Trang

1 tháng 9, 2018

Nỗi Nhục Thế Hệ

Sinh ra giữa thập niên 60 của thế kỷ trước và khi biến cố tháng 4/1975 xảy ra, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ 9-10 tuổi. Chúng tôi lớn lên trong nghèo đói, lạc hậu và bị nhồi nhét trong đầu mớ ảo tưởng về CNXH nên các khái niệm về tự do, dân chủ và nhân quyền vô cùng xa lạ.
Sai lầm nối tiếp sai lầm của nhà cầm quyền đã đưa đất nước xuống dốc thảm hại nên họ bắt buộc phải thay đổi bằng cách mở của giao thương với bên ngoài. Từ đấy người dân dần có cơ hội tiếp xúc với thế giới qua công nghệ Internet. Nhờ YouTube, Google, Yahoo, và đặc biệt là Facebook, chúng tôi được mở mang tầm nhìn, kết nối bạn bè khắp nơi, học được nhiều điều hay. Nhưng oái ăm thay, khi có điều kiện tiếp cận được những nền văn hóa và tư tưởng tiến bộ cũng như nếp sống văn minh nhân bản, thì đáng lẽ chúng tôi phải trở nên những con người tốt đẹp hơn. Nhưng buồn thay, chúng tôi như những cánh đồng lúa, khi còn non xanh thì ngay hàng thẳng lối, lúc chín mọng thì đầu lại cắm xuống đất!
Formosa xả thải tàn phá môi trường biển: chúng tôi im lặng. Chính quyền cướp đất, dân oan kêu gào khắp nơi: chúng tôi im lặng. Bọn quan chức tham nhũng, đục khoét ngân sách, áp đặt bao nhiêu loại thuế bất hợp lý lên đầu dân: chúng tôi im lặng. Định hướng giáo dục sai lầm dẫn đến xã hội băng hoại, tệ nạn tràn lan: chúng tôi im lặng. Nhà cầm quyền xử dụng công an đánh đập dân lành, bắt bớ khủng bố những tiếng nói lương tri, đòi tự do dân chủ và quyền làm người: chúng tôi vẫn im lặng. Bọn Tàu cộng bắn giết ngư dân, xâm chiếm biển đảo, biên giới: chúng tôi tiếp tục yên lặng. Lãnh đạo bất tài, độc tài, thất đức, tham quyền cố vị, vi hiến chà đạp nhân quyền: chúng tôi vẫn tiếp tục yên lặng. Và rồi đỉnh điểm của sự im lặng khốn nạn này là chúng tôi vô tư với việc tồn vong của đất nước, của dân tộc mình. Trước việc nhà cầm quyền âm mưu nhượng đất cho giặc Tàu dưới hình thức đặc khu kinh tế, việc mà người dân thấy rõ viễn cảnh mất nước đến nơi thì chúng tôi vẫn xem đó là chuyện ngoài cửa nhà mình, không liên quan! Người dân xuống đường quyết liệt phản đối để rồi bị đàn áp dã man thì chúng tôi vẫn thản nhiên, sống chết mặc ai. Chúng tôi thấy chứ, nghe chứ, hiểu chứ nhưng vì sợ mất miếng cơm manh áo, sợ liên lụy gia đình, sợ ảnh hưởng công danh sự nghiệp và nghĩ mình khôn ngoan thức thời nên chúng tôi chấp nhận cái nhục, cái hèn là để ai đó làm thế cho mình. Chúng tôi vẫn an toàn, an phận và nếu tự do dân chủ thật sự đến với đất nước này thì chúng tôi hoặc con cháu chúng tôi vẫn được hưởng!!!
Trong nước thì vì cái ăn cái mặc chúng tôi cúi đầu sống trong nhục hèn như vậy, thế ở nước ngoài thì ra sao? Thú thật, chúng tôi còn đáng khinh hơn nhiều! Được sống trong xã hội tự do, dân chủ, dư ăn, dư mặc đáng lẽ chúng tôi phải thấy sự thiệt thòi, đau khổ và lầm than của người dân trong nước dưới chế độ độc tài, độc đảng, phi nhân của nhà cầm quyền. Nhưng không, chúng tôi có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm. Chúng tôi lo vun vén cho bản thân mình, lo họp mặt vui chơi, cùng nhau chém gió và xem những biến động ở quê nhà chẳng liên quan gì đến mình! Trong khi đồng bào bất chấp sợ hãi, sẵn sàng đối mặt với bạo lực, cường quyền vì an nguy của nước nhà , trong khi những người yêu nước chân chính lên tiếng cho một nước Việt Nam tự do dân chủ để rồi bị hành hạ trong lao tù, thì trên facebook, trên viber, chúng tôi vẫn thản nhiên vui đùa, chít chát, khoe ăn, khoe mặc, khoe cảnh, khoe chơi … không một dòng bình luận, không một cái like, không một cái share trước những thảm cảnh này… và rồi chúng tôi tự bảo nhau rằng “đó là chính trị” “không thích chính trị” “không muốn liên quan đến chính trị”. Trong nước thì vì sợ bị tù, bị trù dập, bị khủng bố nên chúng tôi chấp nhận sống hèn. Nhưng ở nước ngoài thì hà cớ gì chúng tôi lại im lặng? Cái tệ là chúng tôi sống quá ích kỷ, mất gốc quá nhanh, phủi tay ngoảnh mặt với quê hương đất nước khi đã trở thành Việt kiều. Những lần về thăm nhà chúng tôi chỉ biết vui chơi, hưởng thụ, khoe mẽ, chém gió…Chúng tôi ngu ngơ hay dối trá đến mức không phân biệt đâu là trách nhiệm người dân trước vấn nạn của xã hội, trước vận mệnh của đất nước và đâu là hoạt động chính trị? Như ai đó đã nói, “Chỉ có những con vật mới quay lưng trước nỗi đau của đồng loại để chăm chút với bề ngoài của mình”. Đây chính là hình ảnh của chúng tôi: thản nhiên trước nỗi thống khổ của đồng bào và vô cảm với vận mệnh đất nước. Chúng tôi đành lòng quên mất mình là người Việt Nam!
Làm sao chúng tôi dạy con cháu mình về lòng yêu nước, thương dân và trách nhiệm làm người! Làm sao chúng tôi trả lời với con cháu nếu sau này chúng hỏi cha, mẹ, ông hay bà đã làm gì khi giặc Tàu ngang nhiên xâm chiếm nước ta? Hãy nhìn những bước chân xuống đường xem. Đủ mọi thành phần nam phụ lão ấu nhưng tuyệt nhiên không hề có sự hiện diện của chúng tôi!
Thế hệ chúng tôi, trong và ngoài nước, có đủ cả: kỹ sư, bác sĩ, y tá, luật sư, doanh nhân, giáo viên, giảng viên đại học … Có thể gọi là thành công nhưng không thể thành nhân được. Vì sao?
Để đất nước tan hoang, để xã hội lầm than băng hoại, để giang sơn bờ cõi mà bao đời ông bà tổ tiên gây dựng giờ mất dần vào tay giặc, để bao thế hệ sau phải gồng gánh nợ công, để người dân vô tội “chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu”, để nước Việt ngày càng tụt hậu là có phần trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi đã bất hiếu với Mẹ Việt Nam, bất nhân với chính đồng bào của mình, bất trí trước thời cuộc và bất tài trước thế hệ ông cha và đàn em!
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi!
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người!
(Trích thơ Đỗ Trung Quân)
08/2018 by W.T

31 tháng 8, 2018

THÀY hay THẰNG?

Thày Hiển, thày Đại "xây" hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?
(GDVN) - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành trên cơ sở đề xuất trực tiếp của các trường và được Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi về Nhà xuất bản.
5 câu hỏi mà tác giả Nguyễn Nguyên đặt ra trong bài viết “Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?” chưa biết đến khi nào mới có câu trả lời.
Thực tế những công văn, văn bản chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn tại chức với các dự án, đặc biệt là Dự án VNEN đã bị giấu kín kể từ khi truyền thông đặt câu hỏi xung quanh những uẩn khúc của việc triển khai mô hình này.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy những dấu hiệu của một hệ thống phân phối sách giáo khoa độc quyền, khép kín, tinh vi và "hiệu quả bất ngờ", in đến đâu bán hết đến đấy.
Hệ thống này không mất một đồng chi phí nào cho mặt bằng hay quảng cáo, nhưng phụ huynh học sinh không thể không mua, dù sách có đắt gấp 2, gấp 3 lần sách giáo khoa hiện hành mua ngoài cửa hàng.

Cũng không một nhà xuất bản nào cạnh tranh được với hệ thống này nếu họ được phép phát hành sách giáo khoa.
Hệ thống này đã được nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và cộng sự đã dày công xây dựng từ trước khi nghỉ hưu.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia chương trình Chuyện đương thời của VTV 1 cùng nhà báo Tạ Bích Loan, chuyên gia Giản Tư Trung với chủ đề "Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đâu?" phát sóng tối 25/10/2013. Ảnh cắt màn hình, nguồn: vtv.vn.
Thày Hiển và cộng sự của mình đã chuẩn bị rất kĩ, từ các văn bản cho đến con người trong hệ thống quản lý ngành dọc.
Khi giáo sư Hồ Ngọc Đại và tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển hợp tác với nhau qua Dự án VNEN, sách công nghệ giáo dục và sách VNEN đều được bán qua hệ thống phân phối độc quyền theo hệ thống quản lý ngành dọc.
Tức là thầy Nguyễn Vinh Hiển và các cộng sự của mình, với chức vụ Thứ trưởng hay Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học hàng năm đều có công văn gửi xuống các sở, sở xuống phòng, phòng xuống các trường về việc đăng ký mua tài liệu dạy học.
Dùng mệnh lệnh hành chính xây dựng hệ thống phân phối độc quyền sách giáo khoa?
Đơn cử như Công văn số 1409/BGDĐT-GDTH ngày 26/3/2015 về việc đăng ký dạy học theo "bộ sách" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, chúng tôi đã từng liên hệ với Vụ Giáo dục Tiểu học nhưng cũng không xin được.
Bạn đọc chỉ có thể tìm thấy "dấu vết" của nó qua công văn chỉ đạo tiếp theo của một số Sở Giáo dục và Đào tạo xuống các phòng. [1]
Công văn số 5478/BGDĐT-GDTH ngày 8/8/2013 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký:
Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?
Phần A - Nhiệm vụ chung viết: "tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, từng bước mở rộng áp dụng dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục".
Phần B - Nhiệm vụ cụ thể / II. Thực hiện chương trình giáo dục / mục 2.2 Quản lý và thực hiện Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN) viết:
"Chỉ đạo hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt, tập trung vào giải pháp dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để đảm bảo học sinh lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt." [2]
Công văn số 2764/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Mô hình VNEN năm học 2013-2014 do ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học ký ngày 2/5/2013 còn chỉ ra cụ thể hơn nữa. [3]
Nhưng đáng kể nhất phải nhắc đến một số công văn "kinh điển" trong việc bán sách giáo khoa độc quyền ngành dọc.

Một là Công văn số 1181/BGDĐT - GDTH về việc đăng ký phương án dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.

Thày Hiển đã chỉ cho các trường, các phòng và sở giáo dục phải mua sách ở đâu. Phần cuối của công văn này viết:

"Để chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ năm học 2013-2014, Bộ đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo chủ động liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Trường Phổ thông Công nghệ giáo dục - NXB Giáo dục Việt Nam (ĐT: 0437925314) để mua tài liệu."
Công văn số 1181/BGDĐT - GDTH về việc đăng ký phương án dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 - CNGD trên trang congnghegiaoduc.vn với dòng đánh dấu màu hồng gây chú ý.
Công văn này vẫn đang được "treo công khai" trên trang congnghegiaoduc.vn của Trung tâm Công nghệ giáo dục mà giáo sư Hồ Ngọc Đại làm giám đốc, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Văn bản này như một sự bảo đảm của thày Nguyễn Vinh Hiển cho tính "hợp pháp" của tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại này với phụ huynh, đồng thời cũng trợ giúp không nhỏ cho các trường trong việc bán sách. [4]
Hai là công văn chỉ đạo các trường mẫu giáo tổ chức cho phụ huynh có con chuẩn bị học lớp 1 phải mua sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nếu không năm sau con họ không có sách học:
Ngày 17/5/2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế ra Công văn số 490/PGDĐT-PT gửi "các trường mầm non" và tiểu học trực thuộc về việc triển khai dạy học và đăng ký tài liệu theo bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1.
Công văn này nhằm thực hiện Công văn số 37/SGDĐT-GDTH ngày 12/01/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về việc triển khai dạy học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1 năm học 2016-2017;
VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục
Và công văn số 1012/SGDĐT-GDTH ngày 09/5/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về việc đăng ký tài liệu dạy học theo bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1, năm học 2016-2017 có 28 trường tiểu học trên địa bàn thành phố (có danh sách đính kèm) sẽ dạy học môn Tiếng Việt theo sách Công nghệ giáo dục.
Công văn số 490/PGDĐT-PT viết:
Đối với các trường Mầm non: Thông báo đến phụ huynh các lớp trẻ 5 tuổi đăng ký mua bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 (theo danh mục đính kèm) tại trường tiểu học sẽ cho con vào học lớp 1 năm học 2016-2017 (đối với trường tiểu học dạy học môn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục) cùng lần khi nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. [5]
Có thể kể thêm các công văn bán sách như thế này như:
Công văn số 3989/BGDĐT-GDTrH ngày 6/8/2015 về việc chuẩn bị sách hướng dẫn học cho học sinh lớp 6 tham gia mô hình trường học mới, do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn ký.
Công văn chỉ rõ địa chỉ để các sở tổng hợp danh sách mua sách VNEN về Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, tòa nhà HEID số 12, Láng Hạ, Hà Nội...
Mới nhất thì có thể kể đến Công văn số 3081/SGDĐT-GDTH ngày 8/8/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước về việc sử dụng tài liệu Mô hình trường học mới Việt Nam năm học 2017-2018 do Phó Giám đốc Lê Hải Đăng ký.
Công văn này viết:
"Danh sách các trường tiểu học đăng ký tài liệu Mô hình trường học mới năm học 2017-2018 được gửi về Phòng Giáo dục tiểu học, email: tieuhoc@binhphuoc.edu.vn trước ngày 15/8/2017 để Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, đăng ký với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức in ấn kịp thời và cung cấp cho các trường.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo Điện tử Vietnamnet.
Kinh phí mua tài liệu Hướng dẫn các môn học mô hình VNEN của học sinh do cha mẹ học sinh chi trả, hoặc các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học thanh toán từ các nguồn kinh phí hợp pháp.
Các trường tiểu học lưu ý, bộ tài liệu Mô hình trường học mới năm học 2017-2018 được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành trên cơ sở đề xuất trực tiếp của các trường và được Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi về Nhà xuất bản.
Các trường hướng dẫn phụ huynh học sinh tuyệt đối không mua bộ tài liệu Mô hình trường học mới trôi nổi ngoài thị trường để tránh mua nhầm sách giả, sách có nội dung chưa được thẩm định." [6]
Hay ví dụ như Công văn số 275/PGDĐT-GDTH ngày 7/4/2017 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên về việc chỉ đạo dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và dạy học VNEN năm 2017-2018:
Đăng ký số liệu về số lớp, số học sinh tiếp tục thực hiện dạy học TV1.CGD và dạy học VNEN năm học 2017-2018 (Theo mẫu đính kèm).
Về tài liệu hướng dẫn học và tài liệu tham khảo: Các trường đăng ký số liệu về Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp gửi Sở Giáo dục và Đào tạo.
Báo cáo và biểu mẫu đăng ký thực hiện năm học 2017-2018 gửi về qua hộp thư của Tổ tiểu học, chậm nhất là ngày 12/4/2017. [7]
Xây dựng đội ngũ bán sách giáo khoa độc quyền nằm trong hệ thống chỉ đạo ngành dọc
Trong bài báo "Trường Thực nghiệm, một bí mật không ai biết" đăng trên Báo Điện tử VietnamNet ngày 21/5/2012 tường thuật nội dung bàn tròn trực tuyến "những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường", giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết:
“Năm vừa rồi (2011), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương.
Cách đánh vần lạ, bao giờ hàng trăm ngàn học sinh mới thoát kiếp thí điểm?
Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”.
Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh… 
Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.
Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận ra quyết định, Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!
Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi.
Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.
Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục.
Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn. 
Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ.
Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 
Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.
Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của “chương trình 2000”.
Giáo sư tự hào khoe lách luật, cả ngành phục vụ nhóm người bán sách đánh vần lạ
Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay. Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.

Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa.

Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm.
Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000".
Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì.” [8] 
Đó là lý do tại sao, dù đã về hưu từ năm 1999, nhưng tháng 9/2011 không biết "sức ép nào" đã buộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục để phục vụ giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Không chỉ có vậy, đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học cũng trở thành lực lượng chính hậu thuẫn thầy Đại triển khai, trực tiếp thực hiện việc xuống các địa phương để chỉ đạo, tập huấn, thí điểm và triển khai sách Công nghệ giáo dục. [9]
500 tác giả của sách giáo khoa 2000 im lặng. Không một ai lên tiếng. Cục diện "chân vạc chia ba thiên hạ" trong thị trường sách giáo khoa hình thành từ đây.
Website Hệ thống Giáo dục CGD Victory mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập có đăng lại bài phỏng vấn ông của nhà báo Quỳnh Hương, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài này, nhà báo Quỳnh Hương cho biết:
"Vị giáo sư có tiếng ngang ngạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải “gờm” vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến “nghịch nhĩ”". [10]
Chẳng biết "nhiều đời Bộ trưởng" phải "gờm" giáo sư Hồ Ngọc Đại đến đâu, nhưng cả Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều đã từng bị Đại biểu Quốc hội chất vấn về chương trình công nghệ giáo dục.
Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ?
Kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái, thầy Nhạ có hứa trước Quốc hội sẽ cho thẩm định tài liệu công nghệ giáo dục, nếu không hợp lý thì bắt buộc phải dừng. [11]
Tuy nhiên năm học mới đã bắt đầu và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục được triển khai tiếp, thể hiện rõ trong Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng năm học 2017-2018.
Báo cáo này chỉ cho biết Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu công nghệ giáo dục và Hội đồng đã báo cáo Bộ trưởng. Nhưng nội dung báo cáo, kết luận của Hội đồng là gì thì không thấy công bố.
Với hệ thống ê kíp đã gầy dựng, cũng không có gì ngạc nhiên khi thầy Nguyễn Vinh Hiển dù đã về hưu, vẫn thường xuyên dẫn đoàn cán bộ, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học về các địa phương để tập huấn VNEN.
Ví dụ như chuyến tập huấn mới đây cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình [12] hay về tận trường học VNEN ở huyện Thái Thụy [13].
Cũng bởi hệ thống thày Hiển và thày Đại đã dày công gây dựng, nên dù Luật Giáo dục hiện hành quy định về sách giáo khoa một đằng, thực tế lại diễn ra một nẻo.
Giáo viên và phụ huynh chỉ thấy sách thay liên tục, và giá sách thì đắt. 
Có thể thấy rằng, lực cản đối với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là không hề nhỏ, nhất là từ chính ê kíp của người tiền nhiệm.
Hồng Thủy GDVN

29 tháng 8, 2018

Yêu bóng đá có là yêu nước?

Hàng triệu người VN xuống đường mừng chiến thắng của U 23 VN. Rất tốt! Người VN rất yêu bóng đá. Chúc mừng bóng đá VN!
Khi nào người VN xuống đường phản đối giặc TQ xâm chiếm biển đảo của VN?
Tàu thuyền của Trung Quốc chỉ còn cách Đà Nẵng 30 hải lý kìa.

TRẦN HUỲNH DUY THỨC

TRẦN HUỲNH DUY THỨC 
tuyệt thực trong tù ngày thứ 16, không nhận tội, không đi tỵ nạn chính trị, k viết đơn xin ân xá.