dâm, nó chỉ ở một tỷ lệ nào đó thôi nhưng tôi thấy tỷ lệ đó không nhỏ đâu. Vì sao ta cứ chống mại dâm nhưng nó vẫn tràn lan, ấy là vì ta chỉ biết cấp phép cho các dịch vụ này mà không biết quản lý thế nào. Do đó, cần phải siết lại chính những dịch vụ này thông qua việc cấp phép, lập khu riêng để nó hoạt động.
- Ông đang đánh giá thấp các nhà quản lý khi cho rằng họ chỉ biết cấp phép?
+ Tôi không có ý đó. Nhưng rõ ràng, lâu nay trong quản lý xã hội của ta vẫn có kiểu chỉ biết cấp phép mà quên đi chính sách và luật pháp liên quan. Thế nên, những dịch vụ nhạy cảm như karaoke, massage, vũ trường... cứ đua nhau mọc lên, còn nó hoạt động như nào, chứa chấp mại dâm đến đâu thì không cần biết; có khi những quán đó ở ngay cạnh ủy ban, trường học. Chỉ đến khi công an vào cuộc kiểm tra mới phát hiện ra. Vậy nên mãi chẳng chống được mại dâm. Một phần nguyên nhân nữa là chính những người thừa hành công vụ cũng chưa làm tròn bổn phận của mình.
- Ý ông là có tiêu cực trong lực lượng phòng chống mại dâm?
+ Có đấy, dù không phải là tất cả. Thực tế vẫn có chuyện người ta phạt để cho tồn tại, lần sau còn phạt tiếp. Cũng không thể phủ nhận việc lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội ở ta rất mỏng, cả nước chỉ có chừng 1.300 người nên cũng khó có thể ngăn chặn được mại dâm.
GS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS Việt Nam. |
Đừng tưởng công khai mại dâm là tiến bộ
- Có nhiều ý kiến, trong đó có cả những nhà khoa học xã hội học cho rằng, cần phải công khai mại dâm, chấp nhận nó là một nghề thay vì cấm đoán, để nó chui lủi. Còn ông lại phủ nhận. Ông đang mang tiếng bảo thủ?
+ Không. Đừng tưởng công khai mại dâm là tiến bộ. Ngay từ 200 năm trước, nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp E. Durkheim đã nói "tệ nạn mại dâm cũng giống như tệ nạn tự sát, là dấu hiệu của một xã hội rối loạn kỷ cương và suy đồi về mặt đạo đức". Trong số hơn 200 nước và vùng lãnh thổ cũng chỉ có chừng 30 nước công nhận mại dâm thôi. Dĩ nhiên, chúng ta không thể công khai mại dâm, coi đó là một nghề nhưng cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn. Vấn đề là phải giải quyết nó thế nào để hạn chế những tiêu cực của nó mà thôi.
- Ông và nhiều người phản đối công khai mại dâm, phải chăng vì nếu làm thế sẽ là một sự lệch chuẩn, phạm thuần phong mỹ tục?
+ Lý do đó là không đủ thuyết phục. Cái chính là những hệ lụy của mại dâm thật khó lường, nó tạo ra một xã hội không yên bình. Đó là sự tan vỡ hạnh phúc gia đình; là bệnh tật cho cộng đồng khi người hành nghề mại dâm không được kiểm tra về sức khoẻ thường xuyên; là tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em vào các ổ mại dâm; là bạo lực tình dục...
Cấm tiệt cán bộ vào dịch vụ nhạy cảm
- Có vẻ như ta đang "bất lực" khi để mại dâm tiếp diễn, trong khi chúng ta đã có Pháp lệnh phòng chống mại dâm, có các lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý. Theo ông, cần phải kiểm soát như thế nào để có thể hạn chế những tiêu cực của nó?
+ Vấn đề bây giờ là không thể xóa bỏ được nó song cũng không thể thừa nhận. Vậy thì phải quản lý bằng kiểu mắt nhắm mắt mở mà thôi.
- Nghĩa là sao?
+ Tức là phải mềm mỏng hơn trong chính sách. Một mặt ta nghiêm cấm, nhưng mặt khác nên cấp phép cho các dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh mại dâm vào một khu vực xa khu dân cư, xa trường học. Khu đó sẽ đánh thuế rất cao, ví dụ, phải có ít nhất 1 triệu đồng mới được vào đó để hạn chế đối tượng. Ở đó phải có trung tâm y tế khám chữa bệnh định kỳ, siết chặt khâu này để tránh tình trạng mua giấy khám sức khoẻ.
Phải cấm tiệt cán bộ vào khu nhạy cảm để làm gương cho xã hội nữa. Nếu như phát hiện trong đó có mại dâm mà nhà quản lý nhận thấy nó có mặt tích cực nào đó như làm tăng khách du lịch, khu vực khác trên địa bàn tỉnh/thành đó hầu như không còn mại dâm thì cũng cần xem xét, ứng xử cho linh hoạt. Nói chung, phải thay đổi cả hệ thống chính sách liên quan chứ không phải chuyện một sớm một chiều.
- Ông vừa bảo phải cấm tiệt cán bộ?
+ Đúng, thực tế thì chẳng khó gặp cảnh người ta lấy báo phủ xe công ở các quán dịch vụ này. Hình ảnh rất không đẹp!
Phải dần coi đồ chơi tình dục là bình thường
- Theo ông thì nạn hiếp dâm có liên quan đến việc người ta không được thỏa mãn nhu cầu sinh lý?
+ Có chứ.
- Vậy nếu đề xuất của ông được thực thi, những người lao động có ít tiền mà chưa có vợ hoặc vợ không thỏa mãn được nhu cầu của họ, họ lại không thể vào những khu vực dịch vụ nhạy cảm thì liệu họ có đi hiếp dâm, càng làm xã hội phức tạp?
+ Cái này cũng không thể lường được. Do đó, như tôi vừa nói thì phải thay đổi hệ thống chính sách. Truyền thông cũng phải góp phần thay đổi nhận thức cho xã hội để có cái nhìn cởi mở hơn về tình dục. Khi đã lập ra các khu dịch vụ nhạy cảm rồi thì cũng phải dần coi sextoy (đồ chơi tình dục) là chuyện bình thường mới được.
- Ông có nghĩ đến chuyện sẽ rất khó để thành lập các khu dịch vụ nhạy cảm riêng biệt, vì người ta đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở trong nội thành, khu dân cư rồi, bắt họ chuyển đi làm sao được?
+ À, cái này thì không lo. Chính quyền vẫn cấp phép cho các dịch vụ đó, nhưng với điều kiện anh phải làm đúng như đăng ký: Quán karaoke chỉ được hát hò, tiệm mát xa chỉ để mát xa. Còn nếu anh không đảm bảo được thì phải chuyển ra khu dịch vụ nhạy cảm đã lập thôi. Nếu không, anh sẽ bị phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh...
Cảm ơn ông!
Theo Kiến thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét