12 tháng 2, 2016
“Chạy vào Quốc hội là... bình thường"!?
(Dân trí) - Đến ĐB Quốc hội mà còn “chạy là bình thường” thì đúng là “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đang hiện hữu. Một khi Đại biểu Quốc hội mà “có tiền là chạy được”, đến khi đạt được mục đích, tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là “hoàn vốn”?!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chỉ đầu năm 2016, chúng ta đã và sẽ thực hiện 2 sự kiện trọng đại, có tính quyết định vận mệnh của đất nước không chỉ trong vòng 5 năm tới mà còn cả những năm sau này.
Đó là Đại hội Đảng XII (vừa kết thúc) và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.
Nếu Đại hội là chiến lược về sự lãnh đạo của Đảng thì Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Do đó, nhân sự của Ban chấp hành Trung ương Đảng quan trọng bao nhiêu thì nhân sự của Quốc hội cũng quan trọng không kém.
Về nhân sự Đảng, có thể còn có những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành Trung ương tốt nhất, với những đòi hỏi rất khắt khe. Đặc biệt, 19 gương mặt trong Bộ Chính trị là những đại biểu ưu tú nhất hiện nay của Đảng.
Đối với Quốc hội, việc đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu không chỉ là để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII mà còn là nguyện vọng của cử tri cả nước.
Nhìn thẳng vào sự thật mà nói, dù chất lượng Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua về cơ bản là tốt, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, làm tốt trách nhiệm của mình, có tới 3 đại diện (đều là nữ) thuộc Quốc hội được Đại hội tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị thì cũng còn có một số đại biểu chưa đạt chất lượng là đại diện của cử tri, chưa xứng đáng với vai trò thành viên của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Thậm chí, có những trường hợp gian dối trong kê khai lý lịch, tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật và cả những phát ngôn hồ đồ, thiếu thận trọng, thiếu suy nghĩ, thiếu cả văn hóa tối thiểu.
Không phải vô cớ mà trong cuộc thảo luận tại tổ ngày 5/11/2014 về Luật Bầu cử, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nên cụ thể hoá tiêu chuẩn đã được ghi trong Hiến pháp. Ứng viên phải có đầy đủ hồ sơ khi tham gia ứng cử và lý lịch tư pháp. Đặc biệt trong giấy khám sức khoẻ cần có cả trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý.
Còn ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thốt lên đầy chua chát: “Ai cũng làm đơn ứng cử được, thậm chí một người mới từ bệnh viện tâm thần xuất viện cũng ứng cử được” - (Báo Dân trí, bài “Ứng viên đại biểu Quốc hội phải được khám sức khỏe... tâm thần?”).
Song, một điều còn đáng lo ngại hơn cả bệnh “tâm thần”, đó là “chạy” vào Quốc hội.
Trả lời phỏng vấn báo Infonet của Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 9/2 vừa qua, bài “Ông Lê Văn Cuông: "Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!", vị ĐB Quốc hội hai nhiệm kỳ XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã thẳng thắn: “Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được. Chạy vào đó để hưởng lợi, để đánh bóng thương hiệu thôi chứ không phải chạy vào đó là vì nước, vì dân”.
Đến ĐB Quốc hội mà còn “chạy là bình thường” thì đúng là “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đang hiện hữu.
Một khi Đại biểu Quốc hội mà “có tiền là chạy được” thì khi đạt được mục đích, tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là “hoàn vốn”?!
Bùi Hoàng Tám
Giá dầu tiếp tục điệp khúc rơi sâu
Một trong những khu vực dự trữ dầu lớn nhất của Mỹ chuẩn bị hết chỗ chứa...
Mỗi ngày thế giới thừa ra thêm 1,2 triệu thùng dầu - Ảnh: Reuters.
ĐAN NGUYÊN
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên thị trường Mỹ rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm, trong bối cảnh dự trữ dầu tại điểm trung chuyển đến New York leo lên mức cao kỷ lục, theo tin từ Bloomberg.
Theo số liệu mới công bố, dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma, điểm trữ dầu lớn nhất Mỹ, tăng lên mức cao kỷ lục 64,7 triệu thùng. Khu vực này sẽ hết chỗ chứa dầu ở mức 73 triệu thùng dầu.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá dầu đã giảm 29% bởi dự báo nguồn cung dầu sẽ ngày một dư thừa khi Iran tăng cường xuất khẩu dầu ra thế giới sau khi Mỹ và một số nước phương Tây giỡ bỏ lệnh cấm vận.
Hiện nay, nước Mỹ đang dự trữ tổng số 130 triệu thùng dầu, cao hơn mức trung bình của 5 năm qua, theo số liệu do Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cung cấp.
Thị trường New York phiên ngày thứ Năm, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 giảm 1,24 USD/thùng, tương đương 4,5%, xuống mức 26,21 USD/thùng.
Sau khi thị trường Mỹ ngừng giao dịch, có thông tin từ trang cá nhân của một phóng viên Wall Street Journal hiện làm việc tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), dẫn nguồn một bộ trưởng năng lượng thuộc OPEC, cho biết tổ chức này đã sẵn sàng hợp tác để giảm sản lượng dầu.
Đây được coi như một dấu hiệu tốt, dù nhỏ, cho thị trường năng lượng bởi suốt nhiều tháng qua Venezuela và Nga đã nhiều lần kêu gọi giảm sản lượng dầu nhưng OPEC không phản ứng.
Cũng trong ngày thứ Năm, trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 4 giảm 79 cent tương đương 2,5% xuống 30,06 USD/thùng.
Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu WTI giảm 14% còn giá dầu Brent mất 10%.
“Giá dầu sẽ giảm xuống 25 USD/thùng, sau đó là 20 USD/thùng. Và sẽ còn không lâu nữa chúng ta sẽ được thấy những thùng dầu có giá chưa đến 20 USD/thùng”, ông Stephen Schork, chủ tịch quỹ Schork tại Pennsylvania nhận định.
Kết thúc phiên hôm qua, khoảng cách chênh lệch giữa dầu Brent và WTI lại ngày một rộng hơn, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đó là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ chuẩn bị tăng tiếp.
Hiện nay khi trên đất liền gần như đã hết chỗ chứa dầu, nhiều nhà đầu tư cho rằng thời gian tới các công ty năng lượng sẽ phải sử dụng các tàu chứa dầu tạm thời trên biển để làm việc đó.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá dầu trên thị trường Mỹ sẽ biến động trong khoảng từ 20 USD cho đến 40 USD/thùng trong nửa đầu năm 2016.
Tính từ giữa năm 2014, giá dầu đã giảm đến 75%, mỗi ngày thế giới thừa ra thêm 1,2 triệu thùng dầu. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới, rớt xuống mức thấp nhất trong 10 năm khiến nhu cầu dầu giảm sâu.
Hình như lòng tham đã không còn giới hạn?!
(Dân trí) - Có 280 triệu đồng hỗ trợ người dân sau một vụ mùa mất trắng mà đang tâm “ăn” tới 250 triệu đồng thì quả là một kỉ lục về sự “ăn không từ một cái gì” của dân một cách “tàn bạo”! Đó là chuyện xảy ra ở xã nghèo Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Vụ đông xuân năm 2013, do gieo cấy giống lúa BC15, vụ mùa chính này mất trắng do lúa không cho hạt, đẩy đời sống người dân ở đây vào hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí có những gia đình rơi vào thiếu đói cả năm.
Trước những khó khăn trên, Nhà nước chủ trương giúp đỡ người dân bằng cách hỗ trợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những hộ này. Tổng số 151 hộ dân trên địa bàn 8 xóm được nhận số tiền là 280 triệu đồng.
Qua điều tra, xác minh thực tế tại các hộ dân nằm trong danh sách được hỗ trợ, phóng viên Dân trí không khỏi bất ngờ khi hầu hết những hộ dân được hỏi đều trả lời rằng họ chưa nhận bất cứ một đồng tiền hỗ trợ nào.
Một số hộ “may mắn” được cấp tiền nhưng con số thực tế được nhận lại “lệch” quá xa so với bản danh sách có chữ ký của những hộ dân này. Có người chỉ nhận được 300.000 đồng nhưng trong danh sách số tiền lên đến 2.100.000 đồng...
Sau khi báo Dân trí phản ánh, huyện Tân Kỳ thành lập đoàn thanh ra kiểm tra, rà soát và đã thu hồi hơn 250 triệu đồng do chi trả sai nguyên tắc.
Thật ra việc xà xẻo của dân ở cái thời “người ta ăn của dân không từ một cái gì” như lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không phải là hiếm. Song điều đáng buồn, “người ta” ở đây có lẽ hầu hết là cán bộ, đảng viên, tức là những người có chức, có quyền. Dù kỉ luật của Đảng rất nghiêm khắc nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Trong bài “Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng: “Bảo bối” cần duy trì lâu dài và thường xuyên” đăng trên báo Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Đức Hà Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, Thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho biết: “Năm 2012, xử lý kỷ luật 16 nghìn đảng viên; năm 2013, xử lý kỷ luật trên 21 nghìn đảng viên; năm 2014, xử lý kỷ luật trên 17 nghìn đảng viên.
Như vậy qua 3 năm, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên và đưa ra khỏi Đảng qua những hình thức xử lý khác đối với hàng nghìn đảng viên khác. Hơn 54 nghìn đảng viên này là có án, có hình thức, còn diện kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm sâu sắc còn lớn hơn”.
Vậy là nếu cộng các hình thức như “kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm”, số cán bộ, đảng viên vi phạm lên đến trên 100 ngàn. Đây là một con số quá lớn đối với một Đảng cầm quyền luôn phấn đấu cho mục đích công bằng, dân chủ và trong sạch.
Tại Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay" diễn ra ngày 28/1 tại Quảng Ninh, Nhà báo Hữu Thọ viết về những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền, đó là: “Để kinh tế chậm phát triển, trì trệ, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm; không thực hiện dân chủ và công bằng xã hội trong đánh giá con người và phân phối lợi ích; lợi dụng lợi ích để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để lãng phí công quỹ…”.
Đối với vụ việc ở xã Đồng Văn chính là “lợi dụng lợi ích để tham nhũng”, tức là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền lãnh đạo của Đảng.
Có 280 triệu đồng hỗ trợ người dân sau một vụ mùa mất trắng mà đang tâm “ăn” tới 250 triệu đồng thì quả là một kỉ lục về sự “ăn” của dân một cách “tàn bạo”.
Khi mình viết xong bài này, trên Dân trí lại vừa đăng tải một vụ việc còn “kỉ lục” hơn, đó là cán bộ chính sách ở xã Trịnh Xá (tp Phủ Lý, Hà Nam) nhiều năm nay âm thầm ăn chặn mất 90.000 đồng trong số 270.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước/tháng dành cho người khuyết tật nặng mà với số tiền đó tính ra chỉ đủ để mua 3 gói mì tôm/ngày.
Hình như lòng tham đã không còn giới hạn, phải không các bạn?!
Bùi Hoàng Tám
11 tháng 2, 2016
Hãy thôi say sưa tự ca ngợi mình
Cập nhật : 01:00 | 10/02/2016
Không lấy gì làm lạ khi hội nhập diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào. Ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột.
Từ khi các “xa lộ thông tin” băng thông rộng, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tuyến vận tải hàng không xuyên lục địa hình thành và liên kết với nhau ở mọi nơi trên thế giới, trái đất chúng ta bỗng biến thành một “ngôi làng” thực sự. Một trận động đất hay sóng thần ở Nhật Bản, một vụ xả súng giết người hàng loạt ở Paris nước Pháp cũng ngay lập tức khiến cả nhân loại bàng hoàng.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành quá trình rộng khắp, không thể một ai với ý muốn chủ quan, duy ý chí có thể ngăn chặn được. Không lấy gì làm lạ khi quá trình này diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào quá trình này. Ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột.
Ảnh: Daidoanket.vn |
Không phải là không có lý khi nhiều người cao giọng cảnh báo về cuộc “xâm lăng văn hóa” bắt đầu từ những chiếc quần bò, áo phông, thức ăn nhanh McDonald và nước uống Coca Cola…đến các phim “bom tấn” của Hollywood. Người ta nhắc đi nhắc lại rằng “Để mất bản sắc văn hóa dân tộc là… mất hết”.
Đó chỉ mới là những biểu hiện bề ngoài của văn hóa. Không thể coi nhẹ tác động của điều kiện kinh tế, “phong thổ” địa lý… khi bàn chung đến văn hóa một dân tộc cụ thể nào đó, tuy nhiên vẫn phải thừa nhận rằng chính những giá trị văn hóa tinh thần thể hiện qua các cách ứng xử giữa người với người mớí làm nên bản sắc văn hóa dân tộc ở chiều sâu xa nhất.
Từ đây nổi lên vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc ta điểm mạnh, điểm yếu là thế nào?
Với khuôn khổ giới hạn của một bài báo, tôi xin phép chỉ nhắc tới vài nét chính dưới góc nhìn những con người của dân tộc ứng xử văn hóa như thế nào.
Chúng ta thường quen nghe nói bản sắc văn hóa dân tộc ta là người Việt Nam có lòng yêu nước mạnh mẽ, dũng cảm quên mình để bảo vệ đất nước; cần cù, sáng tạo trong lao động; tính cộng đồng cao, đoàn kết tương thân tương ái; hiếu học tôn sư trọng đạo.
Tuy nhiên, như hai mặt của tấm huân chương, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không khó để thấy những mặt trái của các đặc tính nêu trên. Chúng ta có thể bộc lộ rõ phẩm chất cao quý của lòng yêu nước trong những thời khắc hiểm nghèo khi bị xâm lược, nhưng đáng tiếc là nhiều khi lòng yêu nước ấy lại bị nhạt nhòa trong cuộc sống thường ngày.
Đã không ít người dân quên mất thể diện dân tộc, quên mất quốc sỉ khi chạy theo chèo kéo khách du lịch nước ngoài mua hàng, chặt chém, lừa đảo họ. Khi ra nước ngoài thì lại chen lấn xô đẩy, không chịu xếp hàng, nói cười hô hố nơi đông người, lấy thừa mứa thức ăn rồi bỏ dở, thậm chí còn dở thói tắt mắt trộm vặt ở các siêu thị, khiến nước chủ nhà phải treo những tấm bảng cảnh báo bằng tiếng Việt.
Chúng ta vẫn thường hài lòng và tự khen mình là “thông minh, cần cù, sáng tạo”, nhưng có mấy khi tự hỏi mình rằng ta đã có những phát minh, sáng chế gì đáng kể cho nhân loại hay chưa và vì sao từ xưa đến nay, ta vẫn nghèo nàn, lạc hậu, và cho đến nay vẫn chưa làm nổi một con ốc vít đạt chuẩn?!
“Tính cộng đồng đoàn kết” đã biến đi đâu khi không hiếm thấy ở nhiều thôn xã dòng họ này chèn ép dòng họ kia, tranh giành những chức quan nhỏ? Tình trạng đấu đá nội bộ ở nhiều cơ quan đã không còn hiếm gặp. Nhiều thương nhân thì tranh mua, tranh bán, tạo điều kiện cho thương lái nước ngoài đồng lòng ép giá…
“Tinh thần tương thân tương ái” lặn mất tăm khi người đi đường bỏ mặc ai đó bị tai nạn giao thông, hay nhào vô hôi của khi hàng hóa của ai đó bị vung vãi xuống đường!
Có đúng là chúng ta “hiếu học, tôn sư trọng đạo” hay không khi lún sâu vào cuộc chạy đua nhồi nhét kiến thức nặng về lý thuyết?! Chúng ta học để thi, học để có bằng cấp mà lại coi nhẹ học làm người, học kỹ năng sống, học để có nghề nghiệp thiết thực.
Người lớn liệu có truyền “tinh thần hiếu học” sang con trẻ khi bắt chúng phải học thêm hết tuần này sang tháng khác, làm mất tuổi thơ lẽ ra phải rất tươi đẹp. “Tôn sư trọng đạo” ở đâu khi các bậc phụ huynh không dấu con trẻ những chiếc phong bì kính biếu thầy cô vào dịp lễ này, tết nọ để mong đánh đổi lấy sự ưu ái với con mình.
Xin lỗi bạn đọc khi có vẻ như tác giả đã hơi quá lời khi nói đến mặt trái. Nhưng quả thực đã cố gắng tự tiết chế mình vì dường như thực tế chung quanh, nhất là trong những năm gần đây, những vấn đề nêu trên ngày càng nhức nhối hơn thì phải.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, thôi bài ca tự ca ngợi mình, bỏ thói quen say sưa tự nhìn ngắm mình, tự yêu mình thái quá của chàng Narcissus huyền thoại thời Hy Lạp cổ đại (xem chú thích), cùng nhau loại bỏ phần xấu, phát huy cái tốt đẹp trong con người Việt Nam để vững bước đi vào hội nhập văn hóa quốc tế.
Phan Hồng Giang
* Narcissus từ nhỏ đã rất khôi ngô, được người đời ca ngợi hết lời nên mắc thói kiêu căng. Một lần đi vào rừng, Echo đã rơi vào tình yêu với Narcissus ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khi Narcissus phát hiện có người theo dõi mình, cất tiếng hỏi "ai đấy?". Vì mang trên mình lời nguyền của nữ thần Hera nên Echo chỉ có thể "nhại lại" câu hỏi của Narcissus. Cho rằng Echo trêu đùa, Narcissus thẳng thừng từ chối. Echo đã buồn bã nguyền rủa Narcissus.
Narcissus tiếp tục đi, tới khi gặp một hồ nước, cúi người uống một ngụm. Thật kỳ lạ, thứ nước ấy đã khiến Narcissus có… cảm tình với chính hình ảnh phản chiếu của mình, hệt như cái cách Echo phải lặp lại câu hỏi của anh trước đó.
Narcissus mê mẩn ngắm nhìn hình ảnh của mình trên mặt nước, cứ thế ngồi đó cho đến khi chết đi, hóa thành một bông hoa thủy tiên.
Câu chuyện là một bài học đáng giá: Narcissus đã phải nhận lấy kết quả của sự kiêu căng, hợm hĩnh về vẻ đẹp của mình. Trong khi đó, Echo cũng không có được tình yêu chỉ vì thói nói nhiều.
Chiến tranh biên giới 2/1979- chiến thắng giặc bành trướng Trung quốc
Về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung tháng 2.1979: Cần được xem như chiến thắng chống ngoại xâm
Những cắc cớ trong quan hệ lịch sử giữa các quốc gia phải xem như những cái hố, hay vết hằn lịch sử. Cách xử lý một cách đàng hoàng là không được phép lấp nó đi. “Nếu thực tình muốn hướng tới tương lai, ta cần bắc cầu đi qua hố ngăn cách đó. Đường đi vẫn thênh thang trên cây cầu đàng hoàng, nhưng ta vẫn nhìn thấy cái hố đúng như nó có, không to hơn, không hẹp hơn” - Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định với Lao Động về cuộc chiến biên giới năm 1979.
Duy nhất Trung Quốc nói Việt Nam nổ súng tấn công
- Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - mà ông là thành viên - dự kiến sẽ có một lễ tưởng niệm sự kiện chiến tranh biên giới ngày 17.2.1979. Ông có thể cho biết chi tiết?
- Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về đề tài này. Sự kiện này chúng ta chưa tổ chức bao giờ, nên đây sẽ là lần đầu tiên. Vì vậy, chúng tôi dự kiến không trọng quy mô, mà trọng chiều sâu, nêu đúng bản chất của vấn đề. Chủ trương của Hội Sử học là dứt khoát phải thể hiện quan điểm.
Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh. Chúng tôi đã tiếp cận với rất nhiều bậc lão thành cách mạng, họ rất khắc khoải về cuộc chiến biên giới 1979.
Ban Bí thư cũng đã quyết định biên soạn bộ lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - mà chúng tôi gọi là bộ Quốc sử, tập trung những nhà sử học hàng đầu của Việt Nam. Một trong những nguyên tắc là không được bỏ qua các sự kiện lịch sử hàng đầu, trong đó có cuộc chiến biên giới 17.2.1979.
Tới đây, các sự kiện như Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh chiếm, hay việc Trung Quốc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979 cũng sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc.
- Từ góc độ một nhà sử học, Giáo sư đánh giá như thế nào về cuộc chiến biên giới Việt-Trung?
- Sự kiện 1979 cũng có những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng nằm trong chuỗi của lịch sử, vào thời kỳ Trung Quốc muốn thể hiện mình có một vị thế nào đó ở Châu Á, hay bộc lộ một chính sách quan hệ quốc tế của họ. Sự kiện 17.2.1979, khi Trung Quốc đưa tới 600.000-700.000 quân tấn công trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam, không thể diễn giải khác đi được, ngoài việc đây là cuộc chiến tranh xâm lược hay cuộc tấn công vào Việt Nam.
Trên thực tế, quân và dân ta đã đứng dậy, anh dũng đánh bật đạo quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Vì vậy, sự kiện 35 năm nhìn lại cuộc chiến biên giới, có lẽ cần phải được đối xử công bằng và trang trọng như một chiến thắng chống ngoại xâm trong lịch sử.
Tuy nhiên, cũng tiếp nối truyền thống cha ông, chúng ta hiểu Trung Quốc luôn có kiểu ứng xử của một nước lớn với các nước lân bang, trong đó có Việt Nam. Bài toán đặt ra là chúng ta phải thể hiện bản lĩnh của dân tộc Việt, phải để nhân dân thấy được đất nước ghi nhớ, trân trọng chiến công của những người đã ngã xuống, nhưng cũng không làm tổn hại, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Những cắc cớ trong quan hệ lịch sử giữa các quốc gia phải xem như những cái hố, hay vết hằn lịch sử. Nếu cứ giấu giếm, hay bảo rằng không có, thì đó là cách che giấu lịch sử. Điều này không chỉ không được phép, mà còn có tội với các liệt sĩ, những người đã đổ xương máu bảo vệ đất nước. Nhưng một thái độ khác, bới sâu nó ra để gây hận thù lại là xuyên tạc lịch sử. Tội này cũng không kém việc che giấu lịch sử.
Không phải khi nào “sự nhịn” cũng là “sự lành”
- Như Giáo sư nói, chúng ta cần trả lại sự thật cho lịch sử. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng đây là cuộc chiến do Việt Nam nổ súng trước. Vậy “cây cầu” này cần phải bắc sao đây?
- Việc Trung Quốc nói rằng chỉ “đối phó” cuộc tấn công của Việt Nam thì liệu ai tin được, khi chỉ trong 1 giờ, họ đưa 600.000-700.000 quân ào ào đánh bật các chốt biên giới của Việt Nam, tiến sâu vào đất liền. Nếu không phải tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, không biết cuộc chiến đó sẽ đi đến đâu.
Đó, không gì khác hơn, là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Còn chính Việt Nam mới bị động. Nếu là Việt Nam gây hấn, vì sao Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi đó lại đang đi thăm Lào? Nếu chuẩn bị cho chiến tranh, ai lại làm thế?
Về vấn đề này, chỉ có duy nhất Trung Quốc nói vậy, còn thế giới thì không. Chẳng nhẽ, tất cả thế giới sai, chỉ một mình Trung Quốc đúng? Thế giới đều nói đây là cuộc chiến tranh xâm lược, ở các mức độ khác nhau. Bởi người Việt Nam lúc đó, không có gì mong muốn hơn là một cuộc sống hòa bình, với những khó khăn sau một cuộc chiến tranh dài chồng chất, thiếu thốn lương thực và giải quyết bài toán nội bộ...
Việt Nam không có quyền lợi gì trong việc gây hấn với Trung Quốc
Chìa khóa ở đây là ta cần phải nói sự thật và chỉ sự thật mà thôi. Muốn vậy, ta phải có những nghiên cứu. Có một thời gian dài, đây là vấn đề ta cho là nhạy cảm trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho nên hầu như không được giới nghiên cứu lịch sử dân sự tiến hành nghiên cứu.
Chúng ta cần quốc tế hóa việc nghiên cứu này. Không thể chỉ là Trung Quốc đơn phương nói thế này, Việt Nam đơn phương nói thế khác. Tôi biết nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những tìm hiểu, đào sâu tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới này. Chúng ta cần liên kết lại. Còn cứ nói lấy được thì không nên.
- Thưa Giáo sư, việc Việt Nam im lặng, trong lúc Trung Quốc chỉ trích Việt Nam tấn công đã gây tổn thương quan hệ giữa hai bên, khi người dân Trung Quốc hiểu lầm về bản chất cuộc chiến, còn dư luận Việt Nam thì như đã nói ở trên. Theo ông, bài học nào cần rút ra?
- Tại diễn đàn Shangri La vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp về lòng tin chiến lược. Đó là một ý tưởng lớn và hay. Nếu Trung Quốc thực tâm, cùng Việt Nam tìm hiểu bản chất sự thật thì sẽ gây dựng được lòng tin. Song nếu cứ “tôi đúng, anh sai” thì lòng tin khó gây dựng lắm.
Cần phải hiểu rằng không phải cứ im lặng là tốt. Vì Trung Quốc sẽ sử dụng điều đó như một chứng cứ rằng “Sai rồi, nên có dám nói gì đâu”. Tôi cho rằng, sự nhịn đến không dám nói gì không phải là cách xử lý hay với Trung Quốc. Không vì thế mà họ tử tế hơn.
Điều quan trọng là ta phải có cách xử lý đĩnh đạc, đàng hoàng của một quốc gia có chủ quyền.
Một lễ kỷ niệm xứng đáng cuộc chiến biên giới 1979 sẽ thể hiện sự trân trọng với những chiến sĩ đã hy sinh, trân trọng lịch sử. Đó chính là mong mỏi của dân.
Một lễ kỷ niệm xứng đáng cuộc chiến biên giới 1979 sẽ thể hiện sự trân trọng với những chiến sĩ đã hy sinh, trân trọng lịch sử. Đó chính là mong mỏi của dân.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Việc Trung Quốc nói rằng chỉ “đối phó” cuộc tấn công của Việt Nam thì liệu ai tin được, khi chỉ trong 1 giờ, họ đưa 600.000 - 700.000 quân ào ào đánh bật các chốt biên giới của Việt Nam, tiến sâu vào đất liền. Nếu không phải tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, không biết cuộc chiến đó sẽ đi đến đâu. Đó, không gì khác hơn là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
10 tháng 2, 2016
“Đổi mới không thể tránh đụng lợi ích”
Trò chuyện đầu xuân
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không ít lần phải “đau đầu” bởi áp lực...
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
ĐẶNG HƯƠNG
Được xem là một trong những “tư lệnh ngành” có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không ít lần phải “đau đầu” bởi áp lực từ chính những vấn đề đổi mới do bộ mình khởi xướng trong nhiệm kỳ 5 năm chủ trì ngành kế hoạch và đầu tư.
Đổi mới thể chế chính là điểm sáng
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) tổ chức tháng 12/2015, các nhà tài trợ nhận định, 5 năm qua là giai đoạn quan trọng của Việt Nam với việc tiến hành một đợt đổi mới lần hai nhằm hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhìn lại chặng đường này, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào?
5 năm qua, chúng ta đã khởi động nhiều chương trình với rất nhiều cố gắng từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ tới các cơ quan hữu quan, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế để phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế ở Việt Nam.
Với sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã có bước chuyển mạnh mẽ bắt đầu từ Hiến pháp 2013, tổ chức bộ máy Chính quyền Trung ương, địa phương cho tới việc sửa đổi hàng loạt các bộ luật quan trọng như Luật Dân sự, hình sự cho tới các luật kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý Tài sản vốn nhà nước... Tất cả các bộ luật này đều hướng theo tiến bộ với tinh thần đổi mới rất cao.
Tuy vậy, tất cả những cố gắng này là chưa đủ, bởi vấn đề then chốt nhất là phải hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các nhân tố thị trường một cách đầy đủ theo hướng thị trường hiện đại.
Hơn nữa, trong hàng loạt các luật vừa được thông qua cũng mới chỉ dừng lại ở một số điểm đổi mới nhất định, cần phải tiếp tục hoàn thiện theo các tầng nấc phát triển của Việt Nam.
Dẫu vậy, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể đánh giá trong giai đoạn này, đổi mới thể chế chính là điểm sáng của Việt Nam.
Được xem là một trong những bộ trưởng có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, cá nhân Bộ trưởng có chịu sức ép về điều này trong thời gian qua hay không?
Tôi nghĩ mình không chịu nhiều sức ép, bởi bên cạnh tôi có rất nhiều lãnh đạo cấp cao từ Đảng, Quốc hội tới Chính phủ đều ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Và tôi nghĩ rằng, những đổi mới được kiểm chứng, đem lại lợi ích cho đất nước, cho dân tộc nhất định sẽ được ủng hộ.
Dẫu vậy, đổi mới thì không thể tránh khỏi đụng chạm lợi ích nên phản đối gay gắt lắm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì thế cũng chịu không ít áp lực và cá nhân tôi lại càng chịu áp lực nhiều hơn trong quá trình soạn thảo luật.
“Tôi thanh thản lắm!”
Đầu tiên, với sự ra đời của Chỉ thị 1792/CT-TTg vào thời điểm tháng 10/2011 nhằm kiểm soát “căn bệnh” đầu tư dàn trải, Bộ trưởng có cảm thấy sức ép không khi lúc đó các dự án đầu tư công thực sự nở rộ?
Khi Chỉ thị 1792 ra đời vào tháng 10/2011, thời điểm để làm kế hoạch cho năm 2012, các địa phương gần như bị choáng váng, vì chưa bao giờ có quy định chặt như thế này. Nhiều dự án bị buộc phải phanh lại và địa phương kêu ca hàng loạt dự án bị dở dang.
Nhưng đến giờ các địa phương lại không “ghét” mà nhiều người thậm chí còn “yêu” nó. Tôi nói có căn cứ. Nhiều địa phương từ bí thư, chủ tịch tỉnh tới các sở ban ngành khi gặp tôi đều bày tỏ mong muốn tôi tiếp tục đóng góp cho ngành, cho dù họ là đối tượng bị “thít chặt”.
Các địa phương đã hiểu được rằng trong điều kiện hiện nay của đất nước không thể làm khác được, không thể để lại nợ đọng, để lại hậu quả kinh tế cho địa phương. Tôi vui vì lúc đầu áp lực là rất lớn nhưng lúc này thì mình lại được yêu quý. Tôi thanh thản lắm!
Tư tưởng đổi mới của Bộ trưởng cũng gặp không ít thách thức khi Luật Đầu tư công và 5 nghị định xử lý nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản ra đời nhưng vẫn có địa phương dường như đã “lờ” vấn đề này?
Nợ đọng ngân sách Trung ương cơ bản được giải quyết trong 5 năm tới bởi có nghị quyết của Chính phủ với những kế hoạch rất chi tiết.
Vốn Trung ương là do Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nên hoàn toàn có thể kiểm soát nguồn vốn này để không tạo ra nợ công. Hơn nữa với các chế tài của luật thì các bộ, ngành và địa phương sẽ không có cơ hội để làm công trình khi không có tiền, từ đó sẽ làm trong sạch ngân sách cấp Trung ương.
Nhưng ngân sách địa phương thì chắc chắn phải mất thời gian hơn vì chưa có đủ chế tài để quản lý trong khi Hiến pháp, pháp luật lại trao quyền cho địa phương quản lý, sử dụng vốn này.
Nhưng rõ ràng nếu ngân sách Trung ương cho địa phương bị thít chặt sẽ tác động trực tiếp đến quyết định của địa phương nên địa phương có xu hướng làm tốt điều này trong tương lai.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải cảnh báo là địa phương đang chạy theo thành tích như tình trạng xây dựng nông thôn mới vừa qua, các xã vẫn bất chấp vay nợ để xây dựng. Phải có thời gian để tiếp tục đánh giá và kiểm soát vấn đề này.
Pháp luật tốt, bộ máy không tốt thì cũng không hiệu quả
Chuyển từ “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”, Luật Doanh nghiệp thể hiện rất rõ tư tưởng đổi mới. Song tinh thần đổi mới của luật có thể bị hạn chế bởi vấn đề thực thi như nhiều quan ngại được đưa ra gần đây. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Chúng ta bỏ rất nhiều tâm huyết để xây dựng luật tốt nhưng tư tưởng của luật có đi vào cuộc sống được hay không còn bị hạn chế bởi vấn đề thực thi pháp luật của Việt Nam chưa được tốt.
Điều này là sự thật hiển nhiên và ai ai cũng có thể nhìn thấy. Luật chúng ta xây dựng đều với tinh thần đổi mới, cải cách minh bạch hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư... nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn của ta còn nhiều chỗ chưa rõ ràng.
Hơn nữa, vấn đề thực thi ở cấp cơ sở, cấp người thực hiện lại đi rất xa tư tưởng làm luật cho nên ngay vấn đề hiểu luật còn chưa được thống nhất. Chất lượng bộ máy cán bộ, công chức cũng là vấn đề phải bàn.
Nếu họ toàn tâm, toàn ý phục vụ cho doanh nghiệp, người dân thì chắc chắn tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Chứ nếu còn lợi dụng khe hở của pháp luật, đặt ra điều kiện để hành doanh nghiệp, người dân thì doanh nghiệp và người dân vẫn còn khó.
Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 và 2015 đã nói rất rõ ràng để cải thiện môi trường đầu tư phải giảm số giờ nộp thuế, tiếp cận điện năng, đăng ký doanh nghiệp... nhưng ở đâu đó, doanh nghiệp vẫn phàn nàn là thủ tục làm vẫn còn vướng mắc.
Chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, xây dựng chế tài để lựa chọn người tài, người tốt vào bộ máy công chức nhà nước và loại thải cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, gây khó cho doanh nghiệp, người dân.
Pháp luật tốt, bộ máy không tốt thì cũng sẽ không có hiệu quả.
Tư tưởng đổi mới trong kinh doanh đã không được cải thiện như mong muốn, bởi xuất hiện tình trạng “đẻ” thêm giấy phép con. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực. Ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đều được công bố rộng rãi trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.
Nhưng không thể trông đợi một luật mà có thể xóa bỏ cơ chế xin-cho “ăn sâu, bám rễ” trong đầu từng cán bộ. Hiện giờ, các bộ ngành vẫn đưa ra các văn bản chuyên ngành để đặt ra các điều kiện áp đặt trong kinh doanh.
Cũng phải nói thẳng là điều kiện kinh doanh mục đích là để đảm bảo chất lượng phát triển tốt hơn, đảm bảo cuộc sống người dân chứ không phải là để gây khó dễ cho doanh nghiệp. Có điều là những gì mang tính chất cấm đoán quyền kinh doanh trái với pháp luật thì phải hạn chế.
Việc “đẻ” thêm những giấy phép con là không đúng với tinh thần này.
Chính phủ vừa qua đã thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp 2014. Chúng tôi cũng chuẩn bị tiến hành đợt kiểm tra, rà soát vào đầu năm 2016 để xem có bao nhiêu giấy phép con kể từ khi luật ra đời.
Nhưng có thể nói tư tưởng luật rất mới nên quá trình thực hiện luật còn phải xem xét nhiều yếu tố, song căn bản nhất là có hệ thống pháp luật quy định minh bạch.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng nghĩ thế nào về thực hiện mục tiêu “đưa môi trường đầu tư của Việt Nam ngang bằng với các nước ASEAN 4”?
Chính phủ đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể là đưa môi trường đầu tư của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 4 trong thời gian tới. Đây là mục tiêu rất tham vọng.
Tôi cho rằng, trên cơ sở văn bản khung pháp lý quy định các điều kiện, tiêu chí ngang bằng các nước ASEAN 4 nhưng để triển khai các quy định này thông thoáng đúng với thực tế thì rất khó khăn.
Đây là thách thức rất lớn trong điều hành chính sách. Nếu không có đột phá trong chấn chỉnh xử lý cơ quan thi hành pháp luật thì chắc chắn không thể đạt được mục tiêu này.
Đổi mới thể chế chính là điểm sáng
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) tổ chức tháng 12/2015, các nhà tài trợ nhận định, 5 năm qua là giai đoạn quan trọng của Việt Nam với việc tiến hành một đợt đổi mới lần hai nhằm hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhìn lại chặng đường này, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào?
5 năm qua, chúng ta đã khởi động nhiều chương trình với rất nhiều cố gắng từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ tới các cơ quan hữu quan, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế để phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế ở Việt Nam.
Với sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã có bước chuyển mạnh mẽ bắt đầu từ Hiến pháp 2013, tổ chức bộ máy Chính quyền Trung ương, địa phương cho tới việc sửa đổi hàng loạt các bộ luật quan trọng như Luật Dân sự, hình sự cho tới các luật kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý Tài sản vốn nhà nước... Tất cả các bộ luật này đều hướng theo tiến bộ với tinh thần đổi mới rất cao.
Tuy vậy, tất cả những cố gắng này là chưa đủ, bởi vấn đề then chốt nhất là phải hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các nhân tố thị trường một cách đầy đủ theo hướng thị trường hiện đại.
Hơn nữa, trong hàng loạt các luật vừa được thông qua cũng mới chỉ dừng lại ở một số điểm đổi mới nhất định, cần phải tiếp tục hoàn thiện theo các tầng nấc phát triển của Việt Nam.
Dẫu vậy, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể đánh giá trong giai đoạn này, đổi mới thể chế chính là điểm sáng của Việt Nam.
Được xem là một trong những bộ trưởng có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, cá nhân Bộ trưởng có chịu sức ép về điều này trong thời gian qua hay không?
Tôi nghĩ mình không chịu nhiều sức ép, bởi bên cạnh tôi có rất nhiều lãnh đạo cấp cao từ Đảng, Quốc hội tới Chính phủ đều ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Và tôi nghĩ rằng, những đổi mới được kiểm chứng, đem lại lợi ích cho đất nước, cho dân tộc nhất định sẽ được ủng hộ.
Dẫu vậy, đổi mới thì không thể tránh khỏi đụng chạm lợi ích nên phản đối gay gắt lắm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì thế cũng chịu không ít áp lực và cá nhân tôi lại càng chịu áp lực nhiều hơn trong quá trình soạn thảo luật.
“Tôi thanh thản lắm!”
Đầu tiên, với sự ra đời của Chỉ thị 1792/CT-TTg vào thời điểm tháng 10/2011 nhằm kiểm soát “căn bệnh” đầu tư dàn trải, Bộ trưởng có cảm thấy sức ép không khi lúc đó các dự án đầu tư công thực sự nở rộ?
Khi Chỉ thị 1792 ra đời vào tháng 10/2011, thời điểm để làm kế hoạch cho năm 2012, các địa phương gần như bị choáng váng, vì chưa bao giờ có quy định chặt như thế này. Nhiều dự án bị buộc phải phanh lại và địa phương kêu ca hàng loạt dự án bị dở dang.
Nhưng đến giờ các địa phương lại không “ghét” mà nhiều người thậm chí còn “yêu” nó. Tôi nói có căn cứ. Nhiều địa phương từ bí thư, chủ tịch tỉnh tới các sở ban ngành khi gặp tôi đều bày tỏ mong muốn tôi tiếp tục đóng góp cho ngành, cho dù họ là đối tượng bị “thít chặt”.
Các địa phương đã hiểu được rằng trong điều kiện hiện nay của đất nước không thể làm khác được, không thể để lại nợ đọng, để lại hậu quả kinh tế cho địa phương. Tôi vui vì lúc đầu áp lực là rất lớn nhưng lúc này thì mình lại được yêu quý. Tôi thanh thản lắm!
Tư tưởng đổi mới của Bộ trưởng cũng gặp không ít thách thức khi Luật Đầu tư công và 5 nghị định xử lý nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản ra đời nhưng vẫn có địa phương dường như đã “lờ” vấn đề này?
Nợ đọng ngân sách Trung ương cơ bản được giải quyết trong 5 năm tới bởi có nghị quyết của Chính phủ với những kế hoạch rất chi tiết.
Vốn Trung ương là do Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nên hoàn toàn có thể kiểm soát nguồn vốn này để không tạo ra nợ công. Hơn nữa với các chế tài của luật thì các bộ, ngành và địa phương sẽ không có cơ hội để làm công trình khi không có tiền, từ đó sẽ làm trong sạch ngân sách cấp Trung ương.
Nhưng ngân sách địa phương thì chắc chắn phải mất thời gian hơn vì chưa có đủ chế tài để quản lý trong khi Hiến pháp, pháp luật lại trao quyền cho địa phương quản lý, sử dụng vốn này.
Nhưng rõ ràng nếu ngân sách Trung ương cho địa phương bị thít chặt sẽ tác động trực tiếp đến quyết định của địa phương nên địa phương có xu hướng làm tốt điều này trong tương lai.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải cảnh báo là địa phương đang chạy theo thành tích như tình trạng xây dựng nông thôn mới vừa qua, các xã vẫn bất chấp vay nợ để xây dựng. Phải có thời gian để tiếp tục đánh giá và kiểm soát vấn đề này.
Pháp luật tốt, bộ máy không tốt thì cũng không hiệu quả
Chuyển từ “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”, Luật Doanh nghiệp thể hiện rất rõ tư tưởng đổi mới. Song tinh thần đổi mới của luật có thể bị hạn chế bởi vấn đề thực thi như nhiều quan ngại được đưa ra gần đây. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Chúng ta bỏ rất nhiều tâm huyết để xây dựng luật tốt nhưng tư tưởng của luật có đi vào cuộc sống được hay không còn bị hạn chế bởi vấn đề thực thi pháp luật của Việt Nam chưa được tốt.
Điều này là sự thật hiển nhiên và ai ai cũng có thể nhìn thấy. Luật chúng ta xây dựng đều với tinh thần đổi mới, cải cách minh bạch hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư... nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn của ta còn nhiều chỗ chưa rõ ràng.
Hơn nữa, vấn đề thực thi ở cấp cơ sở, cấp người thực hiện lại đi rất xa tư tưởng làm luật cho nên ngay vấn đề hiểu luật còn chưa được thống nhất. Chất lượng bộ máy cán bộ, công chức cũng là vấn đề phải bàn.
Nếu họ toàn tâm, toàn ý phục vụ cho doanh nghiệp, người dân thì chắc chắn tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Chứ nếu còn lợi dụng khe hở của pháp luật, đặt ra điều kiện để hành doanh nghiệp, người dân thì doanh nghiệp và người dân vẫn còn khó.
Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 và 2015 đã nói rất rõ ràng để cải thiện môi trường đầu tư phải giảm số giờ nộp thuế, tiếp cận điện năng, đăng ký doanh nghiệp... nhưng ở đâu đó, doanh nghiệp vẫn phàn nàn là thủ tục làm vẫn còn vướng mắc.
Chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, xây dựng chế tài để lựa chọn người tài, người tốt vào bộ máy công chức nhà nước và loại thải cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, gây khó cho doanh nghiệp, người dân.
Pháp luật tốt, bộ máy không tốt thì cũng sẽ không có hiệu quả.
Tư tưởng đổi mới trong kinh doanh đã không được cải thiện như mong muốn, bởi xuất hiện tình trạng “đẻ” thêm giấy phép con. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực. Ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đều được công bố rộng rãi trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.
Nhưng không thể trông đợi một luật mà có thể xóa bỏ cơ chế xin-cho “ăn sâu, bám rễ” trong đầu từng cán bộ. Hiện giờ, các bộ ngành vẫn đưa ra các văn bản chuyên ngành để đặt ra các điều kiện áp đặt trong kinh doanh.
Cũng phải nói thẳng là điều kiện kinh doanh mục đích là để đảm bảo chất lượng phát triển tốt hơn, đảm bảo cuộc sống người dân chứ không phải là để gây khó dễ cho doanh nghiệp. Có điều là những gì mang tính chất cấm đoán quyền kinh doanh trái với pháp luật thì phải hạn chế.
Việc “đẻ” thêm những giấy phép con là không đúng với tinh thần này.
Chính phủ vừa qua đã thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp 2014. Chúng tôi cũng chuẩn bị tiến hành đợt kiểm tra, rà soát vào đầu năm 2016 để xem có bao nhiêu giấy phép con kể từ khi luật ra đời.
Nhưng có thể nói tư tưởng luật rất mới nên quá trình thực hiện luật còn phải xem xét nhiều yếu tố, song căn bản nhất là có hệ thống pháp luật quy định minh bạch.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng nghĩ thế nào về thực hiện mục tiêu “đưa môi trường đầu tư của Việt Nam ngang bằng với các nước ASEAN 4”?
Chính phủ đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể là đưa môi trường đầu tư của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 4 trong thời gian tới. Đây là mục tiêu rất tham vọng.
Tôi cho rằng, trên cơ sở văn bản khung pháp lý quy định các điều kiện, tiêu chí ngang bằng các nước ASEAN 4 nhưng để triển khai các quy định này thông thoáng đúng với thực tế thì rất khó khăn.
Đây là thách thức rất lớn trong điều hành chính sách. Nếu không có đột phá trong chấn chỉnh xử lý cơ quan thi hành pháp luật thì chắc chắn không thể đạt được mục tiêu này.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)